Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Từ Bảng tương tác cho mầm non, bàn thêm về nâng chất lượng giáo dục

Lê Tự Hỷ (Mỹ)

Hình ảnh của Từ  Bảng tương tác cho mầm non, bàn thêm về nâng chất lượng giáo dục
Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác đã có chủ trương mua sắm bảng tương tác cho các lớp mầm non. Quả là các cháu mầm non của Việt Nam ta được liệt vào loại học sinh “sang” bậc nhất thế giới! Nhưng việc này đang tạo dư luận xôn xao trên các trang báo.
Trong bài này chúng tôi sẽ xem xét tương đối toàn diện: Bảng tương tác nói riêng và các công cụ điện tử khác có phải là điều kiện cần thiết nhất để nâng cao chất lượng dạy và học tại Việt Nam ta hiện nay hay không?
Trước hết phải thừa nhận tính hữu ích của bảng tương tác (interactive whiteboard, smart board) và các công cụ điện tử khác như máy vi tính PC, laptop, máy chiếu (projector), máy ảnh tư liệu (document camera) trong việc giảng dạy vì có thể giúp trình bày sinh động vừa hình ảnh, âm thanh, các quá trình biến đổi trạng thái trong sinh học, vật lý, hóa học, các mô phỏng (simulation) về các diễn biến của các quá trình khoa học, kinh tế, xã hội… mà với bảng đen và phấn trắng người thầy không thể trình bày được. Nhưng những công cụ đó hữu ích trong tình huống nào chứ không phải luôn luôn hữu ích trong lớp học như lời quảng cáo của các nhà sản xuất. Vậy trước hết hãy xem tại Mỹ rồi sau xem tại Việt Nam ta, việc sử dụng bảng tương tác như thế nào.
1. Tại Mỹ:
Mỹ là nơi sáng chế và sản xuất ra các loại bảng tương tác, máy vi tính, máy chiếu, máy ảnh tư liệu… và các nhà sản xuất một mặt quảng cáo rất có nghề, đồng thời luôn luôn tạo điều kiện thuận tiện cho việc trang bị trong trường học, và Mỹ là nơi có thể tìm nguồn tiền đủ để trang bị các loại phương tiện ấy trong các lớp học. Nhưng, các nhà giáo dục, các nhà sư phạm vẫn cho rằng các phương tiện ấy chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy của người thầy trong việc giúp trình bày tư liệu, hình ảnh, âm thanh, các diễn biến qua thời gian của các quá trình phát triển, hủy diệt… chứ không thể thay thế được sự giảng dạy, đặc biệt sự tương tác giữa thầy và trò nói riêng, giữa con người với con người nói chung. Vì vậy đã có khá nhiều bài viết về cái lợi và bất lợi của việc dùng các công cụ hiện đại trong việc giảng dạy(1). Một bài nghiên cứu rất có giá trị dành cho cán bộ giảng dạy sinh viên cao học (GSI: gradute student instructor) của Đại học Berkeley (California, Mỹ)(2) nêu lên ưu điểm của mọi phương tiện giảng dạy từ bảng-phấn đến các công cụ điện tử và phần mềm hiện đại, và nhấn mạnh với các môn như Lịch sử, Văn học, Triết học..., tức là những môn cần nhiều “ngôn từ” và đối thoại tương tác ý kiến giữa thầy và trò thì việc lạm dụng những cách chiếu quá nhiều “câu chữ” lên bảng sẽ khiến việc giảng dạy kém hiệu quả và dễ gây nhàm chán cho thầy lẫn trò.
- Trong trường tiểu học công lập: Những trường ở quận tương đối nghèo hay nghèo thì chỉ trang bị bảng trắng (white board) với bút viết bảng trắng (white board pen) hay bảng xanh với phấn không bụi. Trường ở quận tương đối giàu trở lên được trang bị bảng tương tác, máy chiếu, máy vi tính, máy ảnh tư liệu, laptop. Nhưng không phải cô giáo cứ dùng những phương tiện hiện đại ấy suốt cả thời gian trong lớp để giảng dạy. Các cô dành khá nhiều thời gian để nói, và hướng dẫn học sinh để biết rõ từng học sinh trong ngày học có những trạng thái nào, về nhà tối nay có cần cha mẹ giúp đỡ gì không… Biết từng học sinh để cô giáo đánh dấu, ghi lời vào tờ nhận xét, xếp vào bìa hồ sơ (folder) cho từng học sinh để chúng đem về cho cha mẹ xem.
