Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên:
Bi thương - hào hùng
TT - Trận chiến ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược ở Vị Xuyên đã lùi xa 30 năm nhưng biết bao nỗi đau thương, trăn trở vẫn còn đó.
Hôm nay 11-7, những cựu binh trở về chiến trường xưa để tưởng niệm đồng đội mình còn nằm lại nơi ấy.
Cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hoàng Điệp |
Đại úy Trần Ngọc Lợi - Ảnh: Hà Hương
|
Những cơn mưa tầm tã tháng 7 của đất Vị Xuyên - nơi được mệnh danh là túi mưa của Hà Giang - cũng không ngăn được bước chân của những người lính tìm về.
Từ TP.HCM, Nghệ An, Yên Bái, Hà Nội... hàng trăm cựu chiến binh ngược lên vùng biên giới Thanh Thủy nơi họ đã chiến đấu trong những năm tháng tuổi trẻ chống quân Trung Quốc xâm lược, nơi máu xương của đồng đội đã hòa với đất đá, bom mìn suốt 30 năm qua. Ngày 12-7 được những người lính của sư đoàn 356 gọi là ngày giỗ trận của sư đoàn. Năm nào họ cũng tự gom góp tiền để quay lại, dù chỉ để thắp nén hương cho đồng đội.
Với những người lính sư đoàn 356, những ký ức về ngày 12-7 như những vết dằm nhức buốt trong tim. Cựu chiến binh Trần Ngọc Lợi (đại úy, nguyên trợ lý tác chiến pháo binh sư đoàn 356) bay từ TP.HCM ra Hà Nội rồi chờ chuyến xe để lên Hà Giang. Cùng với thủ trưởng và hai người đồng đội cũ của sư đoàn, ông Lợi sẽ lên Hà Giang ngay trong đêm để kịp tham gia lễ tưởng niệm ở ngã ba Thanh Thủy vào sáng nay 11-7.
"Hằng năm chúng tôi lên nghĩa trang cũng để tỏ lòng tri ân cán bộ chiến sĩ của sư đoàn đã hi sinh ở Vị Xuyên. Trong lòng vẫn còn nhiều trăn trở, còn nhiều người nằm lại mà chưa được quy tập về nghĩa trang. Muốn có một nấm mộ cho họ để thắp hương cũng không có. Thứ hai, do chiến tranh và đặc biệt hoàn cảnh lúc bấy giờ, nên khi ra về chẳng ai nghĩ đến việc giữ lại giấy tờ. Nhiều anh em thương binh mất hết giấy tờ nên không làm được chế độ gì. Đó là hai điều mà tôi trăn trở nhất"
Đại tá NGUYỄN ĐỨC CAM (nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356)
|
* Nhiều năm nay, những người lính của sư đoàn 356 luôn trở về chiến trường xưa Hà Giang vào ngày 12-7. Ngày này có ý nghĩa như thế nào đối với riêng ông và những đồng đội cũ ở sư đoàn?
- Ông Trần Ngọc Lợi: Sau khi sư đoàn lật cánh từ Lào Cai sang Thanh Thủy (Hà Giang), phối hợp với sư đoàn 313 để đánh nhằm đẩy lùi quân địch về bên kia biên giới, sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ đánh chính, là đơn vị cửa mở. Ngày 1-6-1984 một trận đánh nhỏ đã nổ ra nhưng không thành công. Bộ tư lệnh quân khu và cấp trên quyết định lấy ngày 12-7-1984 là ngày tấn công tổng lực, là ngày sư đoàn dốc toàn lực để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030. Trong thế trận địch ở trên núi, ta ở dưới các chân núi, trận đánh diễn ra hết sức khốc liệt. Ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 nhưng sự hi sinh của anh em chiến sĩ sư đoàn vô cùng to lớn. Hàng trăm người chủ yếu thuộc sư đoàn 356 đã ngã xuống lúc 3g sáng 12-7.
30 năm đã qua, rất nhiều trong số hàng trăm đồng đội của chúng tôi nằm lại ở các cao điểm vẫn chưa được trở về với gia đình.
