TTCT - Chúng ta đã quen với các hướng dẫn sử dụng thuốc đơn giản như uống mấy lần mỗi ngày, khi đói hay khi no, vào buổi nào, nhưng ít khi được dặn phải uống thuốc vào một thời điểm chính xác nhất định. Các nhà nghiên cứu thời dược lý học (chronopharmacology) nghĩ khác.
Thời dược lý học quan niệm rằng hoạt động sinh lý, sinh hóa của cơ thể thay đổi trong suốt 24 giờ trong ngày, do đó các loại thuốc cũng có mức hiệu quả khác nhau vào các thời điểm khác nhau, theo Wall Street Journal.
Trong tương lai, rất có thể các nhà khoa học sẽ xác định được thời điểm căn bệnh "yếu" nhất để thuốc "đánh" vào, tức uống thuốc vào đúng lúc cần thiết nhất và hiệu quả nhất.
Thời dược lý học gặp thời
Robert Dallmann, chuyên gia về chu kỳ sinh học và là giáo sư về y sinh tại Đại học Warwick, Anh, nói với báo The Guardian rằng thời dược lý học, thời trị liệu là lĩnh vực nghiên cứu mới nổi. Trước đây, uống thuốc đúng giờ bị xem là quá rắc rối nhưng sự chú ý đến lĩnh vực này bắt đầu khi các nhà khoa học bắt đầu hiểu các cơ chế phân tử của nó.
Năm 2017, giải Nobel y sinh được trao cho ba nhà di truyền học người Mỹ vì những phát hiện của họ về cơ chế phân tử kiểm soát cơ chế nhịp sinh học hay còn gọi là đồng hồ sinh học của cơ thể. Họ đã phân lập một gene kiểm soát nhịp sinh học của ruồi giấm và phát hiện rằng gene này mã hóa một loại protein tích tụ trong tế bào vào ban đêm và phân hủy vào ban ngày.
Trước đó, năm 1997, các bác sĩ ở Denver (Mỹ) đã kiểm tra ý tưởng này khi họ chia 59 bệnh nhân bị hen suyễn thành ba nhóm. Nhóm 1 sử dụng ống hít steroid lúc 8h hằng ngày trong bốn tuần. Nhóm 2 cũng dùng ống hít steroid, nhưng muộn hơn - vào lúc 17h30 hằng ngày. Nhóm 3 uống thuốc 4 lần/ngày vào các thời điểm 7h, 12h, 19h và 22h - những thời điểm được cho là mang lại hiệu quả tối ưu với bệnh suyễn.
Kết quả, sau một tháng, nhóm 1 có mức cải thiện thấp nhất, nhóm 2 và 3 có kết quả như nhau. Điều này cho thấy một lần sử dụng thuốc đúng thời điểm mang lại hiệu quả bằng 4 lần uống thuốc.
Năm 2011, các nhà nghiên cứu của Đại học Birmingham (Anh) đã theo dõi những người tiêm vắc xin cúm vào buổi sáng và những người tiêm vào buổi chiều để so sánh hiệu quả. Sau một tháng, họ thấy rằng những người tiêm vắc xin trong khoảng thời gian từ 9h-11h có lượng kháng thể với cúm cao hơn so với những người tiêm vắc xin trong khoảng thời gian từ 15h-17h.
Hành khúc ngày và đêm
Thời dược lý học có thể mang lại một cuộc cách mạng cho ngành dược. Nó có thể "làm sống lại" các loại thuốc từng thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng trước đây, chẳng hạn thuốc có hiệu quả tốt trên chuột lại không hiệu quả trong các thử nghiệm trên người.
Năm 2020, các nhà nghiên cứu từ Trường Y Harvard công bố một nghiên cứu gợi ý rằng các chiến lược phòng ngừa đột quỵ có hiệu quả ở chuột không thành công ở người có thể vì chuột là loài ăn đêm.
Nhiều thử nghiệm tiến hành trên chuột vào ban ngày - khi chúng không hoạt động nhưng sau đó lại thử nghiệm ở người - khi họ thức và hoạt động vào ban ngày. Theo giáo sư David Ray của Đại học Oxford, điều này cho thấy rất nhiều loại thuốc đầy hứa hẹn đã được thử nghiệm trên người vào sai thời điểm và có thể các công ty đã lãng phí nhiều triệu triệu USD vì điều này.