- Ở trường trung học, mỗi thầy cô giáo đều có phòng riêng để dạy môn của mình, và học sinh di chuyển tới phòng thầy cô mà học, chứ không phải thầy cô di chuyển tới từng lớp như ở Việt Nam ta. Cho nên việc trang bị công cụ hỗ trợ giảng dạy cố định trong phòng thầy cô cho phù hợp với môn dạy thì thuận lợi. Tuy vậy, không phải tất cả thầy cô đều dùng màn hình tương tác để giảng dạy đâu. Chỉ một vài môn thầy cô dùng, còn các môn khác như Sử, Địa, Sinh, Văn... thì hầu hết các thầy cô dùng máy ảnh tư liệu, máy chiếu, laptop với phần mềm PowerPoint chiếu lên bảng trắng (white board, không tương tác).
- Còn ở đại học, nhiều giảng viên vẫn dùng bảng xanh với phấn không bụi, hay bảng trắng với bút đầu mềm, một số dùng máy ảnh tư liệu với máy chiếu, laptop với PowerPoint…. Các giảng viên dùng rất nhiều thời giờ cho việc soạn nội dung để hướng sinh viên tới việc học hiểu sâu sắc và nghiên cứu, chứ không phải mất thời giờ cho việc soạn hình thức trình bày qua các phương tiện như PowerPoint…
2. Trở về hiện thực của Việt Nam:
 
Cô và trò trường Mẫu giáo Lợi Hải đang thực hành bảng tương tác

Hai vấn đề cần tìm hiểu liên quan tới việc đưa bảng tương tác vào lớp học:
- Có đủ tiền không?
- Các công cụ như bảng tương tác, máy vi tính, máy chiếu... có phải là những thứ cần thiết nhất để cải thiện tình trạng giáo dục đang sa sút trong hệ thống công lập của Việt Nam trong tình hình hiện nay không?
Thứ nhất: Ta có đủ tiền không? Tiền đây phải bao gồm chi phí mua sắm ban đầu, chi phí bảo trì, chi phí thay thế định kỳ và chi phí huấn luyện thầy cô giáo sử dụng công cụ. Chi phí mua ban đầu cho 1 bảng tương tác, 2 máy vi tính, 1 máy ảnh tư liệu, 1 máy chiếu (chưa kể mỗi thầy cô một laptop) cho 1 lớp như ở Mỹ có thể đã lên tới gần 10.000 USD. Còn ở Việt Nam ta, hãy thử xem bảng giá của Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Hà Nội) trúng thầu cung cấp cho Sở GD-ĐT TP.HCM(3) là khoảng 181 triệu đồng, mà chưa có 2 máy vi tính để bàn như PC. Nếu giả sử trường có 30 lớp thì chi phí ban đầu đã lên tới 5,43 tỉ đồng. Và TP.HCM có bao nhiêu trường? Giả sử chỉ với 100 trường thì chi phí ban đầu đã là 543 tỉ đồng! Các địa phương khác nghe đâu cũng đang bắt đầu “chơi sang”. Chẳng hạn tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án hơn 77, 325 tỉ đồng để trang bị bảng tương tác và các công cụ điện tử hiện đại cho các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông(4).
Ngoài ra, còn chi phí bảo trì và thay thế trong vòng từ 2 tới 3 hay nhiều lắm là 5 năm phải thay mới hoàn toàn, chi phí huấn luyện thầy cô giáo sử dụng và cần phải có ít nhất một nhân viên phần cứng và một nhân viên phần mềm làm việc toàn thời gian trong trường để xử lý các sự cố. Vậy tổng số tiền cho kế hoạch này sẽ là bao nhiêu? Sở GD-ĐT TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lấy tiền đâu ra cho đủ để “chơi sang” như thế này?
Thứ hai: Nhưng vấn đề chính không phải chi phí, mà ở chỗ: Phải chăng giáo dục công lập nước ta hiện nay sa sút là vì thiếu bảng tương tác, các công cụ điện tử hiện đại trong lớp học? Nói cách khác, phải chăng bảng tương tác và các công cụ nghe nhìn điện tử là những cái cần thiết nhất để nâng cao, cải thiện chất lượng dạy và học trong hệ thống giáo dục công lập nước ta?
Tôi khẳng định là không phải, vì sao? Bởi vì những công cụ đó chỉ là những công cụ hỗ trợ cho người thầy, không thể thay thế được người thầy. Nếu người thầy “không có được điều kiện” để trở thành “người thầy đúng nghĩa” thì các công cụ hiện đại ấy cũng chẳng đem lại hiệu quả như mong muốn mà chỉ tốn tiền thôi.
Chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường từ mầm non tới hết trung học phổ thông phụ thuộc hoàn toàn vào 3 yếu tố:
- Trình độ và tâm huyết của người thầy.
- Cung cách quản lý giáo dục từ Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và nhà trường (ban giám hiệu, các tổ trưởng bộ môn).
- Chương trình và sách giáo khoa.
Ở đây chúng tôi chỉ đề cập 2 yếu tố đầu:
Thứ nhất: Trình độ và tâm huyết của người thầy:
- Không phải bỗng dưng tuổi trẻ Việt Nam chê Sư phạm, mà lỗi là tại chính sách lương, cung cách quản lý giáo dục từ trung ương tới địa phương và cách đào tạo của các trường Sư phạm và việc bổ nhiệm sinh viên tốt nghiệp. Tất cả những thứ đó đã tạo ra tình trạng rất ảm đạm cho giáo dục nước ta như qua câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”.
- Lương nhà giáo quá thấp, không đủ nuôi sống gia đình thì không thể nào toàn tâm toàn ý dùng toàn thời gian lo cho việc dạy học đúng như lương tâm chức nghiệp của nhà giáo chân chính được. Không thể đổ lỗi cho người thầy.
- Trường Sư phạm đào tạo tràn lan, số lượng ra trường quá nhiều so với nhu cầu bổ dụng. Thậm chí có những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, hoặc xuất sắc hoặc giỏi và mong muốn đi dạy thì cũng không dễ gì tìm được chỗ để dạy.
Thứ hai: Cung cách quản lý giáo dục: Bộ GD-ĐT, cũng như các Sở GD-ĐT, Phòng Giáo dục, Ban giám hiệu các trường đã quản lý giáo viên từ mầm non lên tới trung học phổ thông một cách hết sức máy móc, y như quản lý người thợ đứng trước một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của một nhà máy. Họ không quan tâm rằng một buổi dạy là quá trình tương tác giữa thầy và trò, và ngoài kiến thức sâu rộng biết mười dạy một, người thầy cần có niềm hưng phấn trong việc soạn bài, giảng bài và một tấm lòng thương yêu, nâng đỡ từng học sinh qua những tâm thái khác nhau.
Vì thế mà các thầy cô được quản lý theo mệnh lệnh rập khuôn như người thợ:
- Chỉ được dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất do Nhà xuất bản Giáo Dục sản xuất.
- Phải tạo ra được 90% hay thậm chí trên 95% học sinh giỏi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phải trên 90% hay trên 95%.
- Phải làm quá nhiều việc vô bổ(5):
+ Soạn giáo án (mỗi ngày soạn 4-5 bài, trừ khi đạt danh hiệu Giáo viên giỏi các cấp thì được dùng lại giáo án cũ nhưng cũng phải có cuốn giáo án bổ sung có chỉnh sửa, cập nhật).
+ Lập sổ điểm, sổ chấm trả bài, sổ họp hội đồng, họp chuyên môn, sổ chủ nhiệm, học bạ, sổ theo dõi riêng, sổ tay giáo viên, sổ học tập nâng cao trình độ, sổ nhật ký... kế hoạch - sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy…
Những sổ này thực ra không giúp mấy cho việc dạy học mà chỉ để Ban giám hiệu, các đoàn kiểm tra... kiểm tra đánh giá giáo viên, nên họ buộc phải “o bế cho đẹp”. Thậm chí để cuốn sổ điểm không bị tẩy xóa (theo quy định), nhiều giáo viên phải làm thêm một cuốn sổ điểm riêng để tha hồ “cân đối” điểm, rồi tới cuối học kỳ mới nắn nót chép vào sổ chính, để các “ngài trên” thưởng lãm!
- Phải hội họp quá nhiều(6): họp hội đồng, họp chuyên môn định kỳ, các cuộc họp phát sinh đột xuất, họp đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học...), các cuộc tập huấn chuyên môn, tập huấn các dự án... Mà lại họp ngoài giờ dạy, vào ngày nghỉ mới mệt cho thầy cô!
- Phải “dạy biểu diễn”(7): Mỗi thầy cô phải dạy để các đồng nghiệp dự giờ, dạy minh họa chuyên đề, dạy để được công nhận Giáo viên giỏi các cấp...
Cách dạy “đóng kịch” này quả là phi giáo dục, vì thầy lẫn trò đều ngán ngẩm và bày cho trò thấy “thói gian dối”!
Cung cách quản lý giáo viên đã không những giết chết khả năng sáng tạo, niềm hưng phấn của giáo viên trong việc soạn bài, giảng bài mà còn làm cho họ không còn đủ thời giờ để chu toàn việc dạy học theo đúng như lương tâm chức nghiệp của một người thầy chân chính. Cung cách quản lý đó với mức lương chính thức không đủ sống khiến cho chất lượng dạy của người thầy sút giảm và đó là nguyên nhân chính của tình trạng “xuống cấp” của giáo dục công lập nước ta chứ không phải vì thiếu bảng tương tác, máy vi tính, máy chiếu trong lớp học!
3. Một số đề nghị:
Vậy muốn nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống công lập nước ta hiện nay, phải tìm cách nâng cao trình độ cũng như lòng nhiệt thành, yêu nghề của nhà giáo và đồng thời cải cách việc quản lý giáo dục. Sau đây là một số gợi ý:
a) Tăng lương cho tất cả nhà giáo, Ban giám hiệu.
b) Sở GD-ĐT, Phòng Giáo dục không có quyền áp đặt các chỉ tiêu về thành tích của mỗi trường trên vai của hiệu trưởng. Hiệu trưởng không có quyền áp đặt các chỉ tiêu về thành tích trên vai các thầy cô giáo, không có quyền áp đặt trình tự giảng dạy và phương pháp giảng dạy lên thầy cô giáo, mà để cho họ tự chọn trình tự và phương pháp giảng dạy họ cho là tốt nhất, miễn sao cuối học kỳ phải hoàn tất hết nội dung theo yêu cầu của chương trình.
c) Phải củng cố lại các trường đại học và cao đẳng Sư phạm và chế độ tuyển sinh viên Sư phạm:
- Thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh.
- Chỉ tuyển những người giỏi. Chỉ có những học sinh giổi môn nào mới có thể trở thành thầy giỏi và yêu nghề dạy môn đó.
d) Không cần phải mua sắm bảng tương tác, máy chiếu, máy vi tính tràn lan trong mọi lớp học vì sẽ vô ích nếu không biết sử dụng đúng liều lượng, đúng môn học, đúng lúc và nội dung chuyển tải tốt như thế nào, mà chỉ cần:
- Nếu có điều kiện, mỗi trường thiết lập một phòng đa phương tiện (multimedia) gồm hệ thống máy vi tính, máy chiếu, bảng trắng để làm màn chiếu và khi cần thì dùng bút mềm viết lên. Đồng thời cần mua các phần mềm dạy học, phim tư liệu có chất lượng cao trong giáo dục. Các thầy cô dạy các môn học nếu cần minh họa về hình ảnh, âm thanh, các tư liệu, các quá trình mô phỏng thì mỗi tuần có thể đưa học sinh tới đó một hay hai lần. Phòng này cũng có thể có thêm một số máy chiếu, một số máy ảnh tư liệu để các thầy cô giáo cần thì mượn đem về lớp dùng trong một số giờ dạy.

______
(1) Andrea Hermitt. Pros and Cons Technology in the Classroom, http://www.ehow.com/about_5384898_ pros-cons-technology-classroom.html.
(2) Using Instructional Technology, Tools for the Classroom Setting, http://gsi.berkeley.edu/teachingguide/tech/classroom.html.
(3), (4) Vĩnh Hà, S.P.N., Hồng Nhung. Bảng tương tác: Không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, http://tuoitre.vn/Giao-duc/573025/bang-tuong-tac-khong-dung-tinh-than-chi-dao-cua-bo-gd-dt.html.
(5),(6),(7)XƯƠNG RỒNG XANH–SUSU.Giáo viên trăm thứ nghề, http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=466203&ChannelID=103