Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Khắc khoải Vị Xuyên

               

Tháng 7-1984, chỉ trong một ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc. 29 năm đã trôi qua song hài cốt hàng trăm liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho đồng đội và thân nhân

Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy... Cựu binh Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - bùi ngùi đọc lại những vần thơ ông viết ngày 2-9-1984, khi đơn vị làm giỗ 50 ngày cho các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.
Khúc bi tráng trên cao điểm 772
Theo tư liệu của Sư đoàn 356, trong trận đánh lịch sử chống quân Trung Quốc (TQ) ngày 12-7-1984, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tiểu đoàn 3 khi ấy do đại úy Nguyễn Hữu Thanh làm tiểu đoàn trưởng, ông Châu là chính trị viên, có nhiệm vụ phối hợp tấn công và chiếm lại tuyến phòng ngự Đ3 ở cao điểm 772 từ quân TQ.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau trận chiến tại mặt trận Vị Xuyên tháng 7-1984. Ảnh: MINH ĐIỀN
"0 giờ ngày 12, đại úy Thanh cùng mũi xung kích tiến lên phía trước theo bộ phận đặc công. Bốn giờ, súng bắt đầu nổ, mặt đất ầm vang. Đến 6 giờ 5 phút, ở khu đồi Đ3, tiếng hô xung phong vang động át cả tiếng đạn bom... Đến tận giờ, nhớ lại giây phút đó, tôi vẫn thấy nôn nao" - ông Châu xúc động.
Tuy nhiên, tình hình diễn biến không thuận lợi. Quân TQ co cụm chống đỡ chờ tiếp viện. Sau đó, hỏa lực TQ bắn vào trận địa ta mỗi lúc càng ác liệt hơn. Lực lượng bộ binh ém sẵn của TQ tràn lên tấn công giành giật các vị trí với ta. Thương vong bắt đầu xảy ra với Tiểu đoàn 3...
"Đại úy Thanh dẫn đầu một mũi quân đánh thọc lên khu vực sở chỉ huy của TQ ở cao điểm 772. Quân TQ chống trả dữ dội. Anh Thanh bị trúng đạn rất nặng nhưng vẫn bình tĩnh tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn, sau đó đã anh dũng hy sinh. Nơi anh nằm xuống chỉ cách hầm chỉ huy của phía TQ khoảng hơn 10 m" - ông Châu ngậm ngùi.
Từ sáng đến trưa 12-7-1984, lực lượng ta đã tổ chức hàng chục đợt tấn công nhưng đều bất thành. Hỏa lực của phía TQ từ trên cao dội xuống hầu như không lúc nào ngừng. Trong tình thế khó khăn, bộ đội ta vẫn quyết tâm tấn công đánh chiếm lại mục tiêu...
Đồng đội và thân nhân những liệt sĩ hy sinh ngày 12-7-1984 tại Vị Xuyên chưa tìm được
hài cốt thắp hương tưởng niệm các anh. Ảnh: VĂN DUẨN
Nhắc lại trận đánh năm xưa cùng những đồng đội của mình, ông Châu không giấu được niềm tự hào và xúc động. "Đại đội trưởng Nguyễn Văn Minh bị thương nặng vẫn giữ vững vị trí. Khi bị thương lần 2 nặng hơn, Minh được anh em đưa khỏi cao điểm 772 rồi bị lạc trong rừng. Mãi đến sáng 18, sau nhiều ngày tìm kiếm, đơn vị mới thấy anh. Khi đó, Minh đã rất yếu vì mất nhiều máu, vết thương nhiễm trùng. Nhận ra tôi, Minh chỉ nói được tiếng "anh" rồi ngất lịm" - ông Châu bồi hồi.
Còn nhiều, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã bất chấp tính mạng để giành lại từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Trung đội phó Nguyễn Văn Hà bị đạn pháo tiện đứt một cánh tay nhưng vẫn dùng tay còn lại ném lựu đạn về phía quân TQ. Xạ thủ B40 Nguyễn Văn Gấm mặc cho mảnh pháo và đất đá bay như mưa rào vẫn rướn người bắn liên tiếp 2 quả khiến hỏa lực bên kia câm bặt. Trung đội trưởng Trần Văn Tuyến bị trúng đạn và hy sinh trong tư thế nhào lên tiến công...

