Cách đây 60 năm, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được kí kết. Đây là kết quả 9 năm kháng chiến anh dũng, gian khổ với bao mất mát hi sinh của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân ba nước Đông Dương nói chung. Tuy nhiên, thắng lợi đã không trọn vẹn do bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, đặc biệt do những âm mưu, ý đồ xấu xa của”người bạn lớn” Trung Quốc.
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia đi vào giai đoạn quyết định, vấn đề giải pháp cho cuộc chiến tranh đã được đặt ra. Ngay từ lúc đó, tháng 8/1953, Chu Ân Lai đã tuyên bố: “Đình chiến ở Triều Tiên (có nghĩa là duy trì chia cắt Triều Tiên làm hai miền) có thể dùng làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác”.
Tháng 4/1954, khi phía Pháp đã không còn muốn một hành động quân sự nào nữa và cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương đứng trước triển vọng giành được thắng lợi trọn vẹn, trong cuộc họp giữa các đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Geneva, Chu Ân Lai răn đe: “Trung Quốc không thể công khai giúp Việt Nam được trong trường hợp cuộc xung đột ở đây mở rộng”.
Quang cảnh Hội nghị Geneva |
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đến Geneva với lập trường rất rõ ràng: Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân về nước; các nước phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào, Campuchia tham gia như các bên đàm phán; Lào có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến ở phía Bắc giáp Trung Quốc – Việt Nam và ở Trung Hạ Lào; lực lượng kháng chiến Campuchia cũng có hai vùng tập kết ở Đông – Đông Bắc và phía Tây Nam sông Mekong.
Tuy nhiên, lấy thế là nước viện trợ chủ yếu cho Việt Nam, vin cớ “làm thất bại sự phá hoại của Mỹ”, và lợi dụng việc Pháp không muốn đàm phán trên thế yếu với Việt Nam, Trung Quốc đã tự đứng ra thương lượng trực tiếp với Pháp về các giải pháp cho chiến tranh và chủ động đưa ra những điều kiện nhân nhượng với Pháp mà không tham khảo ý kiến của Việt Nam.
Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề quân sự trước mà không nói gì đến giải pháp chính trị; chủ trương chia cắt lâu dài Việt Nam làm hai miền với giới tuyến có lợi cho Pháp (thậm chí đưa ra phương án bỏ cả Thủ đô Hà Nội, đường số 5 và Hải Phòng); không đồng ý để đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia đến Hội nghị Geneva cùng với đại biểu Việt Nam đàm phán với Pháp; công nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia (tay sai Pháp), đòi quân đội nước ngoài rút khỏi Lào và Campuchia mà không nói gì đến bảo vệ thành quả cách mạng của hai nước này… Đổi lại những nhân nhượng ấy, Trung Quốc chỉ yêu cầu Pháp không để có căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Dương.
Ngày 30/5/1954, trong bức điện gửi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và sao gửi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chu Ân Lai đã đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến hai miền, “nếu không được thì sẽ lấy Hải Phòng làm hải cảng tự do cho Pháp đóng một số quân ở gần đấy, nếu không được nữa thì thì đem đường số 5, Hà Nội và Hải Phòng làm khu công quản và phi quân sự…”.
Ngày 17/6/1954, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Pháp Bidault, Chu Ân Lai đưa ra ý kiến: “Trung Quốc có thể chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền (Việt Nam DCCH và Chính phủ Bảo Đại); công nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchia, từ bỏ yêu cầu có đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia Hội nghị, quân đội nước ngoài kể cả quân tình nguyện Việt Nam phải rút khỏi Lào và Campuchia”.
Ngày 23/6, Chu Ân Lai lại nói với Trưởng đoàn Pháp Mandes France: “Chia Việt Nam thành hai miền cùng tồn tại hòa bình, giải quyết vấn đề quân sự trước (không nói gì đến vấn đề chính trị), tách rời giải quyết vấn đề Lào, Campuchia với vấn đề Việt Nam. Trung Quốc sẵn sàng công nhận ba nước này trong Khối Liên hiệp Pháp… Đổi lại, Trung Quốc chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Dương”.
Đầu tháng 7/1954, trong cuộc gặp tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chí ít phải giành cho được vĩ tuyến 16 như đã có tiền lệ khi Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật năm 1945, Chu Ân Lai trả lời: “… Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17, mong Hồ Chủ tịch chú ý vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tranh thủ cho được hòa bình và những điều kiện để hòa bình thống nhất Việt Nam”.
Ngày 10/7/1954, Chu Ân Lai điện gửi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gây sức ép: “… Có những điều kiện công bằng và hợp lí để Chính phủ Pháp có thể nhận được để đi đến Hiệp định trong vòng 10 ngày. Điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp, lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại”.
3 giờ 45 phút ngày 21/7/1954, ba hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được kí kết; ngày hôm sau công bố Tuyên bố chung của Hội nghị gồm 13 điểm. Bên cạnh những kết quả và thắng lợi quan trọng, do sự thỏa hiệp của các nước lớn với vai trò chủ yếu của Trung Quốc, Hiệp định Geneva chưa phải là một thắng lợi trọn vẹn cho cả Việt Nam, Lào và Campuchia.
Chỉ bằng một nét bút, Việt Nam đã bị chia cắt giả tạo thành hai miền; giới tuyến phân vùng chưa thật thỏa đáng; thời gian tổng tuyển cử lùi đến 2 năm nhưng rồi cũng bị phá bỏ. Chỉ giành được khu tập kết cho Pa-thét Lào ở hai tỉnh, không đạt được việc điều chỉnh vùng đóng quân cho Khơ-me It- xa-rắc. Chính điều này đã gây những “lăn tăn”, hiểu nhầm cho phía bạn Campuchia trong một thời gian dài.
Ngày 22/7/1954, 24 giờ sau khi Hiệp định được ký kết, Chu Ân Lai tổ chức bữa cơm tối, mời đại biểu Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và đại biểu hai miền Bắc, Nam Việt Nam. Tại bữa cơm, Chu Ân Lai nói với đại biểu Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Luyện: “Tại sao không đặt một cơ quan đại diện (nguyên văn là “công sứ quán”) tại Bắc Kinh”? Khi thấy đồng chí Phạm Văn Đồng giật mình vì đề xuất bất ngờ này, Chu Ân Lai nói tiếp: “Tất nhiên Phạm Văn Đồng gần gũi hơn chúng tôi về mặt tư tưởng nhưng điều đó không loại trừ việc có đại diện Nam Việt Nam tại Bắc Kinh”.
Bình luận về ý đồ của Trung Quốc tại Hội nghị Geneva, Paul Mus, nguyên Cố vấn Cao ủy Đông Dương của Pháp đồng thời là một học giả nổi tiếng về Việt Nam nói: “Trung Quốc nhân nhượng với Pháp là không để cho Việt Nam làm chủ hoàn toàn Đông Dương”. Trong cuốn Kẻ thù anh em, nhà sử học Nayan Chanda viết: “Trung Quốc ủng hộ sự tồn tại của hai Việt Nam và nói chung mong muốn có một đa quốc gia tại biên giới của nó. Trung Quốc muốn bằng mọi cách duy trì một Đông Dương bị chia cắt và không có các cường quốc lớn ở đây”.
Thiết nghĩ, không cần phải bình luận gì thêm!