Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Thái Bá Lợi với tiểu thuyết viết về chiến tranh sau năm 1975

 PHẠM PHÚ PHONG            Tiểu thuyết, đó là một trong những sáng tạo kỳ diệu của con người, đó là một đồ dùng, một vũ khí của con người để tìm hiểu, chinh phục dần thế giới và để tìm hiểu nhau và sống với nhau.                                                                                       Nguyễn Đình Thi



1.
 Tôi nhớ, đã có lần xảy ra cuộc tranh luận khá gay gắt giữa Thái Bá Lợi và Phan Tứ về quan niệm tiểu thuyết. Đó là thời kỳ Phan Tứ đang giành khoảng thời gian ngắn ngủi cuối đời, vừa chống chọi với bệnh tật vừa cố hoàn thành bộ tiểu thuyết sử thi Người cùng quê (dài hơn nghìn trang). Thái Bá Lợi cho rằng, ai muốn dài hơi, ai muốn sử thi thì cứ dài hơi, cứ sử thi; riêng anh tiểu thuyết hiện đại cứ phải ngắn mới phù hợp với nhịp sống hiện đại. Quan niệm này tỏ ra tương đối nhất quán xuyên suốt quá trình sáng tác tiểu thuyết của Thái Bá Lợi: Thung lũng thử thách (1981) 200 trang, Họ cùng thời với những ai (1982) 200 trang, Bán đảo (1983) 107 trang, Trùng tu (2003) 161 trang và gần đây nhất, tiểu thuyết Khê mama in trên tạp chí Nhà văn (số 7. 2004) chỉ còn 43 trang, khổ 16 x 24 cm. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, Thái Bá Lợi sáng tác tiểu thuyết càng ngày số trang càng ngắn. Phải chăng do vốn sống ngày một cạn kiệt, anh không có khả năng sáng tạo những tác phẩm có tầm cỡ, có qui mô rộng lớn?

Thái Bá Lợi đến với văn chương vào những năm bảy muơi của thế kỷ XX, khi anh nhập ngũ chưa đầy dăm năm, cũng là khi cuộc kháng chiến  chống Mỹ đi vào giai đoạn cuối với những gay go ác liệt nhất. Là một quân y sỹ, đội trưởng đội phẫu thuật tiền phương, anh đã có dịp in dấu chân qua nhiều chiến trường như Đường Chín, Nam Lào, Khe Sanh, Đông Hà, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ... Những gì anh được  trải qua hoặc được nghe kể lại từ những thương binh ở những trạm phẫu thuật tiền phương đã thôi thúc anh cầm bút. Cũng như nhiều người, trước tiên anh dè dặt thử bút bằng những truyện ngắn: Những người đánh giáp lá cà, Vùng chân Hòn Tàu, Đồng đội của Phú, Rừng quế, Quê hương... viết ra trong chiến tranh, sau này tập hợp lại thành tập sách đầu tay Vùng chân Hòn Tàu (Nxb QĐND,1978). Những truyện ngắn này được người đọc quan tâm, bởi sự giàu có về vốn sống, những hiểu biết cặn kẽ về vùng đất và con người, chiến trường và người lính, được kể lại bằng một giọng điệu thô mộc, thật thà. Những "thử bút" này, cũng có thể là do đòi hỏi của đời sống chiến tranh, cũng có thể  là do hiện thực dồn nén choán chật tâm hồn buộc phải tìm cách kể ra, mà cũng có thể là do một tác động khách quan nào đó đánh thức năng khiếu văn chương trong anh, nhưng cũng có thể là cả ba quá trình cũng diễn ra đồng thời, tạo ra những trang viết nóng hổi chiến tranh. Nhưng hình như nó dễ trộn lẫn với những người đi trước, khó lưu lại một chân dung, một tính cách có sức sống lâu bền trong tâm tưởng người đọc.