Năm 1988, sư đoàn giải thể, không còn phiên hiệu trong Quân đội nhân dân Việt Nam nữa. Bây giờ các anh em thương binh muốn làm chế độ chính sách không ai chứng nhận nữa. Rất nhiều người không biết về cuộc chiến ở Hà Giang.
* Thưa ông, làm cách nào để có thể tưởng nhớ những người lính của sư đoàn 356 một cách thiết thực nhất?
- Chúng tôi mong muốn Bộ Quốc phòng có chính sách tổ chức tìm lại hài cốt của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay có rất nhiều xương cốt của anh em đồng đội trên đó. Ai tự phát thì đi tìm thôi, nhưng tìm ở đâu. Phải có sự trợ giúp của Nhà nước để yên lòng các bà mẹ, các bà vợ. Bao nhiêu năm nay họ buồn lắm. Con mình, chồng mình nằm trong đất của mình mà không thể tìm được. Chừng ấy nghĩa trang nhưng có những nấm mồ có gì đâu, có tên nhưng không có người. Chúng ta có thể tìm mộ các chiến sĩ từ thời chiến tranh chống Mỹ, còn chiến tranh chống Trung Quốc gần hơn thì không làm được. Ngày đó, phía trước là trận tuyến chết chóc, phía sau là thị xã Hà Giang yên ả, hòa bình. Người lính bước chân khỏi thị xã để lên trận tuyến đánh quân thù không dễ đâu. Họ biết có thể ngày mai sẽ hi sinh nhưng họ vẫn làm, họ vẫn đi.
* Lịch sử dường như có sự lặp lại khi đất nước chúng ta liên tiếp phải đối diện với những hành động gây hấn từ trên bộ đến trên biển. Với tư cách là những người đã tham gia trận chiến bảo vệ biên giới 30 năm về trước, ông có suy nghĩ như thế nào khi theo dõi những câu chuyện thời sự bây giờ?
- Trong lịch sử hàng ngàn năm, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng dã tâm đối với nước ta. Nếu chúng ta không nói với thế hệ trẻ về lòng yêu nước thì làm sao bảo vệ đất nước. Và muốn giáo dục thì việc đầu tiên là phải nói thật với thế hệ trẻ về lịch sử đất nước, kể cả bi thương lẫn hào hùng, không thể che giấu được.
HÀ HƯƠNG thực hiện
* Sư đoàn 356 nguyên gốc là sư đoàn 316B được thành lập vào cuối năm 1974 để làm lạc hướng quân địch. Kết thúc chiến tranh, sư đoàn 356 chuyển sang làm kinh tế, tham gia xây dựng đường tàu Thống Nhất, làm kinh tế mới ở Quế Phong (Nghệ An). Đến tháng 2-1979, Trung Quốc tấn công ở biên giới, sư đoàn chuyển sang làm huấn luyện chiến đấu và được điều từ Nghệ An ra Lào Cai để bảo vệ biên giới phía Bắc. Từ năm 1984, quân Trung Quốc lấn sâu vào cao điểm 772, 1509, 1030 và 685 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang). Đơn vị được điều lên làm nhiệm vụ đánh đẩy lùi quân địch để bảo vệ biên giới.
* Dự kiến có khoảng 1.000 cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ sẽ có mặt tại Hà Giang để tham dự lễ kỷ niệm của sư đoàn 356. Sáng 11-7, các cựu chiến binh và thân nhân thắp hương tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở ngã ba Thanh Thủy. Tiếp đó, sẽ làm lễ tại cây hương tưởng niệm những liệt sĩ hi sinh nhưng chưa quy tập được hài cốt. Đây là công trình do chính các cựu chiến binh sư đoàn 356 tự góp tiền xây dựng. Sáng 12-7 sẽ diễn ra lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).
|
Giữ từng thửa đất biên cương
TT - Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 12-7-1984, ngày quân Trung Quốc bắn pháo vào những bản làng yên bình của người Dao, Tày, Nùng huyện Vị Xuyên, Hà Giang để chiếm cửa khẩu Thanh Thủy.
