BS Nguyễn xuân Bích Huyên
Ảnh minh họa - QUÁ TẢI BỆNH VIỆN |
Trong báo chí gần 10 năm nay gần như tuần nào cũng có những câu chuyện đau lòng về ngành y mà người chịu thiệt chính là bệnh nhân. Khi đọc qua các tin tức đó lúc nào tôi cũng nghĩ trong các câu chuyện đó chắc có tình tiết nào báo chí không rõ chứ không lẽ các đồng nghiệp của mình lại làm nhiều sai sót đến như vậy?
Nhưng câu chuyện sau đây , một câu chuyện có thật, đã xảy ra cho một bác sĩ trong lớp Y ĐK 77 của tôi làm cho tôi thật sự bàng hoàng. Chị bạn tôi , bác sĩ nay đã về hưu, bỗng nhiên phát hiện mình bị K vú. Chị vội vào BV Ung bướu để điều trị. Bạn chị, một BS làm BV ung bướu có ghi giấy giới thiệu cho chị nhưng chẳng may BS đó vào ngày chị đi làm thủ tục lại đi công tác nên chị trở thành một bệnh nhân bình thường như bao nhiêu bệnh nhân khác. Chị xếp hàng làm thủ tục , phải qua nhiều khâu, mỗi khâu chị toàn bắt phải số từ 200 trở lên nên mãi đến trưa chị mới xong Tưởng là đã yên tâm nhập viện nhưng BS lại chuyển chĩ sang BV Nhân dân gia Định để làm siêu âm tim, qua bên BV Nhân dân GĐ, chị lại phải sắp hàng tiếp tục. Mang kết quả siêu âm về chị cũng mừng vì kết quả trong giới hạn bình thường (chị cũng là BS nội khoa và đã từng đọc siêu âm tim nhiều lần) nhưng khi đưa BS, không biết BS có xem kết quả không hay là không biết đọc kết quả, BS lại bắt chị quay trở lại BV Nhân Dân để khám nội khoa. BS khám tim bên BV Nhân dân xác nhận là tim bình thường . Sáng hôm sau khi nhập viên chị được một BS trẻ khám và một lần nữa chị lại hết hồn vì thấy BS đó đánh dấu vào bệnh án Vú bên phải trong khi chị bị K vú (T). Chị sợ quá , có nói với BS và BS đó xóa dâu và đánh lại vú (T) và quay sang nói với chị: thỉnh thoảng con cũng lộn hoài cô ơi! Nghe xong chị sợ quá , chỉ mong gặp được BS phẫu thuật cho mình để làm rõ chuyện này. Trong khi chờ mổ có một BS lớn tuổi ra giường bệnh giảng dạy cho các BS trẻ và có dặn các BS là khi mổ K vú nên rạch theo đường tròn chứ đùng rạch đường dài vì hậu phẫu vết mổ sẽ đẹp hơn. Sau khi chị tỉnh dậy sau phẫu thuật chị vội vàng xem vết mổ mỉnh có đúng vú (T) hay không và vết mổ ra sao thỉ hỡi ôi, trên ngực (T) có một vết mổ dài , tâm trạng chị xuống dốc trầm trọng . Từ đó đến khi ra viện chị không hề biết mặt hay biết tên BS đã phẫu thuật cho chị , chị chỉ muốn gặp để hỏi thăm về bệnh tình của chị (vì chỉ BS phẫu thuật mới biết rõ K vú đã lan rộng không, hạch ra sao) nhưng nguyện vọng bình thường đó cũng không được đáp ứng. Chị tâm sự với chúng tôi là chị cảm thấy sao tình đồng nghiệp bạc bẽo quá, ngay cả chị là BS mà còn bị đối xử như vậy không biết các bệnh nhân bình thường khác thì sao? Nhưng may thay trong khung cảnh lạnh lung và vô cảm của khoa điều trị Vú BV Ung bướu vẫn còn một hình ảnh đẹp làm chị còn chút tin tưởng vào mặt tốt của con người: một buổi trưa chị thấy các em điều dưỡng trong khoa làm việc tất bật đến 14h cũng chưa được ăn cơm chị mới gửi 200.000 cho một em điều dưỡng để các em bồi dưỡng thêm nhưng em đó đã gửi lại và nói; “ Con cám ơn cô nhưng con không dám nhận. Con làm việc cực thiệt nhưng con còn khỏe mạnh còn các cô bác ai vào đây cũng toàn là bệnh nặng cả, ai cũng lo buồn vì bệnh tình của mình mà tụi con cũng chỉ ráng làm hết sưc giúp được cô bao nhiêu thì đỡ cho cô bấy nhiêu “. Nghe xong chị cảm thây thật ấm áp vì em điều dưỡng tuy còn trẻ nhưng cũng còn có cái tâm rất tốt, chứ không vô cảm như các BS kia.
