Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Những nạn nhân trong mùa khai thuế

image
Kẻ gian ở đâu cũng có. Không riêng những nơi bần cùng, đạo tặc, cứ ở đâu có con người, ở đó sẽ có những mánh khóe tinh vi lường gạt. Và Hoa Kỳ cũng không phải là một ngoại lệ. Và dư luận vốn dễ công phẫn khi nghe nói về chuyện lường gạt. Khi nghe chuyện người gặp hoàn cảnh khó khăn còn bị lường gạt, càng khiến dư luận bất bình.

Nhưng kẻ xấu chỉ biết có lợi là họ tấn công. Vì thế hằng năm mùa khai thuế thu nhập (income tax) ở Hoa Kỳ là dịp cho kẻ xấu ra tay không thương chừa ai.

Ở Hoa Kỳ, bất cứ ai có thu nhập đều phải khai thuế. Ngay cả người đi làm ít tiền, nhưng nếu Sở thuế IRS có trừ (giữ) thuế thu nhập, cuối năm họ vẫn có thể khai thuế để lấy lại số tiền được giữ (withheld) trước đó. Và kẻ gian (fraudster) không tha những người có thu nhập thấp kém, chúng vẫn tìm cách gạt gẫm họ.
image
Với những di dân chưa có giấy công nhận là thường trú và thẻ xanh (green card), thì rủi ro bị lừa gạt sẽ cao hơn. (Bởi người chưa có giấy tờ thường trú, khi làm việc ở Hoa Kỳ họ vẫn phải nộp thuế và cuối năm sẽ được khai lại.)

Gần đây Reuters (dựa theo cáo báo của một tổ chức bảo vệ quyền lợi watchdog của Sở Thuế) cho biết từ tháng 08 năm 2013 đến nay đã có hàng ngàn nạn nhân chưa có tư cách thường trú làm việc tại Hoa Kỳ nhận được những cú điện thoại từ các nhân viên giả mạo của U.S. IRS (U.S. Internal Revenue Service – Sở Thuế Hoa Kỳ) yêu cầu họ trả số tiền nợ thuế (unpaid taxes). Bắt đầu từ những cú điện thoại đó, những cái bẫy sẽ được giăng ra đầy đe dọa, ai nhẹ dạ sẽ tiền mất tật mang…

Chính xác hơn, cơ quan TIGTA (Treasury Inspector General for Tax Administration) chuyên giám sát các thủ tục hành chánh (administrative procedures) của IRS cho biết khoảng 20.000 đơn thông báo họ đang bị làm phiền, rất đông là những di dân đến Hoa Kỳ làm việc nhưng không có giấy tờ thường trú. Đó là con số những người đứng ra tố cáo. Còn số người bị lường gạt nhưng không nói ra, hoặc do họ không thích bị phiền phức nên im lặng lên tới bao nhiêu người thì không ai biết. Theo TIGTA, số tiền kẻ xấu gạt được từ các nạn nhân lên tới cả triệu Mỹ kim. Giám đốc của TIGTA là J. Russell George cho biết đây là vụ lường gạt lớn nhất (largest scam) xảy ra với nhóm thiểu số này mà ông biết đến.

image
Kẻ xấu lường gạt rất tinh vi, chúng sử dụng chức năng hiện số của người gọi trên điện thoại (caller ID) để dọa nạn nhân, khiến họ hoảng sợ. Hãy tưởng tượng, khi nhìn vào Caller ID, trông thấy tên Văn phòng Sở thuế IRS địa phương, phản ứng đầu tiên của những di dân chưa có thẻ xanh chắc chắn là hoang mang; thường là lo sợ tiếp theo về lệnh trục xuất. Nhiều trường hợp, kẻ xấu còn biết được 4 số cuối của số an sinh xã hội của nạn nhân, vì di dân không có thẻ xanh vẫn có số SSN để được đi làm, nộp thuế, và khai thuế. Theo TIGTA, khi nạn nhân ngắt phone, kẻ xấu gọi lại ngay sau đó, lần này trên Caller ID còn thấy có cả số phone của cảnh sát địa phương.

Với những di dân chưa có thẻ xanh nhưng am hiểu về luật thuế, họ có thể tránh được những cái bẫy của bọn lường gạt. Hoặc nếu có cảnh giác, họ sẽ không tin lời bọn xấu ngay lập tức mà phải kiểm chứng các thông tin bằng nhiều hình thức như hỏi người thân, bạn bè đã ở Mỹ lâu năm; hoặc gọi ngay một văn phòng khai thuế ở địa phương để hỏi. Đáng tiếc là số người bình tĩnh này không nhiều, nhưng lại có nhiều trường hợp nạn nhân bị thôi miên. Theo TIGTA, khổ chủ sẽ rất lo sợ nếu bị Sở thuế IRS làm khó. Họ sợ mình sẽ bị Sở Di trú INS trục xuất nếu không trả tiền thuế đang nợ. Trong khi họ muốn được ở lại Hoa Kỳ để tiếp tục làm việc.

image
Những chuyên viên điều tra, theo dõi cho biết, kỹ nghệ lừa đảo này hoạt động rất tinh vi và có hệ thống. Nên cách đòi khoản nợ thuế của chúng khó phân biệt được với nhân viên của Sở Thuế thật. Theo một nhân viên làm việc lâu năm tại TIGTA, bọn xấu (scammers) mỗi khi liên lạc được với con mồi sẽ áp dụng các thủ tục có bài bản. Nghĩa là các nội dung thủ tục sẽ hợp lý, thuyết phục, y như thật vậy.

