Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Giải mã sự lập trình của tạo hóa

Trần Xuân Hoài

Mohamet
Đã từng có khẳng định rằng, ở đâu mà khoa học còn vắng bóng ở đó có đức tin (tín ngưỡng). Cũng chưa hẳn thế, ngay ở những  nơi, những lúc mà khoa học là chủ đạo thì ở đó vẫn có đức tin, có bí ẩn tâm linh song song tồn tại. Mở đầu một năm mới, cũng là lúc thử luận bàn về khoa học và sự huyền bí tâm linh.

Đức Tin


Với gần một nửa nhân loại đức tin được dành cho một đấng duy nhất, Chúa Trời (God, Alla), đó gọi là tín ngưỡng Đơn Thần. Những nhà tiên tri, đều là người trần, được tôn thờ như là sứ giả của Chúa Trời, mang thông điệp và lời răn của Chúa Trời đến cho con dân của chúa. Từ thuở hồng hoang đến nay, tổng cộng có 25 nhà tiên tri và sứ giả, trong đó 23 của đạo Do Thái, từ Adam là người đầu tiên  đến Yahva (John) là thứ 23, sứ giả thứ 24 là Jesu của Kito giáo và sứ giả thứ 25 là Mohamet của đạo Islam (Hồi) và theo khẳng định của đạo Islam, thì Mohamet cũng là người cuối cùng, từ nay Chúa Trời không gửi sứ giả nào đến nữa. Những lời của Chúa giao cho họ mang đến được  ghi lại trong các Sách mặc khải (revealation Book), ví như Cựu ước của Do Thái, Phúc âm (Gospel) của Jesu hay Q’uran của Mohamet. Với một phần nhân loại còn lại thì đức tin dành cho nhiều thần linh –Đa thần giáo, như Đạo Hindu, Bàlamôn, Bái vật giáo... hoặc dành cho một triết thuyết với người đứng đầu mà họ tôn sùng - Nhân thánh giáo, như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, Thần giáo v.v. Và nhóm cuối cùng, không dành đức tin cho Chúa, Thần hay Thánh nào cả, chỉ tin vào nhân loại và vũ trụ, họ tự nhận là người Vô thần. Vì là đức tin, đơn giản “tôi tin như vậy” cho nên dù bài xích lẫn nhau, thậm chí đánh giết nhau, nhưng vẫn song song tồn tại. Tất nhiên lại càng không thể bàn đến chuyện luận cứ khoa học của Đức tin. Tuy đã có đầy đủ các hình thức của Đức tin, được giáo huấn đầy đủ về con người và cuộc đời rồi, nhưng con người vẫn liên tục tìm cách khám phá bí mật của đời người. Dù thuộc nhóm đức tin nào, dù muốn hay không, thì với nhân loại, việc tìm cách tiên tri hay tiên đoán mà dân gian gọi là Bói toán, là hoạt động đã tồn tại hàng ngàn năm qua cho mãi đến nay, và có lẽ là một trong những môn cổ nhất lịch sử văn minh nhân loại. Nói theo ngôn ngữ khoa học, đó là việc cố mò mẫm để giải đoán lập trình của tạo hóa.

Chiêm tinh học

Ba ngàn năm trước Công nguyên (CN), người Lưỡng Hà (Vùng Irac-Syria ngày nay) bắt đầu mày mò nhìn đoán sao trên trời-Chiêm tinh (Astrology). Họ đã quan sát bầu trời và phát hiện ra chuyển động biểu kiến của  Mặt trời tương ứng với vị trí các chòm sao nhất định, có tính chu kỳ hằng năm. Và sau đó người Babylon tạo ra 12 ký hiệu Hoàng đạo. Người Ai Cập cải tiến nó và đến lượt người Hy Lạp thì hệ Hoàng đạo (Zodiac) đã hoàn chỉnh. Họ đã chia một chu kỳ Mặt trời ra được 12 cung (độ dài khoảng 30 ngày) định vị với các chòm sao tương ứng trong một năm. Họ cho rằng một người sinh ra trong cung nào thì mang đặc tính của cung đó. Đến đây thì người xưa có lý và có thể coi đó là một phát kiến có luận cứ khoa học. Vấn đề trở nên phi khoa học là việc gán cho mỗi cung Hoàng đạo những thuộc tính của con người cùng với những tương tác của các cung Hoàng đạo với nhau, là hoàn toàn nhân tạo. Và khi lấy đó làm cơ sở tiên đoán thời mệnh của con người thì đó là việc hoàn toàn tùy tiện, không thể lý giải. Nhưng đó lại chính là mảnh đất làm ăn của các nhà Chiêm tinh học cổ đại và hiện đại. Dù biết là vô lý như vậy nhưng loài người ngày nay, nhất là giới trẻ vẫn gửi niềm tin vô vọng vào đó. Người ta còn kể rằng phu nhân Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan từng tham khảo thường xuyên ý kiến của một nhà chiêm tinh về những vấn đề quan trọng liên quan đến chồng bà. Trong thị trường chứng khoán Wall Street, nhà tài chính J.P. Morgan lúc nào cũng thuê một chiêm tinh gia trong ban bệ mình. Một chiêm tinh gia chuyên làm ăn ở Wall Street có lần khoe rằng ông có đến 15.000 khách hàng!.

Tử vi


Ở Phương Đông thì cũng thịnh hành một kiểu gần giống thuật chiêm tinh nói trên, gọi là Tử vi. Khởi nguồn muộn hơn, có thể là thế kỷ 10 sau CN, và được quy cho Trần Đoàn, hiệu là Hi Di, đời Tống sáng tạo ra. Cũng giống như thuật Chiêm tinh Tây phương, Tử vi cũng coi số mệnh con người được an bài từ lúc chào đời. Lấy ngôi sao ứng với thời điểm chào đời làm sao chiếu mệnh. Thời điểm chào đời tính theo lịch Mặt trăng, mà tên gọi của năm là tổ hợp của 10 can và 12 chi –tức 12 con giáp. Từ các thông số đó và giới tính, theo một quy trình do con người không dựa trên bất kỳ cơ sở nào để xếp các sao thành một lá số. Đó là điều thứ nhất mang tính áp đặt buộc phải thừa nhận mà không lý giải được vì sao. Cái thứ hai không thể lý giải được là hệ thống sao của Tử vi đã không theo một quan sát thiên văn nào cả mà hoàn toàn do con người tự đặt ra (Ban đầu theo Hi Di thì có 93 sao, hậu thế thì lại an đến 118 sao). Điều vô lý thứ ba, Tử vi cũng gán cho mỗi sao mỗi thuộc tính và quy luật tương tác không dựa trên một cơ sở nào cả. Điều này cũng hoàn toàn giống như điều phi lý của Chiêm tinh học khi quy cho mỗi cung Hoàng đạo một thuộc tính. Thực tế là do người xưa truyền thế nào thì theo, hoặc nếu không theo người xưa mà theo ngày nay cũng được! Vô lý chưa, vậy nhưng tin thì cứ tin, và sự thực thì bói Tử vi vẫn tồn tại mãi mãi. Con người mà!
  
Kinh dịch

Phương Đông từ rất sớm, quan niệm vạn vật từ vũ trụ đến con người là sự kết hợp của âm dương và từ hơn năm ngàn năm trước CN đã xây dựng được một hệ thống biểu diễn toán học của quan niệm tổng quát đó bằng các quẻ của Kinh Dịch. Cổ nhân dùng một nét gạch liền gọi là Dương và một nét đứt đoạn gọi là Âm. Đó chính là Lưỡng nghi, theo toán học ngày nay đó là cơ số 2. Khi chồng hai gạch đó lên nhau, thì thu được 4 tổ hợp, gọi là Tứ tượng, tương ứng 22.Chồng thêm một gạch (liền hoặc đứt) nữa thì thu được tám tổ hợp, gọi là bát quái, tương ứng 23. Chồng hai tổ hợp của bát quái lên nhau, thu được tất cả 64 tổ hợp, gọi là Trùng quái, tương ứng 26. Cái vĩ đại của Dịch là ở chỗ đã sơ khởi cho Số học nhị phân (Binary Arithmetic) hiện đại. Cha đẻ của số học nhị phân hiện đại là nhà Toán học thiên tài người Đức, Gottfried Leibnitz (1646-1716). Nhà truyền giáo người Pháp, đã từng ở Trung Hoa vào năm 1685, Joachim Bouvet, đã hướng dẫn cho Leibnitz tìm hiểu về đồ họa 64 quẻ Kinh Dịch. Người ta cho rằng những học hỏi về Quẻ Dịch đã có ảnh hưởng không nhỏ đến phát kiến về Số học Nhị phân công bố năm 1703 trong công trình Explication de l’Arithmétique Binaire (Giải thích về số học nhị phân). Trên cơ sở số học nhị phân đó, nhà toán học người Anh George Boole năm 1854 đã dựng nên môn Đại số Logic hay còn gọi là Đại số Boole (Boolian Algebra), làm nền tảng cho kỹ thuật Số (Digital) và kỷ nguyên Máy tính và công nghệ tin học, Internet ngày nay. Đáng tiếc là cổ nhân Trung Hoa (hay Việt, vì có người cho rằng Kinh Dịch có gốc từ tộc Việt!) hơn 4000 năm trước chỉ dừng lại ở 64 quẻ Dịch, coi chúng như biểu trưng cho sự bí ẩn huyền diệu. Tương truyền rằng do hiểu được thâm ý của Phục Hy (năm ngàn năm trước CN) khi chế ra 64 quẻ Dịch, các bậc thánh hiền hậu sinh, mỗi người mỗi cách gửi gắm minh triết của mình vào mỗi quẻ Dịch một bài thuyết giảng, bắt đầu từ Chu Văn Vương viết lời Soán, con là Chu Công viết Hào từ, rồi Khổng Tử giải nghĩa thêm gọi là Thập Dực, thế là bộ Kinh Dịch hoàn thành, người đời sau cứ thế mà suy luận thoải mái, gọi là giải Dịch.

Vì dựa trên hệ nhị phân, giống như đồng tiền có hai mặt quy ước Âm-Dương, nên khi gán một quẻ Dịch cho đối tượng nào thì làm thủ thuật xin quẻ, đơn giản nhất là tung đồng tiền, theo sáu mặt ngửa (Âm hoặc Dương) của đồng tiền thu được sau sáu lần gieo, ta được một quẻ Dịch cho đối tượng đó. Thế là các nhà bói dịch dựa vào các lời thánh hiền viết cho mỗi quẻ mà giải thuyết, không khác gì dân Việt ta bói Kiều, đối tượng tin sái cổ!

Theo nhiều người, các lời viết trong Kinh Dịch là minh triết kỳ diệu của Đông phương, chứa đựng nhân sinh quan và vũ trụ quan sâu sắc. Điều này thì không dám lạm bàn ở đây, chỉ có thể bàn rằng việc gán cho mỗi quẻ dịch chứa một phần triết thuyết nào đó là không có cơ sở và việc giải đoán nó lại càng mơ hồ. Sau nữa, thủ thuật  xin quẻ cho đối tượng dưa trên sự xin quẻ ngẫu nhiên, rõ ràng là thua xa việc dựa trên thời điểm ra đời của đối tượng như thủ thuật Chiêm tinh học hoặc Tử vi sử dụng. Tuy nhiên, con người mà, cứ tin được là tin, càng mơ hồ, bí hiểm, đa dạng, đa nghĩa càng dễ tin...

Khám phá sự lập trình của Tạo hóa

Gần đây, nhiều nhà khoa học các ngành khác nhau ở cả Đông lẫn Tây đưa ra giả thuyết rằng giữa các quẻ Dịch, các sự sắp xếp đồ hình trong Kinh Dịch với Mã Di truyền học DNA có một sự trùng hợp kỳ lạ. Xu hướng này khởi xướng năm 1973 bởi M. Schönberger: The I Ching & The Genetic Code– The Hidden Key to Life.( Kinh dịch và mật mã di truyền ), và hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển. Tuy rất hấp dẫn, nhưng hiện tại kết quả còn đơn sơ.

Vào đầu thế kỷ 21, nhà Vật lý lừng danh Stephen Wolfram (Mỹ), người tạo ra bộ công cụ MATHEMATICA nổi tiếng mà các nhà KHCN ngày nay đều sử dụng, đã viết một quyển sách dày nghìn trang, A New Kind Of Science- Một Loại Hình Khoa Học Mới, làm chấn động giới khoa học. Stephen Wolfram muốn phát hiện những viên gạch đầu tiên mà Chúa đã đặt xuống để xây dựng vũ trụ (bằng) Tế bào automat cơ bản (CA-Cellular Automaton) 

Tế bào automat là đơn vị nằm trong một ô mạng gián đoạn sử dụng cho tính toán. CA cơ bản có một chiều (dimension), mỗi tế bào có 2 trạng thái: 1 và 0 hay đen và trắng, mỗi tế bào có 2 tế bào lân cận nằm hai bên. Như vậy với các CA cơ bản ta có một tập gồm 3 tế bào vậy có 23 = 8 cấu hình cho một tập như thế. Không khó để nhận ra rằng Tập tế bào Automat này mang hơi hướng của Bát Quái trong Kinh dịch (so sánh hai hàng trên cùng của  hình 1). Nên nhớ rằng nội dung cốt lõi của Dịch là sự biến hóa. Điều này cũng là ý tưởng chính của Wolfram. Sở dĩ các tế bào này được gọi là automat vì chúng tự động phát triển trong thời gian theo những quy tắc nhất định. Các quy tắc này rất đơn giản, logic và chứng minh được. Dễ dàng để xác định rằng, tổng cộng chỉ có 256 quy tắc biến thiên. Bằng những chương trình tính toán đồ sộ, Wolfram đã cho thấy sự ứng dụng CA bao trùm nhiều lĩnh vực: phép tính song song, sự sống nhân tạo (artificial life), xử lý và tạo hình ảnh, mô hình các hệ sinh học, mô phỏng trong hóa học, trong vật lý, chảy cuộn xoáy (turbulence), đồ họa và nghệ thuật… Đó cũng là cơ sở để hy vọng  rằng  sử dụng 256 quy tắc cho sự phát triển của CA, chúng ta có thể tái tạo mọi  sự phức hợp (complexity) trong vạn vật (Hình 1).  


Hình 1

Từ những năm 80, Robin Gandy một nhà toán học và logic học Anh đã đề xuất ý tưởng rằng Vũ trụ có thể mô hình hóa bằng một máy tính cổ điển với bộ nhớ lớn vô cùng. Điều này là  dễ lý giải, vì nếu phân không gian thành những khối lập phương nhỏ thì trạng thái của mỗi hình lập phương ở thời điểm  t+1 sẽ là hàm số của trạng thái các hình lập phương lân cận ở thời điểm t. Các nhà lý thuyết thông tin gọi đây là quy tắc định xứ (local rule). Và như thế trạng thái của vũ trụ ở thời điểm t+1 có thể tính được từ trạng thái của vũ trụ ở thời điểm t bằng cách sử dụng quy tắc định xứ. Tiến hành như vậy Gandy đi đến kết luận Vũ trụ là một máy tính khổng lồ song song hay nói cách khác là tập lớn tế bào automat (CA).

Thể xác và Linh hồn


Đơn vị thông tin cổ điển là bit có khả năng lấy hai trị số 0 và 1. Để mô tả vật chất ở mức tận cùng vi mô, thì phải dùng đến thuyết lượng tử. Bởi vì thế giới khách quan vốn phải tuân theo lý thuyết lượng tử , cho nên vấn đề là cần phải lượng tử hóa CA thành Tế bào Automat lượng tử (QCA-Quantum Cellular Automaton). Trong lý thuyết lượng tử đơn vị thông tin là Qubit (Quantum bit-bit lượng tử). Về mặt vật lý một Qubit được biểu diễn bởi một hệ lượng tử có hai trạng thái. Ví dụ photon (với phân cực thẳng đứng và nằm ngang), electron hoặc các hạt spin ½ (với spin ngược-up và xuôi-down) hoặc một hệ lượng tử như nguyên tử hoặc ion với hai mức năng lượng. Các nhà Vật lý đã phát hiện ra rằng, nếu ta có hai Qubit tương tác thì xuất hiện hiện tượng gọi là liên đới lượng tử (quantum entanglement). Khi hai hạt liên đới lượng tử thì chúng tiếp tục tương tác với nhau mặc dầu khoảng cách giữa chúng trở nên vô cùng. Những ai giàu trí tưởng tượng mà nghe qua điều nay thì sẽ liên tưởng ngay đến vẻ huyền bí như linh hồn có thần giao cách cảm (teleparty) vậy.

Trên cơ sở Qubit có thể xây dựng nên những máy tính lượng tử bao gồm các QCA và  Cổng lượng tử QuG (Quantum Gate). Ý tưởng về một máy tính lượng tử như vậy đã được đề xuất bởi nhà Vật lý R.Feynman (Nobel 1965) từ những năm 1982, đến nay đã tìm được nhiều hướng giải quyết và đã có nhiều kết quả. Các nhà Vật lý trên khắp thế giới đang hợp tác với các nhà Toán-Tin học để thực hiện ý tưởng khoa học lớn này với giấc mơ hiểu được sự lập trình của tạo hóa. Lúc đó, hy vọng sẽ có câu trả lời cho nhiều câu hỏi không thể có đáp án, ví dụ như:

Bạn có tin rằng Con người và Vạn vật chỉ là tập hợp của hơn 130 nguyên tố trong bảng tuần hoàn không? Nếu bạn trả lời là có tin, vậy thì bạn có tin có linh hồn không? Nếu bạn lại cũng tin là có linh hồn thì phải chăng Linh hồn cũng là vật chất, và được tạo bởi hơn 130 nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev? Xem ra có vẻ vô lý quá!.

Coi vũ trụ là một hệ máy tính lượng tử song song  khổng lồ như nói ở trên là một quan điểm nhằm tiến đến một lý thuyết thống nhất tối hậu của vật lý. Quan điểm này dẫn đến một hình hệ (paradigm) mới dựa trên thực thể cơ bản rằng không phải chỉ có  vật chất là cấu thành các thực thể của vũ trụ mà thông tin lượng tử cũng là một cấu phần của chính các thực thể đó. Như vậy là vạn vật được cấu thành bởi hai phần: Vật chất và Thông tin lượng tử. Vậy thì câu hỏi về linh hồn có vẻ cũng có hướng giải quyết rồi!

Chúng ta hãy chờ xem bao giờ loài người xây dựng được máy tính lượng tử khổng lồ để giải mã sự lập trình của tạo hóa. Nhưng chờ đến lúc đó thì lâu quá, còn bây giờ thì nhiều người đang lo lắng hỏi nhau những điều cụ thể, gần hơn, ví dụ như:

Tại sao 53 là hạn trung niên;  61, 69  là tuổi đáng ngại cho người cao niên ?

Để giải bài toán (câu hỏi) này chúng ta thống nhất dựa trên những luận cứ khoa học cổ, kim đã được công nhận là đúng đắn sau đây:

Chân lý chỉ có thể tiệm cận. Mọi lời giải chỉ là gần đúng. Chúng ta ở đây tạm thời chỉ sử dụng phép gần đúng bậc một là phép gần đúng kém nhất. (theo Triết học và Khoa học hiện đại).

Con người là một thực thể của vũ trụ. Sự hình thành và phát triển của con người là do trạng thái của vũ trụ quyết định. (Như quan điểm của Chiêm tinh và Tử vi).

Trạng thái của vũ trụ khi một con người sinh ra là khởi điểm cho sự hình thành và từ đó mà biến đổi và phát triển lên (quan điểm của Kinh Dịch , CA và QCA). Trong quá trình phát triển, nếu có các trạng thái vũ trụ như nhau hoặc gần như nhau thì dạng phát triển ở lần sau là đồng dạng hoặc gần đồng dạng về bản chất với lần trước.

Trong phép gần đúng bậc 1 thì đối với con người trạng thái của Vũ trụ là vị trí đối với nhau của tâm Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất. Quỹ đạo là phẳng. Bài toán là 2D (hai chiều, hình 2). Những tác động của các thiên thể, ngân hà, thiên hà khác là có nhưng ở phép gần đúng này thì bỏ qua
Mặt trời là có ảnh hưởng lớn nhất, vì vậy đơn vị tính thời gian là lấy năm Mặt trời, tức một vòng quay biểu kiến của quả đất quanh Mặt trời. Mặt trăng tuy nhỏ hơn nhiều sao khác nhưng gần Trái đất nhất, nên quỹ đạo Mặt trăng (tháng Mặt trăng) cũng là thông số chính yếu.

Năm số không gần đúng là 9 tháng trong bụng mẹ cộng 3 tháng sau khi chào đời. Đó chính là tuổi tiên thiên trời định. Những trạng thái của vũ trụ lặp lại của tuổi tiên thiên tạo nên sự biến dịch của người đó (dù xấu hay tốt) được xem là bình thường như tạo hóa đã ban tặng. Nói đơn giản đó là tuổi những thay đổi đã theo một khuôn mẫu như khi tạo hóa sinh ra, không biến đổi đột xuất.

Ngày nay với khoa học kỹ thuật hiện đại và máy tính khổng lồ, con người có thể đo đạc và tính toán chính xác đến từng giây, từng mét từng radian tọa độ vũ trụ của của Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất. Nhưng chưa cần phải sử dụng đến độ chính xác này ở phép gần đúng thứ nhất. Chỉ cần dùng đến các quy luật thiên văn chính xác đến ngày Mặt trời (Solar day) hoặc ngày thiên văn (sidereal day) là đủ. Vị trí của Trái đất so với Mặt trời được đặc trưng bởi quỹ đạo Trái đất quanh Mặt trời, là năm Mặt trời. Một năm Mặt trời có 365,2425 ngày. Vị trí của Trái đất và Mặt trăng quay quanh Trái đất so với Mặt trời được xác định bởi quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất (có tính đến sự dịch chuyển của Trái đất quanh mặt trời), tức là tháng Mặt trăng. Một tháng Mặt trăng có 29,53059 ngày. Trạng thái  vũ trụ của một thời điểm, ví dụ tại điểm bắt đầu của năm hình thành nên con người (tuổi số không) được xác định bởi 3 điểm: Tâm Mặt trời (S) , Tâm Trái đất trên Hoàng đạo (E) và Tâm Mặt trăng trên quỹ đạo tháng (L). Hết một năm Mặt trời, Trái đất trở về điểm E còn Mặt trăng trở lại điểm nào đó, L’ chẳng hạn (Xem hình 2).


Hình 2

Có hai khả năng xảy ra:

Điểm L’ khác L. Trạng thái vũ trụ của năm tiếp đó dĩ nhiên là khác với trạng thái năm số không, tất sẽ có những biến đổi và dịch chuyển mới, khác so với khi tạo hóa ban tặng cho ta lúc ra đời, cho nên  gọi là tuổi Biến dịch.

Cũng có thể sau một (hay nhiều năm) điểm L’ trùng hoặc gần trùng với L, năm tiếp đó có trạng thái lặp lại của năm số không. Con người phát triển là đồng dạng, tức cùng một khuôn mẫu, với năm số không, như là tạo hóa đã ban cho, ta gọi là năm tuổi Bình yên

Quan sát bầu trời, đo đạc ngày tháng, các nhà thiên văn đã khám phá ra:
Chu kỳ 19: 19 năm Mặt trời =235 tháng Mặt trăng, sai số chỉ 0.003. Nói một cách gần đúng dễ hiểu là trạng thái của bộ ba Mặt trăng-Trái đất-Mặt trời cứ 19 năm lặp lại như cũ. Chu kỳ này khá chính xác , hơn 4 trăm năm mới lệch một ngày, cho nên trong cõi trăm năm người đời có thể coi là trùng lặp tuyệt đối. (Vì lý do này mà trong lịch pháp , cứ 19 năm dương lịch thì trong 19 năm âm lịch phải có 7 năm gồm 13 tháng, tức là 7 năm nhuận). Chu kỳ này có tên là Chu kỳ Meton, đặt theo tên người Hy lạp đã khám phá ra (Meton of Athen ,năm 440 trước CN). Chu kỳ Meton  là do  hai tiểu chu kỳ (chu kỳ con) gần đúng cộng lại:

Tiểu Chu kỳ 8 (octaeteris):  8 năm Mặt trời = 99 tháng Mặt trăng, sai số 1,5 ngày, có nghĩa là cứ 5 năm thì lệch 1 ngày. Tiểu Chu kỳ này ta đặt tên là chu kỳ ÂM.

Tiểu chu kỳ 11: 11 năm Mặt trời =136 tháng Mặt trăng, sai số 1,5 ngày, tức là cứ 7,3 năm lêch 1 ngày. Ta đặt tên tiểu chu kỳ này là Chu kỳ DƯƠNG.

Vậy là con người sinh ra (năm số không) tiếp theo bảy năm biến dịch thì đến tuổi (hầu như)bình yên đầu tiên, 8 tuổi, cũng là hết một chu kỳ Âm. Hai năm Biến dịch nữa (9,10) sang năm 11 tuổi lại (hầu như) Bình yên, hết một chu kỳ Dương. Quan sát thống kê cho thấy rằng ở đứa trẻ gái, 8 tuổi là tuổi bắt đầu giới tính Nữ hình thành, cho nên tiểu chu kỳ 8 gọi là chu kỳ ÂM. Còn 11 tuổi là tuổi bé trai bắt đầu hình thành giới tính Nam, nên gọi là chu kỳ DƯƠNG. Giới tính của con người hoàn chỉnh ở chu kỳ thứ 2, Nữ là 16 tuổi (2x8) và Nam là 22 (2x11). Năm 19 tuổi là hoàn thành chu kỳ Meton = ÂM+DƯƠNG, là tuổi (tuyệt đối) Bình yên, âm dương hài hòa. Có thể  xác định Tuổi Bình yên (tính chất  chung cho các tuổi “hầu như” hoặc “tuyệt đối” Bình yên) của đời người theo công thức:

TUỔI BÌNH YÊN= A x 8 + D x 11, trong đó A và D là những số nguyên dương.

Những tuổi còn lại, không thể khai triển được như trên là tuổi Biến dịch (Hình 3)


Hình 3

Theo công thức đó mà tính, trong trăm năm đời người tuổi biến dịch tập trung nhiều ở tuổi trẻ và đến 69 là tuổi Biến dịch cuối cùng, còn Bình yên thì có đến 66 năm, đó là các tuổi: 8, 11, 16, 19, 22, 24, 27, 30, 32, 33, 35, 38, 40, 41, 43, 44, 46, 48, 49, 51, 52, 54, 55, 56, 57, 59, 60, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 70, 71, 72, 73,74, 75, 76,77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 88, 89, 90, 91, 92,93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100…

Tuổi Bình yên phân thành tuổi Âm thịnh, tuổi Dương thịnh và tuổi Hài hòa (Hình 4): D-A >0: tuổi Dương thịnh; D-A < 0: tuổi ÂM thịnh;  D-A=0: tuổi Hài hòa

Trong các tuổi Biến dịch cũng có thể định lượng được sự Biến dịch bằng một số đo gọi là mức biến dị. Theo quy luật Vật lý, với cùng một mức độ thay đổi, nếu chuỗi biến dịch liên tục càng dài thì độ biến dị càng thấp, nếu có xảy ra ở một điểm thì sự biến dịch sau có thể tự sửa chữa. Vậy độ dài của chuỗi tuổi biến dịch liền nhau đặc trưng cho mức biến dị. Chuỗi càng ngắn thì mức biên dị càng lớn. Để dễ phân biệt, ta quy ước sử dụng các mức biến dị tương ứng với chiều dài chuỗi năm biến dịch như sau: Mức 1 là liên kết chuỗi lớn hơn 3 năm, khó xảy ra đột biến. Mức 2 là ứng với chuỗi 3 năm; mức 3 là chuỗi 2 năm và mức 4 là năm biến dị đơn độc, không có liên kết. Năm đơn độc này (23, 31, 34, 39, 42, 45, 47, 50, 53, 58, 61, 69) nói chung là dễ có những đột xuất đáng ngại của đời người, vì một khi có biến dị xảy ra thì không có chu trình kế tiếp để điều chỉnh mà phải chờ đến năm biến dịch gần nhất mới có cơ hội điều chỉnh.


Hình 4

Rõ ràng là mức độ đáng ngại của năm đơn độc càng tăng lên khi mà khoảng cách tính đến năm biến dị gần nhất (gọi là khoảng cô đơn) càng dài. Mức biến dị quy ước sẽ tăng thêm 1 nếu khoảng cô đơn là 2, và tăng thêm 1 giá trị nữa khi khoảng cô đơn lớn hơn 3 (Hình 5).


Hình 5

Dễ dàng thấy rõ các tuổi 53, 61 và 69 là có Mức Biến dị lớn nhất, đó là lý do vì sao những tuổi này là rất đáng quan ngại. Do mức biến dị lớn nên 53 là năm Hạn vì là năm có thay đổi đột biến mạnh nhất ở tuổi trung niên. Tuổi 61 và đặc biệt 69 là nguy hiểm cho người già, vì là tuổi cuối cùng của đời người có đột biến. Từ sau tuổi 69 là chuỗi tuổi bình yên liên tục, mọi thứ mà tạo hóa đã ban tặng sẽ suy giảm (già đi) đều đều theo khuôn mẫu trời định lúc chào đời mà không đột biến. Đến mốc 88 tuổi là đạt điểm đặc biệt, đó là điểm thuận ÂM (tổ hợp 11 chu kỳ Âm) hoặc thuần Dương (tổ hợp 8 chu kỳ Dương), giống như khi mầm sống nảy sinh, người già trở thành như con trẻ. Các mốc 76 và 95 cũng đáng chú ý, đó là điểm Âm-Dương hài hòa. Ở ba mốc dị thường này có thể rất tốt cũng có thể rất xấu.

Luận thuyết trình bày trên đây là dựa trên cơ sở tính toán khoa học, không mang chút nào tâm linh, huyền bí cả. Ít nhất nó đã được kiểm chứng bởi thực tế với 3 tuổi trong khoảng 53, 61, 69 (có tính đến sai số)  thì người ta nhận thấy có nhiều người từ trần, ốm đau, bệnh tật nhất. Các tiên đoán ở các tuổi Biến dị, Cô đơn, hoặc Bình yên khác có lẽ cần được kiểm chứng bằng các số liệu thống kê khoa học, xem có đúng không. Đây chỉ là những kết quả ở cấp  gần đúng thấp nhất. Khi nâng cao cấp gần đúng và độ phân giải, lưu ý cả không thời gian sinh ra của từng người, ta có thể dự đoán đến chi tiết hằng tháng, hằng ngày... của từng cá thể riêng biệt. Nhiều điều bất ngờ dự đoán quy luật tương lai từng người trên cơ sở khoa học đang được chờ đợi.

Ai đó đã nói rằng, bí ẩn của tương lai chính là động lực huyền diệu của tình yêu cuộc sống. Nhưng nếu biết được hết tương lai rồi thì… còn gì hấp dẫn để sống tiếp nữa! Vậy mà tại sao con người cứ tìm cách giải đoán tương lai?
-------------
Tài liệu tham khảo
1-Der Koran (Kinh Qu’ran), Wilhelm Heyne Verlag GmbH, Munchen 1992
2- Phan Bội Châu: Chu Dịch, NXB Văn Hóa Thông tin 1996
3-Stephen Wolfram, A new kind of Science: NKS | ON LINE, 2007
4-http://tiasang.com.vn/Default. aspx?tabid=111&News=1039&CategoryID=32
5-http://scienceworld.wolfram.com/astronomy/