Cũng từ những truyện ngắn đầu tay ngồn ngộn chất liệu hiện thực này, Thái Bá Lợi đã chứng tỏ được trường lực thẩm mỹ của mình, với một vốn sống dồi dào, một bút lực mạnh mẽ, thể hiện những phẩm chất của người viết tiểu thuyết, biết tự làm chủ vốn liếng của mình và khai thác nó một cách dè xẻn, biết chọn lựa và đầu tư đúng mực. Do vậy, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, nguồn vốn của anh không phải vơi cạn mà được triển khai theo một hướng khác. Thái Bá Lợi cho rằng, trong đời sống thời bình, con người bị chi phối bởi bao nhiêu vấn đề của đời sống hiện đại, của quá trình hội nhập, lấy đâu ra thời gian để theo dõi những bộ tiểu thuyết dài nhiều tập? Sự thay đổi quan hệ xã hội dẫn đến sự thay đổi quan niệm xã hội, trong đó có sự thay đổi quan niệm về nhu cầu thưởng thức và tiếp nhận, về văn hóa  đọc. Anh đã từng thể hiện quan niệm về  tiểu thuyết của mình thông qua lời kể chuyện của nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Trùng tu: "Vừa rồi tao có gặp một thằng, trước là y sỹ trên mặt trận, đã xuống Huế ngay từ những ngày đầu, sau bổ sung về đại đội quân y trung đoàn mình. Bây giờ nó chuyển sang viết văn. Hôm tao gặp, nó nói đang soạn một bộ tiểu thuyết ba tập dày ngàn trang về chiến dịch Mậu Thân ở Huế. Trên bàn nó bày các bản đồ Huế và nhiều chồng tài liệu. Nói chuyện với nó, tao cảm thấy nó đang mắc bệnh. Nhà văn cũng có bệnh nghề nghiệp chứ? Nó tưởng tượng ra nó hay hơn tưởng tượng ra các nhân vật. Nhà nó lúc nào cũng đông khách. Hôm tao đến gặp các tướng đang uống bia. Một can bia hơi mười lít. Tao cũng được mời ngồi xuống chiếu. Các tướng đang bàn hình thành một nhóm, một hội gì đó để hướng dẫn văn nghệ cả nước. Tao nghe cũng hơi chối nhưng cứ phải ngồi nghe vì mình là thằng ngoại đạo. Một ông trong bọn nói với tao: Anh thông cảm cho, bọn tôi không có ý gì đâu, chỉ muốn cùng anh em cả nước tiến lên làm những tác phẩm có giá trị. Lúc đó tao nghĩ các nghĩa sĩ ngày xưa tụ nghĩa thường uống máu ăn thề, bọn du đãng lập băng thì uống nước ống cống, các cha nội này muốn lãnh đạo văn nghệ cả nước mà chỉ uống có một can bia hơi thì cũng bị khó tin đấy! Khi gặp riêng nó tao nói: Ông muốn lưu danh phải không? Nếu muốn lưu danh cần gì đến hàng ngàn trang, vài câu hay vẫn lưu danh được" (tr. 45-46). Đoạn tự trào thú vị trên đây thể hiện rất rõ quan niệm nghệ thuật của tác giả. Và, cũng chính vì quan niệm ấy mà tiểu thuyết Trùng tu chỉ với 161 trang sách, anh đã phải đánh vật với từng con chữ gần hai mươi năm. Người ta thường nói, muốn viết dài chỉ cần thời gian ngắn, nhưng muốn viết ngắn phải có thời gian dài, là vì vậy.

Với Thái Bá Lợi văn chương không phải là trò chơi sang trọng, không cần phải làm dáng, phải kiểu cách, mà văn chương là đời sống, là máu và nước mắt, là món nợ cần phải trả, là những điều cần phải nói thay cho những người không trở về sau chiến tranh. Trong Bán đảo, anh đã cho một trong ba nhân vật trung tâm phát biểu với chính tác giả rằng: "Ông Lợi này, tôi có đọc một hai truyện của ông. Văn chương thì chưa bàn làm gì, nhưng tôi cứ gọi ông là ông Lợi như ngày xưa chứ không phải Thái Bá Lợi như các ông văn nghệ sĩ vẫn thường gọi nhau. Việc gì mà dài dòng thế phải không ông? Các tác giả thực sự chắc họ giản dị lắm". ( tr. 18-
 19 ). Sức nặng của trang văn Thái Bá Lợi chính là ở sự dồn nén, súc tích mà lại dung dị như chính đời sống đã vốn như thế.                                                         

2.
 Sau thành công của những truyện ngắn đầu tay, trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, Thái Bá Lợi lại có một bước "quá độ" với truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn (1978). Cùng với tiểu thuyết, truyện vừa này nằm trong dòng chảy mới: những tác phẩm viết về chiến tranh sau chiến tranh. Với gần sáu mươi trang sách, Hai người trở lại trung đoàn có vóc dáng của một tiểu thuyết thật sự, không phải vì số trang mà vì dung lượng hiện thực dồn nén trong tác phẩm. Đây là một bước tiến khá xa so với truyện ngắn, thoát khỏi lối viết bản năng do nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống và chiến đấu, ngòi bút được triển khai một cách điềm tĩnh, thận trọng, thể hiện phong độ của nhà tiểu thuyết tương lai. Chính vì thế, khi đọc được tác phẩm này, nhà văn Nguyên Ngọc đã phải thốt lên: "... anh biết mười chỉ để viết có một. Chỉ có những người thật sự giàu có vốn sống, am hiểu sâu, tường tận, ngồn ngộn điều mình đang viết mới viết được như vậy."(1) Trong thực tiễn, không chỉ có truyện vừa, mà nhiều truyện ngắn trên thế giới có qui mô, tính chất của tiểu thuyết như AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Số phận con người của Solokhov, Carmen của Mérime, Người đàn bà và con chó nhỏ của Tschekhov... Trong văn học hiện đại nước ta, các truyện ngắn như Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp hoặc hàng loạt các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Phiên chợ Giát, Cỏ lau, Khách ở quê ra cũng có kích cỡ của những tiểu thuyết. Với Thái Bá Lợi, Hai người trở lại trung đoàn và cả Bán đảo, chỉ được tác giả ghi là truyện, nhưng thực chất đều là những tiểu thuyết. Bởi vì, tuy số trang không lớn, nhưng những tác phẩm này đã thể hiện đầy đủ các đặc điểm về mặt thể loại của tiểu thuyết, được khái quát từ những chiêm nghiệm về chân lý đời sống, những số phận và nhân cách của con người thời đại và phát hiện những vấn đề cốt tử của đời sống xã hội sau chiến tranh. Đó chính là những vấn đề đáng quan tâm của người viết tiểu thuyết.

