Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Nhớ cha đẻ Dế mèn

ba_nguoi_khac
Dế mèn của cha không phân Nam Bắc
Năm 1975 đến khi tuổi thơ tôi đã qua đi. Khi cái lòng con trẻ không còn, nhẽ ra tôi đã không có cơ hội say sưa với “Dế mèn phiêu lưu ký” như bao thế hệ nhi đồng Việt Nam. Nhưng may mắn thay, khi 1975 chưa đến, thì các nhà xuất bản Sài Gòn hồi đó đã in “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, cũng như “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân… Tương tự, người miền Nam hồi đó không ngần ngại, không bị cấm đoán để say mê những giai điệu bất hủ của “Trương Chi”, “Thiên thai”, “Suối mơ”… của Văn Cao…
Người ta không ngại những tác phẩm của những tác giả bên kia chiến tuyến, miễn là nó…hay.
Mà đến cả quốc ca của Việt Nam Cộng Hoà hồi đó cũng là ca khúc “Tiếng gọi Thanh niên” của Lưu Hữu Phước, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin văn hoá của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, thì sá gì mấy tác phẩm văn chương kia?
Ngẫm cho cùng, một nền văn hoá dày dạn, minh sáng thì đầy tự tin để không cấm đoán vô lối, không sợ hãi những văn nghệ sĩ không cùng chính thể, không chung ý thức hệ.
Tôi may mắn khi lớn lên trong nền văn hoá ấy, nên tuổi thơ tôi cũng được đắm mình với những trang sách mù sương của một đồng bằng Bắc bộ chưa hề biết đến.
“Cái Cò, cái Vạc, cái Nông . Ba cái cùng béo vặt lông cái nào?
Vặt lông con mụ Cốc cho tao. Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn”

Những cò, vạc, bồ nông… ấy đã đi vào giấc mộng lành của biết bao đứa trẻ miền Nam hồi ấy, nhờ văn tài nhân hậu của bác Tô Hoài.


“Ba người khác” và cái án của con
Trong một giờ lịch sử ở nhà trường phổ thông cách mạng, khi cô giáo đang giảng thao thao bất tuyệt về “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc vào thập niên 50, con trai tôi buột miệng nói lớn: “sao ác quá vậy cô?” (?)
Dẫu là lời con trẻ, nhưng dễ dàng hình dung được những gì xảy ra với chú nhóc nhà tôi sau lời cảm thán chẳng mấy thuận tai đó.
Mà cấm cháu nó than trời sao được, khi tủ sách của gia đình tôi đã có cuốn “Ba người khác”, cũng của Tô Hoài do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành chính thức. Tác giả, nhân vật xưng tôi trong truyện, kể lại những trải nghiệm bản thân trong cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất”. Như một chứng nhân, với vai trò đội phó đội cải cách, về nông thôn “xâu chuỗi, bắt rễ”, ngòi bút lão luyện của Tô Hoài kể lại lạnh lùng, thực thà cái thực tế bi thảm cùng cực của những ngày tột cùng đen tối đó.


Người ta thi đua đấu nhau, tố nhau, giết cha, tố mẹ.


 Trial of a Bourgeois Landowner


Người ta thành thực hoan hỉ khi làm việc đại ác.
Người ta sung sướng chia nhau “quả thực”, mà bản chất là cướp bóc, chia chác tài sản của một vài gia đình có của ăn của để bị chụp cho cái mũ phú nông.
Người ta tranh nhau “than nghèo, kể khổ” để được cái tiếng “thành phần cơ bản”, và để đổ lỗi cái sự nghèo khổ đó cho những hàng xóm, đồng bào không chút liên quan.
Người ta thật thà tin tưởng đám lúa trồng dưới thời xã hội chủ nghĩa sẽ dày đặc, tươi tốt đến độ có thể nằm, hay đi bộ lên trên. Và hùng hục kéo quạt cho lúa mát, khỏi chết héo vì trồng quá dày đặc (?)
Người ta đập phá đình chùa miếu mạo, lấy câu đối hoành phi làm ghế ngồi. Và cả một nền văn hoá hiền hoà, nhẫn nại…, bỗng chốc hoá tan hoang, chỉ toàn sắt máu, hận thù(?)
Phải đọc “Ba người khác”, và đọc chậm, thật chậm! Để nghiền ngẫm từng chi tiết, mặc dù không tài nào hiểu được vì sao có một cuộc bể dâu điên rồ, đau đớn đến thế ở đồng bằng Bắc bộ.
4000 năm qua, quả tình lần đầu tiên mới thấy cảnh máu lệ ghê gớm, thê lương đến thế!
Cuối cùng, “cải cách ruộng đất” đã được “sửa sai”. Dẫu rằng hai chữ “sửa sai” sao mà nhẹ bỗng, so với hàng chục ngàn sinh linh vô tội đã bỏ mạng, so với một nền đạo lý, văn hoá đã bị huỷ diệt không thể nào cứu vãn cho đến tận hôm nay.
Tô Hoài, nhà văn dệt mộng cho nhi đồng, người viết truyện cổ tích đồng quê Việt, đã viết lại những ngày u ám thê lương đó.
Như một nhân chứng, như một người trong cuộc!
Như một Solzhenitsyn Việt nam, viết về “Quần đảo Gulag” dưới thời Sô Viết.
Những trang viết dữ dội đó, cũng lớn lao không kém “Dế mèn phiêu lưu ký”.


Khi Con Người nằm xuống
Tô Hoài tạ thế ở tuổi 95. Con Người nằm xuống, nhưng trang viết thì ở lại. Rất nhiều báo chí, rất nhiều lời thương tiếc dành cho tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký”. Và tôi cũng thương tiếc bác ấy nữa, như một phần của tuổi thơ tôi đã qua đi.
Nhưng trong những ngày này, rất ít ai nhắc đến, hay nhớ đến những trang viết lạnh buốt của “Ba người khác”. Mặc dù không được quên, không được phép quên những ngày đen tối đó.
Tôi không quên, và sẽ không muốn con cái tôi quên. Nên tôi sẽ dặn dò chúng đọc-hiểu “Ba người khác”. Không phải để hận thù (mà trả thù ai mới được? Và để làm gì?). Nhưng chúng phải biết những ký ức ấy, để không bao giờ lập lại những điều đại ác ấy với đồng bào mình, với dân tộc mình.
Tôi vẫn luôn tin: cách gột rửa những đau đớn của lịch sử là nhìn thẳng vào chúng, truy nguyên ra nguồn gốc để không cho phép tái diễn. Che dấu, đậy điệm… chẳng bao giờ là cách thế hay để con em chúng ta có được cái nhìn điềm đạm, khoan thứ vào lịch sử quá bất hạnh của dân tộc mình.


Nghĩ về lòng khoan dung
Thánh Kinh chép rằng, trong những giây phút cuối cùng trên thập giá, Đức Jesus Christ đã cầu nguyện cho những kẻ giết mình: “Xin Cha tha tội cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!”
Nhưng nếu “chúng” biết, và biết rất rõ “việc chúng làm”-như một chủ thuyết- thì phải làm sao, thưa Chúa nhân từ?
Sài gòn, ngày 7.7.2014