Tuổi xanh gửi lại chốn này
Cựu binh Tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Kim cho biết chỉ riêng đơn vị của ông đã có trên 180 người ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984. "Đến nay, hàng trăm hài cốt liệt sĩ thuộc Sư đoàn 356 vẫn còn nằm rải rác ở các vị trí chiến đấu năm nào. Dù đã rất cố gắng nhưng đồng đội vẫn không thể nào tìm và mang về hết thi hài của anh em" - ông nghẹn ngào.
Gần 30 năm đã trôi qua nhưng những cựu binh tham gia trận đánh ngày nào vẫn không thể nào quên các địa danh ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên: "Ngã ba cửa tử", "thung lũng gọi hồn", "cối xay thịt"... "Nhiều người lính còn rất trẻ. Họ đã ngã xuống, tuổi xanh gửi lại Vị Xuyên đến tận giờ. Sau này, các đơn vị thường xuyên cử người trở lại tìm kiếm đồng đội nhưng không được bao nhiêu hài cốt" - ông Kim day dứt.
Những ngày ngay sau trận đánh, những chuyến đi tìm đồng đội đã để lại những ký ức khó phai. Ông Kim cho biết suốt một tuần liền, khi đêm xuống, những người lính Sư đoàn 356 đã lặng lẽ tìm thi thể đồng đội. "Nước mưa và nước mắt của người lính đã hòa trộn trong những ngày tháng 7 dầm dề bên thung lũng Nậm Ngặt. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ vùng Thanh Thủy - Vị Xuyên đều thấm đẫm máu xương của bao cán bộ, chiến sĩ" - ông Kim bồi hồi.
Ông Nguyễn Đình Thắng - cựu binh Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 - cho biết khi ấy, đưa được một thương binh hoặc tử sĩ từ trận địa ra là vô cùng gian khổ. "Mỗi cáng thương phải ít nhất 4 người khiêng. Dốc cao, đường trơn, vừa đẩy vừa kéo từ dưới thung lũng Khe Cụt ngược lên đến sở chỉ huy rồi trở ra bản Nậm Ngặt... Vừa đi vừa canh chừng đạn pháo, các ổ phục kích của quân TQ" - ông Thắng nhớ lại.
Theo ông Đặng Việt Châu, tìm kiếm thi thể đồng đội trong lúc đạn bom còn khốc liệt là việc không hề dễ dàng. "Trước hết, mình phải sống thì mới có thể mang được đồng đội trở về. Vì thế, việc tìm kiếm đồng đội được tính toán hết sức thận trọng, chỉ những người trực tiếp chiến đấu, thông thuộc địa hình, địch tình mới được cử đi. Do mưa nhiều nên thi thể nhiều anh em đã nhanh chóng bị phân hủy. Tìm thấy đã khó, đưa được thi thể anh em trở về còn gian nan bội phần" - ông Châu cho biết.
Giành lại những điểm cao
Trong tháng 4 và tháng 5-1984, quân TQ đã mở nhiều chiến dịch, đợt pháo kích lớn, bắn hàng chục ngàn quả đạn pháo, đạn cối vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gồm: Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái) và Lai Châu. Sau đó, TQ tiếp tục đánh chiếm hàng chục điểm cao thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước tình hình này, cuối tháng 6-1984, ta quyết định tổ chức tiến công để giành lại những điểm cao bị TQ chiếm đóng. Ngày 12-7-1984, cùng với các sư đoàn 312, 316, 313, Sư đoàn 356 thực hiện chiến dịch MB84 tại Vị Xuyên. Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh cao điểm 1030...

