Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Thủ tướng: Các vấn đề quốc tế phức tạp, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý

 

TTO - “Ta không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải, vì hòa bình hợp tác phát triển, phù hợp với đường lối đối ngoại”, Thủ tướng Chính trả lời chất vấn chiều 5-11.

Thủ tướng: Các vấn đề quốc tế phức tạp, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: Quochoi.vn

05/11/2022 16:56 GMT+7

Kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra đều rất lớn, trong thời gian ngắn không thể thông tin và giải đáp.

Với những công việc cụ thể, thể chế hóa chính sách, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng, dù trong quá trình làm là không thể hoàn thiện, nên Thủ tướng mong muốn Quốc hội và cử tri cả nước chia sẻ với tinh thần luôn lắng nghe và cố gắng.

Tháo gỡ nhiều chính sách liên quan nhà ở xã hội, như cho thuê, thuê mua

05/11/2022 16:42 GMT+7

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đặt câu hỏi về vấn đề chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng cho rằng cần phải tháo gỡ cơ chế nguồn lực để có hợp tác công tư. Như trường hợp một doanh nghiệp muốn mua nhà cho công nhân thuê lại, thì lại đang vướng quy định của luật, nên cần phải rà soát lại luật pháp.

Thêm nữa là ở nhiều nước làm nhiều, đó là mua, thuê và thuê mua. Hiện ở Việt Nam chính sách thuê mua chưa có nên phải nghiên cứu thêm, để vừa phải mua, ai có tiền mua ngay, ai không có tiền thuê mua, còn lại là cho thuê.

Về quy hoạch, giải quyết cho những dự án nhà chung cư đảm bảo có 20% làm nhà ở xã hội thì có bấp cập hạ tầng, dịch vụ thì phải cải tiến sao cho phù hợp, sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn.

05/11/2022 16:39 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu việc hợp tác công tư đang rất khó khăn trong việc định giá thương hiệu công. Theo Thủ tướng thời gian ngắn tới có giải pháp nào để giải quyết công khai, minh bạch vấn đề này và khi định giá được thương hiệu công thì việc hợp tác công tư trong y tế, giáo dục sẽ hiệu quả?

Trả lời, Thủ tướng cho hay việc xây dựng thương hiệu với các nước trên thế giới là bài bản. Như với các thương hiệu thể thao lên tới hàng tỉ USD.

Vừa qua, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam là hơn 432 tỉ đồng, tốc độ tăng 75%, cao nhất trên thế giới. Do đó, việc xây dựng thương hiệu cả khối công và khối tư cần thay đổi và tăng cường nhận thức, tăng cường hợp tác với các đối tác, hợp tác công ty, nhất là trong lĩnh vực y tế giáo dục thì phải tính cả giá trị thương hiệu…

Ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức… khi hợp tác công tư thì phải đánh giá giá trị thương hiệu, thì mới tận dụng được nguồn lực.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đề nghị Thủ tướng có giải pháp gì khắc phục việc người đứng đầu các cơ quan còn chưa thực hiện nghiêm, né tránh, thiếu quyết liệt trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân?

Thủ tướng cho hay sẽ rà soát quy định liên quan tới luật pháp còn phù hợp hay không. Nâng cao nhận thức các cấp và các ngành, nâng cao trách nhiệm tiếp công dân và giải trình. Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hành động tại các chính quyền cơ sở, người đứng đầu về quy định tiếp công dân, các đại biểu tăng cường kiểm tra giám sát…

Khắc phục được tình trạng "trên nóng dưới lạnh"

05/11/2022 16:33 GMT+7
Thủ tướng: Các vấn đề quốc tế phức tạp, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn chiều 5-11 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Trả lời các vấn đề về giải pháp cải cách thể chế, Thủ tướng hay cho sẽ tập trung vào ba trụ cột chính, mà con người sẽ làm trung tâm, chủ thể. Quốc hội và Chính phủ sẽ triển khai rất tích cực, Chính phủ có phiên họp chuyên đề, xem xét gần 70 luật, đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật, cùng các nghị định và nghị quyết khác.