Đi thăm chị, nghe chị tâm sự mà tôi buồn quá: bệnh nhân đi mổ mà không biết BS phẫu thuật cho mình là ai chứng tỏ sau khi mổ BS phẫu thuật không hề ghé lại thăm bệnh nhân mình xem tình hình hậu phẫu ra sao và nhất là tinh thần BN mình sau đoạn nhũ thì tâm lý ra sao (đối với phụ nữ việc này thật sự là một tổn thương tinh thần rất lớn). Sao BS bây giờ vô cảm đến thế! BS đó có biết rằng chỉ cần trước khi phẫu thuật BS gạp chị bạn để giải thích về bệnh, về phương pháp mổ cho chị yên tâm ,sau khi mổ đến thăm lại chị là tạo niềm tin cho chị biết bao! Mỗi lần thăm chỉ mất khoảng 15 phút mà vừa được tăng uy tín vừa được bệnh nhân kính trọng , sao BS đó không làm nhỉ?
Lúc còn làm Trưởng khoa tại BVCR tôi luôn căn dăn các nhân viên mỗi khi có có đồng nghiệp hay người nhà đồng nghiệp nhập khoa là phải báo cho tôi ngay để tôi đến thăm, và tạo mọi ưu tiên cho đồng nghiệp vì nghề y là rất cực nhọc , mỗi khi bị bệnh thì chúng ta nên tạo điều kiện cho đồng nghiệp như một chút động viên tinh thần .
Tôi nhớ có lần sang Úc tôi có dịp thăm một bệnh viện và chứng kiến một sự kiện làm tôi nhớ hoài: sáng hôm đó tôi dự giao ban của khoa thận thì một BS nội trú báo với BS Trưởng khoa là trong đêm có một trường hợp một sản phụ có bệnh thận nặng nhưng may là cũng sanh mẹ tròn con vuông. Sau giao ban BS trưởng khoa đi thăm sản phụ để xem tình hình bệnh nhưng khi vào thì gặp sản phụ đang được đẩy ra khỏi phòng để lên Khoa dưỡng nhi thăm em bé, BS Trưởng khoa có trình bày với bệnh nhân là cô ta ở lại khoa để BS khám lại vì nghe bệnh thận của cô ta hơi nặng nhưng bệnh nhân vùng vằng không chịu, đòi đi thăm con ngay. Sau khi mẹ bệnh nhân thuyết phục, cô bệnh nhân mới đồng ý ở lại nhưng bắt là phải báo lên khoa Dưỡng nhi biết là 15 phút nữa cố ấy mới lên thăm con được Thế là BS trưởng khoa phải cho gọi điện thoại lên khoa dưỡng nhi báo xin hoãn lại đừng đưa em bé ra vội để ông khám xong cho mẹ đã .
Khi chứng kiến tính cảnh này tôi thật bị “ choáng “ khi so sánh tình cảnh bệnh nhân ở Việt nam, sao mà khác nhau một trời môt vực vậy? Khi bị bệnh mà được làm người Úc thì sướng thiệt!, không có cảnh nằm 2-3 người trên một giường , không phải nằm ngoài hành lang dù đang bị bệnh nặng, được BS tôn trọng . Chúng tôi không dám so sánh phương tiện điều trị giữa hai bệnh viên Viêt Nam và nước ngoài mà chỉ so sánh cách thức BS đối xử với bệnh nhân thôi. Bệnh nhân người Úc kia không phải là người giàu có gì và bên Úc tất cả các bệnh nhân đều được miễn phí hoàn toàn khi đi khám bệnh.nên chắc chắn không có vấn đề gì liên quan đền tiền bạc mà bệnh nhân trên được ứu đãi hơn .
Tại sao các BS việt nam không nhớ rằng “ Trong suốt cuộc đời một ngày nào đó mình cũng sẽ là bệnh nhân: và BS đó có muốn được đối xử tôn trọng không? Vậy “hãy đối xử với bệnh nhân của mình y như cách mình muốn được đối xử với tư cách là bệnh nhân ‘
Tôi thật sự có tâm nguyện: “Kiếp sau chớ làm bệnh nhân ở Việt nam!”