Theo dòng lịch sử, khắp thế giới này tồn tại rất nhiều người thầy vĩ đại và lỗi lạc, như Bác Hồ đã từng nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Chức nghiệp cao cả này nên giá trị lớn nhất cho xã hội khi góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng ra các nhân tài với nhân cách, phẩm chất tốt đẹp để phục vụ dân tộc, đất nước và cả nhân loại. Khi mà ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, chúng ta không thể không nhắc đến những người thầy vĩ đại của lịch sử Việt Nam, những người đã đặt những viên gạch nền móng cho một xã hội độc lập, tự cường và dân chủ, văn minh. Từ xa xưa đến nay, trong hàng trăm nghìn thế hệ giáo viên đáng kính, theo bạn, những người thầy có cống hiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam là ai? Nhằm góp phần làm phong phú hơn cho bạn đọc về chủ đề này, xin được giới thiệu tới bạn đọc nội dung chính của bài viết ngày hôm nay: 7 người thầy nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
img_0

SĨ NHIẾP

Người thầy đầu tiên mà chúng ta có thể kể đến chính là Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp. Với lịch sử hàng nghìn năm Bắc thuộc, dân nước Nam ít ai phục lòng quan quân phương Bắc nhưng với Sĩ Nhiếp lại là một ngoại lệ. Ông được coi là một vị quan cai trị có tài và được giới Nho học phong kiến Việt Nam sau này suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho sự phát triển của Nho giáo tại phương Nam.
Sĩ Nhiếp có tên biểu tự là Uy Ngạn, tổ tiên là người Vấn Dương nước Lỗ. Khi Vương Mãng thay ngôi Nhà Hán, tổ tiên Sĩ Nhiếp mới tránh loạn sang tỵ nạn Giao Châu, tới đời ông là sáu đời. Cha ông tên là Sĩ Tứ, làm thái thú quận Nhật Nam thời Hán Hoàn Đế, cho Sĩ Nhiếp về du học ở kinh sư, theo học Lưu Tử Kỳ người Dĩnh Xuyên, chuyên trị sách Tả Thị Xuân Thu. Sĩ Nhiếp đỗ hiếu liêm, được bổ Thượng thư lang, sau vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ Mậu tài, bổ làm Huyện lệnh Vu Dương rồi đổi làm Thái thú ở quận Giao Chỉ, tước Long Độ Đình Hầu, đóng ở Liên Lâu, nay thuộc Long Biên, Hà Nội.
Sĩ Nhiếp là một nhân vật lịch sử hết sức quan trọng gắn với đất Giao Châu vào giai đoạn cuối thời Hán - đầu thời Tam quốc, do đó các bộ sử xưa viết về nước ta giai đoạn này không thể không nhắc đến ông. Nói về Sĩ Nhiếp, trong Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên trân trọng dành riêng cho ông một “kỷ”, đặt tên là Kỷ Sĩ Vương. Về sự cai trị của Sĩ Nhiếp, sử thần Ngô Sĩ Liên có viết:
"Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ Nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người".
Sử gia lớn thời Trần là Lê Văn Hưu cũng có lời nhận xét rằng:
"Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí".
Tạo hình Sĩ Nhiếp trong Total War: Three Kingdoms
Tạo hình Sĩ Nhiếp trong Total War: Three Kingdoms
Sở dĩ Sĩ Nhiếp được đánh giá cao đến vậy, đó là bởi ông có công lớn trong việc duy trì tình trạng hòa bình yên ổn ở Giao Châu trong suốt giai đoạn đầu của nội chiến Tam Quốc, vốn kéo dài hơn nửa thế kỷ với những diễn biến hết sức phức tạp tại Trung Quốc. Ông đã khéo léo dùng những chính sách nội trị và đối ngoại mềm mỏng giúp cho Giao Châu vừa tránh được những mầm mống nội loạn, vừa thoát khỏi nguy cơ lâm vào vòng tranh chấp giữa các thế lực Tào Ngụy - Thục Hán - Đông Ngô. Điều đó thể hiện tương đối rõ ràng qua lá thư của Viên Huy, vốn là quan nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi cho Thượng thư lệnh Nhà Hán là Tuân Úc năm 207. Lá thư viết rằng:
"Giao Châu Sĩ phủ quân (tức Sĩ Nhiếp) đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không thất nghiệp, những bọn phương khách nơi xa đến trú chân đều được nhờ ơn [...] người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều kính phục, dẫu là Úy Đà cũng không hơn được"
Giai đoạn Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ còn đánh dấu sự phát triển của nền nho học tại Giao Chỉ. Tác giả của cuốn sử biên Việt sử lược có lời bàn về công lao thúc đẩy sự phát triền nền giáo dục Nho học của Sĩ Nhiếp rằng:
“Người làm sử thường cho nước ta (An Nam) có văn (Nho) học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. [...] Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước Nam, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn”.
Đây cũng là thời kì xuất hiện của những người Việt đầu tiên làm việc cho triều đình phong kiến Trung Quốc. Dưới sự thỉnh cầu của hai vị võ quan gốc Giao Châu là Lý Cầm và Trương Trọng mà nhà Hán đã cho phép nho sĩ người Việt được làm quan tại triều đình nhà Hán. Có thể nói người Việt được tuyển dụng bình đẳng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Trương Trọng nhưng công lao gián tiếp đến từ việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tăng chất lượng nho sĩ bản địa của Sĩ Nhiếp vậy.
img_1
Năm 226, Thái thú Sĩ Nhiếp mất, thọ 90 tuổi, cai trị Giao Châu tổng cộng 40 năm. Sau khi ông mất, do những người kế nhiệm năng lực kém cỏi mà Giao Châu nhanh chóng thất thủ, rơi vào sự kiểm soát của quân xâm lược nhà Ngô. Về sự kiện đáng buồn này, Ngô Sĩ Liên cũng có lời thương tiếc:
"Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi."
Các triều đại về sau tôn ông làm Nam Giao học tổ và lập đền thờ ở làng Tam Á, tổng Tam Á, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc nay là làng Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền ông đã mở trường dạy học đầu tiên ở nơi này. Đến thời nhà Trần lại truy phong ông làm Thiên Cảm Gia Ứng Vũ Đại Vương. Truyền thuyết cũng kể rằng, khi tướng quân Cao Biền nhà Đường lĩnh mệnh sang dẹp quân Nam Chiếu cứu nguy cho An Nam đã gặp được Sĩ Nhiếp hiển linh giảng cho nghe những bài học từ thời Tam quốc. Dân trong vùng đều biết đó là phúc thần, hễ có việc gì cần cầu đảo thì đều linh nghiệm.
Ngày nay, đền thờ Sĩ Nhiếp vẫn còn đó như một lời khẳng định về sự kính trọng của người Việt dành cho ông. Khu vực lăng mộ trước đây nằm giữa một cánh rừng cổ thụ rộng 4 mẫu với nhiều gò đất. Tương truyền khi ông mất, 99 người học trò đã về đây viếng thầy, mỗi người mang theo một nắm cơm. Nhưng vì thương nhớ thầy, không ai cầm lòng ăn được đã để lại, sau này hóa thành 99 gò nổi xung quanh khu lăng mộ. Câu chuyện nhuốm màu huyền tích trên thể hiện rõ tình cảm xót thương của những người học trò dành cho người thầy đáng kính, hay là câu chuyện về sự biết ơn của người dân nước Nam với vị Giao Nam học tổ ấy?
