Sinh thời, vào năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc
lại chiến thắng nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 năm đó, đã từng viết mấy câu chí tình
chí nghĩa: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu
người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc,
cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Ý tưởng nhân
hậu này vừa nêu lên đã được hầu hết mọi người dân Việt cả trong lẫn ngoài nước,
không phân biệt thành phần lý lịch hay xu hướng ý thức hệ, coi như bản tuyên
ngôn ngắn gọn có ý nghĩa sâu sắc về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, vốn là
một trong những yêu cầu quan trọng tiên quyết và bậc nhất để kiến thiết xứ sở.
Bởi một lẽ đơn giản, đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Ngoài ra nó còn thể
hiện sâu sắc tình tự dân tộc, coi chiến tranh đổ máu là chuyện bất đắc dĩ và
phần lớn đều do những gọng kiềm lịch sử khắc nghiệt gây nên chứ không ai là
người Việt Nam máu đỏ da vàng mà lại muốn như thế.
Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt ngày 30.4.1975 lùi xa vào dĩ vãng đã tròn 39
năm. Với bằng ấy thời gian, bên cạnh niềm tự hào đương nhiên của “bên thắng
cuộc”, trong lương tâm mỗi người vẫn còn đọng lại không ít những niềm trăn trở,
suy nghĩ, từ đó thấy cần đánh giá lại vấn đề một cách toàn diện hơn, cũng như
cần đi sâu vào những góc cạnh chi tiết tế nhị hơn, liên quan đến một số sự kiện
hoặc con người cụ thể, trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc thù của dân tộc. Ở
đây, và trong những khoảnh khắc thời gian này, chúng ta muốn nhắc đến nhân vật
lịch sử Dương Văn Minh, người thuộc “bên thua cuộc” của chiến tuyến đối lập,
nhưng nếu xét trên phương diện quyền lợi chung của cả dân tộc thì ông lại là
người bạn, người đồng chí chân tình của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chắc chắn vì
thế mà sau 1975, hai ông vẫn giữ mối liên lạc thân thiết khá thường xuyên, theo
cách quý trọng lẫn nhau giữa những người quân tử cùng lấy hạnh phúc của nhân dân
làm mục đích tối thượng.
Trong chiều hướng suy nghĩ cởi mở như trên, dần dần ai cũng phải thừa nhận, một
trong những nhân vật lịch sử thuộc phe bại trận nhưng có vai trò quan trọng, gắn
liền với ngày 30.4 lịch sử, có lẽ là ông Dương Văn Minh, người đảm đương chức vụ
tổng thống chỉ trong vòng 3 ngày trước khi chế độ cũ Sài Gòn bị tan
rã.
Các tài
liệu đã được phổ biến từ nhiều năm nay, đại khái đều ghi chép: 15 giờ chiều ngày
28.4.1975, sau khi có quyết định của lưỡng viện Quốc hội trong tình hình khẩn
cấp, tướng Dương Văn Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống, cử ông Nguyễn Văn Huyền
làm Phó tổng thống, ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Tổng thống Dương Văn Minh bổ
nhiệm một số bộ trưởng và người phụ trách quân đội, cảnh sát, trong đó chỉ định
ông Bùi Tường Huân, Giáo sư Đại học Huế (gốc dân sự, không phải tướng tá) làm bộ
trưởng Bộ Quốc phòng, như một cách để chứng tỏ chính phủ của mình không muốn
cuộc chiến tranh tiếp diễn.
Theo cựu
dân biểu Dương Văn Ba (Những ngã rẽ, hồi ký, chưa xuất bản), đêm
28.4.1975, có hai đại tá phi công lái hai máy bay trực thăng phục vụ tổng thống
đậu trên nóc dinh Độc Lập, đến gặp Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị đưa ông và
tất cả những người trong bộ tham mưu Tổng thống và gia đình bay ra Đệ Thất Hạm
Đội. Ông Minh trả lời: “Hai em có thể yên lòng lái máy bay ra Đệ Thất Hạm Đội,
bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo thì có thể ra đi. Phần tôi, tôi nhất
quyết không đào ngũ bỏ chạy; không thể nào bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào
bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”.
Sáng sớm
ngày 29.4.1975, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đã cử 4 người gồm Nguyễn Văn
Diệp (Tổng trưởng), Nguyễn Hữu Hạnh (nhà thầu), Tô Văn Cang (kỹ sư, cán bộ tình
báo Z22), Nguyễn Đình Đầu vào trại David tiếp xúc với đoàn đại biểu Chính phủ
Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam về việc ngưng bắn.
Tiếp đến, khoảng 15 giờ (có tài liệu nói 19 giờ) cùng ngày, Tổng thống Dương Văn
Minh lại cử một phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu cùng đi với Linh
mục Chân Tín và Giáo sư Châu Tâm Luân vào Trại David, cả ba người được ông Võ
Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn phía Cách mạng ra tiếp. Ông Liễng đã thông báo
với phái đoàn về chủ trương “không chống cự” của Tổng thống Dương Văn
Minh.
Ngày
30.4.1975, lúc 6 giờ sáng, sau khi nghe chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng
tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng khi ấy đã bỏ trốn) và
tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo về toàn bộ tình hình quân sự, ông Minh (cùng các
ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ tướng (số 7 Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn) gặp
Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số người trong nội
các mới lập, họp bàn và quyết định không nổ súng và giao chính quyền cho
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phụ
trách soạn thảo bản tuyên bố này.
Đến 9 giờ
30 ngày 30.4.1975, Đài phát thanh phát lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn
Minh: “Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc”; “yêu
cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng hòa ngưng nổ súng, và ở đâu thì ở đó”;
“Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để
thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích
cho đồng bào”.
Hai giờ
sau, lúc 11 giờ 30, xe tăng của quân giải phóng vào Dinh Độc Lập, đưa ông Dương
Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều
kiện.
Có quan
điểm khá phổ biến cho rằng ông Minh tuyên bố đầu hàng đơn giản chỉ vì hoàn toàn
thất thế, không còn cách nào khác. Nhưng theo ông Lý Quý Chung (bộ trưởng Bộ
Thông tin trong nội các Dương Văn Minh, tác giả Hồi ký không tên), và
nhiều nhân vật thân cận khác, tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý
để thương thuyết với phe cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết;
cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông vốn chủ trương hoà bình,
chấm dứt chiến tranh.
Ngày nay,
nhìn kỹ lại diễn biến các sự kiện, đa số người ta đều thừa nhận việc Tổng thống
Dương Văn Minh cùng nội các của ông quyết định “không chống cự”, sau đó tuyên bố
“đầu hàng vô điều kiện” là hành động thức thời, tránh cho nhân dân và chiến sĩ
của cả hai phe không bị đổ máu thêm vô ích, tài sản quốc gia không bị hủy hoại,
góp phần kết thúc sớm cuộc chiến tranh một cách êm đẹp. Đó là nghĩa cử anh
hùng của một người thật sự yêu nước, thương dân, có phần nào thầm lặng chứ
không phô trương khoe mẽ nổi đình nổi đám.
Ý kiến coi
ông Dương Văn Minh là người có công đối với đất nước đã được cố thủ tướng Võ Văn
Kiệt khẳng định trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báo Quốc Tế (Bộ
Ngoại giao) nhân dịp 30.4.2005, về một câu hỏi liên quan: “Bản thân tôi cùng với
anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc
chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương
Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập… có quan hệ với chính phủ Dương Văn
Minh lúc bấy giờ”. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt giải thích: “Đại tướng Dương Văn
Minh nhậm chức ngày 28.4.1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được
sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ",
chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh
mạng và tài sản của người dân mình nữa.... Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ
phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.
Sau ngày
30.4.1975, ông Minh được về nhà (98 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị
Minh Khai, Quận 3) sống một cuộc sống bình dị, từ chối mọi sự giúp đỡ vật chất
của chính quyền mới. Năm 1983, được Chính phủ chấp thuận, ông sang Pháp chữa
bệnh và thăm con, khi đi chỉ xin mang theo một ít đồ cổ trong nhà. Ông không nhờ
vả gì Chính phủ Pháp, mặc dù đã nhiều lần được sự gợi ý rất nhiệt
tình.
Theo sự
tiết lộ của ông Hồ Ngọc Nhuận (trong tập hồi ký Đời, chưa xuất bản),
người có những hoạt động gần gũi cả với ông Dương Văn Minh lẫn ông Võ Văn Kiệt,
thì trong một chuyến đi thăm chính thức Algérie với tư cách thủ tướng, ghé ngang
Paris trên đường về nước, ông Kiệt có yêu cầu Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp tìm
địa chỉ ông Minh để đến thăm. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Kiệt có ngỏ ý mời ông
Minh về nước nhưng ông từ chối vì chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các con ông
trong gia đình. Sau đó, qua sự tác động và sắp xếp của Hồ Ngọc Nhuận, nhằm mục
đích tăng cường hòa giải giữa người Việt thuộc các thành phần khác nhau, trong
cũng như ngoài nước, ông Kiệt còn kín đáo gởi thư và cử người thân tín sang gặp
ông Minh tiếp tục đặt vấn đề, nhưng vì nhiều lý do lắt léo phức tạp, ông Minh
cũng không về lại quê hương được trong lần đó, mà cuối cùng đã từ Pháp sang Mỹ ở
với người trưởng nữ của ông cho đến khi qua đời vào tháng 8 năm 2001, thọ 85
tuổi.
♦
Ngày nay, sau 39 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, bài học rút ra được từ hai nhân vật lịch sử Dương Văn Minh- Võ Văn Kiệt có lẽ không gì lớn hơn là bài học về hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng muốn thật sự hòa giải, cần loại bỏ ngay khuynh hướng cường điệu khía cạnh chiến thắng của ngày 30.4 lịch sử, mà chú trọng hơn vào khía cạnh hòa giải hòa hợp dân tộc, và phải coi việc hàn gắn vết thương chiến tranh qua thái độ hòa giải hòa hợp dân tộc như một thứ trách nhiệm lịch sử tự nhiên phải làm chứ không có tính cách ban phát sự hòa giải cho phía thua cuộc. Nếu khiêm tốn nhìn thẳng vào sự thật, chắc ai cũng biết rằng dân tộc của chúng ta chỉ là nước nhỏ lạc hậu, lại bị chi phối bởi những thế lực, âm mưu chính trị của một số cường quốc khác, nên khi chiến thắng đừng tự hào quá đáng, cũng như không có gì xấu hổ khi thua cuộc để phải mặc cảm kéo dài, trong điều kiện cả hai bên thực chất đều đứng chung trong gọng kiềm khắc nghiệt của lịch sử mà nhiều việc mình không thể chủ động được một cách hoàn toàn. Còn về những sự mất mát do chiến tranh gây ra, cũng là mất mát chung, không đau buồn thì thôi chứ vui vẻ gì cứ tự hào mãi?
Cụ thể, từ nay trở đi, nên bớt những cuộc lễ nào mà có nhắc lại những kỷ niệm
không vui của thời kỳ chiến tranh đau khổ đã rơi vào dĩ vãng quá xa, và loại trừ
hết mọi sự phân biệt về lý lịch, thành phần, dưới mọi hình thức, một cách thực
chất chứ không chỉ hời hợt bề ngoài.
Đã có một số tín hiệu mới đáng mừng
như vậy rồi. Con đường hòa giải hòa hợp dân tộc khá gập ghềnh vì nhiều lý do
ngoắt ngoéo tế nhị của lịch sử gần đây đã có thêm những bước tiến cụ thể rất
đáng ghi nhận. Chẳng hạn, về cuộc chiến đấu chung bảo vệ hai quần đảo Trường Sa
và Hoàng Sa của Việt Nam những năm 1974, 1988 của binh sĩ cả hai bên chiến
tuyến. Trong đó, riêng trận đánh hi sinh dũng cảm của 74 chiến sĩ quân đội Việt
Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 có thời gian dài bị làm mờ nhạt,
thì nay, sau gần 40 năm hòa bình lập lại, do sự diễn biến thực tế của tình hình
và của nhận thức ngày càng tiến bộ, cởi mở, người ta đã bắt đầu công khai thừa
nhận, thể hiện rõ nhất qua “Thư kêu gọi ủng hộ chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa,
Trường Sa” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, công bố ngày 10.3.2014 vừa rồi.
Các nhà đương cuộc sau thời gian dài dè dặt tiện tặn cho “nhích từng chút” sự
thật lịch sử, nay đã mạnh dạn nhìn nhận sự thật khách quan một cách công khai
bằng giấy tờ hẳn hoi.
Tuy trễ vẫn còn hơn không. “Ai muốn chép công ta chép oán/
Công riêng ai đó oán ta chung”, và nếu chịu xét cho cùng, việc ghi lại công ơn
những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc của cả hai bên chiến tuyến trước đây cũng
là hình thức chép lại cái “oán ta chung” mà chịu giảm nhẹ đi phần nào cái “công
riêng ai đó”, thứ công riêng được lặp đi lặp lại mãi mà chẳng lợi ích thiết thực
gì cho việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc để cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất
nước.
16.4.2014
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 446, tháng 4.2014