Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

KATYN – GIẢI MÃ BÍ ẨN LỊCH SỬ

File:Katyn massacre 1.jpg
Nguyễn Thị Mai Hoa

Trong những năm tháng tồn tại, Liên Xô đã có không ít bí mật, trong đó, có những bí mật có khả năng ảnh hưởng đến uy tín và an ninh quốc gia; vì thế, được che chắn, bảo vệ một cách hết sức cẩn trọng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Chỉ sau khi Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết sụp đổ, với độ lùi thời gian và dưới tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan, những bí mật đó mới dần được hé lộ. Một trong những bí mật như vậy có tên gọi “Sự kiện bi thảm Katyn”.

1- Sự biến mất đầy bí ẩn của những tù binh Ba Lan

Cho đến mùa Hè năm 1939, I.V. Stalin có đầy đủ lý do để nghi ngờ Pháp và Anh không thực sự muốn liên minh quân sự với Liên Xô. Việc Ba Lan từ chối cho phép Hồng quân đóng trên đất Ba Lan trở thành trở ngại chính cho việc phòng thủ của Liên Xô; việc hình thành liên minh Nga-Anh-Pháp bảo vệ Ba Lan khó thành hiện thực… những diễn biến đó khiến lãnh đạo Liên Xô ngả sang đề nghị an ninh của Hitler. Ngày 23-08-1939, Ngoại trưởng V.M. Molotov đại diện cho Liên Xô và Ngoại trưởng J.V.Ribbentrop - đại diện cho nước Đức Quốc xã ký kết Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau (còn được biết đến dưới cái tên Molotov–Ribbentrop hay Hiệp ước Hitler-Stalin) kèm với một Nghị định thư bí mật. Ngoài việc cam kết kiềm chế không tấn công lẫn nhau và giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu những hành động quân sự của bên thứ ba bất kỳ, Liên Xô và Đức còn thống nhất phân vùng ảnh hưởng đối với các nước Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Roman; đồng thời, thỏa thuận phân chia Ba Lan. Ngày 1-9-1939, Đức tấn công Ba Lan và ngày 17-9-1939, Hồng quân Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan, việc phân chia lãnh thổ của Ba Lan giữa Liên Xô và Đức được hoàn thành – điều đó cũng có nghĩa là cần “thiết lập những trật tự nhất định” tại Ba Lan. Bắt đầu từ thời điểm đó, những sĩ quan Ba Lan bất hợp tác với Liên Xô, những cảnh sát, hiến binh, điệp viên, chủ xưởng, chủ đất, viên chức chính quyền cũ, thậm chí cả những người tị nạn, dân thường Ba Lan… được chuyển đến giam giữ tại các trại đặc biệt ở vùng Ostashkov, Kozielsk và Starobilsk (Liên Xô), song không được hưởng những quy chế Công ước Geneva đối với tù binh.

Một khoảng thời gian sau đó, những tù binh này bỗng bặt tin,“biến mất” một cách bí ẩn, thân nhân không còn nhận được tin tức của họ, thư từ, quà, bưu phẩm gửi cho các tù binh đều bị chuyển trả lại. Mọi nỗ lực tìm kiếm thông tin về các tù binh, về nơi họ bị giam giữ đều rơi vào vô vọng. Tháng 11-1941, trong dịp tiếp kiến I.V.Stalin, Đại sứ Ba Lan Stanislaw Kot đã hỏi về số phận những tù nhân Ba Lan, song I.V.Stalin lảng tránh trả lời bằng cách thay đổi chủ đề câu chuyện. Tháng 12-1941, một lần nữa, Tướng Wladislaw Anders - Tổng tư lệnh Quân đội Ba Lan quay trở lại vấn đề trên, song I.V.Stalin một mực khăng khăng: “Những tù binh Ba Lan đã được ân xá hết, có thể do những khó khăn về phương tiện giao thông, nên họ chưa thể về tới Ba Lan”[1]. Cho tới mùa Xuân năm 1942, số phận các tù nhân Ba Lan là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận giữa chính phủ Liên Xô và Ba Lan. Nhiều lần, I.V.Stalin khẳng định dứt khoát: “Không có bất kỳ một người Ba Lan nào trong các nhà tù, trại tạm giam của Liên Xô, ngoại trừ những tù hình sự hoặc những tội phạm có dính líu đến phát-xít Đức”[2]. Thậm chí, có lần I.V.Stalin còn nói rằng, số tù binh này đã trốn thoát tới Mông Cổ[3] (?!). Ngày 28-1-1942, Bộ trưởng Rachinsky thay mặt chính phủ Ba Lan trao cho Đại sứ Liên Xô Bogomolov Bản ghi nhớ về sự mất tích khó hiểu của hàng chục ngàn sĩ quan và công dân Ba ​​Lan. Đáp lại, câu trả lời từ phía Liên Xô vẫn hết sức mập mờ, mâu thuẫn.

Sự biến mất phi lý của hàng chục ngàn con người khiến ngày càng có nhiều tổ chức kháng chiến Ba Lan vào cuộc. Các nỗ lực điều tra trở nên tích cực hơn từ năm 1943, có điều, chính quyền Xô-viết – từ đầu đến cuối – vẫn bác bỏ mọi giả thuyết về trách nhiệm và sự can dự của mình.