Như vậy, trong lịch sử phong kiến Việt Nam từng có một vị quan người Hán nọ được triều đình phương Bắc cử sang cai trị nước ta, tuy ông chỉ giữ chức quan là Thái Thú nhưng khi ông mất lại được nhân dân hết lòng ca ngợi, gọi ông là Sĩ Vương, suy tôn như một vị vua và lập lăng miếu quanh năm hương khói thờ tự. Không những thế, ông còn được các bậc Nho gia sau này tôn xưng là Nam Giao Học Tổ, tức vị Tổ của Nho học nước Nam ta.

LÊ VĂN HƯU

Tiếp theo, chúng ta có thể kể đến vị nho sĩ danh thần Lê Văn Hưu. Hậu thế thường hay biết tới ông với tư cách là tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam dưới thời nhà Trần. Bộ sách này tiếc rằng đến nay không còn, nhưng đó là tiền đề cho sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư nổi tiếng.
Dân gian kể rằng Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý (còn có tên khác là Kẻ Rị), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông vốn thuộc dòng dõi hào trưởng địa phương lâu đời, nhưng đến đời cha ông thì gia cảnh đã có phần sa sút. Từ nhỏ, tuy phải sống trong cảnh nghèo khó nhưng Lê Văn Hưu tỏ ra rằng mình là một người lanh lợi khác thường.
Có một giai thoại lưu truyền về sự tài trí của cậu bé Lê Văn Hưu khi ấy, rằng một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy vậy, bèn ra một vế thách đối:
Than trong lò, Sắt trong lò, Lửa trong lò, Thổi phì phò đúc nên dùi sắt
Không mảy may do dự, Lê Văn Hưu liền ứng đáp ngay:
Nghiên ở túi, Bút ở túi, Giấy ở túi, Viết lúi húi giành lấy khôi nguyên
Người ta tin rằng ấy là thực tài, về cậu bé sau ắt sẽ đỗ đạt vinh hiển. Quả nhiên, năm 1247, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khi còn khá trẻ tuổi. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu Tam khôi, nên ông được cho là Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt cùng với Trạng nguyên đầu tiên Nguyễn Hiền và Thám hoa đầu tiên Đặng Ma La. Sau khi đỗ đạt, Lê Văn Hưu được giao giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó được phong chức Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu quốc sử. Ngoài ra, trong thời kỳ làm môn khách cho các gia đình quý tộc họ Trần, ông là người được vinh dự giao nhiệm vụ dạy học cho Thượng tướng Trần Quang Khải.
img_2
Quãng thời gian làm việc ở Quốc sử viện, ông đã giúp vua Trần xem xét các tài liệu, bồi dưỡng cho lớp người hậu tiến. Điểm đặc sắc nhất trong tư tưởng giáo dục của ông là tinh thần dân tộc, điều mà cũng sẽ được thể hiện qua tác phẩm lưu danh hậu thế của ông. Bởi vậy mà những tấm bia đời sau ghi chép về ông, đều xưng tụng ông là bậc thầy.
Theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã khởi xướng và hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử hay còn gọi là Đại Việt Sử ký. Đây là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, ghi lại những sự kiện lớn trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Vũ Đế Triệu Đà cho tới Lý Chiêu Hoàng Lý Thiên Hinh. Bộ sử bao gồm tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông ban chiếu khen ngợi. Sau khi xâm lược Đại Ngu, nhà Minh đã đưa rất nhiều sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có bộ Đại Việt sử ký, nhưng tiếc rằng do nhiều lý do mà đã bị thất lạc toàn bộ.
Đến nay, tuy bộ Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng những lời nhận xét của ông vẫn được ghi lại trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, gồm 29 đoạn ghi "Lê Văn Hưu nói". Các nhận định của Lê Văn Hưu đều chất chứa trong đó niềm tự hào về dân tộc cũng như sự tin yêu vào một dòng chảy lịch sử rực rỡ hàng ngàn năm của đất nước. Đoạn nhận định về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cho thấy sự trân trọng của ông đối với công lao đánh giặc giữ nước của tổ tiên. Đoạn ông ca tụng Ngô Quyền cũng thấm đượm lòng tự hào trước thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Ngoài ra, một số đoạn Lê Văn Hưu nghiêm khắc phê phán những hành vi bạo ngược của nhiều vua chúa, quan lại đã làm xấu đi những trang sử của nước nhà. Trong Bài tựa Đại Việt Sử ký Ngoại kỷ Toàn thư, Ngô Sĩ Liên có ca ngợi rằng:
"Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi."
Theo nhiều thần tích, thần phả địa phương thì Lê Văn Hưu mất năm 1322, thọ hơn 90 tuổi. Như vậy, ông đã sống gần một thế kỉ, tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước mà tiêu biểu là hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông-Nguyên lẫy lừng lần thứ nhất (1258) và thứ hai (1285). Theo nhiều nguồn ghi chép địa phương, ông được an táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20, tức 1867, khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông. Ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa còn có nhà thờ Lê Văn Hưu.
Lịch sử vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Nó thể hiện diện mạo một đất nước với các bề dày văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế… so với các quốc gia láng giềng và cả thế giới. Dù đất nước ta đã trải qua hàng ngàn lịch sử, thế nhưng để biên chép lại một cách có bài bản, thống nhất lại trong một bộ quốc sử thì phải tới thời Trần mới có. Như vậy, tuyệt đối không thể phủ nhận công lao hết sức to lớn của người đã mở đầu biên soạn quốc sử chính thống là Lê Văn Hưu, một người không chỉ là nhà giáo tận tâm mà còn là sử gia vĩ đại của dân tộc.

CHU VĂN AN

Người tiếp theo trong danh sách là Chu Văn An, một nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt thời Trần. Ông tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tự Linh Triệt, thụy Văn Trinh. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng Nho học tại Việt Nam trong giai đoạn cuối nhà Trần.
Chu Văn An quê ở làng Văn Thôn, Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo thần tích đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm thành hoàng, thì ông sinh năm 1292. Sinh thời, Chu Văn An được biết tới như một nhà giáo có tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộ, được coi là người thầy "chuẩn mực" muôn đời của người Việt ta.
Ở thời Chu Văn An, các trường học được tổ chức một cách bài bản vẫn còn rất hiếm. Cả nước chỉ có một trường quốc lập là Quốc Tử Giám ở kinh đô dành cho nhà quyền quý, sau tuy có mở rộng cho những người tài trong nhân dân theo học nhưng cũng còn rất hạn chế. Những trường học khác đa phần chỉ dành cho quý tộc hoặc tầng lớp thượng lưu giàu có. Bởi hệ thống trường lớp quá ít như vậy, nhân dân phần lớn không được tiếp cận giáo dục. Thế nên sau khi đỗ Thái học sinh, Chu Văn An không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, nay là Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Học trò theo ông lên tới cả ngàn người, trong số đó không ít người trong số đó đỗ đạt vinh hiển. Khoa thi năm 1314 ghi nhận hai Thái học sinh là học trò của ông, gây tiếng vang lớn trong giới sĩ tử đương thời. Thầy giáo Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết đến như một điểm sáng giáo dục.
img_3
Không chỉ truyền tải kiến thức, Chu Văn An còn giáo huấn học trò của mình sống sao cho phải đạo làm người. Những người từng theo ông, dù sau này đã làm đến những chức quan lớn trong triều nhưng vẫn giữ được sự mực thước, liêm khiết, không bị tha hóa bởi chốn quan trường vốn dĩ xô bồ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm đến hành khiển mà vẫn giữ lễ thầy-trò, khi đến thăm Chu Văn An thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Với kẻ nào xấu tính thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Có thể nói, Chu Văn An là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy.
Một câu truyện dân gian vẫn được lưu truyền tới ngày nay là khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có rất nhiều học trò tìm đến theo học, trong số này có hai người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng, khi tối mịt mới rời đi. Chu Văn An khen là chăm chỉ sáng dạ nhưng không rõ tông tích ở đâu, bèn cho người dò xem. Người kia về báo là hai cậu học trò ấy hễ cứ đến gần khu đầm Đại là lại biến mất. Từ đó, Chu Văn An biết học trò của mình là thủy thần. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân. Hai người học trò kỳ lạ lúc trước có vẻ nhìn nhau ngần ngại, nhưng sau cùng vẫn đứng ra xin nhận và nói với thầy: “Chúng con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Sau đó một người ra giữa sân lấy nghiên mài mực, người còn lại ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, cả hai lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có có một tiếng sét rất lớn. Đến sáng, người dân ra xem thì thấy có xác hai con thuồng luồng nổi lên ở giữa đầm. Chu Văn An được tin, khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng. nhân dân các làng lân cận nhớ công ơn, cũng đến giúp sức và sau lập đền thờ. Tương truyền đến nay vẫn còn dấu vết mộ thần trước kia. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là đầm Mực tức hồ Linh Đàm ngày nay, nơi quản bút rơi xuống làng Tó, tức Tả Thanh Oai ngày nay, biến nơi này này thành một làng văn học, quê hương của những danh sĩ nổi tiếng như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm... Dĩ nhiên, chúng ta đều biết rằng đây chỉ là một giai thoại về Chu Văn An để nói rằng tài đức của ông có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy được sức ảnh hưởng của ông lúc đương thời là rất lớn.
Vua Trần Minh Tông nghe tiếng lành, mời Chu Văn An ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám. Giai đoạn đầu, ông chủ yếu được giao nhiệm vụ dạy học cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Sau khi Hiến Tông lên ngôi năm 1329, Chu Văn An mới thực sự có thời gian chuyên tâm vào công việc ở Quốc Tử Giám. Ông cho mở mang trường, viết Tứ thư thuyết ước là bản tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung, dùng làm giáo trình cơ bản cho việc dạy học. Kể từ thời Chu Văn An trở về sau, Quốc Tử Giám ngày càng được củng cố và mở rộng hơn.
img_4
Đến đời Dụ Tông, thấy vua ham chơi bời lười chính sự, quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nhưng vua bị chúng mê hoặc quá độ nên không nghe. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng, nay là Chí Linh, Hải Dương, lấy hiệu là Tiều Ẩn nghĩa người hái củi ở ẩn. Tại đây, ông tiếp tục nghiệp dạy học và viết sách cho tới khi mất.
Dù đã không còn quan tâm tới những vinh hoa chốn triều đình, ông vẫn tiếp tục đào tạo nên những lớp người trí thức mới phục vụ cho đất nước. Nhiều học trò của Chu Văn An dù đã làm quan lớn với nhiều mối bận triều chính vẫn thường xuyên lặn lội lên núi thăm thầy. Khi nào có triều hội lớn thì ông lại chẳng quản đường sá xa xôi đến kinh sư để quan sát. Vua Dụ Tông nhân đó muốn đem việc chính sự giao cho ông, nhưng ông đều từ chối không nhận. Hiến Từ Thái hoàng Thái hậu cảm phục bảo: "Ông ấy là người không thể nào bắt làm tôi tớ được, ta sai bảo thế nào được ông ấy?". Vua bèn sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong liền đem cho tặng người khác hết. Thiên hạ đều cho ấy là hành vi của một bậc cao thượng.
Đến khi Trần Dụ Tông băng, Dương Nhật Lễ lên ngôi, quốc thống suýt mất. Nghe tin các quan, trong đó có nhiều người là học trò của ông, quyết định chính biến để lập Trần Nghệ Tông lên thay, Chu Văn An mừng lắm. Khi việc đại sự đã thành, ông chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Cũng theo thần tích đình làng Thanh Liệt, Chu Văn An mất năm 1370, chỉ một năm sau Dụ Tông và không lâu kể từ lúc Nhật Lễ bị lật đổ. Khi ông mất, Nghệ Tông sai quân đến làm lễ tế và ban tặng tên thụy Văn Trinh, ít lâu sau lại lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc thánh hiền ngày xưa. Về công lao đóng góp của ông, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư ngợi ca rằng:
“Những nhà nho nước ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, chu Văn Trinh đời Trần, có lẽ gần được như thế. Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng suốt cho nên công danh, sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua anh minh nên chính học của ông, đời sau mới thấy được. Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu.”

NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn ai cũng nghĩ ngay đến ông là một nhà thơ, một nhà dự đoán tài năng mà đất Việt đã may mắn có được. Thế nhưng, không phải ai cũng biết ông còn được coi là một trong những nhà giáo hàng đầu suốt chiều dài lịch sử nước ta.
Nguyễn Bỉnh Khiêm huý Văn Đạt, tự Hanh Phủ, hiệu Bạch vân cư sĩ, người đời tôn xưng là Tuyết Giang phu tử. Ông sinh năm 1491, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, bố là giám sinh Nguyễn Văn Định nổi tiếng học rộng, mẹ là con út quan Thượng thư bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã được tiếp cận một nền giáo dục cẩn thận, được rèn luyện cả về thể lực và trí lực. Dân gian truyền rằng từ khi sinh ra cậu bé Nguyễn Bỉnh Khiêm đã to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi mà nói rất sõi.
Thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng thông minh, hiếu học. Tuy nhiên, sinh phải thời đại có nhiều biến cố nên ông không vội tham gia khoa cử. Mãi đến lúc trạc tuổi tứ tuần, khi đất nước đã phần nào ổn định dưới sự cai trị của Mạc Thái Tông Mạc Đăng Doanh, ông mới quyết định theo đuổi con đường công danh sự nghiệp.
Năm 1535, Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ Trạng nguyên. Ông được ban chức Đông các hiệu thư, dần thăng lên làm Hữu thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ rồi Thượng thư Bộ Lại. Nhờ những đóng góp to lớn của mình, ông được liệt vào hàng đệ nhất công thần.
Sau khi Mạc Thái Tông mất, triều chính nhiễu nhương, gian thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ xin vua kế nhiệm là Mạc Hiến Tông trị tội 18 lộng thần nhưng không được chấp thuận. Thất vọng, năm 1542, ông xin từ quan trí sĩ, về quê dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn, hay còn có tên gọi khác là sông Tuyết.
img_5
Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn tâm niệm rằng một người học trò tốt là một người học trò phải có ý chí lập thân, biết đề cao trách nhiệm của một nhà nho là không ngừng cống hiến cho quốc gia, dân tộc. Ông cũng cho rằng mục tiêu cao nhất của giáo dục là cứu nhân độ thế, hướng con người trở về tịnh thiện bởi "thiện là dòng dõi của giáo dục", đúng như phương châm sư phạm xưa. Nhờ chủ trương nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng nhân văn ấy, ông đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài nổi tiếng, góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa nước ta như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Hàn Giang cư sĩ Nguyễn Văn Chính… Bởi sự cống hiến cho nghiệp dạy học của ông vô cùng lớn, nên đông đảo quần chúng và học trò đã suy tôn ông là Tuyết Giang phu tử, nghĩa là người thầy bên dòng sông Tuyết.
Ngoài dạy học, trong phần đời hưu trí tại quê nhà, ông cũng thường xuyên sáng tác thơ văn. Số lượng các sáng tác ông để lại cho đời tới nay còn truyền tụng rất nhiều, có cả các tác phẩm bằng cả chữ Nôm lẫn tác phẩm bằng chữ Hán. Lúc sinh thời, ông chỉ xem việc sáng tác như là thú vui hằng ngày, không chú trọng việc phổ biến nhưng chúng vẫn rất nổi tiếng trong giới nhân văn.
Về thơ chữ Hán, ông có Bạch Vân am thi tập, khoảng hơn 1000 bài nhưng đến nay chỉ còn lưu lại khoảng 800. Trong lời đề tựa cho tập thơ chữ Hán của mình, ông đã viết: "[...] Tuy nhiên cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân".
Về thơ chữ Nôm, ông có Bạch Vân quốc ngữ thi tập, còn gọi là Trình quốc công Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Tập thơ này chính ông ghi rõ là bắt đầu sáng tác từ khi cáo quan về hưu trí ở quê nhà, nhưng không cho biết có bao nhiêu bài, hiện còn lại khoảng hơn 180 bài. Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm làm theo thể Đường luật và Đường luật xen lục ngôn nhưng ông thường không đặt tiêu đề cụ thể cho từng bài mà việc đó được thực hiện bởi những nhà sưu tầm và biên soạn sau này.
Ngoài di sản văn học với cả thảy hơn 1000 bài thơ cả chữ Hán và chữ Nôm,, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng để lại nhiều bài văn bia ký nổi tiếng như Trung Tân quán bi ký, Thạch khánh ký, Tam giáo tượng bi minh... Nhìn chung, chúng cũng đều là những bài ký hay, mỗi bài lại có một sự độc đáo, thú vị riêng.
Tuy đã cáo quan về quê dạy học, trong gần 20 năm từ khi 53 đến lúc 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn đảm nhiệm vai trò cố vấn cho nhiều việc nơi triều đình. Dù đã ở ẩn, vua Mạc vẫn tiếp tục sắc phong cho ông tước Trình Tuyền hầu, Thái bảo rồi thăng lên thành Trình Quốc công. Cũng bởi vậy mà dân gian thường gọi ông là Trạng Trình. Đáng nói, ông là một trong số ít những người "văn nhân thuần túy", tức là không phải quan tướng nắm binh quyền, chưa từng cầm quân ra trận và lại càng không thuộc nhóm công thần khai quốc lẫn hoàng thân quốc thích nhưng lại được phong tới tước Công ngay từ lúc còn sống. Như vậy là đủ để thấy được tầm vóc lớn lao của ông. Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương Loại chí có viết:
"Vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu lớn [...] Ông học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước được".
img_6
Không chỉ là một người thầy, một nhà thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược tài năng với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại. Dân gian tôn thờ ông như là một trong những nhà tiên tri hàng đầu trong lịch sử Việt Nam. Đến nay người ta vẫn còn lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là của ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình. Những lời sấm này tuy có phần hoang đường, kì ảo và không rõ có thực sự được đưa ra bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm hay không, nhưng chắc chắn chúng là một sự phóng tác dựa trên năng lực dự đoán trước các biến động xã hội đương thời của ông.
Không chỉ trong văn học dân gian, 2 bộ tài liệu cấp quốc gia của nhà Nguyễn là Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục tiền biên cũng xác nhận năng lực dự đoán vượt trội của Nguyễn Bỉnh Khiêm và tác động của ông đến nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn Mạc-Trịnh-Nguyễn. Ông từng đưa ra lời khuyên nhà Mạc tới Cao Bằng dựng nghiệp sau khi thất thủ ở Thăng Long. Về sau, khi nhà Mạc thua chạy đã tiếp tục cát cứ thành công ở khu vực ấy, duy trì sự tồn tại của thế lực này thêm một thời gian tương đối dài. Ông cũng khuyên Trịnh Kiểm "giữ chùa thờ Phật được ăn oản", tức là không cướp ngôi mà lập người trong tông thất nhà Lê làm vua bù nhìn. Nhà Trịnh làm theo và quả nhiên từ đó nối đời bền vững cầm quyền, song song tồn tại với nhà Lê đến khi cả hai cùng sụp đổ. Còn nhà Nguyễn, ngay sau khi Nguyễn Kim chết, người con cả là Nguyễn Uông đã bị Trịnh Kiểm ám hại. Tương truyền, trước tình thế nguy nan, Nguyễn Hoàng, người con trai thứ Nguyễn Kim đã cho người đến cầu Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được câu "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân muôn đời được. Nhờ đó, Nguyễn Hoàng đã lập kế xin họ Trịnh cho vào trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi li khai, dần xây dựng cơ đồ dòng dõi chúa Nguyễn ở phương Nam và cả nền móng cho hoàng triều Nguyễn về sau. Gạt bỏ đi những yếu tố kì ảo, chúng ta có thể thấy những “tiên tri” ở đây thực tế chỉ là những lời cố vấn chiến lược của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê - Trịnh và Nguyễn mà thôi. Dĩ nhiên, chúng đã thực sự hiệu quả và đem lại những ảnh hưởng to lớn, mang tính bước ngoặt đối với tiến trình của lịch sử dân tộc và từ đó tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của cả miền Bắc lẫn miền Nam nước ta trở về sau.
Năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, thọ 94 tuổi. Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc, lập đền thờ ông tại quê nhà. Trong rất nhiều đóng góp của cho nền văn hóa dân tộc, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục của ông được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Trong tất cả thành tựu giáo dục ở thời Mạc, không thể không nhắc tới một phần công lao của Trạng Trình.
Có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những người thầy có sự ảnh hưởng lớn tới lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI là vậy. Hiện nay, tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vẫn còn đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thường gọi là đền quan Trạng, đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ có một sứ mệnh lịch sử đặc biệt, vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

NGUYỄN THIẾP

Nguyễn Thiếp là một danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau vì kiêng húy hoàng thất nên đổi từ Minh thành Thiếp. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, do ông tự đặt hoặc do người đương thời xưng tặng chẳng hạn như: Khải Xuyên, Hạnh Am, Điên Ẩn, Cuồng Ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử... tuy nhiên nổi tiếng nhất trong số ấy vẫn là danh hiệu La Sơn phu tử.
Nguyễn Thiếp sinh năm 1723 tại xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cha ông là quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch, mẹ ông là người trong vùng, cũng mang họ Nguyễn. Quê hương ông vốn nổi tiếng là miền đất có nhiều bậc trí giả của đất nước, còn hai bên nội ngoại ông đã có truyền thống có truyền thống lâu đời về khoa bảng và văn học. Ông nội, ông ngoại, chú và cậu của Nguyễn Thiếp đều đỗ đạt cao, nổi tiếng khắp một vùng. Bởi vậy nên cũng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ khi sinh ra ông cũng đã may mắn có được một nền tảng giáo dục rất tốt.
Thưở nhỏ, Nguyễn Thiếp vô cùng đam mê sách vở, được mọi người đánh giá là thông minh, có sức học vượt trội. Nhận thấy được tiềm năng của người cháu, năm Nguyễn Thiếp 19 tuổi, chú ông là Tiến sĩ Nguyễn Hành đã đón ông lên Thái Nguyên kèm cặp, sau lại gửi cho người bạn thân là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, tức cha của đại thi hào Nguyễn Du dạy dỗ thêm. Tuy nhiên, chưa đầy một năm thì chú ông đột ngột mất ở lỵ sở, Nguyễn Thiếp phải tự tìm đường về quê. Đến Đông Anh, nay thuộc Hà Nội thì ông ốm nặng, may có người giúp đỡ nên thoát chết nhưng lại mắc di chứng tâm thần. Theo lời Nguyễn Thiếp kể trong Hạnh Am ký thì khi cơn bệnh bộc phát, đầu óc ông hoang mang, không biết làm gì cả. Chứng bệnh này, với người ham học như ông, quả là một tai họa ghê gớm. Không phải là người dễ đầu hàng số phận, Nguyễn Thiếp vẫn luôn tự trui rèn bản thân, kiềm chế căn bệnh để nắm thế chủ động trong vấn đề học tập.
Năm 1743, Nguyễn Thiếp thi Hương ở Nghệ An và đỗ thủ khoa, nhưng không ở lại dự thi Hội mà đi ở ẩn. 5 năm sau, tức năm 1748, ông ra Bắc dự thi Hội, nhưng chỉ vào đến tam trường. Sau đó, ông không đi thi nữa mà chuyển vào Bố Chính, nay là Quảng Bình làm nghề dạy học. Thời bấy giờ phần nhiều sĩ phu chỉ mong chiếm được khoa bảng để tiến thân, mưu cầu phẩm tước, bổng lộc. Có thể thấy rõ Nguyễn Thiếp có đủ điều kiện để tiếp tục tiến thân trên con đường thi cử như những người khác. Nhưng Nguyễn Thiếp không thích lối sống khuôn sáo, bó buộc thường tình ấy, mà ngoặt sang lối rẽ khác, thực hiện chí của riêng mình theo lý tưởng của một nhà Nho chân chính. Nhận thấy rõ thế đạo suy vi, nhân tâm phân hoá trong cuộc nội chiến kéo dài, nên ông chủ trương xa lánh những xô bồ của chốn triều đình để thỏa chí với nếp sống thanh cao tự tại của mình, đồng thời tìm được niềm hạnh phúc trong công việc giáo dục bồi dưỡng các nhân tài trong lớp trẻ.
Việc dạy học của Nguyễn Thiếp khi đó như thế nào không ai rõ, nhưng có một sự thật đó là người thầy giáo trẻ ấy đi đến đâu cũng được kính trọng, được mọi người coi là tấm gương đạo đức đáng để noi theo. Giai thoại kể rằng có gia đình bất hòa nghe ông khuyên mà trở lại hòa thuận, có người già hiếu sắc nghe ông giảng giải mà trở nên đứng đắn. Có lẽ, những việc làm đó là những cống hiến ban đầu, tuy nhỏ nhưng là nền tảng vững chắc cho một nhân cách cao đẹp của thầy đồ Nguyễn Thiếp.
    Sau một khoảng thời gian dài chuyên tâm dạy học, danh tiếng của Nguyễn Thiếp vang xa. Năm 1756, lúc này đã 33 tuổi, ông được triều đình chúa Trịnh mời ra làm chức Huấn đạo ở huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn xứ Nghệ An nay là huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là chức quan có nhiệm vụ trông coi việc giáo dục trong một huyện, dù rằng Nguyễn Thiếp trước đó chưa từng làm quan, đủ thấy được sự tín nhiệm của triều đình với ông lớn thế nào.
    Về sự kiện kể trên, tương truyền ban đầu Nguyễn Thiếp cũng có ý chối từ bởi ông vốn một lòng muốn chuyên tâm vào việc mở rộng hiểu biết, truyền thụ kiến thức và đạo lý cho mọi người nên đã nuôi chí xa lánh thế tục. Nhưng sau vì nghĩ đến việc cần có tiền để nuôi mẹ già báo đáp đạo hiếu, hơn nữa công việc được giao phó cũng phù hợp với nghề dạy học bấy lâu nay của mình cho nên ông đã vâng mệnh triều đình ra nhậm chức. Kể từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm cống hiến, nỗ lực góp phần chấn hưng nền giáo dục đương sa sút sau nhiều năm loạn lạc. Chấp hành nhiệm vụ ở đó 6 năm, đến năm 1761, ông được chuyển đổi công tác, thăng làm quan Tri huyện Thanh Giang nay là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Sau 13 năm cống hiến không biết mệt mỏi với nhiều thăng trầm trong công cuộc  góp sức chấn hưng nền giáo dục, năm 1768, Nguyễn Thiếp từ chức, trở về lập trại Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An. Tại đây, ông tiếp tục làm nghề dạy học. Học trò trong xứ tôn xưng ông là Lục Niên phu tử. Theo Lê mạt tiết nghĩa lục thì: "Cách dạy học của ông, trước học sách Tiểu học để bồi đắp lấy gốc, sau học Kinh, Truyện để biết ngọn ngành. Học trò theo học đều thấm thía đạo nghĩa ông giảng. Họ đem về giảng lại cho làng xóm, luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng".
Dù đã cáo quan về quê ở ẩn, danh tiếng của Nguyễn Thiếp vẫn có trọng lượng lớn với tầng lớp trí thức đương thời. Năm 1775, quân Trịnh chiếm Phú Xuân, danh sĩ Trần Văn Kỷ ra Thăng Long để thi Hội. Khi vị này hỏi Nguyễn Nghiễm, một bậc nguyên lão khả kính về những nhân tài của xứ Nghệ thì được trả lời rằng: "Đạo học sâu xa thì Lạp Phong Cư Sỹ, văn phong phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ chỉ có Nguyễn Huy Tự". Nhân vật được ca ngợi là "đạo học sâu xa", có danh hiệu Lạp Phong cư sĩ ở đây chính là Nguyễn Thiếp.
Năm 1780, chúa Trịnh Sâm cho truyền mời Nguyễn Thiếp ra Thăng Long gặp mặt. Biết lệnh chúa khó cãi, Nguyễn Thiếp phải miễn cưỡng đi. Đến nơi, ông thấy rõ chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội một thời lúc này đã có sự suy vi thấy rõ sau những cuộc tranh đua quyền lực kéo dài. Ông bèn đưa ra nhiều lời khuyên cho chúa Trịnh, rằng đừng nên tham quyền lại càng không nên có tư tưởng tiếm vị, điều quan trọng nhất là phải biết chăm lo cho muôn dân trăm họ, chấn chỉnh lại nội bộ gia tộc... Lời khuyên của ông rất thống thiết, nhưng chúa lại giận, tỏ ý không muốn nghe. Chán nản, ông xin cáo từ mà không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc nào. Sau khi từ giã chúa Trịnh, ông lại trở về núi Thiên Nhẫn dạy học, vui sống cuộc đời thanh tao tự tại như trước.
Giữa năm 1786,  Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ dẫn đại quân ra Thăng Long đánh đổ tập đoàn thống trị họ Trịnh. Tin tức này đã tác động mạnh đến Nguyễn Thiếp. Khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ gửi thư cùng lễ vật đến Nghệ An mời Nguyễn Thiếp đầu quân cho mình. Trong thư có đoạn: “Lâu nay được nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính quả đức muốn tới nơi gặp mặt, để thỏa lòng tìm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gũi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngọa Long. Nay Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy ra đi, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế, mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra người giỏi”. Cũng như với những lời mời gọi khác, Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối. Ông tỏ ra rất kính phục Nguyễn Huệ nhưng cũng đồng thời đưa ra 3 lý do để vị tướng quân ấy không thể không thông cảm: đầu tiên, bản thân Nguyễn Thiếp là một thần tử của nhà Lê; thứ hai, giờ đây ông đã ngoài 60, tuổi cao sức yếu; thứ ba, ông chỉ là một kẻ tài hèn sức mọn, không thể giúp gì được. Không bỏ cuộc, Nguyễn Huệ sai người tới dâng thư thêm hai lần nữa, nhưng lần nào Nguyễn Thiếp cũng cương quyết chối từ.
img_7
Tháng 4 năm 1787, Nguyễn Huệ, lúc này đã được phong làm Bắc Bình Vương tiếp tục kéo quân ra Thăng Long lần thứ hai để diệt trừ Vũ Văn Nhậm. Khi đi qua Nghệ An, vương đã có dịp gặp mặt trực tiếp Nguyễn Thiếp ở Phù Thạch. Trước đó, Nguyễn Huệ đã cử thân tín mang thư đến mời Nguyễn Thiếp tới hội kiến. Lời thư rất tha thiết, nên ông đành xuống núi tiếp khách. Tuy cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp, Nguyễn Thiếp vui vẻ đàm đạo với vương, nhưng sau cùng ông vẫn xin được tiếp tục về ở ẩn.
Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi tại núi Bân xứ Huế, Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ một lần nữa Bắc tiến để đối đầu với quân xâm lược nhà Thanh. Khi nghỉ binh ở Nghệ An, nhà vua lại cho vời Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi kẻ địch. Tương truyền rằng Nguyễn Thiếp đã cho nhà vua một số lời khuyên và cổ vũ rằng ngài sẽ sớm giành được chiến thắng vang dội. Đến đầu xuân 1789, sau đại thắng quân Thanh, Quang Trung trên đường trở về có ghé qua Nghệ An. Nguyễn Thiếp tiếp tục được nhà vua mời đến bàn quốc sự. Trong bức thư cảm ơn gửi cho Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật".
Như vậy, có thể nói, sau khi Quang Trung đại thắng quân Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất, được vua xem như người thầy của mình. Vua rất quý trọng học vấn và tư cách của Nguyễn Thiếp nên phong danh hiệu La Sơn phu tử, kính cẩn gọi ông là Tiên sinh chứ không gọi tên. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên chỉ nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Tuy nhiên, sau khoa thi, Nguyễn Thiếp lại quay về núi Thiên Nhẫn dạy học mà không chịu ở Phú Xuân.
Năm 1791, Quang Trung thành lập Viện Sùng chính ở nơi Nguyễn Thiếp ở và mời ông làm Viện trưởng với nhiệm vụ biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Trước đó, khi lên ngôi hoàng đế, Quang Trung đã viết chiếu ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân 1788 gửi Nguyễn Thiếp, bày tỏ đồng tình với lời dạy của ông về việc nên chọn vùng núi đất Dũng Quyết, tỉnh Nghệ An làm nơi xây dựng kinh đô mới: "Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy".
Với cương vị Viện trưởng viện Sùng Chính mà Quang Trung giao phó, Nguyễn Thiếp đã đề ra nhiều cải cách về văn hóa, giáo dục và có công lớn trong việc phát triển nền giáo dục dưới thời Tây Sơn. Tiếc rằng mọi sự đang diễn tiến thuận lợi thì tháng 9 năm 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp theo đó mà cũng đành dở dang.
Đầu năm 1802, khi triều Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ, Nguyễn Thiếp trở lại trại Bùi Phong. Sau này, dù vua Gia Long nhiều lần mời ông ra làm quan, tỏ rõ ý muốn trọng dụng, ông đều lấy cớ già yếu để từ chối.
Ngày 6 tháng 2 năm 1804, Nguyễn Thiếp mất vì già yếu, thọ 81 tuổi. Ông được dân làng an táng tại nơi ở ẩn. Khi ông mất, giới sĩ phu và nhân dân hiếu học vô cùng thương tiếc vì ông đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà mà chí chưa thành, việc chưa trọn. 
Suốt cuộc đời mình, Nguyễn Thiếp để lại khoảng 100 bài thơ, bài văn, phần lớn bằng chữ Hán, trong đó có trên 10 bài tấu, khải, tựa, kí, thư từ. Phan Huy Chú khi bình phẩm về thơ Nguyễn Thiếp trong Lịch triều Hiến chương Loại chí đã có lời khen ngợi:
"[...] thơ thanh nhã, lí thú thung dung, thực là lời nói của người cố đức”.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp quả là một bậc trượng phu, tuy thời đại mà ông sống đã cách ngày nay đã hơn 200 năm, nhưng danh tiếng của ông vẫn mãi mãi được kính trọng. Ấy là bởi ông luôn giữ được khí chất thanh cao của một nhà Nho - một người thầy, xuất xử không những hợp với thời mà còn hợp lẽ đời, luôn hướng đến ích quốc gia, lợi dân tộc. Ông còn là tấm gương sáng về sự hiếu học - học không biết mỏi và dạy không biết chán. Trong những năm tháng sống ẩn dật trên núi Bùi Phong, Nguyễn Thiếp đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt, đem lại sự giáo hóa và muốn thay đổi học phong cho cả một thời Tây Sơn.

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ sau đổi thành Hối Trai, là một nhà giáo và nhà thơ lớn của Nam Kỳ trong nửa cuối thế kỷ XIX. Ông sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông xuất thân trong gia đình truyền thống nho học và được tiếp nhận một sự nuôi dạy chu đáo từ mẹ mình.
Có một tuổi thơ êm ấm nhưng đường đời Nguyễn Đình Chiểu cũng sớm gặp gian truân. Năm 11 tuổi, ông phải chuyển ra Huế sống cùng người quen do cha ông bị triều đình cách chức. Năm 25 tuổi, sau một thời gian nỗ lực, ra công đèn sách, Nguyễn Đình Chiểu dẫn em trai đến Huế ứng thí, nhưng chưa đến khoa thi thì hay tin mẹ lâm bệnh nặng đã mất tại Gia Định. Vì quá đau buồn thương khóc mẹ, trên đường bỏ thi về quê chịu tang lại nhiễm phong sương và bị chứng đau mắt nên dù được chữa trị, nhưng đôi mắt ông mãi mãi không nhìn thấy nữa. Không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng tâm hồn luôn tỏa sáng, giữ tròn chữ trung, chữ hiếu.
Từ đó, cả phần đời còn lại của Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, bốc thuốc và sáng tác văn chương. Làm thầy giáo là lựa chọn có lẽ là bất đắc dĩ, nhưng cũng là khả dĩ nhất trong hoàn cảnh của Nguyễn Đình Chiểu. Lựa chọn ấy vốn đã đặt ra biết bao thách thức cho một người bình thường, càng khó khăn hơn cho một người mù lòa, trong lòng vẫn còn luôn đau đáu việc đứt gánh công danh giữa đường, chí làm trai còn chưa thỏa. Dù thế, trọn đời, thầy Đồ Chiểu vẫn luôn tận tâm cho sự nghiệp trồng người, chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam, về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sỹ.
img_8
Sự nghiệp văn chương của ông, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại  đều viết bằng chữ Nôm, với các truyện thơ nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp… Trong đó, mỗi khi bàn tới đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu thì phải nhắc đến truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên đầu tiên. Đây là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác của ông. Qua tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng đổi mới Nho giáo mới với những nguyên tắc trung - hiếu - tiết - nghĩa rất gần gũi, bình dị và rất Nam Bộ.
Ngoài sáng tác văn chương mang thiên hướng giáo dục, trong giai đoạn nửa sau của cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu còn cho ra đời nhiều tác phẩm gắn bó mật thiết với công cuộc kháng chiến chống Pháp đầu thế kỉ XIX. Trong nhiều tác phẩm như "Chạy giặc", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Lục tỉnh sĩ dân trận vong"... ông đã lên án mạnh mẽ quân Pháp xâm lược, phê phán triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đồng thời ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu anh dũng của nhân dân. Đây có thể xem là là giai đoạn phát triển cao và rực rỡ của sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Chiểu.
Trong những ngày cuối đời, nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu sống trong cảnh nghèo nàn thanh bạch với sự yêu thương đùm bọc của nhân dân. Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Đông nay là khu vực gần chợ Ba Tri, thuộc Trị trấn Ba Tri, thọ 66 tuổi. Rất nhiều nhân dân, bạn bè, học trò và các nghĩa sĩ trong vùng đã cùng đến để đưa tang ông tới nơi yên nghỉ cuối cùng.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu mặc dù vướng phải vô số trầm luân, nhưng với ý chí cao thượng, một tinh thần thanh bạch tuy nghèo khó nhưng không yếu hèn, ủy mị, ông đã luôn thể hiện bản lĩnh, vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Trước cảnh nước mất, nhà tan, không thể cầm súng, gươm giết giặc, ông xung phong dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để “chở đạo” và “trừ gian”, xem đây là cứu cánh để cổ vũ tinh thần của dân tộc, thực quả đúng như những gì ông từng tâm niệm:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

LƯƠNG VĂN CAN

Lương Văn Can, tự Hiếu Liêm và Ôn Như, hiệu Sơn Lão là một nhà cách mạng Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Ông là một trong số những thành viên sáng lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, một phong trào cách mạng xã hội lớn tại Việt Nam đầu thế kỉ XX.
    Lương Văn Can sinh năm 1854 tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vốn là con nhà nghèo, nên hồi còn trẻ có lần ông phải ngưng việc đèn sách, đi làm thợ sơn trong vài tháng để kiếm tiền trang trải học phí. Ngay từ độ thiếu niên, Lương Văn Can đã tỏ ra mình là một đấng nam nhi khí phách. Có một thầy đồ nọ làm cách mạng bị chém bêu đầu ở Phủ Hoài, môn đệ không ai dám xin thi hài về chôn cất do sợ liên lụy tới thân, duy chỉ có ông khẳng khái dâng sớ xin, được triều đình nhà Nguyễn cho phép và khen ngợi là người có nghĩa.
Năm 1871 dưới thời vua Nguyễn Tự Đức, Lương Văn Can dự thi Hương, nhưng chỉ vào tới tam trường. Năm 1874, sau khi nghị hòa với Pháp, triều đình Huế lại tổ chức thi Hương tại Hà Nội. Trong lần thi này, ông đã đỗ hạng Cử nhân. Cũng bởi vậy nên khi tuổi cao, ông thường được người gọi là cụ Cử Can. Năm 1875 có khoa thi Hội nhưng ông chỉ vào được đến kỳ thứ hai.
Triều đình bổ ông làm Giáo thụ Phủ Hoài, nhưng ông từ chối. Chính phủ Pháp nghe tiếng, muốn đề cử ông vào Hội đồng thành phố Hà Nội, ông cũng không nhận. Sau đó, ông lấy vợ và không đi thi nữa.
Lí do cho việc Lương Văn Can hết lần này đến lần khác từ chối các chức vụ được giao là bởi ông thấy lúc bấy giờ "Việc nước ngày càng nát, dẫu có ra làm nghị viên cũng chẳng thể bàn được gì ích lợi cho quốc dân, nên xin ở nhà dạy con học". Nói là làm, năm 1879, ông mở trường dạy học tại nơi ở, ngày nay nhà số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Do được đọc những sách tân tiến của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cũng những tác phẩm kinh điển phương Tây của Rousseau, Voltaire được dịch ra chữ Hán mà ông bỏ hẳn quan niệm học hành theo lối Nho học cũ, chuyển sang theo phương pháp giáo dục thiên về tư tưởng dân quyền, tự do, bình đẳng.
img_9
Có thể nói, những nhận định hành động kể trên của Lương Văn Can là hoàn toàn có cơ sở, phản ánh một nhận thức rất thức thời. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp hầu như đã hoàn thành quá trình bình định, dẹp yên các cuộc khởi nghĩa yêu nước bên trong Việt Nam. Vào thời điểm Lương Văn Can từ bỏ chốn quan trường, chỉ còn phong trào Khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám còn đang hoạt động, nhưng chỉ ở diện hẹp và cũng chẳng có được tác động to lớn nào tới đại cuộc. Cùng với việc mở rộng quá trình thực dân hoá, tư bản hóa nhằm khai thác thuộc địa một cách hiệu quả nhất, những cơ sở đầu tiên của kinh tế tư sản bắt đầu phát triển trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Song song với sự phát triển kinh tế, những tư tưởng tư bản cũng du nhập và phát triển bên trong Việt Nam. Các nhà nho có tư tưởng tiến bộ giống như Lương Văn Can đều nhận thức được sự yếu kém của quốc gia mình, chứng kiến nước Nhật Bản duy tân mà thắng đế quốc Nga đã quyết định phải thay đổi tư tưởng, cách thức học tập trong nước nhằm mục đích tự cường hy vọng một cuộc đổi mớ đồng thời học tập từ thất bại của cuộc cải cách của nhóm Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi khởi xướng ở Trung Quốc trước đó.