Với các giải pháp để xây dựng hạ tầng chiến lược, Thủ tướng cho rằng để làm được thì phải tổng kết, đánh giá lại những kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân, huy động nguồn lực (nhà nước và ngoài nhà nước), chuyển giao công nghệ, tăng năng suất lao động, cải cách quản trị quốc gia, thu hút sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Đối với vấn đề cải cách hành chính, ý thức thái độ của cán bộ, Thủ tướng cho hay Việt Nam là nước đang phát triển và đang trong quá trình chuyển đổi. Trong 35 năm đổi mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn với nhiều ý nghĩa lịch sử mà Tổng bí thư đã nêu "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín như ngày nay".

Với mức tăng trưởng tổng GDP từ khi đổi mới đến nay gấp 100 lần so với khi đổi mới, có sự đóng góp của nền hành chính. Việc hoàn thiện thể chế và các biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản bộ máy, thu hút người tài, cơ chế chính sách để khuyến khích.

"Con người có nhiều yêu cầu, nhưng yêu cầu cơ bản là tinh thần, vật chất. Làm sao để đáp ứng nhu cầu no đủ, đủ ăn đủ mặt và phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần yêu nước, trong đó có cán bộ công chức để phát huy vai trò", Thủ tướng nói cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ thì phải có chống "tư tưởng trên nóng dưới lạnh" thì phải từng bước được cải thiện, động viên tinh thần, khen thưởng phải kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh, công tác trong cán bộ dân chủ, công khai, minh bạch và có cạnh tranh.

Giải pháp kiểm soát lạm phát là "cầu kéo, cung đẩy"

05/11/2022 16:30 GMT+7

Thủ tướng cho rằng chống lạm phát là phải "cầu kéo, cung đẩy". Tức là cầu giảm đi, cung bên ngoài sao cho hợp lý, tức tìm điểm cân bằng cho "cầu kéo và cung đẩy", cân bằng cho phát triển.

"Ta lựa chọn mục tiêu thế nào vừa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy đẩy tăng trưởng, đó là vấn đề cân bằng", Thủ tướng nói.

Về cầu kéo, ông cho hay theo thống kê là 752 mặt hàng và 11 nhóm. Qua kinh nghiệm về kiểm soát lạm phát, rổ hàng hóa lớn nhất là ăn uống chiếm 39,3%, tiếp đó là xây dựng, vật liệu chiếm 19%, cộng thêm trang thiết bị, đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục và y tế… chiếm tổng cộng là 86%. Vì vậy chống lạm phát cần tập trung vào nhóm "cầu kéo", để đưa tiền ra cân đối về đầu tư công cho phù hợp.

Kinh nghiệm theo Thủ tướng, đó là không những làm đủ ăn mà phải xuất khẩu, thì nông nghiệp là quan trọng. Về cung đẩy là kiểm soát các chi phí liên quan xăng dầu, các chi phí khác….

"Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng, lạm phát và việc làm thì phải tìm được điểm cân bằng", Thủ tướng nêu.

Nhờ vắc xin và ý thức người dân mà đẩy lùi được dịch bệnh

05/11/2022 16:16 GMT+7
0:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về những bài học, kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19 - Nguồn: THQH

Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An, Thủ tướng nêu rõ qua 2 năm chống dịch chưa từng có tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức kiểm soát dịch bệnh, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết việc này. Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiến hành tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp cụ thể.

Sơ bộ, Thủ tướng cho biết trong chống dịch đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị, đưa ra được công thức chống dịch 5K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và cộng cộng - để cấp cơ sở có không gian sáng tạo.

Thủ tướng nói nhờ 2 thành tố cơ bản là vắc xin và ý thức người dân mà đẩy lùi được dịch bệnh. Với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công.

