Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Ký ức ở trong tâm

TT - Cuối tháng 7 mưa trắng trời biên giới, những cựu quân nhân người ở Ninh Bình, người quê Nghệ An, Hà Nam, Phú Thọ... ngồi day dứt với hàng trăm đồng đội còn dãi dầu mưa gió trên đường biên.
Nghĩa trang Vị Xuyên sáng 26-7 - Ảnh: Hà Hương
Họ có mặt ở những điểm cao của xã biên giới Thanh Thủy trong những ngày tháng ác liệt nhất. Người ngã xuống đã nằm lại trong đất, người còn sống mang cả vợ con lên chiến trường xưa dựng nhà, lập nghiệp.
Ông Phạm Thế Hải, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang, cho biết sau khi nhận được công văn của các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đề nghị được tổ chức lễ viếng và tri ân các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, lãnh đạo tỉnh cho rằng đây là việc làm hết sức nghĩa tình nên UBND tỉnh đã giao Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Giang đón tiếp đoàn chu đáo.
Một ngày, 600 người ngã xuống
Ngày 12-7-2012, hơn 200 cựu chiến binh của Sư đoàn 356 từ khắp mọi miền đất nước đã tề tựu đông đủ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của 1.700 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Họ, những cựu chiến binh với gương mặt nhiều sương gió, có mặt tại Hà Giang để kỷ niệm 28 năm ngày sư đoàn tham gia trận đánh lịch sử 12-7-1984 mà chỉ trong một ngày đêm, 600 người đã ngã xuống.
Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên có hơn 1.700 ngôi mộ, phần lớn trong số đó là liệt sĩ hi sinh ở các điểm cao thuộc xã biên giới Thanh Thủy. Bia mộ ghi tên tuổi, ngày nhập ngũ, ngày hi sinh cho thấy rất nhiều người trong số họ chỉ mới 18-20 tuổi. “Có những anh nhập ngũ mới chỉ 17 tuổi, vừa ra chiến trường được vài tháng đã hi sinh” - ông Hoàng Văn Hoạt, đội trưởng đội quản trang nghĩa trang Vị Xuyên, cho biết.
Đồng đội còn trên đường biên giới
“Chẳng quên lãng điều gì đâu, nhưng thời khó khăn ai cũng phải lo cuộc sống. Chỉ có ký ức nằm ở trong tâm thôi” - cựu quân nhân Nguyễn Xuân Đệ rưng rưng. Ông Đệ quê ở Nghệ An, từng là sĩ quan của Sư đoàn 356. Năm 1989, sư đoàn giải thể, ông ở lại Vị Xuyên. Nhà ông hầu như tháng 7 năm nào cũng đón khách, hầu hết đều là người nhà của đồng đội đã hi sinh ra tìm mộ hoặc thắp hương. Có lần, năm mẹ con bà cháu thân nhân một liệt sĩ từ tận Nghệ An ra nghĩa trang Vị Xuyên thắp hương mà phải ở lại nhà ông Đệ năm ngày chỉ vì mưa lớn quá không đi được.
28 năm sau trở lại chiến trường, Thanh Thủy - xã vùng biên từng là điểm ác liệt nhất - vẫn còn những vùng đất trắng. Bom mìn, đạn pháo khắp nơi, người dân không dám ở, trâu bò cũng không thả vào. Đi vào vùng cấm nhiều hiểm nguy ấy chỉ có thân nhân những liệt sĩ chưa tìm thấy mộ và người đi rà sắt vụn. Hàng trăm đồng đội vẫn còn nằm rải rác giữa các hố mìn, đạn pháo. Họ chưa từng được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. “Năm nào cũng có người đi tìm mộ liệt sĩ, họ lên gặp tỉnh đội, lên cả biên giới ở Thanh Thủy nhưng rồi phải trở về tay không”- ông Nguyễn Xuân Đệ kể.
