Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Công nhân về hưu thành... người nghèo - Bài 1: Hụt hẫng lương hưu


Hết tuổi lao động, bạn sẽ sống như thế nào với mức lương hưu chỉ trên 1 triệu đồng mỗi tháng, tương đương khoảng 35.000 đồng/ngày? Hơn 20 năm kể từ thời điểm có các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đi vào hoạt động (đầu những năm 1990) đến nay, một bộ phận công nhân đã đến tuổi hưu trí. Sau hàng chục năm lao động vất vả, giờ đây, theo quy định hiện hành, nhiều công nhân được hưởng lương hưu với mức tương đương… chuẩn nghèo của TPHCM. Thời gian tới, khi công nhân khu vực ngoài nhà nước về hưu ồ ạt, TPHCM cũng như cả nước sẽ phải đối mặt với những thách thức như thế nào trong việc đảm bảo an sinh xã hội? Giải pháp nào để giúp một bộ phận công nhân hết tuổi lao động bớt khó khăn? Phòng ngừa tình trạng nghèo khi về hưu như thế nào?

Báo SGGP xin chuyển đến quý bạn đọc và cơ quan hữu quan vấn đề đáng lo ngại trên qua loạt bài “Công nhân về hưu thành… người nghèo”.

“Sốc!” - là cảm giác của bà Trần Thị Việt Nga (56 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) khi biết lương hưu của mình chỉ hơn 1,1 triệu đồng/tháng. Sau 24 năm tham gia bảo hiểm xã hội, ngày 15-8-2013, bà lặng người khi nhận quyết định hiển thị mức lương hưu của mình. Bà gượng nói vui: “Ngày nào tôi chỉ cần ăn một tô hủ tiếu giá trung bình trong khu vực tôi ở, trung tâm TP, là coi như ngày ấy nhịn đói hai bữa còn lại!”.
Thấp hơn... chuẩn nghèo
Ngày 1-9-2013, bà Trần Thị Việt Nga, nguyên Cửa hàng trưởng Công ty cổ phần Viễn Liên, lẳng lặng đi nhận lương hưu lần đầu. Nỗi buồn khi người chồng vừa qua đời trước đó 2 tháng chưa nguôi, bà lại thêm sốc lúc nhận lương hưu bèo bọt. Với mức lương hưu 1,1 triệu đồng/tháng, mọi chi tiêu của bà đều phải tính toán lại hết sức chi li. Bà tự đặt ra mức tiêu tối đa 35.000 đồng/ngày. Bà thừa nhận, ở trung tâm TP mà giới hạn chi tiêu chừng đó mỗi ngày thật sự rất khó.

“Tôi chỉ mong bệnh mình đừng diễn tiến nữa chứ không sẽ bế tắc!” - ông Châu Văn Xê (57 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nói giọng buồn bã. Những ngày này ông thường xuyên phải ghé Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5) thăm khám. Bệnh tiểu đường gần chục năm nay khiến ông ngày càng teo tóp. “Tôi ăn ngủ khó, khổ lắm nhưng phải cố gắng gượng để cha mẹ tôi an tâm” - ông Xê thổ lộ.

Ông Châu Văn Xê là nhân viên của Khách sạn Kim Đô (quận 1). Tháng 11-2013, giống như bà Nga, lúc nhận quyết định nghỉ hưu, ông bị sốc mạnh. Quyết định hiện lên con số lạnh lùng: lương hưu hàng tháng 950.000 đồng. Mức lương hưu ông được hưởng còn ít hơn cả mức lương tối thiểu chung (còn gọi mức lương cơ sở). Vì thế ông Xê được bù thêm 200.000 đồng cho bằng mức lương tối thiểu chung, tức 1.150.000 đồng/tháng.
Không có gia đình riêng, không con cái, chính ông Xê không ngờ khi mình sang dốc bên kia của tuổi đời thì lại quay về… nương nhờ cha mẹ. Cả gia đình cùng sống tằn tiện, lương hưu của ông còn không đủ đi lại khám bệnh, bù tiền thuốc thang. Quá khó khăn, gia đình ông đã bán căn nhà ở phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) và chuyển ra khu xa trung tâm TP sinh sống.

Bà Huỳnh Muối (61 tuổi, ngụ quận 11) từng là công nhân khâu kiểm hàng của Công ty liên doanh ASC Charwie (quận Thủ Đức), về già rồi mà cũng chưa hết lận đận. Năm 2010 bà nghỉ việc. Lúc đó đã 57 tuổi, có 17 năm 2 tháng tham gia BHXH, tức chưa đủ điều kiện hưởng hưu trí (20 năm tham gia BHXH). Sau đó, bà đóng BHXH tự nguyện thêm 3 năm nữa và từ tháng 7-2013, bà hưởng lương hưu 1.020.000 đồng/tháng! Hiện nay, lương hưu của bà Muối được cải thiện chút ít, ở mức 1.118.000 đồng/tháng.