Khác với nhiều người, khi miêu tả về chiến tranh, Thái Bá Lợi không chú trọng đến những vấn đề lớn lao như số phận con người, sự khốc liệt của chiến tranh với những trận đánh lớn, mà chỉ tập trung vào chủ đề đạo đức của con người trong chiến tranh, được biểu hiện ở lòng trung thực, đức hy sinh và ý thức trách nhiệm của người lính. Anh đi sâu khai thác những điểm nhỏ chứa đầy kịch tính như một chiến dịch, một trung đoàn, một tiểu đoàn chủ công, một đại đội trinh sát, thậm chí một khoảnh khắc trước và sau tiếng súng nổ trong một trận đánh. Khác với nhiều người, Thái Bá Lợi ít dàn dựng một câu chuyện có mở đầu, có diễn biến, có kết thúc một cách trọn vẹn, rạch ròi. Đôi khi có những tiểu thuyết dường như không có cốt truyện như Họ cùng thời với những ai, Trùng tu, hoặc rõ nhất như Khê mama. Vấn đề trung tâm của truyện thường được chứa đựng trong nhân vật. Thông qua hành trạng cuộc đời của từng nhân vật, từng số phận làm nổi rõ cốt truyện và vấn đề trung tâm của truyện. Đó cũng chính là lúc tính cách nhân vật được bộc lộ qua quá trình thử nghiệm, tác động nhiều chiều, nhiều diện và dưới nhiều cấp độ khác nhau của hoàn cảnh. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh xuất thân, có mỗi con đường đến với đời sống, với chiến tranh và dĩ nhiên cũng có những kết cuộc không giống nhau. Thậm chí, đến cái chết cũng không giống nhau. Người thì bị bom đạn của kẻ thù, người thì bị chính loạt đạn bắn nhầm của đồng đội, người thì bị rắn cắn hoặc qua sông nước cuốn... Nếu ai chưa từng nhìn thấy cái chết thì sẽ không hiểu thế nào là sự sống ở đời.

Nhân vật của Thái Bá Lợi không phải là những con người hoàn thiện, hoàn mỹ. Mỗi người đều có cái tốt lẫn cái xấu, có ưu điểm lẫn nhược điểm. Mây, một nữ trinh sát can đảm, có tâm hồn trong trắng và còn có cả những bồng bột, lầm lẫn (Hai người trở lại trung đoàn). Vẻ, một  sĩ quan, một đại đội phó có tài nhưng bị hạ cấp vì không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và cuối cùng phải trả giá bằng mạng sống của chính mình (Thung lũng thử thách). Hải, một đại đội trưởng đặc công xuất sắc và gan dạ lại bắn nhầm tiểu đoàn trưởng của mình để suốt đời ân hận (Bán đảo)...  Kết thúc Họ cùng thời với những ai là một đoạn "trữ tình ngoại đề", nhưng thực ra là một yếu tố nằm trong chỉnh thể tác phẩm, yếu tố quan trọng nhất có tính chất tổng kết, làm nổi rõ tư tưởng- nghệ thuật của tác giả: “Những người tốt và những người chưa tốt, kẻ phản bội và người trung thành, trong một con người khi hèn nhát và lúc dũng cảm, người sống hời hợt và người có tình yêu say đắm, người xốc nổi và người điềm đạm, người  sáng suốt và người chậm chạp. Họ đã sống qua những ngày mà hoàn cảnh buộc họ phải hết mình mới sống được. Đó là những ngày trong sáng và chân thật mà mỗi lần nhớ lại  ta đều thấy cay cay nơi góc mắt... Tất nhiên là họ đi cho tới lúc cuộc chiến tranh toàn thắng. Nhưng điều đó không quan trọng bằng bây giờ họ vẫn đang sống. Tất cả những gì xảy ra trên đất nước hôm nay đều có họ. Vì họ với chúng ta cùng một đất nước, cùng một thời mà chính họ chứ không phải ai khác làm ta rung động, làm ta đau đớn và tin tưởng. Đã có một thời như thế, nó dung dị như đời sống của mỗi con người và rất đáng để ta suy nghĩ "( tr. 191-192).

Tiểu thuyết của Thái Bá Lợi bao giờ cũng có từ hai đến ba, thậm chí bốn nhân vật  trung tâm. Mỗi người có một số phận, một cá tính khác nhau, tương đồng hoặc đối lập nhau, nhưng nhằm bổ sung cho nhau để khắc họa chân dung người lính một cách hoàn chỉnh. Đó là những nhân vật như Thán, Thái, Tánh và Nhương (Họ cùng thời với những ai), Tân, Hải và Ngà (Bán đảo), Khê và tôi (Khê mama), Nó và tôi (Trùng tu)... Thậm chí có tác phẩm tiêu đề được đặt một cách rõ ràng rằng Hai người trở lại trung đoàn nhưng có đến ba nhân vật trung tâm là Mây, Thanh và Trí. Những nhân vật tay tư, tay ba hoặc tay đôi này, không phải mỗi người tiêu biểu cho một phẩm chất như trong tiểu thuyết hiện thực truyền thống của phương Tây, mà có khi trong mỗi người chứa đựng nhiều phẩm chất, nhiều sắc thái có khi đối lập nhau, cùng đi qua những thử thách của chiến tranh, như bước qua một chất kiểm màu nhằm bộc lộ những phẩm chất thẩm mỹ của mình. Ngay cả những tác phẩm không miêu tả trực tiếp về chiến tranh như Khê mama, Thái Bá Lợi vẫn không thoát khỏi những ám ảnh về chiến tranh: “Làng này thời chống Mỹ nằm trong vùng giải phóng nên hứng nhiều bom đạn ác liệt. Cả làng không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Dân không chịu nổi ác liệt và gian khổ bật ra khỏi làng vào các thành thị và khu dồn dân. Số gia đình ở lại trụ bám chỉ vài chục trên vài trăm nóc nhà. Chú Sáu Hòa chủ nhà  là người sống sót duy nhất trong một gia đình mười người bám trụ lại, sau giải phóng mới lập gia đình. Câu chuyện cuối cùng quay về với những ngày trụ bám  và người nghe chúng tôi đều là những người sinh sau năm 1975” (tr.84-85). Chiến tranh vẫn cứ như còn tươi nguyên trong ký ức người viết, cứ đến đoạn văn tự sự là bóng dáng chiến tranh lại ập về: “Những đêm trinh sát bò vào hàng rào sân bay, điện sáng như ban ngày...” (tr.92), hoặc: “Mười sáu tuổi thoát ly được một năm thì cấp trên phân đi đón tàu không số dưới chân Hải Vân...” (tr.93). Khê mama là tác phẩm nhằm trình bày một lối sống, một tính cách, một loại người có bản lĩnh trong đời sống và có “nhu cầu xê dịch”, một thế hệ mới sau chiến tranh. Nhưng tác giả vẫn tiếp tục cày xới không gian những nơi chiến tranh đã đi qua, tiếp tục thời gian hồi ức, hồi cố và mở rộng lối kết cấu truyện lồng trong truyện, những truyện không có truyện.

3.
 Trong một trong những công trình có tính chất lý luận văn học đầu tiên ở nước ta là Khảo về tiểu thuyết, tác giả Phạm Quỳnh có cho rằng: “Tiểu thuyết đã là một truyện bịa đặt ra, thì phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là sự kết cấu (...). Tài nhà làm tiểu thuyết phần nhiều ở tài kết cấu. Nếu kết cấu không thành truyện thì dẫu văn chương có hay đến đâu cũng không cảm được người đọc" (2). Đọc tiểu thuyết Thái Bá Lợi, người ta có cảm giác là anh nghĩ ra kết cấu trước khi tìm kiếm không gian và thời gian, nhân vật và sự kiện để dựng truyện. Anh tháo các sự kiện ra từng mảnh, rồi lắp ráp theo chủ đích riêng, theo logíc của từng chỉnh thể, mỗi tác phẩm là một thể nghiệm, một kiểu kết cấu nhưng lại rất nhất quán, có thể dễ nhận ra quá trình tiếp tục đổi mới. Ở Hai  người trở lại trung đoàn  Thung lũng thử thách là bước thể nghiệm ban đầu, tuân thủ theo sự phát triển trật tự thời gian; đến Họ cùng thời với những ai  Bán đảo anh xáo tung ra rồi cắt dán xoay quanh chủ thể trần thuật; đến Trùng tu anh cho truyện lồng trong truyện, thời gian và không gian giữa chiến tranh và thời bình đồng hiện, đan xen lẫn nhau, đồng hành với nhau; đến Khê mama lại trở lại theo trật tự thời gian trần thuật, nhưng lại là truyện không có truyện. Dưới hình thức một cuốn nhật ký mà tác giả vô tình nhặt đựợc, ngoài thời gian trần thuật, ở Khê mama không có thời gian, không gian, sự kiện nào đáng chú ý, không có câu chuyện nào kể lại được, nhưng vẫn tìm thấy các tính cách.

Có thể thấy được sự năng động, linh hoạt trong kết cấu tác phẩm, cả về hình thức bên ngoài lẫn hình thức bên trong, cả hình thức văn bản lẫn hình thức hình tượng. Như một người ngoài hành tinh có quyền năng và công lực thâm hậu, khi thì cắt dán, khi thì lắp ráp, khi thì xâu chuỗi xoay chiều, biến ảo khôn lường. Nhờ có sự điều tiết hợp lý giữa không gian và thời gian vật chất, Thái Bá Lợi đã tạo ra được những hình tượng không gian và thời gian nghệ thuật đa chiều, đa diện, vừa có thể hình dung ra quá khứ, vừa dễ tiếp cận hiện tại và định hướng cho tương lai. Chính vì thế mà Trần Quốc Huấn có lý khi cho rằng: "Chiến sự trong cách viết của Thái Bá Lợi thoáng, hoạt và có hồn (...) Có thể do người viết có óc quan sát, tổ chức khoa học của một sĩ quan tham mưu. Nhưng lý do chính là tác giả không coi những trận đánh đó như mục đích biểu hiện. Anh vượt lên trên nó để mô tả trong sự xét đoán, chiêm nghiệm. Đối tượng phải phản ánh cuối cùng vẫn là những con người tham chiến, là sự biến động trong quá trình nhận thức tự giác của từng cá nhân" (3).

Chính vì thế, về hình thức bên ngoài, hình thức văn bản, Thái Bá Lợi không chỉ thành công trong việc dồn nén dung lượng hiện thực, biểu hiện tính súc tích qua số trang của từng tác phẩm, mà còn thể hiện ở kết cấu từng chương, từng đoạn. Anh cố ý không nói hết, không miêu tả một cách đầy đủ mọi sự kiện, cảnh vật mà còn chừa một khoảng trống, một khoảng lặng ở các chương, các đoạn cho người đọc suy ngẫm, hình dung. Bán đảo có 107 trang được chia thành 3 phần và 15 ngắt đoạn. Trùng tu có 161 trang được chia thành 6 chương và 34 ngắt đoạn. Khê mama có 43 trang được chia thành 29 ngắt đoạn... Dường như ở khoảng trống giữa các chương, các đoạn hiện thực đời sống, hiện thực chiến tranh giản nở ra, chen chật, tự thân trở thành một thứ ngôn từ im lặng, nói lên nhiều điều. Người ta thường nói, sở dĩ thơ nói lên được nhiều điều với cuộc đời thông qua một hình thức văn bản khiêm tốn, bởi lẽ giữa các câu thơ còn nhiều khoảng trống. Điều đáng lưu ý là, sau những chương, những đoạn tiểu thuyết của anh vẫn giữ được logíc một cách mạch lạc, nhất quán. Chẳng hạn, trong Khê mama đang tả về quê hương của Khê: "Tôi chưa bao giờ hỏi về con đường học vấn của em, nhưng tôi nhớ có lần em nói quê ngoại là Kim Luông, còn quê nội ở đất lụa Gò Nổi. Cả hai nơi ấy đều là đất học". Đến đó, tác giả ngắt đoạn, chuyển sang nói chuyện trí tuệ, nhưng thực ra là nhằm nói về tính cách của Khê: "Tôi nghĩ trong cái hộc trí tuệ của Khê có những ngăn riêng biệt nhau, có vẻ như chẳng dính dáng đến nhau. Đang dùng những ngăn nghiêm chỉnh thì bất ngờ em mở những ngăn khác rất tếu táo" (tr. 101-
 102). Ở Trùng tu đang miêu tả một chiến sĩ bị thương báo cáo với Tham mưu trưởng: "Tôi không về sau đâu. Bị thương nhẹ thôi mà, còn cầm súng được. Thủ trưởng cứ để tôi ở lại chiến đấu", tác giả bỗng dừng, không cần biết Tham mưu trưởng trả lời ra sao, bỏ qua một ngắt đoạn để trở lại thì hiện tại: "Trong khi uống bia nhiều lúc nó nhìn tôi rất lâu.Tôi hiểu nó đang ngạc nhiên với những nét già đi của tôi bây giờ. Chắc nó cũng đang nghĩ không ngờ chúng tôi xa nhau đã mười mấy năm. Hồi đó chúng tôi mới tuổi hai mưoi. Tôi nhớ nó kém tôi một tuổi. Biết được chi tiết này là nhờ Tham mưu trưởng đưa cho tôi danh sách những người mới bổ sung...", lại tiếp tục tái hiện thời gian quá khứ, nhưng qua một sự kiện khác, một trận đánh khác, một phương diện khác, một vấn đề khác của chiến tranh.

Chính vì thế kết cấu trong tiểu thuyết Thái Bá Lợi không chỉ là hình thức mà còn là nội dung, tạo nên những chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất, các chu trình khép kín nhưng lại mở ra nhiều chiều hướng, nhiều cách nhận thức vấn đề khác nhau. Kết thúc các tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, Bán đảo, Khê mama là những kết thúc bỏ lửng, có thể hiểu các cuộc đời, các số phận còn tiếp tục trôi theo những dòng đời, còn đi tiếp trên những con đường gập ghềnh mà tính cách và số phận cuộc đời buộc họ phải đi. Với Trùng tu, anh mở đầu và kết thúc bằng cụm từ tôi và nó: "Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người còn sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế, tình cờ gặp nhau ở đây" (tr.5), ở một quán bia, cùng ngồi nhớ lại. Đến đoạn gay cấn nhất, cả tiểu đoàn bị vây đánh tan tác, họ chuyển sang một quán cà phê, uống hết cốc cà phê là kết thúc tiểu thuyết: "Lá thư mới nhất nó viết rằng dù khó khăn đến đâu việc trùng tu Huế trước sau cũng sẽ làm được, nó nói cảm xúc của nó đầy ứ trên mỗi viên gạch, mỗi bậc thềm mà nó đi qua, mà nó nhớ lại rõ ràng hơn nhờ ký ức gian khổ chúng tôi cùng trải, nhưng việc ấy làm sao quan trọng bằng việc trùng tu những điều năm tháng đi qua còn để lại, những con người bước từ trong đó ra kể cả nó và tôi" (tr.166)




4.
 Tiểu thuyết của Thái Bá Lợi còn có một giọng điệu văn chương riêng. Cùng miêu tả chiến tranh nhưng ở Nguyễn Minh Châu có giọng điệu đằm thắm, vừa có chất trí tuệ vừa  thể hiện nỗi đau giằng xé của phận người. Nguyễn Khải thường hay lý lẽ, biện luận một cách triết lý trước cuộc đời. Nguyên Ngọc mượt mà nhưng không kém phần rắn rỏi thể hiện quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Thái Bá Lợi lại có giọng điệu điềm tĩnh, tự nhiên, thậm chí có chút suồng sã, có phần bỗ bã, sử dụng nhiều giọng kể hơn là giọng tả, nhân vật thiên về hành động nhiều hơn là suy tư, xét đoán.

Sau chiến tranh, với một khoảng lùi thời gian trong một phạm vi nào đó, thông thường  các tác giả đều sử dụng giọng điệu trần thuật là phương thức chủ yếu. Thái Bá Lợi cũng không đi ra ngoài qui luật ấy. Nhưng ở anh vẫn có điểm khác biệt. Thậm  chí anh khác với chính anh. Ở những tiểu thuyết đầu như Họ cùng thời với những ai, Thung lũng thử thách... tác giả trần thuật ở ngôi thứ hai, tác giả đứng ngoài nhân vật, nhưng đứng rất gần, để trần thuật một cách khách quan. Đến Bán đảo (từ 1980, Thái Bá Lợi là học viên khóa I của Trường viết văn Nguyễn Du và đây là tác phẩm tốt nghiệp của anh), Trùng tu, Khê mama anh nhảy xổ vào trong tác phẩm, trần thuật sự kiện ở giọng điệu của ngôi thứ nhất, tất nhiên là hết sức khéo léo, khi thì tình cờ biết được, khi thì ngẫu nhiên gặp người đồng đội cũ, khi thì vô tình nhặt được cuốn nhật ký...Chính vì thế giọng điệu tuy có nhiều thay đổi, tạo ra sự linh hoạt, tự nhiên hơn, xuất phát từ cái nhìn và quan niệm nhân sinh của tác giả thay đổi, nhưng vẫn tỏ ra nhất quán, vẫn là Thái Bá đấy thôi! Vai trò chủ quan của người viết càng về sau càng được phát huy cao hơn, tư tưởng - nghệ thuật, phẩm chất trí tuệ và chiều sâu tâm hồn vì thế  càng đằm sâu hơn. Thỉnh thoảng còn lộ rõ cái tôi tác giả không chỉ chứng kiến mà cùng tham gia vào sự kiện, đồng hóa với hình tượng tác giả. Trong Bán đảo, giọng điệu trần thuật của anh giữ ở một khoảng cách, một cự ly vừa đủ để thể hiện ý nghĩa khách quan: "Đến đây, chúng ta những người theo dõi câu chuyện không khỏi băn khoăn khi các nhân vật dường như vẫn chưa tìm ra được cách giải quyết cho chính họ. Rồi lại thêm cái sự trở về bán đảo của anh Hải sẽ còn đẻ thêm ra những điều gì nữa (...). Riêng tôi, tôi có sự hồi hộp và lo lắng chính đáng" ( tr.69). Đến Trùng tu và Khê mama cái tôi tác giả xuất hiện có vẻ diễu cợt, tự trào hơn: "Một lần về phố Khê nhất thiết đòi tôi đưa em đến chỗ các văn nghệ sĩ. Tôi mời Khê đến một quán cà phê trên đường Ông Ích Khiêm. Ở đây có đầy đủ các văn nghệ sĩ của thành phố. Chúng tôi chọn cái bàn dựa lưng vào tường, theo cách ngồi của con nhà võ. Các văn nghệ sĩ đang sôi nổi luận bàn văn chương nghệ thuật. Tôi nhận ra ông TB nhà văn, người dong dỏng cao, ăn mặc lôi thôi, người viết truyện ngắn mà ba tôi nói là đọc được. Em gái tôi có xem phim hai ba người gì đó theo truyện của ông. Nó chê dở, nó nói viết như vậy nó cũng viết được" (tr.69). Thật khó mà phân biệt đâu là giọng điệu trần thuật, đâu là giọng điệu miêu tả, đâu là giọng điệu nhân vật.

Chỉ nhìn ở phương diện thi pháp hình thức như cách đặt tiêu đề cũng có thể thấy rõ càng ngày Thái Bá Lợi càng thể hiện đặc tính của một nhà tiểu thuyết rõ hơn: Hai người trở lai trung đoàn, Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai... là sản phẩm của văn chương thông tấn; đến Bán đảo, Trùng tu, Khê mama... đích thực là văn chương nghệ thuật. Điều này nhìn vào quá khứ, với bậc thầy Vũ Trọng Phụng, càng dễ thấy rõ hơn, với phóng sự là thể văn giao thoa giữa văn chương và báo chí, ông có Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây (ông gọi là phóng sự - tiểu thuyết), đến tiểu thuyết đích thực ông có Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ, Làm đĩ...

Trong số những nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh trong vòng ba mươi năm qua (1975-2005), Thái Bá Lợi là gương mặt tiêu biểu, nhất là đối với thể tài tiểu thuyết. Bằng thực tiễn sáng tác, Thái Bá Lợi có sự vận động, thay đổi quan niệm về tiểu thuyết, về chiến tranh, về lý tưởng thẩm mỹ, từ đó có những cách tân về cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm, trước tiên là sự đổi mới về không gian, thời gian nghệ thuật, về sự quan tâm đến số phận con người và về giọng điệu văn chương. Các yếu tố tạo thành chỉnh thể thống nhất chủ yếu trên đây của tiểu thuyết có sự hòa quyện khó phân biệt trong sáng tác của Thái Bá Lợi, trong quá trình anh kiến tạo một khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi, chứa đựng trong một không gian lép kẹp, thể hiện số phận mong manh của cuộc đời con người, như chính điều vấn tâm trong anh hơn ba mươi năm cầm bút, thể hiện ở những dòng cuối cùng trong tiểu thuyết Khê mama: “Chẳng lẽ những con người có khát vọng cháy bỏng tìm ra chính mình, tự hoàn thiện mình để rồi không bao giờ đánh mất mình nữa đã lên đường đến xứ sở của riêng họ rồi sao? Hay là họ đang ở quanh ta? Hay họ ở ngay trong chính con người ta mà ta không nhận ra?" (tr.103)... Ông Lợi ơi, những lục vấn đa đoan của ông, phải chăng cũng chính là câu trả lời của ông đấy thôi!
P.P.P

(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)

 




------------------------
(1) Nguyên Ngọc-Nhân đọc một tác phẩm mới của Thái Bá Lợi, báo Văn Nghệ 19.12.1981
(2)Phạm Quỳnh-Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, H. 1996
(3)Trần Quốc Huấn-Thái Bá Lợi, trong sách Về một vùng văn học, Viện văn học -
 Hội VHNT Quảng Nam Đà Nẵng xb 1983, tr. 233.


“Búi chỉ” của Thái Bá Lợi

Trần Chiến

 

Thái Bá Lợi là tác giả tôi thích đọc. Truyện ‘Hai người trở về trung đoàn” cho thấy ông có mẫn cảm sớm về thực tại sau chiến tranh. Không thật “vang dội” như vài tác giả sau đó chỉ vài năm, ông thật sự “đa tâm”, vừa nghĩ ngợi cái trước mắt vừa đánh thức nhiều điều mới đi qua nhưng có thể đã bị quên ngay. Văn ông kín, tỉnh táo, ít thứ tiết tấu trầm bổng khiến đọc vào bốc nhanh, mà giấu những mạch ngầm không dễ nhận. Dù thế, nhìn vào lượng tác phẩm và giải thưởng, nhà văn có chỗ đứng riêng trong trà viết của mình.

Ở tuổi 76, chả biết đã là “cuôi cuối” văn nghiệp chưa, Thái Bá Lợi ra tuyển 5 tập đồ sộ đóng hộp đẹp (NXB Hội Nhà văn). Tôi mừng cho ông và cũng… ngài ngại, sức đọc, sự tập trung của mình chả như xưa nữa. Bèn xem “Bút ký” trước. Hơn 200 trang, nhiều bài nhiều đoạn với nội dung chả biết có liên quan với nhau để tạo thành cái mạch nhất quán hay không, lại không ghi ngày viết. Nghĩa là rất khác lạ, cứ như búi chỉ. Nhưng đọc vài chục trang rồi, tôi không quan tâm đến “thể loại” nữa, hiểu vì sao ông chọn phần này cho tập 1.

