Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Sống & làm việc với… người đã khuất

(I)
 
Để thực hiện các thiên phóng sự, tôi vẫn thường xuôi ngược đó đây và đã không ít phen nếm trải cảm giác “phiêu lưu mạo hiểm” trong lúc thâm nhập thực tế. Song thú thật, chưa bao giờ tôi phải toát mồ hôi lạnh như chuyến này: đến với những chuyên gia liên tục sống và làm việc với… người chết!
PGS. BS. Nguyễn Quang Quyền nâng niu “hình ảnh con người tương lai”. Ảnh: Phanxipăng
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền nâng niu “hình ảnh con người tương lai”.
Ảnh: Phanxipăng
Yêu khoa học & không yếu bóng vía
- Công việc của chúng tôi lạ lùng lắm: tiếp xúc với người sống thì ít mà với người chết thì nhiều!
Tình cờ, trong một tiệc vui, nghe PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền – chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học thuộc trường Đại học Y Dược TP.HCM kiêm chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam – nói vậy, tôi nổi máu hiếu kỳ, thử trực tiếp tìm hiểu cái nghề nghiệp đặc biệt ấy xem nó ly kỳ rùng rợn tới cỡ nào.
Cộc! Cộc! Cộc!
Đúng hẹn, tôi gõ cửa.
- Mời vào.
Giọng PGS. Nguyễn Quang Quyền trầm ấm vang lên. Tôi đẩy cửa bước vào, và… giật mình đánh thót.
Trong căn buồng bé tẹo trên lầu một ở trường Đại học Y Dược TP.HCM nơi đường An Dương Vương (Q.5), PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền khoác blouse trắng phau, đang ngồi mân mê đo đếm mấy cái… đầu lâu! Chung quanh ông, trời ơi, toàn đầu lâu với xương xẩu! Những hộp sọ người lên nước láng bóng, nhe răng, hốc mắt và ổ mũi trống hoác. Và không biết cơ man nào là xương người – xương cẳng tay, xương ống chân, xương sống, xương sườn, xương chậu, v.v. Trông kinh dị khôn tả!
Chỉ vào một giá treo tường gồm ba ngăn chất hàng loạt sọ người, PGS. Quyền kể :
- Năm 1979, chuyển từ Hà Nội vào đây công tác, tôi mệt phờ với chư vị này đây. Bao nhiêu xương sọ phải tốn lắm công sức mới sưu tập được để nghiên cứu và giảng dạy, tôi cẩn thận đóng gói vào hai thùng carton lớn rồi đem gửi lên tàu Thống Nhất. Nhân viên phòng hoá vận ở ga Hàng Cỏ cạy ra kiểm tra, liền nháo nhác kinh hồn táng đởm! Họ dứt khoát không chịu vận chuyển vì cho rằng đây là hài cốt, tàu bè chở sẽ bị xui rủi. Dù tôi chạy đến nhiều cơ quan chức năng xin cấp cả lô giấy chứng nhận, xác minh, giới thiệu, phòng hoá vận đọc xong lại… lắc đầu! Mãi sau, may mà một lãnh đạo nhà ga có con đang học ngành y, hiểu ra vấn đề nên tìm cách giải quyết cho.
Tôi ngạc nhiên khi thấy một tủ kính nhỏ hệt tủ thuốc lá bán lẻ vệ đường, trong xếp đầy sọ người bé xíu. Có cái bằng viên bi. Có cái bằng quả trứng gà. Có cái tương tự trái bưởi. Cứ ngỡ đây là những đầu lâu bị thu nhỏ theo một kỹ thuật kỳ bí nào như một số bộ lạc thời hoang sơ từng làm. Hoá ra không phải. Toàn bộ gồm hộp sọ của thai nhi từ 3 tháng đến sơ sinh. Ấy là công trình sưu tập và nghiên cứu do PTS.BS. Trần Hùng và kỹ thuật viên Huỳnh Tâm kiên trì thực hiện nhiều năm ròng nhằm phục vụ đề tài khoa học về phôi.
PGS. BS. Nguyễn Quang Quyền giới thiệu bộ sưu tập sọ thai nhi của PTS.BS. Trần Hùng với Phanxipăng. Ảnh: Đào Ngọc Đồng
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền giới thiệu bộ sưu tập sọ thai nhi của PTS.BS. Trần Hùng với Phanxipăng. Ảnh: Đào Ngọc Đồng
Trên bàn làm việc của PGS. Quyền có trưng một mô hình khá quái gở: một hộp sọ gắn lên một cái xương chậu. Chú thích rất kêu: “Hình ảnh con người trong tương lai”.
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền giải thích :
- Cách đây ít lâu, trong một hội nghị quốc tế về nhân chủng học, người ta đã nêu một câu hỏi cho các đại biểu tham dự: khoảng 500 năm nữa, con người sẽ ra sao? Mô hình này chính là lời giải đáp của một số nhà khoa học viễn tưởng. Họ cho rằng trong tương lai xa, con người có cái đầu to đùng do làm việc chủ yếu bằng trí óc. Răng rất bé và ít, thậm chí không có răng. Miệng cũng nhỏ xíu. Vì chế độ ăn uống lúc ấy toàn thực phẩm tinh chế thành viên, thành ống, theo kiểu du hành vũ trụ. Thân mình hầu như triệt tiêu luôn, vì phủ tạng chả cần hoạt động để tiêu hóa thức ăn. Cột sống teo đi, không còn cổ, nên chiếc đầu hầu như nằm ngay trên hông. Di chuyển mọi nơi thì có máy móc tinh xảo hỗ trợ, cặp chân cũng “hết thời”. Bàn tay chỉ dùng để bấm nút điện tử nên có lẽ còn… 3 ngón! Hình ảnh thật ngộ nghĩnh, thậm chí kỳ quặc, nhưng dù sao cũng phản ánh sự đánh giá về những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhảy vọt cũng như những sinh hoạt nhân loại trong tương lai.
Tôi phân vân:
- Song, mô hình này tách rời các quy luật tiến hóa sinh học.
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền gật:
- Đúng là cấu tạo của cơ thể người phải thay đổi để thích nghi với môi trường chung quanh và điều kiện sống, nhưng sự thay đổi đó diễn ra vô cùng chậm chạm. So sánh dòng họ người cách nay trên dưới 3 triệu năm với con người hiện đại, nào thấy có gì khác xa về mặt hình thái?
Giữa không khí cực kỳ tĩnh mịch, nhìn PGS. Quyền loay hoay làm việc với đủ cỡ xương xóc, đủ kiểu dụng cụ thí nghiệm, và bao nhiêu tài liệu giải phẫu học, nhân trắc học, hình thái học, v.v., chồng thấp, chồng cao, ví thêm đôi chút hương trầm bềnh bồng, ắt tôi nghĩ mình đang tiếp xúc một… phù thuỷ lẫy lừng trong thần thoại.
Dường đoán đuợc ý nghĩ của tôi, “phù thủy” cười khà:
- Phải thật sự yêu khoa học và không yếu bóng vía mới theo đuổi được nghề này, anh Phanxipăng ạ. Phòng này chưa mùi mẽ gì đâu. Nếu anh chịu đựng nổi cảm giác mạnh hơn nữa, xin mời theo tôi.

 
(II)

