Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

5 anh em trên một chiếc xe tăng

1. Tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum) có 2 chiếc xe tăng. Cậu hướng dẫn viên giới thiệu với tôi:
  • Đây là 2 chiếc xe tăng T54 tham gia chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972. Một trong 2 chiếc xe tăng này là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Trong trận chiến Đắk Tô - Tân Cảnh 1972, chiếc xe tăng này đã bị bắn cháy và toàn bộ kíp lái 5 người đã hy sinh cùng với chiếc xe tăng của mình.
Đó là 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 377 và 472. Tôi vốn không rành về quân sự, nên nghe vậy biết vậy, lấy làm xúc động và chụp ảnh lưu niệm với một trong 2 chiếc xe tăng.



2. Một người lính về thăm lại chiến trường xưa ở Đắk Tô. Có lẽ anh cũng đã được kể về giai thoại phát sinh bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Vì là lính nên anh am hiểu về xe tăng hơn tôi nhiều, anh lên mạng và đặt câu hỏi: Chiếc tăng T54 được thiết kế với kíp lái có 4 người. Vậy nếu 5 anh em trên một chiếc xe tăng thì... người thứ 5 ngồi đâu?

Rồi cũng chính anh tự trả lời: Đó là âm nhạc, nhạc sĩ muốn nói 5 người lính để so sánh với 5 ngón tay trên một bàn tay, chứ nếu nói 4 anh em thì... biết so sánh với cái gì?

3. Thế nhưng có thật chiếc xe tăng 377 (hoặc 472) là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác bài 5 anh em trên một chiếc xe tăng không?

Câu trả lời là: Không phải! Bài hát này nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc từ một bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chính Hữu Thỉnh, trong bài bút ký Bài thơ năm ấy đã giới thiệu nguồn gốc bài thơ như sau: Năm 1970, khi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, xúc động khi nhìn các anh em chiến sĩ tăng trên chiếc T34 vươn nòng pháo ra trận, ông đã viết nên bài thơ Trên một chiếc xe tăng.

Xin chú ý 2 điều: Thứ nhất bài thơ này sáng tác năm 1970, 2 năm trước trận Đắk Tô - Tân Cảnh. Thứ hai, chiếc xe tăng được nói đến ở đây là T34 (không phải T54) mà kíp lái của T34 đúng là 5 người!

Nguyên văn bài thơ như sau:
Trên một chiếc xe tăng
Hữu Thỉnh
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa xoè cùng một cội
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Năm anh em chung một ngọn đèn.

Vào lính xe tăng anh trước, anh sau
Nết ăn, ở người thì lạnh, nóng
Khi đã hát hoà cùng một giọng
Một đứa đau tất cả quên ăn.

Năm anh em mỗi đứa một quê
Đã lên xe là cùng một hướng
Đã lên xe là chung khổ sướng
Trước quân thù nhất loạt xông lên.

Năm anh em mang năm cái tên
Đã lên xe không còn tên riêng nữa
Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa
Năm trái tim một nhịp đập dồn

Một con đường đất đỏ như son
Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng
Một ý chí bay ra đầu ngọn súng
Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù.

Mùa khô - 1970

4.

Nhà báo Bùi Quang Thanh đã đăng trên báo Bảo vệ Phát luật và blog của anh loạt bài Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh (Trận Đăk Tô-Tân Cảnh), nói về chiếc xe tăng 377 hiện đang trưng bày ở di tích Chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh. Theo đó, các chiến sĩ trên chiếc tăng 377 đã góp công lớn trong trận đánh, bắn hạ 7 xe tăng M41 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, một chiếc M41 đã bắn hạ xe tăng 377, toàn bộ 4 chiến sĩ trên xe tăng đã chết thiêu cùng với chiếc xe tăng của mình vào sáng ngày 24/04/1972.
5. thể bạn là người chiến binh năm nào, của phía bên này hay phía bên kia, về thăm lại chiến trường xưa. Có thể bạn là một người trẻ mới lớn lên sau này, chỉ biết về chiến tranh qua những lời kể... Dù là ai, nếu có dịp về đến Kontum, tìm thăm dấu tích xưa một thời lửa khói bạn sẽ cảm nhận được quá khứ bi tráng của một đất nước đã từng đắm mình trong binh lửa triền miên.



Bạn sẽ được nghe kể lại chuyện ngày xưa. Các chi tiết được kể đi kể lại, thêm thắt và sai lệch - điều đó là tất nhiên khi hơn 40 năm đã qua rồi. Hãy tạm bỏ qua sự chính xác để nhường chỗ cho cảm xúc. Nhưng... càng chính xác thì càng tốt hơn, phải không bạn?


Phạm Hoài Nhân