Từ trái qua: cựu chiến binh Đặng Vũ Tùng, Đỗ Quang Huy, Kim Thanh (đứng) - nguyên lính sư đoàn 356 - Hà Nội và các đại biểu chờ chuyến xe đi Hà Giang - Ảnh: Việt Dũng |
Cũng đã gần 20 năm biên giới này ngưng tiếng súng và những người dân đi sơ tán từ khắp nơi đã trở về, kịp dựng lại mái nhà, trồng lại nương và thu dọn bãi chiến trường để làm nương đồi, ruộng lúa trên chiến trường cũ. 30 năm đi qua, từ ký ức người già đến những người trẻ vẫn hằn sâu mất mát, đau thương nhưng họ nói: Nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẽ ở lại đây trông đất của mình!
Ruộng mình ở đâu, nhà mình ở đó
Nậm Ngặt cách TP Hà Giang hơn 20km đường bộ nhưng chặng đường từ xã Thanh Thủy đến Nậm Ngặt là một con đường mòn bám vào vách núi dựng đứng. Con đường này cũng đi qua các ngọn núi, các cao điểm đã từng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, đặc biệt là cuộc chiến diễn ra ngày 12-7-1984.
Một ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng núi (đây là cao điểm 468 nơi đặt sở chỉ huy sư đoàn 356 trong chiến dịch MB84), bên con đường mòn dẫn vào bản Nậm Ngặt, anh Nguyễn Văn Kim - cựu chiến binh của sư đoàn 356, người đã trực tiếp tham gia trận đánh ngày 12-7 - nói: “Trước mặt cao điểm này, nơi những đồng đội tôi đã bám trụ và hi sinh, chúng tôi lập ở đây miếu thờ các anh để từ miếu này, các anh có thể nhìn thấy các cao điểm, các đồn, các lô cốt, các chiến trường, nơi chúng tôi và đồng đội của mình đã chiến đấu”.
Từ miếu thờ nhỏ này, có thể nhìn thấy rõ bản Nậm Ngặt với hơn 50 hộ dân sống ở lưng triền núi, với những mái nhà bé xíu màu trắng trên nền xanh ngắt. “Bản có hơn 50 hộ dân, đều sống bằng nông nghiệp và trồng rẫy” - anh Trang Văn Việt, 36 tuổi, người bản Nậm Ngặt, nói.
Anh Việt cho biết khi chiến tranh xảy ra anh còn rất nhỏ nên theo gia đình đi sơ tán. Mãi đến năm 1990, biên giới ngưng tiếng súng thì gia đình anh mới trở về bản. “Tôi còn nhớ bố tôi đưa ba con trai về trước, cùng với những người anh em của ông. Khi đó, để vào được khu đất của thôn cũ, bố tôi và các bác xách dao đi trước, vừa đi vừa phát cỏ cây, vừa gạt những quả mìn còn sót lại trên đường. Lúc ấy cũng không dám đi theo đường đồi mà lần theo con suối dưới chân núi” - anh Việt kể.
Sau hơn một ngày đường, những người đầu tiên của bản Nậm Ngặt đã về đến mảnh nương cũ, họ cùng dựng lán để cả mấy nhà ở chung. Anh Việt nói: “Gần 10 năm đi sơ tán, chúng tôi cũng đã khai hoang được nương mới, ruộng mới nhưng ông bà bảo về với đất cũ để giữ đất, giữ thôn”.
Tôi hỏi anh Việt sao mình không ở phía ngoài, lên tận đây chi cho vất vả? Phía ngoài kia cũng có ruộng, có nương, lại không có mìn còn sót lại? Anh Việt bảo: “Cha tôi nói ruộng của mình ở đâu thì nhà ở đấy. Vậy nên cả mấy chục hộ đều dắt díu nhau về, dù người về muộn nhất là đến năm 2000 mới trở lại, vừa dọn mìn, vừa canh tác, vừa trồng lúa, vừa nuôi dê”...
