TT - Bà Trần Thị M. (83 tuổi, nguyên quán Đức Phổ, Quảng Ngãi, hiện ngụ ở P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng chỉ vì bà tái giá.
Một bà mẹ nhận danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng tại TP.HCM ngày 31-5-2014. Dịp 27-7 năm nay, TP sẽ trao tặng nhiều danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng nhưng các trường hợp vợ liệt sĩ tái giá phải chờ - Ảnh: T.T.D.
|
Trong khi những hồ sơ xét tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng được gửi từ phường lên sở, rồi từ sở về lại phường, những văn bản đề nghị từ sở gửi lên bộ... thì những ngày cuối đời của bà và các bà mẹ khác đang trôi qua.
“Sá chi tờ giấy?...”
Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.
Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)...
“Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” - bà chợt trầm giọng. Ba lần “không chịu nổi” ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.
Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới.
“Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” - bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã... tái giá.
Biết chuyện, bà bảo: “Mình đâu phải xin xét tặng để đòi hỏi chế độ của Nhà nước. Có thì là niềm vinh dự cho cháu con, không có thì thôi. Gia đình đã cống hiến cho đất nước ba người, cả đời tôi, đời của ông chồng sau nữa rồi, sá chi tờ giấy”.
Quy định không rõ
Tháng 5-2014, con gái bà M. có đơn gửi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị giải thích vì sao không lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà? Phòng chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP có văn bản trả lời: Nghị định số 56/2013 của Chính phủ không nêu rõ trường hợp bà mẹ là vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác được hay không được xem xét lập hồ sơ đề nghị phong tặng Bà mẹ VN anh hùng.
Trong khi đó, căn cứ theo nghị định 31/2013 của Chính phủ thì vợ liệt sĩ tái giá không được xem xét giải quyết các quyền lợi khác ngoài trợ cấp tiền tuất hằng tháng.
Gặp chúng tôi, ông Trần Thanh Hoàng, trưởng phòng chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP, giãi bày nỗi bối rối của mình: “Không riêng gì trường hợp của bà M., một số trường hợp tương tự cũng có thắc mắc, nhưng vì quy định, hướng dẫn của trung ương không rõ ràng nên chúng tôi không biết giải quyết ra sao. Không thể khẳng định có thể xét tặng, cũng không thể bác hồ sơ. Tôi chỉ còn cách nói thật: có văn bản hướng dẫn cụ thể, sở sẽ giải quyết lập tức”.
Ngày 28-3-2014, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc làm hồ sơ đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, trong đó có trường hợp vợ liệt sĩ tái giá. Tuy nhiên, đã hơn ba tháng trôi qua, đến nay TP.HCM vẫn chưa nhận được câu trả lời. Dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 năm nay, TP.HCM đang chuẩn bị trao tặng nhiều danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, nhưng riêng những trường hợp tương tự như bà Trần Thị M. đành phải tiếp tục gác lại để... chờ hướng dẫn.
P.VŨ - M.HƯƠNG
Lúc bảo được, lúc bảo chờ
Theo nghị định 56/2013 của Chính phủ, một trong những trường hợp được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng là mẹ “có một con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ”. Tuy nhiên khi áp dụng, cấp địa phương lại không biết giải quyết thế nào với những trường hợp thỏa đủ điều kiện trên nhưng người vợ liệt sĩ đã tái giá.
Tham khảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chúng tôi thấy nhiều câu hỏi về vấn đề này, và cũng có nhiều câu trả lời khác nhau của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH. Chẳng hạn với trường hợp bà L. là vợ liệt sĩ, đã tái giá nhưng không đăng ký kết hôn và có một con trai là liệt sĩ, Cục Người có công trả lời: bà thuộc diện xét tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Nhưng với trường hợp bà T. có chồng và một con là liệt sĩ, sau đó bà tái giá, Cục Người có công lại trả lời: đã gửi văn bản đến Ban thi đua khen thưởng trung ương đề nghị báo cáo Bộ Nội vụ, đề nghị sớm xây dựng thông tư hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng.
|