 
Đón anh trở về
 

Trên cao điểm 772 - nơi diễn ra trận chiến ác liệt chống quân Trung Quốc năm nào, giây phút nhìn thấy một phần thân thể tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 sau gần 30 năm xa cách, vợ anh nghẹn ngào không thốt nên lời

 
Trong trận đánh ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang ngày 12-7-1984, đại úy Nguyễn Hữu Thanh - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy đơn vị tiến công để giành lại các cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Qua không biết bao nhiêu lần tìm kiếm, mãi đến năm 2012, đồng đội và vợ đại úy Thanh, chị Lưu Thị Lan, mới đưa được hài cốt anh về với quê nhà Quảng Bình.

28 năm đằng đẵng
Ông Đặng Việt Châu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, cho biết trong giờ phút cam go của trận chiến, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh đã dẫn 1 phân đội táo bạo đánh thẳng vào sở chỉ huy của quân Trung Quốc. “Bị thương cả 2 chân rồi ở đầu nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em quyết liệt chiến đấu. Anh ngã xuống tại đỉnh Đ3 trên cao điểm 772, cách hầm chỉ huy của quân Trung Quốc chỉ hơn 10 m” - ông Châu xúc động.
Cựu binh Tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Kim, Trưởng Ban Liên lạc cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Yên Bái, nhớ lại: “Tiếng thét xung phong của đại úy Thanh nơi đỉnh đồi biên cương như vẫn còn âm vang đâu đây. Đằng đẵng 28 năm sau, đồng đội và vợ con mới tìm thấy anh. Hàng chục năm nắng mưa sương gió, xương cốt anh không còn được bao nhiêu…”.
Đại úy Thanh hy sinh khi chị Lan mới 29 tuổi và cậu con trai Nguyễn Hữu Long vừa chào đời 7 tháng. “Lần cuối cùng tôi gặp anh là cuối năm 1983. Anh về phép khi tôi vừa sinh cháu Long 1 ngày. Anh ở nhà với vợ con được 21 ngày rồi trở lại đơn vị. Mãi đến năm 1985, gia đình mới nhận được giấy báo tử, ghi anh hy sinh tại cao điểm 772 nhưng do chiến trường ác liệt nên không tìm được thi thể” - chị Lan ngậm ngùi.
Đồng đội và gia đình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh trên cao điểm 772 ngày 20-6-2012. Ảnh: VĂN KIM
Khóc cạn nước mắt, chị Lan gửi lại con nhỏ rồi bắt đầu đi khắp nơi dò hỏi tin tức chồng. “Một số đồng đội của anh Thanh khuyên tôi chưa nên tìm kiếm hài cốt chồng vì nơi anh nằm vốn là chiến trường ác liệt, bom mìn còn sót lại rất nhiều. Thế nhưng, tôi vẫn không thôi hy vọng. Tôi nghĩ chồng mình ngã xuống ở cao điểm 772 thì chắc chắn hài cốt anh vẫn còn nằm đó” - chị Lan kể.
Mãi đến năm 2006, tức 22 năm sau ngày đại úy Thanh hy sinh, chị Lan và con trai mới có dịp lên Hà Giang lần đầu tiên để tìm chồng. Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên mênh mông với 1.700 phần mộ, mẹ con chị Lan tỉ mẩn lần tìm cẩn thận vẫn không thấy anh Thanh đâu.
“Năm 2008, mẹ con tôi lại lên Vị Xuyên. Thêm nhiều hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về đây nhưng tên anh Thanh vẫn biệt tăm. Tôi đành an ủi Long và cả cho mình: “Hai mẹ con cứ thắp hương cho đồng đội của bố và những liệt sĩ vô danh. Cứ coi mình thắp vong cho bố thôi, con ạ” - chị Lan bồi hồi.
Sau chuỗi ngày đằng đẵng tìm chồng không có kết quả, chị Lan nghĩ chỉ còn cách duy nhất là chụp giấy báo tử của chồng đưa lên internet, hy vọng đồng đội của anh biết được sẽ giúp. Không lâu sau, chị nhận được liên lạc từ ông Đặng Việt Châu, hiện sinh sống ở Nghệ An.
“Tôi rất đau xót và chia sẻ với chị Lan. Đồng đội chúng tôi vẫn còn hàng trăm người nằm lại trên cao điểm 772. Gần 30 năm nay, vợ con, người thân và đồng đội vẫn khắc khoải không yên khi hài cốt các anh vẫn chưa được đưa về… Tôi khuyên chị Lan không nên tìm chồng ở các nghĩa trang nữa vì anh Thanh vẫn còn nằm trên cao điểm 772” - ông Châu tâm sự.