2- Những bí mật dần phát lộ

Năm 1943, quân đội Đức Quốc xã tìm thấy hàng loạt ngôi mộ tập thể tại rừng Katyn (cách thành phố Smolensk 18 km về phía Tây) sau khi chiếm đóng khu vực này vào năm 1941. Trong những ghi chép của mình, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức J. Goebbels gọi sự kiện này là “món quà hiếm có của số phận”, “con át chủ bài”, đảm bảo cho một chiến dịch tuyên truyền nhiều mặt chống lại Liên Xô. Quả bom Katyn “đủ để gây ra một đòn đau đớn, đánh mạnh vào tâm tư, tình cảm của những người dân Ba Lan ủng hộ liên minh chống phát-xít, nổ tung vào mối liên kết lỏng lẻo giữa chính phủ Liên Xô và Ba Lan”[4].

Ngày 18-2-1943, người Đức bắt đầu đào các ngôi mộ tập thể, đến ngày 13-4-1943, có chừng 400 thi thể được khai quật. Cũng trong ngày 13-4-1943, Đài phát thanh Berlin đưa tin nước Đức tìm thấy hơn 10.000 thi thể các sĩ quan Ba Lan bị giết tại vùng Katyn, khẳng định “đây chính là thi thể các sĩ quan Ba Lan bị Liên Xô bắt làm tù binh khi chiếm đóng miền Đông Ba Lan”[5]. Ngày 17-4-1943, chính phủ Ba Lan lưu vong ra Tuyên bố “lên án mọi tội ác chống lại các công dân Ba Lan”[6], yêu cầu chính phủ Liên Xô một lời giải thích về vụ việc này và đề nghị Hội Chữ thập đỏ quốc tế tham gia làm rõ vấn đề. Ngày 21-4-1943, TASS ra Tuyên bố với lập trường cứng rắn: “Một chiến dịch chống Liên Xô bắt đầu trên báo chí Đức và Ba Lan - thực tế này cho thấy chiến dịch bôi nhọ Liên Xô được tiến hành bởi sự thỏa thuận bẩn thỉu với những kẻ xâm lược Đức”[7]. Trong một động thái quyết liệt hơn, lãnh đạo Liên Xô đã cảnh báo các đồng minh Anh và Mỹ về ý định cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Ba Lan Sikorski, với lý do: “Thời gian gần đây, hành vi của Chính phủ Ba Lan đối với Liên Xô hoàn toàn bất thường, phá vỡ tất cả các quy tắc và chuẩn mực của quan hệ đồng minh. Chiến dịch vu khống chống Liên Xô được phát xít Đức đưa ra liên quan đến việc các sĩ quan Ba Lan bị giết trong khu vực Smolensk, trên lãnh thổ Đức chiếm đóng, lập tức được chính phủ Ba Lan nắm lấy và thông tin rầm rộ trên báo chí (…). Tất cả những điều đó khiến chính phủ Liên Xô không thể không nhận thấy chính phủ Ba Lan đang đi vào con đường thông đồng với chính phủ Hitler, muốn chấm dứt quan hệ đồng minh và trở nên thù địch với Liên Xô”[8]. Quả thật, J. Goebbels đã dự đoán không sai, “quả bom chính trị Katyn” đã phát nổ, vấn đề Katyn trở thành một trong những "điểm đau đớn” trong quan hệ Liên Xô - Ba Lan không chỉ tại thời điểm đó, mà còn mãi về sau này.

Với mục tiêu hạ uy tín và tuyên truyền về sự tàn bạo của Liên Xô đối với tù binh, ngày 16-4-1943, phía Đức mời Hội Chữ thập đỏ quốc tế và đại diện một số tổ chức xã hội Ba Lan trong vùng bị phát-xít Đức chiếm đóng đến tham dự việc khai quật và khám nghiệm tử thi tại 8 ngôi mộ tập thể. Trong số các xác chết được khai quật, người ta tìm thấy tử thi hai vị tướng Ba Lan Bronisław Bohatyrewicz và Mieczysław Smorawiński. Từ ngày 15-4 đến ngày 15-6-1943, tổng cộng hơn 4.100 xác chết được khai quật; 2.800 tử thi được nhận dạng[9]. Công việc thu thập tư liệu và nhận dạng tử thi được tiến hành một cách khoa học, chú trọng luận giải cách thức và loại hình hung khí thực hiện thảm sát. Đã thu thập được nhiều luận cứ chứng minh cho sự vô tội của người Đức: Những thư từ còn lại trong thi thể các nạn nhân đều có thời gian dừng lại ở năm 1940; tuổi của những cây cối mọc trên mộ, các chỉ số đo đạc phân tử canxi trên hộp sọ tử thi… đều cho chung một kết quả về thời điểm của vụ thảm sát - năm 1940, khi mà người Đức chưa có mặt ở vùng này.

Ngày 3-6-1943, việc khai quật bị dừng lại do diễn biến chiến sự, nhưng những phân tích, kết luận của toàn bộ quá trình đã được nước Đức kịp xuất bản thành “Tập tài liệu chính thức về vụ thảm sát tại Katyn” (Amtliches Material zum Massenmord von Katyn, Berlin, 1943), khẳng định Liên Xô phải chịu hoàn toàn tránh nhiệm về cái chết của 11.000 tù nhân Ba Lan[10]. Tài liệu này được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ châu Âu, lưu hành trên các vùng Đức chiếm đóng và ở các nước đồng minh của Đức.

Sau khi Hồng quân tiến vào vùng Smolensk và đẩy lùi quân đội Đức, Liên Xô thành lập một Ủy ban đặc biệt điều tra tội ác của quân đội phát-xít Đức trong rừng Katyn. Tháng 1-1944, Ủy ban này công bố một loạt “chứng cứ” chứng minh vụ thảm sát Katyn là do quân đội Đức gây ra. Năm 1945, I.V. Stalin quyết định tháo “nút thắt Katyn” bằng cách đưa vụ thảm sát ra Toà án Quân sự tại Nürnberg. Công tố viên Liên Xô, Tướng R.A. Rudenco đã buộc tội phát xít Đức thảm sát 11.000 tù binh Ba Lan tại Katyn; tuy nhiên, Toà án Quân sự tại Nürnberg đã không đi đến một phán xét chung cuộc, vì phía Liên Xô không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Ngày 22-12-1955, sau nhiều nỗ lực vận động của cộng đồng người Ba Lan tại Mỹ, một Ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa vụ Katyn lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và buộc tội Liên Xô trước Tòa án Quốc tế (International Court of Justice) tại Netherlands, song đề nghị này không được chính phủ Mỹ chấp thuận.

