Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Bước ngoặt bất ngờ (1), Bước ngoặt bất ngờ (2) (Trích Hồi ký điện ảnh, Đặng Nhật Minh)

                                           Bước ngoặt bất ngờ (1) 

Từ một phiên dịch vô danh chẳng bao giờ được lọt vào mắt xanh của tổ chức, bỗng nhiên một hôm tôi được cơ quan thông báo lên gặp Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Văn hóa. Tại đó một cán bộ tổ chức báo cho tôi biết, tôi được trên cử sang Liên Xô học đạo diễn điện ảnh, yêu cầu tôi về chuẩn bị gấp để một tuần sau lên đường ngay. Những người được cử đi học điện ảnh năm đó đã có đủ danh sách (đó là hai chị Đức Hoàn, Tuệ Minh học đạo diễn và anh Tô Thi học biên kịch), nhưng tôi thuộc diện đặc biệt, được bổ sung vào phút chót (hồi đó ai được đi học nước ngoài đều do tổ chức quyết định, không phải thi cử hay sát hạch gì cả). Đó là vào những ngày cuối tháng 8 năm 1967, những ngày không quân Mỹ leo thang ra miền Bắc ác liệt nhất. Đường sắt lên biên giới đã bị cắt đứt. Cầu Long Biên đã bị đánh sập. Tôi trở về nhà lòng tự nhủ: đi học để trở thành đạo diễn điện ảnh, điều mà tôi mơ ước bấy lâu, thì nay đã ở trong tầm tay của mình rồi đây. Nhưng tôi cũng hiểu ngay rằng tôi có được sự ưu ái đó là sau cái chết của cha tôi ở chiến trường Trị Thiên vào đầu năm 1967. Tôi được sự quan tâm của tổ chức là vì con liệt sĩ! Nhưng tôi còn lòng dạ nào để nhận cái may mắn ưu tiên ấy? Con trai tôi lúc đó hãy còn nhỏ. Lẽ nào tôi để vợ con ở lại một mình với những cuộc báo động liên miên trong thành phố, với những cuộc sơ tán lặn lội về nông thôn. Ai sẽ tiếp tế gạo dầu mắm muối cho vợ tôi? Cái chết của cha tôi như một nỗi đau còn đấy làm sao tôi quên được cho dù được sống ở một nơi “thiên đường của trái đất” và được học một nghề mà mình mơ ước?

Hai hôm sau tôi trở lại gặp ông cán bộ tổ chức Bộ Văn hóa cám ơn về sự quan tâm của trên và nói rằng tôi không thể đi Liên Xô trong lúc này được. Trường Điện ảnh lúc này trường sơ tán về Đan Phượng-Hà Tây, các lớp học tan tác, tôi không phải suốt ngày ngồi cắm đầu dịch như trước nữa. Những ngày rỗi việc tôi đạp xe đạp lên Xuân Phú - Bắc Giang thăm vợ tôi đang theo học trung cấp piano tại trường âm nhạc sơ tán trên đó. Trở về Hà nội tôi lại đạp xe đi thăm con trai sơ tán theo truờng Mầm non ở Phủ Lý.

Chừng một tháng sau tôi lại được gọi lên Bộ để gặp đồng chí Hà Huy Giáp - Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa. Người đại diện lãnh đạo Bộ cho tôi biết nếu tôi từ chối không đi Liên Xô học thì Bộ sẽ đáp ứng bất kỳ nguyện vọng nào của tôi. Tôi hiểu lúc này Bộ muốn làm một việc gì đó để tỏ rõ sự quan tâm của trên đối với tôi. Tôi cám ơn bác Giáp và chỉ xin đề đạt một nguyện vọng: cho tôi được thôi cái nghề phiên dịch sau mười năm làm nghề này, và vì đã gắn bó với điện ảnh trong nhiều năm nên tôi muốn làm một đạo diễn phim tài liệu. Tôi đã thử sức mình trong phim Theo chân người địa chất và nhận thấy có thể đảm đương được công việc này. Không chần chừ, bác Giáp cho biết ngày mai tôi đến nhận công tác tại Xưởng phim Tài liệu - Thời sự mà không cần bất cứ giấy tờ giới thiệu gì. Bác sẽ chỉ thị ngay cho lãnh đạo Xưởng nhận tôi. Sáng hôm sau tôi đến trình diện ông giám đốc Xưởng phim Thời sự - Tài liệu là ông Lê Huân. Phải chờ đợi rất lâu ông mới cho vào phòng để tiếp. Ông cho biết đã nhận được chỉ thị của Bộ, nhưng yêu cầu tôi một tuần sau hãy trở lại vì còn phải đem ra bàn trong Đảng ủy và Ban Giám đốc cơ quan. Một tuần sau tôi trở lại. Giám đốc Lê Huân tiếp tôi rồi cho biết:

- Sau khi trao đổi kỹ trong lãnh đạo Xưởng, chấp hành chỉ thị của Bộ, chúng tôi phân công anh từ nay sẽ là đạo diễn hậu kỳ của các phim thời sự.

Tôi hỏi kỹ thêm về cái chức danh lạ lẫm này. Ông giám đốc giải thích:

- Có nghĩa là khi các đội quay phim thời sự gửi phim về thì anh ngồi sắp xếp lại các hình ảnh cho có đầu, có đuôi, ghép nhạc và thuyết minh vào để thành các bộ phim thời sự.

Tôi nói tôi đã làm một bộ phim tài liệu dài 5 cuốn và nguyện vọng của tôi là trở thành một đạo diễn phim tài liệu. Cái công việc mà ông vừa nói kia là công việc của một người dựng phim. Ông giám đốc ôn tồn giảng giải:

- Thực ra vì chấp hành chủ trương của trên phải ưu tiên đối với anh mà chúng tôi đành nhận. Anh không có bằng cấp đạo diễn, không học ở một trường nào, lại chưa phải đảng viên. Người đạo diễn phải là một đảng viên thì mới đảm bảo được tính tư tưởng của một tác phẩm điện ảnh, đối với phim tài liệu lại càng quan trọng hơn, vì đó là tờ báo chính luận bằng hình ảnh của Đảng.

Tôi thất vọng trở về. Thất vọng vì nghĩ rằng với một nguyện vọng mà tôi cho là rất khiêm tốn, không yêu sách lớn lao gì, chắc chắn sẽ không bị từ chối. Đây là lần đầu tiên tôi vấp phải guồng máy tổ chức của một cơ quan trong đó vai trò người bí thư Đảng ủy là quyết định. Người phản đối việc nhận tôi về Xưởng mạnh mẽ nhất là bí thư Đảng ủy kiêm trưởng phòng Tổ chức có tên là Khuê. Tôi biết rằng nếu có về Xưởng làm việc, tôi sẽ còn phải chạm trán với bộ máy tổ chức lạnh lùng đó, nên đã không bao giờ quay trở lại nữa.

Trong những ngày bom đạn luôn rình rập trên đầu và cái chết luôn kề bên, tôi không còn nghĩ gì tới cái ước mơ làm đạo diễn của mình... tôi quên hẳn điện ảnh. Tôi lo thăm nom tiếp tế cho vợ con nơi sơ tán rồi trở về Hà Nội sống giữa những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Khi bom B52 ném vào phố Khâm Thiên, tôi lập tức có mặt ngay sau đó. Từ sau khi cha tôi mất, tôi cảm thấy cái chết không có gì xa lạ cả. Sẽ có lúc nào đó nó cũng sẽ đến với tôi như đã đến với cha tôi.

