1.
Rồi mai
anh trở về
Cha anh
không còn nữa
Mẹ anh bây
giờ đã già
Ngũ Hành
năm cụm núi xanh xanh
Xa rồi một
trái nam trân
Mây giăng
nhiều trên đỉnh Hải Vân
Đó là ca từ trong bài hát Năm cụm núi quê hương (Nhạc Minh Kỳ, phổ thơ Tường Linh, bài thơ và bài hát xin xem tại đây). Xưa kia nghe bài hát này không biết nam trân là trái gì, nhưng với giai điệu và lời ca tha thiết ngọt ngào như thế, với hình ảnh mơ màng như thế, và lại thêm cái tên rất sang trọng là nam trân thì tôi nghĩ ngay rằng nam trân phải là một trái gì quý giá vô cùng, hoặc không thì cũng phải rất thân thương trìu mến.
2.
Mà đúng là như vậy thật. Nam trân nghĩa là sản vật quý giá của phương Nam, đó là tên mà vua nhà Nguyễn đã ban tặng cho trái bòn bon (loòng boong) của đất Quảng Nam.
Cây và trái
nam trân (bòn bon) - Ảnh: Wikipedia
Truyền thuyết kể lại rằng khi nhà Tây Sơn đánh Phú Xuân, chúa Định Vương (Đông cung Dương) phải bỏ chạy vào đất Quảng Nam, lánh lên vùng núi Đại Lộc. Trong lúc đói mệt thì gặp một rừng cây bòn bon bèn hái mấy trái ăn thử. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên là “nam trân”, nghĩa là món ăn quý hiếm ở phương nam.
Có truyền thuyết lại nói người bị quân Tây Sơn truy đuổi và gặp trái bòn bon là Nguyễn Ánh (lúc đó chạy theo Chúa Định Vương vào Quảng Nam). Do đó, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua mới ban tên “nam trân” cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ.
Thời nhà Nguyễn, nam trân là loại quả quý để tiến vua. Có cả một chức quan gọi là “Quản nam trân” để canh giữ vùng rừng có cây trái thiên nhiên quý giá này. Đến mùa trái chín, viên Quản nam trân chọn những chùm trái đầu mùa tốt nhất để tiến vua.
Đến triều Minh Mạng, khi đúc Cửu đỉnh, vua cho khắc quả nam trân lên Nhân đỉnh cùng với các hình tượng khác...
Hình tượng
cây nam trân trên Nhân đỉnh
3.
Không biết trái nam trân ở xứ Quảng có gì khác với trái bòn bon trong Nam hay không, chứ bòn bon trong Nam thì nhiều lắm. Đó là thứ trái cây dân dã mà có lẽ đứa trẻ nào ở miền Nam cũng từng ăn.
Trái bòn
bon
Trái bòn bon ngọt nhè nhẹ, thơm nhè nhẹ rất... dễ thương. Và dễ thương hơn nữa ở chỗ nó không đắt tiền như nho, táo... mà bình dân như bao nhiêu loại cây trái miền quê khác. Có lẽ đó cũng là loại trái cây thân thương thuở còn thơ của chàng trai xứ Quảng khiến từ xa quay về chàng đã nhớ đến trái nam trân cùng với nhớ cha, nhớ mẹ.
4.
Tháng 6 năm nay vào mùa thu hoạch bòn bon ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Giá thu mua bòn bon ở vườn rớt thảm hại, chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Tiền công thuê hái, tiền công vận chuyển cao hơn hẳn giá bán khiến người trồng bòn bon bỏ mặc, không thu hoạch bòn bon.
Nam trân - thứ trái cây quý giá của phương Nam - giờ bị bỏ rụng đầy gốc như thế này đây:
Thậm chí rơi đầy trên mặt ao, chẳng ai ngó ngàng tới
Ơi bòn bon, ơi nam trân, sao mà bi thảm vậy?
5.
Chợt nghĩ vẩn vơ: Trái nam trân cũng như đời người. Có những lúc, những nơi rất huy hoàng, lẫy lừng tên tuổi - và cũng có những lúc, những nơi trở thành vô nghĩa không ai ngó ngàng.
Thôi, bòn bon - nam trân ạ, dù sao hình ảnh của mình cũng đã được khắc trên cửu đỉnh và tồn tại hàng trăm năm, trái ngọt thơm cũng vẫn còn đem lại niềm vui cho bao người. Buồn mà chi, phải không?
Thôi, ngưng viết. Đi mua bòn bon về ăn đây!
Phạm Hoài Nhân