Theo Thủ tướng, qua dịch đã thấy được là chống dịch còn thiết thể chế, bình thường cũng có thể thiếu nhưng khi vào tình hình đặc biệt lại càng thiếu. Nhưng rất may Quốc hội sáng suốt ban hành nghị quyết 30 để kịp thời tháo gỡ.

Bài học từ dịch bệnh chính là phải tăng cường cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng cường con người, nguồn lực, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế...

Kinh nghiệm, bài học gì từ dịch COVID-19?

05/11/2022 16:15 GMT+7
Thủ tướng: Các vấn đề quốc tế phức tạp, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu đại dịch COVID-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch COVID-19 cũng như khó khăn, sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô, là luôn hiện hữu và đặc biệt là sức ép từ lạm phát và cũng như khả năng dịch chồng dịch.

Ông đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể gì để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ.

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) nêu việc theo báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp này thì tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 là 8,3%, ước tính cả năm đạt khoảng 8%. Để đạt được kết quả này, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 là nỗ lực chung rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19? Và làm thế nào để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo?

Giải pháp nào cho thực trạng chênh lệch giàu nghèo?

05/11/2022 16:10 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) nêu vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, chính quyền cấp xã được giao nhiều nhiệm vụ quyền hạn, gây quá tải công vụ. Như công chức văn hóa xã hội cấp xã đảm nhiệm 17 lĩnh vực, thì quan điểm lộ trình giải quyết vấn đề này thế nào?

Nêu vấn đề dự thảo Nghị quyết năm 2023 với mục tiêu tăng CPI là 4,5%, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho hay lạm phát toàn cầu tăng mạnh, Việt Nam là quốc gia là nền kinh tế có độ mở cao, nhiều nguyên vật liệu đầu vào sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu thì mục tiêu 4,5% có khả thi.

Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) nêu câu hỏi về khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, chi phí y tế giáo dục còn hạn chế, gây áp lực cho người dân. Vậy giải pháp đặt ra là gì?

Nguồn lực cho hạ tầng là 470.000 tỉ đồng

05/11/2022 16:07 GMT+7

Với chiến lược về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho hay nhiệm kỳ này sẽ dành 470.000 tỉ đồng cho phát triển. So với nhiệm kỳ trước là 165.000 tỉ đồng, huy động được 134.000 tỉ đồng, thì nay mức bố trí cao hơn so với trước.

Các giải pháp tập trung là hợp tác công tư, Chính phủ đang cho tổng kết cơ chế BOT, nghiên cứu thêm cơ chế BT để đầu tư mạnh về hạ tầng chiến lược nói chung.

Không chọn bên mà chọn công lý

05/11/2022 15:28 GMT+7
0:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về quan điểm đối ngoại chiều 5-11 - Nguồn: THQH

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Thủ tướng cho hay đất nước có nhiều việc nhưng có hai việc lớn là đối nội, đối ngoại - là hai nhiệm vụ chiến lược. 

Trong đó định hướng đối ngoại đã xác định theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn bè tốt với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm với các tổ chức.

Thủ tướng cho biết hiện đang thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối này và thực tế đã thực hiện với ba trụ cột chính: Ngoại giao chính trị - ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. 

Theo đó, ta ứng xử với những vấn đề quốc tế phức tạp như khủng hoảng Ukraine, thái độ Việt Nam thể hiện được bạn bè chia sẻ trong bối cảnh khó khăn, ta phải thể hiện chính kiến. 

 “Ta không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải, vì hòa bình hợp tác phát triển, phù hợp với đường lối đối ngoại”, Thủ tướng nhân đó biểu dương Bộ Ngoại giao làm tốt ngoại giao vắc xin, góp phần đảm bảo vắc xin, chăm sóc sức khỏe của người dân.

05/11/2022 15:21 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đã có 46 đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng.

