Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

TỰ THẦY XÔ NGÃ MÌNH THÔI...

 

Chu Mộng Long


Đọc bài của bạn Vân Thiêng trên Vietnamnet, là một thầy giáo, lẽ ra phải "uất nghẹn" theo bạn, tôi chỉ bật cười. Cười văng nước bọt. Bạn Vân Thiêng đặt câu hỏi: "Phải chăng chúng ta đang sai lầm khi đang mải mê cổ vũ cho một không khí bình đẳng quá đà, mà không cần biết rằng Thầy - Trò là một quan hệ thuộc phạm trù đạo đức, thậm chí là thiêng liêng như một thứ “niềm tin tôn giáo” của người đi học".
Tôi bật cười vì... bạn Vân Thiêng chỉ nhìn một chiều dưới góc nhìn của hôn quân bạo chúa phong kiến. Thưa bạn Vân Thiêng, đạo Thầy - Trò, cụ thể là "Tôn sư trọng đạo", chắc chắn không lớn hơn đạo Vua - Tôi, tức "Đạo trung quân" trong tôn ti của Nho giáo. Khi học trò hỏi Khổng Tử, rằng Khương Tử Nha giúp Chu Vũ Vương giết vua Trụ là bất trung chăng? Không Tử đáp: "Đó không phải là giết vua, mà là giết tên hôn quân bạo chúa". Để giữ tôn ti, Khổng Tử dạy: "Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử". Nôm na, vua phải cho ra vua, bề tôi phải cho ra bề tôi, cha cho ra cha, con cho ra con. Suy rộng hơn, thầy cho ra thầy, trò cho ra trò. Đó là "Chính danh". Không chính danh, "Thượng bất chính hạ tắc loạn". Mạnh Tử cụ thể hơn: "Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm; quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc quân; quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù" (Vua mà coi bề tôi như tay chân, thì bề tôi sẽ coi vua như ruột rà; vua mà coi bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi sẽ coi vua như người dưng nước lã; vua mà coi bề tôi như cỏ rác, thì bề tôi sẽ coi vua như thù địch).
Có lẽ chỉ cần dẫn chừng ấy, bạn Vân Thiêng đã hiểu. Rằng cái "thành trì tôn sư trọng đạo" do ai xô ngã. Tên bạo chúa mà bạn Vân Thiêng trân trọng gọi bằng "thầy Hiệu trưởng" kia tự xô ngã hay do phụ huynh học sinh xô ngã?
Không cần sự "bình đẳng quá đà" nào cả, khi thầy không còn ra thầy, ắt tự thầy xô ngã chính mình, kéo theo cả bức tường thành "tôn sư trọng đạo" lâu đời bị vạ lây. Những vụ khác mà bạn dẫn ra là sự vạ lây đấy. Thử lật trong sách xưa và trong Luật Giáo dục thời nay xem, có chỗ nào ghi chức trách của thầy giáo là đi đòi nợ thuê để hưởng hoa hồng không? Đòi nợ thuê là công việc của bọn côn đồ vô lại, ắt bị đối xử ngược lại như côn đồ ở chốn giang hồ. Nếu cảm thấy "xấu hổ nhục nhã" thì là ở những người thầy "chính danh" thôi. Một Hiệu trưởng sắm vai một anh trùm đầu gấu đòi nợ thuê, đem bêu học trò trước cờ để hạ nhục, thì chính mình đã dày mặt ra chứ còn thấy xấu hổ, nhục nhã sao?
Tôi hình dung "thầy Hiệu trưởng" ấy đang hả hê khi người phụ huynh kia bị tống vào tù, những đứa con bé nhỏ của người cha ấy thất học, đúng tâm lý trả đũa của đứa đầu gấu chứ không có nỗi nhục nào hiện ra trên gương mặt dày của đứa đầu gấu!
Tôi ba mươi năm dạy học, để học sinh tự tin với khẩu hiệu "lấy học sinh làm trung tâm", mỗi khi bắt đầu tổ chức hoạt động, tôi thường nói, "các bạn hãy xem tôi là bạn đồng hành tri thức", tức bình đẳng đấy, nhưng từ lớp nhỏ đến lớp lớn, từ đồng nghiệp đến phụ huynh, có ai dám hạ nhục tôi?
Thưa bạn Vân Thiêng và ông chủ báo Vietnamnet, phàm là thầy yêu thương trò như yêu thương con mình, ắt trò cũng yêu thương thầy như cha mẹ. Không có chuyện biến yêu thương thành thù địch. Cứ hình dung, đầu giờ mỗi khi vào lớp học (chứ không cần bêu trước cờ), mỗi thầy cô xuất hiện là gầm gừ gọi tên trò đòi nợ, trẻ em nhìn thầy cô thế nào? Có khác con nợ nhìn tên đầu gấu đòi nợ thuê không? Nhà trường có giống chốn giang hồ không? Bạn Vân Thiêng nhìn "thầy Hiệu trưởng" của bạn vì bị quỳ mà thấy "nhục nhã ê chề" thì lẽ ra cũng phải biết trẻ em và cha mẹ của chúng đã "nhục nhã, ê chề" như thế nào khi bị bêu thành con nợ bất đắc dĩ đấy chứ? Gọi là "bất đắc dĩ" vì tại sao nộp bảo hiểm lại là món nợ? Bản thân ta biết nhục mà không cần biết người khác cũng nhục như mình, nên tha hồ làm nhục người khác chăng? Nhận thức như vậy có xứng đáng làm thầy không? Hay người thầy thời nay tự cho mình cái quyền làm tên hôn quân bạo chúa như vua Trụ xưa để khi bị lật đổ thì ngửa cổ trách thần dân vô đạo?
Trong vụ Hiệu trưởng quỳ ấy, bạn Vân Thiêng và ông chủ báo Vietnamnet nên viết thế này mới phải đạo: Đề nghị ngành giáo dục cần chấm dứt ngay cái việc vô giáo dục, biến giáo viên thành kẻ đòi nợ thuê! Riêng các ông bà Hiệu trưởng thay vì ngậm thứ hoa hồng tanh tưởi mùi tiền, hãy tự biến mình thành hoa hồng của tình yêu đối với học trò để được gọi là thầy. Không làm việc đúng đạo lý, không có tôn sư trọng đạo nào cả! Xưa thế, và nay cũng thế!
Chu Mộng Long

