Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Sài Gòn xưa cần được bảo tồn và phát triển


Một góc Công viên Chi Lăng. Ảnh: THANH TAO





(TBKTSG) - Sức ép phát triển kinh tế và lợi nhuận đã và đang xô ngã hàng trăm biệt thự thời thuộc địa có giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan, văn hóa... của Sài Gòn - TPHCM. Làm thế nào để việc bảo tồn di sản phải song hành với quá trình phát triển kinh tế là vấn đề được đưa ra thảo luận tại một hội thảo mới đây ở TPHCM.

Cưỡng đoạt hồn đô thị
Tại hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững” do Viện Nguyên cứu phát triển TPHCM tổ chức, TS. Fanny Quertamp Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (PADDI - một dự án hợp tác cấp địa phương giữa Vùng Rhône - Alpes và TPHCM) cho biết, từ năm 1993-2013, trong khu trung tâm TPHCM có đến 207 công trình xây dựng có giá trị di sản bị phá bỏ hoặc biến dạng.
Cụ thể, năm 1993, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Lyon và TPHCM, hàng loạt công trình nhà ở có giá trị di sản ở khu vực quận 1, quận 3, TPHCM đã được khảo sát. 377 công trình được các chuyên gia lúc đó cho là có giá trị di sản đã được PADDI tái khảo sát năm 2013 với kết quả thật buồn: chỉ có 14 công trình được trùng tu, 96 công trình được giữ gìn, 35 công trình ít biến đổi, 9 công trình xuống cấp, 207 (chiếm 56,3%) công trình bị phá bỏ hoặc biến dạng và 9 công trình chưa xác định.
“Một vùng đất đánh mất ký ức, một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người không có ký ức... chẳng ai muốn điều đó xảy ra”, TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển.
Nói về “tốc độ” biến mất của các biệt thự có giá trị di sản tại TPHCM, ông Tim Doling, một người nghiên cứu về lịch sử kiến trúc TPHCM, tác giả cuốn Exploring Ho Chi Minh City, kể: “Trong thời gian sáu tháng chờ in cuốn sách hướng dẫn du lịch về các di sản của TPHCM, tôi phải loại ra khỏi bản thảo năm địa chỉ biệt thự vì nó đã bị phá bỏ”.
Chuyện đập bỏ biệt thự cũ xây cao ốc ở khu vực quận 3, quận 1 nở rộ trong thời gian gần đây thì ai cũng biết, nhưng con số biến mất của các biệt thự cũ mà PADDI công bố khiến Kiến trúc sư (KTS) Lê Quang Ninh (Hội KTS Việt Nam) phải giật mình. Ông nói tại hội thảo: “Tôi phỏng đoán các biệt thự có giá trị di sản mất đi trong thời gian qua chỉ khoảng 25%, nhưng khảo sát cho thấy đến hơn 56%, quả thật là đáng báo động”.
Theo KTS. Lưu Trọng Hải, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, giá trị kiến trúc cảnh quan của quần thể biệt thự cũ tại quận 3 và quận 1 là (một) phần của hồn đô thị; là tài sản văn hóa, lịch sử, bởi nó lưu giữ một giai đoạn phát triển của Sài Gòn - TPHCM. Cho nên, TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng phải bảo tồn những biệt thự cũ. “Bởi vì, một vùng đất đánh mất ký ức, một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người không có ký ức... chẳng ai muốn điều đó xảy ra”, bà Hậu nói.


Giữ hồn đô thị...
Câu chuyện ba căn biệt thự cũ tuyệt đẹp là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (trước đây) bị đập bỏ để xây dựng tòa nhà Vincom được nhắc lại trong hội thảo khiến nhiều người nuối tiếc, chua xót. Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, nói: “Lúc đó chúng tôi đau đớn lắm! Đây là sự đấu tranh giữa phát triển kinh tế và bảo tồn”.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - bà Tôn Nữ Thị Ninh, cho rằng vụ phá biệt thự cũ để xây Vincom cho thấy tiếng nói của lợi nhuận quá lớn. “Tại sao Vincom lại đặt tại ba căn biệt thự cũ đó chứ không phải là một nơi nào khác?”. Bà đặt câu hỏi nhưng rồi tự đưa ra giải pháp: “Để tránh những trường hợp tương tự, chúng ta phải có hành lang pháp lý đủ mạnh về bảo tồn - xác định cụ thể cái nào không cần bảo tồn, cái nào cần bảo tồn dựa trên sự đồng thuận của các bên liên quan”.
Nhưng các quy định về bảo tồn không thể cứng nhắc, không thể yêu cầu các chủ sở hữu những công trình di sản “đừng phá” khi lợi ích kinh tế của họ bị “xâm phạm”. Thực tế có không ít tình huống tài sản di sản là một gánh nặng vì sự tồn tại của công trình di sản làm giảm giá trị của khu đất có công trình đó, nghĩa là khu đất có tiềm năng tái phát triển cao hơn nếu không có công trình bảo tồn ở đó.
KTS Tô Kiên, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, cho rằng những khía cạnh đầy mâu thuẫn, đối nghịch giữa bảo tồn và phát triển đã trở thành tình thế khó xử của nhiều nước. Viễn cảnh tối ưu nhất là đạt được một sự cân bằng lý tưởng giữa hiện đại hóa và bảo tồn các di sản văn hóa lịch sử, ngay cả cái giá phải trả là giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Cái mà chính quyền TPHCM cần lúc này là sự quản trị đủ mạnh để thực hiện chính sách đáp ứng cả bảo tồn và phát triển”, KTS Tô Kiên, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore.
Nhưng làm thế nào để có được điều đó? Singapore đã tiếp cận theo cách nhà nước và người dân cùng tham gia vào việc bảo tồn. Họ phát triển kinh tế tư nhân ngay trong công tác bảo tồn (gắn với du lịch) và TPHCM cũng có thể áp dụng điều này. Ông Tim Doling cho rằng mỗi công trình đều có những câu chuyện về nó như biệt thự số 60 Võ Văn Tần từng là nơi ở của một vị tướng người Mỹ; đường Phú Định, quận 5, năm 1992 từng được đạo diễn người Pháp chọn quay phim Lover... “Nếu biết khai thác những câu chuyện như thế, sẽ thu hút du khách đến với các di sản, tạo nguồn thu kinh tế”, ông Tim Doling nói.
Tại khu vực quận 1, quận 3 của TPHCM, một số biệt thự cũ được điều chỉnh công năng trở thành những quán cà phê đẹp, vừa bảo tồn được kiến trúc cảnh quan vừa tạo được nguồn thu cho chủ sở hữu (dù có thể không bằng phá bỏ xây cao ốc). Hay những di sản văn hóa vật thể và giá trị phi vật thể trên tuyến đường Đồng Khởi mất đi ít nhiều khi tiệm cà phê Givral bị xóa sổ, công viên Chi Lăng bị thu hẹp... May là khách sạn Continental được bảo tồn tốt nhờ chủ đầu tư biết khai thác “thương hiệu văn hóa” - giá trị lịch sử, giá trị những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng từng lưu trú tại đây...
Dù các công trình nhà ở có giá trị di sản bị mất mát nhiều nhưng ông Tim Doling cho rằng với những gì còn lại, TPHCM vẫn có thể lập một bản đồ di sản đủ phong phú, đa dạng để thu hút và phục vụ du khách. “Điều quan trọng trong bảo tồn là phải đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Người dân muốn các chính sách bảo tồn cho phép chủ sở hữu di sản có thể có thu nhập cao từ tài sản của họ”, ông Tim Doling nói.
Thực tế, theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, còn có khoảng cách giữa chuyên gia và nhà quản lý trong chuyện bảo tồn. Chuyên gia nhìn theo góc độ bảo tồn thuần túy còn nhà quản lý thì họ phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng theo ông Tô Kiên, “cái mà chính quyền TPHCM cần lúc này là sự quản trị đủ mạnh để thực hiện chính sách đáp ứng cả bảo tồn và phát triển”.


Quang Chung