Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Chuyện nhỏ về một tầm vóc lớn

 

Nguyễn Duy



Câu chuyện “ Hạn Hán và Cơn Mưa ”


h1

Ea Sola trong “Hạn Hán và Cơn Mưa” trên sân khấu Nhà Hát Lớn Amsterdam

 (Ảnh:Nguyễn Duy)


Tháng 9 năm 1994, nghệ sĩ múa Ea Sola Nguyễn Thuỷ (quốc tịch Pháp, gốc Việt) từ Paris về Hà Nội để dàn dựng vở múa Hạn Hán và Cơn Mưa trên nền nhạc chèo truyền thống. Đây là tác phẩm đầu tay mở màn cho một loạt dự định của Ea Sola “ đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới ”. Kịch bản Hạn Hán và Cơn Mưa đã được hình thành từ trước đó, sau nhiều năm Ea Sola đi nghiên cứu đề tài, chọn đối tác là Nhà hát chèo Việt Nam, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin hồi đó cho phép dựng vở. Ea Sola mời tôi viết lời cho các khúc hát chèo trong tác phẩm này.


Việc chuẩn bị cho công đoạn dựng vở đang thuận buồm xuôi gió, bỗng đường đột mắc kẹt vì một lí do lãng xẹt không liên quan gì tới Hạn Hán và Cơn Mưa. Ấy là, phía Việt Nam đơn phương ngừng vô thời hạn mọi hoạt động hợp tác văn hóa Việt – Pháp để phản đối việc Bộ Văn hóa Pháp tặng huân chương Nghệ thuật và Văn học (Médaille des Arts et des Lettres) cho Dương Thu Hương, một nhà văn bất đồng chính kiến đã từng bị bắt giam tại Hà Nội.


Trong tình cảnh đó, Ea Sola như ngồi trên lửa. Nếu Hạn Hán và Cơn Mưa không được dàn dựng thì bao nhiêu công phu suốt mấy năm lặn lội đi nghiên cứu, sưu tầm, viết dự án, kịch bản, tuyển chọn diễn viên, vận động tài trợ và lập trình cho vở diễn ở trong nước, ngoài nước… sẽ là công dã tràng. Vấn đề sẽ không chỉ là văn hóa nữa, mà còn là kinh tế, pháp luật, khi người nghệ sĩ phải đối diện với tòa án về những hợp đồng biểu diễn tại các liên hoan nghệ thuật châu Âu bị đổ bể. Và đổ bể theo đó có thể là cả một sự nghiệp…


Chứng kiến sự bối rối của Ea Sola, tôi chợt nghĩ tới một người. Một người có thể giải được cái nạn này. Đó là ông Sáu Dân, tức đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ. Từ khi còn ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Sáu đã gần gũi nhiều anh em văn nghệ sĩ chúng tôi một cách thân tình, bình đẳng, chân thực. Ông là một nhà lãnh đạo lịch lãm, phong cách ứng xử rất văn hóa, trân trọng tri thức và giới trí thức. Một nhà văn hóa bẩm sinh, văn hóa từ trong căn cốt. Ông chịu lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, kể cả những ý kiến trái nghịch, và chịu ủng hộ cái mới. Nhiều người đã viết về ông ở góc độ này. Tôi coi ông là “ người đánh thức tiềm lực ”. (Tôi đã viết về ông, trong hồi ức Hành trình thơ Đánh Thức Tiềm Lực, in báo Tuổi Trẻ số tết Bính Tuất – 2006, và sách Ông Sáu Dân trong lòng dân, nhà xuất bản Tri Thức – 2008).


Trở lại câu chuyện đang kể, tôi chợt nghĩ tới ông Sáu với hi vọng ông “ giải cứu ” cho Hạn Hán và Cơn Mưa. Thật may mắn, tôi được ông hẹn gặp vào một buổi trưa tại tư dinh, 57 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Tôi trình bày với ông cặn kẽ về câu chuyện Hạn Hán và Cơn Mưa, về tác giả Ea Sola, kèm theo tài liệu và hình ảnh dẫn chứng. Đây là tác phẩm múa đương đại dựng trên nền âm nhạc chèo cổ, mở đầu cho chương trình đưa nghệ thuật dân tộc Việt Nam ra thế giới của người nghệ sĩ trẻ tài năng và tâm huyết này. Diễn viên múa sẽ là các bà nông dân lần đầu tiên ra khỏi lũy tre làng của mình, bước thẳng từ ruộng lúa nước lên sân khấu nghệ thuật quốc tế. Toàn bộ kinh phí nghiên cứu, dàn dựng, di chuyển và biểu diễn đều do quĩ văn hóa của Pháp và các liên hoan nghệ thuật châu Âu đài thọ. Xin đề nghị Thủ tướng xem xét và đặc cách cho tác phẩm được dàn dựng…


Ông Sáu chăm chú lắng nghe rồi nhỏ nhẹ : “ Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn…”. Kết thúc cuộc gặp, ông nói ông sẽ trao đổi với liên bộ : Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa – Thông tin và Bộ Nội vụ để quyết định sớm. Hai ngày sau, tôi nhận được lời nhắn của ông qua điện thoại “ Hạn Hán và Cơn Mưa được phép tiếp tục dàn dựng ”…


Ngày 2 tháng 5 năm 1995, Đoàn nghệ thuật múa đương đại Ea Sola diễn báo cáo cấp bộ vở múa Hạn Hán và Cơn Mưa tại rạp Công Nhân, Hà Nội, trước khi lên đường đi Pháp. Ngày 19 tháng 5 đoàn diễn suất đầu tiên tại Pháp, khai mạc cuộc lưu diễn liên tục hai năm trời qua gần chục quốc gia ở châu Âu và Mỹ. Đoàn đã đặt chân lên nhiều sân khấu danh tiếng của thế giới mà bất kì một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào cũng phải mơ ước. Biết bao nhiêu bài viết trên các tờ báo lớn của nhiều nước ca ngợi Hạn Hán và Cơn Mưa thành công đến mức tạo nên một sự kiện văn hóa Việt Nam…


Năm 1997, Ea Sola dựng tiếp vở múa Ngày xửa ngày xưa trên nền nhạc tài tử Nam Bộ. Tiếp nữa là các vở Cánh đồng âm nhạcThế đấy, thế đấyKhúc cầu nguyện… Vở nào cũng được lưu diễn qua nhiều nước và cũng thành công ở những mức độ khác nhau. Phong cách Ea Sola dần dần tạo nên dấu ấn và có ảnh hưởng đến nghệ thuật múa đương đại Việt Nam.


Mãi sau này, khi thôi giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, ông Sáu Dân mới có dịp đôi lần đến xem các vở múa của Ea Sola tại Hà Nội. Ông cứ tấm tắc khen : “ Con nhỏ tài thiệt, giỏi thiệt ! ”.



Câu chuyện “ Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx ”



h2
Nguyễn Duy hút thuốc lào bên mộ Karl Marx (Ảnh : Vũ Hòa)


Tháng 5.1996, vở múa Hạn Hán và Cơn Mưa lưu diễn đợt thứ hai qua các nước Pháp, Hà Lan, Anh và Mỹ. Tôi được mời đi cùng đoàn sang châu Âu đợt này, đã xem các bà nông dân Thái Bình nhảy múa tung hoành như thôi miên khán giả trên sân khấu Paris, Amsterdam, London… và đã ghi lại trong bút kí Hạn Hán và Cơn Mưa – câu chuyện của tâm hồn ngay từ hồi đó. Sau chuyến đi ấy, tôi được gặp lại Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để kể với ông về thành công lớn của Hạn Hán và Cơn Mưa mà tôi chứng kiến, về hình ảnh độc đáo của các nghệ sĩ nông dân nhà ta trên đường phố châu Âu, về cách giới thiệu rất hiệu quả văn hóa Việt ra thế giới bằng nghệ thuật nâng cao mà nghệ sĩ Ea Sola đang làm… Và, sau cùng, là câu chuyện nhỏ về tấm ảnh “ Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx ”.


Chuyện rằng…


Tôi vốn nghiện thuốc lào, đi đâu cũng mang theo bánh thuốc lào với cái điếu cày làm bằng ống tre thân thuộc. Sang Nga. Sang Mỹ. Rồi sang Pháp…


Tại Paris, trong khi chờ xin visa qua London, tôi lụi cụi khoét cái hộp gỗ thông đựng chai rượu vang Côtes du Rhône thành hộp đựng điếu cày, xách toòng teeng, ống điếu thò lên như nòng súng phóng lựu đạn. Có lẽ đây là chiếc điếu cày Việt Nam đầu tiên đi tàu tốc hành TGV chui qua hầm biển Manche từ nước Pháp sang nước Anh. Cũng chính vì thấy nó giống cái nòng súng mà các nhân viên an ninh nước Anh đã giữ tôi lại tại ga Waterloo (London) và khám tung hành lí của tôi, lôi ra một bịch thuốc lào mà họ nghi là cần sa. Tôi không biết tiếng Anh để có thể giải thích cho họ hiểu về điếu cày và thuốc lào của Việt Nam.


Rồi, một người phụ nữ châu Á xuất hiện. Chị nói tiếng Việt, tự giới thiệu mình là nhân viên Hải quan Vương quốc Anh, được mời đến để giám định ma tuý. Tôi hỏi chị có biết thuốc lào không, chị bảo biết. Tôi hỏi chị có biết cái ống tre hút thuốc lào này không, chị cười, biết. Chị xem xét cái ống điếu và gói thuốc lào một lát, trao đổi gì đó với các nhân viên an ninh, rồi quay lại bảo tôi, người Anh chưa thấy cái “píp” như thế này bao giờ, họ muốn tôi hút thử cho họ xem. Tôi nghe như ngứa được gãi, đã quá, hút thật chứ thử gì nữa, nhịn suốt nửa ngày trời đang thèm muốn chết !… Xin chút nước đổ vào ống điếu, tôi vê mồi thuốc lào vừa phải, sửa thế ngồi cho thật vững, quẹt diêm, rít ròn rã như thổi còi, rồi ngửa cổ phun một luồng khói trắng lên trần nhà. Đám người Anh đồng loạt vỗ tay… Và, họ sắp xếp hành lí lại cho tôi, lần lượt bắt tay, chúc may mắn, tiễn tôi ra cửa. Tôi vẫn ngất ngưởng với ống điếu cày chĩa lên như nòng súng phóng lựu đạn. Nghệ sĩ Ea Sola đến đón theo giờ hẹn, đã sốt ruột ngồi chờ hơn tiếng đồng hồ mà không hiểu chuyện gì xảy ra với tôi trong phòng an ninh nhà ga Waterloo…


Ea Sola đưa tôi về nơi ở của cả đoàn, khách sạn Hoàng Gia, London. Ống điếu cày kè kè bên hông, may mắn thay, không bị tịch thu như tôi lo ngại. Tôi mang nó theo từ Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, quyết chí phen này phải đưa được cái “ bảo bối ” của người thợ cày Việt Nam đến tận mộ cụ Karl Marx, để rít hơi thuốc lào cho đã cả một đời. Vấn đề còn lại là làm sao đến được ngôi mộ ấy ?…


Trước khi trình diễn Hạn Hán và Cơn Mưa tại London, Đoàn nghệ thuật Ea Sola được Ban Việt ngữ đài BBC mời gặp gỡ và phỏng vấn. Tôi và họa sĩ Vũ Hòa, một thành viên trong đoàn, nhờ người lái xe của nhà đài chỉ đường đến mộ Karl Marx, được ông này vẽ sơ đồ, hướng dẫn rất tỉ mỉ.


Sáng ngày 16.6.1996, hai chúng tôi đi xe lửa tới một ga ngoại ô London, đi bộ một chặng dài nữa, tới nghĩa trang Highgate, khu nghĩa trang tư có từ lâu đời. Vào cửa phải mua vé, hình như một bảng rưỡi một người, phải gửi lại máy quay video, chỉ được mang theo máy chụp ảnh. Tôi vẫn được mang theo ống điếu cày mà mấy người gác cổng nghĩa trang không biết nó là cái gì.


Chúng tôi đi lòng vòng lúc lâu mới tìm thấy mộ Karl Marx, ngôi mộ ốp đá đơn sơ nép gần tường rào cuối nghĩa trang. Đã có ai đặt dưới chân mộ mấy bó hoa rất tươi. Tôi không khỏi chạnh lòng, trộm nghĩ, Cụ Tổ của quốc tế vô sản đến nay vẫn còn phải nương mình trên mảnh đất thuê ở tận góc cái nghĩa trang tư sản, trong khi nhiều đệ tử của Cụ có lăng tẩm hùng vĩ và tiêu tốn công quỹ vô kể. Tôi cúi đầu trước mộ Cụ, kính cẩn mặc niệm, rồi ngồi bệt xuống nền đá, từ từ rút điếu cày ra. Không có hương thì có khói vậy, tôi thầm nhủ, xin gửi tới Cụ làn khói mơ màng của người nông dân Việt Nam. Vê một mồi thuốc lào vừa sức, tôi tựa lưng vào vách mộ đá lấy thế ngồi chắc chắn, rồi xòe diêm, rít hồi còi ròn rã, ngả đầu phun khói trắng lên trời. Nhìn lơ mơ qua màn khói, thấy họa sĩ Vũ Hòa chụp ảnh lia lịa. Tấm ảnh được chọn để in ra đây là lấy từ chiếc máy ảnh nhỏ xíu của tôi do Vũ Hòa bấm…


Năm đó, câu chuyện về tấm ảnh “ Hút thuốc lào…” chỉ dừng lại đó. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe chăm chú, cười vui, nhưng không bình luận gì.


Nào ngờ, 5 năm sau, câu chuyện này lại được tiếp nối một cách rất tình cờ…


Cuối tháng Mười năm 2001, triển lãm “ Hồn giấy Dó ” khai mạc tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, trưng bày thơ và ảnh nghệ thuật của Nguyễn Duy in trên giấy Dó, trong đó có tấm ảnh “ Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx ” phóng lớn, khổ 40 x 60 cm.


Sáng 27.10. 2001, ông Sáu Dân (lúc đó đã là cựu Thủ tướng, đương kim Cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) và một số người cùng đi đến xem triển lãm của tôi. Ông Sáu dừng lại, ngắm nghía khá lâu tấm ảnh kể trên và hỏi tôi về những chữ khắc trên mộ. Tôi thưa rằng, hàng chữ lớn nhất là trích lời Karl Marx : WORKERS OF ALL LANDS UNITE, có nghĩa “ Người lao động toàn thế giới liên hiệp lại ”, chứ không phải “ Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại ” như ở ta vẫn truyền tụng (*). Còn các hàng chữ nhỏ là tên những người trong mộ. Ngôi mộ này hiệp táng 5 người: Karl Marx; Jenny – vợ Marx; Eleanor – con gái của vợ chồng Marx; Helena Demuth – người giúp việc của gia đình Marx; và một người nữa, Harry Longuet – tôi chưa rõ là ai (sau này, nhờ nhà báo Nguyễn Ngọc Giao tra cứu, tôi mới biết đó là cháu ngoại của Karl Marx).


Chỉ tay vào cái điếu cày tôi đang cầm trong ảnh, ông Sáu hỏi ống điếu kia giờ để đâu ? Tôi đáp, một người bạn tôi ở Paris tên là Nguyễn Ngọc Giao đang giữ nó. Ông nói nên đưa nó về Việt Nam, lồng khung kính treo bên cạnh tấm ảnh…


Trước khi rời phòng triển lãm, ông Sáu chậm rãi ghi lại cảm tưởng và lời chúc mừng tôi trên một tờ giấy dó. Chiều đó, anh Căn – người trợ lí của ông, trở lại phòng triển lãm tìm tôi, nói có người bạn của chú Sáu rất thích và muốn mua tấm ảnh “ Hút thuốc lào…”, được không? Tôi đồng ý bán với giá gốc, đủ chi phí công in giấy dó thôi, rồi cuộn tấm ảnh trao cho anh Căn…


h3


Ít lâu sau, tôi có dịp được ông Sáu mời đến chơi tại nhà riêng, số 16 đường Tú Xương, quận 3, tp. HCM, chợt ngẩn người thấy tấm ảnh “ Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx ” được lồng khung kính trang nhã, treo trong phòng khách của ông. Ông Sáu chỉ tay lên bức ảnh, cả cười : “ Mình muốn dành cho cậu một bất ngờ. Mình thích bức ảnh này vì nó mang ý nghĩa biểu tượng, khó nói thành lời. Thầm hiểu thôi. Nhưng mình ngại cậu không chịu lấy tiền nên phải nhờ Căn nó nói trại là mua giúp người khác ”. Tôi thành thực rằng, tiếc quá, nếu biết là anh Sáu mua bức ảnh này thì tôi phải bán cao gấp mười giá gốc…


Thấm thoắt đã hơn mười năm trời. Tôi vẫn thầm hiểu thôi… Nhiều điều ông Sáu không nói ra hoặc chưa nói hết, tôi chỉ thầm hiểu thôi…


Mẩu chuyện nhỏ nhắc nhớ mãi về một tầm vóc lớn…

Tháng 11, 2012

Nguyễn Duy



(*) Chú thích của Diễn Đàn : “ Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại ” tiếng Việt, cũng như khẩu hiệu tiếng Pháp « Prolétaires de tous pays, unissez-vous ! » dịch từ nguyên tác tiếng Đức « Proletarier aller Länder, vereinigt euch ! » trong Tuyên ngôn Cộng sản của K. Marx.