“Tôi xấu hổ, nhục nhã” - mấy từ uất nghẹn, mà bất cứ ai ở vào hoàn cảnh của thầy Phan Đình Thống - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh - đều có thể bật ra từ cửa miệng.

Không xấu hổ, nhục nhã sao được, khi đường đường là một hiệu trưởng, lại phải quỳ gối trước một phụ huynh. 

Chỉ vì muốn trường mình hoàn thành việc thu tiền bảo hiểm y tế “theo lệnh của cấp trên” mà thầy đã phát ra một chỉ lệnh chưa chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và cha mẹ chúng. Thầy đã biết sai. Thầy có thể bị chỉ trích, thậm chí là bị kỷ luật. Nhưng phải quỳ trước mặt phụ huynh thì quả là điều quá sức tưởng tượng của người làm thầy. 

Đã từng có phụ huynh ở Quảng Nam chỉ vì một vết bầm chưa rõ ràng, mặc dù được giải thích nhưng vẫn xông vào trường đánh cô giáo đến thủng màng nhĩ, phải nhập  viện cấp cứu. 

Đã từng có phụ huynh ở Long An, mà là đảng viên hẳn hoi nhé, kéo theo 3-4 người vào tận trường học bắt cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi cho hả dạ, vì đã dám phạt con họ quỳ khi các em mắc khuyết điểm. 

Giờ thì đến lượt hiệu trưởng cũng phải quỳ gối để xin lỗi phu huynh vì đã phát loa thông báo tên con họ khi chưa nộp tiền bảo hiểm y tế.    

Cho dù biện bạch bằng bất cứ lý do gì thì cách cư xử đầy bạo lực của những phụ huynh này đối với thầy cô giáo của con mình cũng là hành vi quá khích, lệch chuẩn và vi phạm pháp luật.     

Thầy, cô giáo phải quỳ để xin lỗi. Chắc chắn không phải vì hèn. Họ đã chọn cách an toàn nhất cho bản thân và đồng nghiệp, khi không có cơ sở để phản kháng. 