Anh Việt nhập ngũ từ năm 1999, huấn luyện rồi phục vụ trong một đơn vị công binh. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về với bản Nậm Ngặt xa lắc xa lơ của mình, nơi có những dãy núi đá cao chót vót vừa là bức thành trì, vừa là biên giới của đất nước. “Hồi ở bộ đội tôi đã được học nhiều về mìn. Tất cả ngọn đồi xung quanh đây đều còn rất nhiều mìn, cũng như còn rất nhiều hài cốt của các anh mà chưa được quy tập. Tôi hướng dẫn người dân trong thôn để tránh mìn, chỉ có trâu bò hoặc dê bị thôi. Bản này ở nơi hiểm trở nhất, khó khăn nhất, xa xôi nhất và cũng chính là chiến trường cũ nhưng không có ai chết vì bom mìn cả” - anh Việt nói.
“Từ bé, tôi đã thấy giặc cướp”
Trong ngôi nhà sàn cũ ngay đầu thôn Nậm Ngặt, cụ Bùn Văn Bàn (74 tuổi, nguyên là chủ nhiệm HTX của xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên) đang ngồi tẽ những trái bắp ngô cuối vụ bên bếp lửa đã tàn. Nhắc về những ngày sơ tán khỏi thôn bản để tránh giặc phương Bắc, ông cụ móm mém kể rằng bắt đầu từ năm 1979 Trung Quốc đã đánh vào khu vực biên giới này rồi. Và có đến ba đợt sơ tán khác nhau nhưng riêng bản Nậm Ngặt thì sơ tán vào đợt cuối cùng. “Sở dĩ chúng tôi đi sau bởi thanh niên, người lớn đều còn giúp bộ đội gùi đạn, vác bêtông lên để làm lô cốt chống giặc. Đợt cuối cùng chúng tôi đi là vào khoảng tháng 5-1984”.
Vẫn còn nhớ rành mạch chuyến di chuyển trong đêm của đại gia đình nhà mình cũng như mấy chục hộ người Dao từ Nậm Ngặt đi ra, cụ Bàn nói: “Nhận được lệnh sơ tán thì tôi tổ chức cho cả xã trong đó có thôn Nậm Ngặt sơ tán ngay. Tất cả đều phải đi ban đêm và không được dùng lửa. Ai cũng tưởng chỉ đi ngắn ngày thôi nên mỗi gia đình chỉ mang theo vài cân gạo, ít quần áo và đồ dùng. Đi suốt đêm thì cũng đến được xã Đường Âm (huyện Bắc Mê). Trên đường đi, pháo Trung Quốc bắn xuống đì đùng. Từ trước đó mấy ngày, nó đã bắn pháo sang đất của mình rồi”.
Chỉ vào dãy núi đá Ẻ Bang (có nghĩa là núi Cây Cọ) ngay sau nhà, cụ Bàn nói: “Cái vách đá này đã cứu sống không biết bao nhiêu người, cả dân Nậm Ngặt lẫn bộ đội. Trước trận đánh ác liệt để chiếm đồn Thanh Thủy vào tháng 7 thì Trung Quốc đã bắn pháo từ bên kia biên giới rồi. Nó bắn một ngày bốn lần, buổi sáng lúc 8g, rồi đến 1g chiều, rồi 5g tối, 12g đêm. Nó không muốn cho mình làm ăn gì, cũng không cho mình ngủ nốt”.
Kể rằng từ nhỏ ông đã nhớ đến hành động của những tên cướp đến từ bên kia biên giới: “Từ 10 tuổi tôi đã chứng kiến những lần quân Trung Quốc sang cướp của trong làng. Chúng cứ vác súng ra bắn chỉ thiên làm cho cả bản sợ, rồi nó công khai cướp đi tài sản trong nhà. Cứ vài năm một lần bọn chúng lại đến như thế. Chưa bao giờ người Trung Quốc thôi muốn cướp đất của mình cả. Nếu hồi ấy quân đội không bắt buộc dân thôn bản phải ra thì chúng tôi cũng ở lại giữ thôn của mình cho con cháu”.
Nếu chiến tranh thì phải giữ đất
Người thôn Nậm Ngặt có một số người họ hàng sống ở phía bên kia trái núi. Nhiều năm nay, những người họ hàng ấy vẫn qua lại thăm hỏi nhau. “Mới đây, tôi sang thăm họ hàng bên Trung Quốc. Chúng tôi đều biết rõ câu chuyện giàn khoan trên biển” - anh Việt nói. Anh Việt cũng kể rằng anh và những họ hàng của mình đã nói với nhau về việc có thể xảy ra một cuộc chiến tranh. “Chúng tôi đã thăm nhau và ăn cơm với nhau. Chúng tôi là những người bà con, nhưng nếu như xảy ra chiến tranh thì đều phải chấp nhận”.
Dùng con dao phạt lên một vài búi cỏ rậm làm quang đường đi xuống ruộng để chuẩn bị cho một vụ gieo trồng mới, vợ anh Việt đi theo chồng, gương mặt sạm đen vì nắng. Những đứa trẻ con của bản Nậm Ngặt bé tí xíu cầm roi đuổi đàn dê leng keng chuông đi kiếm ăn ở lưng núi. Anh Việt dặn theo mấy đứa trẻ: “Tránh mấy chỗ lô cốt ra nghe chưa. Chỉ đi vào những chỗ đường mòn thôi nhé, kẻo giẫm phải mìn”.
30 năm đã qua rồi mà người lớn ở bản Nậm Ngặt vẫn phải nhắc trẻ con những điều như thế.
30 năm đã qua rồi mà còn hàng trăm hài cốt liệt sĩ vẫn nằm yên trong những cao điểm.
HOÀNG ĐIỆP
Nước mắt Vị Xuyên
TT - 30 năm sau trận chiến tàn khốc, những người lính của sư đoàn 356 trở về chiến trường Vị Xuyên. Những “đồi thịt băm”, chỏm yên ngựa, thung lũng chết... vẫn luôn hằn trong hồi ức của họ.
Các cựu chiến binh ôm lấy chiếc bình cất giữ nắm đất được lấy từ cao điểm 468, nơi những chiến sĩ của sư đoàn 356 đã hi sinh năm xưa - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đại
tá Nguyễn Đức Cam - nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356 - đọc lời
tri ân các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Vị Xuyên - Ảnh: N.Khánh
Vị Xuyên chìm trong mưa, những người lính sư đoàn 356 đứng khóc nhìn về phía đồng đội đang nằm giữa sỏi đá, bom mìn trên đường biên...
Hồi ức trên “đồi thịt băm”
Những người lính già từng xông pha chiến trận, quân phục sờn vai đứng nhìn núi mà khóc. 30 năm, “đồi thịt băm” mãi mãi như một vết thương không thể liền da, chỉ cần chạm đến là nhức nhối. Đây là cái tên lính đặt cho cao điểm 772, nơi gần 500 người lính của sư đoàn 356 ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984.
Đối với cựu quân nhân Trần Quốc Sơn, đây là lần đầu tiên quay lại chiến trường. 30 năm trước, chàng trai Hà Nội này rời ghế nhà trường, trải qua khóa huấn luyện ngắn để lên chiến trường Vị Xuyên. Ít ai nghĩ chiến tranh khốc liệt đến thế, người người cứ ngã xuống trước đạn pháo của quân thù. “Tất cả hỏa lực mạnh của địch bắn tới tấp. Chỉ sau một giờ nổ súng, tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó của chúng tôi hi sinh. Người sống dìu người bị thương, người khỏe bê người hi sinh. Chúng tôi rút về phía sau khi chỉ còn rất ít người. Phần lớn anh em nằm lại và chẳng bao giờ có thể về nhà được nữa” - cựu quân nhân Trần Quốc Sơn khóc nấc.
Không phải lính sư đoàn 356, ông Phạm Văn Gia là cựu chiến binh ở Tây Trường Sơn. Nhưng nỗi ám ảnh của quá khứ khiến người lính già cầm máy ảnh đi chụp các nghĩa trang dọc đất nước. “Mình có con rồi mới thấy tiếc xương máu. Những người nằm lại ở đây mới mười tám, đôi mươi thôi” - ông Gia không giấu nổi giọt nước mắt. Những người lính sư đoàn 356 bên cạnh bổ sung: “Có cậu hi sinh lúc mới 17 tuổi thôi”. Rồi tất cả níu vai nhau khóc. Không một người lính nào biết sư đoàn 356 cho đến ngày giải thể còn bao nhiêu người còn sống. “Lính hi sinh trên mặt trận thì ở dưới lại bổ sung lên. Chúng tôi đếm được người chết chứ cũng không thể đếm được người sống” - cựu quân nhân Nguyễn Văn Kim nói.