Thủ tướng: Các vấn đề quốc tế phức tạp, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) - Ảnh: PHẠM THẮNG

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu thời gian qua hoạt động đối ngoại thành công rực rỡ, tuy nhiên tình hình thế giới có diễn biến khó lường, khó đoán định. Ông đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng đối ngoại cơ bản, thái độ của chúng ta, để có phát ngôn thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nêu việc nhiều nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành chưa được ban hành, đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt 3 câu hỏi: Đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về việc dạy văn hóa THPT trong các trường đào tạo khối giáo dục nghề nghiệp? Đề nghị cho biết kết quả, giải pháp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới? Đề nghị cho biết kết quả thực hiện, giải pháp trong việc phân cấp, phân quyền và các khó khăn?

Năm 2023 sẽ tiếp tục giãn, giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp

05/11/2022 15:16 GMT+7

Về dự toán chi, thu NSNN năm 2022, Thủ tướng đánh giá việc thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Năm 2023 tình hình còn khó khăn nên Chính phủ sẽ tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, dự báo thu chi cần thận trọng, chắc chắn, khả thi… 

Về tăng năng suất lao động, Thủ tướng nhìn nhận dù có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Giải pháp tập trung là đẩy mạnh các đột phá chiến lược, có cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Có tình trạng sợ trách nhiệm

05/11/2022 15:13 GMT+7

Về tình hình giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng nhìn nhận việc thực hiện các chương trình chưa đạt mong muốn của cử tri, với số vốn còn lại tới 282.000 tỉ đồng, còn 8,3% tổng số vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ...

Nêu ra những hạn chế có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, có tâm lý "sợ trách nhiệm", Thủ tướng cho hay đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, thực hiện cơ chế đặc thù. Rà soát điều chuyển vốn, không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.

Về vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp làm ảnh hưởng tới người dân, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là quy định pháp luật còn vướng mắc, sợ trách nhiệm...

Do đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi quy định liên quan, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực...

Phối hợp trong điều hành xăng dầu chưa kịp thời

05/11/2022 15:08 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội chiều 5-11 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng cho hay trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu, đề xuất xem xét các loại thuế khác để giảm giá hỗ trợ người dân doanh nghiệp…

Tuy vậy, do giá và nguồn cung tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn và khó dự báo, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.

"Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước", Thủ tướng cho hay các quy định áp dụng trong tình hình bình thường, còn khi tình hình không bình thường thì phản ứng chính sách không kịp thời dẫn đến tình trạng trên.

Theo đó, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.

Đồng thời sửa đổi quy định, đảm bảo hiệu quả quản lý xăng dầu, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng phòng chống buôn lậu, đầu cơ, kiểm tra giám sát để xử lý nghiêm và nghiên cứu nâng tổng mức dự trữ.

Sẽ sửa đổi nhiều quy định để minh bạch thị trường tài chính

05/11/2022 15:07 GMT+7

Thông tin về việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Thủ tướng cho hay hiện đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý đối với 5/12 dự án, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1.

Với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng khẳng định đã tập trung chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đến nay thị trường vốn cơ bản phát triển đầy đủ, quy mô tăng mạnh.

Tuy vậy, nhìn nhận thị trường có tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, Thủ tướng cho hay cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý các quy định liên quan, thực hiện đồng bộ giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Cụ thể, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và các quy định liên quan. Tăng công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, tuân thủ của doanh nghiệp, kiểm soát hơn đấu giá quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân…

Không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm

05/11/2022 15:02 GMT+7

Bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến. Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho hay tình hình thế giới có nhiều điểm mới, nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội trong 10 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Thủ tướng dẫn chứng bằng các con số như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2%, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỉ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỉ USD…

Trong bối cảnh khó khăn và thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn, Thủ tướng khẳng định "tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, mà phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt".

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột.

Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

"Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

05/11/2022 14:58 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã mời Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành tiếp phần chất vấn, trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng sau đó đã có phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và chuẩn bị trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

05/11/2022 14:25 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Thực hiện: BẢO NGỌC - VÕ TÂN

THÀNH CHUNG - TIẾN LONG - NGỌC AN