So với chuẩn nghèo của TPHCM hiện là 16 triệu đồng/người/năm (tức 1,3 triệu đồng/người/tháng), có thể thấy, nhiều công nhân về hưu đang sống với khoản lương hưu còn thấp hơn chuẩn nghèo của TP.
Nhọc nhằn mưu sinh
Nằm sâu trong một con hẻm ở đường Lãnh Binh Thăng (quận 11), căn nhà nhỏ xíu của bà Huỳnh Muối trống trải, vật giá trị nhất là chiếc tivi cũ và cái quạt máy. Ngồi xoa dầu nóng cho chân tay đỡ ê ẩm, bà Muối nói vừa đi giúp việc về. “Ai kêu gì tôi làm nấy, từ giúp việc nhà, rửa chén bát… Nhưng có tuổi rồi nên tối về đau nhức khắp người. Mấy bữa nay trở bệnh lại…”- bà Muối bỏ lửng câu nói. Thiếu thốn, dầu nóng trở thành “thuốc bôi chữa bá bệnh” của người phụ nữ mải miết làm lụng quên lập gia đình, giờ đã đi qua 60 năm cuộc đời, hết tuổi lao động mà vẫn tiếp tục những ngày vất vả.
Ở tuổi 65, bà Vũ Thị The vẫn làm việc mong có thêm thu nhập. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cũng không có gia đình riêng, những ngày cuối năm 2012, bà Vũ Thị The (65 tuổi, ngụ quận Tân Bình) rơm rớm nước mắt nhận quyết định hưu trí, với mức lương hưu 792.000 đồng/tháng. Bà được bù thêm 258.000 đồng cho bằng mức lương tối thiểu chung (1.050.000 đồng) ở thời điểm đó. Không biết sống như thế nào với lương hưu ít như thế, ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, bà The lại xin lãnh đạo Công ty TNHH Mountech tiếp tục được làm công việc rải hàng (mang vật liệu may phát cho công nhân trong chuyền), mong có thêm đồng ra đồng vào.
Là một trong ít công ty đầu tiên ở lĩnh vực may mặc bắt đầu có công nhân về hưu, song trước tình cảnh khó khăn của họ, Tổng giám đốc Mountech đã nhận bà The và 10 người đồng cảnh tiếp tục làm việc. Tương tự, bà Trần Thị Việt Nga cũng tiếp tục đến công ty làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Rất buồn vì lương hưu thấp, nhiều công nhân về hưu như ông M.V.A. (61 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), nguyên công nhân Công ty TNHH nước uống tinh khiết Sài Gòn (Sapuwa); ông V.V.T. (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), nguyên công nhân Công ty CP Sản xuất - xây dựng - thương mại Đức Tân; ông G.K.N. (ngụ quận Thủ Đức), nguyên công nhân bốc xếp kho lạnh của Công ty liên doanh Thủy sản Việt Nga, đã từ chối tiếp chuyện, hoặc yêu cầu phóng viên viết tắt tên. Đầu năm 2013, ông T. lãnh lương hưu tháng đầu tiên chỉ có 575.000 đồng và ở mức 1.057.000 đồng vào tháng 6-2014. “Hàng tháng ghé phường lãnh lương hưu mà tôi không dám nói chuyện với ai về tiền bạc. Ai hỏi, tôi cũng chỉ cười trừ” - ông T. kể.
Quá ngại ngùng, mới đây, ông A. đã yêu cầu chuyển lương hưu qua thẻ ATM để hàng tháng đỡ phải giáp mặt người quen biết trong phường nếu đi lãnh lương hưu trực tiếp. Tuổi cao, sức giảm, hàng ngày ông N. vẫn xoay xở làm lụng hết việc này đến việc khác kiếm cái ăn cho gia đình. Ông A. và vợ chuyển sang nhận gia công hàng may mặc. Ông T. vẫn chờ mong người dân xung quanh kêu chạy xe, chở hàng.
San sẻ khó khăn với công nhân về hưu, nhiều doanh nghiệp đã nhận họ trở lại làm việc ngắn hạn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ảnh hưởng tâm lý
Không những bản thân công nhân về hưu bị sốc mà nhiều công nhân đang làm việc rất hụt hẫng khi chứng kiến đồng nghiệp lớn tuổi nhận đồng lương hưu bèo bọt. Bà Vũ Thị The và đồng nghiệp cho biết, bà là công nhân đầu tiên trong công ty nghỉ hưu trí, mọi người ai cũng quan tâm, háo hức hỏi thăm mức lương hưu của bà. Hay tin, anh chị em công nhân chỉ biết động viên nhau.

Cùng làm ở Công ty Sapuwa, thấy chồng được hưởng lương hưu chỉ hơn 1,1 triệu đồng, vợ ông M.V.A. (đã làm việc và đóng BHXH được 19 năm 10 tháng) liền làm đơn xin nghỉ việc, đề nghị hưởng “một cục” (chế độ BHXH một lần).
Biết lãnh “một cục” là không nên, khó bảo toàn tiền và cả chặng đường đời tuổi già còn dài phía trước sẽ không biết trông cậy vào đâu, nhưng vợ ông M.V.A. vẫn quyết định nghỉ việc, dù chỉ cần tiếp tục 2 tháng nữa là đủ điều kiện hưởng lương hưu (20 năm đóng BHXH). Vợ ông M.V.A. kể, thấy những đồng nghiệp đầu tiên được hưởng lương hưu quá thấp, công nhân trong công ty rất xôn xao và buồn.
ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP