Kính tặng hương hồn Cha Mẹ tôi
Tôi gọi đây là “Hồi ký Điện ảnh” bởi những gì được viết ra trên những trang giấy này chủ yếu nói về những việc làm của tôi trong điện ảnh. Nó không đi sâu vào việc kể lại tỉ mỉ tiểu sử, nhưng cũng không bỏ qua những giai đoạn, những sự kiện, những người thân đã có ảnh hưởng đến cuộc đời cũng như sáng tác của tôi trong điện ảnh.
Viết hồi ký là một việc mà từ lâu tôi rất ngại ngùng. Viết làm sao trung thực với chính mình mà lại không động chạm đến ai, quả là khó. Nhưng nếu không viết ra thì ngay đến những người thân ruột thịt trong gia đình cũng không sao hiểu được mình đã làm gì, tại sao làm như vậy, và những gì đã đến với mình trong cuộc đời đầy biến động này... Dầu sao, nếu gạt bỏ đi những cái chủ quan của người viết, mà chắc là không tránh khỏi, vẫn còn lại cái gì đó hữu ích đối với những ai muốn tìm hiểu đôi chút về một thời làm phim ở nước ta.
Tôi vô cùng cám ơn anh Nguyễn Đức Bình đã quyết định cho in cuốn Hồi ký này khi anh vừa nhậm chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2005. Tôi cũng muốn bầy tỏ ở đây lòng biết ơn đối với nhà văn Trần Thuỳ Mai. Sau khi Nhà xuất bản nơi chị công tác từ chối in cuốn sách này, chị đã lặng lẽ kiên trì giói thiệu hết nhà xuất bản này này đến nhà xuất bản khác suốt 2 năm trời để cuối cùng cuốn sách được ra mắt bạn đọc như bây giờ. Có thể nói cuốn Hồi ký này ra đời là nhờ lòng tốt của rất nhiều người. Sau khi cuốn Hồi Ký được phát hành tôi nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả, già có trẻ có. Họ cho biết cuốn sách rất bổ ích đối với họ. Tôi không ngờ những chuyện riêng của tôi cũng như của gia đình tôi lại được nhiều độc giả quan tâm đến như vậy. Nhiều người muốn tôi viết kỹ hơn do vậy trong lần tái bản này tôi cố gắng bổ sung thêm nhiều chi tiết, sự việc mà trong lần xuất bản trước chưa viết ra. Vả lại từ lần xuất bản trước đến nay đã 5 năm rồi… Bao nhiêu nước chảy qua cầu …
HÀ NỘI 5/2010
Tôi đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ. Các đạo diễn điện ảnh khi nói về bước đường và sự nghiệp của mình thường hay bắt đầu bằng một câu: Tôi yêu điện ảnh từ nhỏ... Riêng tôi thành thật mà nói, tôi không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này. Bộ phim đầu tiên tôi được xem trong đời là bộ phim của Walt Disney: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Đó là vào năm tôi lên bảy. Mãi đến năm lên mười tôi mới được xem một bộ phim khác ở rạp Tân Tân cạnh đầu cầu Tràng Tiền ở Huế. Đó là phim Zorro, một phim cao bồi Mỹ có nhân vật chính là một cao bồi, đội mũ rộng vành, phi ngựa, đeo mặt nạ đen chỉ để hở đôi mắt. Tôi không có nỗi đam mê nào với môn nghệ thuật này ngoài sự hiếu kỳ của tuổi trẻ. Gia đình tôi ở Huế là một gia đình phong kiến theo đạo Khổng Mạnh, lấy sự thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ làm lẽ sống, lấy chữ Hiếu làm đầu, hoàn toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật. Trong nhà chỉ toàn những người làm nghề y và nghề dạy học, thích ngâm thơ, yêu truyện Kiều, ca dao tục ngữ và những câu hò xứ Huế.
♦
Cha mẹ tôi
Quê nội tôi ở An Cựu và quê ngoại ở làng Lại Thế. Tôi nghe bà tôi kể: đám cưới cha mẹ tôi là một đám cưới chạy tang. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều trước khi về nhà chồng để rồi không lâu sau trở lại nhà mình để chịu tang cha. Phải chăng vì sự khởi đầu như vậy nên cuộc sống chung của hai người vui ít buồn nhiều. Chắc chắn cha mẹ tôi đã có những ngày rất hạnh phúc bên nhau sau khi cha tôi tốt nghiệp bác sĩ Y khoa ở Hà Nội vào năm 1936, và một năm sau đó thì hai người thành vợ thành chồng. Thoạt đầu cha tôi cùng một số bác sĩ cùng khoá mở phòng khám bệnh tư. Nhưng rồi không lâu sau cha tôi thôi hẳn để chú tâm vào công việc nghiên cứu và làm trợ giảng tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Lương của trợ giảng lúc đó có 60 đồng, trong lúc làm bác sĩ tư thu nhập gấp mười lần hơn, do đó mẹ tôi phải làm bánh để bỏ mối, tăng thêm thu nhập cho gia đình (lúc này đã có thêm tôi cùng hai em gái nhỏ). Nhưng những ngày sum họp hạnh phúc ấy rất ngắn ngủi. Năm 1943 khi đang làm trợ giảng tại Trường Y thì cha tôi được chính phủ Pháp cử sang nghiên cứu tại trường Đại học Y khoa Tokyo trong khuôn khổ trao đổi nghiên cứu sinh giữa hai nước Pháp – Nhật. như một đại diện của nền y học Pháp tại Đông Dương.
Hình 1: Bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967) |
Sau khi cha tôi lên đường sang Nhật du học, đi theo tiếng gọi của lý tưởng khoa học, là bắt đầu những chuỗi ngày xa cách chia ly. Tôi thuộc Chinh phụ ngâm trước khi biết Truyện Kiều là do mẹ tôi hay đọc cho tôi nghe từ nhỏ. Những năm 40, việc một người phụ nữ trẻ, một nách ba con, con nhỏ nhất mới hơn một tuổi, vừa nuôi con vừa hầu hạ bố mẹ chồng, sống cô đơn ròng rã suốt bảy năm trời là một chuyện hy hữu. Sau này trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc vợ chồng xa cách nhau là chuyện thường tình. Có lẽ chưa ở đâu trên thế giới có nhiều phụ nữ chờ chồng như ở ta. Vợ chờ chồng 10 năm, 20 năm, 30 năm... Mẹ tôi chờ chồng 7 năm, nhưng 7 năm ấy đối với bà là một chuỗi ngày dài đằng đẵng. Còn đối với tôi 7 năm ấy là cả một miền ký ức vô tận của tuổi thơ...
Cha tôi chia tay với gia đình rồi vào Sài Gòn để đáp tầu thủy sang Nhật du học. Mẹ tôi cùng ba anh em chúng tôi rời Hà Nội về Huế sống trong ngôi nhà nội tôi tại An Cựu. Mẹ tôi vừa nuôi dạy con cái vừa làm bổn phận của con dâu hầu hạ bố mẹ chồng. Ông nội tôi là người cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Tôi chỉ còn giữ lại trong ký ức hình ảnh ông nội tôi như một ông đồ nho đầu búi tó củ hành. Quanh vùng người ta gọi ông là ông Khóa. Có nghĩa ông tôi suốt đời vẫn là một khóa sinh... chẳng đỗ đạt bằng cấp gì. Dầu sao được gọi như vậy cũng coi như đựơc xếp vào hạng người có học trong xã hội rồi. Nghe nói ông tôi đã nhiều lần đi thi nhưng không thành,nên phẫn chí quay ra làm giàu bằng con đường phi thương bất phú và rồi... ông tôi giàu thật, giàu nhất vùng An Cựu. Ông tôi quyết chí làm giàu cốt để có tiền nuôi con ăn học, sau này đỗ đạt thành người, rửa cái hận thi cử bất thành của mình. Gọi đó là lý tưởng của ông tôi cũng được. Mà khởi đầu có gì đâu! Chỉ là một sạp hàng trong chợ An Cựu của bà nội tôi. Cơ ngơi chỉ có thế: một cái sạp hàng bán vải. Bây giờ mỗi lần về thăm nhà đi qua chợ An Cựu tôi không khỏi cười thầm khi nghĩ, kể từ thời bà nội tôi cho đến nay dễ hơn một thế kỷ, gia đình tôi không lúc nào không có một sạp hàng trong chợ đó. Mẹ tôi một dạo cũng từng ngồi bán vải trong đó và bây giờ con gái của ông anh con bác tôi đang ngồi trong đó, cũng bán vải. Có cảm tưởng như gia đình tôi có duyên nợ nào đó từ kiếp trước với cái chợ này, để đến bây giờ cái biển đường phố mang tên cha tôi cứ suốt ngày đau đáu nhìn sang phía cổng chợ. Trong cuộc đời đầy dâu bể, con người ta đôi khi cũng cần bấu víu vào những cái gì đó bất biến, không đổi thay. Mà những cái đó thì trong gia đình bên nội tôi có nhiều lắm. Đó là nề nếp của một gia đình theo Khổng giáo lấy chữ hiếu làm đầu, tự bao đời nay được coi là nền tảng bất di bất dịch trong cái thế giới thu nhỏ này. Ông nội tôi mất đi, đến lượt bác tôi, bác tôi mất đi đến lượt anh cả con bác tôi... hết lớp người này đến lớp người khác bền bỉ duy trì nếp sống đó trong gia đình hệt như những vận động viên chạy tiếp sức truyền nhau một ngọn đuốc. Xin đơn cử một việc mà tôi được chứng kiến từ hồi còn nhỏ đó là lệ cúng trà vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Từ ngày ông nội rồi bà nội tôi mất, bác Kế tôi, ngày nào cũng như ngày nào đều đặn sang đạp xe lên thắp hương cúng trên mộ ông bà tôi rồi mới đến trường Quốc Học Khải Định làm việc (bác tôi là giám thị lâu năm nhất của trường này). Chiều tan việc ở trường xong bác tôi lại đạp xe lên mộ thắp hương trước khi về nhà. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông bền bỉ giữ trọn đạo Hiếu đối với cha mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Rồi đến lượt anh cả con bác tôi, và rồi sẽ đến lượt con ông anh tôi... chắc chắn là như vậy, sẽ tiếp nối cái nề nếp đó. Những ngôi mộ trong nghĩa trang họ Đặng mỗi năm một nhiều thêm và việc hương khói vẫn thế, không hề sao nhãng.
Hình 2: Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và vợ |
Từ Vỹ Dạ rẽ phải về làng Lại Thế (nay là thôn Lại Thế xã Phú Thuợng) đi chiếc qua cầu xi măng ngắn là đến quê ngoại tôi. Ông ngoại tôi làm Thượng thư Bộ Hình dưới triều Khải Định. Ông xây chiếc cầu này nên cầu có tên là cầu ông Thượng. Ông ngoại tôi có bốn bà, nhưng tôi chỉ biết có bà Ba và bà Tư, hai bà trước qua đời khi tôi còn chưa đẻ. Mẹ tôi là con bà Ba. Mỗi lần được về bên ngoại đối với tôi thực sự là những ngày hội. Chúng làm xáo động cuộc sống bình lặng của tôi trong những ngày sống ở bên nội. Tôi được về với đồng quê, được ngửi mùi thơm của rơm rạ, được sống trong một không gian khác hẳn khung cảnh phố phường ở An Cựu. Các dì các cậu tôi nhiều lắm. Chỉ riêng con bà Ba và bà Tư cũng đã có tới mười ba người. Ai cũng chiều chuộng, yêu thương tôi. Có một điều tôi không cắt nghĩa nổi tại sao xuất thân trong một gia đình đại quan lại và phong kiến như vậy mà các dì, các cậu tôi đều tham gia vào các tổ chức bí mật của Việt Minh hoạt động trong nội thành. Cứ mỗi lần có dì hoặc cậu nào bị bắt là mẹ tôi lại đến cung An Định xin bà Từ Cung, vợ vua Khải Định, can thiệp với Sở Mật thám Pháp để họ tha cho. Hẳn là mẹ tôi đã bịa ra đủ thứ lý do để làm mủi lòng bà Hoàng Thái hậu vốn còn chút tình nghĩa với gia đình quan Thượng thư ngày nào. Rồi các dì các cậu tôi được tha về để rồi lại tiếp tục hoạt động và lại bị bắt. Tôi không biết mẹ tôi đã xin cho các dì cậu tôi bằng cách như vậy được mấy lần. Tôi chỉ nhớ một hôm mẹ tôi mặc quần áo sạch sẽ cho tôi rồi dắt tôi đi theo vào lao Thừa Phủ. Qua rất nhiều tầng cửa có lính gác, cuối cùng mẹ tôi dắt tôi đi dọc theo một dãy xà lim dài... dừng lại bên một khung cửa vuông nhỏ. Một gương mặt hốc hác bầm tím hiện ra sau ô cửa. Tôi giật mình nhận ra cậu Long em mẹ tôi. Mẹ tôi đưa qua ô cửa những ổ bánh mỳ cùng thức ăn khô, hỏi han cậu tôi. Cậu tôi cố gượng cười để mẹ tôi yên lòng, rồi cúi xuống nhìn tôi. Hơn 50 năm qua, ánh mắt ấy, gương mặt sau ô cửa xà lim ngày ấy vẫn còn ám ảnh tôi, theo suốt cả cuộc đời tôi. Đối với tôi, đó là gương mặt của Lương tâm, của Phẩm giá và Nhân cách.
Tuổi thơ tôi cứ như vậy trôi đi giữa hai miền nội ngoại - An Cựu và Lại Thế. Hết 4 năm tiểu học ở Trường An Cựu, tôi vào Trường Khải Định, đã bắt đầu biết ngóng nhìn sang bên kia Trường Đồng Khánh mỗi khi tan trường. Chẳng có gì biến động lớn lao ngoại trừ cái đêm toàn quốc kháng chiến nổi lửa đốt khách sạn Morin sáng rực cả một góc trời. Đêm đó mẹ tôi cùng anh em chúng tôi đang về bên ngoại ăn giỗ. Nửa đêm chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng súng, tiếng người rầm rập kéo lên thành phố. Lính Pháp đóng ở Huế rút về cố thủ tại khách sạn Morin. Quân ta bao vây, chất rơm rạ xung quanh khách sạn, rắc ớt bột lên rồi đốt để quân địch phải chết ngạt. Cuộc chiến đấu đẫm máu kéo dài với những đợt xung phong của quân ta vào khách sạn cho đến khi viện binh Pháp từ Đà nẵng kéo lên giải vây thì chấm dứt. Rồi những ngày lênh đênh trên thuyền cùng bên ngoại tản cư ra tận phá Tam Giang, mà đối với tuổi thơ vô tư của tôi như một cuộc du ngoạn dài. Mặt trận Huế vỡ, gia đình ngoại tôi lại trở về Lại Thế, trở thành cơ sở bí mật của Thành uỷ Thuận Hóa, còn mẹ con chúng tôi lại trở về bên nội ở An Cựu. Tôi lại tiếp tục đi học. Nhưng cuộc sống tưởng chừng bất biến ấy đã một lần xáo động, xáo động đến nỗi không một ai trong gia đình tôi dù có giàu tưởng tượng đến mấy cũng không thể ngờ tới.
Hình 3: Vợ chồng bác sĩ Đặng Văn Ngữ và ba con |
Đó là vào một buổi tối cuối năm 1950... một người đàn ông đến tìm gặp mẹ tôi tại nhà với vẻ mặt đầy bí ẩn. Tôi nhận ra người đó là bác thợ cạo vẫn ngồi dưới gốc cây đa trước Miễu Đại Càng, nơi tôi thường hay ra cắt tóc. Người đàn ông đó gặp mẹ tôi chưa đầy năm phút rồi cáo lui. Ông đến rồi đi như một cái bóng. Về sau tôi mới biết rằng đêm đó người thợ cắt tóc, một cơ sở bí mật trong thành phố, đã chuyển đến tận tay cho mẹ tôi một bức thư của cha tôi viết từ chiến khu Việt Bắc. Tôi không được chứng kiến giây phút đó nhưng có thể hình dung hết được sự ngạc nhiên mừng rỡ như thế nào của mẹ tôi khi bà nhận ra nét chữ quen thuộc của chồng mình sau hơn một năm bặt vô âm tín. Thì ra ông không còn ở Nhật nữa. Ông đã trở về vùng tự do theo Kháng chiến và bây giờ đang nóng lòng chờ gặp mẹ tôi cùng ba anh em chúng tôi. Điều bất ngờ nhất đối với họ hàng trong gia đình tôi là việc cha tôi, một người chỉ biết có kính hiển vi và phòng thí nghiệm, bỗng nhiên đi theo Việt Minh, theo Kháng chiến. Còn mẹ tôi hẳn không băn khoăn lắm về điều đó. Bà chỉ nóng lòng chờ cơ sở bí mật đến bắt liên lạc để tổ chức vượt thành, đi gặp chồng. Cơ sở bí mật được giao làm việc đó không phải ai khác chính là cậu Tơn Thất Long, người mà mẹ tôi và tôi đã từng đi thăm trong xà lim lao Thừa Phủ ngày nào. Vậy là vào một ngày đã định, mẹ tôi cùng 3 anh em chúng tôi xin phép ông bà cùng họ hàng bên nội, lên một chiếc xe kéo để về quê ngoại ăn kỵ. Thực ra không có kỵ giỗ nào cả. Ngay khuya hôm ấy, 3 du kích địa phương đến đón bốn mẹ con chúng tôi đi. Tôi và mẹ tôi đi bộ còn hai em gái tôi có người cõng trên lưng. Trong đêm tối chúng tôi lẳng lặng đi theo sau những người dẫn đường. Một lần chúng tôi phải dừng lại nằm chờ bên một con đường nhựa, cách không xa một lô cốt địch. Chúng tôi giữ im lặng tuyệt đối để rồi lát sau chạy vụt qua đường khi có người ra hiệu. Tảng sáng chúng tôi đã đến bên bờ một con sông rộng. Bên kia là chiến khu Dương Hòa, vùng tự do của ta. Nhưng từ đây đến Việt Bắc, chỗ cha tôi ở còn xa lắm. Phải 3 tháng sau mới có cuộc trùng phùng. Mẹ tôi được trang bị một giấy giới thiệu của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên với nội dung: Bà Tôn Nữ Thị Cung trên đường đi gặp chồng là Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, đề nghị các cấp địa phương hết lòng giúp đỡ. Mẹ tôi giữ nó trong người như lá bùa hộ mệnh. Cứ từng chặng giao liên một, mẹ tôi lại chìa lá bùa đó ra. Địa phương lại cử dân quân dẫn đường và địu hai em gái tôi (một lên 8 và một lên 10) đi tiếp. Tôi sẽ không kể ra đây về những ngày trèo đèo lội suối qua Liên U Ba Rền để ra Khu IV, rồi từ Khu IV ra Việt Bắc của mấy mẹ con chúng tôi vì đó là chuyện quá quen thuộc đối với bất cứ người nào đã qua hai cuộc kháng chiến. Nhưng đối với mẹ tôi và ba anh em tôi ngày ấy là cả một chiến công. Sau hơn một tháng trời lặn lội từ Huế ra đến Hà Tĩnh thì được biết cha tôi đã lên đường ra Việt Bắc vì có lệnh trên yêu cầu phải đi gấp. Khỏi phải nói nỗi thất vọng của mẹ tôi như thế nào. Thế rồi chúng tôi lại lên đường đi tiếp từ Khu IV ra Việt Bắc. Tôi còn nhớ như in giây phút khi cha mẹ tôi gặp nhau bên bờ suối ở Chiêm Hóa - Tuyên Quang sau tám năm xa cách. Cha tôi từ trên đồi chạy xuống còn mẹ tôi thì quay lưng đi, lội dọc theo con suối nhỏ như muốn chạy trốn... Bà đã mong đợi bao lâu giây phút này nhưng khi nó đến thì bà lại không đủ can đảm để đón nhận nó. Bà đã quá mệt mỏi vì đợi chờ, vì lặn lội đường xa... vì đủ mọi gian truân vất vả không thể nào kể xiết trong những ngày xa cách.
Tiếp theo là những ngày của sum họp, đoàn viên. Cha tôi mải mê với công việc chế tạo ra nước cất Penicilline để cứu chữa những vết thương cho bộ đội ngoài mặt trận, giảng dạy cho sinh viên của Trường Y khoa trong kháng chiến. Để được gần gũi cha tôi nhiều hơn, mẹ tôi cũng xin vào làm việc tại phòng bào chế Penicilline, trở thành một cán bộ y tế. Tôi và các em tôi lại tiếp tục công việc học hành bị bỏ dở. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của gia đình tôi.
Cha tôi là người Huế, thành phần tiểu tư sản trí thức. Mẹ tôi là người Huế, thành phần quan lại phong kiến. Cả hai đều đi theo Kháng chiến. Khởi đầu do cha tôi trong những ngày du học ở Nhật tình cờ đọc được lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bèn từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học để về nước tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc. Để tránh con mắt dòm ngó của mật thám Pháp, cha tôi đã đáp tàu thuỷ từ Nhật bản về Thái Lan, tìm bắt liên lạc với đại diện của Chính phủ ta ở Bangkok, mà chẳng có một tổ chức nào giới thiệu, móc nối. Ông làm việc đó như một lẽ tự nhiên, chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước. Hồi đó ở Bangkok có một phòng Thông tin của ta được hoạt động công khai. Nó là cơ quan đại diện duy nhất của chính phủ Kháng chiến ở nước ngoài. Phụ trách phòng thông tin này là ông Nguyễn Đức Quỳ và ông Nguyễn Song Tùng. Cha tôi phảỉ nằm chờ ở Bangkok một tháng để hai ông xin ý kiến của lãnh đạo ở bên nhà. Cuối cùng họ nhận được điện của chính phủ yêu cầu đưa gấp cha tôi về nước. Từ Bangkok cha tôi được đưa đến biên giới Thái để sang Lào. Hành trang của cha tôi rất gọn nhẹ: hai bộ quần áo kaki, một chiếc kính hiển vi nho nhỏ là món qùa cho tôi và quan trọng hơn cả là một ống nghiệm đựng một loại nấm có khả năng tiết ra chất kháng sinh Peniciline mà cha tôi đã chiết xuất được trong phòng thí nghiệm ở Nhật. Sang tới đất Lào cha tôi được ghép đi cùng đoàn của Hoàng thân Suphanuvông cũng đang trên đường sang Việt Nam. Hơn một tháng cùng đi bộ với nhau hai người trở thành đôi bạn thân (tôi còn giữ được bức ảnh chụp chung hai người với lời ghi tặng bằng tiếng Pháp của Hòang thân Suphanuvơng tặng cha tôi).
Từ biên giới Thái qua Lào, rồi đi bộ xuyên Lào về Khu IV, lại từ khu IV đi bộ tiếp lên Việt bắc… ròng rã hơn 3 tháng trời cha tôi chỉ có một mối quan tâm duy nhất làm sao giữ được nguyên vẹn chiếc ống nghiệm đựng nấm mà không bị hỏng. Vừa ra tới Việt Bắc cha tôi đã được đưa lên gặp Bác Hồ. Cha tôi trình bầy với người về kế hoạch sản xuất nước lọc Peniciline để cứu chữa các vết thương cho bộ đội ngoài mặt trận. Bác Hồ chỉ thị ngay cho các vị bộ truởng trong chính phủ tạo mọi điều kiện để cha tôi có thể tiến hành sớm công việc của mình. Có một kỷ niệm vui trong lần gặp gỡ đó: Khi Bác sỹ Trần Duy Hưng đưa cha tôi lên gặp Bác, chưa kịp giới thiệu thì bác cười và nói ngay: “Chú không cần giới thiệu. Cứ nhìn cái cravatte là bác biết ngay đây là chú Ngữ”. Thật vậy trong suốt những năm kháng chiến cũng như sau này trong hòa bình cha tôi không lúc nào rời chiếc cravatte. Nó là một thói quen biểu hiện cho sự nghiêm túc trong nếp sống của cha tôi.
Không bao lâu sau một phòng thí nghiệm bằng tranh tre nứa lá, được dựng lên ngay giữa căn cứ địa Việt bắc thuộc huyện Chiêm hóa, tỉnh Tuyên Quang. Nước lọc Peniciline được sản xuất, lập tức được đưa ra mặt trận để đắp vào các vết thương của bộ đội và tỏ ra vô cùng hiệu nghiệm. Về sau nhu cầu ngày càng nhiều cha tôi huấn luyện cho các dược sỹ quân y sản xuất nước lọc Peniciline ngay tại mặt trận.
Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo cách mạng của một người trí thức yêu nước. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những người như cha mẹ tôi đã phải tự kiểm điểm những gì trong những cuộc chỉnh huấn trên Việt Bắc vào năm 1953? Không biết họ có phải ân hận về xuất thân thành phần giai cấp của mình và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Khi bà hôn mê, cha tôi đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Tôi đã không có trong mặt trong giờ phút lâm chung của mẹ tôi. Lúc đó tôi đang học mãi tận Nam Ninh bên Trung Quốc. Sau này tôi nghe bà tôi kể lại rằng mẹ tôi hôn mê ba ngay ba đêm liền, chờ cha tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sĩ nhưng ông đành bó tay bất lực vì đã quá muộn. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản Thủ đô. Đó là tổn thất lớn nhất của gia đình chúng tôi trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất.
Những ngày sau hoà bình lập lại công cuộc tiêu diệt bệnh sốt rét trên miền Bắc là công việc chiếm nhiều sức lực và trí tuệ nhất của cha tôi. Đó là lẽ sống và cũng là niềm say mê lớn nhất của cha tôi khi không còn mẹ tôi ở bên cạnh nữa. Cha tôi lại lặn lội trở về những khu căn cứ địa cũ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai... để thực hiện một chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có. Tôi nhớ có lần cha tôi bỏ ra một ngày chủ nhật ngồi viết một truyện thiếu nhi để giáo dục việc phònhg chống sốt rét rồi đọc cho tôi nghe. Đó là một truyện ngắn giản dị, có hai nhân vật ông cháu. Có lẽ đó là truyện ngắn duy nhất mà cha tôi viết trong đời. Cha tôi đã làm tất cả những gì có thể làm để đẩy lùi căn bệnh ngàn đời hủy hoại sức khỏe của người Việt Nam. Sau 10 năm thực hiện chương trình, bệnh sốt rét căn bản đã bị đẩy lùi trên miền Bắc nước ta. Đây là thời gian tôi được sống gần cha tôi lâu nhất (từ khi đi học ở Liên-Xô về năm 1957 cho đến khi cha tôi hy sinh năm 1967). Thời gian đầu cha tôi được phân ở một căn hộ trên gác ba khu tập thể của Trường Y tại 16A phố Hàn Thuyên. Đến năm 1963 để tiện chỉ đạo công tác chống sốt rét và có phòng thí nghiệm luôn ở ngay bên cạnh, cha tôi chuyển vào ở trong khu tập thể của Viện Sốt rét ở Mễ Trì, trả lại căn hộ trên tầng ba của khu tập thể ở Hàn Thuyên cho Trường Y, chỉ giữ lại cho tôi một căn phòng nhỏ 10m2 ở sân sau để tôi tiện đi làm (sau khi cha tôi mất không lâu thì khu nhà tập thể của Viện Sốt rét nơi cha tôi ở trước kia cũng bị bom Mỹ đánh sập).
Trong những ngày chiến tranh leo thang ra miền Bắc, cha tôi vẫn tiếp tục đi về các địa phương chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia vĩ tuyến 17 thì không thể nào giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc. Những tin tức về con số thương vong to lớn do sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm cha tôi ngày đêm day dứt không yên. Cuối cùng ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển được: vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội. Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng của mình lên trên, cuối cùng ông đã được toại nguyện. Tôi biết trong quyết định này của cha tôi còn có một sự thôi thúc khác nữa. Cha tôi luôn mang trong lòng một nỗi nhớ khôn nguôi về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình - xứ Huế. Ông hy vọng trong chuyến đi này có thể trở về gặp lại bà nội tôi, lúc đó đã cao tuổi lắm rồi, dù chỉ một lần. Nhưng đến ngày đất nước thống nhất, có thể về Huế được thì ông đã không còn. Ông đã mất trước đó 8 năm trong một trận bom B52 ở phía Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Mơ ước của ông là tìm mọi cách giảm tử vong vì sốt rét cho bộ đội. Ông chưa tìm ra được vắc xin miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia sẻ với họ cái chết. Đó là nỗi đau thứ hai trong đời tôi, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của tôi sau này trong điện ảnh.
Người đầu tiên báo cho tôi và em gái tôi Đặng Nguyệt Ánh cái tin này là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế hồi đó. Tôi còn nhớ đinh ninh lời ông nói như sau: Các cháu phải can đảm để đón nhận cái tin đau đớn này: Ba các cháu đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên vào lúc 2 giờ ngày 1 tháng 4 năm 1967. Cái tin đó đối với tôi quá đột ngột. Nó như một cơn bão ập đến quá nhanh khiến tôi không còn đủ tỉnh táo để nhận thức được những gì đã xảy ra.
Mới ba tháng trước đây thôi, cha tôi còn đến ăn bữa cơm tối với luật sư Nguyễn Quế, bố vợ tôi trước khi lên đường. Ăn xong ông bế cháu Đặng Nhật Tân, cháu nội đích tôn của mình xuống cầu thang, rồi trao nó lại cho vợ tôi trước khi bước lên chiếc xe commăngca chờ sẵn. Bố vợ tôi, cùng tôi và vợ tôi bế cháu Tân đứng nhìn theo cho đến khi hai chiếc đèn đỏ sau xe khuất hẳn về phía đường Bà Triệu. Thực tình lúc đó tôi không hề linh cảm rằng đây là cuộc chia tay cuối cùng. Cha tôi vẫn thường hay đi công tác xa và hình ảnh ông với chiếc xe commăngca lấm bụi đường đã quá quen thuộc đối với tôi.
Một tháng sau tôi nhận được lá thư của cha tôi từ nơi tập trung ở Hoà Bình gửi về trước khi vào chiến trường. Lá thư như sau:
Nhật Minh và Phương Nghi yêu quý của ba!
Ba hôm nay lên đường. Hai con ở lại công tác tốt, học tập tiến bộ và nuôi dạy cháu Nhật Tân khoẻ ngoan.
Thời gian bồi dưỡng ở chỗ tập trung ba luôn luôn mạnh khoẻ. Mang ba lô, leo dốc được như mọi người. Ba đem theo thừa một số tiền, ba mua một cái đồng hồ đeo tay gửi về để tặng Nhật Minh. Các con chuyển lời chào và chúc Tết của ba đến ông cụ của Phương Nghi.
Ba
Đặng Văn Ngữ
Chú ý: Ngày đi của ba phải giữ rất bí mật trong thời gian 2 tháng. Sau Tết, hôm nào rỗi các con đến Viện, hỏi chìa khoá ở đ/c Hùng để vào phòng ba sắp xếp áo quần cho gọn. Có mấy chiếc tất chưa giặt, con giặt hộ. Trong phòng vẫn để đồ đạc như như lúc ba còn ở nhà (trải tấm trùm giường lên giường, để khăn bàn và bộ đồ trà như thường lệ).
Tôi từng nghe nói khi đang ở trong tâm bão người ta không hình dung ra hết được sức mạnh của cơn bão. Cái tang đau đớn này đối với gia đình tôi cũng vậy, nó như cơn bão ập đến quá bất ngờ... và khi nó đi qua rồi, mới cảm thấy hết sự khốc liệt của nó. Em gái thứ hai của tôi là Đặng Nguyệt Quý lúc đó đang học ở Liên Xô không chịu đựng được nỗi đau này, đã lâm bệnh rồi mất sau đó hai năm. Lúc đó nó mới 28 tuổi.
Hình 4: Tấm biển nhôm có khắc tên Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được đồng đội chôn theo di hài của Bác sĩ tại Trường Sơn năm 1967 |
Cha tôi nằm trên Trường Sơn lặng lẽ suốt hai mươi năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông như mộ một người lính vô danh. Trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ. 1-4-1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ nào đó chưa rõ tông tích nên đã quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Cha tôi còn nằm đó thêm 5 năm nữa cho đến khi anh em chúng tôi dò tìm ra được. Suốt 5 năm đó nguời chăm sóc hương khói cho cha tôi là các thầy cô giáo cùng các em học sinh Truờng Tiểu học xã Phong Mỹ. Ngôi trường nằm ngay cạnh nghĩa trang chỉ cách một con đường. Hàng năm cứ đến ngày thương binh liệt sỹ, ngày quốc khánh, ngày Tết thầy trò của trường sang quét dọn nghĩa trang, cắm những bó hoa và thắp hương trên những ngôi mộ. Cả trường và cả địa phương đều không biết đấy là mộ của ai. Cái đêm gia đình tôi ngồi ở nghĩa trang chờ sáng để đưa hài cốt của cha tôi về chôn cất trong nghiã trang Đặng tộc trên nuí Ngự Bình là một đêm thật khó quên. Các thầy cô giáo của trường đã thức suốt đêm cùng chúng tôi túc trực bên ngôi mộ mà cho đến bây giờ họ mới biết đó là mộ của một nhà khoa học nổi tiếng đã ngã xuống trên quê hương họ. Năm giờ sáng hôm sau các em học sinh toàn trường đã tề tựu đông đủ, đứng xếp hàng dọc hai bên đường từ cổng nghĩa trang cho đến đầu làng để tiễn biệt linh hồn cha tôi về với những người thân. Giây phút đó thật linh thiêng. Bất giác tôi nhớ tới một câu trong ca khúc của Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh thiêng vào đời….”.
Vậy là sau 46 năm xa cách, cha mẹ tôi cuối cùng đã về bên nhau.
Hình 5: Mộ phần Bác sĩ Đặng Văn Ngữ cùng vợ
và con gái tại nghĩa trang gia đình ở Huế
Hình 6: Đường mang tên Bác sĩ Đặng Văn Ngữ tại
Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh
♦
Vào đời
Như trên đã nói, tôi học tiểu học tại trường tiểu học An Cựu và năm đầu trung học tại trường Quốc Học (Khải Định) - Huế. Hồi học tiểu học tôi là một học sinh rất nhút nhát, không biết chơi bi, đá cầu, đánh khăng, đánh đáo v.v... Mỗi lần nghe tiếng trống ra chơi là tim tôi thót lại vì sợ bị các bạn bè trêu chọc. Đi học tôi rất ngại phải mặc quần áo đẹp vì sợ bị chúng bạn cho là con nhà giàu, lại càng bị trêu chọc hơn. Giờ ra chơi tôi chỉ biết đứng khép nép một chỗ, mong cho chóng được vào lớp. Học lực của tôi rất xoàng chỉ khi lên trung học mới khá dần. Khi ra Việt Bắc vì ở An toàn khu Chiêm Hoá không có trường trung học, nên tôi phải xuống cây số 7 ở Tuyên Quang cách Chiêm Hoá 70 cây số ở trọ để học tiếp chương trình phổ thông tại trường trung học kháng chiến Tân Trào. Cha mẹ tôi gửi tôi ở nhờ nhà một người bà con của bác Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ kháng chiến. Cùng ở trọ tại đây có chị Hồ Thể Lan con giáo sư Hồ Dắc Di và chị Nữ Hạnh con bác Huyên. Một năm sau tôi lại phải rời Tuyên Quang để sang Trung Quốc học tiếp tại trường Thiếu sinh quân Việt Nam theo chủ trương của trên dành cho con em cán bộ trong kháng chiến.
Tôi chia tay bố mẹ và hai em gái, đi theo một cán bộ của Văn phòng Chính phủ đến đón. Tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy mẹ tôi. Bà đứng trên nương, ở cuối con đường đất nhìn theo hút bóng tôi cho đến khi khuất hẳn. Mới 12 tuổi, tôi đã phải xa gia đình, xa những người thân, giã từ những cánh rừng, những nương sắn, con suối Quẵng trong vắt với những chiếc mảng ngóc đầu, bếp lửa hồng trong những đêm Việt Bắc giá lạnh... Tất cả đối với tôi đó là những kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ phai.
Đoàn con em cán bộ gồm có 50 người, đi cùng ông Lưu (tôi không nhớ họ của ông) sang Trung Quốc nhận chức Biện sự sứ của Việt Nam tại Nam Ninh (một chức như đại diện ngọai giao khi hai nước chưa có quan hệ chính thức). Ông Lưu đi ngựa, còn chúng tôi thì đi bộ lên biên giới. Qua tới Thủy khẩu, chúng tôi được các đồng chí Trung Quốc đón lên Nam Ninh bằng xe ô tô vận tải. Sau đó chúng tôi được chuyển về Trường Thiếu sinh quân Việt Nam đóng tại làng Tâm Hư cách thành phố Nam Ninh chừng 10 cây số để rồi không lâu sau chuyển lên Quế Lâm với cái tên trường bằng tiếng Trung Quốc nghe thật ấn tượng: Quế Lâm dục tài học hiệu.
Trường Thiếu sinh quân Việt Nam được thành lập từ năm 1949 ở Thái Nguyên. Sau khi có chủ trương không dùng thiếu nhi để làm liên lạc trong quân đội nữa các em được tập trung về đây để học văn hóa, nhưng cách tổ chức của trường thì vẫn giữ nguyên như trong quân đội. Toàn trường là một tiểu đoàn, do tiểu đoàn trưởng Trần Trường làm hiệu trưởng. Các lớp là các đại đội. Mỗi đại đội có các trung đội, tiểu đội. Tôi trở thành một anh lính thiếu sinh quân mặc dầu chưa tham gia chiến đấu bao giờ. Sáng ra, toàn trường cũng tập họp điểm danh, tập đi đều, dập gót, quay phải, quay trái. Tối đến điểm danh, nghe đại đội trưởng (tức thầy chủ nhiệm lớp) nhận xét phê bình, đúng theo quân kỷ. Hồi đó ở Trung Quốc đang có phong trào Thổ cải. Hàng ngày người ta đem địa chủ ra bắn ở cánh đồng ngay sau lưng trường trước con mắt kinh hãi của lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi được tổ chức đi tham quan triển lãm tội ác của địa chủ Trung Quốc. Ai cũng căm giận địa chủ, mặc dầu chưa hề biết mặt mũi địa chủ như thế nào. Ai cũng mong nước ta sớm làm Thổ cải như Trung Quốc để giải phóng cho nông dân. Rồi nhà trường tổ chức cho học sinh xem phim Bạch Mao nữ để viết thu hoạch cá nhân. Chúng tôi trút căm thù lên đầu tên địa chủ Hoàng Thế Nhân, cứ như hắn là người có thật chứ không phải nhân vật trong phim nữa. Tiếp đến là phong trào Tam phản Ngũ phản. Các cán bộ Trung Quốc làm việc trong trường họp hành đấu tố thâu đêm suốt sáng. Những người không thành khẩn bị nhốt trong phòng, đứng giữa một vòng tròn bằng phấn trắng. Có hôm buổi sáng ra giếng rửa mặt, chúng tôi thấy xác người ở dưới giếng. Một cán bộ Trung Quốc đã nhảy xuống giếng tự tử vì không chịu nổi căng thẳng đấu tố. Tôi học tiếng Trung Quốc rất khá, được coi là học trò cưng của cô giáo trẻ người Bắc Kinh. Các học sinh lớn trong trường lần lượt trở về nước tham gia chiến đấu (có người trở thành anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ). Đầu năm 1953, khi tôi học cấp III thì trường chuyển về khu học xá Nam Ninh. Tại đây có trường sư phạm rất lớn đào tạo đội ngũ giáo viên nòng cốt cho ngành giáo dục sau này.
Giữa năm 1954 khi tôi đang học năm cuối cùng của trung học thì cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Hòa bình được lập lại, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô. Trường tôi nhận được lệnh trên cử 100 học sinh sang Liên Xô học tiếng Nga cấp tốc để trở về làm phiên dịch. Hồi đó chúng tôi được giáo dục rằng làm bất cứ nghề gì trong xã hội cũng đều vinh quang miễn là làm tốt nhiệm vụ mà xã hội giao và biết phục tùng sự phân công của tổ chức. Mọi ý thích lựa chọn nghề nghiệp là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đầu óc địa vị.
Tất cả lớp tôi đều được chọn vào danh sách đi Liên Xô, trừ 7 người ở lại để vào học tiếp tại các trường Đại học ở Trung Quốc. Đây là những học sinh có năng khiếu về các môn tự nhiên. Tôi nằm trong danh sách 7 người này (lên cấp ba tôi bỗng nhiên trở thành một học sinh khá về các môn tự nhiên). Một trăm học sinh sắp đi Liên Xô được nghỉ học để học tập chính trị, được may sắm com-lê, cà-vạt, giầy da, vali. Còn 7 đứa chúng tôi ngao ngán nhìn các bạn sắp được đến nơi “Thiên đường của trái đất”. Tôi nhớ năm 1951, Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam sau khi tham dự Đại hội Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới ở Berlin trở về có ghé vào trường chúng tôi kể chuyện. Tôi nhớ họ kể về Thủ đô Mạc Tư Khoa như sau: Đường phố sạch sẽ bóng lộn đến nỗi quệt tay xuống đất, tay vẫn sạch; ruồi nhặng không hề có, đến nỗi các nhà bác học Liên Xô muốn nghiên cứu một con ruồi phải nhờ đưa từ châu Phi sang. Thật đúng là thiên đường! Vậy mà 7 đứa chúng tôi lại phải ở lại. Nhưng bỗng một hôm, sát ngày đoàn lên đường, tôi được Ban giám hiệu nhà trường gọi lên cho biết tôi được bổ sung vào danh sách đi Liên Xô thay cho một bạn vừa phát hiện có bố ở bên nhà là địa chủ. Bạn đó tên là Phạm Gia Doanh, bạn thân với tôi, vốn là một học sinh thông minh, đẹp giai, được các thầy cô rất mến. Sau này thỉnh thoảng gặp Doanh, khi ôn lại chuyện cũ tôi vẫn thường nói vui: lẽ ra tôi phải ngồi ở chỗ của cậu bây giờ (Doanh sau này làm Giám đốc vận tải đường sông rồi Giám đốc công ty xây dựng Cảng). Mà thật vậy. Nếu hồi đó bên nhà không kịp báo sang cho trường biết bố Doanh là địa chủ thì Doanh đã đi Liên Xô rồi (chỉ còn 3 ngày nữa là đi). Còn tôi thì chắc chắn sẽ là một kỹ sư hàng hải tốt nghiệp đại học Thiên Tân như Doanh bây giờ. (Về sau bố Doanh được minh oan nên Doanh lại được học tiếp Đại học ở Trung Quốc). Cùng đi với đoàn 100 học sinh học tiếng Nga còn có 50 em nhỏ con các cán bộ cao cấp sang Liên Xô học phổ thông để rồi vào tiếp đại học (trong số này nhiều người học đến phó tiến sĩ, tiến sĩ, sống ở Nga đến hàng chục năm) và 30 anh chị em sinh viên khoa học cơ bản trong kháng chiến (nhiều người trong số này trở thành những nhà khoa học có tên tuổi). Tất cả đáp một chuyến tàu riêng tới Bắc Kinh, dừng lại ở đó vài ngày để chờ đại diện đoàn thanh niên Cômxômôn Liên Xô sang đón. Lúc này tôi mới được đưa đi may sắm quần áo giày dép. Từ Bắc Kinh chúng tôi lại lên tàu đi tiếp sang Liên Xô. Đến ga nào đoàn thanh niên Cômxômôn địa phương cũng trống dong cờ mở ra đón. Cứ như vậy một tháng sau chúng tôi đến Mạc Tư Khoa.
Những ngày học tiếng Nga ở Mạc Tư Khoa đối với tôi thật đáng nhớ. Các thầy cô giáo người Nga không biết một chữ tiếng Việt, còn chúng tôi thì không biết nửa chữ tiếng Nga. Từ điển Nga-Việt hồi đó chưa có. Buổi lên lớp đầu tiên, các bà giáo chỉ vào từng đồ vật, chỉ vào tranh rồi phát âm từng tiếng Nga, cả lớp đọc theo như vẹt. Ghi chép vào vở thế nào thì tùy, miễn hôm sau lên lớp trả lời cho đúng. Chúng tôi bèn tìm mọi cách để nhớ. Ví dụ quả táo tiếng Nga gọi là iabơlơcơ thì cứ nhớ là da Bảo Lộc khô (vì trong lớp có bạn tên là Bảo Lộc). Cái tách là tadư thì cứ nhớ là Tài Dư (trong lớp có bạn tên là Tài Dư) v.v... Riêng từ con voi tiếng Nga phát âm là Xờ-lôn thì cả lớp ai cũng thuộc.
Chừng 3 tháng sau, một hôm bà giáo viết lên bảng 32 chữ cái của tiếng Nga bắt chúng tôi chép vào vở, rồi ghép vần, tập đọc. Không lâu sau chúng tôi được học văn phạm và rồi cứ như vậy, tiếng Nga đi vào đầu chúng tôi lúc nào không biết. Trong thời gian học ở Liên Xô có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Đó là vào dịp Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1955, chúng tôi được đưa đến Cung Hữu nghị ở Matxcơva để dự mít tinh và sau đó xem bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Roman Karmen vừa mới làm xong. Đây là lần đầu tiên có một phim tài liệu nói một cách đầy đủ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, mà lại là một phim màu. Tôi sung sướng bất ngờ khi nhìn thấy trên màn ảnh hình ảnh cha tôi, mẹ tôi, dì tôi đang làm việc trong phòng thí nghiệm trên chiến khu Việt Bắc. Cha tôi đi đi lại lại trong phòng thí nghiệm trao đổi với các y tá, xét nghiệm viên. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi sau buổi chiếu phim, một cán bộ Đại sứ quán tìm tôi cho biết cha tôi hiện đang có mặt ở Mátxcơva. Cha tôi sang đây trong đoàn đại biểu chính thức đầu tiên của Chính phủ ta sang Liên Xô để đặt vấn đề xin viện trợ xây dựng lại đất nước sau khi chiến tranh vừa kết thúc. Mỗi lĩnh vực có một người, cha tôi đại diện cho ngành Y tế. Thật cảm động, sau khi mẹ tôi mất, đây là lần đầu tôi được gặp lại cha tôi kể từ ngày tôi chia tay với gia đình trên Việt Bắc năm 1950.
Sau gần hai năm học tập, chúng tôi đã hoàn thành xong việc học tiếng Nga, sẵn sàng trở về nước phục vụ, với một chứng chỉ do nhà trường cấp (sau này về nước tôi phải thi để lấy bằng Đại học Sư phạm ngoại ngữ trong nước như một thí sinh tự do). Dầu sao trong hai năm đó tôi đã kịp yêu nước Nga, thiên nhiên Nga, con người và văn học Nga. Tôi biết ơn các thầy cô giáo Nga đã dạy cho tôi một thứ ngôn ngữ - ngôn ngữ của Puskin, của Tolstoi, của Sekhov. Nó giúp tôi rất nhiều trong bước đường tự học sau này để trở thành một đạo diễn điện ảnh. Thực tình tôi không có quãng đời học sinh, sinh viên trẻ trung, sôi nổi, như lớp trẻ bây giờ. Sự học của tôi luôn luôn bị gián đoạn, dở dang...
♦
Trở thành
phiên dịch tiếng Nga
Sau 18 tháng học tập ở Liên Xô, tôi cùng các bạn trở về nước với cái vốn tiếng Nga đủ để làm một cán bộ phiên dịch. Năm đó tôi vừa tròn 19 tuổi.
Cục chuyên gia của Chính phủ hồi ấy quản lý các phiên dịch viên. Họ đón chúng tôi ở ga Hàng Cỏ đưa về nơi tập trung, rồi cho phép về thăm nhà trong hai tuần trước khi trở lại để nhận phân công công tác.
Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Nội. Tôi lần theo địa chỉ trong thư để tìm về nhà. Hôm đó trời mưa to. Tôi cứ đi dọc theo những dẫy phố gần Viện Pasteur, nhìn vào những ngôi nhà biệt thự xinh xắn hai tầng, đinh ninh bố tôi đang ở trong đó. Nhưng không phải. Bố tôi ở trong một căn hộ hai phòng trên tầng ba của khu tập thể Trường Y ở phố Hàn Thuyên. Đó là ngày sum họp của tôi với gia đình sau 6 năm xa cách kể từ khi chia tay trên chiến khu Việt Bắc năm 1951 để sang Trung Quốc học. Ngày ra đi có mẹ tôi đứng nhìn theo ở cuối con đường đất bên nương sắn và ngày về thì không bao giờ tôi còn được gặp lại bà nữa. Kể từ giờ phút đó tôi được sống với cha tôi suốt 10 năm liền cho đến khi người qua đời, một quãng thời gian dài nhất mà tôi được sống gần cha tôi từ nhỏ đến lúc bấy giờ.
Hai tuần sau tôi trở lại Cục Chuyên gia để nhận công tác. Tôi cùng hai bạn nữa là Cao Thụy và Bùi Viên được phân về Bộ Văn hóa (một số bạn có lý lịch tốt được phân về các bộ quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, văn phòng Chính phủ v.v..). Đó là sự tình cờ đầu tiên đã đưa tôi đến với lãnh vực Văn hóa. Anh Cao Thụy được giữ lại để dịch cho lãnh đạo Bộ. Anh Bùi Viên được phân về nhà hát dịch cho chuyên gia sân khấu Liên Xô. Đến lượt tôi Bộ Văn hóa thông tư cho các cơ quan trong Bộ biết cơ quan nào cần phiên dịch thì lên Bộ để xin. Đúng lúc đó cơ quan Phát hành phim và Chiếu bóng Trung ương đến xin tôi. Đó là sự tình cờ thứ hai đã đưa tôi đến với điện ảnh. Hồi ấy 99% phim chiếu trong nước là phim Liên Xô và phim các nước XHCN Đông Âu. Tôi phải dịch lời thoại của các phim đó từ tiếng Nga ra tiếng Việt để các cán bộ biên soạn thuyết minh soạn thành các bản thuyết minh đọc tại các rạp. Tôi nhớ hồi đó đội ngũ biên soạn thuyết minh này đông lắm. Có lần trong một Đại hội Nhà văn, họ kéo đến, xông lên diễn đàn đòi được công nhận là nhà văn, đòi được kết nạp vào Hội Nhà văn. Nhiều người trong số họ sau này lần lượt được tổ chức cử đi học biên kịch, lý luận phê bình phim ở Liên Xô, trở thành nòng cốt của đội ngũ sáng tác điện ảnh Việt Nam sau này. Mười chín tuổi, cái tuổi lẽ ra cần phải được tiếp tục học hành thì tôi buộc phải ngồi cạo giấy như vậy trong cơ quan Phát hành phim ở Ngã Tư Sở. Nhiều lần tôi gặp tổ chức cơ quan xin cho được đi học tiếp, nhưng đều bị từ chối với lý do cơ quan đang cần phiên dịch hơn nữa tôi chưa có thành tích cống hiến gì cho cơ quan. Hồi ấy nếu không được tổ chức giới thiệu thì đố ai thi được vào đại học, kể cả các học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. Tất cả đều theo sự phân công của tổ chức. Tổ chức là quyền lực tối cao định đoạt số phận của mỗi cá nhân trong xã hội. Trong cơ quan tôi, tổ chức lần lượt cử các cán bộ biên soạn thuyết minh, kế toán, tài vụ... sang Liên Xô học về biên kịch, đạo diễn, quay phim, chủ nhiệm phim căn cứ trên thành phần lý lịch và quá trình công tác của họ. Tôi hồi đó là người trẻ nhất trong cơ quan chưa có quá trình công tác gì, lại không phải là đảng viên, đoàn viên nên đương nhiên không bao giờ được tổ chức nhòm ngó tới. Cha tôi không nói ra nhưng tôi biết ông buồn lắm. Cái mộng mà ông ấp ủ từ lâu: có đứa con trai nối nghiệp nghề Y chắc chắn là không thành rồi. Tuy được sống gần cha tôi, nhưng ông không bao giờ hỏi han công việc làm của tôi, cũng không khuyên bảo dạy dỗ điều gì. Có lẽ ông muốn dạy dỗ tôi bằng cuộc sống miệt mài tận tuỵ với khoa học và nhân cách của chính mình. Có lần ông than thở với em gái tôi rằng ông buồn vì thấy tôi không có một nghề nghiệp để có thể có một niềm say mê thực sự như ông.
Thật vậy sau 5 năm làm phiên dịch, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng mình vẫn chưa có nghề ngỗng gì trong tay cả. Tôi chán ngán khi thấy các bản dịch lời thoại trong phim mà tôi cố dịch thật chính xác, thì khi qua tay các cán bộ biên soạn thuyết minh bị cắt xén đi để thêm vào đó những đoạn dẫn giải nội dung, đôi khi họ còn lẩy Kiều nữa. Ví dụ như trên phim có cảnh tuyết tan thì lập tức có câu: Đông qua xuân lại... Ngày giờ thấm thoắt thoi đưa... Natasa nay đã là cô sinh viên năm thứ nhất v.v... Nhưng để bù lại cho sự chán ngán đó, tôi bắt đầu để ý đến môn nghệ thuật mới mẻ này, đặc biệt sau khi dịch lời thoại trong các phim Liên Xô giai đoạn chống sùng bái cá nhân. Những phim như Đàn sếu bay, Người thứ 41, Bài ca người lính, Chủ nghĩa phát xít thông thường, Người cùng thời đại... như một luồng gió mới đem lại nguồn sinh khí cho nền điện ảnh Xô viết kinh viện cũ. Chúng để lại cho tôi những ấn tượng rất sâu đậm.
Một sự tình cờ đã đến với tôi: Trường Điện ảnh Việt Nam sắp kết thúc khóa học đạo diễn, diễn viên đầu tiên dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô, đạo diễn Ajda Ibraghimov. Phiên dịch tại trường có hai anh Cao Thuỵ và Bùi Viên. Đến cuối năm học thứ ba anh Cao Thuỵ được trên cử sang Liên xô học biên kịch. Nhà trường bèn liên hệ với cơ quan Phát hành phim xin cho tôi được biệt phái đến làm việc thay vào chỗ anh Cao Thuỵ Tôi vui mừng vì có cơ hội để thoát khỏi nếp sinh hoạt ngày 8 tiếng gò lưng bên bàn giấy. Khi tôi tới trường thì các bài giảng trên lớp đã kết thúc. Tôi chỉ đi theo chuyên gia xuống làm việc với các đoàn làm phim tốt nghiệp. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một đạo diễn nước ngoài bằng xương bằng thịt. Ông người Azecbaigian, trước khi sang Việt Nam đã làm hai phim truyện: 26 chính ủy Ba-cu và Hai người cùng phố (đúng hơn là làm một phim rưỡi vì phim sau làm chung với một người nữa). Trước đây ông là học trò của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Liên xô Đốpgiencô. Trong lúc đi dịch cho ông, tôi thấy lúc nào ông cũng đem hai phim đó ra làm ví dụ… Ông có một số kiến thức thực tiễn thông qua kinh nghiệm làm phim ít ỏi của mình, ít quan tâm đến lý luận điện ảnh, kể cả những bài viết có tính học thuật đăng trên các tạp chí điện ảnh Xô viết. Phải nói rằng ông rất nhiệt tình giảng dạy truyền đạt kiến thức cho các học sinh của mình. Ông còn ấp ủ dự định chuyển thể tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của nhà văn Anh Graham Geen mà ông rất thích. Một lần tôi đưa ông xem một bài viết dài của nhà biên kịch nổi tiếng Liên Xô Gabrilovich bàn về cách viết kịch bản phim truyện đăng trên tạp chí Nghệ thuật điện ảnh của Liên Xô. Ông thích thú đề nghị tôi dịch bài đó ra cho các học sinh đạo diễn nghiên cứu (về sau bản dịch này được sử dụng như một tài liệu giáo khoa chính thức cho các khóa biên kịch của trường). Trong năm học cuối cùng này, đạo diễn Ajdar Ibraghimov đã dành toàn bộ công sức để chỉ đạo bộ phim truyện di Một ngày đầu thu của đạo diễn Huy Vân - Hải Ninh mà ông cho là có triển vọng hơn hai phim ngắn tốt nghiệp khác là Chim vành khuyên (ĐD Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ) và Hai người lính (ĐD Vũ Sơn). Nhưng thật trớ trêu thay, phim Một ngày đầu thu lại là phim kém nhất trong ba phim. Kết thúc giai đoạn chỉ đạo các phim tốt nghiệp, ông gợi ý nhà trường mở một lớp về công tác chủ nhiệm phim do vợ ông giảng dạy. Tôi lại phải dịch tiếp cho lớp học đó. Từ phiên dịch về nghệ thuật tôi trở thành phiên dịch về kinh tế với những bài dịch về chức năng vai trò người chủ nhiệm phim, lập tổng dự toán, lập kế hoạch toàn trình cho một bộ phim v.v... Sau khi chuyên gia về nước, tôi vận động nhà trường cho tôi ở lại không về cơ quan cũ nữa và thế là tôi đã thoát được cái nơi đã giam hãm tôi suốt 5 năm của tuổi trẻ (từ năm 19 tuổi đến năm 24 tuổi). Sau khi kết thúc lớp chủ nhiệm phim, tôi dịch tiếp cho lớp họa sĩ thiết kế dưới sự chỉ đạo của chuyên gia họa sĩ Liên Xô Zachinaev. Ông là chuyên gia Liên Xô cuối cùng giảng dạy ở Trường Điện ảnh, vì sau đó Liên Xô bắt đầu bị lên án xét lại nên Trường không mời chuyên gia sang nữa. Tôi được nhà trường giao tìm tài liệu dịch cho các khóa biên kịch và đạo diễn tiếp theo. Các tài liệu về montage, dàn cảnh, cách cấu trúc kịch bản... do tôi dịch, được các giảng viên của trường đọc trước rồi đem lên lớp truyền đạt lại cho học sinh. Qua việc sưu tầm và dịch các tài liệu đó, tôi dần dần tiếp cận với nghề điện ảnh một cách hết sức tự nhiên. Những sách báo lý luận về điện ảnh bằng tiếng Nga hồi đó có rất nhiều, không những chỉ của các tác giả Xô viết mà còn của các nhà lý luận điện ảnh phương Tây được dịch ra tiếng Nga. Qua các sách báo đó tôi được biết thêm về những nền điện ảnh tiên tiến khác của thế giới như điện ảnh Ý với trào lưu Tân hiện thực, điện ảnh Pháp với trào lưu Làn sóng mới. Chính là nhờ có cái vốn tiếng Nga mà tôi đã tự học được rất nhiều trong nghề điện ảnh, tìm hiểu sâu về môn nghệ thuật này. Từ đó tôi xác định cho mình: nếu số phận đã gắn chặt tôi với điện ảnh thì hãy tiến thân theo con đường này vậy – con đường điện ảnh. Tôi biết sẽ không ai cử tôi đi học nghề này do đó phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Đã có lần tôi viết thư cho ông hiệu trưởng trường Đại học Điện ảnh Liên Xô (VGIK) xin học hàm thụ đạo diễn, nhưng được trả lời rằng trường không có hệ hàm thụ. Trường VGIK sẵn sàng nhận tôi học chính thức nếu tôi được Bộ Giáo dục Việt Nam cử sang học (điều mà tôi biết là không bao giờ xảy ra). Dầu sao bức thư cũng làm động lòng ông hiệu trưởng, nên không lâu sau ông đã gửi cho tôi một số tài liệu, sách giáo khoa về môn đạo diễn được giảng dạy ở trường. Tôi đọc ngấu nghiến các tài liệu đó như một sinh viên sắp đến kỳ thi sát hạch. Tôi hiểu thế nào là ý nghĩa các cỡ cảnh, thế nào là mise en scène, thế nào là mise en cadre theo như quan niệm của Eisenstein, thế nào là bố cục tổ chức từng trường đoạn, thế nào là công tác diễn viên... đặc biệt về montage một công việc rất quan trọng đối với người làm đạo diễn.
Năm 1965 lại một sự tình cờ nữa đến với tôi. Năm đó trường Điện ảnh có hai khóa tốt nghiệp: khóa biên kịch và khóa quay phim (không có khóa đạo diễn). Các học sinh phải làm phim tốt nghiệp. Một nhóm gồm các học sinh biên kịch và quay phim mời tôi làm đạo diễn cho phim tốt nghiệp của họ. Đó là bộ phim tài liệu dài 5 cuốn: Theo chân người địa chất. Tôi bắt đầu thử sức mình, vận dụng những kiến thức đã học được qua sách vở, dồn hết tâm huyết cùng các bạn trẻ làm bộ phim này. Tôi đã cùng đoàn làm phim đi đến hầu khắp các đoàn địa chất đóng trên miền Bắc từ Bát Xát - Lào Cai cho đến đảo Vĩnh Thực - Móng Cái. Bộ phim hoàn thành, được ngành địa chất hoan nghênh, báo chí và giới điện ảnh khen ngợi. Tôi vui mừng coi đây như một chứng chỉ bước vào nghề. Tôi hồi hộp mời cha tôi xem. Xem xong, ông nói với tôi: Thôi được. Con đi theo con đường Điện ảnh cũng được. Nhưng chỉ nên làm phim tài liệu khoa học. Rõ ràng cha tôi chẳng có ấn tượng gì mấy đối với các phim truyện. Cha tôi biết rằng năm đó tôi đã 27 tuổi, cái tuổi nếu không được vào Đại học thì cũng không thể lông bông mãi với cái nghề phiên dịch. Tôi đâu có ngờ bộ phim Theo chân người địa chất là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của tôi và cũng là sáng tác duy nhất của tôi được cha tôi chứng kiến.
Sau phim Theo chân người địa chất, tôi trở thành người được anh em học sinh Trường Điện ảnh tín nhiệm. Họ mời tôi làm đạo diễn một phim nữa có tên Hà Bắc quê hương với độ dài 7 cuốn. Tôi có dịp được đi khắp dải đất Kinh Bắc để rồi gắn bó với nơi này như mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi.
♦
Bước ngoặt bất ngờ (1)
Từ một phiên dịch vô danh chẳng bao giờ được lọt vào mắt xanh của tổ chức, bỗng nhiên một hôm tôi được cơ quan thông báo lên gặp Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Văn hóa. Tại đó một cán bộ tổ chức báo cho tôi biết, tôi được trên cử sang Liên Xô học đạo diễn điện ảnh, yêu cầu tôi về chuẩn bị gấp để một tuần sau lên đường ngay. Những người được cử đi học điện ảnh năm đó đã có đủ danh sách (đó là hai chị Đức Hoàn, Tuệ Minh học đạo diễn và anh Tô Thi học biên kịch), nhưng tôi thuộc diện đặc biệt, được bổ sung vào phút chót (hồi đó ai được đi học nước ngoài đều do tổ chức quyết định, không phải thi cử hay sát hạch gì cả). Đó là vào những ngày cuối tháng 8 năm 1967, những ngày không quân Mỹ leo thang ra miền Bắc ác liệt nhất. Đường sắt lên biên giới đã bị cắt đứt. Cầu Long Biên đã bị đánh sập. Tôi trở về nhà lòng tự nhủ: đi học để trở thành đạo diễn điện ảnh, điều mà tôi mơ ước bấy lâu, thì nay đã ở trong tầm tay của mình rồi đây. Nhưng tôi cũng hiểu ngay rằng tôi có được sự ưu ái đó là sau cái chết của cha tôi ở chiến trường Trị Thiên vào đầu năm 1967. Tôi được sự quan tâm của tổ chức là vì con liệt sĩ! Nhưng tôi còn lòng dạ nào để nhận cái may mắn ưu tiên ấy? Con trai tôi lúc đó hãy còn nhỏ. Lẽ nào tôi để vợ con ở lại một mình với những cuộc báo động liên miên trong thành phố, với những cuộc sơ tán lặn lội về nông thôn. Ai sẽ tiếp tế gạo dầu mắm muối cho vợ tôi? Cái chết của cha tôi như một nỗi đau còn đấy làm sao tôi quên được cho dù được sống ở một nơi “thiên đường của trái đất” và được học một nghề mà mình mơ ước?
Hai hôm sau tôi trở lại gặp ông cán bộ tổ chức Bộ Văn hóa cám ơn về sự quan tâm của trên và nói rằng tôi không thể đi Liên Xô trong lúc này được. Trường Điện ảnh lúc này trường sơ tán về Đan Phượng-Hà Tây, các lớp học tan tác, tôi không phải suốt ngày ngồi cắm đầu dịch như trước nữa. Những ngày rỗi việc tôi đạp xe đạp lên Xuân Phú - Bắc Giang thăm vợ tôi đang theo học trung cấp piano tại trường âm nhạc sơ tán trên đó. Trở về Hà nội tôi lại đạp xe đi thăm con trai sơ tán theo truờng Mầm non ở Phủ Lý.
Chừng một tháng sau tôi lại được gọi lên Bộ để gặp đồng chí Hà Huy Giáp - Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa. Người đại diện lãnh đạo Bộ cho tôi biết nếu tôi từ chối không đi Liên Xô học thì Bộ sẽ đáp ứng bất kỳ nguyện vọng nào của tôi. Tôi hiểu lúc này Bộ muốn làm một việc gì đó để tỏ rõ sự quan tâm của trên đối với tôi. Tôi cám ơn bác Giáp và chỉ xin đề đạt một nguyện vọng: cho tôi được thôi cái nghề phiên dịch sau mười năm làm nghề này, và vì đã gắn bó với điện ảnh trong nhiều năm nên tôi muốn làm một đạo diễn phim tài liệu. Tôi đã thử sức mình trong phim Theo chân người địa chất và nhận thấy có thể đảm đương được công việc này. Không chần chừ, bác Giáp cho biết ngày mai tôi đến nhận công tác tại Xưởng phim Tài liệu - Thời sự mà không cần bất cứ giấy tờ giới thiệu gì. Bác sẽ chỉ thị ngay cho lãnh đạo Xưởng nhận tôi. Sáng hôm sau tôi đến trình diện ông giám đốc Xưởng phim Thời sự - Tài liệu là ông Lê Huân. Phải chờ đợi rất lâu ông mới cho vào phòng để tiếp. Ông cho biết đã nhận được chỉ thị của Bộ, nhưng yêu cầu tôi một tuần sau hãy trở lại vì còn phải đem ra bàn trong Đảng ủy và Ban Giám đốc cơ quan. Một tuần sau tôi trở lại. Giám đốc Lê Huân tiếp tôi rồi cho biết:
- Sau khi trao đổi kỹ trong lãnh đạo Xưởng, chấp hành chỉ thị của Bộ, chúng tôi phân công anh từ nay sẽ là đạo diễn hậu kỳ của các phim thời sự.
Tôi hỏi kỹ thêm về cái chức danh lạ lẫm này. Ông giám đốc giải thích:
- Có nghĩa là khi các đội quay phim thời sự gửi phim về thì anh ngồi sắp xếp lại các hình ảnh cho có đầu, có đuôi, ghép nhạc và thuyết minh vào để thành các bộ phim thời sự.
Tôi nói tôi đã làm một bộ phim tài liệu dài 5 cuốn và nguyện vọng của tôi là trở thành một đạo diễn phim tài liệu. Cái công việc mà ông vừa nói kia là công việc của một người dựng phim. Ông giám đốc ôn tồn giảng giải:
- Thực ra vì chấp hành chủ trương của trên phải ưu tiên đối với anh mà chúng tôi đành nhận. Anh không có bằng cấp đạo diễn, không học ở một trường nào, lại chưa phải đảng viên. Người đạo diễn phải là một đảng viên thì mới đảm bảo được tính tư tưởng của một tác phẩm điện ảnh, đối với phim tài liệu lại càng quan trọng hơn, vì đó là tờ báo chính luận bằng hình ảnh của Đảng.
Tôi thất vọng trở về. Thất vọng vì nghĩ rằng với một nguyện vọng mà tôi cho là rất khiêm tốn, không yêu sách lớn lao gì, chắc chắn sẽ không bị từ chối. Đây là lần đầu tiên tôi vấp phải guồng máy tổ chức của một cơ quan trong đó vai trò người bí thư Đảng ủy là quyết định. Người phản đối việc nhận tôi về Xưởng mạnh mẽ nhất là bí thư Đảng ủy kiêm trưởng phòng Tổ chức có tên là Khuê. Tôi biết rằng nếu có về Xưởng làm việc, tôi sẽ còn phải chạm trán với bộ máy tổ chức lạnh lùng đó, nên đã không bao giờ quay trở lại nữa.
Trong những ngày bom đạn luôn rình rập trên đầu và cái chết luôn kề bên, tôi không còn nghĩ gì tới cái ước mơ làm đạo diễn của mình... tôi quên hẳn điện ảnh. Tôi lo thăm nom tiếp tế cho vợ con nơi sơ tán rồi trở về Hà Nội sống giữa những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Khi bom B52 ném vào phố Khâm Thiên, tôi lập tức có mặt ngay sau đó. Từ sau khi cha tôi mất, tôi cảm thấy cái chết không có gì xa lạ cả. Sẽ có lúc nào đó nó cũng sẽ đến với tôi như đã đến với cha tôi.
Giữa phố phường vắng vẻ của Hà Nội sơ tán ngày ấy, tôi thường hay gặp bạn bè trong giới văn nghệ, khi thì tụ tập tại nhà tôi, khi thì ở nhà của Lâm (Lâm râu) hoặc ở nhà Vĩnh (Vĩnh cận). Đỗ Chu và Lưu Quang Vũ ngày ấy còn là lính của binh chũng Phòng không. Phạm Tiến Duật còn ở Tổng cục Hậu cần, chưa vào đường 559. Hễ tranh thủ xin nghỉ phép được ngày nào là tất cả họ đều lao về Hà Nội. Tôi nhớ có lần đông đảo bạn bè đang ngồi tại nhà tôi trên gác ba phố Hàn Thuyên thì có tiếng loa báo tin máy bay địch đang tiến gần về phía Hà Nội. Duật nói với mọi người: Lần báo động này có thể bom sẽ rơi trúng nơi chúng ta đang ngồi. Có thể có người sẽ không còn. Vậy đề nghị mỗi người hãy nói vài lời để Minh ghi vào máy thu thanh lưu lại cho những người thân sau này (hồi đó tôi có một chiếc máy ghi âm của Tiệp Khắc nhãn hiệu Tesla). Tôi nhớ hôm đó Vũ đã đọc bài thơ Phố Gia Lâm vừa mới làm xong với những câu mở đầu mà cho đến nay tôi còn nhớ như in: Đêm mùa hạ rời thủ đô ra trận / Chào sông Hồng tàu qua phố Gia Lâm / Nước lũ dâng bờ cát chuyển âm thầm / Ta ngoảnh lại nhìn ánh đèn bên ấy / Thôi vĩnh biệt bao buồn vui trẻ dại/ Cuộc đời từ nay nghiêm khắc với ta hơn / Cuộc đời vượt lên mọi nỗi đau thường /Vườn yên ổn ngày xưa thôi khép lại... Còn Duật thì đọc bài thơ về những viên bi trong ngực của cô thanh niên xung phong với những câu kết: Năm viên bi ấy có còn đâu / Nó đã sang ngực anh nhói đau rồi đấy...
Ba tháng sau tôi lại được gọi lên Bộ. Đồng chí Hà Huy Giáp nói rằng tôi phải có một nghề nghiệp hẳn hoi. Nếu tôi muốn đi học Y để nối nghiệp cha tôi thì trên sẽ giới thiệu thẳng vào trường Y, không cần thi cử gì cả (giá trước đây tôi được trên ưu ái thế này hẳn cha tôi sẽ mừng lắm!). Tôi hiểu rằng sự quan tâm của trên đối với tôi đã thành một chủ trương, mà đã là một chủ trương thì người ta phải thực hiện bằng được. Tôi trình bày với bác Giáp:
- Học Y bây giờ đối với tuổi cháu thì quá muộn rồi. Năm nay cháu đã 29 tuổi. Ngoài nghề phiên dịch ra cháu chỉ có thể làm được một việc trong điện ảnh, đó là làm đạo diễn. Nếu không được làm đạo diễn phim tài liệu, thì cháu đành phấn đấu để làm đạo diễn phim truyện vậy.
Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Xưởng phim Truyện bấy giờ là ông Trần Ngọc Lưu. Có lẽ ông đã được Bộ dặn dò kỹ lưỡng nên tiếp tôi với một thái độ ân cần. Tuy vậy ông cũng nói thật với tôi rằng nếu về Xưởng làm đạo diễn chính thì không được. Ông sẵn sàng nhận tôi về Phòng đạo diễn của Xưởng với tư cách là phó đạo diễn. Tôi nhận lời vì cương vị phó đạo diễn là một chức danh, có những nhiệm vụ cụ thể trong một đoàn phim (chứ không như cái chức danh mà người ta đã nghĩ ra cho tôi ở Xưởng phim Tài liệu). Vậy là sau 12 năm, tôi thoát được cái nghề phiên dịch. Vâng, tôi được dạy dỗ rằng làm nghề gì cũng vinh quang, nhưng tôi không thể theo đuổi cái vinh quang của nghề phiên dịch này mãi được. Dầu sao tôi cũng cám ơn Nhà nước đã trang bị cho tôi một ngoại ngữ - đó là tiếng Nga. Nhờ có nó mà tôi đã tiếp cận được với thế giới bên ngoài, nhờ có nó mà tôi đã đến với điện ảnh để từ đó gắn bó lâu dài với môn nghệ thuật này.
♦
Phòng đạo diễn
Xưởng phim truyện Việt Nam
Xưởng phim truyện hồi đó được phân thành các phòng, trong đó có Phòng đạo diễn. Đạo diễn phim truyện hồi đó chỉ có vài chục người, không đông hàng trăm như bây giờ và không phải bất cứ ai cũng có thể làm đạo diễn như bây giờ. Sinh hoạt tại phòng đạo diễn có ba lớp người: Những đạo diễn kỳ cựu có mặt từ ngày đầu thành lập Xưởng như các đạo diễn Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Tiến Lợi... Các đạo diễn được đào tạo tại trường Điện ảnh khóa I dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô như: Trần Vũ, Hải Ninh, Bạch Diệp, Huy Thành, Nông Ích Đạt, Vũ Phạm Từ, Nguyễn Đức Hinh... và lớp đạo diễn học ở Liên Xô về, trong đó có những người học hết 5 năm như Nguyễn Khắc Lợi, Lê Đăng Thực và những người học dở dang thì bị gọi về vì Liên Xô bắt đầu thời kỳ xét lại như: Trần Đắc, Bùi Đình Hạc, Nguyễn Thụ, Nguyễn Đỗ Ngọc. Ồn ào hơn cả là cánh học ở Liên Xô về mà anh em vẫn gọi là cánh Vờ-Gích (tên viết tắt trường Đại học điện ảnh Liên Xô). Có một điều cần ghi nhận: hồi đó tất cả các anh đều say sưa với mộng sáng tác, chưa ai nghĩ đến chuyện tiến thân bằng con đường quan chức như sau này. Những buổi sinh hoạt ở Phòng đạo diễn thật sôi nổi. Các đạo diễn học ở Liên Xô về thường hay đem những tên tuổi “ốp, ép” ra để tranh luận học thuật. Tôi thường nghe họ nhắc đến các tên tuổi sau: Iukevich, Pưrep, Bônđarsuc, Mikhai Rôm, đặc biệt là tên nhà biên kịch Gabrilovich... cứ như tất cả đều là bạn thân của họ cả. Ngay khi về phòng đạo diễn tôi gặp ngay sự phản ứng của một số người cho rằng: không thể vì chính sách ưu tiên con liệt sĩ mà đưa một người không có học hành, không bằng cấp về làm đạo diễn được. Như thế là xúc phạm tới cái nghề đạo diễn cao quý.
Hồi ấy ai làm phim gì đều theo sự phân công của Đảng ủy Xưởng phim. Mỗi đoàn làm phim đều thành lập một chi bộ để lãnh đạo công việc làm phim. Những phim lớn, phục vụ những nhiệm vụ chính trị lớn thì giao cho các đạo diễn cỡ lớn. Những đạo diễn cỡ nhỏ được giao làm những phim cỡ nhỏ, cốt để có thêm đầu phim, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, tranh cờ thi đua của Bộ. Cánh phó đạo diễn đương nhiên phải theo sự phân công của Ban Giám đốc, nhưng còn phải được các đạo diễn chính chấp nhận. Tôi không hy vọng gì được các đạo diễn lớn, các đạo diễn Vờ-Gích chấp nhận nên kiên nhẫn chờ đợi. Phải gần hai năm sau tôi mới được phân đi theo đoàn phim Chị Nhung với đạo diễn Nguyễn Đức Hinh, một đạo diễn người miền Nam, vốn là một tiểu đoàn trưởng quân đội, tập kết ra Bắc, rồi chuyển sang học lớp đạo diễn trong nước. Tôi chẳng cần biết phim nói chuyện gì, miễn được nhận đi làm phim là sướng rồi (chỉ biết đây là một phim chuyển thể theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng). Khi cùng đạo diễn Nguyễn Đức Hinh bắt tay vào công việc tôi cũng không mấy quan tâm tới nội dung kịch bản, bởi đó là câu chuyện về một nữ biệt động Sài Gòn, hoạt động trong lòng địch, một môi trường mà tôi chẳng có chút thực tế gì. Anh Hinh là cán bộ quân đội, người miền Nam, anh biết hơn tôi. Tôi chỉ làm nhiệm vụ tổ chức các cảnh quần chúng, hò hét, chạy đi chạy lại, đúng trách nhiệm của một phó đạo diễn, chỉ đâu đánh đấy. Nhưng rồi tiến độ làm phim quá chậm vì đạo diễn Hinh lần đầu tiên làm phim chưa có kinh nghiệm dàn cảnh, lại thêm nhà quay phim Dương Đình Bá học ở Trung Quốc về, vốn tính cẩn thận nên quay rất chậm. Khi phim đã quay được một nửa, bí thư chi bộ của đoàn là họa sĩ Trần Kiềm đã đề nghị với Đảng ủy Xưởng phim cho tôi được làm đạo diễn thứ hai để có thể giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Đảng ủy và đạo diễn Nguyễn Đức Hinh chấp thuận. Tôi được nhảy từ phó đạo diễn lên đạo diễn thứ hai (một việc mà thông thường phải mất ít nhất vài năm trong nghề). Bộ phim hoàn thành được người xem hoan nghênh bởi gương mặt trẻ trung của nữ diễn viên chính Ái Vân lần đầu xuất hiện trên màn ảnh. Riêng đối với tôi, bộ phim chẳng để lại ấn tượng gì, nó hoàn toàn xa lạ với phong cách sáng tác của tôi sau này.
Thời kỳ này các đạo diễn Vờ-Gích bắt đầu lần lượt ra quân. Lê Đăng Thực với phim Độ dốc; Bùi Đình Hạc với Chùm hoa thiên lý, Đường về quê mẹ; Trần Đắc với phim Ga, Bài ca ra trận; Nguyễn Khắc Lợi với Lá cờ chuẩn, Bức tường không xây; Nguyễn Thụ với Bức tranh để lại; Nguyễn Đỗ Ngọc với Không phải tại tôi... Các đạo diễn được đào tạo trong nước thì ra sức chứng minh mình cũng không thua kém gì cánh học nước ngoài về. Hải Ninh làm Rừng o Thắm, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Trần Vũ làm Chuyến xe bão táp, Vợ chồng anh Lực; Huy Thành làm Vùng trời, Phía Bắc thành pho; Bạch Diệp làm Ngày lễ thánh v.v... Các phim khi tổng kết hằng năm đều được lãnh đạo đánh giá để xếp hạng. Mỗi lần tổng kết như vậy cả Xưởng đều tụ tập đông đủ tại hội trường hồi hộp lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Hà Xuân Trừng. Phim nào được ông nhắc đến đầu tiên coi như phim đầu bảng, cứ thế mà biết thứ tự của các phim được trên đánh giá như thế nào. Ông bao giờ cũng đánh giá cao các phim của đạo diễn Hải Ninh và biên kịch Hoàng Tích Chỉ.. Cũng vì sự đánh giá đó mà tự nhiên trong đội ngũ đạo diễn biên kịch của Xưởng hình thành 3 nhóm: Nhóm Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ, nhóm Trần Đắc - Trần Kim Thành và nhóm Trần Vũ - Bành Bảo. Mỗi nhóm có những đệ tử đông đảo vây quanh. Riêng các đạo diễn lão thành như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam đứng ra một bên không tham gia phe nhóm nào. Còn tôi đương nhiên đứng ngoài cuộc. Tôi vào nhóm của những người ngồi chiếu cuối trong phòng đạo diễn cùng các anh Phan Vũ, Bắc Xuyên, Trúc Lâm. Phan Vũ vốn là một tác giả sân khấu có tên tuổi, về Xưởng làm biên kịch, nhưng rồi dính vào nhóm Nhân văn nên bị đẩy xuống làm phó đạo diễn. Trúc Lâm cũng vậy, từng là đạo diễn lồng tiếng một số phim Liên Xô rất hay, nhưng có thơ đăng trong Giai phẩm (tạp chí của nhóm Nhân văn) nên chỉ được giao làm đạo diễn các phim sân khấu cùng với Bắc Xuyên một dạo diễn ngoài đảng. Cả xưởng ai cũng ngại gần Phan Vũ vì sợ tổ chức để ý, trừ tôi và một vài người như Tự Huy, Trung Tín. Phan Vũ hay làm thơ và đọc thơ cho tôi nghe. Cứ mỗi lần họp Phòng đạo diễn xong anh lại rủ tôi về nhà, trên đường không quên ghé qua thăm diễn viên Trung Tín để xem tranh. Không biết ai xui khiến Tín đóng cửa suốt ngày vẽ tranh. Tín xin bột màu của Xưởng đem về vẽ lên giấy báo. Tín vẽ như điên, quên ăn quên ngủ. Từ ngày say mê với hội họa, không còn ai nhận ra diễn viên Trung Tín ngày nào, một đảng viên trẻ năng nổ, một bí thư đoàn Thanh niên của cơ quan. Tranh của Tín ngây ngô, hồn nhiên như con trẻ nhưng chất chứa một nỗi đau nào đó. Bức nào của anh cũng có những mặt người với hai hốc mắt sâu hoắm. Tín thường đem tranh ra khoe với tôi và Phan Vũ, và lần nào cũng nói: Phái vừa xem xong, thích lắm (Phái là họa sĩ Bùi Xuân Phái - ĐNM). Rồi Tín mơ màng mong có ngày đem tranh bày ở Paris. Tôi và Vũ cùng phụ họa tâng bốc Tín lên tận mây xanh (nghe đâu bây giờ tranh Tín được trưng bày ở Paris thật). Năm 1975, sau khi thống nhất Tín trở về Nam. Không lâu sau anh đánh một bức điện ra Hà Nội xin thôi việc và ra khỏi Đảng. Cả cơ quan sửng sốt cho rằng Tín vào Nam đã bị “ăn đạn bọc đường”. Riêng tôi thì không lấy gì làm ngạc nhiên vì tôi biết Tín đã lấy hội họa làm lý tưởng của đời mình. Con người ta không thể tôn thờ một lúc nhiều lý tưởng.
Phan Vũ viết văn, làm thơ rất hay. Trong mắt tôi kịch bản do Vũ viết hay hơn nhiều kịch bản được Xưởng thông qua hồi ấy, nhưng chúng không bao giờ được duyệt. Vợ anh là nữ diễn viên đầu tiên của điện ảnh Việt Nam - chị Phi Nga. Anh yêu vợ và yêu các phụ nữ đẹp. Những người phụ nữ ấy đã mang lại chất lãng mạn trong thơ anh. Bài thơ Em ơi Hà Nội phố viết xong, anh đọc cho tôi nghe lần đầu trên căn gác nhà anh ở phố Hàng Bún. Tôi còn thân với đạo diễn Bắc Xuyên vì nhà anh ở phố Trần Xuân Soạn cách nhà tôi ở Hàn Thuyên không xa... Bắc Xuyên từ trước đến giờ chỉ được phân làm đạo diễn các phim sân khấu. Lần đầu tiên anh được phân làm phim truyện dài là phim Đến hẹn lại lên theo kịch bản của nhà biên kịch Vương Đăng Hoàn. Nhưng sau khi phân công xong, Đảng ủy, Ban Giám đốc Xưởng thấy chưa yên tâm, bèn cử thêm đạo diễn Trần Vũ và biên kịch Bành Bảo đi theo để kèm cặp giúp đỡ. Nhưng phim chưa kịp bấm máy thì anh đã bị một chiếc xe tải cán chết khi vừa ra khỏi cổng Xưởng (có người cho rằng đây là một vụ tự sát nhưng không có gì làm bằng chứng). Riêng trường hợp đạo diễn Nông Ích Đạt uống thuốc ngủ thì rõ ràng là một vụ tự sát. Sau những sự việc bi thảm trên, tôi bắt đầu cảm nhận cái khốc liệt của chốn bon chen này. Nhưng dù sao, tôi đã dấn thân vào rồi...
Vào đúng lúc đang hoang mang ấy, Giám đốc Xưởng phim yêu cầu phòng dạo diễn cử hai người đi thực tế ở chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Tôi liền xung phong đi cùng đạo diễn Huy Thành. Anh với tôi cùng đồng hương Huế nên hai anh em đi với nhau chăm sóc nhau rất cảm động. Chúng tôi được bố trí đi theo đường dây của Bộ Tư lệnh 559 để vào chiến trường. Vào đến Bộ Tư lệnh 559 tôi vui mừng gặp Phạm Tiến Duật, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Tiểu đội xe không kính”, đang là cán bộ phòng Văn nghệ ở đây. Phòng văn nghệ đóng trong một hầm sâu, lương thực thực phẩm ê hề, ăn không hết còn đổ để nuôi lợn. Lúc ấy Duật vừa mới làm xong bài thơ Người ơi người ở... bèn đọc cho tôi nghe. Nghe xong tôi báo cho Duật biết bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Duật mới được phổ thành bài h¸t rất hay. Trên đường vào đây tôi có được nghe ca sĩ Huyền Châu của đoàn văn công Hà Nội hát. Hai hôm sau đoàn văn công đến, được Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tiếp trong hầm chỉ huy. Tôi và anh Huy Thành cũng có mặt trong buổi tiếp đó. Đêm đó ca sĩ Huyền Châu đã hát bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây lần đầu tại mặt trận 559. Sau khi cô hát xong, Phạm Tiến Duật đứng lên đọc tặng cô bài thơ Người ơi người ở... coi như mới sáng tác tức thì làm ca sĩ Huyền Châu hết sức xúc động. Bộ Tư lệnh 559 đóng trong một cái hang rộng khoét sâu trong lòng núi. Bom B52 có rơi trúng chẳng hề gì (trừ bom nguyên tử). Tôi đau xót nghĩ: giá cha tôi hồi đi chiến trường được ở trong cái hang như thế này …..
Khi chúng tôi vào tới Đường 9 thì chiến dịch vừa kết thúc. Đại tá Thọ đã bị bắt. Đồi Bản Đông chỉ còn trơ lại những hầm hào xây bằng bao cát của địch, súng ống đạn dược vương vãi khắp nơi. Nhiều lính ngụy bị thương ngồi bệt xuống bên đường với đôi mắt tuyệt vọng cầu cứu (tôi nhớ đến những hố mắt trong các bức tranh của Tín). Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một phần nào gương mặt thật của chiến tranh. Sau đó tôi và anh Huy Thành được đưa xuống các binh trạm để tìm hiểu thực tế chiến đấu của các chiến sĩ trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Gọi là đường mòn nhưng đó là những con đường rộng cho xe vận tải chở vũ khí lương thực tiếp tế vào Nam. Những ngày ấy, địch bắt đầu dùng máy bay vận tải DC 130 trang bị súng máy 40 ly vãi đạn như vãi trấu dai dẳng suốt đêm không lúc nào ngưng nghỉ. Nhiều xe bị bắn thủng két nước, lái xe bị trúng thương vào đùi, có lúc mười xe chỉ đi lọt một xe, còn lại đều dính đạn nằm la liệt dọc đường. Đó là những ngày căng thẳng nhất trên tuyến đường 559. Vào đến Binh trạm 33, gần Trị Thiên tôi được gặp một số anh em thương binh trong Tết Mậu Thân vẫn còn nằm điều trị tại đây, được nghe bao nhiêu chuyện đau lòng về Tết Mậu Thân ở quê tôi. Nhiều thương binh đã kể lại rằng trong những ngày cố thủ ở cố đô Huế, máu ngập trong chiến hào, nhưng chưa có lệnh rút, đành phải cố thủ. Nhiều cụ già đã phải quỳ lạy, van xin các anh rút đi để còn có ngày quay trở lại.
Sau chuyến đi đó, tôi có viết một số bút ký và truyện ngắn được đăng trên báo Văn nghệ. Tôi bắt đầu viết văn từ đấy.
♦
Người thầy đầu tiên
Như trên tôi đã nói, tôi đến với điện ảnh bằng những sự tình cờ run rủi của số phận, không hề có sự chuẩn bị gì từ trước và cũng chẳng qua trường lớp nào. Gia đình tôi vốn là một gia đình toàn những người làm ngành y và dạy học. Trong tất cả những người thân ấy chỉ có một người am hiểu lĩnh vực văn học nghệ thuật nhất là cậu Nguyễn Hồng Phong – chồng của dì tôi là bà Nguyễn Thị Ngọc Trai.
Cậu tôi là nhà sử học, nhưng thật ra phải gọi ông là một nhà văn hóa mới đúng. Trong con người ông là một kho kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực: triết học, mỹ học, văn học, thơ ca, hội họa và đương nhiên là sử học, lĩnh vực ông làm việc trong nhiều năm cho đến khi với cương vị là Viện trưởng vào giai đoạn cuối đời. Có một người thân như vậy trong gia đình thực sự là một may mắn lớn đối với tôi khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Cha tôi là bác sĩ, suốt ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm bên chiếc kính hiển vi, ông chẳng có thể giúp gì cho tôi trong quyết định hệ trọng này. Biết vậy nên ông đã gửi gắm tôi cho người em rể của mình: cậu Phong tôi. Năm 1967, trước khi lên đường vào chiến trường B, ông còn gặp cậu tôi và nhắc lại lời gửi gắm đó. Không ngờ đó là mối quan tâm cuối cùng của cha tôi đối với tôi, và cũng là lần trò chuyện cuối cùng của cha tôi với cậu tôi, một người mà ông hay gần gũi tâm sự nhất trong gia đình. Từ đó cậu tôi trở thành người thầy của tôi theo đúng nghĩa của nó.
Tôi nhớ lại những bài học đầu tiên cậu tôi dạy cho tôi, là những bài giảng về triết học. Ông đưa cho tôi đọc rất nhiều tài liệu có liên quan đến triết học, mỹ học của những trường phái triết học phương Tây, những thứ thời đó còn bị coi là cấm kỵ. Đọc xong đến đâu, ông giảng giải phân tích cho tôi cặn kẽ. Những buổi “lên lớp” như vậy thường diễn ra sau những bữa ăn (một dạo ngày hai buổi, tôi ăn cơm tại nhà ông, sau khi đã đưa vợ con đi sơ tán về nông thôn). Đó là những ngày báo động liên miên trong thành phố.
Những buổi “lên lớp” như vậy không có giáo trình, giáo án (hay nếu có thì có lẽ được ông sắp xếp sẵn trong đầu) và người theo học là tôi, chỉ nghe mà không ghi chép. Cậu tôi có một cách nói thật sâu sắc mà giản dị, sáng rõ, có sức lôi cuốn kỳ lạ. Ai đã được nghe ông thuyết trình dù chỉ một lần thôi đều bị mê hoặc như thôi miên. Những lúc thụ học với ông sau những bữa ăn như vậy tại ngôi nhà số 6 Lý Thường Kiệt, tôi có cảm tưởng như mình là một đệ tử đang tầm sư học đạo theo lối giáo dục truyền thống của người xưa. Cái lối dạy truyền khẩu và học nhập tâm ấy đã cho tôi biết bao kiến thức cần thiết. Chúng đi vào tâm thức của tôi lúc nào không hay. Sau khi đã trang bị xong cho tôi một số kiến thức cơ bản về triết học, mỹ học, ông bắt tôi đọc sách: tiểu thuyết, thơ văn, kể cả kho tàng ca dao, tục ngữ. Ông giảng giải cho tôi về những trào lưu văn học hiện đại của phương Tây, những trường phái hội họa trên thế giới (ông có viết một cuốn sách rất hay về Picasso). Đặc biệt ông hướng sự quan tâm của tôi vào kho tàng văn hoá dân tộc qua thơ văn của các tác giả cổ điển trong nước, qua ca dao, tục ngữ (đến bây giờ tôi vẫn cho rằng bài viết của ông về Hồ Xuân Hương có lẽ không ai có thể viết hay hơn). Không chỉ giới hạn trong những kiến thức trên, ông còn cho tôi được tiếp cận rất sớm với nền văn học sáng tác trong vùng tạm chiếm ở miền Nam qua các tạp chí Văn, Bách khoa, các tiểu thuyết của các nhà văn Sài Gòn, những ấn phẩm được cung cấp để cơ quan ông nghiên cứu và chỉ được lưu hành trong nội bộ. Do vậy sau khi hai miền thống nhất, vào Nam tiếp xúc với các văn nghệ sĩ trong ấy, tôi không bị bỡ ngỡ.
Trong con người thông thái về nhiều lĩnh vực xã hội nhân văn, với phương pháp tư duy chặt chẽ khoa học như ông, còn có một trái tim vô cùng nhạy bén trước cái đẹp. Có lần ông đọc cho tôi nghe 4 câu thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư mà ông rất thích:
Xưa em là chồi biếc
Nằm giữa lòng câu kinh
Anh là Thiền sư buồn
Ngồi đọc dưới ánh trăng.
Lần đầu tiên, cũng do ông mà tôi biết được hai câu ca dao da diết sau đây:
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này khế ơi...
(Hai câu ca dao này về sau tôi đã đưa vào trong một trường đoạn kết của phim Trở về).
Bằng văn học, thơ ca, bằng những hình tượng trong ca dao, bằng những phân tích về hội hoạ ông đã tập cho tôi cách tư duy bằng hình ảnh, một phẩm chất không thể thiếu của người làm điện ảnh. Đạo diễn Fellini, người Ý có nói một câu về nghề đạo diễn điện ảnh như sau: “Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là một thế giới quan”. Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói đó. Thật vậy người đạo diễn không phải là người có trong tay một mớ thủ pháp rồi hành nghề. Cái hành trang quan trọng nhất khi bước vào nghề này là cái thế giới quan, cái cảm quan thẩm mỹ của riêng anh. Không có cái đó, người đạo diễn chỉ là một người thợ (thợ khéo hay thợ vụng). Tôi có làm được chút gì trong điện ảnh cho tới nay cũng do được cậu tôi sớm định hướng từ đầu theo chiều hướng đó. Chính ông là người đã trang bị để tôi có được một cách nhìn sự vật của riêng mình để rồi từ đó làm công việc sáng tác. Tôi từng được chứng kiến nhiều cuộc đàm đạo tại nhà cậu tôi giữa ông và các bạn bè như giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Đình Quang, nhà nghiên cứu Vũ Hoàng Địch, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu v.v... những người bạn tâm đắc của ông. Giá như có ai ghi lại tất cả những điều ông nói trong các cuộc trò chuyện đó, hệ thống chúng lại, có thể trở thành những cuốn sách rất hay, rất bổ ích. Tôi có cảm tưởng những gì ông nói ra còn hay hơn những gì ông đã viết (mặc dầu những công trình nghiên cứu do ông viết ra cũng đã giá trị lắm rồi). Đó là điều mà nghĩ lại tôi cảm thấy rất tiếc.
Tại miền Bắc ngày ấy, bà ngoại tôi có 6 người con rể: giáo sư Nguyễn Hồng Phong, kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Thao (nguyên thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ), trung tướng Cao Văn Khánh, nhà nghiên cứu dịch thuật Lê Xuân Ninh, và cha tôi: bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Trong gia đình còn có các bác sĩ Tôn Đức Lang, Nguyễn Thị Ngọc Toản, nhà xã hội học Nguyễn Phước Tương và nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai, đều là các dì, các cậu của tôi. Mỗi lần giỗ tết tất cả nhà sum họp trên gác ba ngôi nhà tập thể 16A Hàn Thuyên. Những lúc ấy, gương mặt bà tôi rạng rỡ trong một niềm vui pha lẫn tự hào. Bà tôi tự hào là phải bởi cũng hiếm có một mái nhà nào hội tụ đông đủ những con người như vậy. Tôi biết rằng đó là những giây phút hạnh phúc nhất của bà tôi, vợ của quan Thượng thư triều đình Huế, đã từ bỏ tất cả để theo các con, dâu, rể ra Việt Bắc tham gia kháng chiến.
Nhưng hạnh phúc bao giờ cũng ngắn ngủi. Những ngày vui sum họp trong gia đình tôi chẳng được bao lâu. Nhiều người thân của tôi đã lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng. Khi còn sống, họ đều âm thầm dạy dỗ tôi bằng chính cuộc sống của mình, bằng nhân cách và phẩm giá của mình. Và người trực tiếp dẫn dắt tôi đi vào con đường nghệ thuật chính là giáo sư Nguyễn Hồng Phong - người cậu và cũng là người thầy của tôi.
♦
Phim truyện đầu tay
Vậy là tôi đã qua được giai đoạn phó đạo diễn, rồi đạo diễn thứ hai và bây giờ nghiễm nhiên ngồi chờ đến lượt để được giao làm đạo diễn chính. Một hôm tôi được giám đốc gọi lên giao kịch bản Những ngôi sao biển chuyển thể theo vở kịch nói của Nguyễn Khắc Phục (Phục hồi đó còn làm thợ máy ở Công ty vận tải biển Hải Phòng, bắt đầu viết văn, có truyện ngắn đầu tay Hoa cúc biển đang trên tạp chí Văn nghệ quân đội, được mọi người chú ý). Kịch bản nói về các thủy thủ vận tải đường biển vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào sông Gianh để tiếp tế vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam. Tôi háo hức nhận ngay kịch bản không chút đắn đo vì biết rằng như vậy là mình chính thức được công nhận là đạo diễn chính rồi, không khác gì được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh.