Năm 1953, I.V. Stalin chết, bắt đầu “thời kỳ tan băng Khrushchev”, thắp lên hy vọng về một kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa, song để đảm bảo "sự thống nhất và đoàn kết", Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khrushchev đã không vượt qua “phương pháp áp lực trực tiếp” đối với nước láng giềng Ba Lan; vì thế, “vấn đề Katyn” không thể khêu lên. Phục vụ mục tiêu nói trên, cuối những năm 50 (XX), dưới chỉ đạo của N. Khrushchev, A.Shlepin[11] đã bí mật nghiên cứu hồ sơ vụ Katyn. Ngày 3-03-1959, A.Shlepin đệ trình Văn bản N-632-SH (Н-632-Ш), kiến nghị tiêu huỷ 21.857 cặp tài liệu về các nạn nhân Katyn – những tài liệu như A.Shlepin giải thích, chẳng những “không có bất kỳ ý nghĩa thực tiễn cũng như giá trị lịch sử đối với chính phủ Liên Xô (…) và có lẽ chúng cũng không phải là mối quan tâm thực sự đối với những bạn bè Ba Lan”[12]; trái lại, nếu ngẫu nhiên bị phát hiện, “có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng bất lợi cho Nhà nước Xô-viết”[13]. A. Shlepin đề nghị giữ lại những hồ sơ quan trọng nhất: “Biên bản cuộc họp Troika[14] NKVD đồng ý xử bắn tù binh Ba Lan và những văn bản thực hiện quyết định đó. Do khối lượng của các tài liệu này không đáng kể, nên có thể lưu trữ chúng trong một cái cặp đặc biệt (…) phòng trường hợp phát sinh những chất vấn từ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hoặc chính phủ Liên Xô”[15]. Ngay sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã chuẩn y đề nghị của A. Shlepin, chỉ giữ lại những hồ sơ quan trọng, được tập hợp thành một bộ “Hồ sơ đặc biệt № 1”. “Hồ sơ đặc biệt № 1” được bảo quản theo chế độ tuyệt mật và chỉ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô mới có quyền tiếp cận.

Trong những năm 1971-1976, một số nước phương Tây (đặc biệt là nước Anh) liên tục đòi làm sáng tỏ vụ việc Katyn, đề nghị đưa ra Tòa án Quốc tế tại Netherlands. Phản ứng với “chiến dịch chống đối, bôi nhọ Nhà nước Xô viết dựa trên việc bóp méo sự thật lịch sử về các thủ phạm thực sự của thảm kịch Katyn, nhằm làm căng thẳng tình hình quốc tế”[16] – như Liên Xô nhiều lần khẳng định, năm 1978, Liên Xô dựng bia tưởng nhớ nạn nhân tại Katyn với dòng chữ: “Nạn nhân của chủ nghĩa phát xít – những sĩ quan Ba Lan bị bắn chết bởi quân đội Hitler năm 1941”.

Cho đến trước khi Liên Xô thực hiện cải cách (perestroika) năm 1986, “câu chuyện Katyn” vẫn là điều húy kị, nhạy cảm, bị nghiêm cấm nhắc tới trong các tranh luận xã hội với lý do “ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm dân tộc và tình hữu nghị Liên Xô-Ba Lan (…) gây nên những “vết đen” trong quan hệ hai nước”[17].

Tiến hành “perestroika”, thực hiện “glasnost”, với “người đồng minh Ba Lan”, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Gorbachev đặt mục tiêu “phát triển quan hệ chặt chẽ, vững chắc, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau nhằm cùng tiến hành cải cách một cách tối ưu”[18]. Trong tiến trình thắt chặt toàn diện quan hệ Liên Xô - Ba Lan, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Gorbachev và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan W.Jaruzelski ký Hiệp định về hợp tác Liên Xô - Ba Lan trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và khoa học (1986); theo đó, hai bên “chú trọng cùng nghiên cứu lịch sử quan hệ giữa hai nước, hai Đảng, hai dân tộc, không để tồn tại “những vết đen” trong lịch sử hai nước, nhằm tăng cường tình đoàn kết, chống lại những luận điệu chia rẽ”[19]. Trên quan điểm “không để lịch sử đốt lên hận thù dân tộc”, W.Jaruzelski bày tỏ mong muốn “những trang sử quan hệ Liên Xô – Ba Lan phải được nhìn nhận một cách thực sự cởi mở và trung thực”[20]. Tiếp nối dòng chảy sự kiện, ngày 19-5-1987, tại Moscow diễn ra phiên họp toàn thể đầu tiên Ủy ban Liên Xô - Ba Lan về lịch sử quan hệ song phương, “vấn đề Katyn” được đưa vào chương trình nghị sự, song những nghiên cứu về sự kiện này diễn tiến khá trì trệ, “bí mật Katyn” được khai lộ một cách chậm chạp, bị chi phối bởi tư tưởng giáo điều, bởi các yếu tố chính trị trong nội bộ mỗi nước và trong quan hệ Liên Xô - Ba Lan. Đến ngày 13-4-1990, sau rất nhiều chần chừ, một số tư liệu lưu trữ liên quan đến sự kiện Katyn mới được chuyển giao cho Tổng thống W.Jaruzelski nhân chuyến thăm Liên Xô. Ngày 13-4-1990, TASS ra Tuyên bố chính thức thừa nhận trách nhiệm của Liên Xô trong “thảm kịch Katyn”[21], nói rõ: “Tài liệu tìm thấy trong kho lưu trữ cho phép kết luận về vai trò, trách nhiệm của Beria, Merkulov và các đồng sự”[22]. TASS đồng thời bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về sự kiện bi thảm Katyn, gọi đó là “một trong những tội ác khủng khiếp nhất của chủ nghĩa Stalin”[23].