Cũng theo TIGTA, lý do khiến nạn nhân hoảng sợ vì kẻ gian sử dụng điện thoại. Nhiều nạn nhân điện thoại nhà của họ có gắn Caller ID. Trên màn hình hiện lên tên Sở Thuế hoặc sở cảnh sát và những thông tin cá nhân của nạn nhân. Khi nhìn thấy những thông tin này, phản ứng của nạn nhân là hoảng sợ. Đây là cách tiếp cận hiệu quả nhất của kẻ gian và chúng khai thác nhiều vì giá điện thoại có Caller ID rẻ hơn những phương tiện khác. Hơn nữa, nhờ vào kỹ thuật tự động, chúng buông mẻ lưới lớn, và chỉ cần một ít nạn nhân sa lưới là đủ…

image
Mặt khác các công ty viễn thông, hãng điện thoại, hoặc những nơi cung cấp dịch vụ nói chuyện qua mạng (voice-over-the-Internet call services) chẳng ai quan tâm đến mục đích khách hàng sử dụng dịch vụ của họ. Bọn xấu vì thế chỉ cần bỏ tiền ra thuê bao, rồi tiến hành các hoạt động lừa đảo. TIGTA đã thông báo với các công ty viễn thông về những hoạt động lừa bịp của kẻ gian để kịp thời phát hiện và báo cảnh sát. Nhưng bọn chúng luôn ở trong tư thế đề phòng, tìm mọi cách đối phó để vượt qua những biện pháp an toàn của các hãng điện thoại.

Trách nhiệm thuộc về ai? Phần lớn thuộc về người dân, khi bị lừa, họ là nạn nhân trực tiếp bị thiệt hại, nhưng không cảnh giác theo khuyến cáo qua các phương tiện truyền thông. Thậm chí người đã bị gạt thì thường im lặng chứ không báo cảnh sát hay Sở Thuế vì sợ rắc rối cho mình – nhất là di dân chưa có Thẻ xanh.

Nói vậy, không có nghĩa giới hữu trách không có trách nhiệm. Kẻ xấu lừa tiền nạn nhân (trong lĩnh vực này) đang phạm tội hình sự. Như thế, trách nhiệm của chính phủ là tìm ra biện pháp ngăn chặn tệ nạn hình sự này để bảo vệ người dân. Theo lời Claudia Hill, một chuyên viên khai thuế hành nghề tại Cupertino, California, với số khách hàng gần 1.000 hồ sơ thuế mỗi năm, thì nội trong tháng 02 năm 2014, đã có 4 người liên lạc với chị về những cú điện thoại kiểu này. Claudia cho biết, bản thân Sở Thuế IRS nên có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn tệ nạn này.

image
Nếu kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa của IRS để lường gạt, xét ở một góc độ nào đó, IRS cần có trách nhiệm. Tất nhiên, IRS đã nhiều lần thông báo rằng họ không làm việc qua phone với bất cứ ai. IRS không bao giờ gọi phone cho ai trước. Họ chỉ gởi thư thông báo. Còn bọn xấu thì không dám gởi thư, chúng sợ dễ để lại những dấu vết truy tìm và chỉ sử dụng điện thoại. Thật đáng buồn, khá đông nạn nhân vẫn chưa hiểu hết qui luật này của Sở Thuế. Có lẽ do họ không thường xem các thông tin cần xem trên các phương tiện truyền thông…

Mùa thuế sắp kết thúc, nhưng với người nợ thuế, thời điểm 15 tháng 04 chỉ mới bắt đầu. Nhiều người phải xin gia hạn (vì không có tiền trả số thuế nợ). Nhiều người phải chờ đợi có đầy đủ các chứng từ mới khai thuế được. Những di dân chưa có giấy thường trú lo sợ mình bị trục xuất nếu không trả thuế nợ IRS. Tâm lý bất an, lo sợ khi bị uy hiếp. Nhưng nếu ai cũng biết bình tĩnh, tìm hiểu kỹ trước khi trả tiền, thì sẽ tránh được sự lường gạt của kẻ xấu. Vì một khi tiền đưa cho bọn lừa đảo xong rồi, khoản nợ thuế đối với IRS họ sẽ vẫn còn chịu trách nhiệm như chưa trả, và phải trả đủ cho Sở Thuế.

Hy vọng những thông tin góp nhặt được trên đây có thể giúp ích quý đồng hương, độc giả an tâm. Trong mùa thuế, chúng ta chỉ làm việc với Sở Thuế IRS qua hình thức gởi thư (đường Bưu điện) – không trả lời về thuế qua phone. Dù chúng ta là người nhận lại tiền thuế sau khi khai thuế, hay chúng ta phải đóng thêm tiền sau khi khai thuế cũng không làm việc qua phone – vì đã chắc chắn đó là lừa đảo; vì chính Sở Thuế IRS đã xác định Sở Thuế của chính phủ chỉ làm việc qua thư gởi.

image


Chúc mọi người may mắn.


Nguyễn Thơ Sinh