Thời dược lý học không chỉ là kết hợp các loại thuốc với nhịp sinh học của bạn mà còn có tiềm năng thay đổi nhịp sinh học. Giả sử bạn cần uống thuốc vào đúng 8h và vì bất cứ lý do gì bạn không làm được điều này thì theo giáo sư dược học Sridhar Vasudevan của Đại học Oxford, trong tương lai chúng ta có thể uống một loại thuốc để thay đổi thời gian sinh học của mình.
Giáo sư Vasudevan bắt đầu quan tâm đến nhịp sinh học từ hơn một thập niên trước khi làm việc trong ngành tâm thần học. Ông nhận thấy người bị bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt đều bị rối loạn giấc ngủ.
"Khi có điều gì đó không ổn trong não gây rối loạn về tâm trạng, nó làm chúng ta bị rối loạn giấc ngủ - ông nói với The Guardian - Nếu điều chỉnh được giấc ngủ và các rối loạn sinh học, chúng ta có thể khắc phục các rối loạn về tâm trạng".
Vasudevan là đồng sáng lập Circadian Therapeutics, công ty nghiên cứu thuốc điều trị các bệnh liên quan đến rối loạn nhịp sinh học, chẳng hạn với những người mù bị rối loạn giấc ngủ vì chu kỳ ngày và đêm không thể thiết lập lại nhịp sinh học của họ, hoặc người bệnh Alzheimer và Parkinson mắc hội chứng Sundowning - tình trạng bị mất định hướng, suy giảm nhận thức, bồn chồn, buồn chán… lúc hoàng hôn. Ý tưởng là tìm ra cơ chế điều chỉnh sinh học có thể quản lý các triệu chứng này.
Giáo sư Vasudevan cảnh báo việc dùng một loại thuốc mới tạo ra để thay đổi thời gian (sinh học) tác động lên một loại thuốc khác có thể "gây thêm rủi ro" và không nên lạm dụng. Nhưng loại thuốc này có tiềm năng nhất định.
Ông nói: "Nếu thời gian lý tưởng để dùng một loại thuốc là từ 1h-4h sáng, hầu hết mọi người sẽ bỏ lỡ (…) Trong tương lai, chúng ta có thể dùng thuốc để thay đổi thời gian sinh học của cơ thể để phát huy tối đa hiệu quả của một loại thuốc khác".
Vì sao không dễ áp dụng?
Nếu các nhà khoa học đã phát hiện tiêm vắc xin cúm vào buổi sáng hiệu quả hơn từ hơn một thập niên trước, tại sao đến nay chúng ta vẫn tiêm vào bất cứ lúc nào? Trước hết, nếu chỉ tiêm buổi sáng, tiến độ chung sẽ bị chậm lại 50%. Thứ hai, nó bất tiện với nhiều người vì khung giờ tiêm chủng quá hẹp, họ có thể bỏ lỡ mũi tiêm. Giữa không tiêm và tiêm vào buổi chiều thì vế sau vẫn tốt hơn.
Quan trọng nhất, cần có thêm bằng chứng thuyết phục. Năm 2021, một nghiên cứu với 63 nhân viên y tế ở Trung Quốc cho thấy vắc xin COVID-19 có hiệu quả hơn khi được tiêm vào buổi sáng. Cuối năm đó, một nghiên cứu theo dõi 2.190 nhân viên y tế ở Anh lại kết luận tiêm vắc xin COVID-19 vào buổi chiều có hiệu quả tốt hơn.
Ngoài yếu tố loại vắc xin trong cả hai nghiên cứu là khác nhau, còn nhiều yếu tố khác làm phức tạp thêm kết quả cuối cùng, như thiếu thông tin về việc sử dụng các loại thuốc khác, chế độ ngủ và làm việc của những người tham gia.
Vậy rủi ro nếu ai đó uống thuốc sớm hơn hoặc muộn hơn là gì? Có lẽ là không quá ghê gớm vì hiện nay, có khoảng 30-50% bệnh nhân bị các bệnh mãn tính không uống thuốc đúng giờ. Ngoài ra, thuốc cũng không phải là cách duy nhất giúp chúng ta khỏe mạnh. Ăn đúng giờ, tập thể dục đúng giờ cũng hữu ích.
Điều quan trọng cần nhớ là cơ chế sinh học của mỗi người là khác nhau. Một số trong chúng ta là tuýp người dậy sớm và một số lại là người thức khuya (đặc điểm này được gọi là kiểu thời gian sinh học - chronotype).