Tháng 6-1991, B. Yeltsin trở thành Tổng thống Liên bang Nga và ngay lập tức đã nhận thấy “vấn đề Katyn” – vào thời điểm đó - có thể có lợi cho những diễn biến chính trị nội bộ của nước Nga liên quan đến việc xóa bỏ Điều 6 trong Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đặt Đảng Cộng sản Liên Xô ra ngoài vòng pháp luật[24]. “Hồ sơ Katyn” chính là một chứng cứ thuyết phục cho B.Yeltsin “luận tội” chủ nghĩa Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhằm chứng minh cho tính bất hợp pháp của Đảng Cộng sản Liên Xô, theo lệnh của B.Yeltsin, kho lưu trữ tư liệu Đảng Cộng sản Liên Xô được mở, hơn 6.000 các tài liệu tuyệt mật được giải mã, kể cả bộ sưu tập tài liệu về vụ thảm sát Katyn[25]. Ngày 24-9-1992,Hồ sơ đặc biệt № 1” được mở ra và trước tính chất nghiêm trọng của nó, Tổng thống B.Yeltsin đã có một quyết định nhanh chóng: Lệnh chuyển ngay lập tức toàn bộ những tài liệu “chết người” này cho Ba Lan; đồng thời, chuyển một bản sao đến Tòa án Hiến pháp và Viện kiểm sát tối cao[26]. Ngày 14-10-1992, “Hồ sơ đặc biệt № 1” được đại diện chính phủ Nga trao cho Tổng thống Ba Lan Walesa và nội dung của nó nhanh chóng được công bố trước công luận Ba Lan. Sau sự kiện này, ngày 15-10-1992, trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Ba Lan, B.Yeltsin “hào hứng nói về những tội ác khủng khiếp của chủ nghĩa Stalin, bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ không còn là điểm nghẽn trong quan hệ song phương Nga - Ba Lan”[27].

3- Toàn cảnh sự kiện

Những diễn giải trên đây cho thấy, đến trước năm 1992, trên các văn bản chính thức của Liên Xô, kẻ bị buộc tội gây ra vụ thảm sát Katynquân đội Đức Quốc xã. Chỉ đến năm 1992 (khi Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết sụp đổ một năm), sau rất nhiều toan tính chính trị, Liên bang Nga mới công bố những tài liệu trong bộ “Hồ sơ đặc biệt № 1” về vụ thảm sát Katyn[28]. Giải mã bộ Hồ sơ, câu chuyện về vụ thảm sát Katyn được hình dung như sau:

Ngày 3-3-1940, L.Beria[29] gửi đến Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (b) Văn bản 794/B[30], báo cáo: “Trong các trại giam và trại tạm giam ở phía Tây Ucraina và Tây Belaruxia hiện đang giam giữ một số lượng lớn các sĩ quan cũ của quân đội Ba Lan, cảnh sát Ba Lan, các nhân viên tình báo, thành viên các tổ chức phản cách mạng, người tị nạn, lực lượng nổi dậy và một số người khác (…) tất cả bọn họ đều là kẻ thù truyền kiếp, chứa đầy thù hận với chính quyền Xô viết”[31]. L.Beria khẳng định: “Những tù binh này dù đang bị giam giữ song vẫn cố gắng, nỗ lực tiếp tục tuyên truyền chống Liên Xô và chỉ chờ được phóng thích là sẵn sàng tích cực tham gia vào cuộc chiến chống lại chế độ Xô viết”[32]. L.Beria thống kê: “Trong các trại giam tù binh chiến tranh hiện giam giữ tổng cộng (không tính các binh sĩ và hạ sĩ quan) 14.700[33] tù binh người Ba Lan gồm các quan chức của bộ máy chính phủ, các chủ đất, cảnh sát, điệp viên, hiến binh, cai ngục; trong số đó, 97% mang quốc tịch Ba Lan (…). Ở trại giam ở vùng miền Tây Ukraina và Belorusia có tổng cộng 18.632[34] người bị bắt giữ (trong đó có 10.685 người Ba Lan[35]. Sau khi kết luận rằng, “xuất phát từ thực tế bọn họ đều là những kẻ thù sắt đá không đội trời chung với chính quyền Xô-viết, không có khả năng cải hóa”, L.Beria đề nghị “giao cho NKVD xem xét, giải quyết, xử lý toàn bộ 14,700 trường hợp tù binh Ba Lan và 11.000 trường hợp tù binh tại các nhà tù phía Tây Ukraine và Tây Belorussia bằng các thể thức đặc biệt với hình thức trừng phạt cao nhất (…), không cần bất kỳ một cuộc hỏi cung, xét xử, luận tội và kết án chính thức”[36]. L.Beria đề cử giao cho L.Beria, V.Merkulov và L.Bashtakov thực hiện quyết định nêu trên[37].

Xem xét đề nghị của L.Beria, ngày 5-3-1940, một số thành viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (b) biểu quyết thông qua Quyết định No.13/144 (gồm I.V.Stalin, K.Voroshilov, V. Molotov và A.Mikoyan[38], kèm ghi chú: M.Kalinin - đồng ý; L.Kaganovich - đồng ý)[39], chuẩn y đề nghị của L.Beria xử bắn toàn bộ số tù binh Ba Lan đang bị giam giữ; giao trách nhiệm hoàn tất công việc cho “bộ ba” V.Merkulov, B.Kobulov và L.Bashtako[40].

Ngày 22-03-1940, L. Beria ký Sắc lệnh No. 00350, “Về việc sơ tán các nhà tù của Cộng hòa XHCN Ukraina và Cộng hòa XHCN Belorusia”, chỉ đạo thực hiện một kế hoạch thảm sát lớn nhất và ghê rợn nhất lịch sử thế giới thế kỷ XX, mang mật danh “Chiến dịch giảm tải trại tù[41].

Chưa đầy một tháng sau quyết định nói trên, các công việc chuẩn bị cho cuộc thủ tiêu tù bình Ba Lan được xúc tiến khẩn trương. NKVD lên kế hoạch vận chuyển tù nhân đến chỗ xử bắn: Các tù nhân đang bị giam giữ tại vùng phía Tây Ukraina được chuyển tới Kharkov, Kherson và Kiev, các tù nhân ở Belorusia được chuyển về Minsk, còn các tù nhân ở Ostashkov được chuyển tới Kalinin. Ở làng Mednoye, không xa Kalinin, các máy xúc bắt đầu đào những chiếc hố lớn.

Đầu tháng 4-1940, những chuyến xe chở tù nhân bắt đầu lăn bánh, mỗi đợt, vận chuyển khoảng từ 350-400 tù nhân. Các tù nhân không hay biết mình đang bị đem đến chỗ chết, thậm chí nhiều người còn vui mừng ngỡ rằng sẽ được trả tự do. Ghi chép của một tù nhân - Thiếu tá Solxki Adam (được chuyển đi từ trại Kozelski ngày 7-4-1940) về những giây phút thương tâm cuối cùng đã nói lên điều đó:

Ngày 20-4. 12 giờ, chúng tôi đang ở phía Tây Smolensk. Ngày 21-4. Chúng tôi bị đánh thức, được đưa lên những chiếc xe ôtô và được mang đi đâu đó. Ngay từ buổi sáng, mọi việc đã có vẻ bất thường (…). Chúng tôi được đưa tới một khu rừng giống như khu nghỉ dưỡng mùa hè, bị lục soát một cách kỹ lưỡng, bị tịch thu nhẫn cưới, thắt lưng, dao nhíp, đồng hồ - lúc đó đồng hồ đang chỉ 6h30 phút sáng[42].

“Đồng hồ dừng lại ở 6h30 phút sáng” – những “bản án” được thực hiện một cách lạnh lùng. Các tù nhân ở Kharkov và Kalinin bị bắn ngay trong nhà tù. Tại Katyn, tù nhân bị dẫn đến trước những hố to đã đào sẵn và bị bắn vào đầu ở cự ly gần bằng những khẩu súng lục, chủ yếu là súng Đức - "Walter" và "Browning” (đó cũng là một trong những cơ sở để sau này Liên Xô đổ lỗi cho quân đội Đức là thủ phạm).

Vụ xử bắn tù nhân kéo dài đến giữa tháng 5-1940 và diễn một cách suôi sẻ: Tại khu rừng gần làng Katyn cũng như trong một số trại giam trên đất nước Liên Xô, chỉ trong vài tuần đã có gần 22.000 tù nhân - công dân Ba Lan bị giết chết theo lệnh của Ủy ban Nhân dân Nội vụ. Sau khi “Chiến dịch giảm tải trại tù” kết thúc, “đã xử bắn 21.857 người; trong đó: 4.421 bị bắn tại Katyn (vùng Smolensk), 3.820 người bị bắn tại trại Starobelsk gần Kharkov, 6.311 người bị bắn tại trại Ostashkov (vùng Kalinin), 7.305 người bị bắn chết trong các nhà tù phía Tây Ukraine và Tây Belorusia”[43].

Vụ thảm sát không chỉ diễn ra ở Katyn, nhưng thuật ngữ "Thảm sát Katyn" được gọi chung cho việc giết hại các tù nhân Ba Lan (đa phần là tầng lớp tinh hoa, sĩ quan từ cấp tá trở lên) vì vụ nổ súng tại làng Katyn xảy ra trước nhất. Sau đó, việc sát hại 7.000 người (trong số đó có 1.000 sĩ quan cao cấp Ba Lan) bị Liên Xô giam giữ trong các nhà tù ở miền Tây Ukraina và Belorusia cũng được gắn với cái tên “Thảm sát Katyn”.

4- Câu chuyện chưa kết thúc

Sau rất nhiều nỗ lực và biến động chính trị, cuối cùng, sự thật về một thảm kịch khủng khiếp trong lịch sử cũng đã dần phơi tỏ. Tại nước Nga, năm 1993, tư liệu Hồ sơ Katyn được đăng tải trên Tạp chí khoa học “Câu hỏi của lịch sử” (Вопросы истории); đồng thời, Nhà nước Nga tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu Hồ sơ[44]. Cũng từ thời điểm đó, các nhà khoa học Nga và Ba Lan nỗ lực điều tra, làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vụ thảm sát Katyn. Tháng 8-1993, những kết quả điều tra ban đầu được công bố trong công trình “Nước Nga và Katyn” (Nxb. Karta, Ủy ban Khoa học toàn Ba Lan tài trợ)[45]. Năm 1995, các nhà khoa học Liên bang Nga và Ba Lan xuất bản ấn phẩm “Katyn: Tư liệu tội ác[46]. Năm 1999, toàn bộ những tư liệu quan trọng tiếp tục được công bố trong cuốn “Katyn: Những tù binh của cuộc chiến không tuyên bố. Hồ sơ và tư liệu”[47].

Những năm 1990-2004, Viện Kiểm sát quân sự tối cao Liên Xô (từ năm 1992 là Viện Kiểm sát quân sự tối cao Liên bang Nga) thực hiện nhiệm vụ điều tra thảm họa Katyn; trong quá trình đó, Viện Công tố đã tiến hành 18 cuộc khảo sát, nghiên cứu hơn 1.000 đối tượng, khai quật 200 thi thể và phỏng vấn hơn 9.000 nhân chứng[48]. Kết quả điều tra được lưu giữ trong 183 tập hồ sơ, song chỉ có 116 tập được công bố đầy đủ. Ngày 11-3-2005, Viện Kiểm sát Quân sự tối cao Liên bang Nga chính thức tuyên bố chấm dứt điều tra, xem vụ Katyn là tội phạm thông thường, “không đủ cơ sở để coi vụ thảm sát ở Katyn là diệt chủng” vì tính chất của nó không nhằm vào sự phân biệt đối xử với người dân Ba Lan và đã quá thời hạn hiệu lực hồi tố[49]. Ngày 10-4-2010, nguyên Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng phu nhân và 94 quan chức đã tử nạn bởi một tai nạn máy bay ở Smolensk, khi thực hiện chuyến công du dự lễ tưởng niệm Katyn. Trong một động thái chia sẻ nỗi đau vì cái chết của Tổng thống Ba Lan và Đoàn quan chức tháp tùng, ngày 8-5-2010, Tổng thống Nga D.Medvedev trao cho người đồng cấp Ba Lan B. Komorowski 67 tập tài liệu mật về vụ thảm sát Katyn, hứa sẽ trao tiếp tài liệu và những thông tin liên quan. Năm 2010, trong Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát-xít, Tổng thống Nga D.Medvedev đã nhắc đến “tội ác Katyn”, gọi đây là một “trang đen tối của lịch sử".

Ngày 25-11-2010, với tỉ lệ ủng hộ là 342/450, Quốc hội Liên bang Nga bỏ phiếu thừa nhận vụ thảm sát hàng chục ngàn công dân và sĩ quan Ba Lan là do lực lượng công an Liên Xô thi hành[50]. Quyết định của Quốc hội Nga được người dân Ba Lan đánh giá cao, coi “Nghị quyết lịch sử" này không chỉ quan trọng đối với người Ba Lan, mà còn đối với quan hệ Nga - Ba Lan, cũng như với bản thân người Nga.

Ngày 21-10-2013, tương tự như trong phán quyết cấp sơ thẩm năm 2012, trong một phán quyết chung cuộc về vụ thảm sát Katyn, Tòa án Nhân quyền châu Âu (trụ sở tại Strasbourg) tuyên bố không có thẩm quyền phán quyết về các trường hợp giết người “xảy ra 58 năm trước khi Công ước Châu Âu về nhân quyền có hiệu lực tại Nga từ năm 1998”[51]. Tuy nhiên, 17 thẩm phán của thuộc Đoàn thẩm phán tối cao Tòa án Nhân quyền châu Âu đã phê phán Nga về tội “thiếu tường trình tích cực” đối với số phận các tù nhân Ba Lan tại Katyn bị Liên Xô tử hình vào năm 1940; nhất trí lên án: “Nga thiếu sót trong nghĩa vụ hợp tác với Toà án Châu Âu, miễn cưỡng trong việc cung cấp đầy đủ các chứng cứ cho việc xem xét vụ án”[52].

Nhìn chung, người dân Ba Lan không hài lòng và không thỏa mãn với những tuyên bố của Viện Kiểm sát quân sự tối cao Liên Xô cũng như Tòa án Nhân quyền châu Âu. Phía Ba Lan trước sau nhất quán quan điểm: Vì tính chất giết người hàng loạt, những cuộc thảm sát này thích hợp để quy vào tội ác chống nhân loại; mong muốn nước Nga “có những cử chỉ thiện chí và chân thành hơn”, chính thức xin lỗi và bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Có thể thấy rằng, Nhà nước Liên bang Nga chỉ dừng lại ở mức độ công nhận vụ thảm sát Katyn là lỗi của “chế độ toàn trị Stalin”, không muốn đi xa hơn điều đó. Mặc dù thừa nhận “đây là tội ác không có lời bào chữa”, song Nhà nước Liên bang Nga tìm cách lý giải làm nhẹ bớt vấn đề[53], chỉ dừng lại ở những việc như giải mật hồ sơ, công bố sự thật, thừa nhận là tội ác của “chế độ toàn trị Stalin”…, coi đó như là những hành động mang tính thực tế (đã thừa nhận).

Vẫn chưa có một kết cục cuối cùng cho “vấn đề Katyn” – một kết cục vừa có thể xoa dịu nỗi đau, chữa lành nỗi ám ảnh của thân nhân những người bị thảm sát, lại vừa có thể thỏa mãn được nước Nga hiện đại đang có những tranh luận khác nhau về quá khứ, nhằm cổ vũ cho những giá trị trường tồn, khơi dạy lòng tự hào dân tộc, phục vụ mục tiêu chấn hưng đất nước, khôi phục vị thế cường quốc[54].

Có lẽ, không có cách nào khác hơn để chia tay với nỗi đau bằng cách dũng cảm nhìn nhận/thừa nhận nó. Và trên hết, không thể đầu cơ lịch sử! Với quá khứ, với lịch sử, luôn cần sự thẳng thắn, công tâmtrung thực.