Trước khi bắt tay vào làm phim tôi cầm giấy giới thiệu của Xưởng phim về Cảng Hải Phòng thâm nhập thực tế vì tôi chẳng có cht kiến thức gì về vận tải đường biển cả. Tôi theo tàu vận tải mang tên Tự lực đi từ Hải Phòng vào sông Gianh chuyên chở gạo tiếp tế cho Khu IV, ra ra vào vào không biết bao nhiêu chuyến cho đến khi Mỹ thả thủy lôi phong tỏa không đi được mới thôi. Đến khi Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc tôi lại theo các tàu phá lôi đi giải tỏa đường biển từ Hải Phòng vào sông Gianh. Trở về Xưởng, tôi sửa chữa nâng cao kịch bản trên những thực tế thu nhặt được qua các chuyến đi đó. Nhưng thú thực, có loay hoay đến mấy câu chuyện cũng chỉ có vậy: tinh thần vượt gian khó hy sinh của các thủy thủ vì miền Nam ruột thịt. Có mâu thuẫn chăng là mâu thuẫn giữa người gan dạ và kẻ sợ chết. Bộ phim quay rất vất vả vì nhiều anh chị em trong đoàn không chịu được say sóng. Phim hoàn thành xong, không để lại tiếng vang gì. Nó cũng như bao bộ phim khác được làm vì mục đích phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị. Đến bây giờ, thú thực tôi cũng quên nó ngoại trừ những kỷ niệm về những chuyến đi thực tế đầy phiêu lưu kỳ thú trên biển. Có lần thủy lôi nổ sát ngay bên cạnh tàu... những ngày sống trên đảo Hòn Mê với các chiến sĩ biên phòng, đêm đêm nhìn ra khơi nơi hai chiếc tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc bật đèn sáng trưng, thả xuống biển những bao gạo bọc ni lông để cho sóng biển cuốn trôi vào bờ. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm thật đau lòng: Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, tôi đi theo chiếc tàu đầu tiên từ Hải Phòng vào cảng sông Gianh. Bến cảng vắng tanh không một bóng người. Khi lên bờ mới biết chỉ một giờ trước khi ngừng bắn, một quả bom đã rơi trúng căn nhà của các cô thanh niên xung phong lúc các cô đang tập trung để nhận thư nhà. Hai mươi cô gái đã chết trong trận bom cuối cùng đó trên cảng sông Gianh.
♦
Tham gia chiến dịch
Hồ Chí Minh
Đầu tháng 4.1975, cả nước hồi hộp theo dõi tin tức chiến sự từ miền Nam gửi ra. Xưởng Phim truyện được lệnh trên động viên tất cả đội ngũ làm phim tổ chức thành 4 đoàn làm phim tài liệu lên đường tham gia chiến dịch. Tôi được phân làm đạo diễn của một đoàn gồm hai anh Dương Đình Bá và Thẩm Võ Hoàng làm quay phim. Ba đoàn kia là đoàn Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ, đoàn Trần Vũ - Bành Bảo và đoàn Bùi Đình Hạc - Lưu Xuân Thư. Riêng đoàn Hải Ninh được quay phim màu còn tất cả đều quay đen trắng. Lúc này ta đã giải phóng tới Nha Trang rồi nên tuy gọi là đi B, nhận quân trang quân dụng như người đi B, nhưng chúng tôi có thể yên tâm lên đường trên 4 chiếc xe Bắc Kinh mới toanh chạy thẳng theo quốc lộ I. Trước khi đi chúng tôi được nghe đồng chí Cục trưởng Phan Trọng Quang truyền đạt chỉ thị dặn dò của đồng chí Tố Hữu. Tôi còn nhớ đinh ninh lời truyền đạt như sau: Các đồng chí có thể gặp các văn nghệ sĩ trong ấy. Họ có thể đi ô tô mà các đồng chí thì đi bộ. Nhưng các đồng chí đừng tự ái, hãy dang tay ra với họ trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc... Có nghĩa là lúc đó, đầu tháng 4.1975 ở trên còn dự kiến tới một khả năng ta có thể vào Sài Gòn trong bối cảnh của một Chính phủ liên hợp các bên. Tôi không quan tâm tới chuyện sẽ vào Sài Gòn trong bối cảnh nào. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng trong chuyến đi này tôi sẽ được về Huế - quê hương mà tôi xa cách đã 25 năm.
Ngày đến Huế tôi cố lục trong ký ức để tìm đường về nhà mà không cần hỏi đường và tôi đã tìm về đúng ngôi nhà xưa. Bác tôi cùng bà con họ hàng ngạc nhiên, mừng rỡ vô cùng, không ngờ tôi lại được trở về sớm như vậy. Cách đây 25 năm khi chia tay ra đi, những người thân trong gia đình có ai ngờ ngày trở về chỉ có mình tôi. Không còn mẹ tôi, không còn cha tôi, không còn em gái tôi... Sau khi cha tôi mất, một thời gian sau bà nội tôi cũng qua đời. Chẳng còn ai để bà tôi phải chờ đợi nữa nên bà đã ra đi. Khi biết tôi bây giờ làm nghề đạo diễn phim thì cả nhà lặng đi không còn biết nói gì hơn vì thất vọng. Không một ai trong gia đình có thể nghĩ rằng tôi lại làm cái nghề mà họ cho là kỳ quặc này... Ai cũng đinh ninh rằng tôi phải là một nhà khoa học, hoặc một giáo sư bác sĩ như cha tôi. Mãi sau bác tôi mới thở dài nói một câu để an ủi cả nhà: Nhưng thôi, cháu nó có làm cái nghề này thì mới được vào đây sớm để thăm bà con.
Chúng tôi chỉ ở lại Huế có hai ngày rồi phải đi tiếp. Vào tới Nha Trang, các đoàn dừng lại để nhận phân công đi các mũi. Đoàn Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ và đoàn Bùi Đình Hạc - Lưu Xuân Thư nhận nhiệm vụ vào Tây Ninh gặp Trung ương cục miền Nam để rồi theo mũi chủ công của quân ta tiến vào Sài Gòn. Đoàn anh Trần Vũ lên Buôn Ma Thuột còn đoàn tôi vào khu V. Anh Trần Vũ sau khi nghe phân công xong than thở với tôi: Thế là hết mộng vào Sài Gòn. Riêng tôi được về Huế thế là thỏa mãn lắm rồi, bây giờ đi đâu cũng được, không thắc mắc gì cả. Hai đoàn Hải Ninh, Bùi Đình Hạc rẽ lên Trường Sơn để đi Tây Ninh. Đoàn Trần Vũ đi lên Buôn Ma Thuột còn đoàn chúng tôi lăn bánh xuôi theo quốc lộ I vào Phan Rang gặp Khu ủy khu V. Khi tới nơi trình giấy giới thiệu xong, các đồng chí trong khu ủy cho biết tình hình diễn biến rất nhanh. Lệnh của trên là phải giải phóng Sài Gòn trước 1/5. Họ khuyên chúng tôi đừng bỏ lỡ cơ hội này.
Buổi sáng ngày 28 tháng 4, khi vào sân bay Thành Sơn định quay một vài hình ảnh, tôi thấy một không khí thật rộn rịp khẩn trương. Sân bay đang chuẩn bị đón máy bay của phi công Nguyễn Thành Trung từ miền Bắc bay vào để ném bom dinh Độc lập. Tôi hội ý với anh em trong đoàn không dừng lâu ở Phan Rang nữa mà đi dần về phía Sài Gòn. Trưa ngày 30.4, khi nằm ở Phan Thiết bật đài lên, tôi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ hạ súng để chờ gặp đại diện của Mặt trận giải phóng. Thời cơ đã đến. Chúng tôi lập tức lên xe thẳng tiến về Sài Gòn.
8 giờ tối ngày 30.4, xe chúng tôi đã lăn bánh trên xa lộ Biên Hòa. Tôi có cảm tưởng xe đi quá chậm. Càng gần tới Sài Gòn xe càng đi chậm hơn vì bị tắc nghẽn. Cuối cùng chúng tôi đã lọt được vào thành phố sáng rực ánh đèn. Một cảm giác choáng ngợp bàng hoàng đến nghẹt thở làm chúng tôi không ai nói với ai một câu nào. Mãi lu sau anh Lăng lái xe mới cất tiếng phá tan bầu không khí im lặng: - Nào ông Minh. Ông cứ đòi đi ngay. Bây giờ tới Sài Gòn rồi. Đi đâu đây?
Quả tình tôi cũng không biết đi đâu bây giờ trong cái thành phố xa lạ mênh mông này. Nhưng rồi trấn tĩnh lại, tôi mạnh dạn nói:
- Tôi có biết một nơi. Đó là dinh Độc lập. Tôi có xem trên ảnh. Bây giờ ta đến đó.
Sau một hồi hỏi đường, hết quẹo trái rồi lại quẹo phải, cuối cùng một cô gái phóng Honda đi trước tự nguyện dẫn đường cho chúng tôi đến dinh Độc lập. Anh Dương Đình Bá xuống trình giấy giới thiệu của Ban Thống nhất Trung ương nhưng không có ai tiếp vì lúc này chưa có ai chỉ huy ở đây cả. Các sư đoàn ai đến trước vào trước, ai đến sau vào sau, mỗi đơn vị chiếm lĩnh một góc sân trong dinh Độc lập. Riêng tòa nhà chính do trung đoàn xe tăng canh gác, đó là trung đoàn vào dinh Độc lập đầu tiên theo đường quốc lộ I. Họ cấm chúng tôi không được lên tầng hai nơi giam giữ nội các Dương Văn Minh, còn ngoài ra muốn vào đâu cũng được. Ngước nhìn lên nóc dinh Độc lập tôi thấy cả hai lá cờ Mặt trận: một to, một nhỏ bay trong gió. Lá cờ nhỏ là lá cờ của chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập. Lá cờ to là lá cờ được giao cho cánh quân đánh từ Củ Chi lên mà người ta tưởng sẽ vào sớm nhất. Nào ngờ mũi xe tăng tiến theo quốc lộ I lại vào đầu tiên, không gặp trở ngại nào đáng kể. Không một chiếc cầu nào trên quốc lộ bị đánh sập.
Nhìn quanh sân tôi thấy rất nhiều ánh lửa bập bùng trong đêm. Các chiến sĩ đang thổi lửa nấu cơm. Một số đang tắm giặt ở vòi phun nước. Một vài anh lính trẻ cưỡi thử Honda chạy vòng vèo trong sân. Tôi yêu cầu làm việc ngay, nhưng các quay phim cho biết không đủ ánh sáng. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi tìm được một bộ đèn pha cầm tay của một phóng viên quay phim nào đó để lại trong phòng họp báo của dinh Độc lập. Chiếc đèn pha cầm tay đó đã giúp chúng tôi quay những thước phim đầu tiên. Tôi đặt tên phim là: Tháng 5 - những gương mặt (vì những cảnh quay đó được thực hiện vào lúc 1 giờ sáng ngày mồng một tháng 5). Về sau tôi được biết sáng hôm 30 tháng 4, các phóng viên nước ngoài có mặt ở Sài Gòn được thông báo sẽ có cuộc họp báo quan trọng tại dinh Độc lập và họ đã tề tựu đông đủ ở đó. Nhưng cuộc họp báo đã không thành. Chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng đã húc đổ cổng dinh Độc lập. Một số phóng viên nhiếp ảnh và quay phim nước ngoài có mặt trong phòng họp đã vội chĩa ống kính hướng về phía có tiếng xe tăng và đã kịp ghi lại được giây phút lịch sử này. Hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng húc đổ cổng dinh Độc lập đã được một phóng viên Hãng Truyền hình Anh quay được (hình ảnh này đã được truyền đi khắp thế giới và về sau được đưa vào phim Việt Nam thiên lịch sử truyền hình của Đài truyền hình Anh). Không một phóng viên nhiếp ảnh quay phim nào của ta ghi được giây phút có một không hai đó, cho dù quay từ xa, từ phía sau lưng tới.
Tôi để ý tìm nhưng không thấy các đoàn khác của Xưởng phim Truyện Việt Nam. Không biết giờ này các anh đang ở đâu? Người đồng nghiệp duy nhất mà tôi được gặp trong đêm hôm ấy là anh Nguyễn Tự, đạo diễn kiêm quay phim của Đoàn 559, Tổng cục Hậu cần. Anh cho biết anh đi theo cánh quân từ Củ Chi lên.
Đêm ấy tôi nằm một mình trong Lễ đường ở tầng 1 của dinh Độc lập, lòng bàng hoàng như trong giấc mơ. Thậm chí tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại đang có mặt ở đây, vào giờ khắc lịch sử này. Đêm ấy tôi không sao chợp mắt được. Tôi nghĩ đến cha tôi, sao người không còn sống để được hưởng cái giây phút có một không hai này. Tôi thương cha tôi, thương mẹ tôi, thương hàng vạn hàng triệu người đã ngã xuống suốt dọc chiều dài của đất nước trong hàng chục năm qua. Gần sáng tôi thấy hai anh Thép Mới và Trần Kiên ở báo Nhân dân lò dò bước vào Hội trường. Các anh hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây.
Sáng hôm sau (1/5) Ban Quân quản chính thức tiếp quản dinh Độc Lập. Việc làm đầu tiên của Ban Quân quản là ra lệnh cho tất cả mọi người phải tập tức rời khỏi dinh. Trên nóc dinh lúc này chỉ còn lại một lá cờ duy nhất (lá cờ của chiếc xe tăng đã được cất đi). Khi ra khỏi cổng dinh tôi thấy đoàn các anh Hải Ninh và Bùi Đình Hạc đã có mặt ở trước vườn hoa. Đoàn anh Trần Vũ nghe tin Sài Gòn giải phóng cũng bỏ luôn Buôn Ma Thuột. Mỗi đoàn một việc, tất cả các máy quay phim đều xả hết tốc lực. Nhờ tài ngoại giao khéo léo (đúng hơn là nhờ tiếng Pháp rất chuẩn) của nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng, từ dinh Độc Lập đoàn chúng tôi chuyển đến ở tại khách sạn Caravelle, nơi có người quản trị là một bà người Pháp. Đêm đó trên lầu 9 của khách sạn, chúng tôi đã gặp hầu hết các phóng viên ngoại quốc đang có mặt tại Sài Gòn. Trong những ngày căng thẳng vừa qua họ đều rút về đây, nơi được coi là an toàn hơn cả vì khách sạn này là của người Pháp. Sau giây phút ngạc nhiên trước sự có mặt bất ngờ của chúng tôi, một vài người lân la đến chuyện trò. Người đầu tiên làm quen với chúng tôi là phóng viên của Hãng thông tấn Pháp AFP. Ông cho biết tất cả các phóng viên có mặt tại đây đều có mặt tại dinh Độc lập sáng ngày 30 tháng 4. Một người nào đó rỉ tai tôi cho biết người phóng viên đã quay được cảnh chiếc xe tăng húc đổ dinh Độc lập cũng đang có mặt ở trong khách sạn này, đề nghị tôi thông báo cho quân quản biết để tịch thu những thước phim đó. Nhưng tôi đã không làm như vậy.
Hôm sau, chúng tôi được phép trở lại dinh Độc lập để quay lễ thả các thành viên trong nội các Dương Văn Minh bị tạm giữ từ ngày 30 tháng 4. Buổi lễ đơn giản, gọn nhẹ dưới sự chủ trì của Trung đoàn trưởng Trung đoàn xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh nói vài lời ngắn gọn (lặp lại ý vua Bảo Đại đã từng nói trong lễ thoái vị ở Huế tháng 8 năm 1945: vinh dự được làm công dân một nước Việt Nam độc lập). Sau đó các vị trong nội các ra về trên những chiếc xe ôtô nhà đến đón, chờ sẵn ở thềm dinh. Tôi đứng nhìn đoàn xe con sang trọng nối đuôi nhau đi ra cửa, lòng bồi hồi tự hỏi: chẳng lẽ mọi việc lại kết thúc đơn giản vậy sao? Có ai hình dung được những gì sẽ đến sau này, sau cái giây phút thắng lợi ngây ngất đó?...
Từ hôm đó, sáng sáng chúng tôi vác máy quay ra đường, quay bất cứ những gì muốn quay. Nội dung chủ yếu của đoàn nào cũng chỉ xoay quanh hai chủ đề: Nỗi hân hoan của người dân Sài Gòn vừa được giải phóng và tàn dư của một xã hội sống dưới ách thực dân kiểu mới. Chúng tôi chạm trán nhau luôn trong khi quay. Đoàn nào cũng quay các cuộc tuần hành của sinh viên thanh niên trên đường phố để nói lên nỗi hân hoan và đoàn nào cũng săn lùng quay ăn mày để tố cáo chế độ thực dân. Mấy người ăn mày ở chợ Bến Thành trong những ngày ấy ngạc nhiên không hiểu sao lại được các nhà quay phim miền Bắc ưu ái như vậy. Các ổ xì ke, gái mãi dâm cũng được quan tâm không kém vì đấy là những biểu hiện xấu xa của chế độ cũ, không quay nhanh sợ sau này không có mà quay. Tuy sống trong vùng kiểm soát của chế độ thực dân kiểu mới, nhưng trong nhiều gia đình mà tôi được tiếp xúc vẫn giữ được những nề nếp truyền thống của một gia đình Việt Nam. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy các em nhỏ khoanh tay lễ phép chào hỏi những người lớn tuổi, một điều mà ở miền Bắc từ lâu đã không còn thấy. Ngược lại bà con ở đây cũng không kém ngạc nhiên khi tiếp xúc với chúng tôi, những “Việt cộng” miền Bắc mà theo hình dung trước đó của họ hẳn dữ tợn gớm ghiếc lắm. Các đoàn phim lần lượt đều đến ở tại khách sạn Caravelle. Tối tối các phòng nhộn nhịp tiếng nhạc phát ra từ các máy băng cối Akai, Sony... của các nhà làm phim mua từ các chợ trời khuân về. Rồi quạt bàn, radio cassette bày la liệt... Bỗng có ai đó đưa tin khi qua cầu Hiền Lương tất cả các thứ này đều bị tịch thu hết, làm mọi người hết sức hoang mang. Rồi lại nghe đồn nếu có giấy chứng nhận của Ban Quân quản thành phố thì đem ra được. Thế là tất cả lại bổ nhào đi tìm mai mối để xin giấy chứng nhận của quân quản. Ngày trở về của mỗi đoàn cũng được giữ bí mật sợ ra cùng một lúc sẽ gặp khó khăn ở giới tuyến. Tôi gặp lại Phan Vũ đi theo đoàn biên kịch do Phó giám đốc Nguyễn Tiến Lợi dẫn đầu vào Sài Gòn. Tôi và Vũ lại có dịp lang thang với nhau như hồi ở Hà Nội. Có ai quen mời đến nhà, Vũ đều rủ tôi đi. Đi đâu Vũ cũng chỉ có một cái võ duy nhất để chinh phục cảm tình của mọi người là đọc thơ và cũng chỉ đọc một bài thơ duy nhất: Em ơi, Hà Nội phố. Bài thơ đó đã làm cảm động rất nhiều người mà chúng tôi đã gặp, xoá bỏ trong họ thành kiến về những người làm văn nghệ miền Bắc mà họ cho là khô khan, chỉ biết tuyên truyền hô khẩu hiệu. Trong những ngày ở Sài Gòn tôi được gặp khá nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở đây, đặc biệt là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người khi còn ở Hà Nội chúng tôi đều biết tiếng và hâm mộ. Nhưng người đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ mà tôi gặp lại là nữ diễn viên điện ảnh Thẩm Thuý Hằng. Những ngày chiến sự vừa qua chị cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Oánh chuyển đến ở tại khách sạn Caravelle. Không biết ai trong đoàn phim nói cho ông Oánh biết tôi là con trai của Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nên mấy hôm sau ông đem đến cho tôi xem những bức ảnh cũ chụp trong thời gian ông du học tại Nhật. Tôi hết sức ngạc nhiên thấy có rất nhiều ảnh ông chụp chung với cha tôi. Ông cho biết khi cha tôi làm nghiên cứu sinh ở Tokyo thì ông đang học đại học, và cùng sinh hoạt trong Hội Việt kiều do cha tôi làm chủ tịch.
Sài Gòn hồi đó chưa có nhiều thay đổi như bây giờ. Thành phố tuy nhộn nhịp nhưng vẫn có những đường phố thật yên tĩnh thơ mộng. Tôi lên Đà Lạt - một khung trời thật êm đềm lãng mạn khiến tôi phải ngỡ ngàng. Những buổi chiều mưa, nhìn các cô gái lững thững cầm những chiếc ô mầu đi trên những đường dốc thoai thoải, tôi có cảm tưởng chiến tranh không bao giờ có mặt ở đây. Tôi đã có những kỷ niệm về Sài Gòn và Đà Lạt mà không bao giờ tìm lại được nữa.
Sau 3 tháng, đoàn chúng tôi trở ra Hà Nội. Khi ra tới Huế, vừa tới đầu cầu Tràng Tiền tôi đã nghe tiếng loa phóng thanh ầm ĩ, và một tốp người rất đông đang đứng tập thể dục. Tôi biết rằng nếp sống mới đã đến với quê hương tôi (loa phóng thanh và tập thể dục chung là hai thứ không thể thiếu được dưới chế độ mới). Bộ phim tài liệu Tháng 5 - những gương mặt đã ra đời sau chuyến đi ấy. Hai năm sau tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI tổ chức vào năm 1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, phim Tháng 5 - những gương mặt nhận được Giải Bông Sen Bạc. Đó là giải thưởng đầu tiên của tôi trong điện ảnh.
♦
Lần đầu được đào tạo
về điện ảnh
Sau chuyến đi làm phim trong chiến dịch Hồ Chí Minh tôi có thêm ít nhiều tín nhiệm của cơ quan. Năm 1976 tôi được cử đi thực tập đạo diễn tại Bulgarie trong 6 tháng (một phần là để dịch cho cả đoàn thực tập vì không có ai biết ngoại ngữ). Đây là lần đầu tiên tôi được Nhà nước đào tạo về điện ảnh. Thực tập thực ra là một cuộc đi xem người ta làm phim, một cuộc đi cỡi ngựa xem hoa. Chẳng có ai hướng dẫn, chẳng có ai chỉ bảo gì. Ra hiện trường đạo diễn tất bật với bao công việc, chẳng ai dám tới gần để hỏi điều này điều nọ. Tôi chỉ học được có hai điều trong chuyến đi thực tập đó. Một lần trong khi đạo diễn đang tập cho diễn viên, bên ngoài có tiếng ồn ào nói chuyện, ông đạo diễn đã hét lên: Có im đi không! Không biết là Chúa đang tạo thế à? Cả đoàn im phăng phắc, nín thở. Tôi học được bài học thứ nhất: Đạo diễn trên hiện trường là Chúa trời. Một lần khác một đạo diễn tâm sự với tôi: Chúng ta đều là đạo diễn ở nước XHCN, làm phim do Nhà nước bỏ tiền. Điều quan trọng là không được nhân nhượng với chủ nhiệm phim, người quản lý số tiền đó. Một lần nhân nhượng, hai lần nhân nhượng, đến lần thứ ba coi như hỏng phim. Anh hãy nhớ là không được một lúc nào nhân nhượng. Điện ảnh Bulgarie trong những năm đó nở rộ với những phim từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như: Chiếc sừng dê, Tình thương... Khán giả Việt Nam lúc đó đang mê mẩn với bộ phim nhiều tập Trên từng cây số. Có thể nói đó là thời kỳ đẹp đẽ nhất của điện ảnh nước này. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một nước Đông Âu. Bulgarie - đất nước của hoa hồng đã để lại cho tôi những ấn tượng thật êm đềm. Thủ đô Sofia xinh xắn và những chiếc tàu điện đi qua khu rừng giữa lòng thành phố là những kỷ niệm không bao giờ phai đối với tôi trong thời gian thực tập ngắn ngủi ở đó.
Trở về nước, tôi nghiễm nhiên trở thành một đạo diễn có học như ai (đạo diễn made in Bulgarie). Tôi được giám đốc gọi lên giao làm phim tiếp: phim Ngày mưa cuối năm chuyển thể theo vở kịch Những người bóc đá của Hồng Phi. Phim nói về cuộc đấu tranh của một kỹ sư trẻ giàu sáng kiến ở mỏ than với ông giám đốc bảo thủ. Cuối cùng được bí thư Đảng ủy mỏ ủng hộ, sáng kiến của kỹ sư nọ được chấp nhận mang lại năng suất cao cho mỏ than. Tôi cùng đoàn làm phim xuống mỏ than Hòn Gai để thực hiện bộ phim. Vừa mới đặt chân tới đất mỏ, bỗng xảy ra một sự cố bất trắc: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh yêu cầu được đọc kịch bản. Sau khi đọc xong, họ cấm không cho chúng tôi được quay phim này với lý do những việc nêu lên trong kịch bản là không có trong thực tế ở đất mỏ, không làm gì có chuyện sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở mỏ lại bị cản trở. Đoàn phim muốn quay ở đâu thì quay, nhưng không được quay ở mỏ than Hòn Gai. Ban giám đốc Xưởng phim vội phái người xuống gặp lãnh đạo Tỉnh để tiếp thu ý kiến, rồi yêu cầu tôi căn cứ trên những ý kiến đó sửa chữa lại kịch bản cho phù hợp. Thực tình tôi biết có sửa chữa, thêm bớt cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nội dung của kịch bản, vì nó vốn xuất phát từ một vở kịch được viết ra từ một trại sáng tác về đề tài công nhân mỏ, một kịch bản loại người tốt việc tốt. Phim làm xong cũng chẳng có tiếng vang gì, chỉ được lãnh đạo Xưởng phim khen là làm nhanh, giúp Xưởng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch để nhận cờ thi đua luân lưu của Bộ.
Sau hai phim được làm đạo diễn chính, sự háo hức ban đầu trong tôi không còn như trước nữa. Việc phấn đấu để được công nhận là đạo diễn đối với tôi đã xong. Tôi bắt đầu nghĩ về ý nghĩa của cái nghề này. Nếu tôi tiếp tục xếp hàng rổ rá ở Xưởng thì cứ hai hoặc ba năm sẽ được Ban Giám đốc gọi lên giao cho một kịch bản đã được duyệt sẵn, đem về thành lập đoàn làm phim rồi đi quay và cuối cùng cũng thành một bộ phim. Hết phim chiến đấu đến phim về đề tài sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... Đó là những sản phẩm từ những kịch bản được các nhà biên kịch của Xưởng viết ra sau những chuyến đi gọi là thâm nhập thực tế. Cầm giấy giới thiệu của Xưởng, họ đi về các địa phương. Đến đâu cũng được lãnh đạo các cấp đón tiếp niềm nở, ở nhà khách của tỉnh, cơm bưng nước rót, nghe báo cáo thành tích, gặp gỡ vài tấm gương điển hình, ghi ghi chép chép, rồi về ghép lại thành kịch bản.
Những kịch bản như vậy được thông qua rất dễ dàng. Chúng là sản phẩm của một nền văn nghệ được định hướng từ trên và được thực hiện bởi những nghệ sĩ công chức. Quả thật tôi chẳng thấy mặn mà gì với những thứ kịch bản như thế. Chúng khô khan, sơ lược, giáo điều... nhưng lại được cho là mang tính hiện thực xã hội chủ nghĩa sâu sắc. Một lần tôi thắc mắc hỏi ông phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của Xưởng thế nào là kịch bản mang tính hiện thực XHCN thì được ông trả lời ngắn gọn: là cái kết phải vui. Cái tiêu chí của việc duyệt kịch bản hồi ấy và cho đến tận bây giờ vẫn thế: ca ngợi người tốt, việc tốt, xã hội tốt... có chuyện gì xấu thì chỉ là cá biệt và cuối cùng thì cái kết phải lạc quan. Tôi cảm thấy không thể dấn thân tiếp tục vào con đường nghệ thuật kiểu này được. Tôi dửng dưng nhìn người ta tung hô những sản phẩm kiểu như vậy... Tôi chán ngán cả những phim mà tôi đã làm về những đề tài, về những con người rất đỗi xa lạ đối với tôi. Nếu đấy quả thực là điện ảnh thì tôi đành từ giã nó vậy. Tôi đã đến với nó một cách tình cờ thì tôi cũng sẵn sàng ra đi không có nợ nần vương vấn gì. Tôi từ chối mọi phân công làm phim của giám đốc (xin được làm thì khó, chứ từ chối thì rất dễ vì luôn sẵn có người khác thế chân). Để lấp chỗ trống trong đầu, ban đêm tôi đi học tiếng Pháp, ban ngày ôn luyện. Ba năm liền hầu như tôi không lui tới Xưởng phim. Thời kỳ này một số đạo diễn thức thời đã sớm từ giã con đường sáng tác nghệ thuật để chuyển sang làm công tác quản lý: Đạo diễn Lê Đăng Thực về làm hiệu trưởng trường Điện ảnh. Đạo diễn Nguyễn Thụ lên giám đốc Xưởng phim truyện rồi Cục trưởng Cục điện ảnh. Đạo diễn Bùi Đình Hạc về làm giám đốc Xưởng Thời sự Tài liệu (sau này lên Cục trưởng thay ơng Nguyễn Thụ). Để có đủ chỗ, người ta đã nghĩ ra cách nâng các Xưởng lên thành Hãng. Trong Hãng có nhiều Xưởng. Và thế là một loạt giám đốc, phó giám đốc Hãng, Xưởng trưởng, Xưởng phó xuất hiện hình thành một đội ngũ quan chức điện ảnh rất đông đảo. Người đạo diễn Vờ-Gích hẩm hiu nhất là Nguyễn Đỗ Ngọc. Anh vốn là sinh viên đại học Tổng hợp Văn. Nhờ cĩ ơng cậu là Đỗ Đức Dục Thứ trưởng Bộ Văn hóa can thiệp nên chuyển sang học đạo diễn điện ảnh ở Liên Xô. Anh có năng khiếu viết văn, đã từng đăng truyện ngắn Tứ tử trình làng trên báo Văn nghệ có tiếng vang. Sau vài lần làm phim không thành (vì phải làm theo những kịch bản mà bản thân anh không thích), viết hết kịch bản này đến kịch bản khác không được duyệt, Nguyễn Đỗ Ngọc trở nên trầm uất một thời gian dài để rồi cuối cùng dẫn đến một kết cục thật bi thảm: cầm dao tự mình vạch bụng tự tử. Tôi vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm khi anh rủ tôi về nhà ở gần vườn hoa Hàng Đậu, say sưa đọc cho tôi nghe kịch bản Bảy ngày mù trời, nói về những du kích Vĩnh Linh vật lộn với bão tố và máy bay địch để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.
Không lâu sau, người ta gộp tất cả đạo diễn, quay phim, họa sĩ và cả chủ nhiệm phim chia ra làm ba Xưởng sản xuất phim. Tôi được xếp về Xưởng 3 của ê-kíp Trần Vũ - Bành Bảo mặc dù chẳng phải là người thuộc ê-kíp nào. Xưởng 2 là của ê-kíp Trần Đắc - Trần Kim Thành và Xưởng 1 là của ê-kíp Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ. Đây là thời kỳ tôi cảm thấy bế tắc và chán ngán nhất. May thay những buổi học tiếng Pháp miệt mài vào ban đêm đã giúp tôi giữ được sự thăng bằng trong đời sống. Những áng văn trong sáng trữ tình bằng tiếng Pháp mà các thầy giáo già (từng dạy ở trường Albert Sarraut cũ) đem ra giậy đã lấp hết các khoảng trống trong đầu tôi. Chúng giúp tôi cách ly hẳn với môi trường xung quanh.
♦
Phim tài liệu “Nguyễn Trãi”
Đầu năm 1980 một hôm tôi được giám đốc Nguyễn Thụ gọi lên gặp. Ông cho biết vừa đi họp trên Cục Điện ảnh về. Trên yêu cầu phải có một phim tài liệu về Nguyễn Trãi nhân dịp 600 năm ngày sinh của ông, sau khi UNESCO vừa công nhận ông là một danh nhân văn hóa thế giới. Ông Thụ cho biết Hãng phim tài liệu không nhận làm vì không biết phải phải quay những gì. Thật vậy các tư liệu về Nguyễn Trãi hoàn toàn không có gì ngoài bức chân dung vẽ trên tranh lụa treo trong Viện Bảo tàng Lịch sử. Ông Thụ nói với tôi khi giao nhiệm vụ: Tớ nhận về cho Hãng mình để có thêm một đầu phim, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm nay. Cậu lâu rồi không làm phim, nên nhận phim này. Làm dễ thôi mà. Cứ đem máy vào Bảo tàng Lịch sử mà quay rồi về ấn thuyết minh vào là xong.
Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Được làm phim về ông là một may mắn lớn, lại thêm nguồn tư liệu không có gì càng kích thích trí sáng tạo của tôi. Dùng ngôn ngữ bằng hình ảnh để diễn tả cái vô hình là điều làm tôi thấy hứng thú. Tôi nhận lời với giám đốc mà lòng thầm nghĩ: để rồi xem, bộ phim không đơn giản như ông nghĩ đâu. Tôi tìm đọc lại toàn bộ thơ văn và tiểu sử của Nguyễn Trãi, cùng đoàn làm phim lên đường đến tất cả những nơi có liên quan tới ông: từ núi Pù Rinh ở Hương Sơn phía tây Thanh Hoá (Khi Hương Sơn lương cạn mấy tuần... Lúc Khôi Huyện quân không một lữ). Đến thành phía tây ở Nghệ An, rồi Cẩm Thủy ở Thanh Hóa nơi Nguyễn Trãi dâng Bình ngô sách cho Lê Lợi v.v... Buổi về quay ở Nhị Khê có đông đủ bà con trong dòng họ Nguyễn Trãi đã gắn bó tôi với cái làng cổ kính này. Tôi trở thành người thân trong gia đình cụ Nguyễn Thục cháu 17 đời của Nguyễn Trãi. Từ đó đến nay hàng năm tôi thường trở lại thăm như con cháu trong nhà. Tôi đã đem hết tất cả tình cảm và trí sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh để làm bộ phim này. Cộng với lời bình thâm trầm và bác học của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bộ phim đã thành công tốt đẹp. Buổi chiếu ra mắt ở hội trường Hãng có đông đủ các nhà sử học, các nhà văn hóa trong đó có bác sỹ Nguyễn Khắc Viện. Tất cả dều cho rằng trong phim này những người làm phim đã tìm ra được cái chìa khóa để giải quyết vấn đề đó là thể loại tùy bút điện ảnh với ngôn ngữ điện ảnh súc tích giàu hình ảnh. Nhà thơ Cù Huy Cận, đại diện của Việt Nam ở UNESCO là người theo dõi việc làm phim của chúng tôi từ những ngy đầu. Ông hết sức lo lắng. Mỗi một đợt nháp quay xong ông đều đòi xem, có lần còn mời cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem để góp ý kiến. Mãi sau này khi phim đã hoàn thành, một lần gặp tôi ông khen một câu mà đối với tôi là hơn tất cả mọi lời khen: Cậu đúng là con ông Ngữ.
Sau phim đó tôi càng yêu mến hơn thể loại phim tài liệu, mối tình đầu dang dở của tôi. Tôi định bụng từ nay chỉ làm phim tài liệu, nhưng ở Hãng phim Truyện không phải lúc nào cũng có phim tài liệu để làm. Giám đốc Nguyễn Thụ rất hài lòng với kết quả của công việc mà ông đã giao cho tôi. Một lần ông bắt tay tôi nói: Về phim tài liệu thì tôi chịu cậu rồi, còn chờ cậu làm phim truyện xem sao. Ông giám đốc này có một đức tính rất quý báu, luôn coi sự thành công của người khác như của chính mình và như ông từng nói nhiều lần: ông sẵn sàng làm bệ phóng cho anh chị em nghệ sĩ. Sau này lên làm Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông vẫn làm đúng như vậy.
Tôi lại trở về với những buổi tối học tiếng Pháp. Thời gian rỗi rãi tôi thường phóng xe về Bắc Ninh, lang thang với nhà văn Đỗ Chu về các làng quê vùng Kinh Bắc, có khi tức hứng đáp tàu hỏa lên Đồng Mỏ chơi với nhà văn - nhà giáo Nguyễn Trường Thanh. Khi nổ ra chiến sự biên giới, chờ khi quân Tàu rút về nước, tôi đi nhờ xe bộ đội vào thị xã Lạng Sơn khi thị xã còn nằm trong chế độ quân quản. Tôi đau lòng trước một thị xã êm đềm thơ mộng nay chỉ còn là một đống gạch vụn. Tôi nghĩ đến bao giáo điều quái gở như: chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần, đấu tranh giai cấp v.v... được du nhập vào Việt Nam làm tan nát bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận... Những ý nghĩ đó được tôi viết ra trong truyện ngắn Thị xã trong tầm tay. Vũ - nhân vật chính của truyện là một nhà báo của một tờ báo ở Trung ương. Anh được cử lên Lạng Sơn để viết bài tố cáo tội ác, sự phản bội của những người ở bên kia biên giới. Nhưng toàn bộ câu chuyện lại là sự thức tỉnh lương tâm của anh về sự hèn nhát phản bội của chính mình với một cô gái quê ở Lạng Sơn. Khi còn là sinh viên, họ yêu nhau. Nhưng rồi cô gái bị phát hiện có bố di cư vào Nam chứ không phải đã chết như cô khai trong lý lịch (thực ra bố cô đã theo một người đàn bà buôn chuyến, bỏ mẹ cô khi cô còn nhỏ, để vào Nam và bà mẹ không muốn cho cô biết chuyện đau lòng ấy nên đã nói dối với con mình rằng ông đã chết). Tổ chức nhà trường đã ghép cho cô cái tội khai man lý lịch. Còn Vũ, vì để bảo đảm an toàn cho mình đã lánh xa cô, nhất là lúc sắp ra trường chờ phân công công tác. Cuộc điều tra để tố cáo tội ác diễn ra trên thị xã Lạng Sơn đồng thời cũng là cuộc lục vấn lương tâm của người đi điều tra. Vũ cố tìm lại dấu vết của người yêu cũ. Nhưng khi tìm thấy thì anh không đủ can đảm để đến gần. Hạnh phúc chỉ trong tầm tay thôi, nhưng anh biết rằng anh đã đánh mất nó mãi mãi.
Trở về Hãng, tôi thấy một không khí rất nhộn nhịp. Ông Nguyễn Tiến Lợi, phó giám đốc Hãng, dẫn đầu một đoàn biên kịch đạo diễn lên Lạng Sơn thâm nhập thực tế để làm phim. Đoàn lên biên giới gặp Bộ chỉ huy Quân khu I, được đón tiếp niềm nở, được nghe kể lại về cuộc chiến đấu vừa qua trên biên giới. Lúc về Hà Nội biên kịch Hoàng Tích Chỉ lập tức cho ra đời kịch bản Đất mẹ và đạo diễn Hải Ninh sẽ làm đạo diễn. Cả Hãng được huy động phục vụ cho bộ phim hoành tráng chống Tầu.
Những cảm xúc về chuyến đi Lạng Sơn tôi đã trút vào truyện ngắn Thị xã trong tầm tay. Tôi gửi đến báo Văn nghệ, không ngờ lại đúng vào dịp báo tổ chức cuộc thi truyện ngắn. Kết quả truyện ngắn của tôi nhận được giải ba của cuộc thi. Tôi phấn khởi vô cùng và đã toan từ bỏ điện ảnh để viết văn. Đấy là công việc ít lệ thuộc vào ai ngoài chính mình và cây bút. Tôi nhớ một nhà văn nước ngoài từng nói: Nếu anh cảm thấy bất lực, không làm được gì hơn thì hãy cầm lấy bút. Quả thực tôi đang bất lực. Tôi không biết làm gì hơn để giải tỏa sự bế tắc của mình và tôi đã cầm lấy bút. Tôi viết tiếp vài truyện ngắn nữa và chúng đều được lần lượt đăng trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn. Những truyện ngắn ấy năm 1993 được Nhà xuất bản Văn hóa tập hợp in thành một cuốn sách có tên là Nước mắt khô.
♦
“Thị xã trong tầm tay”
Một hôm tôi đang ngồi uống nước chè trong quán nước ven đường ở ngã tư Hàn Thuyên - Hàng Chuối thì tình cờ gặp ông Vũ Hoàng Địch, nhà nghiên cứu triết học v văn học Hán Nôm, bạn thân của ông cậu tôi, nhà sử học Nguyễn Hồng Phong. Tôi thường hay gặp ông Địch ở nhà cậu tôi. Ông Địch hỏi han công việc làm của tôi. Tôi tâm sự với ông Địch là tôi định từ bỏ điện ảnh. Tôi không thể làm phim theo những kịch bản phục vụ kịp thời do người ta viết sẵn như thế này được. Ông Địch cười bảo tôi: thì cậu viết lấy mà làm. Tôi hỏi lại: nhưng viết gì bây giờ? Ông Địch nói: viết cái gì cậu thích. Cái truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của cậu tớ vừa đọc trên báo Văn Nghe. Cái đó làm phim được. Đấy là cinéma chứ còn gì nữa?
Tôi giật mình nhận ra một lẽ rất giản đơn: đã không thích cái người ta viết thì hãy tự viết lấy xem sao. Viết không được hãy từ giã cái nghề này. Việc gì phải vội? Ông Vũ Hoàng Địch là em ruột nhà thơ lãng mạn Vũ Hoàng Chương, là người học rộng, hiểu nhiều, cả văn học phương Đông lẫn văn học phương Tây. Đến bây giờ tôi vẫn thầm cám ơn ông về lời khuyên trong quán nước hôm ấy. Đó là vào năm 1981, năm đánh dấu một bước ngoặt nữa trong cuộc đời sáng tác của tôi.
Hình 7. Một cảnh trong phim Thị xã trong tầm tay
Trở về nhà tôi đem truyện ngắn Thị xã trong tầm tay ra đọc lại và nhận ra cái chất cinéma đúng như ông Địch nói. Dỹ nhiên đấy không phải là cái chất xi nê ma có tích có tuồng quen thuộc. Tôi lập tức chuyển nó thành kịch bản rồi nộp lên Hãng. Hội đồng kịch bản Hãng đọc xong chuyển lên Hội đồng kịch bản Cục. Tại đây có 2 ý kiến cực lực phản đối. Một: kịch bản thiếu kịch tính, thiếu yếu tố để làm thành một phim truyện. Hai: không được nói động đến công tác tổ chức (trong kịch bản có cảnh một cán bộ tổ chức chất vấn nhân vật chính của phim về mối quan hệ của anh ta với cô người yêu có lý lịch không rõ ràng). May thay Cục trưởng Cục Điện ảnh lúc đó là ông Nguyễn Duy Cẩn, trước kia là giám đốc phát hành phim Trung ương, nơi tôi từng làm phiên dịch, đã ủng hộ tôi, yêu cầu tôi gặp đạo diễn Hải Ninh (có chân trong Hội đồng duyệt kịch bản của Cục) để nghe ý kiến đóng góp rồi sửa lại kịch bản, gửi lên Cục lấy dấu không cần phải duyệt lần nữa. Chấp hnh ý kiến của Cục tôi gặp đạo diễn Hải Ninh, nghe ông góp ý, rồi không sửa chữa gì cả gửi lại nguyên xi kịch bản lên Cục. Không lâu sau kịch bản được đóng dấu duyệt để đưa vào sản xuất.
Tháng 8 năm 1982, tôi cùng đoàn làm phim lên Lạng Sơn để thực hiện bộ phim. Thị xã Lạng Sơn lúc đó vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng. Dân chúng chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường. Tôi đã mời diễn viên Tất Bình vào vai chính trong phim - vai nhà báo Vũ. Đây là vai diễn đầu tiên của Tất Bình trong điện ảnh để rồi từ đó anh tung hoành trong lĩnh vực nghệ thuật này cho đến tận bây giờ với tư cách là Giám đốc Hng phim truyện 1. Tất Bình vốn là một diễn viên tốt nghiệp trường Sân khấu. Ra trường anh được phân xuống đoàn kịch nói Quảng Ninh, nhưng đã không chấp hành sự phân công đó, ở lại Hà Nội mở quán cà phê ở phố Triệu Việt Vương. Tôi gặp Tất Bình lần đầu tiên ở quán cà phê đó. Hồi đó trông anh rất thư sinh, người mảnh khảnh, đeo kính trắng, rất thích hợp với vai nhà báo người Hà Nội. Tôi mời Quế Hằng - một diễn viên trẻ của Nhà hát kịch Trung ương, chưa đóng phim bao giờ vào vai người yêu của Vũ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bất đắc dĩ phải xuất hiện trên màn ảnh. Vì tình hình biên giới còn chưa yên nên đến phút chót Bộ Ngoại giao không cho phép đưa một sinh viên Nhật Bản lên Lạng Sơn để đóng vai nhà báo Nhật. Không còn cách nào khác, anh chị em trong đoàn phim động viên tôi đảm nhận vai này vậy. Mặc dầu anh em hài lòng, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nếu có diễn viên chuyên nghiệp đóng vẫn hơn. Đây cũng là phim đầu tay của nhà quay phim trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, người mà sau này tôi còn cộng tác trong hai phim khác nữa.
Trước khi cùng đoàn phim lên Lạng Sơn tình cờ tôi gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Huế ra để đi thực tế biên giới. Tôi liền rủ Tường đi cùng. Hơn một tháng trời Tường ăn ở sinh hoạt cùng chúng tôi như một thành viên của đoàn làm phim. Tôi đã nhờ Tường làm một bài thơ để phổ nhạc cho ca khúc trong bộ phim. Sau đó chúng tôi gửi bài thơ vào Thành phố Hồ Chí Minh nhờ Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Vốn là bạn thân của Tường và cũng quen biết tôi từ ngày đầu giải phóng nên Sơn đã nhận lời. Ca khúc đó đã được đưa vào đoạn gần kết phim, khi Vũ trên đường đi tìm gặp người yêu cũ. Tôi còn nhớ mấy câu đầu của bài hát đó như sau: Mãi còn nơi biên giới / Mây trời và ải xưa / Một miền đất nắng mưa / Suốt đời tôi mang nặng...
Một khi có một nội dung, một vấn đề gần gũi và tâm đắc với mình (vì nó là con đẻ của chính mình) thì những hình thức thể hiện tự khắc tìm đến một cách rất tự nhiên. Chúng như có phép thần, hiện ra trong đầu tôi rõ mồn một. Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng phim Thị xã trong tầm tay là một phim giàu chất điện ảnh nhất trong các phim mà tôi đã làm. Tôi đã sử dụng một thứ ngôn ngữ điện ảnh, không phải để kể một cốt truyện mà để diễn tả mét tâm trạng thông qua những hồi ức của nhân vật chính.
Bộ phim ra đời đã làm mọi người hết sức bất ngờ. Kẻ bất ngờ vì coi đó không thể là một phim truyện theo cách nghĩ quen thuộc của họ. Người bất ngờ vì cho đó là một tiếng nói mới, một thứ ngôn ngữ mới chưa từng thấy trong các phim Việt Nam từ trước đến nay. Cuối cùng thì tôi là người bị bất ngờ hơn cả. Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được giải Bông Sen Vàng. Về sau tôi mới biết rằng những người chỉ đạo LHP muốn dành Bông Sen Vàng cho một bộ phim khác, nhưng trong Ban Giám khảo năm đó có các nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, nhà văn Nguyễn Khải cùng các đạo diễn Mai Lộc, Phạm Kỳ Nam, Trần Vũ là những người đã ủng hộ bộ phim của tôi. Phim còn nhận được một số giải cá nhân như: Giải kịch bản và Giải quay phim.
Tôi được biết đã có nhiều cuộc tranh luận gay gắt xung quanh việc chấm giải lần ấy. Cũng tại Liên hoan phim đó đã xảy ra một xì-căng-đan: phim Bãi biển đời người sau buổi chiếu khai mạc bị khán giả phản ứng dữ dội đành phải rút phim ra khỏi danh sách dự thi. Tại Liên hoan phim này, phim tài liệu Nguyễn Trãi nhận được giải Bông Sen Bạc cho thể loại phim tài liệu. Đúng là một năm may mắn của tôi.
Nửa năm sau, tôi gặp lại nhà thơ Chế Lan Viên ở Hà Nội. Ông cho biết sau Liên hoan phim ông còn bị chất vấn về việc đã trao Bông Sen Vàng cho bộ phim Thị xã trong tầm tay. Nhưng rồi ông nói: Tôi chẳng có điều gì ân hận cả. Cậu xứng đáng được giải, hãy chứng minh điều ấy trong những phim sau. Cám ơn ông, một nhà thơ, một nhà văn hóa lớn đã tiếp sức cho tôi trong những bước đi đầu tiên trên con đường sáng tác điện ảnh. Còn nhà văn Nguyễn Khải sau Liên hoan phim đó trở thành người bạn vong niên của tôi. Mặc dầu ít gặp nhau nhưng tôi biết anh vẫn luôn theo dõi mọi bước đi của tôi trong điện ảnh.
Vậy là tôi đã xác định cho mình một hướng đi: Tôi chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, mà tôi rung động. Tìm được cho mình một cách tồn tại trong điện ảnh, tôi không nghĩ đến chuyện từ giã nó nữa.
♦
“Bao giờ cho đến tháng Mười”
Tôi bắt tay viết kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những điều đã có sẵn trong tôi, không cần phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi. Một lần ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, tôi nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần tôi nhận ra đó là một đám tang. Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Còn anh đang nằm ở đâu trên chiến trường miền Nam, đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười.
Hình 8. Một cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười
Mở đầu phim là cảnh chị Duyên về làng sau khi vào Nam thăm chồng về. Nhưng chồng chị đã không còn nữa. Anh đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, vì đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị đã bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên trong làng đi cùng đò đã nhảy xuống sông vớt được chị. Khang cũng vớt lên được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết cái tin này. Nhưng Duyên lại muốn giấu kín tin dữ đó, chị không muốn làm cho bố chồng đang già yếu phải đau buồn. Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm yên lòng những người trong gia đình chồng, một tình tiết có thật trong đời sống mà tôi từng được nghe. Mối quan hệ thầm kín của hai người bắt đầu từ đó. Cảm động trước sự hy sinh chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đã đem lòng yêu mến cô, muốn được thay thế người đã mất, lo toan cho hạnh phúc cho cô và đứa con lên bảy tuổi. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên. Không may bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở khắp làng. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác. Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến một ngày ông bố chồng sắp hấp hối bắt cô phải đánh điện xin cho chồng về. Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ một xe commanca chở bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng bây giờ mới biết rằng chồng Duyên đã hy sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại... Ngày khai giảng, cô đưa con đến trường và hỏi thăm tin anh.
Kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười được Cục điện ảnh thông qua một cách nhanh chóng không gặp trắc trở gì, chỉ yêu cầu không được để thầy giáo Khang yêu cô Duyên (hồi ấy ông Nguyễn Thụ làm Cục trưởng). Nhưng đối với tôi, không có mối quan hệ đó thì còn gì là phim. Chấp hành ý kiến của Cục, tôi chỉ làm nhẹ mối quan hệ đó thôi chứ không bỏ hẳn. Hãng phim cử cho tôi một chủ nhiệm phim chưa làm chủ nhiệm chính một phim bao giờ và phân cho tôi một máy quay phim Côn-vát cũ của Liên Xô chất lượng rất kém, đến nỗi trong lúc quay phá hỏng không biết bao nhiêu thước phim, buộc tôi phải quay đi quay lại nhiều lần. Không chịu được nữa tôi bèn tự đi mượn một máy quay của Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng (nơi cha tôi trước kia làm Viện trưởng) để quay nốt nửa phim còn lại. Đây là chiếc máy quay Côn-vát do Liên xô viện trợ cho Viện để quay các phim giáo khoa về phòng chống sốt rét. May thay nó còn rất mới vì ít được dùng tới. Trong lúc đang quay giữa chừng, nhà quay phim Nguyễn Lân (vốn là giảng viên quay phim của trường Điện ảnh được Hãng mời sang quay cho phim này) bỗng nhiên thông báo sẽ đi Campuchia để giảng dạy trong 1 tháng (những ngày ấy được đi Campuchia là một dịp may, ít ai từ chối). Không thể dừng cả đoàn chờ đợi được, tôi quyết định sẽ làm việc với phó quay phim Phạm Tiến Đạt. Ông Lân biết vậy tuyên bố với giám đốc Hải Ninh rằng sau khi đi Campuchia về sẽ không quay lại đoàn phim nữa. Giám đốc Hải Ninh tức tốc vào đoàn phim yêu cầu ngừng quay, không chấp nhận phó quay phim Phạm Tiến Đạt làm quay chính. Nhưng khi vào tới nơi, thấy tôi vẫn bình tĩnh làm việc với Đạt, công việc vẫn tiến hành đều đặn, ông trở về và vài hôm sau cử nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy xuống đoàn để phụ giúp. Vậy là trong phim này thực chất có 3 quay phim với 3 phong cách khác nhau khiến tôi phải vất vả rất nhiều để giữ sự thống nhất trong các cảnh quay. Tôi đã mời nữ diễn viên Lê Vân vào vai chính của phim, để rồi từ đó tên tuổi của cô gắn liền với hình ảnh chị Duyên, người vợ liệt sĩ, tiêu biểu cho hàng vạn, hàng triệu phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Trước đó Lê Vân đã xuất hiện trong một vài phim nhưng để lại ấn tượng nhất cho khán giả đến nay vẫn là vai Duyên trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Người làm nhạc cho phim này là nhạc sỹ Phú Quang. Hồi ấy anh còn trẻ lắm vừa mới tốt nghiệp khoa sáng tác Trường âm nhạc và chưa từng làm nhạc phim bao giờ. Tôi biết anh là nhờ chị Phương Chi, bạn của vợ tôi, giáo viên piano ở trường giới thiệu. Anh đánh cho tôi nghe những giai điệu đầu tiên sáng tác cho phim trên chiếc piano trong căn hộ chật hẹp chỉ vừa đủ kê một chiếc đàn và một chiếc giường đôi ở trong ngõ Văn Chương Hà nội. Anh đã rung động thực sự khi làm nhạc cho phim này do đó âm nhạc của anh đã đi vào phim rất ngọt ngào, nâng sức truyền cảm của hình ảnh lên rất nhiều. Đén bây giờ tôi vẫn tiếc một điều: giá anh sử dụng thêm nhạc cụ dân tộc thì có lẽ chất dân gian sẽ còn đậm đà hơn.
Khi bộ phim hoàn thành, giám đốc Hải Ninh xem xong yêu cầu cắt bỏ trường đoạn chợ âm dương với lý do mê tín dị đoan. Đây là một trong những trường đoạn tâm đắc nhất của tôi trong phim này, nó đến với tôi không phải là tình cờ. Từ lâu tôi có đọc trong kho tàng truyện cổ Việt Nam có một truyện làm tôi hết sức chú ý. Đó là câu chuyên về đôi vợ chồng trẻ, không may người chồng bị chết một cách oan ức. Anh báo mộng dặn chị chờ đến phiên chợ Mạch Ma thì đến để anh gặp. Tại phiên chợ đó hai người đã gặp được nhau. Người chồng đã nói rõ sự oan ức của mình để chị vợ kêu lên cửa quan. Truyện còn ghi rõ chợ Mạch Ma ấy nằm ở Quảng Yên. Một lần trên đường đi Hạ Long, khi qua bến phà Rừng, xe dừng lại ở Quảng Yên và tôi bàng hoàng nhận ra mình đang ngồi uống nước trong chính cái chợ Mạch Ma đó. Sau này lên Hà Bắc nhà thơ Nguyễn Thanh Kim có cho tôi mượn đọc cuốn Địa dư chí Hà Bắc. Trong sách đó, ở mục Chợ Hà Bắc có ghi rõ những thôn nào, xã nào, ngày giờ nào, có những phiên chợ âm dương. Qua hai sự việc trên tôi nhận ra rằng trong tâm thức của người Việt Nam không có sự cách biệt giữa cõi Âm và cõi Dương, giữa người sống và người chết, đúng như cụ Nguyễn Du đã viết: Thác là thể phch, còn là tinh anh. Đó là một đặc điểm tâm lý rất Việt Nam. Nhưng giám đốc Hải Ninh không quan tâm tới điều đó. Ông chỉ sợ cấp trên phê bình là phim mang mầu sắc duy tâm huyền bí, tuyên truyền cho mê tín dị đoan.
Trước áp lực của ông tôi đành nhân nhượng cắt ngắn bớt trường đoạn này, điều làm tôi đau xót vô cùng. Ông gim đốc này thường có một lập luận thoạt nghe rất có lý: bộ phim làm ra không phải của cá nhân một ai. Nó là tài sản chung, là cơm áo gạo tiền của cả Hãng. Nếu phim có gì trục trặc, trên không cho ra thì hàng trăm cán bộ công nhân viên Hãng chết chứ không chỉ mình đạo diễn. Bởi vậy người giám đốc mới là người có trách nhiệm chính đối với bộ phim. Tôi không thể chấp nhận cái lập luận kiểu đó và cương quyết không chịu cắt bỏ thêm một cảnh nào nữa trong trường đoạn chợ âm dương.
Không còn cách nào dồn ép tôi được, giám đốc Hải Ninh bèn mời các cấp trên xuống xem trước cho an toàn. Có lẽ chưa có phim nào của Việt Nam lại phải duyệt đi duyệt lại nhiều tầng nhiều nấc như bộ phim này. Cứ mỗi nấc duyệt lại nảy sinh thêm những rắc rối mới. Mặc dù Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đình Quang ủng hộ, nhưng Thứ trưởng Vũ Khắc Liên lại băn khoăn không biết lúc này đã nên nói đến chuyện đau thương mất mát trong chiến tranh chưa? Ông cho biết ở Liên Xô 15 năm sau chiến tranh người ta mới làm phim Khi đàn sếu bay. Ở ta chiến tranh vừa mới chấm dứt không lâu, ở biên giới Tây Nam vẫn còn chiến sự, cần động viên thanh niên ra trận bảo vệ Tổ quốc. Nên xin ý kiến thêm các anh ở trên. Cứ như vậy lần lượt các Thứ trưởng đến Bộ trưởng trong Bộ, rồi tới ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm và rồi cuối cùng là tới Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh duyệt. Tổng cộng tất cả là 13 lần duyệt. Tôi cảm tưởng như mình là kẻ tội phạm bị các phiên tòa lôi ra xét xử liên tục. Tưởng đã thoát được trong phiên này lại bị lôi ra xử lại trong phiên khác. Trước khi được gọi đem phim tới chiếu tại nhà Tổng Bí thư Trường Chinh, tôi nói với các đồng sự: có lẽ đây là phiên xử cuối cùng. Đồng chí Trường Chinh ăn cơm tối xong cùng cả nhà ra phòng khách để xem phim. Một chiếc máy quay lưu động đã được đặt sẵn giữa phòng. Đèn tắt. Phim bắt đầu chiếu trong tiếng máy chạy rè rè. Tôi ngồi một góc phòng bên cạnh nữ diễn viên Lê Vân hồi hộp quan sát thái độ của đồng chí Tổng Bí thư. Tôi thấy đồng chí im lặng xem, theo dõi diễn biến trên phim không biểu lộ thái độ gì. Khi đèn bật sáng, đồng chí chậm rãi tiến về phía nữ diễn viên Lê Vân bắt tay và chỉ nói mỗi một câu: Thương lắm. Rồi đi vào. Đồng chí thư ký của Tổng Bí thư bảo chúng tôi ra về, ông sẽ truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư xuống cho lãnh đạo Hãng sau. Cả đoàn ra về phấp phỏng, không biết hai chữ “thương lắm” có phải là lời phán quyết cuối cùng chưa? Chúng tôi kéo nhau đi ăn phở. Tôi nói đùa với Lê Vân: Biết đâu ông nói thương là thương cháu chứ không phải thương cô Duyên thì sao? Những nhà chính trị nói ít nhưng ta phải hiểu nhiều. Tôi nhớ lần đem phim này vào chiếu cho ông Tố Hữu duyệt. Xem xong ông chỉ nói một câu: Gãi đúng chỗ ngứa thế này thì thiên hạ thích đây. Mãi về sau tôi mới hiểu chỗ ngứa mà ông nói nghĩa là gì. Đó là nỗi đau, là sự mất mát trong chiến tranh trong mỗi gia đình người Việt Nam. Tôi đã chạm vào nỗi niềm đó, và chỗ đó theo ông là chỗ ngứa. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ mà ông đã từng viết thuở còn trong bóng tối trong bài Tiếng hát sông Hương: Ngày mai thôi kiếp lầm than... Sẽ đưa em đến một vườn đầy hoa v.v... Ý nghĩ về bộ phim Cô gái trên sông của tôi bắt đầu hình thành từ đấy.
Sau lần đem phim vào chiếu cho Tổng Bí thư xem tôi không thấy giám đốc Hải Ninh yêu cầu chiếu cho ai xem nữa. Vụ xử đã kết thúc. Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã được tha bổng. Lập tức nó được khán giả trong cả nước đón nhận hết sức nồng nhiệt. Không những thế nó còn nhận được mối thiện cảm rất lớn của khán giả nước ngoài. Có lẽ đây là một phim truyện đầu tiên của Việt Nam đến được với công chúng ngoài biên giới sau năm 1975. Tôi được Đại sứ quán Pháp cấp học bổng sang tu nghiệp tại Pháp trong một năm. Một tháng sau khi tôi tới Paris, Bộ ngoại giao Pháp đã long trọng tổ chức chiếu ra mắt bộ phim này tại rạp chiếu bóng Cosmos trên đại lộ Rue de Reinnes ở trung tâm thành phố. Điều này làm Đại sứ quán ta tại Paris rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay chưa thấy họ làm như vậy bao giờ. Giấy mời tới xem phim được in rất trang trọng. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Roland Dumas và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Jack Lang cùng đứng tên trên giấy mời. Khách mời là ngoại giao đoàn ở Paris, giới văn nghệ sĩ, điện ảnh Pháp, đại diện kiều bo ta. Có thể nói buổi chiếu đã thành công mỹ mãn. Nhà văn kiêm nữ ký giả Pháp Madeleine Riffaud sau khi xem xong nước mắt giàn giụa ôm hôn tôi hồi lâu. Rồi chị ngỏ ý muốn nhận tôi làm em nuôi. Sau buổi chiếu đó tôi có thêm biết bao bạn bè người Pháp và người Việt sống ở Paris.
Khỏi phải nói sự háo hức của tôi khi lần đầu tiên được đến Paris. Những ngày nghỉ cuối tuần chị Madeleine dẫn tôi đi thăm những danh lam thắng cảnh, giới thiệu với tôi những nơi từng ghi dấu ấn của những danh nhân văn hóa Pháp và thế giới. Một lần chị đưa tôi đến một chiếc cầu bắc qua sông Seine, chỉ cho tôi nơi chị đã bắn một tên sĩ quan SS Đức trong những ngày Paris bị chiếm đóng. Hồi đó chị mới 18 tuổi, được tổ chức giao nhiệm vụ phải hạ sát tên sĩ quan này. Người ta cho biết hắn có thói quen cứ đến 5 giờ chiều thì bỏ hết mọi công việc để ra đây ngắm hoàng hôn trên sông Seine. Đó là thời điểm thích hợp nhất để hạ sát hắn. Và chị đã làm như vậy vào một buổi chiều như vậy trên chiếc cầu này. Chị trở thành người con gái tiêu biểu của Paris kháng chiến kể từ sau chiến công ấy. Nhưng chị nói với tôi: Cho đến bây giờ chị vẫn còn chút ân hận, giá chị bắn hắn vào một lúc khác, không phải là cái lúc hắn đang ngắm hoàng hôn. Vào cái phút đó, hắn là một con người biết thưởng thức cái đẹp. Chị còn đưa tôi đến một căn nhà hầm ẩm thấp nơi chị đã từng ngồi viết cuốn Trong rừng rậm Việt cộng kể về chuyến đi vào khu giải phóng của Mặt trận Giải phóng miền Nam năm 1972. Những kỷ niệm đầu tiên của tôi với Paris đều gắn liền với người phụ nữ thơng minh v xinh đẹp này (Picasso đã từng vẽ chân dung chị). Chị còn tâm sự với tôi về một cuộc tình với một người đàn ông Việt Nam mà chị cho là không rõ chị đã yêu con người ấy hay là yêu Việt Nam qua con người cụ thể ấy, chị cũng không biết nữa.
Trước khi bước vào thực tập về điện ảnh, tôi được xuống thành phố Vichy ở miền Nam nước Pháp để ôn luyện tiếng Pháp. Thành phố cổ kính này có những không gian không hiểu sao gợi cho tôi rất nhiều về Huế và Hà Nội. Có lẽ do kiến trúc của nó chăng, một kiểu kiến trúc mà ở Việt nam thường được gọi là kiển trúc thuộc địa. Tôi được sống một quãng đời sinh viên rất ngắn ngủi (chỉ có hai tháng) giữa những sinh viên đủ mọi quốc tịch trên thế giới đến đây ôn luyện tiếng Pháp trước khi vào các trường đại học.
Một hơm Đại sứ quán ta ở Paris nhắn tôi đến gấp có việc cần trao đổi. Đại sứ Hà Văn Lâu cho biết Liên hoan phim quốc tế ở Hawaii (Mỹ) điện sang mời tôi có mặt ở Honolulu gấp. Họ đã lo liệu xong vé máy bay cho tôi đi thẳng từ Paris sang Honolulu. Đại sứ Hà Văn Lâu điện về xin ý kiến bên nhà và được Bộ Văn hóa trả lời: chỉ cho đạo diễn Đặng Nhật Minh đi Pháp chứ không đi Mỹ. Năm đó phim Bao giờ cho đến tháng Mười được bà Ladinki, một bác sĩ Mỹ hoạt động trong Hội khoa học Mỹ - Việt xin phép Bộ Văn hoá đem sang Hawaii dự thi và phim đã được tặng giải đặc biệt của Ban Giám khảo. Trước ngày trao giải bà tìm tôi khắp nơi. Sau này gặp lại ở Hà Nội, bà cho biết ở Liên hoan phim năm đó người ta rất mong chờ sự có mặt của tôi.
Khởi từ Liên hoan phim đó, bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười bắt đầu một cuộc hành trình rất dài qua màn ảnh của rất nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại không ít thiện cảm cho đất nước Việt Nam, nền điện ảnh Việt Nam. Sau này tôi được nghe kể lại buổi chiếu đầu tiên của bộ phim tại Honolulu (Hawaii) vào tháng 11.1985 như sau: Các thuyền nhân Việt Nam ở Honolulu nghe có một bộ phim của Cộng sản Hà Nội được chiếu kéo đến vây xung quanh rạp với những biểu ngữ phản đối. Trước giờ chiếu 15 phút, cảnh sát nhận được một cú điện thoại báo tin trong rạp bị cài mìn. Lập tức khán giả được mời ra khỏi rạp. Sau một giờ rà soát, cảnh sát xác định tin kia là thất thiệt mới cho khán giả vào lại. Nhiều thuyền nhân cũng vào xem cốt để gây rối trong khi chiếu. Nhưng buổi chiếu đã kết thúc tốt đẹp trong tiếng vỗ tay và những giọt nước mắt đọng trên mi của nhiều người, trong đó có cả những thuyền nhân Việt Nam. Họ xúc động xem từ đầu đến cuối quên cả dự định từ trước của mình. Đó là những ngày căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Việt.
Trong những ngày thực tập ở Pháp tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích cho nghề nghiệp ở nền điện ảnh Pháp mà tôi từng hâm mộ từ lâu với các tên tuổi như: Alain Resnais, Truffaut, Godard... Tôi còn phát hiện ra những tên tuổi mới như Pialat, Téchiné, Romer... Tôi còn được xem những phim của Roman Polanski, Milos Forman, Andrei Konchalovski... mà tôi cảm thấy rất gần gũi trong phong cách làm phim. Đặc biệt ở Paris tôi còn khám phá cho mình một nền điện ảnh vĩ đại nữa mà tôi chưa hề biết đến bao giờ: nền điện ảnh Nhật Bản của Ozu, Kurosawa, Mizogushi...
♦
“Cô gái trên sông”
Trở về Việt Nam tôi bắt đầu viết kịch bản Cô gái trên sông mà tôi đã có ý định từ trước như một món nợ tinh thần của tôi đối với xứ Huế, quê hương tôi. Cô gái trong kịch bản chính là cô gái trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: Tiếng hát sông Hương. Cô gái đó tượng trưng cho nhân dân khổ đau hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, hết lòng che chở cho cách mạng. Phim bắt đầu bằng cảnh trong bệnh viện Huế. Liên, phỏng vấn của một tạp chí địa phương, đến thăm Nguyệt, cô gái vừa được đưa vào bệnh viện cách đây mấy hôm vì định lao vào xe ô tô để tự tử. Thì ra hai người đã quen nhau khi Nguyệt còn đang trong trại cải tạo nhân phẩm và Liên là nhà báo đến để viết một phóng sự. Nguyệt đã kể lại cho Liên câu chuyện riêng của mình liên quan đến một người đàn ông, người mà trước đây khi Huế còn chưa giải phóng cô đã có lần cứu giúp, rồi đem lòng yêu người đó vì những lý tưởng cao đẹp mà anh theo đuổi. Ngày ấy Nguyệt là một cô gái sống bằng nghề bán thân nuôi miệng trên sông Hương, còn người đàn ông kia là một chiến sĩ hoạt động nội thành. Trong một đêm bị địch săn đuổi người chiến sỹ đ nhẩy xuống sơng Hương rồi trèo lên một chiếc thuyền đang đậu neo trên sông. Thuyền đó là thuyền của Nguyệt đang chờ khách. Thuơng người gặp cảnh hoạn nạn, Nguyệt đã che dấu anh khỏi sự truy lùng của cảnh sát. Không những thế sáng hôm sau cô còn chèo đò đị ngược sông đưa anh trở về cắn cứ. Trong thời gian ngắn ngủi ẩn nấp trên thuyền người chiến sỹ cách mạng đã kịp gieo vào lòng cô gái giang hồ niềm hy vọng về một cuộc sống đầy hoa khi đất nước được giải phóng như trong bài thơ Tiếng hát sông Hương của nhà thơ Tố Hữu mà anh đã đọc cho cô nghe. Anh hứa sẽ quay lại tìm Nguyệt. Nhưng rồi anh đã không bao giờ quay trở lại. Sau ngày Huế giải phóng, Nguyệt đã cất công đi tìm anh để rồi khi tìm ra thì bị anh từ chối. Người chiến sĩ kia không nhận là đã quen cô vì anh bây giờ đã là một cán bộ cao cấp trong thành phố. Sau khi hỏi chuyện Nguyệt xong Liên viết một bài báo tố cáo, lên án sự bội bạc của người cán bộ hoạt động nội thành trước đây. Mặc dù có lệnh của trên không nên đăng bài báo đó, nhưng nhờ sự cương quyết của cả tòa soạn, cuối cùng nó vẫn được đăng. Đến lúc đó Liên mới biết rằng người cản trở không cho đăng bài báo của cô chính là chồng mình và anh chính là người cán bộ cách mạng bội bạc mà cô đang lên án.
Hình 9. Một cảnh trong phim Cô gái trên sông
Đây là thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới. Kịch bản đươc thông qua dễ dàng, thuận lợi. Tôi đã mời nữ diễn viên Minh Châu vào vai Nguyệt, không chút do dự, mặc dù trước đó Minh Châu chỉ mới xuất hiện trong một vài phim không để lại ấn tượng gì đặc biệt. Tôi tin ở sự lựa chọn của mình và quả thực Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Trong thời gian đang làm phim ở Huế, tôi đọc báo biết tin ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ kêu gọi không uốn cong ngòi bút, cởi trói và hãy tự cứu lấy mình trước khi Trời cứu. Tôi yên tâm tiếp tục làm phim, lòng mừng khấp khởi nghĩ rằng từ đây người nghệ sĩ sẽ được thoải mi hơn trong sáng tác. Người quay phim này là Phạm Việt Thanh, một quay phim trẻ, khỏe mạnh và đây là phim truyện đầu tay của anh. Phim đã quay được gần một nửa mà tôi vẫn chưa quyết định nên mời ai làm nhạc. Tôi bỗng nghĩ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người rất nặng lòng với Huế, bèn gọi điện vào Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ cần nói tôi đang ở Huế, đang làm một phim về Huế, và có ý định mời Sơn làm nhạc cho phim, lập tức anh nhận lời ngay không chút do dự, mặc dầu chưa biết nội dung phim. Sau này khi phim đã dựng xong hình ảnh đem vào thành phố Hồ Chí Minh để lồng tiếng tôi mới chiếu cho Sơn xem. Người lồng tiếng Huế cho vai Nguyệt trong phim chính là ca sĩ Thanh Lan. Cha cô là người Bắc, mẹ là người Huế, sinh sống ở miền Nam, cô nói được giọng cả ba miền không hề pha trộn. Thanh Lan rất nhiệt tình lồng tiếng cho phim, mặc dầu trước đó cô chưa hề lồng tiếng cho bất cứ phim nào trừ những phim có vai diễn của mình. Sau khi hoàn thành xong phần lồng tiếng thì Sơn cũng vừa soạn xong phần âm nhạc. Hôm thu nhạc cho phim, Sơn bị sốt cao nhưng vẫn cố đến phòng thu để theo dõi, sửa chữa những chỗ cần sửa, làm việc với dàn nhạc do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu chỉ huy. Âm nhạc mềm mại và sâu lắng của Sơn đã hỗ trợ cho phim rất nhiều.
Trong thời gian lồng tiếng tại số 6 Đồn Đất thành phố Hồ Chí Minh có một sự việc làm tôi nhớ mãi. Một buổi chiều ông Đinh Triết, Giám đốc Phát hành phim Trung ương vừa bay từ Hà nội vào, đang ở bên khách sạn Caravelle, lững thững ghé sang chơi. Thấy tôi đang loay hoay làm việc với anh chị em diễn viên lồng tiếng trong phòng thu ông mỉm cười rồi nói: Thôi làm phim này là phim cuối cùng. Sắp tới không ai làm phim nhựa nữa. Tôi ngạc nhiên hỏi: Tại sao vậy? Ông đáp: Cậu không biết gì à? Bây giờ người ta mới sáng chế ra loại phim video, không cần in tráng lôi thôi. Chiếu lên màn ảnh to trông rõ mồn một. Tơi đâm hoang mang. Quả tình tôi chưa nghe nói đến kỹ thuật tân kỳ này bao giờ. Tôi cũng không biết rằng những ngày ấy các cán bộ chủ chốt của ngành điện ảnh kéo nhau vào thành phố HCM để họp bàn một việc hệ trọng: chuyển hướng điện ảnh Việt Nam sang làm phim video và chiếu phim video, một chủ trương gây biết bao hệ lụy cho ngành về sau.
Trong không khí của những ngày đầu Đổi mới, phim Cô gái trên sông được Cục Điện ảnh thông qua rất nhanh chóng, không gặp khó khăn trở ngại gì. Bộ phim lập tức được giới điện ảnh và công chúng đón nhận hết sức nồng nhiệt. Nhưng phim ra mắt khán giả chưa được bao lâu thì nghe tin một đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng đã lên án nó gay gắt hai lần. Một lần tại diễn đàn của Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một lần tại kỳ họp của Quốc hội khóa 7. Nội dung phê phán xoay quanh việc trong phim người cán bộ cách mạng thì bội bạc, còn anh lính quân đội Sài gòn, người yêu của cô gái trên sông thì lại thủy chung. Bộ phim bị coi là đã bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ cách mạng (tuy vậy cũng không có một văn bản chính thức nào ra lệnh cấm chiếu phim này). Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam diễn ra năm 87 tại Đà Nẵng đã lâm vào cái thế hết sức khó xử. Một bên là sự đón nhận nồng nhiệt chưa từng có của công chúng Đà Nẵng và một bên là ý kiến phê phán của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Hơn thế nữa kết quả cho điểm bằng phiếu kín của các thành viên trong Ban Giám khảo cho thấy bộ phim Cô gái trên sông đạt số điểm cao nhất. Nghe tin bộ phim bị cấp trên phê phán, một số người xấu bụng tung tin bộ phim đã bị cấm chiếu làm Ban tổ chức lại càng hoang mang, có lúc đã định gạt hẳn phim ra khỏi danh sách giải thưởng. Cuối cùng người ta đã tìm ra được một giải pháp dung hòa: chỉ cho phim Cô gái trên sông giải Bông Sen Bạc (trong khi lẽ ra nó đủ điểm để được Bơng sen Vàng). Về sau tôi được nghe một số người trong Ban tổ chức kể lại: việc phim Cô gái trên sông chỉ được giải Bạc đã gây nên một làn sóng bất bình trong khán giả Đà Nẵng. Những ngày đó, sự tung tin, vận động, xúi giục trước khi bước vào Liên hoan phim của một số người trong giới điện ảnh làm tôi cảm thấy hết sức chán ngán nên đã quyết định không tham dự Liên hoan phim Đà Nẵng. Cả đoàn làm phim cũng theo tôi cùng ở lại Hà Nội. Tôi cùng chủ nhiệm Vũ Văn Nha, nhà quay phim Phạm Việt Thanh và nữ diễn viên Minh Châu nhận lời mời của Công ty chiếu bóng Hà Bắc lên Bắc Giang tiếp xúc với bà con trên ấy. Trong lúc đó ở Đà Nẵng khán giả chờ đợi chúng tôi từng ngày. Có người tung tin rằng chúng tôi vào tới Huế, thấy phim bị cấm bèn lộn ra (sau này nhiều người khi về qua Huế thấy khắp thành phố căng đầy áp phích của phim mới biết mình bị lừa). Sự nhiệt tình của khán giả Đà Nẵng năm ấy đã làm các nhà điện ảnh nước ngoài được mời tham dự phải ngạc nhiên. Ông Đinh Triết, giám đốc Phát hành phim Trung ương cho biết số người xem Cô gái trên sông đông đến nỗi tiền bán vé thu được từ bộ phim này đủ để trang trải toàn bộ mọi chi phí của Liên hoan phim, thậm chí còn thừa. Ông đề nghị trích tiền doanh thu của phim ra để thưởng cho đoàn làm phim, nhưng không ai dám quyết. Sau Liên hoan phim, Đoàn thanh niên Đà Nẵng đã mời nữ diễn viên Minh Châu vào gặp gỡ với khán giả trẻ thành phố. Minh Châu trở thành người nữ diễn viên được hâm mộ nhất lúc bấy giờ qua vai Nguyệt trong Cô gái trên sông. Dù sao bộ phim cũng đã nhận được giải Bông sen Bạc và Giải nữ diễn viên xuất sắc, Giải quay phim xuất sắc, trái với dự định của những kẻ rắp tâm muốn hãm hại nó.
Sau đợt chiếu đó, khán giả trong nước không bao giờ được xem lại phim Cô gái trên sông nữa, mặc dầu không có một văn bản chính thức nào cấm chiếu (hoặc có thể có mà tôi không được biết). Trớ trêu thay, bộ phim Cô gái trên sông lại được dư luận nước ngoài đón nhận như một biểu hiện đường lối Đổi mới của Việt Nam. CHDC Đức là nước đầu tiên mua để chiếu bộ phim này tại Tuần phim của các nước XHCN tổ chức tại thành phố Kotbus với bản phim đã được lồng tiếng Đức (hồi đó phe XHCN chưa tan rã). Sau này Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ... và nhiều nước khác tiếp tục mời chiếu. Ở đâu nó cũng được đón nhận với nhiều thiện cảm. Năm 1992 khi tôi sang New York để dự Tuần phim Việt Nam do Công ty Asean Cinevision đứng ra tổ chức, đại sứ Lê Văn Bàng đã nói với tôi: Anh cứ đem phim Cô gái trên sông ra để chứng minh cho đường lối Đổi mới của ta trong lĩnh vực văn nghệ (ông ở xa nên không biết bộ phim bị trong nước phê phán). Trong buổi chiếu phim này tại New York ông đại sứ và phu nhân cũng có mặt và tỏ ra rất hài lòng. Đến năm 1996, có nghĩa là 10 năm sau Đổi mới, Liên hoan phim Toronto giới thiệu một chương trình phim Việt Nam trong đó có phim Cô gái trên sông. Thật oan cho bộ phim khi được nước ngoài đón nhận như một dấu hiệu đáng mừng của công cuộc Đổi mới ở nước ta! Quả thật số phận của bộ phim cũng long đong như số phận cô gái được miêu tả trong phim, nhưng cái kết của nó lại rất có hậu. Tháng 4 năm 2000, để kỷ niêm 25 năm ngày Giải phóng miền Nam, kênh truyền hình ARTE của châu Âu đã chiếu lại phim Cô gái trên sông. Đây là bộ phim truyện Việt Nam duy nhất được chiếu trong dịp này. Hình ảnh và màu sắc của phim còn rất tốt vì đó chính là bản phim đã được Cộng hòa dân chủ Đức nhập trước đây và đã được bảo quản chu đáo. Sau 13 năm, phim Cô gái trên sông đã sống lại lần thứ hai một cách thật bất ngờ và ngoạn mục.
♦
Bước ngoặt bất ngờ (2)
Tháng 3.1989, Đại hội Điện ảnh nhiệm kỳ III khai mạc tại Hà Nội. Đây là một sinh hoạt 5 năm một lần của những người làm điện ảnh để bầu ra Ban chấp hành, Ban Thư ký và Tổng Thư ký cho tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình. Người ta nhận chỉ thị gì của trên về việc tiến hành Đại hội, về dự kiến nhân sự, tôi không hề hay biết. Tôi đến dự Đại hội như bất kỳ hội viên nào cốt để gặp mặt các đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc tụ hội về đây. Tôi được anh em trong chi hội Hãng phim truyện Việt Nam đề cử vào Ban chấp hành trung ương Hội. Danh sách đề cử có đến hàng trăm, ai cũng có quyền đề cử, ai cũng có quyền ứng cử. Mỗi lần đại hội như vậy thì việc bầu bán là nội dung sôi nổi hơn cả. Đó là bãi chiến trường của những cuộc tranh giành quyền lực, của những cuộc vận động cửa trước cửa sau, của những âm mưu cấu kết. Tôi như người lính vô danh giữa bãi chiến trường đó, người lính không của phe tham chiến nào. Tôi trúng vào Ban chấp hành Hội gồm 11 người. Tiếp theo đến lượt bầu Tổng Thư ký. Đại hội Điện ảnh năm đó đã mở đầu cho một tiền lệ về cách bầu cử của Hội Điện ảnh sau này. Đó là Tổng Thư ký phải do toàn thể Đại hội bầu. Thường thì Ban chấp hành bầu ra Tổng Thư ký. Chưa bao giờ có việc cả đại hội bỏ phiếu kín để bầu. Lý do mà các hội viên Hội Điện ảnh cương quyết đòi bầu trực tiếp Tổng Thư ký là vì họ biết rất rõ phương thức chỉ đạo trong những cuộc bầu bán như thế này. Nếu Tổng Thư ký do Ban chấp hành bầu thì trong phòng kín chỉ gồm các ủy viên chấp hành, người ta chỉ thị gợi ý rất dễ dàng và một khi đã được trên gợi ý, chỉ thị thì đố ai dám bầu khác cho dù là bầu phiếu kín. Những người làm điện ảnh không chấp nhận lối dân chủ nửa vời đó. Họ muốn có một thứ dân chủ thực sự. Cuộc bầu Tổng Thư ký bắt đầu trong sự hồi hộp chờ đợi của mọi người. Bầu vòng một kết quả không có ai đủ số phiếu quá bán. Đại hội dừng lại chờ sáng hôm sau bầu tiếp. Tối hôm đó các phe nhóm mở hết tốc lực để làm công tác vận động. Riêng tôi chẳng vận động cho ai kể cả cho bản thân mình. Vòng bầu thứ hai tôi trúng cử với số phiếu quá bán duy nhất. Một bất ngờ lớn đối với trên và đối với bản thân tôi. Tôi không ngờ cái đa số thầm lặng trong giới điện ảnh lại tin cậy ở tôi, muốn trao sứ mạng làm người đại diện cho họ vào tay tôi, một người chưa hề làm công tác quản lý, chưa bao giờ làm một chức vụ gì dù nhỏ nhất trong guồng máy quan chức của nhà nước. Tôi cảm động khi nghĩ về họ. Thì ra trong cuộc sống hàng ngày, con người ta đôi khi phải im lặng, nhưng khi cần họ sẵn sàng bày tỏ thái độ một cách thẳng thắn. Sau màn mở đầu dân chủ trong bầu bán của Hội Điện ảnh, các Đại hội của các Hội Sân khấu, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa cũng theo gương bầu Tổng Thư ký trực tiếp tại đại hội.
♦
Hội Điện ảnh Việt Nam
51 Trần Hưng Đạo-Hà Nội
Cuối tháng 3.1989 tôi rời Hãng Phim truyện Việt Nam về công tác tại Hội Điện ảnh Việt Nam. Người ta thường nói làm quản lý khó lắm, không phải ai cũng làm được. Nhiều người tỏ ra lo lắng cho tôi. Nhưng sau một thời gian ngắn làm việc tôi nhận ra rằng: cái khó nhất đối với tôi là làm phim cho hay, là làm công việc sáng tác cho tốt. Còn việc quản lý tôi nghĩ ai cũng làm được, miễn có một cái đầu khoa học và một tấm lòng ngay thẳng, không ham hố tham lam. Sở dĩ bấy lâu nay người ta qúa đề cao công tác quản lý chỉ vì có một số người chuyên làm nghề quản lý, làm quan chức, ngoài ra không có khả năng làm bất cứ việc gì khác nên đã thần bí hóa cái công việc này. Vốn là một người làm sáng tác, nếm đủ mùi vị đắng cay của người làm sáng tác trong guồng máy điện ảnh bấy lâu nay, khi về Hội, tôi chỉ tâm niệm một điều: hãy vì quyền lợi của những người làm phim, những người thực sự làm nên nền điện ảnh nước nhà bằng những thước phim có chất lượng của mình và họ phải được tôn trọng. Tôi biết trước mắt mình sẽ là những cuộc đụng đầu với guồng máy quản lý của ngành. Nhưng tôi thấy bình thản vì tôi không có tham vọng gì. Tôi sẵn sàng trở về chỗ cũ của mình: một đạo diễn bình thường, không có chức vụ, chưa một lần được ngồi họp giao ban trong phòng giám đốc. Chức Tổng Thư ký chỉ là tạm thời trong một nhiệm kỳ 5 năm mà thôi.
Mâu thuẫn đầu tiên giữa tôi và những người quản lý ngành điện ảnh là việc nhìn nhận vị trí của điện ảnh trong thời điểm khi kỹ thuật video bùng nổ khắp nơi. Quan điểm của tôi trước sau vẫn như một: Điện ảnh là phim nhựa, khi nói đến nền điện ảnh của một quốc gia, người ta chỉ nói đến phim nhựa. Quan điểm đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của những người quản lý ngành điện ảnh lúc bấy giờ. Không những thế nó còn làm phật lòng nhiều anh chị em hội viên công tác trong lĩnh vực truyền hình. Họ không muốn có sự phân biệt giữa việc làm phim nhựa hay làm phim video vì tất cả đều là hội viên Hội Điện ảnh cả. Năm 1990 tại Hội nghị Điện ảnh toàn quốc tổ chức tại Nha Trang, những người lãnh đạo ngành điện ảnh đã chính thức tuyên bố: làm phim video, chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh Việt Nam. Ngay sau đó là một chiến dịch rầm rộ nhập phim video, đầu máy phóng video, máy quay phim video. Các rạp chiếu bóng trên toàn quốc nhanh chóng dẹp bỏ máy chiếu phim nhựa, trang bị máy chiếu phim video với màn ảnh từ 100 đến 300 inch. (Phải nói rằng trong việc thực thi chiến lược này khối người đã giàu to vì được độc quyền nhập phim video và các đầu máy video). Hệ thống rạp chiếu bóng tại các thành phố lớn bỗng chốc tan rã hàng loạt để rồi không lâu sau trở thành những sàn nhẩy, nhà hàng, karaoke v.v... 16 rạp ở Hà Nội chỉ còn lại một rạp Tháng Tám. Nhiều rạp bị phá thành bình địa để lấy đất hùn vốn liên doanh với nước ngoài (chưa tìm được đối tác thì cho thuê làm bãi bán bia như các rạp Kim Đồng, Đại Nam). Tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng không hơn gì nhưng số rạp được giữ lại nhiều hơn (3 rạp thay vì gần một trăm rạp có trước năm 75). Phải công nhận rằng bằng việc nhập phim video quá dễ dàng, quá gọn nhẹ, qua đủ mọi con đường chính thức lẫn không chính thức, màng lưới Phát hành phim đã sống một thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử tồn tại của mình (hơn cả thời kỳ bao cấp trước đây khi được độc quyền chiếu các phim của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cũ). Cuộc kinh doanh này không phải một vốn bốn lời mà có thể nói một vốn một trăm lời. Nhưng để bù lại nền sản xuất và tiêu thụ phim nhựa chưa bao giờ lại lao đao như vậy. Có năm cả nước chỉ sản xuất 3-4 phim nhựa (như những năm 1996 - 1997).
Sau mười năm từ khi có chủ trương coi làm phim video chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh Việt Nam, người ta bắt đầu nhận ra một sự thật hiển nhiên: điện ảnh vẫn là phim nhựa (chiếu phim nhựa, làm phim nhựa). Khi khán giả đã bắt đầu trở lại với phim nhựa thì các rạp nay không còn nữa, nhất là tại các địa phương. Băng hình video VHS đã được thay thế bằng đĩa VCD và DVD, một phương tiện mà màng lưới phát hành phim của nhà nước không thể nào khống chế được trước làn sóng tràn lan và giá thành quá rẻ của các đĩa phim nhập lậu từ Trung Quốc. Doanh thu của Phát hành phim ở nhiều địa phương sa sút trầm trọng. Một chiến lược sai lầm dẫn đến những hậu quả tai hại, mà mười năm sau chưa chắc đã khắc phục được.
Ban chấp hành Hội có 11 người, mỗi người là một tính cách, một động cơ, một mục đích riêng. Những ngày đầu quan điểm của tôi được mọi người đồng tình, tất cả đều nhất trí trong mọi chủ trương hành động của Hội. Nhưng dần dần đụng đầu với bộ máy quyền lực nắm trong tay quyền duyệt kịch bản, duyệt phim, phân phát kinh phí của Nhà nước, nhiều ủy viên bắt đầu tính toán thiệt hơn, vì bản thân họ tuy là những ủy viên BCH Hội nhưng vẫn là người ăn lương nằm dưới sự quản lý của guồng máy quyền lực đó. Trụ lại được trong khóa III với một lập trường kiên định quanh tôi chỉ còn có Phó Tổng Thư ký Thanh An, các ủy viên Ban chấp hành như đạo diễn Lê Mạnh Thích, đạo diễn Trần Văn Thủy. Dù làm Tổng Thư ký Hội nhưng không lúc nào tôi quên rằng mình trước sau vẫn là một đạo diễn. Cái gì có thể có mà tôi để lại sau mình là những bộ phim. Cái chân Tổng Thư ký quả là lý tưởng đối với những ai biết rằng mình không còn đủ sức để làm công việc sáng tác, nhưng vẫn muốn có mặt trong sinh hoạt điện ảnh nước nhà, đối với những ai đương chức nhưng sắp về hưu. Ngày trước khi còn phe XHCN thì đây còn là chỗ ngồi lý tưởng để thiết kế những chuyến xuất ngoại ít nhất mỗi năm một lần tham dự cuộc họp của những người đứng đầu các Hội Điện ảnh các nước XHCN, không kể các Liên hoan phim trong phe với những xuất mời không chỉ đích danh, muốn ai đi thì đi. Những lợi thế đó, tôi không hề có ý định khai thác, vả lại khi tôi về Hội thì phe XHCN cũng không còn, các Hội điện ảnh các nước anh em cũng không còn (trên thế giới chỉ còn duy nhất một Hội giống Hội của ta là Hội Điện ảnh Trung Quốc, nhưng quan hệ cũng khác xưa rồi). Tuy vậy tôi xuất ngoại rất nhiều, nhiều nhất trong số các đạo diễn, nhưng đều được mời với tư cách là đạo diễn của những bộ phim do mồ hôi công sức của mình làm ra chứ không phải với tư cách là Tổng Thư ký Hội. Những năm làm việc ở Hội, bị tách rời khỏi guồng máy sản xuất của các Hãng là một thiệt thòi lớn đối với tôi (sáu năm liền tôi không có điều kiện làm phim kể từ sau bộ phim Cô gái trên sông làm vào năm 1986 và bộ phim video 2 tập Chỉ một người còn sống làm vào năm 1989).
Trong những năm đầu, công việc của Hội đã choán hết thời gian của tôi. Khi vừa về Hội tôi đặc biệt quan tâm tới tờ Tạp chí - cơ quan ngôn luận của Hội mà tôi kiêm nhiệm Tổng Biên tập. Công việc làm báo đối với tôi từ lâu là một việc không xa lạ. Tôi vẫn thường viết báo, tiếp xúc với các tòa soạn. Sau một thời gian chấn chỉnh lại nề nếp làm việc trong tạp chí, có định hướng rõ ràng, tờ Nghệ thuật điện ảnh trở thành một tờ báo được tín nhiệm không những trong giới điện ảnh mà còn ở cả bên ngoài. Các hội viên háo hức chờ đợi từng số báo ra. Ở đó họ tìm thấy tiếng nói của chính mình về những vấn đề của ngành, những bài phê bình, lý luận sâu sắc, những bài dịch từ các báo điện ảnh nước ngoài mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho nghề nghiệp. Tôi hồi hộp chờ mỗi số tạp chí từ nhà in đem về như chờ một bộ phim ra bản đầu vậy. Về sau có quy định của Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chủ quản không được kiêm nhiệm Tổng biên tập của tờ tạp chí cơ quan mình, tôi đành từ giã tạp chí. Có thể nói đó là một cuộc từ giã đáng buồn đối với tôi và nhiều anh em trong tạp chí.
Văn phòng Hội có 12 người, mỗi người một công việc. Tôi xác lập một nguyên tắc làm việc dựa trên sự tự giác của mỗi người. Tôi trực tiếp giao việc cho từng người và từng người chịu trách nhiệm về công việc của mình trước Ban Thư ký. Cơ quan rất ít khi họp, không có những cuộc phê bình kiểm điểm. Nếu cần phê bình nhắc nhở ai, tôi trực tiếp nói thẳng với người đó, đôi khi tôi nổi nóng nhưng anh em dần dần biết tính tôi chỉ vì công việc chung nên không giận. Tôi rất quan tâm đến hoạt động của Câu lạc bộ Hội vì đó là nơi sinh hoạt xem phim thường xuyên của các hội viên. Vốn quen với tác phong làm việc tỉ mỉ của một người đạo diễn trong khi ra hiện trường, nên tôi rất tỉ mỉ trong khi giao việc và kiểm tra việc thực hiện công việc. Văn phòng tuy ít người nhưng ai nấy đều tự giác làm việc với một ý thức gần như là vì danh dự của chính mình. Tôi đề ra một thông lệ trong cơ quan: kỷ niệm sinh nhật của từng người, giao cho đồng chí chánh văn phòng theo dõi và tổ chức. Ai đến cơ quan Hội cũng đều thấy một tác phong làm việc năng động có hiệu quả, không vụ lợi... Trong quan hệ đối ngoại, cái mà Hội mong muốn là được trao đổi, học hỏi để nâng cao nghiệp vụ cho các hội viên, giao lưu văn hóa... ngoài ra không có một động cơ gì khác. Do vậy Hội đã thiết lập được những quan hệ hợp tác rộng rãi với Hội Điện ảnh của nhiều nước trên thế giới. Hội điện ảnh là Hội đầu tiên đ chủ động nối lại quan hệ với Hội điên ảnh Trung quốc. Từ đó cứ hai năm một lần hội bạn mời đoàn điện ảnh Việt Nam sang tham dự Liên hoan phim quốc gia của mình với thnh phần đoàn do phía Việt Nam quyết định. Nhờ đó Hội đ tạo điều kiện cho nhiều anh chị em hội vin cĩ dịp xuất ngoại. Bằng uy tín của mình tôi đã giới thiệu nhiều phim của các đồng nghiệp tham dự các Liên hoan phim quốc tế. Nhiều phim đã nhận được giải thưởng. Tôi coi đó là nghĩa vụ của mình. Trong những năm công tác ở Hội, tôi đã làm tất cả những gì có thể làm vì lợi ích của các các hội viên, không chút đắn đo suy tính.
♦
“Trở về”
Người Anh vốn bị coi là lạnh lùng nhưng chính họ lại là người đầu tiên trên thế giới bỏ tiền ra cho một đạo diễn Việt Nam làm phim. Nếu không có họ, tôi đã không có phim Trở về sau 6 năm gián đoạn. Tôi nghe một Việt kiều ở Anh về kể lại: năm 1989 Đài truyền hình Anh quốc giới thiệu phim Cô gái trên sông. Trước khi chiếu người giới thiệu có nói đôi lời về tôi rồi thông báo tôi vừa được bầu làm Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam và kết luận: Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nước Việt Nam cần ông Minh đạo diễn hơn là ông Minh Tổng Thư ký. Có phải vì vậy chăng mà họ sốt ruột khi thấy tôi lâu không làm phim.
Đầu năm 1994, kênh 4 Đài truyền hình Anh cử người sang Việt Nam thông báo cho biết kênh 4 sẽ tài trợ cho tôi một số tiền để giúp tôi làm một bộ phim. Hãy chuẩn bị kịch bản với điều kiện: đấy là một kịch bản làm tôi ưa thích, về những vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi lập tức chuyển ngay truyện ngắn Trở về thành kịch bản phim (Trong thời gian gián đoạn làm phim tôi có viết một số truyện ngắn, bất cứ truyện nào cũng đều có thể chuyển thành phim được cả. Tôi gọi đó là những bộ phim trên giấy). Kịch bản được gửi sang Anh và chỉ một tháng sau người ta đã chuyển tiền về cho tôi làm (số tiền này được chuyển về cho Hãng phim truyện Việt Nam quản lý).
Hình 10. Một cảnh trong phim Trở về
Sau khi phim làm xong, ông Rod Stoneman, đại diện kênh 4 Đài truyền hình Anh sang Việt Nam nghiệm thu và tỏ ra rất hài lòng. Bộ phim này ở Việt Nam ít người được xem vì nó ra đời vào lúc các rạp chiếu bóng đóng cửa chuyển sang chiếu phim video. Nhưng về sau nó được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên Đài truyền hình Trung ương và các Đài truyền hình Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh v trn truyền hình nhiều nước. Năm 1994 phim tham dự Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương ở Sydney (Úc) và nhận được Giải đặc biệt của Ban Giám khảo. Sau này ông Philip Noyce, đạo diễn Úc, thành viên trong Ban giám khảo cho biết ông là một trong 3 người của Ban giám khảo bỏ phiếu cho phim Trở về được giải cao nhất, nhưng bốn người còn lại không nhất trí. Cuối cùng giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) thuộc về bộ phim Ẩm thực, đàn ông, đàn bà của đạo diễn Ang Lee người Đài Loan. Tôi đã xem phim này ở một Liên hoan phim quốc tế và thấy nó được Grand Prix là xứng đáng. Cũng chính vì cái duyên nợ đó mà năm 2001 khi sang Việt Nam làm phim Người Mỹ trầm lặng, đạo diễn Philip Noyce đã mời tôi hợp tác với tư cách là đạo diễn đội quay thứ hai trong khi quay tại Việt Nam.
Tôi cảm thấy hài lòng vì trong phim này tôi đã khái quát khá đầy đủ gương mặt của xã hội Việt Nam đương đại trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường với những “người hùng” của thời đại mới: đó là những ông giám đốc công ty vốn là các phó tiến sĩ, tiến sĩ con ơng chu cha suốt những năm dài ăn học ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu nay trở về nhảy sang làm kinh doanh, chẳng ai thiết theo đuổi con đường khoa học. Họ nhan nhản khắp nơi quanh tôi. Nhân vật chính của phim là Loan, một cô gái Hà Nội được phân công vào dạy học tại một thị trấn ở miền Nam cách Sài Gòn không xa. Hùng, anh ruột của một nữ giáo viên cùng trường, bạn thân với Loan định đi vượt biên nhưng không thành. Anh trốn về lánh tại thị trấn nơi Loan dạy học. Anh yêu Loan và không muốn trở về với người vợ cũ. Anh cho biết sở dĩ anh đi vượt biên cũng là để cắt đứt với người vợ mà anh không còn chút tình cảm. Trong lúc đó vợ Hùng tìm mọi cách đe dọa, thuê người cưỡng ép bắt anh phải vượt biên lần nữa cùng cả gia đình. Hùng đành ra đi nhưng vẫn mang theo những tình cảm đối với Loan mà đối với anh đó là những tình cảm duy nhất đã ràng buộc anh với mảnh đất này. Loan trở ra Hà Nội nghỉ hè. Cô tình cờ gặp Tuấn, người bạn học cũ thời phổ thông. Anh vừa tốt nghiệp phó tiến sĩ ở Liên Xô về. Anh xin vào Nam làm việc. Nhờ sự nhanh nhẹn thích ứng với cơ chế thị trường, anh thăng tiến rất nhanh, trở thành giám đốc một công ty thương mại. Loan chấp nhận lời đề nghị của Tuấn thành lập gia đình. Cô thôi dạy học, trở thành một bà vợ giám đốc. Tuấn chạy theo cuộc sống thực dụng. Tình cờ Tuấn gặp Hùng với tư cách là một đối tác đại diện cho một công ty nước ngoài để ký kết một hợp đồng bán hàng với công ty Tuấn. Tuấn đã yêu cầu Hùng nâng giá bán trong hợp đồng để kiếm lợi cho mình. Hùng tỏ ra khinh bỉ nhưng cũng chấp thuận vì điều đó không có hại gì cho công ty của anh cả. Hùng lại càng thất vọng hơn khi biết Tuấn là chồng của Loan, một người mà anh vẫn còn ngưỡng mộ yêu mến. Sau khi Hùng trở về Úc, Tuấn ra ngoại quốc khảo sát. Loan trở ra Hà Nội, trở về với ngôi nhà thân thuộc, trở về với các em học sinh hồn nhiên và trong sáng của mình. Cô đã trở về với chính mình sau những ngày sóng gió, chia tay hẳn với chồng, “người hùng” mới của xã hội hiện thời. Tâm trạng cô chính là tâm trạng trong hai câu ca dao xưa mà cô giảng cho các em học sinh trong giờ giảng văn:
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này khế ơi!
Tâm đắc nhất trong phim này đối với tôi là trường đoạn ở nghĩa trang liệt sĩ Long An và chiếc xe khách từ Long An về Thành phố Hồ Chí Minh. Những người có mặt trên chiếc xe là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam. Ở đó có già, có trẻ, có người Bắc kẻ Nam, có người sống và người chết (hài cốt người chiến sĩ trong chiếc túi xách), có kẻ bên này và kẻ từng ở bên kia (người phế binh ngụy đi bán vé số trên xe). Tôi đã cho người phế binh này hát bài Rừng lá thấp một bài hát rất quen thuộc ở Sài Gòn trước năm 1975 với những lời ca rất xúc động: Sao không hát cho những bà mẹ già mỏi mắt chờ con... Sao không hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua... Đây là một bộ phim lần đầu tiên được quay suốt từ Nam chí Bắc, pha lẫn giọng nói của cả hai miền.
♦
Đại biểu Quốc hội khóa IX
Năm 1993 với tư cách là Tổng Thư ký Hội Điện ảnh, tôi được Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật đề cử làm đại biểu Quốc hội khoá IX (1993-1997). Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu tôi về ứng cử tại tỉnh Thanh Hóa. Tại đây Mặt trận Tổ quốc Tỉnh lại giới thiệu tôi về ứng cử tại đơn vị bầu cử gồm ba huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, những huyện nghèo nhất trong tỉnh. Danh sách ứng cử có 5 người để bầu lấy 3 (ngoài tôi có một hiệu trưởng Trường cao đẳng, một bí thư Đảng uỷ của ngành giáo dục, một nữ giảng viên trường cao đẳng, một giáo viên cấp 3 phổ thông). Tôi đã trúng cử với một tỷ lệ bầu khá cao cùng với anh giáo viên cấp 3 và nữ giảng viên cao đẳng. Tôi nghĩ tôi được bà con nông dân bầu chắc chắn không phải vì tôi là đạo diễn phim (tôi toàn làm phim nhựa nên ở nông thôn bà con chẳng bao giờ được xem). Vả lại chuyện phim ảnh chẳng phải là chuyện đáng quan tâm đối với những người nông dân chân lấm tay bùn. Tôi được bầu có lẽ vì khi đọc lý lịch, bà con biết tôi là con của giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã đẩy lùi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo cho họ và đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên trong khi đang nghiên cứu chống sốt rét cho bộ đội (mà đại đa số cũng là con em họ).
Buổi họp đầu tiên của Quốc hội khoá IX tại hội trường Ba Đình đã để lại cho tôi một kỷ niệm không bao giờ quên. Sau cuộc họp buổi sáng khi vừa lên xe rời khỏi hội trường, tôi nhìn thấy không biết bao nhiêu bà con nông dân từ những tỉnh xa đứng dọc bên đường tay cầm những tờ đơn trắng vẫy vẫy theo đoàn xe của các đại biểu quốc hội. Những chiếc xe hòm kính nối đuôi nhau lặng lẽ lướt qua không một xe nào dừng lại. Đến góc vườn hoa cạnh quảng trường Ba Đình tôi vỗ vai lái xe đề nghị dừng xe. Khi vừa thấy xe tôi đi chậm lại rồi dừng hẳn, lập tức cả đoàn người chạy ùa lại, tay giơ cao những lá đơn. Nhưng không chờ tôi kịp bước xuống xe, đoàn người đã bị công an cản lại. Lúc đó tôi hiểu ngay rằng nếu tôi tiến về phía họ dù chỉ vài bước thôi, lập tức sẽ xẩy ra những cuộc giằng co xô xát. Tôi bèn lên xe quay về hội trường Ba Đình. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh chưa về, ông còn đang ở lại hội trường hội ý công việc. Tôi gặp ông đề nghị cử người ra nhận đơn khiếu nại của bà con. Những lá đơn đó đã được nhận để chuyển đến Văn phòng Quốc hội. Từ đó về sau mỗi lần Quốc hội họp tôi không nhìn thấy những bàn tay vẫy những lá đơn đứng hai bên đường cạnh hội trường Ba Đình nữa. Văn phòng Quốc hội đã bố trí một địa điểm để nhận đơn thư khiếu nại của cử tri tại một phố nhỏ cách xa hội trường. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cảnh tượng những bàn tay vẫy vẫy những lá đơn cùng gương mặt của những người nông dân chạy về phía tôi, đặc biệt gương mặt của một bà cụ chạy trước đám đông. Suốt đời tôi không thể nào quên được gương mặt ấy. Tôi cũng không bao giờ có thể quên được ánh mắt của những người nông dân trong những lần tiếp xúc ở địa phương, nhìn thẳng vào chúng tôi, những người mà họ cho là đại diện cho họ ở một cơ quan quyền lực cao nhất. Những ánh mắt hừng hực lửa hy vọng như muốn nuốt chửng lấy chúng tôi. Bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung rõ mồn một những ánh mắt đó mà cảm thấy đau lòng. Thực ra năm năm ngồi ở cơ quan quyền lực cao nhất đó, tôi chẳng có quyền lực gì như bà con tưởng. Những vướng mắc khiếu kiện của bà con tôi chỉ biết phản ánh lại với những cơ quan cấp trên ở Tỉnh để xem xét, thế là xong nhiệm vụ, có muốn làm gì hơn cũng khó. Đôi khi phản ánh xong, người ta cho biết vụ việc này họ đã biết rồi và đã xem xét trả lời rồi.
Thời gian đầu tôi rất hăng hái phát biểu trong các kỳ họp của Quốc hội. Nếu không nhầm thì tôi là người đầu tiên phát biểu rằng tham nhũng là quốc nạn và đề nghị Quốc hội thành lập một Uỷ ban đặc biệt để chuyên trách việc chống tham nhũng. Nhưng ý kiến đó có vẻ như lạc long nên không được chấp thuận. Có thể nói suốt nhiệm kỳ đó cụm từ “tham nhũng là quốc nạn” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các kỳ họp của Quốc hội, nhưng tình hình vẫn không gì lay chuyển, thậm chí còn trầm trọng hơn. Tôi nhớ một nữ đại biểu người dân tộc đã phát biểu như sau làm cả hội trường phải bật cười: Bà con cử tri đia phương tôi nói rằng: chống tham nhũng có nghĩa là khi tham nhũng hơi xiêu thì chống lại cho nó thẳng (!).
Dần dần tôi nhận ra rằng những người hay phát biểu trong các kỳ họp thường là những đại biểu không nắm chức vụ gì quan trọng trong bộ máy nhà nước và bộ máy Đảng. Đa số họ là những giáo viên, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các cựu chiến binh... Tôi nhớ những ngày đầu nhiệm kỳ có một nữ đại biểu còn trẻ, giám đốc Sở ở một tỉnh phía Nam phát biểu rất hăng hái. Những phát biểu của chị rất sắc sảo, táo bạo làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng đến giữa nhiệm kỳ bỗng nhiên không thấy nữ đại biểu đó phát biểu gì nữa. Thì ra chị mới được đề bạt làm Thứ trưởng một Bộ trong Chính phủ.
Là một người làm trong lĩnh vực điện ảnh, lại là Ủy viên Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, tôi đã cố gắng để Quốc hội và Chính phủ quan tâm đến lĩnh vực văn hoá nói chung và điện ảnh nói riêng. Tôi đã đề nghị Chính phủ có chương trình Chấn hưng điện ảnh nhằm vực dậy nền điện ảnh có nguy cơ tan rã khi phải đối mặt với nền kinh tế thị trường. Với chương trình chấn hưng đó (gồm 195 tỷ trong 10 năm) lẽ ra điện ảnh Việt Nam đã có thể trang bị cho mình một cơ sở vật chất kỹ thuật khá đàng hoàng nếu biết tính toán một cách khôn ngoan và thiết thực. Nhiều máy móc mua về không đồng bộ, tản mạn mỗi nơi một chút (3 cơ sở trong ngành đều được cấp máy làm kỹ xảo khá đắt tiền nhưng không nơi nào sử dụng được. Cho đến nay phim Việt Nam cần làm kỹ xảo vẫn phải đưa sang nước ngoài thuê làm). Đôi khi tôi xót xa cho những đồng tiền của nhà nước bị chi tiêu một cách lãng phí, kém hiệu quả nhưng cảm thấy bất lực. Hội Điện ảnh cũng như những người nghệ sĩ không bao giờ được tham khảo hoặc hỏi ý kiến. Trước tình hình phim nhựa bị phim video lấn át, nhân Quốc hội thông qua Luật Thuế sửa đổi và bổ sung, tôi đã đề nghị miễn hẳn mọi thứ thuế cho việc sản xuất, phát hành cũng như xuất nhập phim nhựa 35mm, đối với phim video giảm thuế từ 8% xuống 4%. Đó là những gì tôi có thể làm cho ngành điện ảnh trong thời gian có mặt ở Quốc hội. Trong năm năm làm đại biểu Quốc hội, những cuộc tiếp xúc với bà con cử tri trước và sau mỗi kỳ họp thực sự là những chuyến đi thâm nhập thực tế rất bổ ích đối với tôi. Tôi đã hiểu thêm rất nhiều về đời sống của người nông dân, tâm tư nguyện vọng, những nỗi khổ, nỗi thiệt thòi của họ để thể hiện trong những bộ phim của mình sau này.
♦
“Thương nhớ đồng quê”
Tiếp theo sau người Anh là người Nhật. Người Nhật vốn thận trọng trước khi có một quyết định gì. Họ theo dõi công việc làm của tôi và sau khi 3 phim: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về được chiếu ở Nhật (có nghĩa là quá tam ba bận) họ mới quyết định bỏ tiền cho tôi làm phim. Để thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày điện ảnh ra đời (1895 - 1995), Đài truyền hình NHK Nhật Bản có chủ trương mời 5 đạo diễn của 5 nước châu Á làm phim (Ấn Độ, Thái Lan, Mông Cổ, Iran và Việt Nam) để đến cuối năm 1995 sẽ chiếu tại Tokyo trong Liên hoan phim Châu Á lần thứ I của NHK. Tháng 1 năm 1995, Đài truyền hình NHK cử một đoàn sang Việt Nam thông báo quyết định mời tôi làm phim và tôi lại được nghe họ nói đúng câu mà người Anh đã từng nói: Ông hãy chuẩn bị một kịch bản mà ông thích, về những vấn đề mà ông thực sự quan tâm. Tôi nghe nói khi đến Việt Nam những người Nhật đã gặp lãnh đạo Cục điện ảnh để trình bày chủ trương trên. Cục trưởng Cục Điện ảnh hồi ấy là ông Bùi Đình Hạc rất hoan nghênh, nhưng yêu cầu để Cục cử đạo diễn (dĩ nhiên người được cử chắc chắn không phải là tôi). Nhưng những người Nhật đã không chấp nhận yêu cầu đó. Họ muốn mời đích danh người mà họ chọn. Họ xin gặp lãnh đạo Bộ để trình bày. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin hồi đó là ông Trần Hoàn đã đồng ý cho tôi được làm phim hợp tác với NHK.
Trong đoàn sang Việt Nam lần ấy có ông bà Tadao Sato, nhà phê bình phim lớn của Nhật. Đã từ lâu ông bà coi tôi như người thân vì chính ông bà là người đã phát hiện ra nền điện ảnh Việt Nam khởi đầu bằng hai bộ phim: Bao giờ cho đến tháng 10 v Cơ gi trn sơng. Sau này bà Sato kể lại: Trước đây chúng tôi không hề biết gì về nền điện ảnh Việt Nam nên khi chồng tôi định sang Việt Nam tôi đã can ông ấy. Tơi nĩi đến đó chắc chỉ có những phim tuyên truyền. Nhưng chồng tôi vẫn cương quyết đi. Thế là chúng tôi đến Việt Nam vào đầu năm 1990. Nhưng khi xem đến phim Bao giờ cho đến tháng Mười vo ngy cuối cng trước khi sắp rời Hà nội thì tôi thấy ân hận vô cùng về lời nói trước đây của mình. Từ đó hai ông bà đã làm việc không mệt mỏi để đưa nền điện ảnh Việt Nam đến với cơng chng Nhật v thế giới. Khi đã thân quen, bà Sato ngỏ ý nhận tôi làm em nuôi. (Vậy là tôi có hai bà chị nuôi: chị Madeleine Riffaud người Pháp và chị Hisako Sato người Nhật).
Đây là lần đầu làm phim mà tôi được toàn quyền quyết định mọi vấn đề chi tiêu. Tôi nhớ lại lời của một đồng nghiệp Bulgarie nói với tôi trước đây: không bao giờ được nhân nhượng với chủ nhiệm phim. Bây giờ thì tôi chả phải nhân nhượng ai. Chủ nhiệm Tất Bình xác định với tôi ngay từ đầu: đây là phim của ông, người ta tài trợ cho ông. Ông quyết thế nào tôi chi như thế, miễn làm sao phim cho thật hay không thì bẽ mặt với thiên hạ. Cả đoàn làm phim chúng tôi đều nhận thức rằng việc làm phim này là một thách thức lớn đối với danh dự của điện ảnh Việt Nam, bởi vì cùng một lúc đầu tư cho chúng tôi làm phim, Đài NHK còn đầu tư cho 4 đạo diễn của 4 nước châu Á khác nữa (vì có sự trục trặc gì đó nên cuối cùng chỉ cịn 4 nước). Phải làm sao phim Việt Nam không thua kém phim các nước đó. Cái trách nhiệm nặng nề này chúng tôi tự nhận lấy cho mình, chẳng có ai giao phó, động viên. Tôi có cảm tưởng như mình là đội trưởng một đội bóng đá đi thi đấu trong khu vực.
Hình 11. Một cảnh trong phim Thương nhớ đồng quê
Việc tìm kịch bản không phải mất thời giờ vì tôi đã có sẵn trong tay: kịch bản phim Thương nhớ đồng quê dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi viết kịch bản này cách đấy nửa năm, tức hứng mà viết. Không ai đặt tôi viết và viết xong tôi cũng chưa định gửi đi đâu cả. Thoạt tiên tôi thấy ở truyện ngắn này một không gian điện ảnh đầy gợi cảm. Các nhân vật chỉ được phác họa vài nét về tính cách, còn thoại thì hầu như không có. Tất cả chỉ là những lời kể ngắn gọn của nhân vật Nhâm, một thanh niên vừa mới lớn. Thoạt đầu tôi có ý định rủ Thiệp viết chung, nhưng Thiệp nói: Ông viết đi. Tôi cẩn thận mời Thiệp lại nhà trình bày ý định của mình về mối quan hệ giữa ba nhân vật: Quyên, Nhâm, Ngữ để tạo ra cái lõi kịch tính của bộ phim. Trong truyện ngắn không có mối quan hệ tay ba này, nhưng tôi thấy nó rất cần thiết cho bộ phim. Nhâm sống với chị Ngữ trong một nhà, nhưng cậu không biết rằng cậu là chỗ dựa tình cảm duy nhất đối với chị Ngữ trong những ngày sống cô độc xa chồng. Chỉ khi xuất hiện Quyên, cô gái Việt kiều di tản trở về và Nhâm bị hút hồn vào người phụ nữ đó thì những tình cảm thầm kín bên trong của người chị dâu mới trỗi dậy. Đến lúc này Nhâm mới hiểu được hết nỗi cô đơn của chị dâu mình, cậu cảm thấy xúc động trước những tình cảm của chị Ngữ dành cho cậu. Một thứ tình cảm hơn cả tình chị em đã xuất hiện giữa hai người. Khi tôi vẽ ra trên giấy sơ đồ tay ba của mối quan hệ đó thì Thiệp thốt lên: Ông thắng rồi. Bộ phim nhất định thành. Thiệp còn gợi ý cho tôi nên kết hợp thêm truyện ngắn Những bài học nông thôn. Tôi nhất trí. Một thời gian sau giám đốc Hãng phim Giải phóng Thanh Hùng ra gặp tôi thông báo: Hãng muốn mời tôi làm một phim về nông thôn miền Bắc. Tôi liền đưa kịch bản cho ông đem về đọc. Một tháng sau ông trở ra Hà Nội trả lại kịch bản, nói: Ban biên tập của Hãng đã đọc và thấy kịch bản thiếu yếu tố để làm thành một phim truyện. Tôi vui lòng nhận lại kịch bản. Quả thật khi nghe tôi chuyển Thương nhớ đồng quê thành kịch bản ai ai cũng ngạc nhiên kể cả cánh nhà văn. Ai cũng nói một câu giống nhau: Truyện ngắn ấy sao mà làm thành phim được? Nhưng dưới con mắt tôi đó là truyện ngắn giàu chất điện ảnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp (có thể đó là chất điện ảnh mà tôi quan niệm chứ không như người khác quan niệm). May thay khi người Nhật sang thì tôi đã có sẵn cái để đưa ra. Một tháng sau đài NHK thông báo nhất trí với kịch bản Thương nhớ đồng quê, kèm theo một vài gợi ý nho nhỏ nhưng dành quyền quyết định hoàn toàn cho tôi. Không lâu sau ông Yoshimasa Omi Chủ nhiệm phim phía Nhật và ông Izumi kỹ thuật viên của Hãng in tráng Imagica sang Việt Nam làm việc với đoàn. Ông Omi làm việc với chủ nhiệm Tất Bình để bàn về tổng dự toán còn ông Izumi làm việc với quay phim Nguyễn Hữu Tuấn về những yêu cầu kỹ thuật rất cụ thể, đặc biệt là cách điền vào các phiếu kỹ thuật sau mỗi cảnh quay. Công việc còn lại của tôi là tìm diễn viên. Quan trọng nhất là tìm người cho vai chính của phim - vai Nhâm, một thanh niên nông thôn vừa mới lớn (17 tuổi) tâm hồn lại nhạy cảm, thích làm thơ. Tôi cùng trợ lý đạo diễn Nhuệ Giang đi khắp các trường nghệ thuật nhưng không tìm ra được gương mặt nào thích hợp. Cuối cùng tôi dừng lại ở Tạ Ngọc Bảo, một học sinh đang theo học lớp đào tạo của đoàn chèo Hà Nội. Bảo thực sự là một thanh niên nông thôn, quê ở Thường Tín. Mặc dù cô giáo chủ nhiệm cho biết học lực của Bảo yếu, nhưng tôi vẫn quyết định chọn Bảo, hy vọng trước ống kính điện ảnh, khác với trên sân khấu chèo, nếu tập tành kỹ lưỡng chắc Bảo sẽ đóng được và Bảo đã hoàn thành xuất sắc vai diễn đầu tiên của mình trong điện ảnh (về sau cậu được mời vào một số phim nữa nhưng không thành công bằng). Khó khăn nhất trong việc tìm diễn viên lại là vai chị Ngữ. Đến phút chót rồi tôi vẫn không ưng ý một ai. Nhuệ Giang đành yêu cầu tôi xuống Bắc Ninh trực tiếp gặp Thúy Hường, ca sĩ của đoàn quan họ Bắc Ninh. Tôi cùng Nhuệ Giang và quay phim Hữu Tuấn cầm máy ảnh xuống Bắc Ninh. Phút đầu tiên gặp Thuý Hường tôi thất vọng hoàn toàn. Cô đánh phấn son loè loẹt, mặc một bộ đồ màu xanh nõn chuối trông chẳng có dáng dấp gì một phụ nữ nông thôn. Nhưng đã cất công xuống đây rồi nên tôi cũng đề nghị Tuấn chụp vài pô ảnh. Tôi yêu cầu Thuý Hường tẩy hết son phấn, mặc chiếc áo nâu và quần đen do Giang đem theo sẵn. Khi cô thay quần áo xong, bước từ trong phòng ngủ ra tôi và Tuấn cảm thấy sững sờ, cô hoàn toàn khác hẳn. Tôi đưa Hường ra bờ giếng để chụp ảnh. Vừa nhìn vào viseur của máy ảnh Tuấn đ thốt lên: Chị Ngữ đây rồi. Đến khi về Hà Nội rửa ảnh ra thì tất cả mọi người đều công nhận không ai có thể vào vai chị Ngữ hơn Thuý Hường được. Bản thân cô sinh trưởng ở nông thôn, mọi công việc đồng áng quen thuộc từ nhỏ. Tuy chưa một lần lên phim nhưng vốn là một ca sĩ từng lên sân khấu, tôi tin cô sẽ không bỡ ngỡ khi bước sang điện ảnh. Và đúng như vậy, Thuý Hường đã chinh phục được người xem bằng diễn xuất chân thật và tinh tế của mình. Chị Ngữ của cô toát lên một vẻ đẹp mộc mạc và quyến rũ lạ thường. Vai nữ Việt kiều tôi mời Lê Vân. Cô lúc này không còn là Lê Vân của thời đóng Bao giờ cho đến tháng Mười nữa. Cô đã là một diễn viên có hạng, cô muốn sửa vai Quyên trở thành nhân vật trung tâm của phim, nhưng tôi không đồng ý, tuy vậy cô vẫn nhận lời đóng vai này.
Phim được khởi quay vào đúng giữa mùa hè oi ả năm 1995. Đoàn làm phim được làm việc với những phương tiện kỹ thuật tốt nhất có thể có ở Việt Nam, kể cả việc thuê các thiết bị đắt tiền của công ty P/S Canada (công ty dịch vụ kỹ thuật cho các đoàn làm phim nước ngoài đến quay ở Việt Nam). Điều kiện sinh hoạt và lương cho anh em trong đoàn phim được đảm bảo tối đa, nên dù công việc vất vả, đầy những sự cố bất ngờ, nhưng tiến độ của phim vẫn tiến triển đều đặn. Phải nói rằng một đội ngũ thiện chiến nhất của điện ảnh Việt Nam trong mọi lĩnh vực chuyên môn đã được huy động cho phim này. Chủ nhiệm Tất Bình là người có khả năng tổ chức tuyệt vời. Mỗi lần quay xong một đợt chừng 1.500 đến 2.000 thước phim chúng tôi lại gửi sang Nhật để in tráng, và chỉ một tuần sau chúng tôi đã nhận được mẻ nháp gửi về kèm theo một bức Fax dài với những nhận xét tỉ mỉ về chất lượng kỹ thuật của hình ảnh. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn cùng anh em trong tổ quay truyền tay nhau đọc, vừa đọc vừa đoán những từ kỹ thuật viết bằng tiếng Anh. Cuối cùng rồi mọi người cũng hiểu hết nội dung để rút kinh nghiệm cho các đợt quay sau. Tôi đã học được rất nhiều điều qua những bức thư ấy mặc dầu chúng chỉ liên quan đến phần kỹ thuật quay phim.
Tôi không thể kể hết mọi thuận lợi cũng như khó khăn trong khi làm bộ phim này. Chỉ biết nói rằng nếu đời tôi đã từng gặp những may mắn thì đây là một trong những may mắn lớn nhất mà tôi có được. Cho dù sau này khi làm phim xong, bị các báo hùa nhau đánh đòn hội chợ, thì đến bây giờ và mãi mãi về sau tôi vẫn nghĩ rằng những ngày làm phim Thương nhớ đồng quê là những ngày hạnh phúc nhất trong đời làm phim của tôi. Sau khi dựng xong hình ảnh, lồng tiếng, thu nhạc, tiếng động xong, chủ nhiệm phim Yoshimasa Omi và ông Izumi chuyên viên kỹ thuật của Hãng Imagica lại sang Việt Nam (Hãng Imagica là một hãng in tráng lớn nhất ở Nhật đã từng in tráng cho những phim lớn của nước ngoài như phim Hoàng đế cuối cùng của đạo diễn Ý Bertolucci). Sau khi khảo sát khả năng kỹ thuật của ta, bạn đã quyết định đưa phim sang Nhật để hòa âm và ra bản đầu. Tôi cùng nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, dựng phim Trần Anh Hoa lên đường sang Nhật với đầy đủ các linh kiện: băng hình ảnh, băng lời, băng nhạc và các băng tiếng động. Chúng tôi đã được hoà âm trong các điều kiện tối ưu, nhưng làm đúng như tác phong của người Nhật: có nghĩa là làm liên tục, ăn ngay tại phòng hòa âm, chỉ trở về khách sạn khi đã khuya để nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại làm tiếp từ sớm. Có một chi tiết trong khi hòa âm mà tôi muốn kể ra đây để thấy rõ sự tôn trọng nguyên tắc về luật bản quyền. Khi dương cuốn 2 có cảnh nhà chú Phụng đang ngồi xem tivi truyền những hình ảnh của cuộc thi hoa hậu, chủ nhiệm phim đề nghị chúng tôi dừng lại để kiểm tra xem điệu nhạc phương Tây phát ra trong cảnh đó xuất xứ từ đâu. Ông lập tức gọi một chuyên viên trong Hãng đến nghe và chỉ vài giây sau chuyên viên này cho biết đó là giai điệu trong một bản disco của một tác giả người Anh và bản này đã được Nhật mua bản quyền sử dụng rồi. (Nếu Nhật Bản chưa mua bản quyền bắt buộc chúng tôi phải thay bằng một đoạn nhạc khác). Chỉ hai ngày sau khi hòa âm xong chúng tôi đã được báo đến Hãng Imagica để xem bản đầu hoàn chỉnh. Công việc định sáng không phải làm đi làm lại nhiều lần như ở Việt Nam vì Hãng đã cử hai chuyên viên hàng đầu của Hãng theo dõi từ những thước nháp đầu tiên, họ đã thuộc làu từng cảnh quay và biết cần điều chỉnh như thế nào khi ra bản đầu. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn làm việc với hai chuyên viên này không có trở ngại gì mặc dù ngôn ngữ bất đồng. Đoàn chúng tôi hồi hộp đến Hãng Imagica chờ xem bộ phim ra lò. Chúng tôi được đưa đến phòng chiếu có chừng một trăm ghế ngồi rộng rãi như xa lông. Một chuyên viên của Hãng cho biết đây là một trong hai phòng chiếu kiểm tra chất lượng duy nhất ở Nhật. Toàn bộ phòng chiếu được cách ly với cả toà nhà (mặc dầu nằm ở tầng hai) để không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một rung động nhỏ nào từ bên ngoài. Cùng xem với chúng tôi có đông đủ các chuyên viên kỹ thuật trong bộ phận OTK của Hãng Imagica, đại diện NHK, đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Tâm Chiến, tùy viên Văn hóa cùng một số khách mời Nhật Bản trong đó có bà Seino, trước kia làm phụ tá cho cha tôi ở phòng thí nghiệm Tokyo thời gian ông nghiên cứu tại đây. Tôi nín thở, hồi hộp như theo dõi đứa con mình ra đời. (Hai lần tôi đưa vợ đi đẻ nhưng chưa bao giờ được sống cái phút hồi hộp này. Cả hai con tôi đều sinh vào lúc nửa đêm, khi tôi đang ngủ ở nhà). Khi đèn bật sáng tôi nhìn thấy nỗi hân hoan trên gương mặt của tất cả mọi người. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến không giấu nỗi xúc động nói với tôi: Tôi là một nông dân, tôi từ nông thôn mà ra. Cái cậu Nhâm trong phim đúng như tôi hồi còn ở làng, mà cả cái làng trong phim nữa đúng hệt như làng tôi. Xin chúc mừng anh. Đấy là lời khen ngợi đầu tiên của người đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam trên đất Nhật Bản (sau này giới ngoại giao là giới ủng hộ bộ phim này mạnh mẽ nhất). Ông Chủ tịch hội Nhật-Việt ở Tokyo, trước kia từng là Đại sứ Nhật tại Pháp đã bắt tay tôi nói bằng tiếng Pháp: Grand succès! (Thành công lớn). Tôi biết rằng bộ phim đã thành công, không còn điều gì phải nghi ngờ nữa (mặc dù tôi vẫn nhận ra một vài chỗ nên chỉnh lý, cắt gọn thì tốt hơn). Khi các khách mời đã ra về, ê kíp làm phim Việt Nam và ê kíp chuyên viên kỹ thuật Nhật cùng chủ nhiệm kéo nhau đi bộ ra nhà hàng để liên hoan, kết thúc một quá trình hợp tác tốt đẹp. Trên đường đi, một chuyên viên của Hãng Imagica tâm sự với tôi: Thú thật với anh, khi theo dõi từ các mẻ nháp đầu tiên cho đến các mẻ nháp cuối cùng, tôi vẫn không hình dung được bộ phim sẽ như thế nào. Nhưng hôm nay xem xong phim tôi muốn nói với anh rằng: một khi nghệ thuật làm từ trái tim thì nó không còn biên giới nữa. Không hiểu sao tôi cảm thấy gần gũi với những con người trên phim đến thế. Họ thân thuộc đến nỗi tôi cứ nghĩ như họ đang sống ở một làng quê nào đó ở Nhật Bản. Sau này khi nhận được những lời khen ngợi của các đồng nghiệp, các nhà phê bình phim tôi vẫn không bao giờ quên được lời tâm sự cảm động của anh chuyên viên kỹ thuật trong buổi chiều hôm đó trên đường phố Tokyo.
Chúng tôi trở về nước một tháng sau thì trở lại Nhật để tham dự đợt chiếu ra mắt các phim châu Á mà đài truyền hình NHK hợp tác tài trợ trong năm 1995. Cùng đi có đạo diễn Lê Hoàng với bộ phim Lưỡi dao mà phía NHK đề nghị tôi giới thiệu để cùng chiếu trong đợt này. Khi vừa tới sân bay, một cán bộ của đài NHK ra đón cho biết lãnh đạo của Đài đánh giá phim Việt Nam là phim hay nhất. Tôi nhớ lại những nỗi lo lắng của anh em đoàn làm phim và sự quyết tâm của mọi người để không bị thua chúng kém bạn. Trong một bức thư gởi Bộ trưởng Trần Hoàn, ông Tadao Sato thay mặt Đài NHK đã viết như sau:
Mấy ngày trước đây, bộ phim Thương nhớ đồng quê (ở Nhật phim được đặt tên là Nhâm) của Việt Nam đã được chiếu tại Trung tâm văn hóa Châu Á thuộc quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Tokyo cùng với phim của các nước khác và nó lại được phát lên vệ tinh truyền hình của NHK để truyền đi khắp nước Nhật. Bộ phim là sự thể hiện của tài năng chân chính và sự giàu có nội tâm... Chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt những nhận xét cảm động về bộ phim kể cả từ phía khán giả đại chúng. Bộ phim đã giành được uy tín rất cao trong lòng hàng loạt khán giả, kể cả chuyên gia điện ảnh và truyền hình lẫn các giới chức ngoại giao và những người khác. Chúng tôi đánh giá cao đất nước ngài, nơi đã làm ra một bộ phim như vậy và tự đáy lòng mình, chúng tôi xin cảm ơn ngài về sự cộng tác ấy. (Sao gửi các ông Lưu Trọng Hồng, Bùi Đình Hạc và Đặng Nhật Minh).
Tôi không thể kể hết về dư luận báo chí trong và ngoài nước về bộ phim này. Từ báo Mỹ như Herald Tribune cho đến các báo ở Pháp, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Canada, Đức v.v... đã có những bài viết đầy thiện cảm với bộ phim (đặc biệt ở Đức có nhà phê bình tên là Rudolf Tomzac đã xem bộ phim này tới 6 lần, và đã viết một bài về phim thật sâu sắc, cảm động).
Ở Việt Nam khi phim vừa xuất hiện đã có hàng chục bài báo khen ngợi của những người viết có uy tín như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Lựu... của các nhà phê bình phim có uy tín như Ngô Phương Lan, Tô Hoàng...; các nhà báo Lưu Trọng Văn, Việt Văn, Nguyễn Trọng Chức v.v... Những bài công kích chỉ xuất hiện sau này trước khi bước vào thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI. Những bài viết đó xuất phát từ một số ít người nhưng đội tên khác nhau. Họ vận động một số nhà báo quen biết cùng tham gia bằng cách bịa đặt những chuyện không có thật để gây hiềm khích giữa tôi và giới báo chí. Tất cả đều chỉ vì coi thành công của người là thất bại của chính mình. Họ vu cho phim cái tội bôi đen hiện thực, không thấy những thành tựu của đổi mới, những cố gắng của Đảng và Nhà nước ta để cải thiện đời sống ở nông thôn v.v.... Đặc biệt trong chiến dịch này có sự tham gia của một ông chuyên viên Văn phòng Chính phủ có tên là Phạm Duy Khuê với một bài viết khá dài đăng trên tờ Hà Nội Mới chứa đựng những lời lẽ tố cáo, chụp mũ hết sức nặng nề. Ông ta còn bịa cả những chi tiết không có trong phim để lên án (giông bão làm đổ bức chân dung Hồ Chủ tịch sau buổi lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ!). Đây có lẽ là bài phê bình phim duy nhất trong đời của ông chuyên viên nọ, bởi trước đó và sau này, cho đến tận bây giờ không thấy ông viết bài báo nào nữa. Trước những sự công kích vu khống đó, tôi chỉ giữ thái độ im lặng. Trong cuộc trưng cầu ý kiến khán giả tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1996, có 78,6% khán giả đánh giá đây là một phim hay (trong 3 mức đánh giá: hay, trung bình và kém), nhưng ban tổ chức đã không công bố kết quả đó. Nữ diễn viên Thúy Hường kể lại với tôi: một chị nông dân ở Bắc Giang sau khi xem phim này, đã nói với Thúy Hường rằng: Cô cho tôi gửi lời cảm ơn ông đạo diễn phim vì đã nói hộ bà con nông dân chúng tôi. Không biết ông có sống ở nông thôn không mà hiểu đời sống của chúng tôi như vậy. Tình cờ thằng con trai tôi có đem về một tờ báo trong đó có bài lên án bộ phim là bôi nhọ nông thôn. Đọc xong tôi tức quá xé vứt đi. Nhà báo gì mà nói láo thế. Không biết có bao giờ họ về nông thôn chưa?
Tôi định có dịp sẽ tìm gặp chị nông dân ấy để nói với chị rằng: Tôi không phải là nông dân. Hiện tôi ở Hà Nội. Nhưng thưa chị, tôi chỉ cần bước chân ra đầu phố thôi là tôi đã có thể gặp những người nông dân như chị. Họ quảy những sọt su hào, cà chua, bắp cải nặng trịch, rong ruổi cả ngày để bán được vài nghìn bạc. Thưa chị, nếu tôi đi xa hơn chút nữa, tới chân cầu Long Biên thì tôi có thể gặp bà con đông như cả một Tổng, thúng mủng, đòn gánh ngồi chờ có ai đến thuê gánh đất cát, sỏi đá để người thành phố xây nhà, xây biệt thự, vila... Thưa chị, chẳng cần đi đâu xa, nông thôn ở ngay trong thành phố mà tôi đang ở.
Chỉ cần một buổi tối mùa đông dừng lại mua bắp ngô nướng của một cô gái quê bỏ ruộng đồng ra Hà Nội làm thuê kiếm mướn, tối tối tranh thủ quạt một thúng ngô non để có thêm vài nghìn bạc là biết ngay nông thôn ta bây giờ sống ra sao. Thưa chị, ở cái xứ này cứ mười người thì có tám người là nông dân, đi đâu mà chẳng gặp họ. Tôi cũng xin phép báo cáo với chị rằng tôi từng là đại biểu Quốc hội của một tỉnh vào loại nghèo nhất nước, nơi có đến 99% là nông dân. Một năm hai lần, trước mỗi kỳ họp Quốc hội tôi có về gặp bà con. Nhiều câu thoại trong phim là của bà con nông dân nói với tôi trong những lần tiếp xúc ấy. Tôi bị kết tội bôi nhọ nông thôn là vì tôi đã nói như bà con nói. Bây giờ thì tôi thôi là đại biểu Quốc hội rồi. Năm năm làm người thay mặt cho bà con, tôi chẳng làm được gì cho họ, tôi chỉ để lại một bộ phim để nói lên cho bàn dân thiên hạ biết tâm tư nguyện vọng của bà con. Những gì chưa làm được cho bà con nằm ngoài khả năng và quyền hạn của tôi, xin bà con thông cảm cho.
Bộ phim Thương nhớ đồng quê được Phát hành phim Quân đội mua để chiếu rộng rãi trong và ngoài quân đội. Nó đã được mời tham dự hơn 60 Liên hoan phim quốc tế và đã nhận được một số giải thưởng. Quan trọng hơn hết là nó đã đem lại rất nhiều thiện cảm cho đất nước, cho nền điện ảnh Việt Nam. Do có rất nhiều nơi mời chiếu phim này nên đài NHK phải tuyển riêng một nữ nhân viên chuyên theo ri việc gửi phim đi nhận phim về. Tôi có dịp đến thăm đài và được gặp cô nhân viên đó. Cô chỉ cho tôi tấm bản đồ treo trên tường đánh dấu chi chit đường đi của phim khắp các nơi. Đôi khi có nơi mời gấp nên không kịp thông báo về Việt Nam để xin phép. Biết được chuyện đó có người đ viết thư tố cáo gửi tới Tổng bí thư, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và cả Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng ta đ đánh mất chủ quyền văn hóa.Lại thêm một cái tội nữa của phim: tội được nhiều nơi mời chiếu mà không xin phép mặc dầu nó đ được Bộ Văn hóa cấp giấy phép cho chiếu rộng ri trong v ngồi nước.
Sau khi bị báo chí lên án, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương mới tổ chức chiếu cho các Tổng biên tập các báo Trung ương và Hà Nội xem. Xem xong, nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao một phim như vậy lại bị phê phán. Thì ra họ đều không xem phim. Họ đã bị lừa… Nhiều bạn bè ngạc nhiên: tại sao tôi lại có thể đứng vững trước đòn hội chợ này của báo chí. Thực ra tôi chẳng có bản lĩnh gì ghê gớm cả. Chẳng qua trong những ngày ấy tôi cảm thấy mình như người đi đường bị xe đâm nhưng rồi lại im lặng đứng lên phủi sạch quần áo rồi đi tiếp. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh tượng như vậy ở ngoài đường và tôi vẫn nhớ đinh ninh gương mặt của những người bị xe đâm đó. Họ chẳng hề la lối mà chỉ im lặng.
♦
Đại hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IV
Đêm trước ngày bước vào Đại hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IV, tôi còn ngồi dựng phim Thương nhớ đồng quê với cô dựng phim Trần Anh Hoa cho đến 12 giờ khuya. Nhiệm vụ của tôi với cương vị Tổng Thư ký nhiệm kỳ III trong Đại hội này là đọc một bản báo cáo tổng kết công tác của cả nhiệm kỳ. Việc này tôi đã chuẩn bị xong từ lâu chỉ còn đem ra đọc trước Đại hội. Ngoài ra mọi việc khác tôi đều không quan tâm. Toàn bộ tâm trí tôi dồn hết cho bộ phim lúc này đang ở vào giai đoạn hậu kỳ. Trong khi đó từ 6 tháng trước, người ta bắt đầu một chiến dịch để thay thế Tổng Thư ký. Người ta tập hợp lực lượng, hoạch định phương hướng, phân công các mũi tiến công rất bài bản.
Trong cuộc họp cuối cùng trước khi bước vào Đại hội do đồng chí Nguyễn Đức Bình, ủy viên Bộ Chính trị chủ trì; có mặt Phó thủ tướng Nguyễn Khánh; đồng chí Hà Đăng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; đồng chí Trần Hoàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; lại thêm cố vấn của Ban là đồng chí Hà Xuân Trường nữa. Theo dự kiến, Tổng Thư ký mới sẽ là một trong mấy người sau: Bùi Đình Hạc, Huy Thành hoặc Thanh An. Qua thăm dò, qua báo cáo từ dưới lên thì Tổng Thư ký Đặng Nhật Minh chắc chắn không được bầu lại, thậm chí còn có khả năng không trúng cả vào Ban chấp hành. Tôi có cảm tưởng đy là cuộc họp của cấp trên với các lãnh đạo tương lai của Hội. Đồng chí Nguyễn Đức Bình chỉ thị cho Đại hội phải mổ xẻ phân tích sự mất đoàn kết giữa Hội và Cục Điện ảnh mà ông cho đó là vấn đề cơ bản nhất cần tháo gỡ của ngành. Qua cách nói của ông, tôi biết rằng cái lỗi này là ở phía Hội và người gây ra là tôi - Tổng Thư ký. Đến lượt đồng chí Hà Xuân Trường phát biểu càng lộ rõ ý đó hơn. Ông nói Hội và Cục chẳng qua chỉ là một cái nhà treo hai cái biển. Rồi ông kể về cái thời mình làm Chủ tịch Hội thì tiếng nói của Hội và Cục bao giờ cũng là một tiếng nói thống nhất chứ không như bây giờ. Riêng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh ngồi im lặng từ đầu đến cuối. Đến khi đồng chí Nguyễn Đức Bình yêu cầu phát biểu, ông chỉ nói rất ngắn: Trong nhiệm kỳ vừa qua Hội Điện ảnh đã giúp Chính phủ rất nhiều và anh Đặng Nhật Minh phải chủ trì Đại hội cho đến khi bầu ra Tổng Thư ký mới. Tôi biết ông có những suy nghĩ không giống với những người có mặt trong cuộc họp này. Sau cuộc họp đó, Ban chấp hành họp phiên cuối cùng. Trước sự chuẩn bị hết sức chu đáo, nghĩa là quá bài bản, quá nhịp nhàng, trước một đội ngũ được huy động hùng hậu, nhiều ủy viên Ban chấp hành đã khôn ngoan nhận ra rằng không nên đi ngược lại xu thế chung. Chỉ có một trục trặc nho nhỏ: việc gạt Đặng Nhật Minh ra khỏi danh sách Chủ tịch đoàn không thực hiện được vì bị Phó Tổng Thư ký Thanh An phản đối. Anh cho rằng, cho đến phút này anh Minh vẫn là Tổng Thư ký, anh phải có mặt trên Chủ tịch đoàn cho đến khi Đại hội bầu Tổng Thư ký mới. Lập luận xem ra có lý nên tất cả đành chấp nhận.
Hình 12. Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam
Suốt một ngày rưỡi Đại hội (chỉ trừ sáng hôm khai mạc) các cánh quân được tới tấp tung ra. Khởi đầu là đạo quân đứng dưới hội trường hò hét đòi đuổi Tổng Thư ký ra khỏi Chủ tịch đoàn... Tiếp đến, đạo quân hô hào đoàn kết, tố cáo Hội là mầm mống gây chia rẽ nội bộ. Cái võ cuối cùng là: vu khống (cứ vu khống cái đã, không ai có thì giờ mà tìm hiểu thực hư lúc này). Họ chiếm hết diễn đàn không cho ai được nói. Nhiều người ngồi bên dưới chỉ biết phẫn nộ. Trước những lời bịa đặt vu khống, Phó Tổng Thư ký Thanh An đã trả lời rành mạch từng điểm một. Ông là người ngay thẳng, không bao giờ nói có thành không, hoặc nói không thành có. Chính vì đức tính quý báu này nên suốt nhiệm kỳ qua và sau này, chúng tôi tuy tính cách khác nhau, nhưng vẫn sát cánh bên nhau làm việc có hiệu quả vì công việc chung của Hội. Người cuối cùng lên phát biểu là nhà báo điện ảnh Đinh Trọng Tuấn. Anh đã vạch mặt đúng kẻ chủ mưu vẫn cố ẩn mình trong bóng tối. Một cú phản công bất ngờ làm người đinh ninh sắp được bầu làm Tổng Thư ký bị lúng túng, lộ rõ trước toàn thể Đại hội. Tiếp theo Tuấn, tôi thấy chẳng có gì cần phát biểu thêm, chỉ xin nói đúng 10 phút. Tôi nói rằng tôi ở trong ngành điện ảnh đã lâu, anh chị em đều biết. Tôi vẫn là tôi như trước khi được anh chị em bầu. Nhiệm kỳ vừa qua tôi được anh chị em bầu lên thì tôi cố gắng làm. Trước sau tôi vẫn là một đạo diễn, cho đến lúc này tôi vẫn ăn lương đạo diễn. Tôi không muốn thanh minh gì cả làm mất thì giờ của Đại hội. Cuộc bầu Ban chấp hành bắt đầu. Kết quả: những đồng chí đinh ninh mình sẽ trúng Tổng Thư ký đều trượt ngay vòng một bầu Ban chấp hành. Một số bỏ về không tham dự tiếp nữa.
Có nhiều người ngạc nhiên không hiểu sao trong hai ngày ngồi trên Chủ tịch đoàn, nghe những lời thóa mạ, vu khống chĩa vào mình mà tôi vẫn bình tĩnh như vậy. Có cô sau này kể với tôi: bọn em ngồi dưới mà thấy thương anh vô cùng, ức đến phát khóc lên được. Có gì đâu, chẳng qua vì có được bầu hay không đối với tôi không có gì quan trọng cả. Tôi đã xác định cho mình từ lâu rằng tôi tồn tại trong điện ảnh bằng những tác phẩm của mình, bằng cái nghề đạo diễn của mình. Hơn nữa trong những ngày Đại hội đó, đầu óc tôi vẫn nghĩ về bộ phim đang dựng dở, nên thêm cảnh nào và bớt cảnh nào, chỗ nào cần cắt gọn và chỗ nào cần kéo dài thêm. Mối quan tâm đó làm tôi có vẻ mặt bình thản của người đứng ngoài cuộc. Tôi lại được anh em bầu làm Tổng Thư ký thêm một nhiệm kỳ nữa. Một lần nữa đa số thầm lặng của những người làm điện ảnh lại đứng bên tôi.
Trong những ngày sóng gió đó người tiếp nghị lực cho tôi chính là con gái tôi: Đặng Phương Lan. Nó ở xa tôi hàng nghìn cây số, tận Budapest, nhưng chỉ vài lần nói chuyện qua điện thoại nó đã truyền cho tôi sức mạnh, sự tỉnh táo để đương đầu trước mọi thử thách. Kết quả của Đại hội làm đảo ngược tất cả mọi dự đoán. Tại văn phòng Hội, một số người đã chuẩn bị sẵn tư thế để đón thủ trưởng mới. Một số khác thực sự buồn nếu có người khác về thay. Tôi cảm động nhìn nỗi hân hoan hiện trên những khuôn mặt bơ phờ của họ sau những ngày mất ăn mất ngủ theo dõi diễn biến của Đại hội.
♦
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI
Cứ hai năm một lần Bộ Văn hoá tổ chức Liên hoan phim Việt Nam. Liên hoan phim lần thứ XI diễn ra vào tháng 10.1996 sau khi hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Những gì mà những người chống đối tôi không làm được trong Đại hội Điện ảnh lần thứ IV thì lần này được rút kinh nghiệm để làm trong Liên hoan phim này. Mục đích của họ là cương quyết không để bộ phim Thương nhớ đồng que lọt vào danh sách các phim được giải. Điều quan trọng đối với họ là phải có những người tin cẩn nằm trong Ban giám khảo. Tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật cũng được huy động vào chiến dịch này: tung tin vu khống, kích động qua mạng internet (viết thư rồi cài vào mạng sau đó in ra phân phát đến tận tay từng người trong Ban giám khảo). Đấy là chưa kể hàng loạt báo nhất tề hậu thuẫn với những tên tác giả khác nhau nhưng quanh quẩn vẫn chỉ vài người mà trong giới điện ảnh ai cũng biết. Cuộc bài binh bố trận lần này xem ra kỹ lưỡng hơn, có cả trên cả dưới, cả trong cả ngoài. Cuối cùng thì họ đã thu được thành công tuy chưa trọn vẹn như mong muốn. Phim Thương nhớ đồng quê không được giải thưởng nào của Liên hoan phim nhưng đạo diễn của nó lại được Giải đạo diễn xuất sắc duy nhất (về việc này nhà văn Lê Lựu đã phát biểu trên tờ Nghệ thuật thứ bảy một cách hóm hỉnh như sau: Trao giải thưởng nuôi con khoẻ, dạy con ngoan cho bà mẹ, nhưng lại không thừa nhận đứa con của bà ta!). Liên hoan phim năm đó không có giải Vàng.
Nhưng đối với tôi giải thưởng cao nhất trong Liên hoan phim này là lời phát biểu của ông Klaus Eder, người Đức, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc tế trong buổi lễ bế mạc Lin hoan phim. Ông đã nói trước toàn thể hội trường như sau: Tôi sang Việt Nam chính là vì cách đây một năm tôi được xem một bộ phim Việt Nam, phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Vì vậy mà hôm nay tôi có mặt ở đây. Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đã đưa điện ảnh của các bạn đến với thế giới. Những lời nói của ông đã được cả hội trường im lặng lắng nghe, nhưng cũng làm một số người tức tối. Họ đã gạt được phim ra khỏi giải. Vậy mà bằng lời nói của một người đầy uy tín như ông Klaus Eder, vô hình chung bộ phim đã giành được một giải thưởng tinh thần thật đáng quý.
Thực tình mà nói, niềm háo hức khi được giải Bông Sen Vàng chỉ có một lần đến với tôi, đó là lần nhận giải Bông Sen Vàng cho phim Thị xã trong tầm tay. Lần đó tôi cảm động thực sự, vì đây là giải thưởng đầu tiên của tôi trong điện ảnh, nhất là sau đó lại nhận được thư động viên của bác Phạm Văn Đồng. Sau khi cha tôi mất, vốn là bạn cũ của cha tôi nên bác Đồng luôn theo dõi những bước đi của tôi như một người cha..
Nói chung các phim tôi đã làm, nằm ở thang bậc nào trên bình diện chung của điện ảnh thế giới tôi đều biết rất rõ. Tôi nhớ sau lần chiếu phim Trở về tại Liên hoan phim Nantes (Pháp) vào năm 1994, khi xem xong ông Marcel Martin, nhà phê bình phim nổi tiếng Pháp (ông này đã từng viết cuốn Ngôn ngữ điện ảnh trở thành sách gối đầu giường của tất cả các sinh viên học nghề đạo diễn) đã nói với tôi một câu: Bây giờ thì anh có thể hội nhập với điện ảnh thế giới được rồi. Tôi hiểu sau câu nói ấy có nghĩa rằng từ đây tôi đã được xếp ngồi vào chiếu của làng điện ảnh thế giới. Chiếu dưới thôi. Nhưng được ngồi vào chiếu đó không phải dễ (tôi đã mất ba mươi năm lăn lộn trong nghề). Muốn được ngồi ở chiếu trên, chiếu giữa thì khó hơn. Có thể không bao giờ....
♦
“Hà Nội - Mùa đông 46”
Năm 1983, tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva tôi được xem bộ phim Gandhi của điện ảnh Ấn Độ. Tôi nhớ buổi chiếu hôm đó các cô gái Ấn mặc sắc phục dân tộc đứng thành hai hàng trước phòng chiếu rắc hoa lên người khách đến xem, và khi mọi người bước vào rạp đều được chấm một vết son đỏ lên trán. Đây là một phim đồ sộ nói về cuộc đời của thánh Ghandi. Đạo diễn người Anh Richard Attenborough được mời làm đạo diễn và đích thân bà Thủ tướng Ấn Độ Indira Ghandi trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất phim này. Bộ phim đã làm tôi xúc động vô cùng. Tôi nhận ra rằng giữa Ghandi và Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng nào đó, phải chăng đó là lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha xuất phát từ bản chất hiếu hòa của người phương Đông. Tôi đọc báo kể rằng năm 1957 khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khóc trước mộ Ghandi. Tôi nhận ra trong con người Hồ Chí Minh có một Ghandi trong đó. Sau này có dịp ra nước ngoài nhiều, tôi nhận ra rằng còn có rất nhiều người ở nước ngoài tuy phục Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc Pháp - Mỹ, nhưng cho rằng người Việt Nam hiếu chiến, thích giải quyết mọi công việc bằng vũ lực. Họ không biết rằng trong lịch sử cận đại của Việt Nam có một giai đoạn mà người Việt Nam không muốn có chiến tranh, chỉ muốn giải quyết mọi công việc với người Pháp để giành độc lập bằng thương lượng. Đó chính là giai đoạn cuối năm 1946, một giai đoạn còn ít người nước ngoài biết đến. Từ đấy, ý nghĩ làm một bộ phim về Hồ Chí Minh giai đoạn 1946 hình thành dần trong tôi, nung nấu trong tôi suốt những năm dài. Tôi tìm đọc rất nhiều sách báo trong nước có liên quan đến giai đoạn đó. Các bạn bè người Việt Nam ở nước ngoài cũng sốt sắng giúp tôi có được những cuốn sách viết về giai đoạn đó của các tác giả người Pháp. Thậm chí trước khi quay anh Trần Hải Hạc ở Paris còn kịp gửi cho tơi cuốn Paris-Saigon-Hanoi của Philippe Devillers vừa mới xuất bản. Nhưng tôi không muốn làm một phim tiểu sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện trong phim, có thể là nhiều lần, nhưng đây là một phim truyện, do đó nhân vật chính của phim phải là một nhân vật hư cấu. Nhân vật đó là Lâm, một thanh niên Hà Nội, sinh viên Luật, tự vệ thành, nói tiếng Pháp thông thạo. Anh được cử đến để làm liên lạc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Sainteny trong những ngày cuối cùng khi mọi cố gắng ngoại giao hầu như bế tắc, chỉ còn hy vọng vào những cố gắng cá nhân. Đã từ lâu tôi muốn đưa lên phim hình ảnh người chiến sĩ của giai đoạn chống Pháp đầu đội mũ ca lô, mặc áo trấn thủ, súng colt đeo ngang hông, chân đi ghệt da, hiên ngang và lãng mạn. Đó là hình ảnh của các cậu tôi ở Huế trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, là hình ảnh của những chiến sĩ Hà Nội Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Để tăng thêm kịch tính và tâm trạng của nhân vật Lâm, tôi đã để cho anh có người vợ trẻ sắp sinh con đầu lòng. Lâm vừa phải làm liên lạc đưa thư của Hồ Chủ tịch đến cho Sainteny, lại vừa lo đưa vợ đi nhà thương khi trở dạ đẻ. Đúng trong thời điểm khi chiến tranh bùng nổ thì vợ Lâm đang nằm trên bàn mổ. Người bác sĩ Pháp nhân hậu đã cứu vợ con anh trong một ca đẻ khó. Trong khi đó trung đội bảo vệ Bắc bộ phủ chiến đấu cho đến người cuối cùng. Mặt trận Hà Nội vỡ. Lâm rút lui qua bên kia sông Hồng đi kháng chiến sau khi nhờ người bác sĩ Pháp trông nom hộ vợ và con mình.
Hình 13. Một cảnh trong phim Hà Nội - Mùa Đông 1946
Tôi bắt tay vào viết kịch bản cuối năm 1988. Đầu năm 1989 tôi mời thêm nhà thơ kiêm biên kịch Hoàng Nhuận Cầm viết chung, vì Cầm là con nhạc sĩ Hoàng Giác - một nghệ sĩ sống vào giai đoạn lịch sử đó, mang đầy chất hào hoa của đất Hà Thành. Đến cuối năm 1989 thì kịch bản hoàn thành. Lúc đó Cục Điện ảnh vừa duyệt xong kịch bản Hẹn gặp lại Sài Gòn để đưa vào sản xuất kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi biết có nộp kịch bản lên người ta cũng không duyệt, vì phim kỷ niệm đã có rồi. Nhưng tôi nghĩ những vấn đề mà tôi đề cập trong kịch bản này tung ra vào thời điểm nào cũng thích hợp cả, không việc gì phải vội. Tôi rất ghét loại phim “cúng cụ” kiểu thiên hạ vẫn làm. Do đó tôi không cần nộp kịch bản vào đúng dịp kỷ niệm nào hết. Cuối năm 1993, Cục Điện ảnh có phát động một cuộc thi viết kịch bản phim truyện, tôi bèn gửi kịch bản đến tham dự. Cuộc thi này kéo dài rất lâu. Thậm chí Cục Điện ảnh dường như quên rằng đã phát động nó. Khi sực nhớ ra, người ta mới vội vàng lập ra một ban chấm giải đứng đầu là Cục trưởng Bùi Đình Hạc. Kết quả kịch bản Hà Nội-Mùa đông 46 bị loại ngay từ vòng đầu. Giải nhất thuộc về kịch bản của một phi công đã giải ngũ có tên là Hôn nhân không giá thú. Tình cờ một lần gặp Bộ trưởng Trần Hoàn trong hành lang Quốc hội, tôi có hỏi ông: Kịch bản Hà Nội-Mùa đông 46 tôi viết đã lâu, nó không được giải trong cuộc thi, nhưng liệu Bộ có duyệt cho làm phim không? Ông Trần Hoàn nói: Để tôi đọc đã. Ông Bộ trưởng này là đồng hương Trị Thiên - Huế với tôi. Ông là người chứng kiến giây phút cuối cùng của cha tôi ở Trường Sơn (ông có viết một bi hồi ký cảm động về những ngày cùng cha tôi trên đường vào chiến khu Trị Thiên). Sau khi đọc xong kịch bản ông đã ký quyết định cho phim Hà Nội-Mùa đông 46 được đưa vào sản xuất. Đó là vào tháng 2 năm 1996, khi mùa đông đã sắp qua. Tôi vội vàng cùng đoàn làm phim tranh thủ những ngày cuối đông bấm máy gấp (không thể quay mùa đông 46 giữa những ngày hè 96 được). Nhưng rồi có khẩn trương đến mấy chúng tôi cũng không kéo mùa đông lại được. Nó đã đi qua và cả đoàn phim phải ngừng quay. Nhiều người chán nản bỏ cuộc. Một số người xấu bụng tung tin, thậm chí đăng trên báo nói rằng tôi ham làm phim cho nước ngoài, không chịu làm phim trong nước để phục vụ những nhiệm vụ chính trị, phục vụ những ngày lễ lớn. Nhưng bao giờ cũng vậy, vào những lúc gay go nhất lại có những người lặng lẽ đứng bên tôi, tiếp sức cho tôi. Đó là chủ nhiệm phim Vũ Văn Nha, là phó đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, Họa sĩ thiết kết Phạm Quốc Trung... Không có họ có lẽ tôi không đủ sức hoàn thành được phim này. Như trên đã nói tôi không định làm phim “cúng cụ” nên tôi không cần phim phải ra đúng dịp nào hết. Trước khi thành lập đoàn làm phim tôi đã nói thẳng thắn với ông Kim Cương, giám đốc Hãng phim: Kịch bản mãi cuối tháng 11 năm 1995 mới duyệt và cuối tháng 1 năm 1996 tổng dự toán mới được thông qua. Tôi không thể nào quay kịp để phục vụ kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến vào ngày 19 tháng 12 năm 1996 được. Nếu vì cần có phim để phục vụ ngày lễ lớn thì Hãng muốn giao cho ai làm thì giao. Tôi cám ơn giám đốc Kim Cương vì đã không lấy việc lập công chính trị làm đầu. Ông không nghĩ đến chuyện giao cho một đạo diễn nào khác ngoài tôi. Sau 6 tháng ngừng quay, tháng 10.1996 đoàn làm phim lại tập trung để tiếp tục công việc. Đến giai đoạn này phải quay những cảnh có hình ảnh Hồ Chủ tịch (giai đoạn trước chưa quay tới). Diễn viên mà tôi quyết định chọn đầu tiên là một cán bộ làm ở Đài truyền hình. Anh có vầng trán cao (không cần phải cải tạo), phong thái đĩnh đạc. Hóa trang thử thấy giống. Nhưng đến ngày bắt đầu quay thì đêm trước anh ra hiệu cắt tóc. Nhìn cái đầu cắt cao vống lên hai bên thái dương và sau gáy, tôi không còn nhận ra nhân vật của mình nữa. Hóa trang Phan Đình Sáu lôi ra một bộ tóc giả đã được chuẩn bị sẵn, trùm lên. Tôi thất vọng đến tột độ. Tôi quyết định dừng lại thay người khác. Tôi nghĩ đến Tiến Hợi. Trước đây tôi đã có thử nhưng không giống (Hợi chỉ giống Hồ Chủ tịch trên sân khấu với bộ tóc giả thôi). Có người cho biết Tiến Hợi đang theo đoàn kịch Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Tôi yêu cầu chủ nhiệm cứ liên lạc thử. May sao vừa đúng lúc Tiến Hợi đã ra Hà nội. Tôi đưa Hợi về nhà lấy băng dính màu da người cắt cắt, dán dán, từ từ mở rộng trán của Hợi ra xem có giống không. Tôi vui mừng nhận ra rằng nếu cạo bớt tóc phía trước, vén trán của Hợi lên thì rất giống. Tôi gọi hóa trang đến yêu cầu gọt tóc đúng chỗ tôi đã dán băng dính. Hôm quay cảnh đầu tiên có Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tôi hô tắt máy, bỗng có tiếng vỗ tay rào rào. Tôi quay lại, thấy tất cả anh em trong đoàn phim ai nấy đều hân hoan. Thì ra cả đoàn phim ai nấy đều hồi hộp theo dõi việc chọn người đóng vai Bác Hồ. Đó là những tràng vỗ tay đầu tiên dành cho bộ phim. Nó làm tôi thấy vững tâm. Đúng là số trời đã định: vai Hồ Chủ tịch phải do Tiến Hợi đảm nhiệm. Không thể có ai khác. Càng làm phim tôi càng nghiệm ra rằng ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự trợ giúp huyền bí của Trời nữa. Trời cho thì được mà Trời đã không cho thì đành chịu, mà tôi thì được ông Trời phù hộ cho nhiều lắm trên bước đường sáng tác của mình. Tôi tin còn có nhiều người ở cõi âm phù hộ cho tôi nữa, chắc chắn đó là cha mẹ tôi, những người luôn theo dõi mỗi bước đi của tôi trên cõi dương này. Nhiều quyết định chính xác trong lúc làm phim đến với tôi hết sức tình cờ như có ai đó xui khiến chỉ bảo. Tôi chưa bao giờ làm những đại cảnh và cũng không bao giờ ôm mộng làm Bônđasúc của Việt Nam (Bônđasúc là một đạo diễn nổi tiếng Liên Xô, đạo diễn phim Chiến tranh và hòa bình). Bởi vậy sắp quay những cảnh đông người là tôi run lắm. Đêm quay cảnh đánh nhau ở Bắc bộ phủ, khi thấy lính tây, lính ta, xe tăng, xe bọc thép, súng ống, bao cát bày la liệt trước mắt, tôi đâm hoảng hồn. Tôi bèn cố trấn lĩnh, mời chủ nhiệm Nha và phó đạo diễn Nhuệ Giang lại để bàn bạc. Tôi ngồi xuống vỉa hè vẽ sơ đồ trên giấy chỗ bố trí xe tăng, xe bọc thép và vị trí đặt những quả nổ, giao cho chủ nhiệm Nha chỉ huy. Rồi quay sang Nhuệ Giang tôi nói: Còn bây giờ chú là bên địch, chỉ huy lính Tây; cháu là bên ta, chỉ huy bộ đội mình. Chú cháu mình đánh nhau. Quay cảnh gì trước, cảnh gì sau chú sẽ bàn với hai quay phim (cảnh này chúng tôi quay hai máy). Cứ thế mà làm. Chúng tôi quần nhau suốt một đêm, đánh vật với từng cảnh quay. Đại bác xe tăng làm vỡ 75 tấm cửa kính của toà nhà Bắc bộ phủ. Các quả nổ làm tanh bành cả sân trước và tầng dưới của tòa nhà. Đêm quay cảnh đánh nhau ở tầng hai bệnh viện K (nơi làm giả tầng hai Bắc bộ phủ) cũng vậy. Thật là một đêm hãi hùng. Các bác sĩ, y tá xông lên mắng chủ nhiệm Nha: Các anh là đồ dã man. Bệnh nhân vừa mới mổ xong nằm không yên với các anh. Các anh định giết người à? Chúng tôi cũng đành trơ mặt ra cố mà quay cho xong (để đến sáng, giám đốc bệnh viện chắc sẽ đuổi thẳng chúng tôi một cách không thương tiếc). Sau đêm đó tôi thề rằng sẽ không bao giờ làm phim hoành tráng nữa.
Buổi chiếu bản dựng hình phim Hà Nội-Mùa đông 46 tại phân xưởng kỹ thuật có giám đốc Kim Cương, anh em trong đoàn làm phim và tất cả anh chị em kỹ thuật viên của phân xưởng in tráng. Họ là các khán giả đầu tiên của bộ phim. Khi phim chiếu xong, đèn trong phòng chiếu vừa bật sáng bỗng có tiếng vỗ tay ran. Giám đốc Kim Cương xúc động bắt tay tôi nói: Cám ơn anh Minh! Tôi cũng cám ơn lại ông không chút khách sáo.
Tôi biết phim này dựng xong thế nào các cấp lãnh đạo cũng đòi xem để góp ý kiến. Vì vậy trước khi lồng tiếng hòa âm tôi đã yêu cầu Hãng mời cấp trên đến xem, ai muốn góp ý kiến gì thì góp trước đi. Có tất cả 5 buổi chiếu để góp ý kiến, mời từ Bộ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin cho đến Trưởng, phó Ban Tư tưởng Văn hoá TW, cuối cùng là đến ủy viên Bộ Chính trị Lê Xuân Tùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Các vị đều hoan nghênh, tuy vậy tất cả đều nhất trí yêu cầu tôi phải cắt một câu thoại của Hồ Chủ tịch nói với ông chủ nhà trong đêm ở làng Vạn Phúc: Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài. Đây chính là câu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói vào tháng năm 1/1946 trong một cuộc trả lời phỏng vấn (có in trong Hồ Chí Minh Toàn tập). Nhưng các vị cho rằng đưa câu đó ra sợ bị địch lợi dụng (trong đời làm phim của mình không biết bao lần tôi được nghe mấy chữ “địch lợi dụng” như vậy rồi. Dường như trách nhiệm của những người duyệt phim là luôn đặt mình vào vị trí của kẻ địch để thử suy diễn). Tôi rất tiếc nhưng cũng đành chấp nhận. Tôi nghĩ nếu để câu nói trên chỉ làm đẹp thêm cho nhân vật mà thôi.
Trong khi phim vừa chỉ mới dựng xong hình ảnh, chưa có tiếng, có nhạc, thậm chí một số cảnh còn chưa đủ, thì ông David Overbey, người tuyển phim của Liên hoan phim Toronto sang Việt Nam. Nghe nói tôi đang hoàn tất một bộ phim mới, ông yêu cầu Cục Điện ảnh cho được xem. Mặc dầu phim chưa xong, nhưng tôi cũng đồng ý mời ông xem và dịch lời thoại cho ông qua tiếng Pháp. Xem xong ông lập tức ngỏ ý mời phim tham dự Liên hoan phim Toronto năm 1997. Ngày 8/9 tôi lên đường sang Toronto. Bản phim đã được Cục Điện ảnh gửi sang trước để làm phụ đề tiếng Anh. Phim Hà Nội - Mùa đông 46 đã ra mắt với thế giới chỉ hai tuần sau khi vừa mới có bản đầu.
Tôi đến Toronto lần này là lần thứ hai. Năm 1996 có một chương trình đặc biệt phim Việt Nam được tuyển chọn để chiếu tại Liên hoan phim này. Tất cả có 10 phim từ trong nước và một phim của đạo diễn Trần Anh Hùng làm ở nước ngoài (phim Mùi đu đủ xanh). Trong số mười phim làm ở trong nước có bốn phim do tôi làm đạo diễn, đó là Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về và Thương nhớ đồng quê. Lần này tôi được mời sang có 5 hôm, để dự chiếu 2 buổi ra mắt phim Hà Nội-Mùa đông 46. Trước buổi chiếu tôi rất hồi hộp, bởi vì nói gì thì nói, đây vẫn là một phim chính trị, lại có hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối. Không biết khán giả Canada, các nhà phê bình phim, các nhà báo nước ngoài đón nhận như thế nào. Khi vừa sang tôi đã nghe tin vé của cả hai buổi chiếu đều đã bán hết cách đây một tuần. Quả thật, buổi chiếu người xem ngồi kín cả rạp. Ông David Overbey đích thân giới thiệu tôi với khán giả (thường thì có những người được chuyên phân công làm việc này). Sau buổi chiếu, phóng viên Hãng thông tấn Pháp AFP và bà nhà báo Joan Dupont của tờ International Herald Tribune đến phỏng vấn tôi. Sau khi rời Toronto, tôi về Budapest thăm con gái. Ơng Đại sứ Việt Nam ở Hungari nhắn tôi đến chơi và cho tôi xem bài báo đăng trên tờ International Herald Tribune (số ra ngy 24/9/1997) với tựa đề: Ngoại giao con thoi cho phim ảnh Việt Nam (Shuttle Diplomacy for Vietnam Films). Tác giả bài viết là bà Dupont mà tôi vừa gặp ở Toronto. Dựa trên nội dung cuộc trao đổi với tôi bà đã viết một bài báo dài giới thiệu nền điện ảnh Việt nam, quá trình đến với điện ảnh của tôi, các phim tôi đã làm và gọi tôi là nhà ngoại giao của điện ảnh Việt Nam. Đọc xong bài báo tôi nói vui với ông Đại sứ: Vậy là tôi cũng làm ngoại giao như các anh.
Vừa về nước, tôi liền nhận được điện thoại của cô thư ký Đại sứ quán Ấn Độ cho biết ông Đại sứ muốn gặp tôi ngay. Đại sứ Malik thân mật tiếp tôi trong phịng làm việc của mình với tờ báo International Herald Tribune trên tay. Ông cho biết đã đọc bài báo trên tờ International Herald Tribune và rất quan tâm tới phát biểu của tôi về sự tương đồng trong tính cách của Hồ Chí Minh và Gandhi, về động cơ thôi thúc tôi làm phim Hà nội – Mùa đông 46. Ông ngỏ ý muốn xem phim. Hôm sau tôi mời Đại sứ cùng phu nhân và toàn thể nhân viên Đại sứ quán đến xem phim Hà nội – Mùa đông 46 tại Câu lạc bộ Hội điện ảnh. Một thời gian sau tôi được mời đến dự lễ khánh thành gian phòng Truyền thống mang tên Nerhu – Hồ Chí Minh trong đại Đại Sứ Ấn Độ. Ông Đại sứ cho biết ý tưởng này nẩy sinh sau khi ông xem phim Hà nội – Mùa đông 46.
Trong thời gian tôi ở nước ngoài chị Cheng Sim Lim, giáo sư khoa Điện ảnh Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA) sang Hà Nội tuyển chọn môt chương trình phim để giới thiệu cho sinh viên của trường. Tôi từng được mời đến trường này vài lần để chiếu phim, gặp gỡ sinh viên. Lần này phim Hà Nội – Mùa đông 46 được chọn chiếu nên tôi lại có dịp trở lại. Trước buổi chiếu ông Bob Rosen Chủ nhiệm khoa Điện ảnh và Sân khấu của trường báo cho tôi biết rằng sẽ có những người Việt Nam biểu tình trước cửa rạp bởi họ nghe nói trong phim có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tơi hết sức bình tĩnh vì nghĩ rằng nếu những người phản đối xem phim này chắc họ sẽ nghĩ khác, bởi đây không phải là một phim tuyên truyền chính trị mà là một phim nói lên một giai đoạn lịch sử có thật. Để đảm bảo an toàn, tôi được đưa vào rạp qua cửa riêng. Đến giờ chiếu những người phản đối cũng vào xem. Buổi chiếu đó trôi qua mau. Tiếp đến là phần giao lưu với khán giả. Tôi biết đây mới là phần cao trào. Vì được mời lên ngồi đối diện với khán giả nên tôi dễ dàng nhận ra những người phản đối. Họ rì rầm hội ý với nhau, nhường cho những người khác hỏi trước rồi mới bắt đầu “tấn công”. Một khán giả đứng tuổi đột ngột hỏi tôi: Xin hỏi ông đạo diễn. Ông năm nay bao nhiêu tuổi? Qủa tình tôi hơi bất ngờ trước câu hỏi đó bèn hỏi lại: Bác muốn hỏi tuổi tôi để làm gì? Vị khán giả đáp: Là vì tôi muốn biết khi xẩy ra những sự việc miêu tả trong phim này, ông bao nhiêu tuổi? Tôi là người Hà Nội, tôi đã sống qua giai đoạn đó….. tôi thấy trong phim có những cái không đúng sự thật (tôi chờ đợi mũi tên sắp được bắn ra). Vị khán giả nói tiếp: Ví dụ trong một số cảnh tôi thấy có những phụ nữ Hà Nội để kiểu tóc không đúng như thời đó (tôi thở phào). Tôi ôn tồn đáp: Thưa bác ….Những năm đó tôi còn nhỏ. Do đó tôi phải tìm hiểu qua sách báo, hồi ký, gặp gỡ những người từng sống trong cuộc, mời một số làm cố vấn cho đoàn làm phim. Mặc dầu vậy những sai sót là không tránh khỏi. Nếu bác có ở Hà Nội trong thời gian tôi làm phim này chắc chắn tôi sẽ mời bác làm cố vấn về hóa trang cho phim. Tất cả cử tọa cười vui vẻ và không khí của buổi giao lưu trở nên khác hẳn.
Sau cuộc giao lưu một nữ phóng viên trẻ gốc Việt của đài Tiếng nói Hoa kỳ xin phỏng vấn tôi. Tôi nhận lời nhưng yêu cầu được phỏng vấn cô trước. Cô đồng ý. Tôi hỏi cảm tưởng của cô sau khi xem phim này. Cô đáp: Cháu rất thích. Tôi hỏi tiếp: Vậy cô có nói điều đó trong khi tường thuật về buổi chiếu phim và cuộc phỏng vấn này không? Cô gái đáp: Cháu sẽ nói. Tôi không nghe được cuộc phỏng vấn đó trên đài VOA. Nhưng khi về nước, một nguời bạn đã nghe cuộc phỏng vấn cho biết cô phóng viên đã giữ đúng lời hứa của mình. Vậy là sau Toronto (Canada) đến Los Angeles (Mỹ), Fukuoka (Nhật) và rồi nhiều lần trên truyền hình bộ phim Hà nội – Mùa đông 46 đã đến với nhiều khán giả nước ngoài để kể về một giai đoạn ngắn ngủi trong lịch sử cận đại của Việt nam mà họ còn ít biết đến. Một giai đoạn mà người Việt nam thực lòng không muốn dùng vũ lực.
Sau khi làm xong phim này, một số người nghĩ rằng tôi đã từ bỏ phong cách sáng tác của mình trước đây, một phong cách làm phim đã được định hình, nói về số phận của những con người bình thường trong xã hội. Những tôi quan niệm rằng, số phận của những con người bình thường bao giờ cũng gắn liền với số phận của đất nước. Những gì xảy ra trong những ngày cuối năm 46 đó, chính là số phận của đất nước. Nó chi phối số phận của tất cả mọi người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Quả thật nếu ngày đó ở bên Nhật, cha tôi không tình cờ đọc được lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời tôi bây giờ đã đi theo một hướng khác. Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật (cha tôi trước đó đã làm giấy tờ để đưa mấy mẹ con tôi sang Nhật). Bởi vậy việc làm phim này đối với tôi do sự thôi thúc của bản thân hơn là xuất phát từ việc làm phim phục vụ những nhiệm vụ chính trị.
Tháng 4 năm 1999 tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII tổ chức ở Huế, bộ phim đã được tặng giải Bông Sen Bạc, Giải thưởng của Bộ Quốc phịng cùng một loạt giải cá nhân như: Giải Đạo diễn, Giải Quay phim, Giải Họa sĩ, Giải Âm nhạc. Bao giờ cũng vậy, Liên hoan phim còn là dịp để người ta thi thố mọi mưu toan ngoài nghệ thuật. Trong những ngày đó tôi cùng đoàn làm phim tài liệu đi quay bộ phim về Tuần Văn hoá Huế, không hề quan tâm gì đến diễn biến của Liên hoan phim. Hai tháng sau, tôi đã hoàn thành xong bộ phim video Huế giữa lòng Hà Nội (dài 90 phút) theo yu cầu của bà Tôn nữ thị Ninh, trưởng ban tổ chức Tuần văn hóa Huế ở Hà nội như một đóng góp cho quê hương. Bộ phim đã được Ban Liên lạc đồng hương Huế tại Hà Nội đón nhận một cách hết sức hài lòng.
♦
Giải thưởng Nikkei Asia Prize về văn hóa
Vào một buổi sáng tháng 5 năm 1999, khi tôi vừa đánh răng rửa mặt xong thì có chuông điện thoại. Đầu giây nói đằng kia là giọng một người đàn ông châu Á nói bằng tiếng Pháp, tự giới thiệu mình là đại diện của báo Nihon Keizai rồi thông báo cho tôi một tin vui: “Anh vừa được báo Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản quyết định trao giải thưởng về văn hóa năm 1999. Đây là Giải được trao hàng năm cho những nhân vật châu Á nổi bật trong ba lĩnh vực: kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa. Mỗi lĩnh vực một người”. Cái cảm giác của tôi lúc ấy là ngạc nhiên pha lẫn vui mừng (ngạc nhiên là vì tôi chưa bao giờ được biết về giải này, và vui mừng vì nghe nói mình được giải). Một tuần sau tôi nhận được thông báo chính thức bằng văn bản kèm theo những thông tin cặn kẽ về giải thưởng. Nihon Keizai Shimbun là tờ thời báo kinh tế lớn nhất ở Nhật có số lượng phát hành 3 triệu số mỗi ngày cộng với 5 triệu số của các tờ báo phụ khác. Năm 1996 nhân kỷ niệm 100 năm ngày nhật báo ra đời người ta đã đặt ra Giải Nikkei Châu Á và đây là lần đầu tiên giải này được trao cho một người Việt Nam (Năm 2001 giải này được trao cho một người Việt nam nữa là Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong lĩnh vực nông nghiệp và năm 2011 nhà văn Bảo Ninh là người Việt nam thứ ba được trao giải này)
Đến khi được nghe tên và chức vụ của các vị trong Ban giám khảo (toàn là giáo sư đại học, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng), đọc thành tích của những người nhận giải những năm trước, tôi bắt đầu nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của giải thưởng này. Nhưng điều làm tôi cảm động hơn cả là lý do của việc trao giải được ghi trên tấm bằng: là vì trong các phim của mình đã nói lên được tấm lòng của người Việt Nam và cũng là tấm lòng của người châu Á ra với thế giới. Tôi cảm động vì có người hiểu được mình, đánh giá đúng việc làm của mình. Ban tổ chức lễ trao Giải mời tôi cùng với vợ sang Tokyo dự lễ trao giải vào cuối tháng 6. Tôi báo cáo việc này lên Ban Tư tưởng – Văn hóa, một thời gian rất lâu không nhận được hồi âm vì còn chờ Ban thỉnh thị ý kiến của trên. Cuối cùng tôi được ông Trần Hoàn, hồi ấy là Phó ban phổ biến lại như sau: Về việc nước ngoài tặng giải thưởng phải phân ra làm ba loại: loại giải thưởng của nước ngoài tặng, nhưng người nào được nhận là do ta cử; hai là lọai giải thưởng của nước ngoài do nước ngoài quyết định tặng, nhưng ta không phản đối; và ba là loại giải thưởng do nước ngoài quyết định trao nhưng ta phản đối. Loại giải thứ nhất thì cần tuyên truyền rầm rộ, loại thứ hai không tuyên truyền và loại thứ ba thì cực lực phản đối. Tôi được liệt vào trường hợp thứ hai. Cuối tháng 6 tôi cùng vợ lên đường đi Tokyo, trong lúc đó con gái tôi Đặng Phương Lan từ Budapest cũng bay sang để cùng dự lễ trao giải (cháu được bạn đài thọ ăn ở, còn vé máy bay phải tự túc).
Hình 14. Tại Giải Nikkei Châu Á
Buổi lễ trao giải đã diễn ra trọng thể tại Khách sạn Okura với sự tham dự của toàn thể Ban giám khảo, lãnh đạo báo Nihon Keizai cùng rất đông quan khách trong đó có Đại sứ nước ta ở Nhật cùng tham tán văn hóa Đại sứ quán. Nhiều Việt kiều gặp tôi chúc mừng, cho rằng đây là vinh dự chung cho đất nước. Tôi sung sướng được gặp bác Lê Văn Quý đến chia vui cùng tôi. Bác sang Nhật du học cùng cha tôi năm 1943, ở cùng một phòng trong Đông kinh học xá với cha tôi suốt 6 năm liền. Cha tôi nghiên cứu về y còn bác học về điện. Cha tôi về nước, còn bác ở lại làm việc sinh sống tại Nhật cho đến bây giờ và là một trong những kỹ sư có rất nhiều phát minh có giá trị ở Nhật.
Theo thông lệ sau lễ trao giải, báo Nihon Keizai Shimbun tổ chức một Hội thảo quốc tế với chủ đề: Tương lai châu Á với sự có mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia châu Á như Tổng thống Philippine, Thủ tướng Nhật Bản, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Malaysia, Phó Thủ tướng Hàn Quốc, Thái Lan các Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, Mianma, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ Nhật. Phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi cùng hai người vừa nhận giải (một nhà nghiên cứu nông nghiệp Trung Quốc, một nhà kinh tế Đài Loan) cũng được mời tham dự. Tại buổi tiệc chiêu đãi, chúng tôi đã được long trọng giới thiệu với tất cả các nguyên thủ quốc gia, các quan khách tham dự Hội nghị.
Trở về nước nhiều bạn bè đồng nghiệp mừng cho tôi (đa số là đồng nghiệp ở phía Nam gọi điện hoặc fax ra), nhiều báo trong nước đưa tin (trừ một vài báo lớn). Tôi cám ơn nước Nhật – nơi cha tôi đã từng tu nghiệp 7 năm, nơi có ông bà Tadao và Hisako Sato, những người đối với tôi như ruột thịt, cùng biết bao bạn bè thân thiết, nước Nhật đã từng tài trợ cho tôi làm phim, giới thiệu hầu hết các phim của tôi, mua và bảo quản nhiều phim tôi làm, nay lại tặng giải cho tôi... Không biết duyên số nào đã gắn cuộc đời tôi với đất nước xa xôi ấy. Tôi chỉ biết tự nhủ lòng phải cố gắng để khỏi phụ cái ân tình này, có nghĩa là phải tiếp tục làm phim cho hay, chẳng biết có cách gì hơn... Tôi bắt đầu nghĩ tới bộ phim sắp làm: phim Mùa ổi (theo truyện ngắn Ngôi nhà xưa của tôi đã đăng trên báo Văn nghệ năm 1993). Kịch bản phim bị trục trặc sau nhiều lần duyệt kéo dài. Sau gần 2 năm vẫn không được cấp giấy phép. Tôi thất vọng khi nhận được một công văn của ông Chủ tịch Hội đồng duyệt kịch bản với thông báo ngắn gọn: phim làm ra lúc này không có lợi.
Không biết chờ đến lúc nào thì có lợi, tôi bèn gửi thẳng kịch bản lên cho ông Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Nguyễn Khoa Điềm yêu cầu cho biết cụ thể bao giờ thì phim có thể làm được. Nếu không cho làm thì cũng cho biết dứt khoát để tôi còn đi làm việc khác. Một tháng sau, ông Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm đã đồng ý cho kịch bản Mùa ổi được đưa vào sản xuất. Tôi lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới.
♦
“Mùa ổi”
Có một lớp người của Hà Nội ít được phản ánh trong văn học, nghệ thuật đó là những người Hà Nội của những năm 50, không tham gia kháng chiến chống Pháp, ở lại Hà Nội sinh sống làm ăn. Họ là những nhà tư sản, trí thức tiểu tư sản, tiểu thương v.v... Năm 1954 khi Chính phủ về tiếp quản thủ đô, những người này được gọi bằng cái tên chung là những người trong thành, hoặc là công chức lưu dung nếu trước đây có làm việc cho chế độ cũ. Những nhà tư sản thì được học tập cải tạo để từ bỏ lối sống bóc lột, ai có nhà cho thuê thì phải giao nhà cho nhà nước quản lý. Bà con tiểu thương thì được đưa vào các Hợp tác xã để làm ăn tập thể. Những người trí thức ngoài bác sĩ ra còn được nhà nước sử dụng lại, hầu hết đều không có việc làm, nhất là các luật sư. Chế độ mới, có hệ thống luật pháp mới, không cần đến các luật sư của chế độ cũ. Ngày ấy chủ nghĩa lý lịch còn rất nặng nề, con cái tư sản, trí thức cũ học xong trung học chỉ được thi vào các trường trung cấp nông nghiệp, thủy lợi hoặc cao đẳng sư phạm. Sau khi ra trường họ được phân công đi nhận công tác ở miền núi hoặc các tỉnh xa, không được ở Hà Nội. Tuy bị phân biệt đối xử như vậy nhưng những người trí thức cũ của Hà Nội vẫn luôn mong muốn được đóng góp công sức cho sự nghiệp chung, bù lại những ngày đã không làm gì cho kháng chiến. Tôi biết rất nhiều gia đình như vậy, nhất là gia đình bên vợ tôi. Trên cở sở của những hiểu biết đó tôi viết lên truyện ngắn Ngôi nhà xưa. Câu chuyện dựa trên những sự việc có liên quan đến ngôi nhà số 43 Hàng Chuối của ông bố vợ tôi, một luật sư cũ. Thoạt đầu vì muốn góp phần vào sự nghiệp chung, ông đồng ý cho cơ quan Bưu điện của nhà nước thuê tầng dưới để làm việc. Dần dần cơ quan vận động ông cho thuê nốt cả tầng hai. Ông vui lòng dọn đi ở nơi khác. Đến khi có chính sách cải tạo nhà cửa, ông được mời đi học tập cải tạo. Đến lúc này ông mới biết rằng ai có diện tích nhà cho thuê trên 120m2 đều bị liệt vào diện phải cải tạo, phải tự nguyện giao nhà cho nhà nước quản lý, từ bỏ lối sống bóc lột. Phải từ bỏ ngôi nhà của chính mình xây cất lên, nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn vui của gia đình là một điều vô cùng đau xót. Tôi thấm thía được điều đó qua tâm trạng của vợ tôi cùng những người thân trong gia đình bên vợ. Truyện ngắn Ngôi nhà xưa sau khi đăng trên Tuần báo Văn nghệ vào năm 1993 lập tức được nhiều độc giả chú ý, đặc biệt là những người Hà Nội cũ. Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại trong mục đọc chuyện đêm khuya. Tôi không ngờ câu chuyện riêng trong gia đình vợ tôi lại động chạm đến số phận của rất nhiều người. Thì ra những gì xảy ra với ngôi nhà được miêu tả trong truyện ngắn, rất phổ biến ở Hà Nội trong thời kỳ cải tạo nhà cửa vào những năm 60.
Hình 15. Một cảnh trong phim Mùa ổi
Tôi chuyển truyện ngắn trên sang kịch bản điện ảnh vào năm 1998, và như trên đã nói, mãi đến năm 2000 kịch bản mới được duyệt. Khi chuyển thành phim tôi thêm nhân vật cô người mẫu, vốn là một cô gái từ nông thôn ra thành thị kiếm sống bằng nghề khuân vác ở chợ dưới chân cầu Long Biên, nơi tập kết hàng hoá từ biên giới phía Bắc về để cung cấp đi các nơi. Cái chợ đó lạ lắm, chỉ cách thành phố có một con đê, nhưng đã là một thế giới khác hẳn - thế giới của cần lao, nghèo khổ. Như vậy trong phim này có hai loại người: trí thức Hà Nội cũ và những người nông dân ra thành thị kiếm sống hôm nay. Theo tôi giữa người trí thức và nông dân về bản chất có một điểm giống nhau: đó là sự hồn nhiên,tốt bụng, cả tin v đều bị thiệt thòi như nhau. Điều quan trọng nhất đối với tôi là phải tìm cho được diễn viên đóng vai Hoà, một người đàn ông đã trên 50 nhưng tâm hồn vẫn là của một đứa trẻ mười ba. Tôi đã thử nhiều người và cuối cùng đã tìm được người diễn viên thích hợp. Đó là diễn viên Bùi Bài Bình. Anh lâu nay không đóng phim, không chạy theo xu thế thời thượng đóng hết phim video này đến phim video khác để kiếm tiền. Anh hầu như vắng bóng trên màn ảnh lớn nhỏ và khán giả đã bắt đầu quên anh. Một vai quan trọng khác là vai Thủy, em của ông Hoà. Tôi đã không do dự khi quyết định mời nữ diễn viên Lan Hương của Nhà hát kịch Trung ương vào vai này. Cô quả là một diễn viên chuyên nghiệp với đầy đủ ý nghĩa nhất của từ này. Ở cô có một sự nhạy cảm, tinh tế đặc biệt. Là một diễn viên kịch nói nhưng khi đứng trước ống kính máy quay cô sống với nhân vật một cách tự nhiên dung dị như ở ngoài đời vậy. Có thể nói không thể có ai đóng vai Thuỷ chính xác hơn Lan Hương được và tôi không ngạc nhiên chút nào khi cô được Giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Singapore năm 2000. Phim no tơi lm cũng vậy, bao giờ cũng cĩ một nhn vật rất khĩ tìm được người thích hợp để đóng. Trong phim này là nhân vật ông Luật sư, chủ nhân của ngôi nhà xưa. Tôi hình dung nhn vật ny phải người xương xương. Các diễn viên điện ảnh và sân khấu của ta đa phần đều mập mạp. Hơn nữa người này này phải có gương mặt thoáng nhìn cĩ thể nhận ra ngay đây là một trí thức cũ được đào tạo dưới thời Pháp, biết thông thạo tiếng Pháp. Rất khó tìm một gương một như vậy trong số các diễn viên chuyên nghiệp.Thọat tiên tôi nghĩ đến giáo sư Đình Quang. Nhưng giáo sư ngại ngần không muốn nhận lời mặc dầu ông rất thích kịch bản này. Tôi bèn nghĩ đến ông Phạm Khắc Lm, nguyn Tổng gim đốc Đài Truyền hình Việt Nam m tơi được tiếp xúc đôi lần. Vẻ bề ngoài ông đúng là một mẫu người tây học như tôi hình dung. Ơng vui vẻ nhận lời v nĩi với tơi một cu đến nay tôi cịn nhớ đinh ninh: Tớ chưa đóng phim bao giờ. Nhưng cái gì thin hạ lm được thì tớ cũng lm được. Chỉ vì cu nĩi đó mà tôi quyết định mời ông vào vai Luật sư Bách không chút do dự và ông đ lm đúng như ông đ từng nĩi. Tôi mời Vũ Đức Tùng, một quay phim trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm làm quay phim chính của phim và điều đó đã bộc lộ trong phần hình ảnh mặc dù anh hết sức nhiệt tình và cố gắng. Báo chí Pháp đã có nhận xét rằng: phần quay của phim này không đều tay.
Cục Điện ảnh đã cấp cho phim Mùa ổi một kinh phí cực kỳ ít ỏi (725 triệu) trong lúc những phim trung bình khác được cấp trên một tỷ. Nhưng trái lại trong phim này tôi đã nhận được một sự hỗ trợ tối đa từ bên ngoài. Trước hết là của Hãng P/S (Production Service) ở Canada, một Hãng chuyên cung cấp các phương tiện kỹ thuật cho các đoàn làm phim nước ngoài sang quay ở Việt nam. Ông Dug Dalles, giám đốc Hãng đã từ lâu mong muốn giúp đỡ tôi về kỹ thuật trong việc làm phim, xuất phát từ lòng mến mộ của ông đối với những phim mà tôi đã làm. Ông đã gửi từ Canada sang cho tôi máy quay Ariflex 4 và điều từ TP. HCM ra cho tôi những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất về chiếu sáng mà không đòi hỏi một đồng tiền nào. Quỹ Điện ảnh Phương Nam thuộc Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ để tôi thực hiện phần âm thanh surround và hoà âm tại Paris. Ngoài ra Quỹ Montecinema Verita của Ý còn tài trợ làm phụ đề tiếng Pháp và tiếng Ý để tham dự Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ). Tất cả những sự tài trợ trên đều hoàn toàn không vụ lợi, không kèm theo bất cứ điều kiện gì chỉ mong sao tôi được làm phim trong những điều kiện tốt nhất mà thôi. Sở dĩ tôi có được những may mắn đó là vì ở nước ngoài từ lâu người ta đã theo dõi công việc làm của tôi và có cảm tình với những phim mà tôi đã làm. Tháng 7 năm 2000 tôi cùng thu thanh Trần Kim Thịnh lên đường sang Paris để làm hậu kỳ của phim trong những điều kiện làm việc tối ưu tại một Hãng phim hiện đại nhất của Pháp. Một ê-kíp các chuyên viên Pháp đã nhiệt tình phục vụ, đáp ứng mọi yêu cầu của tôi. Để kịp tham dự Liên hoan phim Locarno họ sẵn sàng làm việc cả trong ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 năm ấy.
Giữa tháng 8 năm 2000 tôi từ Paris sang Locarno với bản đầu phim Mùa ổi vừa mới ra lò tại Xưởng in tráng CGT ở ngoại ô Paris. Đây là lần đầu tiên tôi tham dự LHP này, trước đây tôi chỉ được đọc về nó mà thôi. Đó là một LHP có uy tín, những phim dự thi được trình chiếu trên một màn ảnh khổng lồ kích thước 13 x 28m đặt ngay tại quảng trường trung tâm có ghế ngồi ngoài trời cho 10.000 người xem. Mùa ổi là phim Việt Nam đầu tiên được chiếu tại đây và khán giả Locarno là những người đầu tiên được xem phim này, trước cả những khán giả Việt Nam. Tôi nói điều đó trước buổi chiếu và 10.000 người xem tối hôm đó đã đón nhận bộ phim với những tình cảm rất nồng nhiệt. Những tiếng vỗ tay kéo dài suốt cả phần générique cuối phim. Tôi biết bộ phim đã xúc động người xem. Sáng hôm sau một người đến gặp tôi ngỏ ý muốn mua để phát hành bộ phim này trên toàn thế giới. Người đó là ông Jacque Eric Strauss, Giám đốc một Hãng phát hành phim uy tín vào bậc nhất ở Pháp. Sau này có nhiều người hỏi tôi bằng cách nào để bán được phim ra ngoài. Tôi chỉ có thể trả lời: Hãy cố làm phim cho tốt, ắt sẽ có người tìm mua, không cần phải chào hàng hay làm marketing gì cả. Đó có lẽ là bí quyết mà tôi học được trong việc bán phim. Buổi tối trước hôm bế mạc LHP, một anh bạn người Việt Nam, chủ một rạp chiếu bóng ở đây đã đưa tôi sang Ý ăn spagetti (Locarno nằm ngay sát biên giới Ý). Hôm sau phim Mùa ổi nhận được Giải Don Quichote của Hiệp hội các Câu lạc bộ Điện ảnh thế giới, và Giải nhì của Ban Giám khảo trẻ.
Locarno là một thành phố nghỉ mát thật êm đềm của nước Thụy Sĩ vốn đã rất êm đềm. Thành phố nằm bên bờ một chiếc hồ rộng, nước trong như lọc. Sau hôm chiếu phim, nhiều người nhận ra tôi trên đường phố, họ dừng lại bắt tay, nói những lời khen ngợi. Cách đây 4 năm phim Thương nhớ đồng quê đã được chiếu trên mạng lưới chiếu bóng ở Thụy Sĩ, nhiều người đã xem, có người xem 3 lần. Một nữ khán giả đứng tuổi nói với tôi: Anh làm tôi phân vân, không biết Thương nhớ đồng quê và Mùa ổi phim nào hay hơn phim nào. Thật tình tôi thích cả hai.
Mãi gần một năm sau Mùa ổi mới ra mắt khán giả trong nước vì phải chờ in các bản phim từ Pháp gửi về (ở trong nước không in được các bản phim có âm thanh surround). Đến ngày 17 tháng 4 năm 2002, Mùa ổi chính thức ra mắt khán giả Pháp tại Paris trong hệ thống rạp chiếu bóng Gaumont. Hầu hết các báo ở Paris đều có bài viết về phim với nhiều thiện cảm. Tạp chí điện ảnh Studio số tháng 4 năm 2002 cho rằng: Bộ phim là một kiệt tác về chất thơ. Tờ Canard Enchainé một tờ báo hài hước châm biếm được rất nhiều người Pháp ưa thích đã ví: Bộ phim có hương vị như một trái ổi nhỏ của Proust (Marcel Proust - nhà văn Pháp, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Đi tìm thời gian đã mất - ĐNM) Còn báo Nouvel Obsevateur thì nhận định: phim Mùa ổi có nội dung đề cao nhân cách và phẩm giá. Thật vậy trong phim này tôi muốn nói đến nhân cách của những con người Hà Nội gốc (qua gia đình luật sư Bách và các con ông) hơn là việc nói về ngôi nhà đã mất. Lần đầu tiên trên đường phố lớn ở Paris xuất hiện những tấm áp phích của một bộ phim Việt Nam, một sự kiện được báo Tuổi trẻ Chủ nhật số ra ngày 28-4-2002 cho là sự kiện lịch sử đối với điện ảnh Việt Nam. Tôi đã gặp ở Hà Nội và trong dịp về dự Festival Huế 2002 rất nhiều Việt kiều và người Pháp đã xem phim này ở Paris. Tất cả đều hân hoan vui mừng và không giấu những tình cảm tốt đẹp dành cho bộ phim. Cuối năm 2001 tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 tổ chức ở Vinh, phim Mùa ổi đã nhận được Giải Bông Sen Vàng cùng với phim Đời cát của đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Vân. Đây là Bông Sen Vàng thứ 3 của tôi trong điện ảnh. Ngoài hai giải thưởng ở Locarno (Giải Don Quichote của Hiệp Hội Quốc tế các Câu lạc bộ điện ảnh và Giải của Ban Giám khảo trẻ) Mùa ổi còn nhận được một số giải thưởng quốc tế khác nữa như Giải đặc biệt của Hiệp hội phê bình phim quốc tế tại LHP Oslo (Nauy) năm 2001, Bằng khen đặc biệt tại LHP Namur (Bỉ) năm 2000, Giải NETPAC tại LHP Rotterdam (Hà Lan). Có được những thành công trên trước hết tôi muốn nhắc đến hai người đã giúp tôi rất nhiều từ khi đặt bút viết những dòng kịch bản đầu tiên cho đến khi phim được thu nhạc, hoà âm. Đó là vợ tôi Nguyễn Phương Nghi và con gái tôi Đặng Phương Lan. Gia đình luật sư Bách được miêu tả trong phim chính là gia đình bố vợ tôi. Ông Hoà trong phim chính là hình ảnh ông anh vợ tôi, cô Thủy em ông chính là hình ảnh vợ tôi. Vốn từng là nhạc công piano, vợ tôi đã gợi ý cho tôi rất nhiều ý tưởng về tính chất âm nhạc trong phim để làm việc với nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, và anh đ lm hết mình vì chất lượng âm nhạc của bộ phim.Con gái tôi tuy đang học Y ở Hungary nhưng đã đóng góp cho tôi rất nhiều nội dung cụ thể trong kịch bản. Trên phần génerique của phim có tên vợ tôi là biên tập âm nhạc và tên con gái tôi là người biên tập kịch bản. Chưa có phim nào tôi có nhiều kỷ niệm như thế với những người thân trong gia đình.
♦
Đại hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ V
Trong lúc tôi đang dồn hết tâm trí vào việc làm phim Mùa ổi thì người ta đang lên kế hoạch để tiến tới Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ V. Sau hơn 10 năm (1989 - 2000) ngồi ở cái ghế Tổng Thư ký Hội tôi thấy đã đến lúc phải chia tay, mặc dù qua bỏ phiếu thăm dò, tôi vẫn được anh chị em hội viên tín nhiệm cao. Lần đại hội này người ta đã làm được một việc mà trong hai đại hội trước không làm được: đó là bỏ cái lệ toàn thể đại hội bầu Tổng Thư ký. Tổng Thư ký lần này sẽ do Ban chấp hành bầu, đúng như ý định của những người chỉ đạo đại hội. Với cách bầu này người ta có thể lèo lái dễ dàng việc bầu bán theo ý muốn. Đại hội được Phó Ban Tư tưởng - Văn hoá TW Trần Hoàn chỉ đạo sát sao. Tôi hoàn toàn thờ ơ với mọi cuộc vận động cửa trước cửa sau. Trước khi bước vào bầu cử tôi đã tuyên bố rút tên trong danh sách những người được đề cử. Tôi nhớ sau khi tôi tuyên bố xong cả đại hội hết sức bất ngờ. Thực ra tôi có mặt ở Hội cũng là một sự tình cờ... Đối với tôi những năm ấy cũng là một cuộc đi thực tế dài ở những nơi mà nếu không ở cương vị này tôi không thể có được. Tôi thấy đã có đủ thực tế rồi nên không cần tìm hiểu thêm nữa. Như ở bất cứ diễn đàn nào của giới điện ảnh, những người biết tự trọng đều im lặng. Chiếm lĩnh diễn đàn đa số là những người thích khoa trương, kể cả vu cáo... Tôi không nghĩ tất cả giới điện ảnh đều như vậy, chỉ có một nhóm người rất nhỏ thôi, nhưng khi những người trung thực im lặng thì những tiếng gào thét của họ làm nhiều người lầm tưởng họ là số đông. Cuộc bầu bán đã xong. Cuộc chơi đã đến màn kết thúc. Tôi lại trở về với chính mình để bước vào một chặng đường mới. Tôi hài lòng nhận thấy đã không đánh mất mình trong những năm qua. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm vì lợi ích của nền điện ảnh dân tộc, vì lợi ích của các hội viên. Điều đó làm tôi thấy thanh thản khi từ giã cương vị Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam mà tôi đã giữ trong hơn 10 năm. Hội Điện ảnh bước vào một thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của những cán bộ quản lý nhà nước đã đến tuổi nghỉ hưu, nay chuyển sang làm công tác Hội.
♦
GIẢI THÀNH TỰU TRỌN ĐỜI
Tôi đã từng được chứng kiến tại một vài Liên hoan phim quốc tế lễ trao giải thưởng Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement Award) cho những người làm điện ảnh (đa số là các đạo diễn và diễn viên). Đây là giải thưởng cho toàn bộ sự nghiệp chứ không cho riêng một tác phẩm nào. Giải thưởng thường được trao trong buổi lễ khai mạc Liên hoan phim. Thú thật tôi không bao giờ nghĩ rằng có một ngày nào đó mình sẽ được bước lên sân khấu để nhận cái vinh dự này. Nhưng rồi ngày ấy đã đến với tôi một cách thật bất ngờ.
Đầu tháng 8 năm 2005 tôi nhận được qua thư email lời mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Gwangju ở Hàn quốc tổ chức từ ngày 28 tháng 8 đến 4 tháng 9 năm 2005. Tôi viết thư cám ơn và thông báo với Ban tổ chức LHP rằng đã năm năm nay tôi không làm phim nên không có phim để tham dự, đề nghị ban tổ chức mời người khác. Biết được băn khoăn đó nên trong thư sau ban tổ chức đã thông báo tỉ mỷ hơn về LHP và lý do tôi được mời. LHP Gwangju là LHP lớn thứ hai ở Hàn quốc (sau LHP Pusan). Tôi được mời dến LHP này vì có hai phim Bao giờ cho đến tháng 10 và Thương nhớ đồng quê được chiếu trong chương trình phim của các đạo diễn bậc thầy châu Á. Có phim được chọn chiếu trong chương trình này là một vinh dự. Tôi vui vẻ nhận lời lên đường sang Gwangju cùng nhà biên kịch Nguyễn thị Hồng Ngát, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, khách mời của LHP.
Đón chúng tôi ở sân bay Seoul là một cô gái mắt một mí, nguời nhỏ nhắn như một con chim chích. Cô tự giới thiệu tên mình là Park Ji Su sinh viên năm thứ hai, tình nguyện viên làm việc cho LHP và được phân công đi theo đoàn Việt Nam. Trên áo phông mầu xanh da trời của cô có in giòng chữ: Gwangju Internatinal Film Festival 2005 Volunteer.
Gwangju được coi là một trung tâm văn hóa của Hàn quốc với nhiều liên hoan âm nhạc, sân khấu, triễn lãm hội họa và liên hoan phim. Thành phố này còịn được nổi tiếng với phong trào đấu tranh đòi dân chủ của sinh viên cách đây 25 năm. Các khách tham dự LHP đều ở tại khách sạn Hiddink, mang tên người huấn luyện viên Hà lan đã cóĩ công đưa đội tuyển bóng đá Hàn quốc vào vòng chung kết Cúp Vô địch thế giới năm 2002. Ảnh ông có ở khắp nơi. Người Hàn quốc coi ông như một anh hùng dân tộc.Ông được hãng Hàng không Korean Air mời đi máy bay suốt đời không mất tiền.
Lễ khai mạc LHP được tổ chức trang trọng nhưng đơn giản, không có diễn văn dài dòng. Sau một màn trình diễn ba lê hiện đại rất ấn tượng của các vũ công Hàn quốc, ông Chủ tịch LHP bước ra sân khấu trao giải thưởng Thành tựu trọn đời. Những người được giải lần lượt được gọi tên bước lên sân khấu. Giải thưởng là một chiếc cúp pha lê có khắc chữ. Trong khi tôi đang thản nhiên nhìn người thứ ba lên nhận giải thì bỗng nhiên chị Ngát ngồi cạnh tôi khẽ reo lên: Anh Minh có tên kia kìa. Theo tay chỉ của chị tôi nhìn lên bức tường bên phải sân khấu. Nơi đó có phóng to bằng đèn chiếu danh sách 5 người được trao giải trong đó có tên tôi ở cuối. Quả thật nếu không được chị Ngát phát hiện có lẽ khi nghe đọc tên mình tôi cũng không biết (tên tôi phát âm bằng tiếng Hàn nghe rất lạ). Ông Chủ tịch LHP Kim Po- Chun trao giải cho tôi và một em bé gái mặc trang phục dân tộc tặng tôi một bó hoa. Những đạo diễn lên nhận giải trước tôi là: San Song Ok (Hàn quốc) Yoji Yamada (Nhật Bản) Tạ Tấn (Trung Quốc) và Lý Hành (Đài Loan). Trước đây tôi đã xem một vài phim của ông Yamada và rất kính trọng ông đạo diễn này ở cái chất nhân bản. Còn Tạ Tấn thì từ lâu tôi đã biết ông là con chim đầu đàn của điện ảnh Trung quốc những năm 60-70. Phim gần nhất của ông là phim Chiến tranh nha phiến với nhiều cảnh dàn dựng đồ sộ công phu đã được chiếu ở ta. Hai đạo diễn kia tôi chưa được xem phim của họ, chỉ nghe nói về họ mà thôi. Lý Hành là thầy của đạo diễn trẻ nổi tiếng Đài Loan Hu Hsiao Hsian (Hầu Hiếu Hiền) và San Song Ok là một trong những đạo diễn hàng đầu của Hàn Quốc từng bị Bình Nhưỡng bắt cóc sang để huấn luyện cho các nhà làm phim của Kim chủ tịch
Những người trong ban tổ chức LHP Gwangju quả đã dành cho tôi một sự bất ngờ cho đến phút chót. Cả chị Ngát cũng không được thông báo gì trước về việc trao giải thuởng. Về sau cô Woo Sung Min, một thành viên trong ban tổ chức LHP có nói với chị Ngát rằng họ được các nhà điện ảnh Trung Quốc và Nhật Bản giới thiệu và rồi đã xem tất cả các phim của tôi trước đi tới quyết đinh trao giải. Tôi không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa phải đã già. Sự nghiệp điện ảnh của tôi đến đây chưa phải đã xong. Do vậy khi nhận được giải Thành tựu trọn đời tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi còn biết bao nhiu đạo diễn châu Á tài năng khác không biết họ đã nhận được giải thưởng như thế này chưa? Nhưng rồi khi về nước đọc trên mạng tôi biết cũng có nhiều đạo diễn châu Á từng nhận giải tương tự. Đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu cũng từng nhận giải Thành tựu trọn đời tại LHP Hawaii cách đây mấy năm, mặc dù ông sinh năm Canh Dần, hãy còn trẻ và sự nghiệp của ông còn dài.
Sau lễ trao giải chị Ngát bận việc về nước trước. Tôi ở lại tranh thủ xem phim và tham quan. Chuyến đi viếng nghĩa trang các sinh viên bị tàn sát trong vụ đàn áp tháng 5 năm 1980 đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng thật sâu đậm. Hơn một trăm ngôi mộ mằm xếp hàng dài trong khu tưởng niệm rộng rãi, uy nghiêm. Những bức ảnh gắn trên bia mộ cho thấy những người đã khuất khi ngã xuống còn rất trẻ. Hai bức tượng đài tập thể mô tả lại cuộc đấu tranh sục sôi của các sinh viên đòi dân chủ cách đây 25 năm. Có cái gì đó khiến tôi liên tưởng tới phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh các đô thị miền Nam Việt Nam những năm 60. Thật vậy, anh Bae Yang So, một giáo sư giậy tiếng Việt tại Đại học Pusan cho biết các cuộc đấu tranh của sinh viên miền Nam Việt nam trước đây đã ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đòi dân chủ, chống độc tài của sinh viên Hàn quốc. Tổng thống Chun Do Kwan, nguời từng ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên, cách đây 3 năm đã bị đưa ra xét sử trước tòa về tội ác của mình trong quá khứ. Thì ra lịch sử chỉ hoãn nợ chứ không xóa nợ. Điện ảnh Hàn Quốc có lẽ đã tiếp thu được tinh thần quật cường đó của thanh niên sinh viên Gwangju nên những năm gần đây đã trỗi dậy một cách thật bất ngờ đến kinh ngạc. Phim ảnh của Hàn quốc ngày nay đã chinh phục màn ảnh nhiều nước kể cả Mỹ. Cũng như các sinh viên, cách đây hơn 10 năm những người làm điện ảnh Hàn Quốc cũng xuống đường. Họ đòi chính phủ phải có biện pháp bảo vệ nền điện ảnh dân tộc trước sự xâm lăng ồ ạt của phim ảnh nước ngoài. Kết quả họ đã dành được một thị phần đáng kể trên thị trường chiếu bóng trong nước. Sắc lệnh của chính phủ Hàn Quốc quy định mỗi năm các rạp chiếu bóng phải dành 147 ngày để chiếu phim Hàn Quốc. Từ đó điện ảnh bắt đầu trỗi dậy. Một loạt tên tuổi đạo diễn trẻ xuất hiện với những tác phẩm táo bạo đứng đầu là Kim Ki Duk. Phim của anh xoay quanh chủ đề bạo lực nhưng lại đậm chất trữ tình. Trong bức tranh chung của điện ảnh thế giới phim Hàn Quốc bao giờ cũng có một giọng điệu riêng không lẫn với bất cứ nền điện ảnh nào khác. Tôi cảm thấy khâm phục các đồng nghiệp Hàn Quốc nhất là về ý thức đấu tranh để bảo vệ nền điện ảnh dân tộc, ý chí quyết tâm tìm chỗ đứng cho mình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của điện ảnh thế giới và trên hết là sự táo bạo mạnh mẽ trong các sáng tác của họ.
♦
Những chuyến xuất ngoại
và những người thân
không cùng quốc tịch
Nếu không kể chuyến đi sang Trung Quốc vào năm 1951 để học tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam rồi sang Liên Xô vào năm 1954, thì chuyến đi công tác đầu tiên của tôi ra nước ngoài là vào tháng 7 năm 1959 với tư cách là phiên dịch tiếng Nga. Lần đó tôi được đi theo đoàn điện ảnh Việt Nam sang Liên Xô tham dự Liên hoan phim Matxcơva lần thứ nhất. Năm đó Việt Nam tham dự phim truyện Chung một dòng sông và phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải. Đoàn Việt Nam gồm có Cục trưởng Cục Điện ảnh Trần Đức Hinh làm trưởng đoàn và đồng chí Vũ Năng An đang học chủ nhiệm phim ở Trường điện ảnh Liên Xô là thành viên. Khi đoàn lên đường thì phim Chung một dòng sông chưa kịp ra bản đầu. Giữa Liên hoan phim, nhà quay phim Nguyễn Đắc mới đem phim sang. Đồng chí Trần Đức Hinh được nhắn đến Sứ quán để nhận phim và nghe truyền đạt chỉ thị của lãnh đạo bên nhà: Phim Chung một dòng sông là phim truyện đầu tiên của Việt Nam. Lần này tham dự Liên hoan phim quốc tế, thế nào cũng được bạn bè thế giới đón chào nồng nhiệt, chắc chắn sẽ được giải cao. Vì vậy đoàn phải đề phòng thái độ kiêu căng tự mãn. Cũng vì đề phòng như vậy, nên ở nhà chỉ cử anh Nguyễn Đắc đem phim sang mà không cử đạo diễn, diễn viên. Không được giới thiệu anh Nguyễn Đắc là người quay phim này. Phải hết sức khiêm tốn, không được tuyên truyền gì ầm ĩ.
Trưởng đoàn Trần Đức Hinh đem phim về nộp cho Ban tổ chức Liên hoan phim, đưa nhà quay phim Nguyễn Đắc về khách sạn nhưng vì chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị ở bên nhà nên không giới thiệu với Ban tổ chức. Trở ngại đầu tiên là cứ đến mỗi bữa ăn nhà quay phim Nguyễn Đắc không có phiếu ăn (vì không đăng ký với bạn, sợ lộ). Chúng tôi đành chia phần ăn của mình cho anh Đắc. Ngủ thì anh nằm chung giường với tôi. Gần đến ngày chiếu phim, chúng tôi rất hồi hộp. Nhưng có vẻ cả đại hội ít ai chú ý đến buổi chiếu đó. Trong Liên hoan phim có hàng trăm phim được chiếu và phim nào cũng được tuyên truyền giới thiệu rầm rộ. Đồng chí Trần Đức Hinh thấy vậy vội vào Sứ quán báo cáo tình hình. Sứ quán điện về nước xin chỉ thị. Ở nhà điện sang cho phép được tuyên truyền. Trưởng đoàn vội vã về khách sạn chỉ thị cho tôi phải lập tức gặp các phóng viên, đưa ảnh nhờ họ đăng giúp, cho phép anh Nguyễn Đắc được xuất đầu lộ diện, báo cho Ban tổ chức biết để cấp phiếu ăn. Ấy vậy mà đến hôm chiếu phim Việt Nam, sắp đến giờ rồi mà vẫn chỉ lác đác vài người tóc vàng, còn thì toàn là anh chị em sinh viên Việt Nam học ở Matxcơva háo hức đến xem. Đồng chí Trần Đức Hinh lệnh cho tôi yêu cầu Ban tổ chức cho chiếu chậm lại 15 phút, để chờ thêm khách. Sau 15 phút cũng không đông hơn, đành để họ chiếu. Hôm đó có ông Georges Sadoul, nhà lý luận điện ảnh Pháp, tác giả cuốn Lịch sử điện ảnh thế giới, ngồi ở ghế đầu sát màn ảnh xem rất chăm chú. Xem xong ông khen quay phim tốt, rồi cũng không thấy ông nói gì thêm. Sau đó tôi phải dịch trực tiếp lời thuyết minh từ Việt sang Nga trong buổi chiếu phim Nước về Bắc Hưng Hải. Buổi chiếu khá đông. Tôi nhớ khi dịch câu thuyết minh: Chiến sĩ thi đua X... lập thành tích gánh được 80 kg đất vì anh đã vứt bỏ đi được 50 kg chủ nghĩa cá nhân... thì không ai hiểu sự tình gì, tưởng tôi dịch nhầm. Phim chiếu xong nhiều người xúm lại hỏi tôi về câu đó. Tôi giải thích với họ rằng: Con người ta sở dĩ không lập được thành tích cao trong lao động sản xuất là vì bị chủ nghĩa cá nhân đè nặng. Nếu vứt bỏ gánh nặng đó thì sẽ lập được những thành tích phi thường. Giải thích vậy rồi mà vẫn có người lắc đầu không hiểu nổi.
Trước ngày bế mạc Liên hoan phim, khách được mời đi tham quan Leningrad. Trên đường đi không hiểu sao các đoàn bạn thỉnh thoảng gặp chúng tôi hồ hởi bắt tay với những cái nháy mắt đầy ngụ ý. Đến tối trở về Matxcơva, Cục trưởng Trần Đức Hinh triệu tập đoàn nhận định tình hình: Qua thăm dò trong khi đi tham quan Leningrad, một số đoàn bạn cho biết Việt Nam có thể được giải, mà lại là giải cao. Đúng như dự đoán của lãnh đạo ở nhà. Rồi hướng về phía nhà quay phim Nguyễn Đắc, ông nói: Chúng ta phải hết sức khiêm tốn, không được kiêu căng và nếu họ mời đoàn lên nhận giải thì tôi là trưởng đoàn sẽ lên nhận.
Tối hôm công bố giải cả đoàn Việt Nam hồi hộp nhưng cố giấu sự vui mừng không để lộ ra bên ngoài. Tin này cũng được báo đến cho Sứ quán ta biết. Tối hôm đó đích thân Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh cũng đến dự. Phần công bố các giải thưởng cho phim truyện xong chẳng thấy phim Việt Nam đâu cả. Chúng tôi thất vọng vô cùng. Đến phần công bố Giải Tài liệu bỗng hai tiếng Việt Nam được nhắc đến sau cùng với bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải đoạt giải Vàng. Cả đoàn như không tin vào lỗ tai mình nữa. Trưởng đoàn Trần Đức Hinh trịnh trọng bước lên nhận giải. Tối hôm đó ông Đại sứ vội điện ngay về nhà và nhận được chỉ thị: Cục trưởng Trần Đức Hinh cùng nhà quay phim Nguyễn Đắc đem giải Vàng về nước ngay. Hai ông đáp máy bay về lập tức, còn lại mình tôi về sau bằng đường tàu hỏa.
Chủ tịch Ban giám khảo phim tài liệu năm ấy là ông Joris Ivens – nhà đạo diễn nổi tiếng Hà Lan. Trong cuộc họp báo kết thúc Liên hoan phim ông nói về bộ phim của Việt Nam như sau: Sức lực con người, với những phương tiện thô sơ, với một nhiệt tình hăng say lao động chưa từng có, được phản ánh chân thực ở trong phim đã chinh phục Ban Giám khảo. Với những lý do đó, bộ phim xứng đáng đoạt giải Vàng (năm đó bộ phim Những người chinh phục biển của đạo diễn Liên Xô Các-men được giải Bạc. Giải Vàng phim truyện về tay đạo diễn Bônđasúc với bộ phim Số phận con người).
Tại Liên hoan phim Matxcơva năm đó tôi được xem Hiroshima-Tình yêu của tôi của đạo diễn Pháp Alain Resnais, một phim đã tác động sâu sắc tới bước đường sáng tác điện ảnh của tôi sau này. Nó mở ra cho tôi một chân trời điện ảnh mới lạ mà trước đây tôi chưa từng biết đến bao giờ.
Lần xuất ngoại đầu tiên của tôi với tư cách đạo diễn là vào năm 1986, một năm sau khi bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười nhận Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Hawaii (Mỹ). Trong Ban giám khảo lần ấy có bà Aruna Vasudev, nhà phê bình phim Ấn Độ kiêm Tổng biên tập tạp chí Điện ảnh châu Á Cinémaya. Bà rất thích bộ phim này nên quyết tâm mời tôi và nữ diễn viên Lê Vân đem phim sang giới thiệu tại Liên hoan phim New Dhely. Hồi đó việc làm thủ tục xin đi nước ngoài, một nước không phải XHCN, mà không có lãnh đạo đi kèm, phải thỉnh thị ý kiến rất nhiều cấp. Cuối cùng tôi và Lê Vân chỉ cầm được hộ chiếu trên tay vào phút chót trước khi ra sân bay. Khi chúng tôi ra tới sân bay Nội Bài thì máy bay Hà Nội - Băngcốc đã lăn bánh trên đường băng. Chúng tôi đành về Hà Nội trả vé. May thay các nữ nhân viên Hàng không Việt Nam nhận ra chị Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười nên đã tìm cách gửi chúng tôi đi chuyến bay của Hãng Hàng không Lào quá cảnh qua Viênchăn ngay trong ngày hôm đó. Chúng tôi dừng lại Băngcốc một ngày để lấy vé rồi đi tiếp sang New Delhi.
Hình 16. Đặng Nhật Minh và ông Klaus Eder
International Film Festival (New Delhi, 2008)
Vừa đặt chân tới khách sạn Ashoka ở New Delhi, chưa kịp tắm rửa thì đã có chuông điện thoại. Đầu dây nói đằng kia là một giọng nữ nói bằng tiếng Pháp tự giới thiệu mình là Aruna Vasudev, rồi hẹn tôi và Lê Vân tối nay trong buổi lễ khai mạc đến trước 15 phút chờ ở cửa số 2 cho bà gặp. Đúng hẹn chúng tôi đứng chờ chẳng biết ai trong số người qua lại trước mặt là bà Aruna. Lát sau, một phụ nữ trung niên gương mặt hiền hậu tiến lại phía chúng tôi với nụ cười trên môi. Thoạt tiên bà đứng lặng nhìn Lê Vân từ đầu đến chân với ánh mắt vô cùng âu yếm, hệt như một người mẹ lâu ngày gặp lại đứa con gái yêu của mình. Rồi quay sang tôi bà nói: Từ xa tôi đã nhận ngay ra cô Duyên của anh. Từ đó về sau tôi còn gặp bà nhiều lần nữa trong các Liên hoan phim quốc tế, có lần bà sang thăm Việt Nam. Mỗi lần gặp bà tôi có cảm tưởng như gặp lại người thân trong gia đình.
Năm 1987 tôi được Trung tâm Đông Tây (East-West Center) của Mỹ mời sang Honolulu hai tháng để chuẩn bị cho một chương trình phim Việt Nam giới thiệu tại Liên hoan phim Hawaii năm ấy (Liên hoan phim này do Viện giao lưu văn hóa của Trung tâm Đông Tây tổ chức). Đi Mỹ một mình, lại đi trong hai tháng, hồi đó là một chuyện chưa từng có trong lĩnh vực điện ảnh. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Văn Phác vô cùng đắn đo. Cuối cùng ông quyết định chỉ cho đi một tháng với lý do không phải họ mời đi bao lâu thì mình đi bấy lâu. Họ mời 2 tháng thì mình đi một tháng thôi, để giữ cái thế chủ động của mình. Tôi rất ngạc nhiên vì biết rằng không ai mời tôi sang đó để chơi cả. Hai tháng là thời gian cần thiết để hoàn thành những công việc mà họ cần có tôi. Tôi nhờ người phản ánh việc này lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ông trao đổi lại với Bộ trưởng Trần Văn Phác và cuối cùng tôi đã được đi Hawaii trong 2 tháng. Tôi làm việc trong trung tâm Đông Tây như một chuyên viên, có phòng làm việc riêng, hàng tuần họp giao ban với tất cả những người làm việc ở đây.
Ngoài người Mỹ ra, làm việc ở Trung tâm Đông Tây có đủ người các quốc tịch châu Á như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonesia, Mianma, Thái Lan, Philipin... Tôi là người Việt Nam duy nhất. Hàng ngày tôi làm việc với ông John Charlot dịch các lời thoại trong phim từ Việt sang Pháp rồi ông Charlot lại dịch từ Pháp sang Anh, viết bài giới thiệu các phim, gặp gỡ báo chí v.v... Ông John là giáo sư về văn hóa các dân tộc Polynesie tại Đại học Hawaii. Sau khi ông được xem phim Bao giờ cho đến tháng Mười tại Liên hoan phim Hawaii năm 1985 và rồi yêu thích phim Việt Nam mà nhận lời làm việc cho Trung tâm Đông Tây như người tuyển chọn, tổ chức chương trình phim Việt Nam. Ông làm việc say mê, coi tôi như bạn thân. Có lần ông tâm sự với tôi: Trong đời ông từ trước đến nay, đây là công việc làm mà ông thấy hứng thú và có ý nghĩa nhất.
Hình 17. Đặng Nhật Minh với ông bà Tadao va Hisako Sato
International Film Festival (New Delhi, 2008)
Trong hai tháng ở Hawaii, người ta đã chiếu cho tôi xem tất cả các phim về đề tài chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ đã làm, để có một nhận định riêng phát biểu trong cuộc hội thảo với các nhà đạo diễn Mỹ. Phải nói rằng các nhà điện ảnh Mỹ đã lao vào đề tài này một cách say sưa hăng hái chưa từng có ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc (khác hẳn với các đồng nghiệp Pháp sau năm 54). Cuộc hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ của Liên hoan phim Hawaii năm đó. Đoàn điện ảnh Việt Nam còn có thêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đình Quang cùng Cục phó Cục điện ảnh Bùi Đình Hạc sang sau. Trong đoàn điện ảnh Mỹ từ Holywood đến có nữ diễn viên Kiều Chinh. Tôi nghe nói về cô như một gương mặt sáng giá nhất của điện ảnh Sài Gòn trước đây. Kiều Chinh bây giờ là một nữ diễn viên của Hollywood. Cô gặp chúng tôi với thái độ lịch sự, xã giao nhưng rất xa cách bởi vì cô từ Holywood tới, còn chúng tôi từ Hà Nội sang. Trong hội thảo Kiều Chinh cũng chẳng đứng về phía nào, chẳng bênh vực ai mà cũng chẳng phê phán ai. Còn tôi thì nói thẳng những suy nghĩ của mình rằng trong tất cả các phim người Mỹ đã làm về chiến tranh Việt Nam đều giống nhau ở một điểm: những người lính Mỹ là những con người, có kẻ độc ác, có kẻ lương thiện, có tội ác, có lòng nhân ái, có bi kịch và có nỗi đau... nghĩa là có đủ mọi thứ tình cảm của con người. Còn đối thủ của họ là ai? Đó là những người tuy có đầu mình chân tay cả đấy nhưng họ không giống bất kỳ ai trên trái đất này. Họ không có một thứ tình cảm gì khác của con người ngoài chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của họ. Việt cộng trong các phim đều giống hệt bọn Ăngca của Pôn Pốt. Có một câu nói của tướng Westmoreland trong bộ phim tài liệu Trái tim và khối óc mà ở Mỹ ai ai cũng biết: Việt cộng là những người không sợ chết bởi vì họ không biết giá trị của cuộc sống. Cả nước Mỹ bấy lâu nay đều tin như vậy. Trong bối cảnh đó thì chị Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười bất ngờ xuất hiện ngay trên đất Mỹ, trước khán giả và những người làm phim Mỹ. Chị đã âm thầm trả lời cho tất cả những định kiến kia mà không cần phản bác to tiếng. Nữ diễn viên Kiều Chinh sau khi xem phim xong vừa bước ra khỏi rạp đã gục đầu vào vai tôi mà khóc nức nở trước con mắt ngạc nhiên của các đồng nghiệp Holywood. Lúc này chị hoàn toàn là một phụ nữ Việt Nam. Từ đó Kiều Chinh không còn là Kiều Chinh như khi vừa tới Hawaii nữa. Sau này mỗi lần về Việt Nam, Kiều Chinh đều tìm gặp tôi. Có lần Kiều Chinh gọi điện cho tôi từ Mỹ, tâm sự mong có ngày được về Việt Nam đóng trong một phim nào đó.
Tháng 11 năm 2001 tôi có dịp trở lại Hawaii với bộ phim Mùa ổi. Hawaii sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 măm 2001 không còn như xưa. Không còn khung cảnh nhộn nhịp của khách thập phương trên đường phố Waikiki ở Honolulu. Những bạn bè quen biết cũ nay không còn làm việc trong Ban tổ chức LHP nữa. Người sang tuyển chọn phim Việt Nam lần này là anh Anderson Le, người Mỹ gốc Việt. Tháng 4 năm 1975 mẹ anh trở dạ đau đẻ trên chiếc máy bay chở người tỵ nạn Việt Nam dừng cánh tại Honolulu và Anderson đã ra đời tại đây. Giáo sư Jhon Charlot tìm gặp tôi để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ. Sau lần tham gia tổ chức chương trình phim Việt Nam năm 1987, ông lại trở về giảng dạy tại Đại học Hawaii. Trong những buổi chiếu phim tôi cảm động gặp lại nhiều khán giả quen biết ngày nào. Có một nữ khán giả đã cho tôi xem bài thơ của anh giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười mà tôi đã chép tặng chị trong sổ tay cách đây 15 năm. Cảm động nhất là buổi gặp lại anh chị em Việt kiều mà tôi đã thân quen trong thời gian ở Honolulu trước đây. Họ rủ nhau đi xem phim, cổ vũ cho điện ảnh nước nhà. Tôi trở lại thăm Bảo tàng Mỹ thuật nơi cách đây 15 năm lần đầu tiên đã chiếu phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Bảo tàng vẫn như vậy. Tôi có cảm giác như thời gian ở đây hầu như không trôi. Cảnh vật vẫn thế không cũ đi, con người vẫn thế không già đi. Vẫn nắng ấy và gió biển ấy, không có gì thay đổi. Chỉ có một sự thay đổi lớn lao bàng bạc trong không trung mà người ta chỉ có thể cảm nhận được thôi. Đó là sau sự kiện ngày 11 tháng 9, cuộc sống trên hành tinh này đã thay đổi. Nhân loại đã bước sang một thời kỳ mới, chưa ai biết sẽ như thế nào, chỉ biết nó không còn như xưa nữa.
Những bộ phim mà tôi đã làm đã đưa tôi đi rất nhiều nước và qua những phim đó nhiều người đã tìm đến Việt Nam, phát hiện ra nền điện ảnh Việt Nam. Tôi không thể kể hết được những bạn bè khắp nơi mà tôi có được qua những bộ phim đó. Từ trước đến nay tôi chỉ biết có tình gia đình gồm cha mẹ vợ con, bà con ruột thịt, tình bạn, tình yêu, tình đồng hương, đồng học... Tôi chưa đi bộ đội nên chưa biết cái cao cả của tình đồng đội. Còn có tình đồng chí nữa nhưng tôi chưa được trải nghiệm. Nhưng chưa bao giờ tôi biết được rằng còn có một thứ tình cảm của những người khác quốc tịch, khác màu da mà trở nên thân thiết như ruột thịt. Chính là nhờ những bộ phim mà tôi biết được cái tình cảm đó. Tôi không thể kể hết tên những người đã trở nên thân thiết gần gũi đối với tôi ở khắp các nước mà tôi đã được mời đến. Đôi khi tôi có cảm tưởng như tất cả họ đều theo dõi việc làm của tôi, vui mừng trước những thành công của tôi và lo lắng khi tôi gặp những khó khăn trắc trở. Trong những ngày sang dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X, trước không khí sục sôi chống phá bộ phim Thương nhớ đồng quê, bôi nhọ danh dự của tôi, bà Sato đã khóc vì thương tôi như một người chị thương em. Ông Klaus Eder thì bịn rịn chia tay tôi như người thân sắp phải xa nhau. Đêm cuối cùng trước khi rời Hà Nội ông còn đến xem tôi quay cảnh đêm ở ven sông Hồng trong phim Hà Nội - Mùa đông 46.
Tôi không thể kể hết những Liên hoan phim quốc tế mà tôi đã từng tham gia, những thành phố, vùng đất mà tôi đã từng đến, những phi trường mà tôi đã từng đặt chân qua... ở hầu khắp các châu lục (chỉ trừ châu Mỹ La tinh). Nhưng đáng ghi nhớ nhất đối với tôi là lần tham dự Liên hoan phim Kobe vào năm 1996. Cách đây 100 năm, vào tháng 11.1896 bộ phim đầu tiên được chiếu trên đất Nhật là tại thành phố Kobe này-một thành phố cảng lớn. Nhân kỷ niệm sự kiện lịch sử này, người ta đã tổ chức một Liên hoan phim quốc tế (đúng hơn là những ngày phim quốc tế) kéo dài suốt một tháng liền. Ban tổ chức đã chọn 60 bộ phim tiêu biểu của điện ảnh thế giới để chiếu khắp các rạp trong thành phố. Các đạo diễn của các phim đó đều được lần lượt mời đến Kobe.
Trong số những người được mời có những tên tuổi lớn như Andrzej Wajda (Ba Lan), Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc), Kiarostami (Iran), Edward Yang (Đài Loan) v.v... Bộ phim Thương nhớ đồng quê đã được chọn chiếu tại đây và tôi được mời đến Kobe để tiếp xúc với khán giả. Thật vinh dự và cảm động biết bao khi được đứng trên sân khấu trong buổi lễ khai mạc cạnh những tên tuổi mà tôi hằng khâm phục và hâm mộ từ lâu. Liên hoan phim này chỉ tổ chức có một lần như vậy. Có lẽ 100 năm sau mới có lần thứ hai. Thành phố Kobe đầu năm đó vừa trải qua một trận động đất khủng khiếp làm hơn 5000 người chết, không kể số người bị thương. Trong lễ khai mạc, ông Tỉnh trưởng Kobe đã nói những lời thật cảm động: Qua biến cố động đất đau thương này, những người dân Kobe nhận ra rằng những giá trị vật chất không có ý nghĩa gì. Nó có thể tan biến đi trong khoảnh khắc. Cái còn lại mãi mãi là những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa. Rồi ông nhắc lại lời đạo diễn Vaida đã từng nói: chính những khổ đau đã mang lại sức mạnh cho tôi trong sáng tác.
Tôi đi thăm khu động đất. Vết tích tàn phá vẫn còn, nhà cửa vẫn chưa kịp dựng lại. Trên những bức tường còn sót lại, người ta đã vẽ thật ngộ nghĩnh cảnh những người tiền sử, đóng khố cởi trần đang khuân vác gỗ đá để xây dựng nơi ở. Tất cả đều nở nụ cười trên môi. Người Kobe muốn lấy tấm gương lạc quan của người xưa để động viên mình bắt tay xây dựng lại từ đầu. Ngoài một vài khu bị thiệt hại ra, toàn thành phố vẫn còn nguyên vẹn rực rỡ ánh đèn trong màn đêm. Có thể nói đây là một trong những thành phố đẹp nhất mà tôi đã đặt chân qua, đặc biệt là lúc về đêm. Người Nhật có câu ngạn ngữ: Cảnh đêm Kobe đáng giá bạc triệu. Đêm cuối cùng trước khi chia tay với Kobe, một anh trong Ban tổ chức rủ tôi đi bộ đến một quán cà phê đặt dưới một tầng hầm. Ông chủ có gương mặt giống hệt thuyền trưởng nổi tiếng Pháp Jean Cousteau. Cả quán cà phê cũng được thiết kế hệt như một quán cà phê ở Paris, và cà phê cũng có mùi vị như cà phê Paris. Ông chủ đem ra một chiếc bút dạ đề nghị tôi ký tên lưu niệm lên bức tường trong quán. Ở đó tơi nhận ra nhiều chữ ký của các đạo diễn tên tuổi trên thế giới. Thì ra ai trong giới điện ảnh đến Kobe cũng tìm đến quán cà phê nổi tiếng này. Tôi ký xong, ông chủ nói: Chữ ký của anh sẽ còn mãi với Kobe…. trừ khi bị động đất.
Tháng 10.1997 lần đầu tiên tôi được mời tham gia Ban giám khảo một Liên hoan phim quốc tế - Lin hoan phim của các nước trong cộng đồng Pháp ngữ tại Namur (Bỉ). Ban giám khảo gồm có 9 thành viên là những người làm điện ảnh có uy tín của Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada, Bourkina Fasso, Tuynidi. Lần đầu tiên tham dự một Liên hoan phim mà bản thân không có phim dự thi hoặc chiếu giới thiệu nên tôi không phải lo lắng hồi hộp. Ngày nào cũng xem từ hai đến ba phim và không đêm nào đặt lưng ngủ trước hai giờ sáng (vì sau khi xem phim còn phải tham dự các cuộc gặp gỡ, chiêu đãi). Ban giám khảo được bố trí ở riêng trong một khách sạn trên đỉnh đồi cách thành phố 20 phút ô tô. Hàng ngày xem phim, ăn, ở chung một nơi, các thành viên trong Ban giám khảo nhanh chóng trở nên thân thiết như đã quen nhau từ lâu. Ban tổ chức hoàn toàn tôn trọng mọi quyết định của Giám khảo. Tôi không hề thấy họ chỉ thị, gợi ý nên trao giải cho ai, và không nên cho ai. Nhưng việc tuyển chọn phim nào để dự thi thì do họ quyết định. Tại Liên hoan phim này, tôi được tiếp xúc với nhiều đạo diễn châu Phi. Phần đông họ được đào tạo tại Pháp (có một vài người học ở Liên Xô cũ). Nền điện ảnh Pháp và nói rộng ra là nền điện ảnh các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp nhận thức rõ mối đe dọa sống còn đối với sự tồn tại của mình đó là nền điện ảnh Mỹ. Muốn tồn tại họ phải liên kết nhau lại trong sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm điện ảnh. Bộ phim đoạt giải nhất tại Liên hoan phim này là phim Les Clandestins (Những kẻ lén lút) do 4 nước cùng sản xuất (Pháp, Đức, Bỉ và Canada). Phim do hai đạo diễn cùng làm (một người Thụy Sĩ và một người Québec-Canada). Cả hai đều rất trẻ và đây là phim đầu tay của họ. Đêm bế mạc Liên hoan phim Namur 97 đã để lại cho tôi một ấn tượng không bao giờ quên được. Những màn trình diễn ca nhạc dân tộc, đọc thơ, kể chuyện (bằng tiếng Pháp) của các ca sĩ châu Phi thật linh hoạt, tự nhiên và cảm động. Tôi đã 3 lần tham dự Liên hoan phim Cannes, nhưng thú thực không có ấn tượng bằng. Cannes chỉ là nơi dập dìu tài tử giai nhân. Ở đó tôi cảm thấy mình như một hạt cát trong cái sa mạc của ngựa xe như nước áo quần như nêm. Trái lại ở Namur tôi được sống trong một không khí thật đầm ấm. Sau lần đó, tôi còn có dịp được mời tham gia nhiều Ban giám khảo của các Liên hoan phim Quốc tế khác nữa, có lần với tư cách là Chủ tịch Ban Giám khảo.
Bộ phim Thương nhớ đồng quê đã đưa tôi đến tận nước Cameroon xa xôi ở tận Trung Phi, đến đảo Reunion, nơi vua Duy Tân từng sống những ngày lưu đầy trước khi bị tử nạn máy bay vào năm 1945. Khán giả Cameroon đón nhận bộ phim một cách nồng nhiệt theo lối châu Phi: họ vỗ tay mỗi khi có những đoạn làm họ hứng thú. Tiếng vỗ tay kéo dài kiên tục trong suốt buổi chiếu phim làm tôi vô cùng xúc động. Sau khi chiếu xong là cuộc thảo luận trực tiếp với khán giả. Nhiều người phẫn nộ đặt câu hỏi: tại sao từ trước đến nay chúng tôi không được xem những phim như thế này mà chỉ toàn được xem những phim Mỹ nói về chiến tranh Việt Nam, trong đó người Việt Nam chỉ toàn là những người cầm AK, mặc bà ba đen giống như Ăngca vậy? Quả thật đây là bộ phim đầu tiên của Việt Nam chiếu ở Cameroun, có người nói rằng tôi là người Việt Nam đầu tiên mà họ được gặp.
Càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi càng nhận ra một điều: con người ta ở đâu trên trái đất này tình cảm bên trong cũng đều giống nhau cả. Khác chăng là ở sự bộc lộ những tình cảm ấy và một vài phong tục tập quán riêng. Nhưng những sự khác biệt ấy không hề làm trở ngại mối quan hệ giữa con người với con người. Tôi cũng nhận ra rằng: nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng của nước nào cũng vậy, được làm ra không ngoài mục đích duy nhất là khám phá cái thế giới bên trong của con người. Quốc gia nào cũng muốn giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hoá của các nước khác cho người nước mình, không phân biệt nước lớn, nước nhỏ, nước có thu nhập cao hay thu nhập thấp, và ngược lại giới thiệu những giá trị văn hóa của mình đến với mọi người. Trên bình diện văn hóa các dân tộc đều bình đẳng. Đó chính là ưu việt của văn hóa, là biểu hiện trình độ văn minh của nhân loại trong thế giới ngày nay.
♦
Về hưu
Khi tại Phòng thương binh xã hội Quận Hai Bà Trưng người ta trao cho tôi cuốn sổ hưu, rồi đề nghị ký nhận, tôi biết rằng từ nay tôi là một cán bộ hưu trí thuộc Tổ hưu 16 của Phường Phạm Đình Hồ. Hàng tháng tôi sẽ phải đến đó để nhận lương hưu. Thú thật cho đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác lương hưu của tôi được bao nhiêu. Ngay khi còn đang công tác tôi cũng không mấy quan tâm đến chuyện lương lậu. Người ta xếp cho được hưởng lương bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Tôi chỉ biết tôi là người được vào biên chế rất sớm, ăn lương của nhà nước từ khi mới 19 tuổi, và dĩ nhiên đã là viên chức của nhà nước thì đến tuổi 60 ắt phải nghỉ hưu. Nhiều người nói rằng cái giai đoạn này đối với con người ta cũng là một bước ngoặt quan trọng. Nhiều người bi hụt hẫng, không lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống sinh ra nhiều biến tướng không lường, nhất là đối với những cán bộ có chức có quyền, quen được ưu đãi, hầu hạ…Tôi có một anh bạn học thời phổ thông, từng làm Thứ trưởng một Bộ, đến khi về hưu đâm ra ngớ ngẩn như người mất hồn. Họp lớp hàng năm không bao giờ cậu ta có mặt.Vợ gọi điện đến bảo chồng mình bị trầm cảm nặng mong bạn bè thông cảm. Tôi thầm nghĩ: cái câu người ta vẫn thường nói về 4 giai đoạn của đời người, có lẽ nay nên sủa lại thành 5: Sinh, Lão, Hưu, Bệnh, Tử. Phải thêm cái khúc Hưu nữa mới đúng, nó cũng là một khúc không kém phần quan trọng so với 4 giai đoạn kia. May thay tôi không phải là ông Thứ trưởng về hưu như anh bạn tôi. Tổng thư ký một hội nghệ thuật cũng chẳng phải là quan chức gì ghê gớm nên tôi bước vào giai đoạn này một cách khá bình thản tuy không tránh khỏi đôi chút hụt hẫng lúc ban đầu. Nhớ một lần không lâu sau khi nghỉ hưu, ngồi chờ ở sân bay Honolulu (Hawaii, Mỹ) để về nước, nhìn thấy tổ chiêu đãi viên Hàng không ngồi họp với nhau ở hàng ghế bên cạnh mà lòng thấy chạnh buồn. Thôi từ nay tôi không có chuyện gì phải họp hành nữa. Cái mà ngày xưa mình chán ngán bỗng nhiên bây giờ lại thấy thèm, thấy nhớ.
Đang lúc chưa biết làm gì thì bỗng nhiên ông Phạm Khắc Lãm đến rủ tham gia vào một Hội mới được thành lập có tên là Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân sự đã được dự kiến rồi. Chủ tịch Hội là Giáo sư Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà nội vừa mới nghỉ hưu, ông Lãm cùng tôi và một vài người nữa sẽ là Phó Chủ tịch Hội. Nghe nói đây là sáng kiến của ông Nguyễn Di Niên Bộ trưởng Bộ ngoại giao hồi đó. Nhìn thấy các nhân sự của Hội đều là những trí thức đáng kính, tôi vui vẻ nhận lời. Tôi được phân công làm Tổng biên tập tờ tạp chí của Hội. Công việc làm báo đối với tôi không xa lạ gì và thế là tôi lại có công việc bận rộn, có trụ sở để lui tới, họp hành.
Giai đoạn chuyển tiếp này diễn ra với tôi khá nhẹ nhàng làm vợ tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi không bị sốc, bị khủng hoảng như nhiều ông chồng khác khi nghỉ hưu làm khổ vợ khổ con. Nhớ một lần sang Fukuoka theo lời mời của Viện lưu trữ phim Nhật bản tôi tình cờ thấy một nơi xem bói ở trong siêu thị trông rất lịch sự. Khách đến xem mua vé, rồi ngồi chờ đến lượt gọi. Thầy bói là những người mặc complet đeo cravatte, xách cặp nghiêm chỉnh như những giáo sư đại học. Tôi tò mò vào xem. Ông thầy bói hỏi tôi ngày tháng năm sinh và nhóm máu (điều này hơi lạ). Ông tính toán một lúc rồi xem chỉ tay tôi hồi lâu. Đoạn ông bắt đầu phán: Số tôi phải làm việc đến hết đời, mà lại làm một lúc 3 việc chứ không phải chỉ một. Tôi hết sức ngạc nhiên nghĩ mình vừa mới về hưu, có việc gì mà làm những 3 việc? Nhưng bây giờ nghĩ lại thấy ông thầy bói kia nói đúng: tôi làm báo, đi dạy học và làm phim… chẳng phải một lúc làm 3 việc đó sao?
♦
Đừng đốt!
Cuối năm 2005 cả nước như lên cơn sốt về cuốn Nhật ký của nữ bác sỹ Liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm vừa mới được phát hiện. Báo Tuổi trẻ là tờ báo đầu tiên đăng tải những giòng nhật ký này trong suốt nhiều số báo. Cuối cùng cuốn nhật ký được xuất bản thành sách. Tôi cũng không thể thờ ơ bèn mua một cuốn đem về đọc. Cái cảm giác đâu tiên của tôi là cảm thấy thương xót cho người con gái viết nhật ký. Một tâm hồn đa cảm, mong manh dễ vỡ như vậy lại bị ném vào một chiến trường khốc liệt đến như vậy. Tôi nhớ mãi câu chị viết trong nhật ký: Ở đây cái chết dễ hơn ăn một bữa cơm. Có lẽ không có lời nào có thể diễn tả hết sự khốc liệt của mảnh đất nơi chị sống bằng mấy giòng trên. Tôi bỗng nhớ đến ca khúc Ngọn nến trước gió mà Elton Jhone viết sau cái chết của công nương Diana. Quả thật chị như ngọn đèn trước cơn bão. Những tình cảm trong cuốn nhật ký của chị còn làm tôi nhớ đến các em gái tôi, chúng cũng sinh ra cùng một thời với chị, cũng được giáo dục trong một môi trường như chị, cùng say mê hình tượng nhân vật Paven Corsaghin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy như chị. Đó là một thế hệ mà tôi không có gì xa lạ cả. Tôi đưa sách cho em gái tôi là Đặng Nguyệt Ánh đọc và nó cũng nhận thấy mình trong những giòng nhật ký của người con gái cùng họ Đặng như chúng tôi. Một hôm tôi đến thăm bà Dì tôi, bác sỹ quân y Nguyễn Ngọc Toản. Dì tôi vừa đọc xong cuốn nhật ký và ngỏ ý muốn nhờ tôi tìm địa chỉ của gia đình Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm ở Hà nội để đến thăm. Tôi bèn viết thư nhờ anh Nguyễn Trọng Chức mà tôi quen đã lâu, đang làm ở báo Tuổi trẻ. Không lâu sau anh Chức cho biết địa chỉ và tôi đã đưa Dì tôi dến thăm gia đình nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Đó là một căn hộ nằm trong một con ngõ nhỏ ở phố Đội cấn. Cùng là người Huế cả nên bà mẹ là Doãn Ngọc Trâm đón tiếp chúng tôi rất ân cần. Tôi có cảm tưởng như bà là người thân trong gia đình từ lâu. Tiếp chúng tôi hôm đó còn có cô em là Đặng Kim Trâm (cả nhà này con gái đều lấy tên là Trâm, tên mẹ. Chỉ khác tên đệm mà thôi). Trong câu chuyện cô Kim chợt nói bâng quơ: Anh Minh mà làm phim theo cuốn nhật ký này của chị em thì tốt quá. Quả tình cho đến lúc đó tôi chưa hề có ý đinh làm phim theo cuốn nhật ký này. Nó cảm động thật đấy, nhưng tôi thấy rất khó để đưa lên phim. Mỗi trang viết là một sự việc, một tâm trạng, không có cái gì kết nối với cái gì trong một cấu trúc khả dỹ có thể làm thành phim. Nhưng dầu sao cái gợi ý của cô Kim cũng gieo trong tôi một mối quan tâm.Tôi tìm đọc tiếp những câu chuyện kể của người cụu binh Mỹ xung quanh số phận của cuốn nhật ký này. Tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết viên trung sỹ quân đội Sài gòn nói với Fred Whitehurst khi đua cuốn nhật ký: Fred! Đừng đốt! Trong này đã có lửa! Tôi mơ hồ nhận ra trong câu chuyện này có cái gì đó, vượt cả ra ngoài phạm vi của bản thân cuốn nhật ký. Ý nghĩ đó càng được củng cố thêm sau khi tôi gặp Fred tại North Carolina vào tháng 5 năm 2008. Lần đó tôi chỉ hỏi Fred một câu: Anh đã đọc cuốn nhật ký nhiều lần. Vậy điều gì ấn tượng nhhất đối với anh trong cuốn nhật ký đó. Không cần phải suy nghĩ lâu Fred đọc ngay cho tôi hai câu thơ trong cuốn nhật ký mà anh đã thuộc lầu, anh đọc nó bằng tiếng Việt:
Và ai có biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta……
Thì ra cái mà người con gái ở bên kia chiến tuyến đã chinh phục tâm hồn người cựu Mỹ bấy lâu nay chính là tình thương yêu con người, thương yêu đồng đội, những tình cảm nhớ nhung tha thiết dành cho những người thân trong gia đình. Và đấy chính là sức mạnh của chị. Kịch bản của bộ phim tương lai hình thành rõ nét dần trong tôi. Cái ý tưởng làm một bộ phim mà bên địch bên ta đều là những người tốt cả, nhưng lại đứng ở hai bên trận tuyến để bắn giết nhau. Điều đó hoàn toàn khác với những phim về đề tài chiến tranh Việt Nam được làm từ trước tới nay kể cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam. Ý tưởng đó thực sự hấp dẫn tôi vì nó độc đáo và chưa ai làm bao giờ.
Hình 17. Lời ghi tặng cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Thuỳ Trâm) |
Trở về Hà nội tôi liền bắt tay vào viết kịch bản phim với cái tên đặt ngay từ đầu là Đừng đốt! Trong này đã có lửa (về sau chỉ còn lại Đừng đốt!). Viêt xong tôi cũng chưa biết gửi nó đi đâu. Tôi nay là một đạo diễn đã nghỉ hưu, không thuộc biên chế của một Hãng phim nào kể cả nhà nước lẫn tư nhân. Lại nghe đâu một số Hãng đã phân công các biên kịch, đạo diễn của mình viết kịch bản để chuẩn bị làm phim về cuốn nhật ký này. Có Hãng trong TP Hồ Chí Minh hình như đang liên hệ mời đạo diễn Mỹ Oliver Stone làm đạo diễn cho bộ phim tương lai.. Nhưng dầu sao trút ra được trên giấy những suy nghĩ trong đầu, đối với tôi đã là một niềm vui. Tôi định đem kịch bản sang Budapest để con gái đọc góp ý thêm. Đang chuẩn bị lên đường sang Hung thì bỗng nhiên nhận được một cú điện thoại. Đầu giây nói đằng kia là ông Thảnh Cục trưởng Cục điện ảnh. Ông Thảnh cho biết chủ trương của Bộ muốn làm một phim thuộc diện nhà nước đặt hàng về cuốn nhật ký của nữ anh hùng liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm, không biết tôi có quan tâm tới đề tài này không? Tôi trả lời ông Thảnh rằng không những tôi quan tâm mà còn đã viết xong kịch bản. Tôi còn hỏi thêm: Nhưng hình như các Hãng đã phân công người làm rồi thì phải. Ông Thảnh trả lời đúng vậy, hiện đã có một vài kịch bản do các Hãng gủi lên nhưng Hội đồng kịch bản muốn có nhiều sự lựa chọn hơn. Ông đề nghị tôi cứ gửi kịch bản thẳng lên cho Cục. Chừng hai tháng sau ông Thảnh gọi điện thông báo kịch bản của tôi đã được hội đồng kịch bản của Cục duyệt để đưa vào sản xuất. Ông hỏi tôi muốn đưa về Hãng phim nào để Bộ ra quyết định. Thực tình tôi muốn đưa về Hãng phim truyện I nơi đạo diễn Tất Bình làm giám đốc, nhưng Hãng I lại vừa mới làm xong một phim thuộc diện nhà nước đặt hàng có tên là Cầu Ông Tượng (phim về tình hữu nghị Việt- Lào). Ông Thảnh cho biết không thể một Hãng làm liền 2 phim đặt hàng được. Trong lúc chưa biết đưa về đâu thì chị Hồng Ngát gặp tôi đề nghị đưa phim về cho Hãng HODAFILM. Chị vừa thôi chức Cục phó, đến tuổi nghỉ hưu, được ông Trần Luân Kim giao cho quản lý HODAFILM, một hãng phim do tôi thành lập khi đang còn làm Tổng thư ký Hội ĐẢ (tôi đã ghép chữ Hội Điện Ảnh thành HODA rồi đặt tên cho Hãng).Hãng phim này sau khi tôi rời Hội thì cũng ngừng hoạt động, một thời gian dài không làm phim gì.Trước đề nghị khẩn khoản của chị Ngát tôi bèn đồng ý với điều kiện phải đua về cho Hãng 1 tổ chức sản xuất. Hodafilm chỉ đững danh nghĩa mà thôi. Chị Ngát đồng ý với điều kiện đó, vì có muốn ôm cũng không ôm được, cả Hãng chỉ có một mình giám đốc là Chị Ngát cùng một phó giám đốc là Chánh văn phòng của Hội ĐA kiêm nhiệm.
Phim được nhà nước cấp 11 tỷ để thực hiện, một con số khá lớn so với mặt bằng chung của các phim Việt Nam nhưng không phải là phim có kinh phí cao nhất (trước đây có phim Ký ức Điện biên có kinh phí tới 13 tỷ). Khi đã có tiền rót về, Hãng I nhanh chóng thành lập đoàn làm phim với đầy đủ các bộ môn. Thành phần chủ yếu của phim ngoài tôi còn có anh Vũ Đức Tùng quay phim và Phạm Quốc Trung hoạ sỹ thiết kế, những người đã từng cộng tác với tôi trong nhiều phim trước đây. Việc đầu tiên mà thành phần chủ yếu phải làm là chọn bối cảnh và chọn diễn viên. Địa phương đầu tiên chúng tôi đến là Đức Phổ Quảng Ngãi, nơi có bệnh xá của nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Đến được bệnh xá phải đi canô qua một cái hồ rộng, rồi leo núi chừng 2 tiếng đồng hồ. Giữa đường chủ nhiệm phim Tất Bình mặt mày tái mét ngồi bệt xuống đường. Anh quyết định không đi tiếp nữa vì quả mệt, đành ngồi lại chờ anh em khi lộn về. Nhưng các đồng chí địa phương dẫn đường cho biết lúc về sẽ không đi lối cũ nên anh Bình đành cố gắng đi tiếp. Bệnh xá được phục chế đúng như ngày xưa, toàn tranh tre nứa lá và hầm ếch. Đi tiếp chừng nửa tiếng nữa chúng tôi đến nơi bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm hy sinh. Nơi đó bây giờ là một cái hố nông phủ đầy lá rừng với những viên đá hộc được xếp xung quanh. Tôi thắp hương xin chị phù hộ cho bộ phim làm được thuận lợi. Có lẽ lời cầu xin đó đã thấu được tới chị chăng nên suốt những ngày làm phim sau này chúng tôi gặp hết may mắn này đến may mắn khác. Sau những ngày đi chọn cảnh từ nam chí bắc, chúng tôi thấy rằng trong phim này tất cả các bối cảnh đều phải dựng lại, không có cái gì có sẵn và đây là một công việc nặng nề nhất của phim.Ngoài ra chưa kể tới một phần ba phim phải quay trên đất Mỹ. Đương nhiên còn một việc quan trọng hơn, quyết định thành bại của bộ phim là việc chọn diễn viên, nhất là vai Đặng Thuỳ Trâm. Không chọn được người đóng vai này chính xác thì coi như bao nhiêu công sức đều đổ xuống sông xuống biển. Tôi đề ra 3 yêu cầu để tìm người đóng vai này như sau: Thứ nhất: chưa xuất hiện trên phim bao giờ. Thứ hai: Phải biết đóng phim. Thứ ba có vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng, giản dị. Sau hai đợt tuyển chọn với gần trăm ứng cử viên vẫn chưa thấy gương mặt Đặng Thuỳ Trâm. Anh Tất Bình gợi ý đăng báo tìm, nhưng tôi từ chối không muốn làm ầm ỹ như các phim khác. Tính tôi không thích khoa trương. Đoàn phim cũng không họp báo trước khi bấm máy, một cái mốt thịnh hành. Chúng tôi lại lẳng lặng làm casting đợt 3. Lần này thì gương mặt Đặng Thuỳ Trâm đã xuất hiện. Đó là Minh Huơng, biên tập viên của Đài truyền hình kỹ thuật số. Cô hội đủ 3 tiêu chuẩn mà tôi đề ra: Chua xuất hiện trên màn ảnh bao giờ, đã học qua một khoá diễn xuất do Đài Truyền hình tổ chức và khuôn mặt trong sáng, tự nhiên, lông mày không kẻ nhỏ như nhiều chị em diễn viên khác. Tuy chưa có kinh nghiệm đóng phim, nhưng với bản chất thông minh cô đã hoàn thành xuất sắc vài diễn của mình. Tôi chưa gặp một diễn viên trẻ nào thông minh như cô.
Hình 18. Lúc làm phim Đừng đốt! (Với diễn viên Marc Kross)
Nhưng những thước phim đầu tiên của bộ phim lại được quay không phải tại Việt nam mà tại bang New Jersey tận bên Mỹ. Vì để tranh thủ mùa lá vàng nên chúng tôi đã bố trí lịch quay những cảnh bên Mỹ trước. Hãng phim I đã ký hợp đồng với cô Trần Anh Hoa cùng chồng là Richard Connors đang sống ở New Jersey lo liệu giúp việc chọn diễn viên và cảnh quay ở bên Mỹ.Nhờ có internet nên tôi có thể làm việc với cô Hoa cách nửa vòng trái đất một cách rất dễ dàng, thậm chí đạt năng xuất cao vì khi tôi ngủ thì cô Hoa thức để làm việc và khi cô ngủ thì tôi lại thức để làm việc. Cô Hoa đã đăng báo tuyển diễn viên trên một tờ báo ở New York. Kết quả trong một thời gian ngắn đã có hơn 200 người gửi ảnh đến để xin thử vai. Qua Internet tôi đã chọn những diễn viên thích hợp để cô Hoa cùng chồng quay thử diễn xuất, và cuối cùng đã quyết định được tên của 7 diễn viên để cô Hoa chính thức ký hợp đồng. Cũng bằng cách như vậy qua internet chúng tôi cũng đã xác định được các địa điểm quay ở New Jersey. Ngày 15 tháng 10 năm 2007 các thành phần chủ yếu của đoàn phim lên đường sang Mỹ. Tất cả có 20 người gồm các bộ phận đạo diễn, quay phim, dựng cảnh, đạo cụ, chủ nhiệm v.v…Một Công ty dịch vụ Mỹ sẽ đảm nhiệm cung cấp người cho các bộ phận hoá trang, phục trang, đạo cụ, dựng cảnh, hậu cần v.v…cùng một đội ngũ kỹ thuật viên đông đảo đảm nhiệm khâu chiếu sáng cũng như đường ray cần trục phục vụ cho công tác quay phim (riêng máy quay chúng tôi đem từ Việt Nam sang). Đặc biệt có nhiều anh chị em Việt kiều ở khu vực New York cũng xin tham gia đoàn làm phim. Một đoàn làm phim hỗn hợp Việt - Mỹ -Việt Kiều đã hình thành gồm hơn 60 người chưa kể diễn viên. Một hình ảnh sinh động của sự hội nhập trong lĩnh vực điện ảnh.
Hình 19. Một cảnh trong phim Đừng đốt!
Cảnh quay dầu tiên của phim diễn ra ven hồ trong một khu rừng tại Ocean Grove bang New Jersey. Khi đoàn đến, sương còn giăng kín mặt hồ. Trước khi bấm máy cả đoàn phim gồm người Việt, người Mỹ đã dành một phút mặc niệm nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Giây phút im lặng trong khu rừng lá vàng xào xạc ở nơi xa xôi này, làm tôi thực sự xúc động. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi về việc làm phim mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Do tôi đã gửi kịch bản sang trước nên các diễn viên Mỹ đều đã biết nội dung bộ phim tương lai và những cảnh mình sẽ đóng trong phim. Tất cả đều đã thuộc lời thoại và khi đến gặp tôi người nào cũng cầm trên tay cuốn sách: Last night I dreamed of Peace (Đêm qua tôi mơ thấy Hoà bình) bản dịch tiếng Anh của cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm vùa xuất bản tại Mỹ. Tôi mời tất cả các diễn viên Mỹ cùng ngồi lại để trao đổi.Trước hết tôi hỏi họ cảm tưởng về kịch bản mà họ đã đọc. Tất cả đều cho biết rất thích kịch bản. Tôi hỏi họ có điều gì cần sủa chữa,điều chỉnh không? Họ cho biết không cần phải sửa gì nhiều, chỉ cần chỉnh lý lại một vài đối thoại cho phù hợp với cách ăn nói của người Mỹ. Mọi người đều hào hứng bắt tay vào công việc. Một tuần sau thì Fred Whitehurst đáp máy bay từ North Carolina đến thăm đoàn phim. Anh ở lại với chúng tôi 3 ngày, ăn ở sinh hoạt như anh em trong đoàn phim thậm chí còn tham gia đóng một vai quần chúng để kỷ niệm. Trước khi về anh tâm sự với tôi: Từ ngày nhặt được cuốn nhật ký của chị Thùy (anh vẫn gọi thân mật chị là Thùy) tôi cảm thấy như mọi việc tôi làm đều do Thuỳ sai khiến chỉ bảo. Tôi tin việc anh làm phim này cũng do sự sai khiến của Thuỳ. Tôi có linh cảm rằng bộ phim sẽ thành công. Tiếp xúc với Fred tôi nhận ra anh là một người rất duy tâm (có thể bắt đầu từ khi ở Việt Nam về với cuốn nhật ký của chị Thuỳ chăng). Sau hai tuần quay khẩn trương, ngày nào cũng làm việc từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tôi, ăn uống ngay tại hiện trường, chúng tôi đã kết thúc phần quay tại Mỹ. Tôi lưu luyến chia tay với các diễn viên mà sau một thời gian ngắn đã trở nên thân thiết như trong một gia đình. Riêng diễn viên Mark Korse người đóng vai Fred lúc trẻ sẽ sang Việt nam trong một tháng để đóng tiếp những cảnh có liên quan tới giai đoạn phục vụ trong quân ngũ ở chiến trường Miền Nam Việt Nam. Nhưng phải 4 tháng sau công việc làm phim mới được tiếp tục vì còn chờ kinh phí của Bộ Tài chính rót xuống. Đã có lúc tưởng chừng như đoàn phim rã đám. Nhưng rồi tiền đã được rót về và công việc lại tiếp tục. Tháng 4 năm 2008 phim bắt đầu bấm những thước đầu tiên ở Việt Nam. Cảnh quay đầu tiên lại là cảnh cuối phim: Đặng Thuỳ Trâm một mình đạp xe đi trên con đường vắng. Con đường ấy là con đường nhựa trên đường từ Nội bài lên Vĩnh Phú. Ngồi bên monitor nhìn toàn cảnh người con gái mắc áo sơ mi trắng, tóc xoã sau lưng đạp xe đi hút về phía chiều sâu tôi thấy gai gai trong nguời. Trong điện ảnh đôi khi một cảnh đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại làm người xem xúc động hơn cả những cảnh bầy biện đông người. Cảnh quay đó sau này là một cảnh kết phim hết sức ấn tượng.
Những bối cảnh tiếp theo lần lượt được quay theo thứ tự chuẩn bị của bộ phận dựng cảnh. Một làng quê Quảng Ngãi được dựng ngay tại Đồng Mô cách Hà nội 40 km, để đảm bảo tính chân thật hoạ sỹ Pham Quốc Trung phải cho chở những cây dừa từ Thanh hoá ra để trồng trong làng. Bệnh xá của BS Đặng Thuỳ Trâm được dựng trong một cánh rừng thuộc khu K9 (nơi từng bảo quản thi thể chủ tịch Hồ chí Minh ngay sau khi người vừa mất). Căn cứ quân đội Mỹ được dựng ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất. Bãi đáp trực thăng trong cảnh lính Mỹ càn quét vào làng được thực hiện tại một cánh đồng ở Củ Chi cách Thành phố Hô Chí Minh 50 km (mặc dù ngôi làng được dựng ở tận ngoài Bắc). Riêng trường đoạn đi tìm mộ chị Trâm chúng tôi quay ngay tại chính nơi chị đã ngã xuống ở Đức Phổ, Quảng Ngãi..Cứ như vậy hết bối cảnh này đến bối cảnh khác chúng tôi đã thực hiện đúng kế hoạch quay không chệch một ngày. Tất cả anh chị em trong đoàn đều tin rằng có sự phù hộ của chị Đặng Thuỳ Trâm. Quả thật trong khi quay chúng tôi đã gặp những thuận lợi, may mắn hiếm thấy. Có nhiều lúc đang quay trời đổ mưa, tưởng chừng như kế hoạch quay của ngày hôm đó không thực hiện được, cả đoàn chuẩn bị ra về thì trời bỗng nhiên tạnh mưa, hửng nắng.
Bước vào giai đoạn hậu kỳ, việc quan trọng đầu tiên là lồng tiếng (điện ảnh Việt nam chưa thu tiếng trực tiếp được, tuy vậy phần quay ở bên Mỹ chúng tôi cố gằng thu đồng bộ). Minh Hương tự lồng tiếng cho nhân vật của mình và trong khâu này cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô đã cố gắng tập để tự hát lấy bài Bài ca hy vọng ở cuối phim với giọng hát hết sức mộc mạc, tha thiết. Tôi hoàn toàn không có gì ân hận khi đã chọn Minh Hương vào vai Đặng Thuỳ Trâm. Sự lụa chọn đó là hoàn toàn chính xác và đó là một may mắn lớn nhất của tôi trong phim này. Đã từ lâu tôi mong có dịp được cộng tác với một nhạc sỹ người nước ngoài, phần âm nhạc do một dàn nhạc nước ngoài thể hiện. Lần này tôi quyết tâm thực hiện mong muốn đó. Tôi biên thư trao đổi vói con gái tôi là Đặng Phương Lan đang làm bác sỹ ỏ Budapest (Hungary). Lan hoan nghênh ý định của tôi và hứa sẽ tìm một nhạc sỹ Hung đê giới thiệu với tôi. Thông qua các bệnh nhân quen biết của mình Lan đã nhanh chóng tìm được một nhạc sỹ trẻ có tên là Benedecfi Istvan. Tôi gửi đĩa ghi hình ảnh đã sơ dựng của phim sang cho anh nhạc sỹ xem. Xem xong anh cho biết rất xúc động và sốt sắng nhận lời làm nhạc cho phim. Tôi trao đổi với anh Tất Bình. Anh hoàn toàn ủng hộ việc mời nhạc sỹ nước ngoài, nhưng anh cũng cho biết kinh phí dự trù cho toàn bộ phần âm nhạc của phim này chỉ có hơn 100 triệu (tương đương 6000 USD). Tôi muốn mời ai, thu nhạc ở đâu cũng được… miễn là trong phạm vi 6000 USD. Tôi biết rằng khoản tiền đó chỉ bằng khoản tiền chi cho phần âm nhạc trong một phim ngân sách trung bình ỏ Việt Nam. Mang tiếng phim do Nhà nước đặt hàng, kinh phí 11tỷ, nhưng thực ra mọi khoản cần chi người ta khống chế rất ngặt nghèo. May thay con gái tôi cùng chồng là Đinh Xuân Thọ quyết tâm giúp tôi thực hiện phần âm nhạc của phim này ỏ Hungary. Chúng bỏ tiền riêng mua vé cho tôi sang Hung và sẵn sàng bù thêm tiền cho tôi để thực hiện những cộng việc cần thiết vì chất lượng âm nhạc tốt nhất có thể. Tôi cùng con gái làm việc với hai nhạc sỹ Hung tỉ mỉ từng đoạn nhạc trong phim, cung cấp cho hai anh những đĩa nhạc Việt nam để các anh có khái niệm khi sáng tác. Viết được đến đâu các anh trình diễn trên đàn piano tại nhà con gái tôi để tôi và con gái góp ý kiến (cháu được mẹ dậy piano từ nhỏ nên cảm thụ về âm nhạc rất khá). Có những đoạn nhạc các anh phải viết đi viết lại đến hàng chục lần. Khi đã viết tương đối hoàn chỉnh các anh còn cho thu thử rồi phát nhạc theo hình ảnh xem có thích hợp không, có hiệu quả không, chỉnh lý lại những chỗ chưa ưng ý, thêm bớt các nhạc cụ, rồi sau đó mới chính thức thu. Phần thể hiện tổng phổ được thực hiện bởi dàn nhạc của Trường Đại học Âm nhạc nơi Benedecfi Istvan làm giáo sư piano.Anh đàn piano và em anh Benedecfi Zoltan đàn violon (trước khi là nhạc sỹ sáng tác hai anh em đều là những nhạc công biểu diễn chuyên nghiệp).Con rể tôi là Đinh Xuân Thọ đã mời được một chuyên viên thu thanh giỏi của Hung. Công đoạn hoà âm thực hiện ngay tại Gold Studio của chính anh. Người to béo nên anh ăn rất ít. Anh ngồi vào bàn hoà âm 10 tiếng đồng hồ liền, không cần ăn, chỉ thỉnh thoảng nghỉ uống ngụm nước. Nhạc sỹ Benedecfi Istvan và em là Benedecfi Zoltan đã làm việc hết mình vì bộ phim mà các anh thực sự yêu mến. Có lẽ tình yêu đó là lý do tại sao phần âm nhạc của phim đã đem đến cho người xem những cảm xúc mạnh mẽ. Nhiều người xem kể cả trong nước lẫn bên ngoài đều ngạc nhiên tai sao hai nhạc sỹ người Hung lại cảm thông và đồng điệu với tâm hồn các nhân vât trong phim đến như vậy. Cộng với chất lượng cao của phần thu nhạc nhờ trình độ của người thu thanh và những phương tiện kỹ thuật hiện đại, âm nhạc của phim đã góp phần rất lớn vào hiệu quả chung của bộ phim. Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự hợp tác giữa Hungary và Việt nam trong lĩnh vực điện ảnh kể từ thời còn phe XHCN.
Đêm trước khi đem toàn bộ linh kiện sang Bangkok để hoà âm ra bản đầu, tôi đã chiếu cho Fred Whitehurst cùng vợ xem ở phòng thu trên đĩa hình cùng phần âm thanh phát ra đồng bộ. Cùng xem có chi Đặng Kim Trâm. Cả hai vợ chồng cùng chị Kim hết sức xúc động. Khi phim ra bản đầu hoàn chỉnh đưa từ Bangkok về Cục Điện ảnh đã tổ chức chiếu mời toàn thể gia đình liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm xem đầu tiên.Trong buổi chiếu đó tôi đã bầy tỏ lòng cám ơn của toàn thể anh chị em trong đoàn phim tới gia đình về sự giúp đỡ, động viên hết sức chí tình. Nếu không có sự giúp đỡ đó chúng tôi không thể làm được phim này.
Ngày 30/4 /2009 phim được chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Nhiều ngưòi xem đã không cầm được nước mắt. Họ không chỉ là những người đứng tuổi, cùng một thế hệ với nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, mà cả những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong hoà bình. Thì ra những phản ánh trên báo chí rằng lớp trẻ bây giờ chỉ thích xem phim hành động, phim có nhiều cảnh “ hot “, không thích phim về đề tài chiến tranh là hoàn toàn sai lệch. Nhiều em sinh viên nói với tôi sau khi xem phim: Chúng cháu rất muốn xem những phim như thế này. Tiếc rằng ở các rạp không có chiếu, nên đành phải đi xem những phim giải trí cho vui thôi. Khi phim vừa hoàn thành đa số các báo đều ủng hộ, trừ một vài tờ báo được coi là đại diện cho tiếng nói của thanh niên, tuổi trẻ. Tôi biết có cô phóng viên của báo nọ xem xong phim ra về vội vàng trong một tiếng đồng hồ viết ngay bài báo phê bình gửi vào TP Hồ chí Minh để kịp đăng vào số báo ra sáng hôm sau. Cô phê bình nhiều chi tiết rất lạ như trong phim không thấy Fred bắn một phát súng nào rồi cho là là phim giả. Có lẽ cô cũng không biết rằng Fred chỉ là một sỹ quan quân báo nên công việc của anh không phải là chiến đấu ngoài mặt trận. Trong lúc báo chí đại diện cho giới trẻ có thái độ như vậy như vậy thì Nhà Văn hoá Thanh niên tại TP HCM đã tổ chức chiếu cho hàng trăm thanh niên của thành phố xem bộ phim này.Các buổi chiếu đều đông kín người. Tôi biết bộ phim đã chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả trong nước nhưng hồi hộp không biết sự đón nhận của người xem bên ngoài ra sao.Câu chuyện phim có liên quan đến ký ức, trải nghiệm của người Việt nam mà người nước ngoài hẳn không có.Nhưng sự đón nhận hết sức nhiệt tình của khán giả Nhật là điều làm tôi bất ngờ hơn cả. Tháng 10 năm 2010 tại Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản) phim đã đựơc khán giả bình chọn là phim ưa thích nhất. Tiếp theo phim được giới thiệu tại một loạt trường đại học ở miền Đông Bắc Hoa kỳ. Ở đâu tôi cũng nhìn thấy những cặp mắt ướt đỏ của nhiều người bước ra khỏi rạp sau khi xem phim. Tuy cũng có lúc ngồi trong rạp xem phim cùng khán giả nhưng cho đến nay tôi cũng không biết đích xác đoạn nào, chi tiết nào trong phim là những chỗ làm họ bật khóc. Không ai có thể lập trình được cho những giọt nước mắt. Nó đến hết sức tự nhiên, đó là điều mà tôi không lường trước được trong khi làm.
Có lẽ buổi chiếu phim ấn tượng nhất đói với tôi là buổi chiếu phim vào cuối năm 2009 tại một rạp chiếu phim New York. Rạp có chừng 500 chỗ ngồi đã được bán hết vé. Buổi chiếu có sự tham dự của Fred Whitehurst cùng cô cháu gái con ông anh, và tất các diễn viên Mỹ đã từng đóng trong phim này, có người còn đem theo cả bố mẹ, những người thân trong gia đình.
Sau buổi chiếu là cuộc trao đổi với đoàn làm phim kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Ngồi trên sân khấu để giao lưu có tôi cùng cô Trần Anh Hoa và 3 Fred: Fred Whitehurst, diễn viên đóng vai Fred lúc trẻ và diễn viên đóng vai Fred lúc già. Mỗi lần có khán giả đặt câu hỏi cho Fred, thì Fred Whitehurst hỏi lại: Hỏi Fred nào đấy? Fred thật hay Fred trong phim? Làm cử toạ cười ồ vui vẻ. Ngồi ngay ở hàng ghế đầu trước mặt tôi là ông John McAuliff - Chủ tịch Hội Hoà giải Đông dương, một người đã đấu tranh không mệt mỏi cho việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước Mỹ - Việt. Tôi thấy mắt ông đỏ hoe. Ông đưa tay xin phát biểu đầu tiên và khi người ta đưa micro lại, ông nghẹn ngào hồi lâu mới cất được tiếng. Ông cho rằng đây là phim về đề tài chiến tranh Mỹ - Việt cảm động nhất mà ông được xem. Ông nói tất cả người Mỹ cần phảỉ xem phim này và mong muốn nó được phát hành rộng rãi ở Mỹ. Nhiều cựu chiến binh Mỹ cũng cùng ý nghĩ như ông. Có người nhận ra chính mình trong hình ảnh của Fred trên chiến trường. Họ nhận xét rằng không khí chiến tranh trong phim rất chân thật. Nhiều cựu binh Mỹ đã khóc khi nhớ lại những kỹ úc chiến tranh. Một lần chiếu ở Trường Đại học De Anza một thanh niên da ngăm đen phát biểu sau khi xem: Tôi có người anh chết trận ở Việt nam. Tôi thù ghét người Việt Nam từ ngày ấy, nhưng hôm nay xem xong phim tôi thấy không nên giữ mãi thù hận trong lòng. Các diễn viên Mỹ còn được hỏi về cảm tưởng khi làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam Họ cho biết không thấy có sự khác biệt nào giữa một đoàn làm phim Việt Nam và một đoàn làm phim quốc tế.
Để kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm 2010 Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng đã quyết định chiếu phim Đừng đốt tại một rap chiếu bóng lớn ở trung tâm thủ đô Budapest thay vì mở tiệc chiêu đãi như mọi năm. Khách mời gồm toàn thể ngoại giao đoàn ở Budapest, các quan chức của Bộ Ngoại giao Hung, những người Hung có quan hệ với Việt Nam từ trước đến nay. Đặc biệt có sự hiện diện của hai anh em nhạc sỹ Hung viết nhạc cho phim này cùng cha mẹ của họ. Con gái Đặng Phương Lan của tôi mặc áo dài đứng dịch cho tôi trên sân khấu. Quả là một kỷ niệm hiếm có đối với hai bố con chúng tôi. Sau buổi chiếu phim là một tiệc cocktail được tổ chức ngay tại tầng hai của rạp chếu bóng. Tôi không ngờ ở Hung có rất nhiều người có quan hệ với Việt Nam đến thế. Họ là những chuyên gia từng sang Việt Nam công tác,rất nhiều người từng làm việc trong Uỷ Hội Quốc tế giám sát đình chiến tại Việt Nam sau năm 1954. Nhiều khách ngoại giao ở Budapest nâng cốc chúc mừng và cám ơn ông Đại sứ về bộ phim mà họ vừa được xem. Ông Dũng ghé tai tôi nói khẽ: “Chỉ 2 tiếng đồng hồ của phim của anh đã làm cho uy tín của tôi được nâng lên rất nhiều trong con mắt của giới ngoại giao. Đúng là không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của văn hoá.” Lâu lắm rồi, hoặc có thể là chưa bao giờ người Hung có dịp xem một bộ phim của Việt nam. Do đó buổi chiếu đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp. Một tờ báo Hung sau đó đã viết bài khen ngợi, cho rằng trình độ của phim Việt Nam không thua kém gì phim của các nước Châu Âu.
Trên đường từ Budapest trở về anh Phạm Xuân Sinh Giám đốc Nhà Việt Nam ở Paris đã đề nghị tôi dừng chân tại Pháp trong 2 tuần để giớí thiệu phim. Những buổi chiếu phim tại Nhà Việt nam, đặc biệt buổi chiếu tại Rạp Ciné Le Clef do anh Giao anh Hạc tổ chức có rất đông Việt kiều và các bạn Pháp đến xem. Trước đó trên tờ báo điện tử Diễn đàn của Việt Kiều ở Paris có đăng bài của anh Nguyễn Ngọc Giao viết về bộ phim làm nhiều người lại càng háo hức. Bài báo nhấn mạnh đến tính trung thực của phim và kết luận như sau: Có lẽ chính vì sự trung thực ấy -- trung thành với tâm trí của Đặng Thùy Trâm, và tôn trọng nhân cách của những Fred, Hiếu..., nhất là sự mến phục hai bà mẹ, bà mẹ Việt Nam và bà mẹ Mỹ -- mà Đừng đốt đã chinh phục được lòng người. Nói khác đi, Đặng Nhật Minh đã chọn đúng "góc tiếp cận". Tôi biết anh đồng cảm như thế nào với con người Đặng Thùy Trâm và con người Fred Whitehurst. Và anh đã truyền được sự đồng cảm ấy cho các diễn viên, cũng như đội làm phim, kể cả hai nhạc sĩ Hung phụ trách phần âm nhạc.
Sau Paris, anh Sinh đích thân đưa tôi xuống các chi hội người Việt ở Lyon và Toulouse để giới thiệu phim. Ở đâu sự đón nhận của bà con đều nhiệt tình và cảm động như nhau.
Ngoài Giải Khán giả tại Liên hoan phìm Fukuoka (Nhật bản) vào tháng 10 năm 2009, tháng 12 năm 2009 phim Đừng đốt đoạt Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Namlần thứ 16 cùng giải Biên kịch xuất sắc, Giải Báo chí bình chọn. Đến tháng 3 năm 2010 phim được tặng Giải Cánh Diều Vàng của Hội điện ảnh Việt Nam cùng các Giải Đạo diễn, Hoạ sỹ thiết kế, Âm thanh và Giải diễn viên nữ xuất sắc cho diễn viên Minh Hương, một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cô trong vai Đặng Thuỳ Trâm. Đầu năm 2010 phim được Bộ Văn hoá quyết định gửi đi tranh Giải Oscar cho phim nước ngoài tại Hoa kỳ. Phim không đuợc giải và điều này không có gì lạ. Tôi đã lường trước kết quả này vì cánh cửa của nó rất hẹp: mỗi năm chỉ có một Giải Oscar dành cho một phim của tất cả các nước trên thế giới, ngay một nền điện ảnh khổng lồ cạnh ta như điện ảnh Trung Quốc cũng chưa một lần nhận được giải này.
Hình 20. Nhận giải Audience Award tai LHP Quốc tế Fukuoka năm 2009 cho phim Đừng đốt!
với nữ diễn viên Minh Hương, người đóng vai Đặng Thuỳ Trâm
♦
Từ Hà Nội đến Hollywood
Tháng 9 năm 2010 tôi nhận được thông báo của Viện Hàn Lâm điện ảnh Hoa kỳ quyết định mời tôi sang Hollywood để vinh danh tôi như một đạo diễn có công đối với nền điện ảnh Việt Nam. Tôi đón nhận tin này với cảm xúc giống hệt như năm 2008 khi được tin Đài truyền hình CNN của Mỹ bình chọn phim Bao giờ cho đến tháng 10 là một trong 18 phim hay nhất của điện ảnh Châu Á mọi thời đại. Cả hai lần đều hết sức bất ngờ vì trước đó họ không hề thông báo gì về dự định của mình. Vậy là ngày 9 tháng 11 tôi rời Hà nội lên đường sang Mỹ. Trước khi đi, tôi được báo phải chuẩn bị một bài phát biểu ngắn để đọc tại buổi lễ. Bài phát biểu đã được gửi sang trước để Ban tổ chức cho dịch sang tiếng Anh. Và đêm 10 tháng 11 năm 2010 tại nhà hát Samuel Goldwyn của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa kỳ, trước hàng trăm cử toạ tôi đã đọc bài phát biểu của mình với phần chuyển ngữ của đạo diễn trẻ Việt kiều Đỗ Thiện. Bài phát biểu như sau:
Thưa quý vị
Khi nhận được thư thông báo của chị Ellen Harrington, tôi ngạc nhiên không hiểu sao mình lại có được cái vinh dự lớn lao này, một vinh dự mà thú thật trong đời làm phim, tôi không bao giờ nghĩ tớ. Tôi hiểu rằng đây là một vinh dự không phải chỉ riêng tôi mà cho cả nền điện ảnh Việt nam.
Trước hết cho tôi được bầy tỏ lòng cám ơn chân thành tới Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa kỳ, tới ông chủ tịch Viện Tom Sherak. Cám ơn ông Phil Robinson- Phó chủ tịch Viện, chị Ellen Harrington, những người tổ chức chính của sự kiện này.
Tôi là đạo diễn của một nền điện ảnh, mỗi năm sản xuất chừng 10- 15 phim truyện nhựa, phim truyền hình thì có nhiều hon, hàng trăm phim mỗi năm. Nền điện ảnh đó nằm trên bán đảo Indochina nhưng nó không Indo mà cũng không China. Trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của mình, nó cũng đã hình thành cho mình một bản sắc riêng. Điều đó quý vị có thể nhận thấy qua các phim được giới thiệu trong dịp này tại Los Angeles.
Một thời gian dài nền điện ảnh của chúng tôi chỉ có một nhà sản xuất duy nhất là Nhà nước và một nhà phát hành duy nhất cũng là Nhà nước. Nhà nước cấp cho chúng tôi kinh phí để làm phim vì những mục đích mà nhà nước thấy cần, hoàn toàn không nghĩ đến lợi nhuận. Tuy vậy trong nền điện ảnh đó vẫn còn một mảnh đất, dù hẹp cho những ai muốn nói lên những thân phận con người trong đời sống đầy biến động ở đất nước chúng tôi. Và trên mảnh đất hẹp đó tôi đã làm những phim của mình.
Khi tôi bước vào điện ảnh, đó là những năm 70 của thế kỷ trước. Điện ảnh không có khái niệm giải trí. Ngày đó muốn giải trí người ta đi xem xiếc hoặc nghe hoà nhạc. Đi xem phim là để nhận thức thêm một điều gì đó về con người, về xã hội xung quanh mình. Xem phim là để suy ngẫm và tự hoàn thiện mình.
Nhưng bức tranh của điện ảnh Việt Nam bây giờ đã đổi khác. Sau Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường và điện ảnh cũng vậy. Nhà nước tuy vẫn còn cấp kinh phí để làm phim nhưng số lượng ngày càng giảm dần. Một khu vực sản xuất phim của tư nhân được hình thành, ngày càng năng động. Hiện nay điện ảnh tư nhân chiếm đến 70% lĩnh vực sản xuất phim nhưa và gần 90% sản xuất phim truyền hình. Trong lĩnh vực phát hành thì gần như 100%. Những người làm phim ngày nay quan tâm đến lợi nhuận và họ bắt đầu nghĩ đến khán giả, những người bỏ tiền ra mua vé để xem phim của họ. Trong chiều hướng này đã có nhiều phim do tư nhân sản xuất đã thu hút được đông đảo người xem, đạt doanh thu cao.
Thưa quý vị
Tôi ít khi xem lại những phim của mình, bởi vì mỗi lần xem tôi lại nhận ra những khiếm khuyết về nghề nghiệp mà không thể khắc phục được vì phim đã làm xong rồi. Tôi không phải là người có những tìm tòi phát hiện mới mẻ về hình thức và ngôn ngữ điện ảnh. Tôi chỉ là người kể chuyện về đất nước mình. Kể chuyện một cách chân thành. Điều quan tâm duy nhất của tôi là cố gắng làm sao để làm những bộ phim nói lên được tâm tư tình cảm,số phận của những con người Việt nam qua những thăng trầm của lịch sử, qua những biến động của xã hội.
Phải chăng vì lẽ đó mà tôi được có mặt hôm nay ở đây, để làm một người kể chuyện trong bộ phim mà quý vị sắp xem sau đây.
Đối với tôi tối nay là một buổi tối đặc biệt và thật có ý nghĩa.
Xin cám ơn tất cả quý vị khán giả đã có mặt cùng tôi trong đêm nay, tại đây.
Một lần nữa xin trân trọng cám ơn Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ.
Sau phần giao lưu ngắn là buổi chiếu phim Mùa ổi do tôi làm cách đây đã 10 năm. Những người trong Ban tổ chức cho biết họ chọn chiếu phim này vì theo họ đó là phim tiêu biểu cho tòan bộ những sáng tác của tôi. Ngồi xem lại một bộ phim đã làm cách đây 10 năm tôi hồi hộp không biết khán giả Mỹ đón nhận như thế nào? Nhưng lạ thay tất cả mọi người đều hết sức hài lòng. Ông Phil Robisnon người dẫn chương trình cho buổi lễ cùng với vợ đã hết lời khen ngợi bộ phim. Có người đã xem phim này cách đây 10 năm nói với tôi: Bây giờ xem lại vẫn thấy hay, thậm chí còn có ý nghĩa hơn. Như vậy chứng tỏ bộ phim đã không lạc hậu với thời gian. Nhiều người đã đứng lại rất lâu bên ngoài phòng chiếu để trao đổi những cảm xúc của mình với nhau và với tác giả của phim. Mãi đến khi đèn trong rạp tối dần, báo hiệu rạp sắp đóng cửa, mọi người mới kéo nhau ra về.
Vâng, đêm hôm đó là một đêm thật đặc biệt và có nhiều ý nghĩa đối với tôi. Nữ diễn viên Kiều Chinh, một ngôi sao của điện ảnh Sài gòn trước 75 hiện đang sống và làm việc ở Hollywood xúc động nói với tôi: “ Đây là một ngày lịch sử đối với điện ảnh Việt nam”. Được sống những giây phút như vậy là một hạnh phúc hiếm có đối với một đời người. Tôi chỉ biết cám ơn Trời Phật, cám ơn nhũng người thân đã khuất của mình, những người mà tôi tin chắc luôn lặng lẽ ở bên cạnh tôi để phù hộ cho tôi, những người đã cộng tác với tôi trong các phim mà tôi đã làm. Một vài hình ảnh của lễ tôn vinh đã được Truyền hình Việt nam gửi về trước để phát trong bản tin thời sự, nên khi tôi về tới Hà nội thì mọi nguời đều đã biết. Tôi nhận được những lời chúc mừng của rất nhiều người, kể cả những người không liên quan gì đến điện ảnh như mấy bác xe ôm vẫn thường đưa tôi đi đây đi đó, mấy bà bán nước, bán xôi trên hè phố nơi tôi ở v.v…và đương nhiên là những người thân trong gia đình tôi ở Hà nội cũng như ở Huế.
Cách đây hơn 40 năm cha tôi đã ngã xuống trong một trận bom B52 của không quân Mỹ và hôm nay tôi được vinh danh tại kinh đô điện ảnh thế giới ngay trên đất Mỹ. Hai sự kiện này không có mối liên hệ nào. Những người tổ chức sự kiện thứ hai không biết đến sự kiện thứ nhất. Tôi đã đến Mỹ nhiều lần nhưng vẫn chưa định nghĩa được cho mình thế nào là nước Mỹ.Khi đi làm phim Người Mỹ trầm lặng cùng Đạo diễn Phillip Noyce, có lần ông hỏi tôi: Anh nghĩ sao về nguời Mỹ trầm lặng? Tôi đáp: Đối với tôi, viên phi công Mỹ lái chiếc máy bay B52 vào buổi trưa ngày 1 tháng 4 năm 1967 trút bom xuống khu rừng Trường Sơn nơi cha tôi cùng các cộng sự đang nghiên cứu vắc xin chống sốt rét, là người Mỹ trầm lặng….. Và bây giờ tôi có thể nói thêm: Những người Mỹ lặng lẽ theo rõi những công việc làm của tôi từ bao nhiêu năm qua, để đến hôm nay vinh danh những đóng góp của tôi cho điện ảnh Việt Nam cũng là những người Mỹ trầm lặng. Đối với tôi nước Mỹ là thế….. người Mỹ là thế.
Tôi sinh ra trong một gia đình không có mối liên hệ gì với nghệ thuật. Cha tôi là một nhà khoa học. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Hà Nội, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Đến năm 1942 ông được Chính phủ Pháp cử sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Sau 7 năm nghiên cứu về Y khoa tại Nhật, ông đã quyết định trở về nước tham gia kháng chiến. Ông đã đáp tàu thủy từ Nhật đến Bangkok tìm bắt liên lạc với Chính phủ ta, rồi từ Thái Lan đi bộ băng qua Lào về đến khu Bốn. Từ Nghệ An - khu Bốn ông lại tiếp tục đi bộ lên Việt Bắc. Suốt chặng đường dài dằng dặc đó, trong hành trang của cha tôi chỉ có hai bộ quần áo kaki, một lọ đựng một thứ nấm có khả năng tiết ra các chất kháng sinh pénicilline mà cha tôi đã phát hiện được trong các phòng thí nghiệm ở Tokyo... và một vật mà đến nay tôi vẫn giữ làm kỷ niệm suốt đời. Đó là chiếc kính hiển vi nho nhỏ bằng một gang tay, nhưng có đủ cả ống kính, gương phản chiếu và bộ phận điều chỉnh tiêu cự. Cái kính hiển vi đó là món quà cha tôi đem về cho tôi, với hoài bão tôi sẽ đi theo con đường khoa học. Vâng, nếu cuộc đời không có những sự bất ngờ thì có lẽ bây giờ tôi đã là một bác sĩ, một nhà nghiên cứu y học nối nghiệp cha tôi.
Cha tôi ra đi cũng như khi trở về nước, hành trang chẳng có gì ngoài những kiến thức y học để cứu chữa những vết thương, những căn bệnh, mang lại sức khoẻ cho con người và một tấm lòng tận tụy của một người trí thức yêu nước. Gia tài ông để lại cho tôi là tình yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân mình, đất nước mình, là lòng thương yêu con người, sự cảm thông sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người. Ông không biết rằng những cái đó cũng chính là nền tảng cơ bản cho mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Những gì tôi làm được trong điện ảnh cũng chính nhờ đã thừa hưởng được ít nhiều cái di sản tinh thần đó.
Tôi tạm khép lại những trang hồi ký này tại đây vào thời điểm khi sự có mặt của tôi trong điện ảnh Việt Nam vừa tròn 50 năm, trong đó có hơn 30 năm làm sáng tác. Tôi ít khi xem lại các phim mình đã làm. Mỗi lần xem lại, tôi đều cảm thấy day dứt, ân hận về những thiếu sót trong đó. Có cái do sự non kém của bản thân mà đến khi làm xong rồi mới nhận ra, có cái do hoàn cảnh khách quan. Thú thực tôi chưa bao giờ hài lòng hoàn toàn về bất kỳ phim nào của mình. Nhưng tôi hy vọng qua những phim đó, khán giả có thể hiểu được phần nào xã hội Việt Nam, con người Việt Nam cùng những khổ đau, hạnh phúc và những vấn đề mà họ quan tâm.
Nếu không có những ngẫu nhiên tình cờ của số phận có lẽ không bao giờ tôi có mặt ở đây, trong môi trường hoạt động nghệ thuật này. Tôi cảm ơn những người đã giúp đỡ, cộng tác với tôi trong các phim. Tôi cảm thấy mình là người thật may mắn.
Nhưng đôi lúc tôi cũng phải hứng chịu những điều lẽ ra không đáng có chỉ vì những sự hiểu lầm, những thông tin không chính xác... Tôi cho rằng một trong những bi kịch của con người là sự thiếu thông tin chính xác. Đó là mảnh đất cho sự vu cáo, cái ác hoành hành.Những xung đột, mâu thuẫn, ngộ nhận giũa con người và con người giữa các quốc gia và quốc gia, cũng xuất phát từ đấy mà ra.Nhưng tất cả giờ đây đã ở phía sau, chẳng có gì làm tôi phải bận tâm ngoài việc chuẩn bị cho chặng đường sắp tới với những dự định mới.
Lên trang viet-studies ngày 20-10-11 (bổ sung lần cuối ngày 27-10-11)