Xác một bên & xương một bên
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền đưa tôi đến trước phòng 101, đoạn mở cửa. Tôi bước vào, đảo mắt nhìn quanh, lập tức lạnh toát châu thân!
Đó là gian phòng rộng. Bên trong, được xếp ngay hàng thẳng lối những 50 chiếc… quan tài bằng thép không gỉ / acier inoxydable / stainless steel. Chỉ cần bật nắp, kéo tay gạt, những xác người ngâm dung dịch formol trong từng áo quan sẽ từ từ trồi lên để các nhà giáo, kỹ thuật viên, sinh viên tiến hành giảng dạy và học tập. Hiện nơi đây lưu trữ 70 xác, cũ có, mới có.
Khi tôi vào phòng, vài nghiên cứu sinh đang chăm chú phẫu tích cả loạt xác nam, xác nữ. Dung dịch formol – các tên khác là formaldehyde / aldehyde / methylene oxide / methyl / methanal, với công thức phân tử CH2O – bốc mùi tanh nồng đến khó chịu. Chất này có khả năng chống phân huỷ nhưng lại bị oxy hoá, khiến tất cả tử thi ngả màu thâm đen.
Nhìn cảnh tượng những người say mê khoa học đang tỉ mẩn cắt da, xẻ thịt, bóc cơ, tách gân, tôi liên tưởng sự tích táo bạo của Andries van Wesel / André Vésale (1514 – 1565, người Bỉ).
Thuở còn là sinh viên trường Đại học Y khoa Paris, thủ đô nước Pháp, Vésal nghi ngờ các lý thuyết kinh điển nhưng chẳng thể tìm đâu ra xác người để thực nghiệm phản biện. Do đó, đêm hôm khuya khoắt, Vésale bí mật vào các nghĩa trang, lén quật mồ vừa mai táng lên để mổ xẻ. Liều vậy, ông mới hoàn tất công trình De humani corporis fabrica / Sur le fonctionnement du corps humain / Cấu tạo cơ thể người nổi tiếng, trở thành nhà cách mạng trong giải phẫu học, sáng lập môn giải phẫu học mô tả và được nhiều thế hệ tôn là “nhà phẫu tích vĩ đại nhất cổ kim”.
Chân dung André Vésal (1514 – 1565) trên tiền giấy của Vương quốc Bỉ
Chân dung André Vésale (1514 – 1565) trên tiền giấy của Vương quốc Bỉ
Đào Ngọc Đồng – phóng viên ảnh cùng đi với tôi – sớm tái mét mặt mày lúc vô “buồng xương”, giờ sang “buồng xác” thì chịu hết xiết. Đồng quay lưng, lao vọt ra hành lang và từ từ… ngất xỉu. Tỉnh dậy, Đồng nôn oẹ um sùm, dễ mất cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa hoàn hồn. Đồng rên rỉ:
- Hừ hừ… Mình từng đi lính, vào sinh ra tử, tẩm liệm bao đồng đội. Hừ hừ… Nhưng mình chưa chứng kiến hàng hàng lớp lớp xác tồng ngồng vầy. Ôi! Rợn quá!
PGS. Quyền trấn an:
- Người lạ vào đây, đa số đều bị sốc. Tôi trải qua gần 40 năm giảng dạy môn này, chưa thấy lứa sinh viên nào lần đầu thí nghiệm xác lại chẳng có em ngất lên xỉu xuống. Ngay cả nhiều bác sĩ ra trường rồi, quay trở lại đây, khối vị còn hãi cơ mà! Cũng không ít nhà báo nổi tiếng bạo gan, thế mà tới tham quan chỉ một lần rồi… cạch!
Một nữ nha sĩ quen biết với tôi cũng xác nhận điều đó :
- Biết rằng giải phẫu học là cơ sở của các môn cơ sở cũng như các môn lâm sàng trong y khoa. Nhưng bây giờ vào phòng 101, em vẫn nổi gai ốc, dù thời sinh viên đã từng “bấm bụng” thực tập trên xác!
Vậy nhưng, những người theo chuyên ngành giải phẫu vẫn ngày đêm miệt mài với “xác một bên và xương một bên”.
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh về giải phẫu người trong phòng 101 ở Đại học Y Dược TP.HCM có Phanxipăng chứng kiến. Ảnh: Phan Bảo Khánh
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh về giải phẫu người trong phòng 101 ở Đại học Y Dược TP.HCM có Phanxipăng chứng kiến. Ảnh: Phan Bảo Khánh
Buổi xế tà nọ, tôi lại đến trường Đại học Y Dược tìm thêm tài liệu và tiếp tục ghé vào phòng 101. “Buồng xác” vắng hoe. Chỉ một cô nàng lom khom cắt rạch mấy tử thi đen xì. Đó là kỹ thuật viên Trương Thị Sao Mai đang chuẩn bị phẫu trường để mai kịp cho các nhà giáo giảng dạy mấy lớp sinh viên.
Người phụ nữ này trông quen quen. Hình như tôi đã gặp nàng bao giờ nhỉ? A, nhớ rồi. Trong các kỳ tuyển chọn hoa khôi, hoa hậu, Trương Thị Sao Mai vẫn thường hiện diện để làm nhiệm vụ cân đo các thí sinh.
Nàng cho biết:
- Sao Mai tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật y khoa năm 1993 với tiểu luận Một số đặc điểm đo đạc kích thước của các thí sinh dự thi hoa hậu do thầy Quyền hướng dẫn. Chính nhờ bộ môn giải phẫu học, nhân trắc học, nhân chủng học, chúng ta mới có cơ sở xác lập những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá vẻ đẹp ngoại hình con người một cách khoa học.
Tôi thầm nghĩ: chắc chắn nhiều nhan sắc nổi tiếng đâu biết những đôi tay từng quàng qua vòng ngực, vòng eo, vòng mông mình lại là những đôi tay vẫn thường xuyên hí hoáy với… xác chết!

(III)

Xương & xác : S.O.S!
Không chỉ phục vụ việc kén chọn giai nhân trong các cuộc thi hoa hậu lẫn người mẫu thời trang, giải phẫu học / anatomia / anatomie / anatomy còn cần thiết đối với nhiều ngành: khảo cổ, nhân chủng, nhân trắc, điêu khắc, hội họa, thể dục, thể thao, võ thuật, v.v. Ứng dụng giải phẫu học thiết thực nhất vẫn là trong y tế. Bởi, nếu lỡ chấm nhầm một cô hoa hậu với á hậu, hoặc vẽ tranh tạc tượng sai lệch tỷ lệ, hình khối người mẫu, ắt cũng… chưa chết ai (!). Chứ thăm khám phủ tạng một cách lơ mơ, huơ dao kéo phẫu thuật kém chuẩn xác, chắc hàng loạt bệnh nhân không tàn (phế) cũng tạ (thế). Đúng như nhận xét của Mukhin, một danh y người Nga, rằng: “Thầy thuốc mà thiếu kiến thức giải phẫu học thì chẳng những vô ích mà còn nguy hại!”
Vì thế, dù nhát cáy tới cỡ nào, muốn trở thành bác sĩ thì sinh viên ngành y đều phải “bấm bụng” trang bị kiến thức giải phẫu. Hiện tại, trong chương trình đào tạo Đại học Y ở Việt Nam, các sinh viên phải qua 200 tiết giải phẫu học, trong đó ½ thời gian dành để thực tập với xương và xác người.
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền dạy giải phẫu người cho sinh viên y khoa. Ảnh: Phan Bảo Khánh
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền dạy giải phẫu người cho sinh viên y khoa. Ảnh: Phan Bảo Khánh
Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, thực tế nhiều trường Y không thể dạy thực tập chu đáo được. Trước hết là trang thiết bị. Bồn inox chứa xác như ở phòng 101 trường Đại học Y Dược TP.HCM vốn do Hoa Kỳ viện trợ từ năm 1967, giá mỗi bồn tới 12.500 USD. Nếu đặt các xưởng cơ khí trong nước phỏng theo để gia công cũng phải mất mỗi bồn 20 triệu đồng. Ướp xác kiểu này khá tiện lợi nhưng tốn kém quá, nên nhiều quốc gia phát triển – ngay cả Mỹ – cũng ít có cơ sở sử dụng. Đa số dùng bể ngâm xác hoặc lắp đặt phòng lạnh giữ xác. Song, gay go chủ yếu là khan hiếm tiêu bản người thật! Trường Đại học Y khoa Hà Nội – là trường đại học đầu tiên của cả nước, được thành lập năm 1902 – hiện mỗi năm chỉ có 1 ~ 2 xác, làm sao đáp ứng đủ cho nhu cầu thực tập của khoảng 300 sinh viên. Học viện Y Huế đã 5 năm nay chẳng còn tử thi để sinh viên thực hành, dù bể chứa xác của trường được CHLB Đức giúp đỡ xây dựng rất hiện đại. Khoa Y Nha Dược của Đại học Cần Thơ được Đại học Y Dược TP.HCM biếu 2 bồn inox và mỗi năm viện trợ 2 ~ 3 xác, cũng vẫn thiếu trước hụt sau. Các trường Đại học Y khác, từ thành lập đến nay, chưa hề có lấy một xác nào nên sinh viên phải “học chay”. Như các Đại học Y khoa Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng hoặc khoa Y ở Đại Học Tây Nguyên, nhiều thế hệ thầy thuốc tương lai cứ “gạo” lý thuyết suông rồi… kiến tập, tức là xem phẫu tích xác ướp qua video. Thật kẹt!
Riêng tại TP.HCM, trường Đại học Y Dược còn 70 tử thi nhưng mỗi năm phải sử dụng tới 20 xác cho gần 500 sinh viên và nghiên cứu sinh thực tập, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế cũng có 30 tử thi và mỗi năm phải sử dụng 6 xác để giảng huấn. Xác đã được dạy và học nhiều lần thì không thể dùng lại được, bởi thế nguồn dự trữ chẳng bao lâu nữa sẽ cạn kiệt hoàn toàn nếu thiếu bổ sung.
Phẫu tích xác ướp. Ảnh: Phanxipăng
Phẫu tích xác ướp. Ảnh: Phanxipăng
Nguồn xác dự trữ kia, trước đây lấy từ đâu? Đó là những tử thi vô thừa nhận do Công ty Mai táng và Trung tâm Cấp cứu Sài Gòn chuyển đến. Nhưng mấy năm qua, trường Đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM không nhận thêm một xác vô thừa nhận nào nữa. Bởi xã hội và gia đình ngày càng tổ chức tốt hơn, tất nhiên trường hợp “thác vô thân thích” càng hạn chế. Một lý do khác: người ta tin rằng đem xác vô thừa nhận cho trường Y là… thất đức, nên họ đem thiêu hoặc chôn. Nếu tình hình này kéo dài, thử hỏi tay nghề các thế hệ bác sĩ tương lai sẽ ra sao?!
PTS.BS. Phạm Đăng Diệu – phó chủ nhiệm bộ môn giải phẫu học ở Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM – thở dài :
- Thực trạng bi đát đó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả toàn cầu. Trên các chuyên san giải phẫu học nước ngoài, hầu như số nào cũng đăng lời ta thán về chuyện thiếu xác để giảng dạy và nghiên cứu! Trong các hội nghị giải phẫu học quốc tế và khu vực, các chuyên gia luôn gióng chuông báo động về nạn thiếu xác!
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền thêm :
- Không chỉ thiếu xác, cả xương cũng thiếu nốt! Nhiều nước hiện xoay không ra xương người cho sinh viên học, dù kỹ nghệ làm giả của họ cực kỳ tinh xảo. Tinh xảo mấy thì của giả vẫn khác của thật. Chẳng hạn hộp sọ người hợp bởi nào xương trán, xương đỉnh, xương chẩm, xương bướm, xương thái dương, nào xương mũi, xương gò má, xương hàm trên, xương hàm dưới, v.v., với hàng trăm lỗ li ti, làm giả gì nổi! Ngay tại Mỹ, nhiều trường Y giờ không có xương thật để dạy. Một số giáo sư người Mỹ sang đây, thấy hàng loạt hộp sọ trong buồng làm việc của tôi, họ mê tít. Họ xin mua mỗi sọ 50 đô. Những thứ này, chúng ta không bán chác!
Một số hộp sọ người tại bộ môn Giải phẫu học, trường Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Một số hộp sọ người tại bộ môn Giải phẫu học, trường Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng

(IV)

Nghĩa cử hiến xác đầu tiên ở Việt Nam
Do quá thiếu tử thi để giảng dạy và học tập, các nhà giải phẫu khắp nơi đã kêu gọi mọi người hiến xác. Đối với nhiều quốc gia, nhất là ở Âu Mỹ, đây chẳng phảiđiều mới lạ. Tuy nhiên, những nước đó vẫn lâm vào tình trạng không đủ xác cho ngành y. Một GS. BS. người Pháp cho biết bộ môn giải phẫu học ở trường ông đã nhận được hơn 20.000 đơn xin hiến xác, nhưng thực tế lại “tiếp quản” rất ít di hài. Riêng tại một số quốc gia Á Đông, trong đó có Việt Nam ta, tự nguyện hiến cơ thể mình cho khoa học là chuyện… tày đình. Quan niệm ngàn đời “sống cái nhà, chết cái mồ”, “sống dầu đèn, chết kèn trống”, “sống khôn, thác thiêng” đã ăn sâu vào ý thức cộng đồng, trở thành tập quán, tín ngưỡng. Vào thập niên 1980, một bác sĩ ở Hà Nội bị ung thư gan, xin hiến xác sau khi qua đời, nhưng gia đinh và cả… đồng nghiệp phản đối quyết liệt! Ngày 9-2-1993, bộ môn giải phẫu học trường Đại học Y Dược TP.HCM lần đầu tiên tiếp được đơn xin hiến xác của một cụ già 70 tuổi ở xã Long Thạnh Mỹ thuộc huyện Thủ Đức (từ ngày 6-7-1997 là phường thuộc quận 9) và sau đó nhận thêm 21 đơn khác. Kết quả cụ thể đến giờ vẫn chưa thấy gì. Xác vẫn hiếm như xưa nay từng thế.
Bất ngờ sao, 10 giờ sáng thứ ba 30-7-1996, PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền điện đến tòa soạn, báo cho tôi biết một sự kiện chấn động:
- Ôi! Lần đầu, ngành giải phẫu học của nước nhà thực sự nhận được xác hiến… Nguyễn Đức Minh ấy mà… Chúng tôi đang tổ chức nghi lễ tiếp nhận…
Sực nhớ chuyện lạ mà PGS. Quyền kể trước đây: thượng tuần tháng 3-1996, một nhóm thanh niên ham thích khoa học xin vào phòng 101 xem sinh viên thực hành phẫu tích. Khi nhóm ra về hết, có một chàng trai đeo kính đen nán lại, đưa tay sờ soạng mấy cái… bồn xác. Tiếp đó, anh còn đề nghị hết sức lạ lùng: xin được thò tay hẳn trong bồn để rờ rẫm từng xác ướp! Hóa ra anh ta bị hỏng mắt nên muốn “nhìn” bằng xúc giác cho rõ. Không nỡ từ chối, PGS. Quyền đành đồng ý. Lát sau, anh thưa: “Nay mai em chết, em xin hiến thân xác mình cho khoa học, thầy chấp nhận không ạ?”. Người thanh niên đó chính là Nguyễn Đức Minh.
Nguyễn Đức Minh thuở sinh tiền cạnh mẹ hiền Phạm Thị Soi tại nhà riêng
Nguyễn Đức Minh thuở sinh tiền cạnh mẹ hiền Phạm Thị Soi tại nhà riêng
Sinh năm Nhâm Tý 1972, Nguyễn Đức Minh ngay từ thơ ấu đã chịu một căn bệnh rất hiếm có ở Việt Nam và cả trên thế giới: hội chứng Marfan – một hội chứng bẩm sinh, chưa tìm ra nguyên nhân, biểu hiện bằng thân hình cao gầy lòng khòng, di lệch thủy tinh thể ở mắt và dị tật bẩm sinh ở tim. Năm lên 7, Minh bị tai nạn, hỏng mắt trái. Đến 18 tuổi, lại gặp tai nạn, mắt phải cũng gần như mù. Dù cơ thể bệnh tật, Minh vẫn rất có nghị lực. Anh ghi danh theo học chương trình văn hóa dành cho người khiếm thị tại Câu lạc bộ Bừng Sáng. Đồng thời, Minh tập chơi được nhiều loại nhạc cụ (piano, guitar, trống) và còn siêng năng luyện cả võ cổ truyền dân tộc. Khao khát lớn nhất của Minh là góp phần giúp ích cho người khác nên anh thường tranh thủ tham gia hoạt động từ thiện: quyên góp cứu trợ đồng bào bị bão lụt, đi ủy lạo bệnh nhân ở trại phung cùi, v.v. Những cơn đau tim ngày càng tăng khiến Minh vật vã. Một nhóm bác sĩ người Pháp biết chuyện nên quyết tâm mổ cứu anh, dù dự đoán ca mổ thành công chỉ … 15%! Ngày 13-3-1996, sau khi tham quan bộ môn Giải phẫu học ở trường Đại học Y Dược TP.HCM, Minh lập di chúc gồm 3 điểm: xin hiến xác cho khoa học; đề nghị gia đình không làm tang lễ lớn để lấy tiền giúp đỡ người nghèo; dành những vật dụng riêng là máy đánh chữ tặng Câu lạc bộ Bừng Sáng, còn cassette, ampli, cặp loa, dụng cụ học tập tặng Thái Thị Kim Cúc – người bạn gái thân thiết cùng cảnh mù lòa.
Riêng điểm “hiến xác ” đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận trong gia đình và bà con nội ngoại của Nguyễn Đức Minh. Với lý lẽ vững chãi và thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết, Minh cố gắng thuyết phục mọi người. Ông Nguyễn Đức Phi – thân phụ của Minh – cuối cùng phải nhượng bộ: “Nếu con mất ở bệnh viện, ba mẹ cho con hiến xác; còn mất tại nhà thì ba mẹ sẽ mai táng cho con.” Vì sợ “mất tại nhà” nên ngày 28-7-1996, nổi cơn đau, Minh liền đến Viện Tim. Trước phút lên bàn mổ, Minh trối trăn với mẹ là Phạm Thị Soi: “Chuyến này đuợc lành bệnh, con sẽ gắng học thật giỏi để giúp đời; nếu lỡ không qua khỏi, xin mẹ vui lòng cho con hiến xác.” Rồi anh trao bản di chúc cho bác sĩ phẫu thuật kèm lời dặn dò tha thiết: “Nếu em chết, bệnh viện cứ đưa xác em đến Đại học Y Dược trước khi báo gia đình em biết.”
Nghĩa cử cao đẹp của Nguyễn Đức Minh lập tức được loan tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khiến nhiều người xúc động, cảm phục và… bàng hoàng.
Bà Phạm Thị Soi cùng gia quyến bên con trai Nguyễn Đức Minh giai đoạn xác trải qua các khâu xử lý
Bà Phạm Thị Soi cùng gia quyến bên con trai Nguyễn Đức Minh giai đoạn xác trải qua các khâu xử lý
Tôi đã đến giáo xứ Phát Diệm (phường 9, quận Phú Nhuận), gặp gia đinh Minh, đuợc tận mắt đọc bản di chúc của anh và đuợc xem cả chồng thư từ khắp nơi gửi về ngợi ca hành động tận hiến can đảm, vị tha của anh. Có người gọi Nguyễn Đức Minh là anh hùng. Và không ít trưòng hợp nguyện noi gương anh.
Chồng Nguyễn Đức Phi & vợ Phạm Thị Soi cùng thân nhân thăm viếng Nguyễn Đức Minh nơi phòng 101 ở Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Chồng Nguyễn Đức Phi & vợ Phạm Thị Soi cùng thân nhân thăm viếng Nguyễn Đức Minh nơi phòng 101 ở Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Ngày 1-9-1996, một thanh niên quê Thái Bình là Phạm Văn Hân đã đến trường Đại học Y Dược TP.HCM xin viếng thi hài Nguyễn Đức Minh rồi bày tỏ nguyện vọng: tình nguyện hiến xác.
Mới đây, tối 29-10-1996, tôi được mời dự buổi gặp gỡ chưa từng thấy xưa nay: Họp mặt những người hiến thân cho ngành giải phẫu học. 38 người, nam có, nữ có, đủ độ tuổi, đủ thành phần xã hội, tự nguyện hiến thân xác “vì sự nghiệp phát triển nền y học Việt Nam”. Nhận 38 bản di chúc hiến xác, PGS. BS. Nguyễn Quang Quyền run run, nghẹn ngào…

(V)

Khi các “xác”… tâm sự
Nhiều phen lui tới bộ môn Giải phẫu học ở trường Đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, tôi đã tận mắt quan sát các giáo sư dạy sinh viên thực tập, thậm chí có bữa tôi còn tận tay cầm panh cầm kéo tí toáy mấy “chiêu” phẫu tích tử thi. Những lần như thế, tôi vẫn thường băn khoăn gạn hỏi:
- Các xác này là ai? Quê quán nơi nao? Sinh thời, họ làm gì? Hoàn cảnh nào khiến họ tạ thế?
Những thắc mắc đó khó giải đáp tường tận. Trừ trường hợp Nguyễn Đức Minh, tất cả tử thi ở đây đều thuộc diện “tứ cố vô thân” nên chẳng thể truy nguyên tuổi tên, địa chỉ. Với một vài xác, cán bộ tiếp nhận chỉ biết lờ mờ lý do tử vong. Cụ già nọ không con cháu, dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi, bỗng lâm trọng bệnh, nhập viện thời gian ngắn rồi mất. Cô gái kia liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa, quá phờ phạc bởi đưa người cửa trước, rước người cửa sau, quá chán chường ong qua bướm lại đã thừa xót xa, đành tự vẫn. Chàng trai gầy rộc ấy là dân chích choác xì ke, cha mẹ từ, anh em đuổi, lang thang đầu đường xó chợ, chợt tắt thở nơi góc công viên vào đêm mưa gió não nùng giữa cơn nghiện hoành hành. Tay trung niên nọ leo cột cao thế để… trộm điện, chẳng may bị giật, thân thể cháy nám nhưng gia đình không dám nhận vì sợ… ra toà. Dường mọi số phận mà thi hào Nguyễn Du (1766 – 1820) từng liệt kê trong Văn tế thập loại chúng sinh đều có thể bắt gặp ở đây!
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền đưa Phanxipăng thăm Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Đứng sau là PTS.BS. Phạm Đăng Diệu. Ảnh: Đào Ngọc Đồng
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền đưa Phanxipăng thăm Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Đứng sau là PTS.BS. Phạm Đăng Diệu. Ảnh: Đào Ngọc Đồng
Không thể phỏng vấn xác chết, tôi quay qua trò chuyện với những người hiến xác Lần đầu tiên, không chỉ tại Việt Nam mà có lẽ khắp hoàn cầu, xuất hiện một tập thể gồm những người tình nguyện hiến thân xác cho khoa học với tên gọi là nhóm Hiệp Thông. Tối 29-10-1996, ở trường Đại học Y Dược TP.HCM, cuộc Họp mặt những người hiến thân cho ngành giải phẫu học ghi dấu thời điểm nhóm này khởi lập. Nguyễn Thị Thanh Nga – sinh viên Đại học Mở Bán công TP.HCM – đại diện nhóm, trao tận tay PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền 38 bản di chúc mang nội dung: tự nguyện hiến toàn bộ thân xác sau khi qua đời cho bộ môn giải phẫu của các trường đại học y khoa, chỉ xin giữ lại… con tim để gia đình tổ chức tang lễ!
Thanh Nga tâm sự:
- Nghĩa cử hiến xác của anh Nguyễn Đức Minh đã lay động em dữ dội. Trong cuộc sống, em luôn hăng hái tham gia công tác từ thiện. Vậy mai chết đi, mảnh hình hài này còn giúp ích cho xã hội thì em rất sẵn sàng. Nhóm Hiệp Thông đồng lòng gọi Nguyễn Đức Minh là anh cả. Nói như PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền, hành động của Nguyễn Đức Minh đã trở thành “ngòi nổ” phá vỡ định kiến từ ngàn đời nay của dân mình. Hy vọng rằng, cùng với các thành viên trong nhóm, em sẽ vận động được nhiều người tiếp bước anh cả Nguyễn Đức Minh.
Lê Minh Mẫn, 43 tuổi, sống với vợ con tại 280/18 Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), phát biểu:
- Hồi chiến tranh, đất nước có quá nhiều gương hy sinh. Nay thời bình, nhiều người lao theo tiện nghi vật chất, mưu lợi riêng tư mà quên rằng đức tính hy sinh luôn cần thiết cho sự thịnh suy của toàn cộng đồng. Nếu trong xã hội hiện tại, mỗi người chịu hy sinh vì người khác một chút thôi, chắc chắn cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Tâm niệm vậy nên tôi rất vui vẻ dâng hiến những gì mình có cho việc nhân đạo. Chưa đầy 2 năm qua, tôi đã 9 lần hiến máu tại Hội Chữ thập đỏ. Tôi cũng làm đơn hiến mô tại Ngân hàng mô. Bây giờ, tôi lại viết di chúc hiến xác.
Lê Minh Mẫn - thành viên của nhóm Hiệp Thông - phát biểu tại cuộc Họp mặt những người hiến thân cho giải phẫu học tối 29-10-1996. Ảnh: Phanxipăng
Lê Minh Mẫn – thành viên của nhóm Hiệp Thông – phát biểu tại cuộc “Họp mặt những người hiến thân cho giải phẫu học” tối 29-10-1996. Ảnh: Phanxipăng
Trương Doan, quản lý tổ ấm Hoàn Thiện tại 164/39A Trần Quốc Thảo (Q.3), nêu ý kiến:
- Nhắm mắt xuôi tay, dù địa táng hay hoả táng, thân xác nào rồi cũng thành tro bụi. Thế tại sao không hiến thi thể cho khoa học? Chắc chắn hiến xác là giúp phương tiện để sinh viên y khoa thực tập nhằm trở thành thầy thuốc giỏi cứu chữa mọi người, trong đó có thân nhân của mình. Hành động tận hiến như anh cả Nguyễn Đức Minh xứng đáng gieo hạt mầm nẩy sinh sự sống đời đời.
Dẫu mới sơ khai nhưng nhóm Hiệp Thông sinh hoạt khá sôi nổi. Các thành viên thỉnh thoảng gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng hiến xác cho khoa học. Họ vẫn lạc quan chúc nhau “sống lâu đến răng long đầu bạc”, lắm khi còn đùa tếu gọi nhau là “xác… chưa chết”, rồi dí dỏm cải biên ca khúc Tự nguyện của Trương Quốc Khánh mà hát ầm:
Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng;
Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đoá hướng dương;
Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm;
Nếu là người, tôi… hiến xác cho y khoa.
Tôi cùng PTS.BS. Phạm Đăng Diệu đến dự một buổi sinh hoạt của nhóm Hiệp Thông tổ chức tại quận Phú Nhuận trưa 6-11-1996. Nhóm cho biết: nhờ báo chí tác động tích cực, ngày càng có thêm nhiều người tình nguyện hiến xác. Bà Phan Thị Huệ, 53 tuổi, nhân viên nhà máy Vissan, thường vụ Công đoàn ngành thương nghiệp TP.HCM, trình bày:
- Các bài báo khiến tôi suy nghĩ rất lung. Trong cơ chế thị trường, nhiều người sống quá thực dụng, chăm chăm vì cá nhân mình mà ít nghĩ tới mọi người. Tôi xin hiến xác, bởi phong trào này không những có lợi cho khoa học mà còn là một cách cảnh tỉnh xã hội kim tiền.
Ông Hoàng Nghĩa Tạc, 62 tuổi, nguyên cán bộ của Tổng Công ty Xây dựng công trình 6, nay về hưu ở tại cư xá Bắc Hải (Q.10), nói:
- Năm 1966, ngoài miền Bắc, tôi được nhận huy hiệu “người tốt việc tốt”. Tôi luôn quyết giữ truyền thống quý báu ấy. Sau này, hưu trí, tôi bao lần đặt vấn đề trong Câu lạc bộ Những người cao tuổi: “Người tốt sống làm việc tốt; cuối đời, cần chết sao cho tốt đây?”. Nay gặp phong trào tự nguyện hiến xác cho khoa học, tôi hưởng ứng ngay, chẳng đắn đo gì. Tôi đang đả thông tư tưởng vợ tôi để bà cũng xung phong hiến xác đấy.
Tôn chỉ của nhóm Hiệp Thông rõ cao đẹp. Tuy nhiên, phải qua thực tiễn mới chứng minh kết quả cụ thể. Điều này đòi hỏi thời gian. Bởi nhiều nước đã xảy ra tình trạng đơn tình nguyện hàng đống, mà thực tế xác hiến chẳng có bao nhiêu.
Ông Nguyễn Đức Phi và bà Phạm Thị Soi – song thân của Nguyễn Đức Minh – thổ lộ:
- Ngỡ hiến xác là… tiêu luôn, đâu ngờ thi thể con mình vẫn còn đó. Gia đình và bà con, bạn bè, xóm giềng vẫn thường xuyên viếng thăm Minh, luôn được trường Đại học Y Dược TP.HCM tạo điều kiện dễ dàng. PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền còn hứa: sau khi dùng để dạy và học xong, nếu gia đình muốn, cứ thoải mái nhận xác Minh về để thiêu hoặc chôn. Bây giờ ngẫm lại càng thấy hành động của con mình rất đáng hãnh diện.
Kiểm tra xác ướp. Ảnh: Phanxipăng
Kiểm tra xác ướp. Ảnh: Phanxipăng
Khi tôi viết những dòng này, đã quá nửa khuya. Tạm dừng bút, ngước qua cửa sổ nhòm ra ngõ hẻm, tôi suýt rú lên hốt hoảng vì thấy trong màn đêm lừng lững một cái xác nhe răng trắng ởn. Chăm chăm ngó tôi, xác vụt cười khành khạch. Định thần, nhìn kỹ, tôi thở phào: té ra “xác… chưa chết” Trần Tiến Đức – thành viên của nhóm Hiệp Thông. Nhân có việc ngang qua, thấy phòng tôi còn sáng ánh điện, Đức sè sẽ ghé vào, hỏi:
- Kính nhờ nhà báo, nhà văn, nhà thơ Phanxipăng giải đáp giúp: khi tôi ngoẻo, xác đưa đến trường Y, cán bộ chuyên môn xử lý thế nào nhỉ?

(VI)

Xử lý xác: nghề giáp mặt “K.K.K.”
Đa số sinh viên y khoa đều than: giải phẫu học là cái môn 3K. Đây chẳng phải tên gọi tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan khét tiếng, thành lập từ năm 1866 tại Pulaski, bang Tennessee, Hoa Kỳ. Đây chỉ là trò chơi chữ đồng âm, viết / nói tắt mấy từ “khó, khổ và… khiếp”.
Quả vậy. Với hàng lô hàng lốc chi tiết phức tạp cùng quá nhiều thuật ngữ, môn giải phẫu học cực kỳ khó nhớ. Mà thuật ngữ lại “chơi” toàn từ Latinh nhì nhằng, buộc phải thuộc lòng, càng gay! Nhập môn bài Xương khớp chi trên, đã hoa cả mắt với những xương đòn (clavicula), xương vai (spacula), xương cánh tay (humerus), xương quay (radius), xương trụ (ulna), xương cổ tay (ossa carpi), xương bàn tay (metacarpus), xương ngón tay (ossa digitorium manus), xương vừng (ossa sesamoidea), khớp khuỷu (articulatio cubiti), khớp quay trụ (articulatio radioulnaris distalis), v.v. Vậy coi như cắn răng “cày” thêm một tử ngữ. Lại phải chỉ lên tranh ảnh, mô hình, tiêu bản, hoặc sờ nắn người sống, điểm danh chính xác sơ sơ khoảng 6.000 chi tiết giải phẫu học đại thể, hỏi bộ nhớ nào tránh khỏi bị tràn? Nội việc tụng niệm làu làu 12 đôi dây thần kinh sọ (nervi craniales) với đầy đủ tên gọi, chức năng, nguyên uỷ thật, nguyên uỷ hư, đường đi và phân nhánh, ôi thôi, không khéo cũng dễ… bứt dàn thần kinh sĩ tử! Rồi đến phần thực tập trên xác người, thì như bạn đọc đã biết, bao nhiêu sinh viên, nhất là “lính mới tò te”, tha hồ ngất lên, xỉu xuống, nôn ói mật xanh, mật đỏ lẫn mật vàng!
Một trang “Atlas giải phẫu người” của Frank H. Netter do Nguyễn Quang Quyền dịch (NXB Y Học, Hà Nội, 1996). Ảnh: Phanxipăng
Một trang “Atlas giải phẫu người” của Frank H. Netter do Nguyễn Quang Quyền dịch (NXB Y Học, Hà Nội, 1996). Ảnh: Phanxipăng
Dẫu sao, phần đông sinh viên y khoa cũng chỉ tiếp xúc với xương và xác người một thời gian, lấy đủ tín chỉ giải phẫu học xong là có quyền mừng rú: “Thoát!”. Ngay cả một số ngành nghề liên quan đến xương và xác người chết – như cổ nhân học, giải phẫu bệnh, pháp y, canh nhà xác bệnh viện, phu mai táng, bốc mộ, hoả thiêu, v.v. – thì việc trực tiếp đụng chạm đến hài cốt cũng không thường xuyên liên tục từ ngày này qua tháng khác như những vị công tác tại bộ môn giải phẫu học. Đặc biệt, các nhân viên xử lý xác ở đây đúng là những người hành nghề 3K.
Bất kỳ lúc nào có thi hài – hoặc hiến hoặc vô thừa nhận – chuyển đến, các nhân viên xử lý xác sẵn sàng nghênh tiếp. Khênh xác vào phòng, họ bắt tay cởi bỏ áo quần và tắm rửa tử thi thật kỹ lưỡng ngay. Những gáo formol đầy ắp được tưới đẫm thây người để khử trùng trong vòng 1 ~ 2 tiếng đồng hồ. Thời gian này, một nhân viên khác pha chế dung dịch formol đúng liều lượng cần thiết: 4 lít formol, 2 lít fenol, 2 lít cồn, 2 lít glycerine, thêm nước nữa cho đủ 20 lít. Xong, các nhân viên chuyền tay nhau chai rượu mạnh, mỗi người tu vài hơi, chuẩn bị tinh thần vào công đoạn hai: sờ cổ tử thi, tìm động mạch chủ, mổ ra, chuồi kim vào, rồi bơm dung dịch formol truyền dẫn khắp cơ thể. Nghe đâu xưa kia phải bơm thủ công, kiểu xành xạch bơm tay xe đạp, dung dịch formol xông mùi tanh nồng khiến mặt các nhân viên xanh lét như tàu lá. Bây giờ, sẵn bơm máy nên đỡ khổ hơn. Nhưng vớ phải xác kẻ nghiện ma tuý thâm niên, mạch máu tóp teo rạn vỡ, dung dịch bơm vào lại trào ra “thất khiếu”, các nhân viên phải túc trực để nhém mũi, bịt miệng, bít tai tử thi. Cứ rò rỉ đâu, “đắp đê” đấy, quá mệt. Gặp tử thi bị vết thương hở, cũng mệt tương tự.
Xử lý thi hài vừa tiếp nhận. Ảnh: Phan Bảo Khánh
Xử lý thi hài vừa tiếp nhận. Ảnh: Phan Bảo Khánh
Xác được xử lý xong, 10 ~ 20 ngày sau thì ngâm vào bồn lưu trữ để thầy trò ngành y phẫu tích dần. Một số xác, bộ môn chỉ định làm thiết đồ, các nhân viên lại thêm mấy đợt căng thẳng. Những xác này phải đưa vào hầm lạnh -350C, đợi đến khi toàn thân cứng ngắc như khối đá thì các nhân viên bê ra, đặt lên… máy cưa. Tuỳ yêu cầu nghiên cứu và học tập, họ phải rọc đầu, mình, tứ chi của tử thi theo vị trí tương ứng 3 mặt phẳng không gian: mặt phẳng đứng dọc, mặt phẳng đứng ngang (còn gọi mặt phẳng trán), mặt phẳng nằm ngang. Những lát cắt cơ thể dày mỏng khác nhau được ngâm formol trong chậu kính, trường y nào cũng có ít nhiều. Tuy nhiên, bộ thiết đồ phong phú và đầy đủ nhất nước ta hiện nay, âu chỉ thấy ở Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM.
Thiết đồ giải phẫu người ngâm formol tại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Ảnh: Phúc Đường
Thiết đồ giải phẫu người ngâm formol tại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Ảnh: Phúc Đường
Tôi lại thêm một phen vã mồ hôi lạnh ngay phút đầu bước vào phòng xử lý xác của Trung tâm này.
Một bô lão tóc trắng, khoác blouse trắng, mở cánh cửa hầm lạnh màu trắng toát. Qua làn sương giá trắng xoá toả nghi ngút, tôi thấy căn hầm có cấu trúc tương tự một khoang 6 giường, chia 3 tầng, trên các toa tàu lửa. Mỗi giường, một xác người nằm ưỡn. Dưới sàn, “ngổn ngang gò đống” thiết đồ làm dở: cánh tay, bàn chân, bắp đùi, lồng ngực, cái bổ dọc, cái chẽ ngang!
Nhân viên Bùi Văn Thân cùng đồng sự chuyển xác người từ hầm lạnh ra. Ảnh: Phanxipăng
Nhân viên Bùi Văn Thân cùng đồng sự chuyển xác người từ hầm lạnh ra. Ảnh: Phanxipăng
Bô lão xách ra một thủ cấp, đặt lên bàn cưa máy. Lưỡi thép sắc nhọn rin rít chuyển động, nghiến dần từ đỉnh xuống trán, ngoạm theo sống mũi, tách đôi chiếc đầu người. Hoàn toàn không có “những tia máu phụt lên kêu phì phì” như cảnh chém treo ngành mà nhà văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987) từng diễn tả trong tác phẩm Bữa rượu máu mở đầu tập Vang bóng một thời, song tôi thấy kinh khốc gấp bội. Ngay cả “truyện đọc lúc 0 giờ” kiểu Alfred Hitchcock (1899 – 1980) hoặc phim ác quỷ Dracula dựng theo cốt truyện của Bram Stoker (1847 – 1912) cũng chưa hề làm tôi run rẩy. Vậy mà nay, toàn bộ tóc gáy tôi dựng ngược cả lên!
Đúng lúc lưỡi cưa máy xẻ xuống nhân trung, sắp chạm đánh roẹt vào đôi môi chiếc thủ cấp tím ngắt kia, tôi vụt nghe rất rõ:
- Ấy dà! Khéo… Nhẹ tay kẻo vỡ, bạn thân yêu!
(VII)


Nhân viên Trần Văn Lâu trong phòng 101. Ảnh: Phanxipăng
Nhân viên Trần Văn Lâu trong phòng 101. Ảnh: Phanxipăng
Vẫn chuyện xử lý xác
Nín thở, tôi ngoái lui. PTS.BS. Phạm Đăng Diệu đã đứng đấy tự lúc nào. Thấy tôi hơi mất bình tĩnh, tỳ tay lên chậu kính đựng dung dịch formol, nên anh ấy nhắc. Thế mà cứ tưởng… Phào!
- Sợ hả? Người chết ở đây chỉ làm lợi cho khoa học, chả có gì đáng sợ. Đáng sợ chăng là khối người đang sống sờ sờ mà hại dân hại nước kìa! Đồng ý chứ?
PTS. Diệu cười giễu vậy. Rồi tiếp:
- Thực hiện thiết đồ, có cưa máy thì vừa nhanh gọn, vừa chuẩn xác. Nhiều nơi thiếu trang thiết bị, nhân viên xử lý xác phải hì hục cưa tay. Dù quen việc nhưng để giảm stress tâm lý, lắm vị nốc rượu đến phừng phừng mới bắt tay “kéo cưa lừa xẻ” được!
Theo tôi biết, hầu hết cán bộ công nhân viên “chuyên trị” sống và làm việc với … người đã khuất thảy đều nghiện rượu. Cũng thông cảm với họ thôi. Thần kinh bằng thép chăng nữa, đố ai dám tỉnh bơ ngồi khía đầu, mình và tay chân thiên hạ ra từng lát như khoanh giò khoanh chả?
Bô lão đang xẻ thủ cấp là Bùi Văn Thân, 74 tuổi. Bước vào nghề 3K tại Cơ thể học viện Sài Gòn ngày 10-4-1955 và liên tục làm công việc hi hữu này từ bấy đến nay, bác Thân có lẽ là nhân viên xử lý xác thuộc loại thâm niên nhất nước. Bác cho hay:
- Tháng 11-1989, đã 67 tuổi, tôi giã từ bộ môn giải phẫu ở trường Đại học Y Dược TP.HCM để về hưu. Vậy mà cũng chưa dứt nghiệp được. Nghề xử lý xác quá thiếu nhân sự nên thầy Quyền thuyết phục tôi sang Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế để giúp thêm một thời gian. Yêu nghề thì nhận, chứ lương tiền chỉ đủ… mua rượu, nói gì tới chữa bệnh! Tôi đang lo không còn thế hệ kế nghiệp đây nè!
Hằng tháng, bác Thân nhận khoản lương hợp đồng 450.000đ. Nếu có tử thi để xử lý, được bồi dưỡng thêm 100.000đ/xác. Tổng thu nhập ít ỏi thế làm sao trụ nổi với giá cả leo thang giữa đô thị sầm uất này? Lại thêm, tồn tại một thực trạng éo le: do thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại, sức khỏe của những người công tác tại bộ môn giải phẫu đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Formol có khả năng bào mòn niêm mạc, khiến mũi thường chảy máu cam. Giác mạc cũng bị tác động khiến thị lực suy giảm. Đặc biệt, không ít trường hợp bị nhiễm lao, nhất là các chuyên viên xử lý xác.
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền tiết lộ:
- Phần nhiều các bác xử lý đều bị lao, có bác lao nặng! Chế độ bồi dưỡng độc hại lại chẳng thấm tháp gì, nên nhiều khi nghĩ cũng chạnh lòng!
Than ôi! Cái nghề “khó, khổ và … khiếp”! Nếu tình hình như vậy cứ tiếp diễn, nhân viên xử lý xác sẽ còn hiếm hơn… cả xác nữa, thử hỏi bộ môn giải phẫu học sẽ gặp khó khăn biết dường nào?
Nhân viên Trần Văn Lâu phơi xương người tại Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Nhân viên Trần Văn Lâu phơi xương người tại Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Một “đồ đệ” của bác Thân là bác Trần Văn Lâu hiện công tác ở trường Đại học Y Dược TP.HCM. Giờ đây cũng đã 62 tuổi, bác Lâu kể:
- Tôi hành nghề xử lý xác 15 năm nay, bước đầu nhờ ông Thân tận tình chỉ dẫn. Ý thức được công việc của mình hữu ích cho khoa học, cho cuộc sống, tôi chịu thương chịu khó, chấp nhận theo đuổi. Chứ lắm người, dù trả lương bạc triệu, vào phòng xác ban ngày đã ù té chạy, huống hồ ở lại đêm!
- Bác thường trực đêm bên… xác chết à?
- Thỉnh thoảng. Những tử thi sau khi qua phẫu tích nát, không dạy và học được nữa, lại giao bọn tôi xử lý. Mỗi đợt xử lý khoảng 8 ~ 10 xác. Dùng dao thật bén, lóc lục phủ ngũ tạng ra. Làm lòng xong, tì tì vạt thịt. Xương để một bên, phần mềm một bên. Phần mềm thì bỏ vào quan tài đem đi hỏa táng. Còn xương thả vào nồi, ninh 36 ~ 40 giờ liền. Phải trực đêm để canh lửa chớ!
- Tại sao ninh nấu xương người lâu vậy hở bác?
- Xác ngâm formol, phần mềm bám rất chắc vào xương khớp, róc không hết nổi. Hầm nấu cho gân thịt còn sót rục nhừ, đổ ra, ngồi cạo đi rửa lại cả 10 ngày, nửa tháng, xương mới sạch. Rồi đem xương phơi nắng đến khô ráo. Sau đó phân loại, xương nào theo xương nấy, chớ lẫn lộn. Như khối xương cổ tay (ossa carpi) bé tẹo nhưng lại gồm 8 mấu xếp thành 2 hàng: xương thuyền (os scaphoideum), xương nguyệt (os lunatum), xương tháp (os triquetrum), xương đậu (os pisiforme), xương thang (os trapezium), xương thê (os trapezoideum), xương cả (os capitatum), xương móc (os hamatum). Không rành, không thuộc, chào thua à nha! Nếu có yêu cầu, còn phải dùng dùi, soi lỗ, xâu kẽm, kết ráp thành bộ xương nghiêm chỉnh để sinh viên học. Hiện tại, rất ít người có đủ khả năng kết ráp nguyên bộ xương.
Trích “Atlas giải phẫu người” của Frank H. Netter do Nguyễn Quang Quyền dịch (NXB Y Học, Hà Nội, 1996). Ảnh: Phanxipăng
Trích “Atlas giải phẫu người” của Frank H. Netter do Nguyễn Quang Quyền dịch (NXB Y Học, Hà Nội, 1996). Ảnh: Phanxipăng
Thế mới biết thật kỳ công mới có được bộ xương cho sinh viên thực tập và nghiên cứu. Phải có những người gan dạ hiếm thấy như các bác. Cứ tưởng tượng, trong trường dạ tối tăm trời đất, mấy nhân viên ngồi bên bếp lửa le lói, vừa chén chú chén anh, vừa lóc thịt người, vừa canh nồi xương người, tôi đủ… ớn ba sườn! Vậy mà bác Lâu còn rủ:
- Sắp tới, có đợt trực đêm. Nếu thích, xin mời anh đến ở lại, nhậu cùng bọn tôi, cho biết.

(VIII)

Không ít lần, tôi đã chứng kiến những cô cậu sinh viên mới đỗ trường Y phải… ngã oạch bất tỉnh khi vừa “nếm mùi” phẫu tích. Đúng như PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền từng nhận xét:
- Chưa thấy lứa sinh viên nào lần đầu thí nghiệm xác lại không có em ngất lên xỉu xuống!
Song le, cũng tồn tại trường hợp ngược lại: có tay bạo dạn quá mức nhất quỉ, nhì ma. Một số khác, sơ khởi sợ chết khiếp, nhưng dần dần sang các niên khóa sau lại “quậy tưng” xương và xác làm… rụng tim bà con!
Bạn đọc nào đã xem phim Vị đắng tình yêu (1) rồi nhỉ? Đã xem tác phẩm điện ảnh ấy, chắc mọi khán giả còn nhớ cảnh sĩ tử khoa Y đùa nghịch trong ký túc xá: kê sọ người làm mõ, lấy xương mác (fibula – một trong hai xương cẳng chân) làm dùi!
Cảnh sinh viên khoa Y đùa nghịch bằng cách lấy xương mác gõ xương sọ trong phim "Vị đắng tình yêu "
Cảnh sinh viên khoa Y đùa nghịch bằng cách lấy xương mác gõ xương sọ trong phim “Vị đắng tình yêu “
Chính bản thân tôi thời sinh viên cũng ngán ngao khi ghé thăm phòng trọ một bác sĩ tương lai vào đêm mưa gió nọ. Một mảnh chăn đen được căng lên vách phòng trông như cánh buồm tơi tả, trên đó, anh ta treo một chiếc đầu lâu và hai khúc xương người gác chéo. Trong hộp sọ kia còn gắn bóng điện đỏ lừ dùng làm… đèn ngủ. Nom căn phòng y hệt cabine tàu hải tặc! Anh bạn hồn nhiên khoe :
- Có bữa, tớ cùng một “chiến hữu” nữa, đi học sớm. Hai thằng vô phòng xác ướp, dựng tử thi dậy, choàng áo vào, lại gắn lên môi một điếu thuốc lá tỏa khói. Rồi khênh xác đặt đứng bên cửa ra vào. Mấy “nhỏ” xinh đẹp cùng lớp vừa tới, lập tức hết hồn hết vía đến… vãi cả ra. Ha ha ha. Cười no bụng!
Cô nha sĩ quen biết với tôi – mà bạn đọc đã gặp ở đầu thiên phóng sự này – còn tường thuật một pha nghịch xác cực kỳ “độc chiêu”:
- Em có con bạn nhát gan lắm cơ! Hồi còn sinh viên, vào phòng phẫu tích xác, không biết nó ngất bao nhiêu lần. Ngất xong, tỉnh dậy cũng phải ráng “bấm bụng” thực tập. Giờ nó đã thành bác sĩ, mở phòng mạch tư đàng hoàng. Mới đây, quay lại trường làm nghiên cứu sinh, hết giờ hành chính thì về khám ở phòng mạch. Tối kia, đang kê toa cho khách, bỗng nó thọc tay vào túi áo blouse và rút ra một chùm… “của quý” đàn ông! Nó liền ngất! Bệnh nhân ngất theo! Ôi, chắc nó bị bạn đồng nghiệp nào nghịch ác!
Tr., nữ kỹ thuật viên chuyên chuẩn bị phẫu trường tại bộ môn giải phẫu ở một trường Y nọ, đã kể tôi nghe “kinh nghiệm xương máu” của đời nàng: lỡ dại đùa nghịch xác ướp đến phải… mất chồng! Vốn là thiếu nữ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, Tr. được một kiến trúc sư trẻ-khỏe-đẹp trai yêu say đắm và hai họ đã tiến hành lễ hỏi. Sinh nhật của hôn phu, Tr. mang đến cho chàng món quà tuy nhỏ song trang trí rất nhã. Tiệc vui kéo dài tới khuya. Sau khi đưa người yêu về, chàng trai thích thú cùng gia đình ngồi khui các món quà. Dĩ nhiên quà của Tr. được chọn trước tiên. Khi bóc hết mấy lớp giấy tráng kim, chàng kiến trúc sư trợn mắt há mồm thét lên một tiếng thất thanh và… gục xuống bất tỉnh! Bà mẹ chàng ngồi cạnh giãy mấy cái rồi… ngất! Ông bố giương mục kính nhìn cho rõ, xỉu nốt ! Mấy em chàng, đứa nào cũng á khẩu hồi lâu! Cái gì gây chấn động dữ vậy? Một lọ thủy tinh, bên ngoài có dán dòng chữ nắn nót: “Mong sao hai đứa mình trọn đời luôn đuợc tay trong tay, đầu sát bên đầu thế này.” Và trong lọ nguyện ước ấy đuợc “minh họa” cực kỳ “trực quan sinh động” bằng cặp vành tai người thật xâu chặt vào nhau bởi chiếc tằm vàng! Hậu quả Tr. rước lấy nhãn tiền: Tình trong như toét, mặt ngoài còn… toe! Từ đó, Tr. hết sức hối hận, cứ nhắc đi nhắc lại hoài câu nói sau đây như một châm ngôn :
- Đừng đùa nghịch tử thi! Đừng đùa nghịch tử thi!
Sinh viên khoa Y thực tập giải phẫu xác người. Ảnh: Phanxipăng
Sinh viên khoa Y thực tập giải phẫu xác người. Ảnh: Phanxipăng
PGS. Quyền lắc lắc đầu:
- Sinh viên, nghiên cứu sinh và cả kỹ thuật viên, lẫn y bác sĩ, có lắm tay nghịch ghê nghịch gớm! Nghịch ngợm với người đã khuất một cách quá đáng quá thể, xét về truyền thống đạo lý dân tộc xem “sự tử như sự sinh”, hẳn nhiên là xúc phạm. Còn xét theo phương diện nghiệp vụ, rõ ràng tổn hại y đức. Tôi vẫn thường khuyên anh chị em hãy biết ơn các thể phách đang phục vụ cho khoa học, hãy tôn trọng xương và xác được dùng để học tập, nghiên cứu. Lời khuyên chí tình này thực sự đạt được hiệu quả sâu rộng trong thời gian gần đây, kể từ lúc tôi chủ trương khôi phục “vũ hội cõi âm”.
________________
(1) Phim Vị đắng tình yêu do Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 1990 với kịch bản của Lê Hoàng & Việt Linh; đạo diễn: Lê Xuân Hoàng; quay phim: Trần Ngọc Huỳnh; âm nhạc: Phú Quang; diễn viên: Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Lê Hồng Thuỷ Tiên, Kim Xuân, Thiệu Ánh Dương, Trần Vân Anh, Cao Việt Hưng, Nguyễn Hậu, Phương Lan, Trần Ngọc Phong, Phước Sang, Hồ Kiểng, Lê Cung Bắc. Đây là tác phẩm điện ảnh đoạt giải Bông sen vàng cho đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Lê Công Tuấn Anh thủ vai Quang Đôngkisốt) và phim hay nhất Liên hoan phim Việt Nam 1993.
(IX)


Vũ hội macchabée
Macchabée, còn có thể viết macabée và phát âm ma-ka-bê, là một từ thông tục tiếng Pháp dùng để chỉ… thây ma.
Tục lệ “sống với người chết” hoặc “vũ hội cõi âm” (2) vốn là một lễ hội dân gian có lịch sử rất lâu đời, hiện vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác trong một số dân tộc trên thế giới. Như cộng đồng người Mexico gốc Aztèques, thường niên cứ đến ngày 1 và 2-11 đều cử hành trọng thể lễ hội “âm phủ liên hoan” từ nhà ra tới nghĩa trang, khá tưng bừng và không kém phần ghê rợn!
Vũ hội macchabées. Tranh tường: Giacomo Borlone de Buschis
Vũ hội macchabée. Tranh tường: Giacomo Borlone de Buschis
Nhằm bày tỏ lòng biết ơn trước những xác thân phụng sự cho khoa học, từ thế kỷ XV, các nhà giải phẫu tại nhiều nước phương Tây đã vận dụng tục lệ nói trên vào chuyên môn của của mình. Cứ đến dịp Noël hằng năm, các bác sĩ và sinh viên Y khoa hân hoan nhảy múa quanh xác ướp. Thậm chí có tay khỏe mạnh còn ôm cả tử thi dậy, thân mật dìu vài đường rumba, boston hoặc paso doble! Đó là vũ hội macchabée – một nghi thức độc đáo mang tính quốc tế của ngành giải phẫu học.
Ngày trước, trong các trường Y nước ta, vũ hội macchabée từng được tổ chức chu đáo. Nhưng vì nhiều lý do, nghi thức này bị quên lãng suốt thời gian dài, từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam. Mãi đến năm 1988, PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền chủ trương khôi phục và cải biên thành Lễ tri ân những người đã hiến thân xác cho khoa học. Lễ được tiến hành cận Tết Nguyên đán, thường trùng ngày cúng đưa ông Táo chầu trời (23 tháng chạp âm lịch), với một chương trình “Việt Nam hóa”.
Xin mời bạn đọc đến trường Đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM hoặc khoa Y Nha Dược ở Đại học Cần Thơ dự buổi lễ tri ân chỉ riêng bộ môn Giải phẫu học mới có.
PGS.TS. Nguyễn Quang Quyền cùng các đại biểu chuẩn bị tham dự lễ hội macchabées ở khoa Y Nha Dược thuộc Đại học Cần Thơ. Ảnh: Phanxipăng
PGS.TS. Nguyễn Quang Quyền cùng các đại biểu chuẩn bị tham dự lễ hội macchabées ở khoa Y Nha Dược thuộc Đại học Cần Thơ. Ảnh: Phanxipăng
Từ ngoài cửa phòng phẫu tích, hàng trăm sinh viên khoác blouse tề tựu trước tấm panô vẽ hình bộ xương người nhảy múa bên mấy mẫu tự kẻ nguệch ngoạc: macchabée. Trong phòng, tất cả xác ướp đều được đắp drap và đặt nằm trên bồn, trên bệ. Một hương án được trần thiết đầy đủ lư đồng, bát nhang, giá nến, bình hoa, mâm ngũ quả. Cạnh bàn thờ, bộ xương người thật – biểu tượng của nhạc công âm phủ – đứng trong tư thế chơi đàn violon mà cây vĩ lại là… lóng xương mác!
Sau khi khai hương, PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền trịnh trọng phát biểu về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội macchabée truyền thống. Một đại diện sinh viên, với giọng bi tráng, chậm rãi đọc Văn tế tri ân trong làn nhang khói khiến mọi người đang thành tâm mặc niệm thảy đều ngậm ngùi:
Nhớ linh xưa:
Quí vị cũng như người, đầy thân bằng quyến thuộc,
Cô bác nào kém ai, đủ anh chị mẹ cha.
Bởi số trời chia cắt,
Vì định mệnh lìa xa.
Gởi thể phách nơi bến bờ mưa nắng,
Nương xác thân chốn cát bụi phong ba…
Thầy trò ngành y lần lượt đến bái lạy trước hương án rồi tới bên các tử thi, kính cẩn đốt nhang và dâng hoa. Có bao nhiêu hoa tươi đều được phủ dần, phủ dần lên từng xác ướp. Không ít sinh viên xúc động, mắt rớm lệ. Một bạn trẻ nổi tiếng “quậy bạo” tỏ ra ăn năn :
- Dự lễ này rồi, không ai dám nghịch đùa với xác chết nữa! Chính nhờ những thi thể nằm đây, sinh viên y mới có phương tiện để học nghề, hành nghề. Phải biết trân trọng, tôn kính họ. Đó là lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc!
Lễ hội macchabées ở bộ môn Giải phẫu học của Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Lễ hội macchabée ở bộ môn Giải phẫu học của Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
… Nay nhờ :
Tư duy đổi mới,
Nghĩ rộng xét xa.
Không phải điều dị đoan mê tín,,
Dễ gì tin thần thánh quỉ ma.
Lòng nhân ái vốn dòng Y đạo,
Tánh thương người ấy đức Y khoa…
BS. Phan Bảo Khánh – phó chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học trường Đại học Y Dược TP.HCM – nhận xét :
- Từ khi lễ hội macchabée được phục hồi, các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên tỏ ra tôn trọng, biết ơn những người đã khuất một cách rõ rệt. Qua theo dõi, tôi thấy họ học tập và làm việc nghiêm túc hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Lễ hội đặc biệt này cũng có tác dụng tốt đối với việc tuyên truyền, vận động quần chúng hiến xác cho khoa học. Có thể nói, đây là lễ hội không chỉ dành riêng cho người chết mà còn hữu ích với người sống.
Khai hương mở đầu lễ hội macchabées ở bộ môn Giải phẫu học của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Ảnh: Phạm Đăng Diệu
Khai hương mở đầu lễ hội macchabée ở bộ môn Giải phẫu học của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Ảnh: Phạm Đăng Diệu
Tôi thắc mắc:
- Tổ chức lễ hội macchabée với các nghi thức dân tộc hóa như vậy là phù hợp. Nhưng tại sao không chọn rằm tháng bảy âm lịch hàng năm – ngày mà phong tục Á Đông quen gọi là Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan, lễ xá tội vong nhân, lễ cúng cô hồn các đẳng? Tại sao không chọn dịp Giáng sinh như nhiều nước?
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền niềm nở giải thích :
- Tổ chức được vào ngày rằm tháng bảy thì rất hay, khổ nỗi dịp ấy sinh viên… nghỉ hè! Tổ chức dịp Noël như các quốc gia trên thế giới lại có cái kẹt khác: ở nước ta, sinh viên khóa mới chỉ vừa nhập môn giải phẫu, chưa thực tập bao nhiêu xương xác, nếu dự lễ e chẳng tác dụng nhiều. Có lẽ cuối năm, ngày đưa ông Táo là tốt nhất, ngay trước khi các em về quê ăn Tết cổ truyền với gia đình.
Đoạn, “phù thuỷ” nhoẻn cười:
- Sau một thời gian thấy trường Đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM tiến hành lễ tri ân đạt kết quả khả quan, nhiều trường Y từ Nam chí Bắc lần lượt tổ chức theo rất đàng hoàng đấy nhé.
_________________
(2) Vũ hội cõi âm qua một số ngôn ngữ. Tiếng Hy Lạp cổ: Χορός του Θανάτου. Tiếng Latinh: Mortis Saltatio. Tiếng Đức: Totentanz. Tiếng Ý: Danza macabra. Tiếng Tây Ban Nha: Danza de la muerte. Tiếng Anh: Dance of Death. Tiếng Pháp: Danse macabre.
 
 
(X)

Giải phẫu học: còn đó nỗi … run!
Như bạn đọc đã rõ, những người chấp nhận theo đuổi bộ môn giải phẫu học quả là… gan cùng mình. Ngày này qua tháng khác, liên tục phẫu tích tử thi, tỉ mẩn xử lý xác và xương người chết, họ bình thản thao tác, chẳng mảy may sợ sệt. Vậy mà tìm hiểu kỹ, tôi giật mình khi biết rằng trong họ còn lắm… nỗi run!
Niềm lo âu phổ biến “liên tục – mọi lúc – mọi nơi” vẫn là sợ thiếu xác để giảng dạy và học tập. Trường Đại học Y Dược TP.HCM với số lượng tử thi nhiều nhất nước (70 xác), nếu thiếu bổ sung thì chỉ hơn 3 năm nữa phải… bó tay. Nghĩa cử tiên phong của Nguyễn Đức Minh làm xuất hiện nhóm Hiệp Thông qui tụ những thành viên tự nguyện hiến thân xác “vì sự nghiệp phát triển nền y học Việt Nam” là tín hiệu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, xác xuất tỉ lệ tử vong sẽ cho thấy ngay đáp số: “cung” không đáp ứng nổi “cầu”. Ấy là chưa tính đến hàng loạt yếu tố trở ngại trong thực tế khiến tồn tại khả năng: đơn hiến thì nhiều mà thực nhận chẳng bao nhiêu!
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền trầm ngâm:
- Khả năng đó rất dễ xảy ra, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia. Vả lại, ngay cả khi nhận đơn hiến xác của đồng bào, trong lòng tôi nẩy sinh mâu thuẫn lớn: một mặt trông có nguồn xác bổ sung để dạy và học; mặt khác, cứ mong mọi người khỏe mạnh, sống lâu!
Sinh viên khoa Y thực tập giải phẫu xác người. Ảnh: Phanxipăng
Sinh viên khoa Y thực tập giải phẫu xác người. Ảnh: Phanxipăng
Không chỉ thiếu người chết, giải phẫu học còn đương đầu với nguy cơ thiếu người sống! Rất ít bác sĩ chọn theo môn này. Cũng như một số môn cơ sở khác (mô phôi, huyết học, vi trùng học, v.v.), đi chuyên mấy ngành phi lâm sàng thường dễ … túng bấn vì không trực tiếp khám và chữa bệnh nhân ở các y viện, mở phòng mạch đa khoa cũng khó kiếm khách. Hơn nữa, “chơi” cái môn được mệnh danh là 3K lại phải thuộc típ… cực kỳ can đảm: dám sống với người chết đã đành, cả dám… chết dần thân sống! Tâm lý luôn bị ức chế, dễ nảy sinh stress. Các hóa chất độc hại, nhất là formol, cứ “gặm” dần niêm mạc, giác mạc. Ngay PGS. Quyền từ trai trẻ đã bị mờ mắt và thường đổ máu cam. Nhiều kỹ thuật viên và nhân viên xử lý xác còn bị lao và các bệnh cột sống. Có người mới 40 tuổi đã mắc lao trầm trọng. Trong khi đó, lương tiền cùng chế độ bồi dưỡng chỉ đủ để họ… ư ử ngâm nga Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, có cải biên vài chỗ cho hợp cảnh hợp tình :
Ngày ba bữa, vỗ bụng… đau bình bịch, người lương y đớp chả cần no;
Đêm năm canh, ngứa phổi… rống ó o, phòng phẫu tích cửa thường bỏ ngỏ.
Hiện ở TP.HCM có hàng trăm bác sĩ làm việc không lương ở các bệnh viện, nhưng tôi từng chứng kiến PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền cùng học trò mình là PTS.BS. Phạm Đăng Diệu năn nỉ mấy bác sĩ vừa ra trường, đề nghị vào công tác ở bộ môn giải phẫu học. Đáp lại là cái… lè lưỡi, nhún vai: “Em chả… Em chả… Thà tụi em xin vô làm không lương ở mấy bệnh viện, còn có điều kiện xách túi chạy khám chữa tư gia!”
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền rên rỉ :
- Bộ môn này dù có tỷ lệ bác sĩ chọn theo cực thấp nhưng rất tự hào là đã đào tạo được nhiều PTS. nhất trường. Buồn thay, lắm tay đã hoặc đang đào tạo ngon lành, cứ lần lượt chuyển ngành chuyển nghề! Cán bộ giảng đã thiếu trầm trọng, kỹ thuật viên và nhân viên xử lý xác còn khó kiếm hơn! Công việc như thế, thù lao như thế, làm sao tôi giữ được người ta? Cứ cái đà này, không khéo ngành giải phẫu học dần… “tuyệt tự”!
Thiếu đội ngũ kế thừa và thiếu giáo cụ trực quan (xác), nếu không có biện pháp khắc phục hữu hiệu, e đến một ngày nào đó, bộ môn giải phẫu học sẽ bị “xóa sổ” thật. Khi ấy, tay nghề của nhiều thế hệ thầy thuốc tương lai lấy gì đảm bảo? Rồi biết bao bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị phấp phỏng ra sao? Rồi sẽ “đi về đâu hỡi em” những ngành nghề cần trang bị kiến thức giải phẫu học?
Một số sách do PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền biên soạn. Ảnh: Phúc Đường
Một số sách do PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền biên soạn. Ảnh: Phúc Đường
Tôi chuẩn bị kết thúc loạt phóng sự này thì điện thoại reo. Giọng “phù thuỷ” vang vang trong ống tổ hợp:
- Trân trọng mời nhà phóng sự Phanxipăng đến nhà hàng dự tiệc.
Ngỡ chuyện vui, hóa ra buồn: chia tay 2 bác sĩ công tác tại bộ môn giải phẫu học, trong đó có Nguyễn Văn Đ. – người từng đoạt giải nhất về giảng dạy giỏi bậc đại học và trung học chuyên nghiệp toàn thành và toàn quốc, một “học trò cưng” đang được PGS. Quyền dốc sức hướng dẫn thực hiện luận văn PTS. và tin tưởng sẽ nối nghiệp mình xứng đáng trong tương lai.
BS. Nguyễn Văn Đ. cho biết :
- Quý thầy và mến nghề lắm chứ, nhưng gánh nặng gia đình thì giải quyết sao đây? Chúng tôi đành từ giã bộ môn, sang làm cho một văn phòng đại diện nước ngoài đặt tại thành phố. Lương khởi điểm có người xấp sỉ 500 USD, công việc cũng chẳng quá căng thẳng, hỏi ai từ chối?
Hội chứng “chảy máu chất xám” diễn ra ngay trong lòng Tổ quốc!
PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền bật champagne chúc “học trò cưng” mới được chỗ làm có thu nhập béo bở. Miệng ông cười mà đôi mắt đỏ hoe. Suốt buổi tiệc, ông thẩn thờ nâng ly rượu lên rồi đặt xuống, tay cứ run run.
Hỡi ôi! Các nhà giải phẫu học tâm huyết còn run đến bao giờ? ♥
Hình ảnh & áng thờ PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền (1934 – 1997) tại bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
Hình ảnh & hương án PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền (1934 – 1997) tại bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng
 
 
Phóng sự Sống & làm việc với… người đã khuất của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới từ số 209 (4-11-1996) đến số 213 (2-12-1996), do đó văn bản vẫn giữ đúng cách gọi học vị và tên các cơ quan vào thời điểm ấy.
* Theo Nghị định 90/CP ngày 24-11-1999, phó tiến sĩ (PTS) trở thành tiến sĩ (TS), còn TS cũ trở thành tiến sĩ khoa học (TSKH).
** Khoa Y Nha Dược của Đại học Cần Thơ tách ra thành Đại học Y Dược Cần Thơ từ ngày 22-12-2002.
*** Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM được nâng cấp thành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch theo quyết định số 24/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 7-1-2008.
Phóng sự này in lại trong sách Nguyễn Quang Quyền cuộc đời và sự nghiệp (NXB Y Học, Hà Nội, 2009)