[1] Катынь. Март 1940 г. - сентябрь 2000 г. Расстрел. Судьбы живых. Эхо Катыни. Документы. М., 2001, С. 387.
[2] Катынь. Март 1940 г. - сентябрь 2000 г. Указ. Соч, С.388.
[3] Развитие польско-советских отношений после событий под Катынью, Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[4] Бабий Яр под Катынью? // Военно-исторический журнал. 1990. № 12. С. 35.
[5] Катынь, Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[6] Е. Прудникова, И. Чигирин: Катынь. Ложь, ставшая историей,Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[7] Катынь. Март 1940 г. - сентябрь 2000 г. Указ. Соч, С. 455.
[8] Катынь. Март 1940 г. - сентябрь 2000 г. Указ. Соч, С. 455-456.
[9] Расследование Катынской трагедии немецкой комиссией, Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[11] Người đứng đầu KGB từ tháng 12-1958 đến tháng 11-1961.
[12] Pукописная записка председателя КГБ при СМ СССР А.Н. Шелепина от 3 марта 1959 г. № 632-Ш, Закрытый пакет документов о катынском деле, РГАСПИ, Ф. 17, оп. 166, д.621,Л.139.
[13] Pукописная записка председателя КГБ при СМ СССР А.Н. Шелепина от 3 марта 1959 г, Указ. Соч. Л.139
[14] Troika NKVD là một Ủy ban đặc biệt gồm ba người: Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng; Chủ tịch NKVD, Công tố viên trưởng Viện kiểm sát liên bang Tối cao. Ủy ban này có trong tay siêu quyền lực, xử lý những vấn đề về an ninh không cần qua tiến trình xét xử theo luật pháp.
[15] Pукописная записка председателя КГБ при СМ СССР А.Н. Шелепина от 3 марта 1959 г, Указ. Соч. Л.139
[16] Выписка из протокола 3-огo заседания Политбюро ЦК КПСС от 5 апреля 1976 год, Указ. Соч.
[17] Медведев В.А. Распад: Как он назревал в “мировой системе социализма”. М., 1994. С. 96.
[18]И. Яжборовская, А. Яблоков, B. Парсаданова: Катынский синдром в советско-польских и российско-польских отношениях, Указ. Соч.
[19] Декларация о советско-польском сотрудничестве в области идеологии, науки и культуры. М., 1987. С.9.
[20] Декларация о советско-польском сотрудничестве в области идеологии, науки и культуры, Указ. Соч. С. 10.
[21] Признание советскими властями ответственности за Катынскую трагедию, Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[22] Признание советскими властями ответственности за Катынскую трагедию, Указ. Соч.
[23] Tuy thừa nhận trách nhiệm của Liên Xô trong vụ thảm sát Katyn, nhưng trong Sắc lệnh “Về kết quả của chuyến thăm Liên Xô của Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Ba Lan Skubiszewski” (3-11-1990), tại Điều 9, Gorbachev chỉ thị Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô dưới sự hỗ trợ của Tòa án Tối cao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan khác, nghiên cứu, làm rõ “những sự kiện lịch sử trong quan hệ song phương Liên Xô – Ba Lan, mà phía Ba Lan có gây tổn hại cho Liên Xô. Kết quả đó, trong những trường hợp cần thiết, có thể đem ra trong các cuộc hội đàm về những “vết đen” trong quan hệ hai nước” (Nguồn: Расположение Президентa Союза Советских Социалистических Республик, 3 ноября 1990 г, № РП-979, АПРФ по катынскому делу).
[24] Này 20-7-1991, Yeltsin ban bố Sắc lệnh phi đảng hóa và tuyên bố nghiêm cấm hoạt động của các chính đảng trong cơ quan nhà nước các cấp, cũng như các đoàn thể quần chúng và doanh nghiệp cơ sở, chĩa mũi dùi vào Đảng Cộng sản Liên Xô, dẫn đến sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô và sự giải thế của Liên Xô.
[25] Центр хранения современной документации, Ф. 89. Оп. 14. Д. 1-20.
[26] Секреты пакета № 1. С. 38.
[27] И. Яжборовская, А. Яблоков, B. Парсаданова: Катынский синдром в советско-польских и российско-польских отношениях, Указ. Соч.
[28] Главная военная прокуратура, Уголовное дело № 159. Т. 115. Л. 4-29, 45-78.
[29] Phụ trách bộ máy an ninh quốc gia và cảnh sát mật Liên Xô những năm 1946–1953.
[30] No 794/Б, đóng dấu của Ủy ban Nhân dân Nội vụ Liên Xô – NKVD (tiếng Nga:НКВД).
[31]Записка НКВД СССР № 794/B, о польских военнопленных, подписанная Л. П. Берия, Закрытый пакет документов о катынском деле, РГАСПИ, Ф. 17, оп. 166, д.621, Лист 130-133.
[32]Записка НКВД СССР № 794/B, о польских военнопленных, подписанная Л. П. Берия, Указ. Соч, Л. 130..
[33] L.Beria đưa ra con số thống kê cụ thể về thành phần14.700 tù binh người Ba Lan: Cấp tướng, đại tá và trung tá: 295; thiếu tá, đại úy: 2.080; thượng úy, trung úy, thiếu úy: 6049; cảnh sát, hiến binh, lính biên phòng: 1.030; cảnh vệ, dân binh, điệp viên, cai ngục: 5.138; chức sắc, chủ đất, linh mục, người nhập cư: 144 (Nguồn: Записка Л.Берии И. В. Сталину (3-3-1940), № 794/Б, АПРФ, ф. 3. Закрытый пакет № 1, Л.131).
[34] L.Beria thống kê cụ thể về thành phần 18.632 tù binh như sau: Sĩ quan cũ: 1.207; cảnh sát, trinh sát, hiến binh: 5.141; điệp viên, biệt kích: 347; chủ đất, chủ xưởng, quan chức: 465; thành viên các tổ chức nổi dậy và các thành phần khác: 5.345; người tị nạn: 6.127 (Nguồn: Записка Л.Берии И. В. Сталину (3-3-1940), № 794/Б, АПРФ, ф. 3. Закрытый пакет № 1, Указ. Соч, Л. 131).
[35] Записка Л.Берии И. В. Сталину (3-3-1940), № 794/Б, АПРФ, ф. 3. Закрытый пакет № 1, Указ. Соч. Л.133.
[36] Записка Л.Берии И. В. Сталину (3-3-1940), № 794/Б, АПРФ, ф. 3. Закрытый пакет № 1, Указ. Соч. Л..132.
[37] Записка Л.Берии И. В. Сталину (3-3-1940), № 794/Б, АПРФ, ф. 3. Закрытый пакет № 1, Указ. Соч. Л..133.
[38] Trong cuốn sách: “Stalin: The Court of the Red Tsar" (Nxb. Vintage, 2005), tác giả Simon Sebag Montefiore có chú giải: Con trai của Mikoyan là Stepan nói rằng, chữ ký của cha mình trên tờ Quyết định này là "gánh nặng nặng nhất đối với gia đình của chúng tôi” (p.94).
[39] Выписка из протокола № 13 пункт 144 заседания Политбюро ЦК ВКП(б), № П13/144 , 5 марта 1940 (В книгеКатынь:Пленники необъявленной войны”, Под редакцией Р.Г.Пихои, А.Гейштора, М. 1999), C.606.
[40] Выписка из протокола №13 заседания Политбюро ЦК ВКП(б) “Особая папка” от 5 марта 1940 г, No.13/144, Указ. Соч, Л.134.
[41] Còn được dịch là: “Chiến dịch sơ tán nhà tù và trại giam”.
[42] Катынский расстрел — официальные сведения и версии, Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[43] Pукописная записка председателя КГБ при СМ СССР А.Н. Шелепина от 3 марта 1959 г. №632-Ш, Закрытый пакет документов о катынском деле, РГАСПИ, Ф. 17, оп. 166, д.621,Л.138.
[44] Секретные документы из особых папок / Подготовка публикации и вступительная статья к ней М.И. Семиряги // Вопросы истории. 1993. № 1. С.7-22
[45] Orzeczenie Komisji ekspertów. Moskwa, 2 sierpnia 1993 // Rosja a Katyn. W-wa, 1994.
[46] Katyn. Dokumenty zbrodni. T. 1. Jeńcy nie wypowiedzianej wojny. Sierpień 1939 — marzec 1940. W-wa, 1995; T. 2. Zagłada. Marzec-czerwiec 1940. W-wa, 1998; Катынь: Пленники необъявленной войны.
[47]Катынь. Пленники необъявленной войны.Документы и материалы, Под редакцией Р.Г.Пихои, А.Гейштора, М. 1999.
[48] Расследование Катынского убийства Главной военной прокуратурой СССР, Библиотека иследователям Катынского дела, РФ.
[49] Trong việc đánh giá sự kiện Katyn năm 1940, phía Nga cho rằng phải xuất phát từ Bộ Luật Hình sự Liên Xô năm 1926, theo đó, thời hạn hiệu lực của những hành vi phạm tội như ở Katyn được xác định là 10 năm, đó là chưa kể đến chuyện các thủ phạm của vụ thảm sát đều đã qua đời (Nguồn: Nhân tai nạn của vợ chồng tổng thống Ba Lan: công lý trong vụ thảm sát Katyn đã được tái lập? Nhịp Cầu Thế Giới Online, 14-4-2010)
[50] Mỹ Loan: Nga thừa nhận Stalin ra lệnh thảm sát Katyn, Tuổi trẻ Online, 28-11-2010.
[51] Европейский суд по правам человека поставил точку в "катынском деле": Россия оправдана, Politikus.ru, 21-10-2013.
[52] Европейский суд по правам человека поставил точку в "катынском деле": Россия оправдана, Указ. Соч.
[53] Phía Nga cho rằng, sở dĩ Stalin đưa ra quyết định thực hiện thảm sát Katyn là nhằm trả thù cho thất bại của Hồng quân Liên Xô năm 1920 (trong chiến tranh Ba Lan-Liên Xô, đã có 32.000 Hồng quân Liên Xô bị phía Ba Lan giết hại). Nước Nga cũng đưa ra quan điểm: Nhìn lại thấu đáo lịch sử, không phải để gánh nặng lịch sử đè lên quan hệ Nga - Ba Lan, cũng không phải đổ lỗi cho nhân dân Nga, mà loại bỏ những thành kiến, thiếu tin cậy đã từng tồn tại trong quan hệ Nga- Ba Lan do vấn đề thảm sát Katyn và để đóng lại trang sử cũ, lật trang sử mới, viết những điều tốt đẹp (Nguồn: Максим Жapoв, Судьба Катыни, Жyp. Валовой внутренний продукт (ВВП), № 5 (55), 2010).
[54]Một nước Nga trên con đường phục hưng, khôi phục vị trí cường quốc đang rất cần sự thống nhất, những giá trị tinh thần truyền thống, lòng tự hào dân tộc…; do vậy; rất khó vượt qua ngưỡng để gọi chính xác tên sự vật. Ở nước Nga hiện nay, dư luận xã hội cũng cho rằng, lại một lần nữa, Nhà nước Liên bang Nga đang sử dụng lịch sử và các khoa học xã hội vào cuộc chiến tư tưởng (chứ không phải cuộc chiến ý thức hệ như trước đây).