Nỗ lực hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của các cơ quan chức năng và một số tổ chức, cá nhân trong nước đang có những kết quả bước đầu.
Hiện Hãng đấu giá Millon (Pháp) và đại diện phía Việt Nam đã thống nhất thỏa thuận tạm hoãn, đưa ấn vàng ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá. Được biết Hãng còn đồng ý cho chúng ta thương lượng mua trực tiếp cổ vật này trong vòng 10 ngày (giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro). Nếu đúng như vậy thì diễn biến này rất đáng mừng!
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 19/10, khi website của Hãng đấu giá Millon đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn, gồm: Một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), lô số 101; một bát vàng triều Khải Định (1917-1925), lô số 100, đều thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam".
Theo thông tin ban đầu về cổ vật và các sử liệu thì ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.
Trước thông tin đó, một số tổ chức, cá nhân liên quan và ngành văn hóa đã có những phản ứng kịp thời, với mong muốn hồi hương chiếc ấn vàng như đã nêu trên.
Trong lịch sử thế giới cũng như Việt Nam, các cổ vật bị lưu lạc ra nước ngoài vì rất nhiều lý do, có thể do chiến tranh, di dân hoặc những biến cố chính trị - xã hội nào đó. Đơn cử ở nước ta, thời kỳ Pháp xâm lược đã xảy ra những biến cố ở Kinh thành Huế khiến nhiều cổ vật bị cướp phá và mang ra nước ngoài. Ngoài ra, rất nhiều cổ vật quốc gia khác của chúng ta đã lưu lạc theo những cách khác nhau.
Xu hướng trên thế giới là các nước khi có điều kiện kinh tế nhất định đều mong muốn thu hồi cổ vật của nước mình. Có nhiều cách để thu hồi, như là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước; hoặc chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật cho nước vốn là "chủ sở hữu"… Chính phủ Trung Quốc có hẳn chủ trương thu hồi những cổ vật Trung Hoa lưu lạc trên thế giới. Tâm lý của người Việt Nam chúng ta cũng vậy, ai cũng mong vật quý giá mất đi sẽ tìm về được với chủ cũ.
Khi cổ vật chuyển từ người này sang người khác, nước này sang nước khác thì chuyện nó được đưa ra đấu giá là rất bình thường, kể cả không phải cổ vật mà là một tài sản quý giá nào đó. Cách đây không lâu, khi bức tranh của Vua Hàm Nghi được đấu giá đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa bức tranh này về nước, vì Vua Hàm Nghi nổi tiếng là ông vua yêu nước. Đây là những mong muốn chính đáng mà Nhà nước cần quan tâm, để làm phong phú thêm cho di sản văn hóa đất nước.
Riêng về cuộc đấu giá lần này của Hãng Millon với hai cổ vật kể trên thì tôi đặc biệt quan tâm đến chiếc ấn vàng. Chiếc bát vàng đời Khải Định cũng là tài sản của hoàng gia, nhưng ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có hai hệ thống giá trị:
Thứ nhất, ấn làm bằng vàng ròng, vật liệu hiện kim đã quý nhưng quan trọng hơn chiếc ấn đó là biểu trưng cho một nhà nước, một thể chế, một triều đại trong quá khứ của Việt Nam. Thực ra nhà Nguyễn có nhiều ấn khác nhau, nhưng ấn vàng thời vua Minh Mạng là thời đã bắt đầu ổn định đất nước, hoàn thiện thể chế và lãnh thổ quốc gia, nên chiếc ấn này rất có giá trị về mặt lịch sử.
Thứ hai, chiếc ấn này là bằng chứng cho một thời điểm lịch sử. Ngày 30/8/1945 khi các đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Huế để làm lễ cho Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, thì vua Bảo Đại đã lấy một chiếc ấn và một thanh kiếm trao lại cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc trao ấn kiếm thể hiện quyền lực được giao cho một chính thể mới.
Cho nên, việc thu hồi là cần thiết cả về mặt Nhà nước cũng như nguyện vọng của người dân. Nhưng thu hồi như thế nào không phải là chuyện đơn giản.
Tài sản đang nằm ở nước ngoài, được bán trong một cuộc đấu giá thì chúng ta phải tham gia để giành quyền mua, hoặc đàm phán mua trực tiếp.
Cũng có những kênh khác như một số người đã gợi ý, đó là vận dụng luật pháp quốc tế: Ấn vàng này đã được giao từ thể chế cũ sang thể chế mới thì là một tài sản quốc gia. Sự lưu lạc của nó có thể vì nhiều lý do khác nhau nhưng đó vẫn là tài sản của một quốc gia, như cách hiểu thông thường thì chúng ta là "chính chủ". Cho nên nếu vật không được trả lại thì ít nhất quốc gia liên quan phải có lợi thế nào đó, chẳng hạn như sự ưu tiên về quyền thu hồi thông qua mua trực tiếp.
Tôi không dám lạm bàn về thủ tục, rằng đấu giá hay mua trực tiếp, các chuyên gia và những người am hiểu luật pháp quốc tế, thông lệ đấu giá quốc tế sẽ nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng quan điểm của tôi trên góc độ của một người nghiên cứu lịch sử thì đó là một báu vật - không chỉ là báu vật của triều Nguyễn mà còn là báu vật của một sự kiện cách mạng, cần phải được hồi hương.
Tác giả: Ông Dương Trung Quốc là nhà nghiên cứu sử học, đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa XI đến khóa XIV (20 năm).