TP - Chữ nghĩa của người viết một đằng nhưng nhiều khi sang đến người đọc lại đi một nẻo.
Khoảng năm 2012 lan truyền tấm ảnh chụp cái khẩu hiệu đặt bên đường một huyện ở tỉnh Thái Bình. Hai dòng chữ được kẻ rất vuông vắn chững chạc:
Gia đình có hai con vợ
chồng hạnh phúc
Tuyên truyền cho kế hoạch hóa gia đình, khuyên người ta mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có hai con thì đời sống sẽ tốt đẹp. Cái chữ vợ nếu được ngắt ra, đặt xuống hàng dưới thì ý nghĩa rõ ràng quá, bình thường quá, không độc đáo.
Cũng là kiểu không ngắt câu thì có thể hiểu sang cách khác, có một dẫn chứng đã thành kinh điển: Lực lượng vũ trang tiến vào đồn địch chết ngổn ngang. Lực lượng vũ trang chết ngổn ngang, hay địch chết ngổn ngang?
Minh họa: Kim Duẩn
Một câu nữa: Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ bị bắn vào đầu tháng 1/2011. Người viết có lẽ muốn cho câu của mình đa nghĩa. Người đọc có thể hiểu rằng ông nghị bị bắn vào đầu, mà cũng có thể ông ta bị bắn vào đâu đó trên người, nhưng thời gian bị bắn là đầu tháng 1/2011. Tương tự, hãy đọc thêm một câu nữa: Ông sếp của tôi mất đầu năm 2013.
Chuyện bị bắn vào đầu và mất đầu làm ta nhớ đến một ví dụ cũng đã thành kinh điển: Anh thương binh mang trên người hai vết thương, một vết ở đùi, một vết ở Củ Chi.
Cái vùng đất Củ Chi lẫy lừng ấy đã mang giúp anh một vết thương, vậy thì chính xác ra, anh chỉ bị một vết thương thôi, đâu phải hai. Người viết xem ra cũng chẳng quan tâm đến tính đồng bộ, tính phân loại. Một vết ở đùi và một vết ở tay, có lẽ cũng như rứa, như một vết ở Củ Chi và một vết ở Buôn Mê Thuột.
Lại nói đến tính chính xác của con số, một câu thơ chẳng nhất thiết phải quan tâm đến số học. Nhưng có lúc nó không quan tâm thì lại làm ta buồn cười: Chúng bay chỉ một đường ra / Một là tiêu diệt, hai là tù binh. Vừa mới nói là chỉ có một đường, thế mà lại mở ngay cho quân địch con đường thứ hai. Nhưng mà cứ muốn bảo vệ cho tác giả: bị tiêu diệt tức là chết, chết chắc, vậy thì khả năng chết coi như không tính đến. Chúng bay đúng là chỉ còn một con đường, ấy là làm tù binh.
Văn sơ ý nhiều khi dẫn đến vô ý. Một nhà thơ nữ viết: Chỉ có cô hở ra thì cậu ấy mới biết. Trước mặt tôi, bác Tô Hoài bật cười nhẹ, rồi lấy bút thêm vào giữa chữ cô và chữ hở ra một chữ: nói. Chỉ có cô nói hở ra thì cậu ấy mới biết. Đúng là vô ý, phụ nữ mà lại hở ra để cho đàn ông biết, người đọc nào mà chẳng hiểu cô ấy hở ra là hở cái gì.
Toàn những điều tế nhị nhưng không phải lúc nào người viết cũng kiểm soát được chữ nghĩa của mình. Một người viết đặt câu: Anh nhìn thấy hai người. Cô gái đi ngoài mái tóc buông chấm mông. Trời ơi, làm sao mà anh lại chọn đúng lúc ấy để nhìn thấy cô gái, khi cô đang đi vệ sinh. Không phải, anh chỉ muốn nói là trong hai cô, cô đi bên ngoài, đi phía ngoài, có mái tóc dài. Vậy thôi, thế mà cũng làm cho người đọc sững lại một tí.
Và đây là một nhà văn xuôi miêu tả cảnh chàng và nàng gặp nhau trên một chuyến tàu, họ chuyện trò vui vẻ: Trong khoang tàu, chàng và nàng ở trong cái màn tối mờ mờ. Vừa mới qua vài cuộc chuyện trò, đã chui ngay vào màn rồi sao? Đọc cả truyện thì thấy không phải, họ vẫn ai ở đâu ngồi nguyên đấy, không đi quá xa.
Thì ra tác giả muốn miêu tả họ ngồi trong bóng tối mờ mờ, nhưng lại dùng chữ màn có thể gây hiểu nhầm. Không khí trong sáng của truyện bị phá vỡ chỉ vì một chữ màn này. May không phải cái thời chuyện trai gái chui vào màn bị coi là tội hủ hóa bất chính. Oan. Oan cho nhân vật. Oan cho không khí tác phẩm lẽ ra đã khác.