Trở lại chiến trường xưa
Ngày 20-6-2012, mẹ con chị Lan cùng những cựu binh Tiểu đoàn 3 trở lại khu vực chiến trường xưa - cao điểm 772, nơi đại úy Thanh đã chiến đấu chống quân Trung Quốc và anh dũng hy sinh, để tìm kiếm hài cốt anh. Theo sau những chiến sĩ công binh rà phá bom mìn, cả đoàn lần tiến lên đỉnh Đ3.
Chỉ huy cuộc tìm kiếm, ông Đặng Việt Châu, nhớ lại: “8 giờ, tôi nhận được điện của Nguyễn Văn Kim: “Bọn em đã đi qua bản Nậm Ngặt”. Tiếp đến, chị Lan thông báo: “Em đã thấy cao điểm 772 nhưng sương mù mờ mịt”. 9 giờ, sương mù tan, đỉnh Đ3 hiện ra trước mắt. Đến 10 giờ, nhóm Kim gọi điện cho biết đã tìm thấy chiến hào 1. Đó là nơi 28 năm trước, đại úy Thanh đã ngã xuống. Tôi dặn Kim rẽ phải khoảng 30-35 m nữa...”.
Đến khoảng 12 giờ, hài cốt vị đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 đã được tìm thấy ngay trong chiến hào 1. “Tôi lặng người, sống mũi cay cay, trong lòng trào dâng xúc động. Anh Thanh chỉ còn lại hộp sọ, 3 chiếc răng, 2 mảnh xương vai và xương hàm. Bên hài cốt anh còn ngôi sao trên mũ, miếng vải dù hoa, chiếc áo sĩ quan và 4 quả lựu đạn” - ông Châu nhớ lại.
Giây phút nhìn thấy một phần thân thể của anh Thanh sau gần 30 năm xa cách, chị Lan nghẹn ngào không thốt nên lời, nước mắt khóc thương chồng tưởng đã cạn giờ lại tuôn giàn giụa. “Sau bao nhiêu năm khắc khoải tìm kiếm, chiều hôm đó, hài cốt của anh đã được đưa ra khỏi chiến hào 1 trên cao điểm 772 về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Giốc ở Quảng Bình. Đó là mong ước lớn nhất của mẹ con tôi sau khi hay tin anh hy sinh” - người phụ nữ hàng chục năm nay ở vậy thờ chồng, nuôi con tâm sự.

Nằm lại chiến hào năm nào
Ông Đặng Việt Châu cho biết suốt một tuần ngay sau trận đánh ngày 12-7-1984, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt luồn sâu vào trận địa để tìm kiếm tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh và các đồng đội đã hy sinh, bị thương hay mất tích. “Tôi đến từng phân đội thăm hỏi, động viên anh em, ai cũng nhắc đến anh Thanh một cách kính trọng và thán phục. Mọi người đều xin được trở lại Đ3 để tìm kiếm người tiểu đoàn trưởng anh dũng và đồng đội, ai cũng quyết một phen sống mái với quân Trung Quốc” - ông Châu nhớ lại.
Trong trận đánh ấy, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên. “Riêng Tiểu đoàn 3 chỉ tìm được gần 50 thi thể đồng đội, còn lại hơn 140 người vẫn đang nằm đâu đó trên chiến hào năm nào” - cựu binh Nguyễn Văn Kim trăn trở.
 