“Đã hơn mười năm nay rồi, chúng tôi coi ngày 12-7 như ngày giỗ chung của cả sư đoàn, hàng ngàn đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến này nhưng chỉ mới có 1/3 được quy tập về nghĩa trang Vị Xuyên, còn hàng trăm người khác bỏ xác nơi chiến hào” - giọng nghẹn ngào, anh Nguyễn Văn Kim (hiện sinh sống ở Yên Bái) cùng các cựu chiến binh khác không giấu được xúc động khi nói về những đồng đội đã ngã xuống.
Mười năm nay các cựu chiến binh Yên Bái vẫn âm thầm trở lại mảnh đất Hà Giang để rưng rưng thương nhớ đồng đội. Chiều 11-7, tập trung anh em ở TP Yên Bái, cùng ăn với nhau bữa cơm tối để rồi 3g ngày 12-7, các anh thuê ôtô hoặc đi xe máy vượt qua quãng đường 200km đến nghĩa trang Vị Xuyên. Họ đến thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống nhưng chưa ai được một lần đặt chân lên trận địa mà cách đây 28 năm những làn đạn bay như mưa: “Núi đá nhiều bom mìn nên chúng tôi chỉ có thể đứng từ xa vọng về với họ. Dù ruột đau như cắt nhưng suốt 28 năm phơi cùng mưa nắng trên núi đá, xương thịt đồng đội tôi chắc đã hòa cùng dòng nước ở Vị Xuyên” - anh Nguyễn Đình Đại (xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), nguyên là sĩ quan của Sư đoàn 356, xót xa kể lại.
Hàng trăm liệt sĩ khác vẫn chưa được quy tập: chỉ có những đồng đội hi sinh ở vùng ven mới được quy tập về nghĩa trang, những người ở sâu trong vùng cấm thì 28 năm nay vẫn chưa được trở về. Đây cũng là nỗi day dứt của rất nhiều người lính từng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. “Chỉ mong một ngày, cả khu vực được rà phá bom mìn để đồng đội được trở về. Họ nằm trong sương gió suốt 28 năm nay rồi, tội lắm” - ông Nguyễn Xuân Đệ xót xa.
28 năm và mong ước...
Trong gần 200 cựu chiến binh trở về tri ân đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên còn có anh Nguyễn Quang Minh (hiện sống ở Vũng Tàu). Anh Minh bị thương trong đêm 12-7-1984 với một phần đùi bị nát. Mất máu, khát nước anh đã lê đi tìm nước uống trong khi chờ đồng đội đưa ra. Sáu ngày liền lê lết từ trận địa đến khu vực bản làng đã sơ tán, không lương thực, không thuốc men: “Tôi sống được là nhờ bụi mía to. Cứ dùng tay đào từng đoạn gốc mía già lên nhai cho đến khi được đồng đội tìm thấy trong ngày cuối cùng, trước khi tiểu đoàn có lệnh rút”.
Ông Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên tiểu đoàn 3, là người tìm thấy anh Minh - cho biết: “Cả sáu đêm liền tôi cùng đồng đội vào trận địa tìm Minh cùng anh em thương binh, tử sĩ khác. Khi gặp Minh, cậu ấy trông thật tiều tụy vì mất nhiều máu. Dưới ánh trăng mờ, khi nhận ra tôi Minh chỉ nói được một tiếng “anh” rồi ngất lịm”.
Trở lại chiến trường sau đúng 28 năm bôn ba khắp nơi, thậm chí sang cả Ba Lan buôn bán, anh Minh đã khóc thật nhiều khi đứng trước quả núi sừng sững là cao điểm 772 giờ đã phủ một màu xanh. “28 năm sau khi được đưa ra từ gốc bụi mía với bàn tay tướp máu, đôi môi nẻ khô, thật là một niềm tin thần kỳ khiến tôi có thể sống sót mà trở lại”.
HOÀNG ĐIỆP - HÀ HƯƠNG