Giáo sư Ray cho biết kiểu thời gian của chúng ta bị ảnh hưởng bởi độ tuổi, giới tính và gene. Trong tương lai, thời dược lý học có thể được cá nhân hóa theo "kiểu thời gian của mỗi người, thay vì theo thời gian thực tế".
Ngoài ra, với nhiều loại thuốc, việc uống thuốc đúng giờ không quan trọng. Ray chỉ ra mẹo đánh giá: "Nếu căn bệnh không thay đổi theo thời gian trong ngày thì uống thuốc vào thời gian nào trong ngày không quan trọng. Hoặc nếu loại thuốc có thời gian bán thải dài (mất vài tuần để dược chất giảm đi một nửa trong cơ thể) thì việc uống thuốc lúc nào trong ngày không quan trọng".
Theo The Guardian, cũng có nhiều chuyên gia cảnh báo đừng quá hào hứng với thời dược lý học. Chuyên gia hóa sinh Aziz Sancar của Đại học Bắc Carolina cho rằng với ung thư, các nhà nghiên cứu về hóa trị liệu theo thời điểm đã phóng đại hiệu quả của nó và khái quát hóa các lợi ích tích cực từ các nghiên cứu nhỏ.
Với Ray, cần thừa nhận thời dược lý học là lĩnh vực ngày càng được quan tâm hiện nay, song giới khoa học cũng "cần thận trọng và đừng phóng đại để tránh gây thất vọng".■
Thời dược lý học và bệnh tim mạch
Một nghiên cứu do Đại học Vigo (Tây Ban Nha) công bố trên European Heart Journal năm 2019 cho thấy uống thuốc hạ huyết áp trước khi đi ngủ giúp điều hòa huyết áp và giảm gần một nửa các vấn đề tim mạch và tử vong so với uống thuốc buổi sáng.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên gần 20.000 người cao huyết áp, tuổi trung bình là 60,5 tuổi, uống thuốc chống tăng huyết áp hoặc trước khi đi ngủ hoặc khi thức dậy vào buổi sáng. Sau khi theo dõi bệnh nhân hằng năm, kiểm tra sức khỏe chi tiết trong hơn sáu năm, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người uống thuốc hạ huyết áp buổi tối giảm gần một nửa nguy cơ tử vong do tim mạch, gồm cả suy tim và đột quỵ.
Cần biết rằng vào buổi sáng, cơ thể dự đoán nhu cầu hoạt động của chúng ta khi chuyển từ trạng thái ngủ sang thức và nhu cầu về oxy và chất dinh dưỡng tăng, làm huyết áp tăng. Ngoài ra, những thay đổi lớn trong hoạt động và tư thế sau khi thức dậy cũng làm tăng huyết áp, có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu.
Vậy tại sao lại uống thuốc hạ huyết áp vào ban đêm nếu nguy hiểm cao điểm nhất là vào buổi sáng? Theo tiến sĩ Russell Foster, giám đốc Viện khoa học thần kinh về tim mạch và giấc ngủ thuộc Đại học Oxford, là vì thuốc cần thời gian để được hấp thụ và phân phối - chuyển hóa trong cơ thể. Uống thuốc hạ huyết áp trước khi đi ngủ làm cho nồng độ thuốc tăng và lưu lại trong cơ thể ở mức tương đối cao, giúp hạ huyết áp trong khoảng thời gian huyết áp tăng mạnh - từ 6h sáng đến trưa.
Buổi tối cũng là thời điểm tốt nhất để uống aspirin - thuốc "làm loãng máu" bằng cách ức chế các yếu tố đông máu và giảm hoạt hóa tiểu cầu. Nồng độ aspirin trong máu tăng nhanh khi uống thuốc và giảm khá nhanh, trong vòng vài giờ.
Aspirin ngăn không cho tiểu cầu kết tụ với nhau để tạo thành cục máu đông trong suốt thời gian tồn tại của tiểu cầu, khoảng 10 ngày. Hàng trăm tỉ tiểu cầu mới được tạo mới mỗi ngày vào buổi tối nhưng bị "phế võ công" vĩnh viễn sau khi tiếp xúc với aspirin. Uống aspirin vào buổi tối làm các tiểu cầu mới bị vô hiệu hóa, không thể tạo ra nguy cơ đột quỵ vào sáng hôm sau.
Tiến sĩ Foster cũng lưu ý rằng hiện chưa có hướng dẫn chính thức nào về thời điểm bệnh nhân nên dùng thuốc huyết áp hoặc aspirin. Nếu được xác nhận, đây sẽ là hướng dẫn quan trọng cho các bác sĩ đa khoa.