Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp, có lần phát biểu: “Thử hỏi chục năm nay lĩnh vực nông nghiệp đã làm gì cho đất nước”? Chia sẻ với bức xúc của ông Tạn, tôi tự đi tìm câu trả lời.
Thực trạng
Không thể phủ nhận nhiều thành tựu mà nông dân chúng ta cùng ngành nông nghiệp đã làm được. Đó là đất nước không những thoát khỏi cảnh đói đeo đuổi hàng chục năm mà còn vươn lên là nước xuất khẩu gạo cùng nhiều nông sản, thủy sản hàng đầu thế giới.
Tuy vậy, chưa bao giờ đất nước đứng trước những thử thách khắc nghiệt như hiện nay, khi mà sự tăng trưởng đã chựng lại bộc lộ không ít bài toán rất nan giải. Có thể tóm tắt như sau:
Nông dân phải bán thóc cho Hiệp hội Lương thực để bị ép giá
- Tốc độ tăng trưởng suy giảm: (năm 2011 là 4,0%, năm 2012 là 2,68%, năm 2013 khoảng 2,67%) trong khi cầu và giá nhiều nông sản giảm mạnh như giá gạo giảm 18,7%, cà phê giảm 26,6%, cao su giảm 11,7% .
- Năng suất lao động nông nghiệp quá thấp, tổn thất sau thu hoạch quá lớn v.v… sản xuất không theo định hướng thị trường; Năng suất cây trồng vật nuôi thấp, một số cây trồng vật nuôi, không thay đổi nhiều năm nay như: mía đường, đậu tương, bông vải.
- Khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác (gạo của Thái, Ấn Độ, Pakistan...), tham gia phân khúc thấp của thị trường do vấn đề chất lượng, tổ chức sản xuất, tỉ lệ trả về của nông sản xuất khẩu cao so với các nước xuất khẩu khác...
- Ngành chế biến nông sản kém phát triển, giá trị gia tăng thấp; ít thương hiệu được thừa nhận.
Chúng ta mắc bệnh "phì đại" của một ngành nông nghiệp già nua. Nhập, tách, tách, nhập rồi quay lại mô hình tổ chức những năm 1960-1970, nhưng bệnh ngày càng nặng...
- Tổ chức quản lý nhà nước yếu kém: Hiệu suất, hiệu quả hoạt động kém (ví dụ tổ chức ngành chăn nuôi; ngành kiểm lâm). Vấn đề chất lượng của cả đầu vào và đầu ra không kiểm soát được. An toàn thực phẩm ở mức báo động cao nhất. Thị trường phân bón, thuốc trừ sâu bát nháo, chất lượng kém. Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan gây thiệt hại cho nông dân và xã hội.
- Quá chú trọng vào an ninh lương thực quốc gia mà quên đi an sinh của nông dân. Nông dân không có tiếng nói trong sản xuất nông nghiệp, trở thành người phải chịu trách nhiệm về an ninh lương thực cho cả nước và thế giới.
- Nghị quyết 26 của Đảng đề ra mục tiêu về hiện đại hóa ngành nông nghiệp nhưng hiện tại sau 5 năm nghị quyết ra đời và 3 năm chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực hiện, chưa thấy có dấu hiệu ngành nông nghiệp hiện đại hóa.
- Gần như tất cả tổng công ty, tập đoàn nhà nước đều trong cảnh nợ nần và trên bờ phá sản, (chè, cà phê, mía đường, chăn nuôi…).
- Khuyến nông chủ yếu làm công tác trình diễn, giới thiệu sản phẩm cho các công ty. Thị trường giống (cây và con) rơi vào tay các công ty nước ngoài dẫn đến nguy cơ mất an ninh giống. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp không có đổi mới, kinh tế tập thể như hợp tác xã tiếp tục yếu kém.
- -Chảy máu chất xám ngành nông nghiệp: Nhiều lĩnh vực không còn chuyên gia giỏi như đất đai, phân bón. Không có những nghiên cứu cơ bản (ví dụ trong lĩnh vực tài nguyên đất, phân bón kể cả thủy lợi ).
Nếu không nhìn thẳng vào sự thật chúng ta khó tìm ra lối thoát cho ngành nông nghiệp và đặc biệt cho cuộc sống của 70 triệu nông dân hiện nay!
Theo GS.TS Nguyễn Tử Siêm, Khoa học công nghệ buộc chạy theo các chủ trương ngắn hạn, thành tích (triệu tấn đường, triệu tấn đỗ, triệu tấn ngô...) bằng bất cứ giá nào. Mục tiêu là các con số nhất thế giới về sản phẩm sơ cấp. Đến khi càng hội nhập càng sâu càng lộ ra những lổ hổng khó trám: Người ta cần giá trị gia tăng hơn là khối lượng, cần chất lượng hơn là năng suất... nên các công ty quốc doanh, hiệp hội mới thua trên sân nhà và cả sân khách. Không ở đâu mà người làm khoa học và khuyến nông bị xem thường như trong ngành nông nghiệp. Hội đồng khoa học, các hội nghề nghiệp chẳng có tiếng nói gì.
Tôi đã làm một cuộc thăm dò ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, kinh tế. Sau đây là các nhận định trung thực của họ.
TS Phạm Gia Minh: Phải vẽ nên bức phông đủ gam màu
Giống lúa thì phải phụ thuộc Trung Quốc, mía đường thì không cạnh tranh nổi nước ngoài, thương lái Trung Quốc tung hoành mua đỉa, rễ cây, lá cây, khoai lang... để phá hoại sản xuất. Nông dân phải bán thóc cho Hiệp hội Lương thực để bị ép giá, trong khi giá phân bón phải mua vào cao hơn Indonesia mấy lần!
Phải vẽ nên bức phông đủ gam màu tối của nông nghiệp nước nhà mới thấy được bức tranh toàn cảnh. Thêm một ý nữa là nông dân giờ đây bị mất đất khắp nơi tất nhiên do cơ chế chung nhưng các cơ quan quản lý đặc biệt là Bộ NN&PTNT không hề có ý kiến tích cực bảo vệ nông dân. Tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng rồi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn bây giờ rất phổ biến. Nông sản Việt Nam liệu có mấy thương hiệu? Hơn 80% thị trường thức ăn gia súc hiện do nước ngoài nắm giữ.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính: KHCN nông nghiệp chưa được coi trọng
Là người đã công tác trong ngành 42 năm cho đến khi nghỉ hưu, trong đó có trên 15 năm cuối làm công tác quản lý KHCN, tôi thấy rõ KHCN nông nghiệp chưa được coi trọng và đánh giá đúng mức dẫn đến hệ thống tổ chức nghiên cứu KHCN của Bộ NN&PTNT theo tư duy cải cách hành chính đơn thuần.
GS.TS Nguyễn Tử Siêm: Đối phó tối ngày đủ chết mệt rồi
Ở trong ngành nông nghiệp hết cả đời làm việc, ngẫm lại tôi thấy chúng ta mắc bệnh "phì đại" của một ngành già nua. Nhập, tách, tách, nhập rồi quay lại mô hình những năm 1960-1970, nhưng bệnh ngày càng nặng như tuyến tiền liệt của một ông già, do bỏ tất cả 70% dân, 90% đất đai vào 1 rọ, cho 1 bộ quản. Rừng mất đằng rừng, nguồn nước mất đằng nguồn nước, chăn nuôi đì đẹt, bệnh dịch tràn lan, thực phẩm thì bẩn...
Lý do thì nhiều, chung quy là cấu trúc như thế thì ôm làm sao xuể gần hết diện tích và cư dân đất nước? Đối phó tối ngày đủ chết mệt rồi, nói chi đến phát triển nông thôn?
Một đất nước tự hào xuất khẩu nhiều nông sản đứng vào nhóm đầu nhưng nông dân thì vẫn nghèo
PGS.TS Vũ Trọng Khải: Rất nhiều bằng chứng
Bài “Toàn cảnh màu xám của ngành nông nghiệp” nói đúng quá! Rất nhiều bằng chứng.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Nông dân thì vẫn nghèo
Một đất nước tự hào xuất khẩu nhiều nông sản đứng vào nhóm đầu nhưng nông dân thì vẫn nghèo, sản xuất bấp bênh, phập phồng nguồn thu nhập, ô nhiễm đất trồng trọt, ô nhiễm môi trường nông thôn nay lại phải chịu cả "ô nhiễm" đạo đức và suy thoái trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ.
Ông Nguyễn Đình Xuân: Phải mổ xẻ
Sắp tới sẽ phải mổ xẻ chuyện ồ ạt phát triển cây cao su, vàng trắng một thời nay cực kỳ bi đát. Bao nhiêu đất, bao nhiêu rừng đã mất, bao nhiêu hộ dân lao đao vì chạy theo cây cao su! Vì là cây đa mục đích nên người ta đã trồng cao su thay cho rừng, phá rừng trồng cao su, trồng cao su suốt từ Tây Nguyên đến tận Sơn La, Điện Biên... bất chấp mọi lời can ngăn, và hậu quả nhãn tiền!
TS Nguyễn Văn Luật: "Tin" vào thương lái
1. Nông dân ĐBSCL, trong sản xuất lúa hàng hóa đâu có biết và cần biết "thị trường", hầu như chỉ biết thương lái mua thóc của họ và làm theo thương lái dùng giống lúa nào... Một vị lãnh đạo Vụ Trồng trọt đã nói rất đúng: chúng ta đổ công đổ của vào họp hành và tập huấn với mục đích không dùng hoặc dùng tối thiểu giống lúa IR 50304, khoảng 10% diện tích thôi nhưng thương lái chỉ cần nói mua lúa 50404 là công của chúng ta thành công cốc hết. Mà thương lái mua là để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, chủ yếu là DNNN. Thương lái lại dựa vào việc cấm sử dụng nhiều 50404 mà ép giá nông dân. Kết quả là thương lái thắng, nông dân không nghe khuyến cáo mà cứ trồng 50404 với tỉ lệ diện tích cao. Vài năm trước có lần nghe nói thủ tướng đã thấy vai trò của hàng hóa. Sao Bộ NN&PTNT không tổ chức những thương lái này lại, giúp họ buôn bán tốt và tập huấn họ thành lực lượng khuyến nông dân.
2. Trong các báo cáo sơ kết, tổng kết và trong thông tin đại chúng khi nói về thành tích sản xuất, thường chỉ nói về những điều mà Nhà nước cần để chỉ đạo sản xuất, doanh nghiệp cần để buôn bán. Điều này chúng tôi đâu có phản đối, nhưng lại rất ít, hoặc không nói cái mà nông dân cần là lãi thuần có tác dụng cải thiện đời sống của họ. Một ví dụ: thông tin về giá giống lúa 50404 thấp hơn, mà không thấy tuy thấp hơn, nhưng năng suất của nó cao hơn, lại dễ làm, ít đầu tư phân bón và thuốc sâu hơn, nên lãi thuần nhiều khi lại cao hơn. Nông dân rất biết điều này đấy!
TS Lê Bá Lịch: Xuất khẩu được 3 tỉ USD tiền gạo thì nhập khẩu 4 tỉ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Nông dân trả ruộng, trồng lúa kêu lỗ; trồng cây gì, nuôi con gì cũng bị lỗ không ai quan tâm đến dự báo thị trường.
Nuôi lợn nuôi gà nhiều lúc giá lên xuống phập phù. Nông nghiệp hàng hóa thời thị trường mà không dự báo thị trường thì thua mà thua là dân chịu thiệt. Khi dịch bệnh xảy ra, biện pháp thượng sách chỉ là giết, chôn, đền bù.... rồi nhập hàng triệu, hàng triệu liều vaccin, tất cả là tiền thuế của dân để chi, chỉ đạo công điện xong là xong, không có biện pháp cơ bản nào hơn. Dân vẫn tiêm vaccin, bệnh chết vẫn chết, rồi đổ tội cho dân tiêm ngừa không đúng cách (Tuổi Trẻ trang 4 số ra ngày 17.3.2014).
Có viện nghiên cứu sao không giao việc thử nghiệm vaccin nhập khẩu?
Xuất khẩu được 3 tỉ USD tiền gạo thì nhập khẩu 4 tỉ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà không định hướng lại sản xuất; Cái trong nước thiếu, không có, thì không sản xuất mặc kệ dân, cứ theo lối cũ mà làm, lúa, lúa và lúa. Bỏ hẳn chăn nuôi. Không cần dành đất cho chăn nuôi.
Thịt bò nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn, giá đắt mà rất ổn định, không lo phát triển để mặc thương lái nhập khẩu hàng vạn, hàng vạn con bò sống về tiêu thụ tại Việt Nam. Sữa bò phải nhập khẩu chiếm 72% thị phần ở Việt Nam.
Đặc biệt bức tranh ngành chăn nuôi "vô cùng ảm đạm", một năm nhập khẩu gần 9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngành chăn nuôi thú y đang khó khăn: thức ăn phải nhập, vaccin phải nhập, thuốc dược, nguyên liệu thuốc dược nhập khẩu, con giống chưa chọn lọc tốt. Giá thành sản phẩm cao, các doanh nghiệp FDI mạnh, chiếm thị phần lớn, hiệp định TPP sắp ký mà ngành chăn nuôi chưa chuẩn bị gì để đối phó. Không khéo chúng ta lại thua trên sân nhà một lần nữa khi sản phẩm chăn nuôi: thịt lợn, thịt gà… của ta có giá thành đắt hơn của Mỹ và nhiều nước EU.
Tô Văn Trường
Ảnh: Tư liệu