Họ đã bất lực khi phải đối mặt với những bộ mặt dữ tợn, những lời lẽ xúc phạm, mà người làm thầy chỉ có thể nhẹ nhàng thuyết phục, chứ không thể lớn tiếng đôi co. Đặc biệt là khi phụ huynh đến trường “nói chuyện” bằng dao. 

Họ đã bất lực, khi không chỉ vì thiếu cơ chế bảo vệ nhà giáo từ luật pháp đến dư luận xã hội, mà còn vì trong suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh, từ lâu đã không còn những quan niệm tối thiểu về quy tắc ứng xử với những người là thầy giáo, cô giáo của con mình. 

Phải chăng chúng ta đang sai lầm khi đang mải mê cổ vũ cho một không khí bình đẳng quá đà, mà không cần biết rằng Thầy - Trò là một quan hệ thuộc phạm trù đạo đức, thậm chí là thiêng liêng như một thứ “niềm tin tôn giáo” của người đi học.   

Phụ huynh mang dao vào trường đòi “ăn miếng trả miếng” với thầy hiệu trưởng thì đó không còn là việc riêng của một cá nhân nữa. Khi đôi chân của thầy hiệu trưởng phải quỳ xuống để giữ sự bình yên cho bản thân và đồng nghiệp thì cũng là lúc thành trì “tôn sư trọng đạo” chính thức bị xô ngã, ít nhất cũng là tại ngôi trường này, ngay trên mảnh đất được xem tuy nghèo nhưng có truyền thống hiếu học như Hà Tĩnh. Đó cũng chính là lúc sự tôn nghiêm đã bị chà đạp không thương tiếc.

Hằng ngày, tại đâu đó, giáo viên phải đối mặt với sự đe dọa, làm nhục, mà một phần nảy sinh từ những áp lực của các phong trào, chỉ tiêu thi đua của những công việc chả liên quan gì đến chuyên môn của người dạy học. Câu chuyện thu tiền bảo hiểm y tế dẫn đến vụ việc đáng tiếc tại một ngôi trường ở huyện miền núi Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh mới đây chỉ là một ví dụ. 

Từ xưa đến nay, không thầy giáo, cô giáo nào bắt buộc học trò phải ngả mũ chào mình mà chính những người làm cha mẹ phải dạy con mình làm điều đó. Vậy nên, một khi những người làm cha làm mẹ sẵn sàng đạp đổ sự tôn nghiêm của nhà giáo thì cũng là lúc họ tự gieo mầm họa cho tương lai của con em mình.

Vân Thiêng 

Hưng Lê Trung <lelatoc2016@gmail.com> wrote:

Ngày " tôn sư trọng đạo" hàng năm 20-11dl có vẻ hơi...sai sai ? Sao lạ ư ?
- này nhé: kính trọng thầy cô, thì trò đến nhà thăm thầy cô chứ ( nhất là thầy cô đã già!) ?
- này nhé: kính trọng thầy cô, thì trò hàng ngày phải làm: ngoan ngoãn học hành,chứ đâu có nhờ cha anh/ phụ huynh đem lễ " mọn " đến nhà thầy cô vào ngày" tôn sư trọng đạo ",để cuối khóa được...lên lớp ?
- này nhé: mượn dip 20-11, các học trò " thành danh" mời thầy cô cũ đến một địa điểm" ăn nhậu " , rồi cùng nhau bù khú ,để thầy cô là vai trò chứng nhân chính ?
- này nhé: đi thăm thầy cô chủ yếu là chụp hình thật nhiều, rồi " tự sướng" đưa lên mạng internet....rằng thì là: nhớ ơn thầy cô ( thật không đó ?).....
   Lang còm lhvkd luôn quan niệm rạch ròi " thầy cô là người LÁI ĐÒ TRI THỨC một thời thôi", khi hết dạy học rồi, thì học trò là bạn " vong niên" nếu có giao lưu với nhau ! Mấy ai là THẦY suốt đời được nhỉ ? Tục lệ ( folklore) mồng 3 Tết của dân ta có= ngày 20-11 không ?
                                      lhvkd,