“Không chỉ ở các cao điểm, những đồng đội hi sinh nằm bên đất Trung Quốc còn rất nhiều. Sau trận chiến ngày 12-7, Trung Quốc không cho mình sang mang thi thể đồng đội về. Sau 3-4 ngày, họ dùng xe ben chất đầy thi thể rồi đổ xuống hố đốt cháy và lấp lại. Phần hố chôn lính Việt Nam họ đổ bêtông lên và san phẳng. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi chỉ mong bằng cách này hay cách khác, có thể mang cả xương cốt hay đất đá nơi lính Việt Nam nằm để chôn bên cạnh đồng đội” - cựu quân nhân Đỗ Quang Huy rưng rưng. “Người lính chiến đấu dẫu có trận thất bại, cũng có trận lập chiến công. Chỉ mong Tổ quốc một lần nhắc tên họ công khai” - ông Huy bày tỏ.
Về đây đồng đội ơi!
30 năm mong mỏi đưa đồng đội về nhưng ước vọng vẫn chỉ là ước vọng. Hàng trăm liệt sĩ vẫn nằm lại rải rác trên các chóp núi, sườn đồi. Để an ủi linh hồn những đồng đội không thể trở về, những người lính sư đoàn 356 tự đóng góp để xây một đài hương tưởng niệm trên cao điểm 468. Họ mang những gói thuốc lào Hàng Gà, những bộ quân phục giấy xanh màu lá... lên cho đồng đội. Họ gửi gắm những người dân địa phương mỗi lần đi ngang qua đốt cho đồng đội vài điếu thuốc. Trước ngày kỷ niệm 12-7, họ đến đó, ôm đàn guitar hát cho đồng đội nghe: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lo hát yên bình, quân dân nồng ấm nghĩa tình/ Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt, hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quê nhà”.
Những người lính già khóc theo từng lời hát. Cô văn công sư đoàn Kim Thanh, giờ là bà ngoại, cũng khóc, kể cả vào buổi tập bài hát. “Ngày đó các anh trẻ lắm, ngây thơ, trong sáng. Có ai ngờ buổi sáng vừa hát cho họ nghe, buổi chiều họ đã nằm xuống” - bà Kim Thanh chia sẻ.
Buổi trưa trước ngày giỗ, trên cao điểm 468, những lời hát với tro tàn cứ vấn vít trên những cành cây và bay về phía núi. Phía bên kia là “đồi thịt băm” 772, là cao điểm 685 và xa hơn là 1509. “Đồng đội đã nghe thấy và đã về đấy” - nhạc sĩ Trương Quý Hải, một người lính của sư đoàn 356, nói. Và sau câu hát, sau đám tro tàn bay là cơn mưa ngút trời Vị Xuyên. 30 năm nay, cứ tháng 7 trời Vị Xuyên luôn tầm tã như thế...
HÀ HƯƠNG
Thanh Thủy là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất chống quân Trung Quốc, có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 ngã xuống tại các điểm cao dọc đường biên xã Thanh Thủy.
Lấy đất biên giới đặt lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đi cùng với đoàn cựu chiến binh sư đoàn 356 khu vực Hà Nội còn có tấm ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiếc bình do con trai của Đại tướng - ông Võ Điện Biên - trao tận tay. “Ba ngày trước khi lên Hà Giang, tôi đến nhà thắp hương cho Đại tướng. Anh Võ Điện Biên có tặng cho sư đoàn một tấm ảnh, một chiếc bình và bày tỏ mong muốn chúng tôi lấy đất ở đầu nguồn biên giới, nơi nhiều anh em chiến sĩ nằm lại để mang về đặt trên bàn thờ Đại tướng” - cựu quân nhân Đỗ Quang Huy chia sẻ.
