Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Kinh ngạc văn hóa xếp hàng ở Nhật Bản



Annie Tran
(TBKTSG) - Văn hóa xếp hàng không phải là đề tài xa lạ gì, thế nhưng hôm nay tôi mới thực sự có một trải nghiệm đầy đủ về cái gọi là văn hóa xếp hàng ở Nhật - một cảm giác khó chịu, bực mình như bị ức chế đến nghẹt thở...
Đến Tokyo vào những ngày cuối tháng 3, cũng như những du khách khác trong đoàn, chúng tôi là “thượng đế” đến thưởng hoa tại xứ sở hoa anh đào. Vậy mà thượng đế cũng phải xếp hàng.
Sự khó chịu đầu tiên là chúng tôi phải xếp hàng chờ ăn sáng. Ngay trước khu vực nhà hàng ăn sáng của khách sạn Westin có một dãy ghế để khách ngồi chờ theo thứ tự. Bất kỳ ai đến dùng bữa, việc đầu tiên là phải ngồi xếp hàng chứ không được vào ngay. Sau đó, một người tiếp tân lịch sự hỏi chúng tôi có mấy người, họ quay vào trong và khoảng 5 phút sau quay ra lịch sự mời chúng tôi vào một bàn đã được dọn sạch đúng với số lượng người đi trong nhóm. Như vậy, sau hơn 15 phút chờ đợi, chúng tôi được phục vụ một cách rất chu đáo.
Tôi không hiểu tại sao phải xếp hàng khi sáng hôm ấy khách không đông lắm. Sau khi tìm hiểu tôi mới biết là họ muốn kiểm soát số lượng khách đang dùng bữa để có một sự phục vụ tốt nhất.
Ngày tiếp theo mới là một sự ức chế tột đỉnh về văn hóa xếp hàng khi chúng tôi tham quan khu Disneyland. Vào cổng, dĩ nhiên là phải xếp hàng. Tham gia các trò chơi, dĩ nhiên cũng phải xếp hàng. Ở khu trò chơi “Cướp biển Caribê” là một hàng dài ngoằng những người là người. Sau hơn 15 phút chờ đợi trong hàng, chúng tôi thấy trước mặt có một tấm bảng ghi: “Thời gian chờ: 60 phút từ điểm này”. Tôi có cảm giác muốn ngất xỉu vì quá bực mình, nhưng nhìn quanh, mọi người vẫn đang rất vui vẻ nói chuyện và tận hưởng việc xếp hàng.
Rút kinh nghiệm ở trò chơi đầu tiên, trước khi quyết định tham gia các trò sau đó, chúng tôi đều tìm xem tấm bảng ghi thời gian chờ là bao nhiêu. 140 phút, 120 phút, 90 phút là thời gian chờ của một số trò mà chúng tôi muốn chơi, chưa kể cái đoạn chờ trước cột mốc tính giờ.
Sẽ không dễ dàng gì nếu như bạn muốn tìm một cái thùng rác công cộng tại Nhật Bản, và cũng rất khó khăn nếu như bạn cố gắng tìm một cọng rác trên đường phố. Nghịch lý phải không? Đó chính là văn hóa đem rác về nhà.
Nhà vệ sinh cũng là nơi phải xếp hàng, dĩ nhiên. Nhưng điều kinh ngạc ở đây là có tới ba người đảm nhiệm việc phân luồng khi xếp hàng. Một hàng dài người xếp hàng trước khu vực nhà vệ sinh nữ. Khi đến cửa, bạn sẽ gặp một nhân viên mặc đồng phục rất chuyên nghiệp, tươi cười và mời vào theo dãy số 1. Vào trong khi rẽ phải, bạn sẽ gặp một nhân viên chặn bạn lại và bảo đứng chờ. Khi có một buồng vệ sinh trống, họ sẽ tươi cười mời bạn vào. Hết chịu nổi! Buổi trưa là cực điểm của văn hóa xếp hàng. Một hàng dài đứng trước quầy tự phục vụ để chờ gọi thức ăn, sau khi trả tiền, mọi người lại xếp hàng để nhận thức ăn, sau đó ra khu vực bàn ăn để xếp hàng nhận chỗ. Ăn xong, mỗi người phải tự thu dọn khu vực của mình, đặt tất cả muỗng nĩa, ly tách đã dùng vào một cái khay và xếp hàng để bỏ tất cả vào thùng rác để kết thúc quy trình ăn trưa.
Loay hoay một ngày trời ở Disneyland, chúng tôi chỉ kịp xếp hàng chơi hai trò, xếp hàng mua nước, xếp hàng ăn trưa thì đã hết giờ. Lúc về, trên đường đi ra cổng, chúng tôi ngao ngán nhìn thấy một hàng dài người xếp hàng chờ mua bắp rang, lòng lo âu tự hỏi không biết mình có phải xếp hàng ở cổng ra về không? Cảm nhận đầu tiên của tôi về Nhật Bản là như vậy đó. Một xã hội quy củ, chặt chẽ với một kỷ luật có thể nói là hà khắc mà người dân tự giác tuân thủ.
Một cái gì đó vỡ òa trong suy nghĩ, phải chăng đây là bí quyết của tinh thần Nhật Bản, điều đã giúp đất nước này bật dậy sau thảm họa của bom nguyên tử và vươn lên thành một cường quốc sau tất cả những thảm họa về chiến tranh và thiên tai mà họ phải gánh chịu?
Tôi chợt hiểu ra nguyên nhân của cái cảm giác khó chịu như bị ức chế của mình khi xếp hàng. Tôi không lớn lên và không thuộc nền văn hóa này. Tôi đến từ một nền văn hóa quá khác biệt, khác biệt đến nỗi những chuyện sau đây có thể xem là nghịch lý ở đất nước tôi, nhưng lại là những điều bình thường đối với người dân ở đất nước mặt trời mọc này.
Sẽ không dễ dàng gì nếu như bạn muốn tìm một cái thùng rác công cộng tại Nhật Bản, và cũng rất khó khăn nếu như bạn cố gắng tìm một cọng rác trên đường phố. Nghịch lý phải không? Đó chính là văn hóa đem rác về nhà.
Một hình ảnh minh chứng cho việc đem rác về nhà mà chúng tôi chứng kiến là một người đàn ông dắt chó đi dạo trong công viên. Chú chó xinh xắn bỗng giơ chân lên và ị một bãi ngay lối đi. Rất bình thản, ông ta lấy từ trong túi ra một mảnh giấy, gói cái sản phẩm mà chú chó vừa “sản xuất” ra và bỏ vào trong túi của mình, xong lại tiếp tục chuyến đi dạo.
Nếu chỉ dùng hai từ để diễn tả cảm xúc của tôi cho chuyến đi này, thì đó là “kinh ngạc” và “khâm phục”. Kinh ngạc về những gì mình tận mắt chứng kiến và khâm phục về tinh thần và văn hóa Nhật Bản. Tôi chợt có một mong ước vu vơ, không hiểu người Nhật đã làm những điều đó như thế nào, chúng ta có thể học hỏi được gì từ đó không?