Giữa phố phường vắng vẻ của Hà Nội sơ tán ngày ấy, tôi thường hay gặp bạn bè trong giới văn nghệ, khi thì tụ tập tại nhà tôi, khi thì ở nhà của Lâm (Lâm râu) hoặc ở nhà Vĩnh (Vĩnh cận). Đỗ Chu và Lưu Quang Vũ ngày ấy còn là lính của binh chũng Phòng không. Phạm Tiến Duật còn ở Tổng cục Hậu cần, chưa vào đường 559. Hễ tranh thủ xin nghỉ phép được ngày nào là tất cả họ đều lao về Hà Nội. Tôi nhớ có lần đông đảo bạn bè đang ngồi tại nhà tôi trên gác ba phố Hàn Thuyên thì có tiếng loa báo tin máy bay địch đang tiến gần về phía Hà Nội. Duật nói với mọi người: Lần báo động này có thể bom sẽ rơi trúng nơi chúng ta đang ngồi. Có thể có người sẽ không còn. Vậy đề nghị mỗi người hãy nói vài lời để Minh ghi vào máy thu thanh lưu lại cho những người thân sau này (hồi đó tôi có một chiếc máy ghi âm của Tiệp Khắc nhãn hiệu Tesla). Tôi nhớ hôm đó Vũ đã đọc bài thơ Phố Gia Lâm vừa mới làm xong với những câu mở đầu mà cho đến nay tôi còn nhớ như in: Đêm mùa hạ rời thủ đô ra trận / Chào sông Hồng tàu qua phố Gia Lâm / Nước lũ dâng bờ cát chuyển âm thầm / Ta ngoảnh lại nhìn ánh đèn bên ấy / Thôi vĩnh biệt bao buồn vui trẻ dại/ Cuộc đời từ nay nghiêm khắc với ta hơn / Cuộc đời vượt lên mọi nỗi đau thường /Vườn yên ổn ngày xưa thôi khép lại... Còn Duật thì đọc bài thơ về những viên bi trong ngực của cô thanh niên xung phong với những câu kết: Năm viên bi ấy có còn đâu / Nó đã sang ngực anh nhói đau rồi đấy...

Ba tháng sau tôi lại được gọi lên Bộ. Đồng chí Hà Huy Giáp nói rằng tôi phải có một nghề nghiệp hẳn hoi. Nếu tôi muốn đi học Y để nối nghiệp cha tôi thì trên sẽ giới thiệu thẳng vào trường Y, không cần thi cử gì cả (giá trước đây tôi được trên ưu ái thế này hẳn cha tôi sẽ mừng lắm!). Tôi hiểu rằng sự quan tâm của trên đối với tôi đã thành một chủ trương, mà đã là một chủ trương thì người ta phải thực hiện bằng được. Tôi trình bày với bác Giáp:

- Học Y bây giờ đối với tuổi cháu thì quá muộn rồi. Năm nay cháu đã 29 tuổi. Ngoài nghề phiên dịch ra cháu chỉ có thể làm được một việc trong điện ảnh, đó là làm đạo diễn. Nếu không được làm đạo diễn phim tài liệu, thì cháu đành phấn đấu để làm đạo diễn phim truyện vậy.

Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Xưởng phim Truyện bấy giờ là ông Trần Ngọc Lưu. Có lẽ ông đã được Bộ dặn dò kỹ lưỡng nên tiếp tôi với một thái độ ân cần. Tuy vậy ông cũng nói thật với tôi rằng nếu về Xưởng làm đạo diễn chính thì không được. Ông sẵn sàng nhận tôi về Phòng đạo diễn của Xưởng với tư cách là phó đạo diễn. Tôi nhận lời vì cương vị phó đạo diễn là một chức danh, có những nhiệm vụ cụ thể trong một đoàn phim (chứ không như cái chức danh mà người ta đã nghĩ ra cho tôi ở Xưởng phim Tài liệu). Vậy là sau 12 năm, tôi thoát được cái nghề phiên dịch. Vâng, tôi được dạy dỗ rằng làm nghề gì cũng vinh quang, nhưng tôi không thể theo đuổi cái vinh quang của nghề phiên dịch này mãi được. Dầu sao tôi cũng cám ơn Nhà nước đã trang bị cho tôi một ngoại ngữ - đó là tiếng Nga. Nhờ có nó mà tôi đã tiếp cận được với thế giới bên ngoài, nhờ có nó mà tôi đã đến với điện ảnh để từ đó gắn bó lâu dài với môn nghệ thuật này.


Bước ngoặt bất ngờ (2)

 

Tháng 3.1989, Đại hội Điện ảnh nhiệm kỳ III khai mạc tại Hà Nội. Đây là một sinh hoạt 5 năm một lần của những người làm điện ảnh để bầu ra Ban chấp hành, Ban Thư ký và Tổng Thư ký cho tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình. Người ta nhận chỉ thị gì của trên về việc tiến hành Đại hội, về dự kiến nhân sự, tôi không hề hay biết. Tôi đến dự Đại hội như bất kỳ hội viên nào cốt để gặp mặt các đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc tụ hội về đây. Tôi được anh em trong chi hội Hãng phim truyện Việt Nam đề cử vào Ban chấp hành trung ương Hội. Danh sách đề cử có đến hàng trăm, ai cũng có quyền đề cử, ai cũng có quyền ứng cử. Mỗi lần đại hội như vậy thì việc bầu bán là nội dung sôi nổi hơn cả. Đó là bãi chiến trường của những cuộc tranh giành quyền lực, của những cuộc vận động cửa trước cửa sau, của những âm mưu cấu kết. Tôi như người lính vô danh giữa bãi chiến trường đó, người lính không của phe tham chiến nào. Tôi trúng vào Ban chấp hành Hội gồm 11 người. Tiếp theo đến lượt bầu Tổng Thư ký. Đại hội Điện ảnh năm đó đã mở đầu cho một tiền lệ về cách bầu cử của Hội Điện ảnh sau này. Đó là Tổng Thư ký phải do toàn thể Đại hội bầu. Thường thì Ban chấp hành bầu ra Tổng Thư ký. Chưa bao giờ có việc cả đại hội bỏ phiếu kín để bầu. Lý do mà các hội viên Hội Điện ảnh cương quyết đòi bầu trực tiếp Tổng Thư ký là vì họ biết rất rõ phương thức chỉ đạo trong những cuộc bầu bán như thế này. Nếu Tổng Thư ký do Ban chấp hành bầu thì trong phòng kín chỉ gồm các ủy viên chấp hành, người ta chỉ thị gợi ý rất dễ dàng và một khi đã được trên gợi ý, chỉ thị thì đố ai dám bầu khác cho dù là bầu phiếu kín. Những người làm điện ảnh không chấp nhận lối dân chủ nửa vời đó. Họ muốn có một thứ dân chủ thực sự. Cuộc bầu Tổng Thư ký bắt đầu trong sự hồi hộp chờ đợi của mọi người. Bầu vòng một kết quả không có ai đủ số phiếu quá bán. Đại hội dừng lại chờ sáng hôm sau bầu tiếp. Tối hôm đó các phe nhóm mở hết tốc lực để làm công tác vận động. Riêng tôi chẳng vận động cho ai kể cả cho bản thân mình. Vòng bầu thứ hai tôi trúng cử với số phiếu quá bán duy nhất. Một bất ngờ lớn đối với trên và đối với bản thân tôi. Tôi không ngờ cái đa số thầm lặng trong giới điện ảnh lại tin cậy ở tôi, muốn trao sứ mạng làm người đại diện cho họ vào tay tôi, một người chưa hề làm công tác quản lý, chưa bao giờ làm một chức vụ gì dù nhỏ nhất trong guồng máy quan chức của nhà nước. Tôi cảm động khi nghĩ về họ. Thì ra trong cuộc sống hàng ngày, con người ta đôi khi phải im lặng, nhưng khi cần họ sẵn sàng bày tỏ thái độ một cách thẳng thắn. Sau màn mở đầu dân chủ trong bầu bán của Hội Điện ảnh, các Đại hội của các Hội Sân khấu, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa cũng theo gương bầu Tổng Thư ký trực tiếp tại đại hội.