|
Tại buổi lễ, thay mặt các cựu chiến binh của sư đoàn, đại tá Nguyễn Đức Cam - nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356 - bày tỏ: “Sư đoàn chúng tôi hiện nay không còn nữa, nhưng là cựu chiến binh, cựu quân nhân của sư đoàn, xin hứa trước vong linh các đồng chí: luôn giữ vững, phát huy bản chất của bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của sư đoàn, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, vượt lên chính mình để hoàn thành tốt phần riêng, phần công mà các đồng chí giao phó”. Trước vong linh của những người đồng đội ngã xuống, đại tá Nguyễn Đức Cam trăn trở: “Không biết bao cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, sư đoàn nói riêng lần lượt ngã xuống mảnh đất này. Đến nay, vẫn chưa tìm được hài cốt để thắp nén hương”.
Cựu quân nhân Nguyễn Văn Kim cũng chia sẻ: “Rất nhiều anh em đồng đội nằm ở trên các điểm cao mà không thể đưa về được. Bởi vậy, chúng tôi nảy ra ý tưởng sẽ làm một công trình tưởng niệm ngay trên những điểm cao. Ý tưởng thì có từ năm 2012 nhưng vì nhiều lý do không thể làm được. Đến cuối năm 2013, khi các cựu chiến binh, cựu quân nhân của sư đoàn 356 họp mặt ở Yên Bái thì chúng tôi mới quyết định thực hiện”.
Công trình tưởng niệm ấy là một đài hương nằm trên điểm cao 468, nơi từng đặt sở chỉ huy của sư đoàn 356. Hơn 100 triệu đồng để mở đường, san lối và xây một khuôn viên nho nhỏ. “Người khó khăn cũng góp 100.000, 200.000 đồng, người có điều kiện góp nhiều hơn. Cứ góp tiền, góp sức, đến đầu năm 2014 thì công trình hoàn thành. Chúng tôi mong muốn có thể làm một mái nhà tưởng niệm ở ngay tại điểm 468 để anh em sư đoàn có chỗ về thắp hương, sẽ bêtông hóa đoạn đường lên, trồng cây, trang trí khuôn viên thật đẹp. Sau đó, sẽ bàn giao cho xã Thanh Thủy để họ bảo quản, chăm sóc, cũng là cách để thế hệ sau này biết ông cha mình đã sống và chiến đấu ở đây” - anh Kim nói.
Đài hương tưởng niệm nhìn sang các cao điểm 685, 772 và xa hơn là 1509, nơi có nhiều người lính ngã xuống trong trận chiến khốc liệt ngày 12-7-1984. Chiến dịch ngày 12-7-1984 được đặt tên là chiến dịch MB-84, là trận phản công đầu tiên của quân ta ở mặt trận Vị Xuyên. Sư đoàn 356 được chọn đánh chủ lực, phối hợp với các sư đoàn khác đánh chiếm các điểm cao ở biên giới Thanh Thủy (Hà Giang).
Rạng sáng 12-7, quân ta tiến công trên khắp mặt trận. Quân Trung Quốc vốn có lợi thế trên điểm cao, tập trung chống cự bằng hỏa lực mạnh. Trong ngày 12-7, riêng sư đoàn 356 hi sinh gần 600 người. Theo cựu chiến binh Đặng Việt Châu - nguyên thiếu tá, chủ nhiệm chính trị sư đoàn 356, từ năm 1984 đến cuối năm 1987, có gần 1.200 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên. Mất mát trong ngày 12-7 cũng chính là động lực để cuối năm 1984 đầu năm 1985, các lực lượng ở Vị Xuyên, trong đó có sư đoàn 356, tổ chức các cuộc phản công, tiêu diệt nhiều quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới Vị Xuyên.
H.HƯƠNG
Vị Xuyên không bao giờ bị quên lãng
TT - Cách đây hai năm, tôi có dịp lên Hà Giang viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Nghĩa trang tọa lạc ngay bên đường, cách TP Hà Giang 18km, nhưng mặt trước nghĩa trang bị cây che phủ quá kín tới mức chúng tôi phải tìm đi tìm lại ba lần mới gặp.
>> Giữ từng thửa đất biên cương
>> Ký ức ở trong tâm
Tuyệt đại đa số ngôi mộ ở đây đều là mộ những liệt sĩ hi sinh trong trận đánh chống quân Trung Quốc xâm lược ngày 12-7-1984 tại Thanh Thủy, Vị Xuyên.
Thời điểm ấy, ở Vị Xuyên, Thanh Thủy, năm 1984, trận đánh kinh hoàng ấy rất ít người Việt Nam được biết. Sư đoàn chủ lực 356 gần như bị xóa sổ, sau đó đã giải thể. Đó là một nỗi đau ghê gớm không chỉ cho các chiến sĩ sư đoàn 356, mà cho tất cả người Việt Nam yêu nước. Đó là trận đánh mà chúng ta bị tổn thất rất lớn, cho tới bây giờ, rất nhiều hài cốt liệt sĩ của chúng ta còn nằm lại ở vùng núi Đất (Thanh Thủy). Trong trường ca Đám mây hình người thợ săn và con chó viết về dân tộc Mông tôi mới hoàn thành, có đoạn:
Thanh Thủy bây giờ là cửa khẩu
đêm cú kêu khắc khoải liên hồi
tôi dừng lại bên sườn núi Đất
một nỗi đau bầm ứ trong đầu
mây gấp gáp hành quân về lối cũ
mây bay như vết chém ngang người
đêm cú kêu khắc khoải liên hồi
tôi dừng lại bên sườn núi Đất
một nỗi đau bầm ứ trong đầu
mây gấp gáp hành quân về lối cũ
mây bay như vết chém ngang người
Tôi nghĩ, “vết chém” ấy, tất cả những người lính Việt tham gia trận đánh này đều cảm nhận rõ tận trong da thịt mình. Ngày 12-7 năm nay, kỷ niệm 30 năm trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, hàng nghìn cựu chiến binh từng tham chiến ở mặt trận này năm 1984 đều tự tìm về nơi họ từng trần thân trước đạn pháo quân thù. Lòng dũng cảm, sự hi sinh vô bờ bến của họ dù chưa được nhắc tới đúng mức, nhưng sẽ không bao giờ bị quên lãng.
Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đã và sẽ ghi nhớ mãi những đứa con từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã góp máu xương mình giữ từng tấc đất Thanh Thủy, Vị Xuyên. Những nỗi đau của các anh, các liệt sĩ, các thương binh, những cựu chiến binh cũng là nỗi đau của chúng tôi, dù xin các anh tha lỗi, ngày các anh tham chiến chúng tôi không được biết. Mãi sau này, rất nhiều năm sau, qua các nguồn thông tin rải rác và chắp vá, chúng tôi mới được biết về trận đánh bi hùng, về sự hi sinh khó tưởng tượng của các anh:
xin cho ta
ngày trở lại nơi này
thắp nén hương nghèn nghẹn khói bay
rót vài ba chén rượu
lên những nấm mộ buồn
chiều mưa tuôn
ta ngược đường Thanh Thủy
nơi lũ giặc phun lửa đốt các anh thành tro bụi
thành sương khói
thành mây ôm đỉnh núi
thành nỗi đau vạn thuở
trời ơi!
ngày trở lại nơi này
thắp nén hương nghèn nghẹn khói bay
rót vài ba chén rượu
lên những nấm mộ buồn
chiều mưa tuôn
ta ngược đường Thanh Thủy
nơi lũ giặc phun lửa đốt các anh thành tro bụi
thành sương khói
thành mây ôm đỉnh núi
thành nỗi đau vạn thuở
trời ơi!
Vâng, hàng nghìn người lính bộ đội Cụ Hồ ngã xuống chỉ riêng trong ngày 12-7-1984, để giữ Thanh Thủy bây giờ vẫn là đất Việt Nam. Giữ lại được từng tấc đất của Tổ quốc theo đúng nghĩa đen, chúng ta đã phải trả giá máu đến từng ấy! Có một đêm, tôi cùng một người bạn Hà Giang lên cửa khẩu Thanh Thủy. Đêm khắc khoải cú kêu, núi Đất in lên nền trời một bức tường sẫm lớn. Tôi như nghe hồn các liệt sĩ nói gì với chúng tôi, trong im lặng.
THANH THẢO