Nhiều nhà văn, thông qua nhân vật, hành động, chi tiết… trong tác phẩm để gửi gắm tư tưởng, ẩn ức, cảm giác… của mình, những tầng chìm không dễ thấy. Trong “Bút ký”, Lợi cung cấp những mảnh mẩu đời riêng, tản mạn, có thể gián tiếp nhưng liên quan đến những gì viết ra. Một thứ hồi ức, tự truyện, tiểu sử không chính thức cho người muốn ngắm nghía tác giả, khả dĩ cắt nghĩa tác phẩm. Cảm giác của tôi là thấy nó sâu, nhiều cái để nghĩ và thích, lại nặng nề chất chồng. Thú thực là chả muốn “trải nghiệm” tất cả những gì ông đã từng, dù Lợi cũng có nhiều thời khắc được phiêu phưởng bay lượn.

Chiến tranh có lẽ là thứ ám ảnh, làm Thái Bá Lợi trở đi trở lại nhiều nhất. Nhập ngũ năm 1965, làm quân y sĩ trung đoàn thời chiến trường ác liệt, ông chứng kiến nhiều kiểu chết của đồng đội ngay trên tay mình, do bom đạn, sốt rét, đói… Cột mốc quan trọng là năm 1971 về Ban Văn học quân khu V, nhiệm vụ đầu tiên không phải viết mà là trồng sắn tự cứu. Ở với hai thủ trưởng “khác nết”, ông lặng lẽ nhận biết cái gì mình đáng học hỏi, tinh tế rời khỏi những va chạm. “… Nguyên Ngọc là người làm cách mạng thật sự, là kiến trúc sư cho sự nghiệp này… Người kiến trúc sư thiết kế căn nhà lý tưởng của mình, nhưng khi xây xong thì lại không phải căn nhà ấy. Nỗi đau rất lớn”. Những dòng này về Nguyên Ngọc thật thấu đáo, nhưng hình như Lợi “thấy” chưa đủ, lại chả muốn nói thêm. Bom đạn ngớt, ông về học khóa I trường Nguyễn Du. Truyện “Hai người trở lại trung đoàn” ra đời đem lại sự nổi tiếng và cả trắc trở.

Thời bình, gần như ngay lập tức, bất trắc đến khó ngờ.  “Tôi đáng được tuyên Anh hùng thời đổi mới vì nuôi vợ ở tù và hai con qua đại học”, Lợi trào phúng thuật lại. Những nỗi những nỗi nhiều quá nên tìm đến tôn giáo, những khúc quanh của lịch sử chăng, làm chỗ xả bỏ hay cứu cánh cuộc đời hẳn hoi? Tôi đã đọc tiểu thuyết “Trùng tu”, chả hiểu lắm, ai ngờ nguyên cớ sâu xa của nó lại từ những “vụ” thời chiến. Trong “Minh sư”, đoạn chuẩn bị xây chùa Thiên Mụ, Lợi đọc vị vĩ nhân Nguyễn Hoàng rất quái. Vô vàn cảm nhận về cuộc đời vừa trải qua, đang và sắp đến, ngược về thời thật xa xưa nữa, nếu không thành văn chương thì người mang nó chắc bị hành ác liệt. Cũng có lúc Lợi trở nên “chính luận” khi trở lại nỗi ám ảnh lớn nhất: “Trong những cuộc chiến tranh vừa qua, sự hủy diệt, lòng quả cảm, đức hy sinh đã được nói đến nhiều. Đau đớn của thất bại, của mất mát, hạnh phúc của chiến thắng cũng đã được nói đến nhưng đối thủ của dân tộc ta trong các cuộc chiến đó thì lại chưa đươc miêu tả đầy đủ và thường còn chung chung, sơ sài, vì vậy độc giả khó hình dung hết sự phức tạp, ác liệt của những thử thách mà chúng ta phải vượt qua”.

Thái Bá Lợi đã sống thật nhiều qua những giao du giao cảm sau này. Dân văn nghệ như Nguyễn Văn Xuân, Thu Bồn, Trần Vũ Mai đã đành, cả tướng lĩnh, chính trị gia, người chả tiếng tăm, lại “với tới” những tiền nhân Nguyễn Công Trứ, Lê Đại Cang. “Bút ký” phong phú nhưng không được kể mạch lạc, cứ cái này dắt dây cái kia, nên dường như càng giới thiệu càng thấy không đủ, thỉnh thoảng đem ra nhấm nháp lại thì hơn…

 Tác giả gửi viet-studies ngày 21-11-22