Không thể lãng quên
               

Gần 30 năm sau cuộc chiến, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Đồng đội và người thân của các anh luôn day dứt nhưng bom mìn còn sót lại quá nhiều đã ngăn trở việc tìm kiếm

 
Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 1.700 ngôi mộ, phần lớn là của những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong các trận chiến đấu chống quân Trung Quốc để giành lại các cao điểm thuộc xã biên giới Thanh Thủy. Trong đó, có rất nhiều ngôi mộ vô danh.

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hàng ngàn cán bộ,
chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc Ảnh: ĐÌNH THẮNG
 
Ngày giỗ tập thể
Những cựu binh Sư đoàn 356 cho biết cứ đến ngày 12-7 hằng năm, họ lại gặp nhau để tưởng nhớ hàng trăm đồng đội đã khuất mặt. Ông Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - day dứt: “Không ai có thể nguôi ngoai hay lãng quên những đồng đội đã hy sinh. 29 năm rồi, anh em vẫn còn nằm lại chiến trường xưa... Chúng tôi luôn mong mỏi một ngày nào đó, tất cả đồng đội đã ngã xuống trên cao điểm 772 được đưa về với quê hương, gia đình”.
Theo ông Hoàng Thế Cương, Trưởng Ban liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Hà Giang, nhiều cựu binh của đơn vị này từ mọi miền Tổ quốc đều cố gắng tề tựu về Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, lên Đài Tưởng niệm Thanh Thủy để tưởng nhớ đồng đội vào ngày 12-7. “Hàng chục năm nay, chúng tôi xem đó là ngày giỗ chung của anh em sư đoàn đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên” - cựu binh Nguyễn Văn Kim, Trưởng Ban Liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Yên Bái, cho biết.
Theo chân những cựu binh Sư đoàn 356, chúng tôi lên Đài Tưởng niệm Thanh Thủy dâng hương. Đứng trên đồi cao, các cựu binh bồi hồi phóng tầm mắt quanh khu vực vốn là chiến trường ác liệt 29 năm trước. Suối Thanh Thủy đỏ quạch vẫn cuồn cuộn chảy. “Ngã ba cửa tử” giờ đã mọc lên những căn nhà đẹp đẽ, khang trang. “Khi đào móng dựng nhà, bà con thường phát hiện những bộ hài cốt bộ đội ta. Ngày nào chúng tôi cũng lên đây dọn dẹp và hương khói để các anh luôn được ấm cúng” - một cán bộ UBND xã Thanh Thủy xúc động.
Tham gia chiến dịch chống quân Trung Quốc lấn chiếm những điểm cao thuộc chủ quyền Việt Nam khi tuổi chưa tròn đôi mươi, nay những người lính Sư đoàn 356 tóc đều điểm bạc. Theo ông Nguyễn Văn Kim, ngoài việc viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên và dâng hương Đài Tưởng niệm Thanh Thủy, các cựu binh Sư đoàn 356 bao giờ cũng sắm sửa mâm lễ rồi đi ngược lên cao điểm 772 để “gặp gỡ” bao đồng đội còn nằm lại chốn này.
“Không ai có thể yên lòng khi hài cốt nhiều anh em vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Anh em nào đã về yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên thì còn được thăm viếng, khói hương. Còn trên các cao điểm 772, 685 hay ở Đồi Xanh, Khe Cụt, Nậm Ngặt..., rất nhiều đồng đội của chúng tôi hiu quạnh suốt 29 năm nay” - ông Kim xót xa.
 
Bom mìn ngăn trở
Nhiều cựu binh bảo rằng cứ đến tháng 7 hằng năm, họ lại thao thức, khắc khoải, hình ảnh đồng đội đang còn nằm lại ở chiến trường năm nào luôn hiện lên ám ảnh. “Riêng Tiểu đoàn 3, số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ở Vị Xuyên ngày 12-7-1984 trên dưới 200 người nhưng chỉ không quá 10 liệt sĩ có tên tuổi được quy tập hài cốt về Nghĩa trang Vị Xuyên, còn lại đều vô danh hoặc vẫn nằm đâu đó trên cao điểm 772” - ông Đặng Việt Châu trăn trở.
Cựu sĩ quan Sư đoàn 356 Nguyễn Xuân Đệ, thương binh đang sinh sống tại Vị Xuyên, cho biết sau khi rời quân ngũ, cuộc sống của ông cũng như nhiều cựu binh khác tuy bộn bề khó khăn, ai cũng lo toan mưu sinh nhưng ký ức về một thuở bi hùng vẫn luôn dâng tràn. “Tháng 7 năm nào nhà tôi cũng đón rất nhiều khách, phần lớn họ là thân nhân của các đồng đội đã hy sinh đến cúng viếng hoặc trên đường tìm hài cốt. Những cựu binh Sư đoàn 365 và người nhà liệt sĩ đều có chung một mong ước cháy bỏng: Hài cốt tất cả anh em đồng đội được đưa về với quê hương, gia đình” - ông Đệ cho biết.
Tại sao đã 29 năm trôi qua mà rất ít liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên nói chung và cao điểm 772 nói riêng được tìm thấy hài cốt? Ông Đặng Việt Châu giải thích: “Nhiều khu vực ở chiến trường Vị Xuyên, nhất là cao điểm 772, bom mìn còn sót lại nhiều vô kể. Vì thế, việc đi tìm kiếm hài cốt đồng đội là cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi và thân nhân liệt sĩ luôn chờ đợi nhà nước có kế hoạch rà phá hết bom mìn ở khu vực này để việc đi tìm kiếm, quy tập hài cốt anh em thuận lợi hơn”.
Ông Châu cho biết chiến trường Thanh Thủy - Vị Xuyên tuy không rộng lớn nhưng những người lính ở khắp mọi miền đất nước hầu như đều có mặt. “Mỗi người đều cùng chung tay góp sức thì chắc chắn một ngày không xa, những cán bộ, chiến sĩ còn nằm lại chiến trường Vị Xuyên năm nào sẽ được tìm thấy và đưa về nơi yên nghỉ đàng hoàng. Bộ Quốc phòng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành quy tập hài cốt anh em” - ông Châu kỳ vọng.

Tuổi xuân giữ lại chốn này
Ông Đặng Hữu Châu còn có mong ước xây một am nhỏ ngay tại khu vực sở chỉ huy của Sư đoàn 356 ngày nào trong thung lũng Nậm Ngặt ở Vị Xuyên. “Khi hàng trăm liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi đây thì tháng 7 hằng năm, đồng đội và thân nhân đến chiến trường xưa có chỗ mà thắp nén tâm hương để anh em luôn được ấm lòng” - ông Châu tâm sự.
Chưa xây được am, chưa tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ vì bom mìn ngăn trở, ông Châu gửi gắm tình cảm với đồng đội qua những vần thơ mộc mạc: Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý/ Tiến, Công, Ký, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm.../Nơi nghĩa trang, có danh và vô danh/ Trong hố chôn chung hay nằm rải rác/ Nơi thung sâu Nậm Ngặt hay Khe Cụt đồi xanh/ Người nằm lại và tuổi xanh mãi mãi/ Bảy bảy hai, bảy bảy hai/ Tuổi xuân giữ lại chốn này...
VĂN DUẨN