Đến tháng 3 năm 1907, Lương Văn Can bắt tay hợp tác với một số trí thức có cùng chí hướng như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành… lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tức là dạy học vì việc nghĩa tại Đông Kinh (Hà Nội). Mục đích của phong trào là khai trí cho nhân dân, với phương pháp hoạch định là mở những lớp dạy học không lấy tiền và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng. Thí điểm đầu tiên của phong trào này chính là trường học cũ của Lương Văn Can và một cơ sở mới tại số 10 phố Hàng Đào gần đó, gọi là trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Theo như những người sáng lập, mục đích của nhà trường là:
Thứ nhất, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng.
Thứ hai, truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ.
Thứ ba, phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh đang phát triển trong cả nước.
Song song với việc giảng dạy tiến bộ, Đông Kinh Nghĩa thục còn cho xuất bản những sách kiến thức mới nhằm phục vụ nhu cầu bồi dưỡng tri thức của quần chúng. Trong số những tác phẩm này, Lương Văn Can cũng đóng góp tương đối nhiều.
Vì đây là một phong trào có ý nghĩa cách mạng nên Đông Kinh Nghĩa Thục đã lan đi rất nhanh trong quần chúng, trở nên nổi tiếng không chỉ bên trong Hà Nội mà ở cả nhiều tỉnh lân cận. Khắp Bắc Kỳ dần xuất hiện các hội nhóm mở lớp, xin sách giáo khoa của tổ chức về để giảng dạy. Khởi đầu là ở Hà Đông, quê hương của nhiều sáng lập viên Nghĩa Thục có tên tuổi như Vũ Trác, Hoàng Tăng Bí. Ở Hoài Đức sau đó có 3 phân hiệu Nghĩa Thục được thành lập ở thôn Canh, Tây Mỗ, Tân Hội. Hưng Yên cũng nối tiếp có 2 huyện thành lập Nghĩa Thục, lại còn mở thêm một hiệu buôn nội hoá là Hưng Lợi Tế. Ở Hải Dương và Thái Bình, Nghĩa thục cũng phát triển khá mạnh mẽ, kéo theo đó là nhiều hội ái hữu, tương tế ra đời. Thậm chí, chinh nhánh Nghĩa Thục của Thái Bình còn cử người đi liên hệ với phong trào chống Pháp của Hoàng Hoa Thám, muốn ứng viện cho nghĩa quân Yên Thế tiếp tục kháng chiến lâu dài.
Như vậy, từ một phong trào cải cách giáo dục diễn ra tại Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa thục đã trở thành một phong trào cách mạng thực sự. Dĩ nhiên, công lao lớn nhất của phong trào này thuộc về nhà giáo Lương Văn Can và những người trí thức có cùng chí hướng khác.
Ban đầu, chính quyền Pháp cho phép cho Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động hợp pháp. Về sau, nhận thấy đây có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa nên thực dân Pháp vô cùng quan ngại. Trong phiên họp Hội đồng quân sự Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội đã nêu ra nhận định: "Không còn là một câu chuyện hoang đường khi khẳng định rằng Đông Kinh Nghĩa Thục đã là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ". Vì thế, ngay tháng 12 năm cùng năm thành lập, trường Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can đứng danh Hiệu trưởng đã bị ép giải tán.
img_10
Ít lâu sau, ngày 27 tháng 6 năm 1908, xảy ra vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội. Nhân sự việc này, thực dân Pháp cho bắt giữ Lương Văn Can để tra khảo, nhưng do không có chứng cứ kết tội nên phải thả ông đi.
Nhưng thực dân Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm của mình. Ngày 26 tháng 4 năm 1913, xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội của Việt Nam Quang phục Hội. Lợi dụng cơ hội này, thực dân Pháp đã vu cáo Đông Kinh nghĩa thục là thế lực đứng sau và bắt giữ Lương Văn Can cùng nhiều thành viên cốt cán khác của hội, giam giữ ở nhà pha Hỏa Lò. Sau khi xét xử, nhiều người trong số đó bị tử hình. Lương Văn Can may mắn hơn, chỉ bị kết án lưu đày sang Nam Vang, nay thuộc vương quốc Campuchia.
Hơn 8 năm sau, ngày 25 tháng 11 năm 1921, Lương Văn Can được giảm án, trở về Hà Nội. Theo Lương gia tộc phả, khi về nhà, ông thấy “Nghĩa đảng tan lạc hết, (nên) chỉ nghĩ chỉ đến việc làm sách". Tuy nhiên, sau đó ông sớm lấy lại tinh thần, tiếp tục mở trường Ôn Như hay còn gọi là Nhị Khê học đường, tiếp tục vừa soạn sách vừa dạy học. Những sách được ông xuất bản trong và sau giai đoạn này đều có giá trị giáo dục lớn, có thể kể đến như Dạy về lịch sử nước nhà, Con đường tắt đến chữ Hán, Tùng san bàn góp về việc học của trẻ thơ, Cách dùng chữ quốc ngữ ghi chữ Hán… Trong đó đặc biệt nhất là hai cuốn Kim cổ cách ngôn và Thương học châm ngôn dạy người ta về buôn bán. Các nhà nho truyền thống đều có thành kiến về thương nghiệp, do đó có thể thấy tư tưởng của nhà giáo Lương Văn Can thật sự rất tiến bộ trong bối cảnh đương thời.
Ngày 13 tháng 6 năm 1927, Lương Văn Can qua đời tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Trước khi mất, ông có lời dặn các con cháu rằng "Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ", nghĩa là phải biết giữ tinh hoa của nước nhà, rửa nhục cho quốc gia. Khi hay tin ông mất, khắp cả nước đều bảy tỏ sự tiếc thương. Trên Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn ngày 24 tháng 6 năm 1927 có đăng một bài thơ tưởng niệm khá dài của tác giả Chu Văn Tấn như sau:
Hỡi đồng bào! Lương chí sĩ nước nhà tạ thế, Cái buồn chung há dễ riêng ai. Tôi là lao động thiển tài, Lòng thành tỏ dấu bi ai anh hùng. Hỡi đồng bào Lạc Hồng Nam Việt, Cái buồn chung phải quyết cùng nhau. Thương nhà chí sĩ công lao, Vì dân vì nước tiêu hao một đời...

KẾT

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của người Việt Nam ta. Vì vậy, ngày 20 tháng 11 hằng năm giống như một ngày hội của ngành giáo dục Việt Nam trong thời đại mới, tiếp nối truyền thống cao quý ấy. Đây cũng là dịp đặc biệt để các thế hệ học trò cũng như phụ huynh có những hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, những người đã dẫn dắt thế hệ tương lai của đất nước đến với sự trưởng thành về cả tri thức lẫn nhân cách. Hòa chung với tinh thần đó, hi vọng các bạn có một ngày tri ân thật ý nghĩa bên thầy cô và gia đình.
Viết bài: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark