GS. Nguyễn Hồng Phong
Như trên tôi đã nói, tôi đến với điện ảnh bằng những sự tình cờ run rủi của số phận, không hề có sự chuẩn bị gì từ trước và cũng chẳng qua trường lớp nào. Gia đình tôi vốn là một gia đình toàn những người làm ngành y và dạy học. Trong tất cả những người thân ấy chỉ có một người am hiểu lĩnh vực văn học nghệ thuật nhất là cậu Nguyễn Hồng Phong – chồng của dì tôi là bà Nguyễn Thị Ngọc Trai.
Cậu tôi là nhà sử học, nhưng thật ra phải gọi ông là một nhà văn hóa mới đúng. Trong con người ông là một kho kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực: triết học, mỹ học, văn học, thơ ca, hội họa và đương nhiên là sử học, lĩnh vực ông làm việc trong nhiều năm cho đến khi với cương vị là Viện trưởng vào giai đoạn cuối đời. Có một người thân như vậy trong gia đình thực sự là một may mắn lớn đối với tôi khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Cha tôi là bác sĩ, suốt ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm bên chiếc kính hiển vi, ông chẳng có thể giúp gì cho tôi trong quyết định hệ trọng này. Biết vậy nên ông đã gửi gắm tôi cho người em rể của mình: cậu Phong tôi. Năm 1967, trước khi lên đường vào chiến trường B, ông còn gặp cậu tôi và nhắc lại lời gửi gắm đó. Không ngờ đó là mối quan tâm cuối cùng của cha tôi đối với tôi, và cũng là lần trò chuyện cuối cùng của cha tôi với cậu tôi, một người mà ông hay gần gũi tâm sự nhất trong gia đình. Từ đó cậu tôi trở thành người thầy của tôi theo đúng nghĩa của nó.
Tôi nhớ lại những bài học đầu tiên cậu tôi dạy cho tôi, là những bài giảng về triết học. Ông đưa cho tôi đọc rất nhiều tài liệu có liên quan đến triết học, mỹ học của những trường phái triết học phương Tây, những thứ thời đó còn bị coi là cấm kỵ. Đọc xong đến đâu, ông giảng giải phân tích cho tôi cặn kẽ. Những buổi “lên lớp” như vậy thường diễn ra sau những bữa ăn (một dạo ngày hai buổi, tôi ăn cơm tại nhà ông, sau khi đã đưa vợ con đi sơ tán về nông thôn). Đó là những ngày báo động liên miên trong thành phố.
Những buổi “lên lớp” như vậy không có giáo trình, giáo án (hay nếu có thì có lẽ được ông sắp xếp sẵn trong đầu) và người theo học là tôi, chỉ nghe mà không ghi chép. Cậu tôi có một cách nói thật sâu sắc mà giản dị, sáng rõ, có sức lôi cuốn kỳ lạ. Ai đã được nghe ông thuyết trình dù chỉ một lần thôi đều bị mê hoặc như thôi miên. Những lúc thụ học với ông sau những bữa ăn như vậy tại ngôi nhà số 6 Lý Thường Kiệt, tôi có cảm tưởng như mình là một đệ tử đang tầm sư học đạo theo lối giáo dục truyền thống của người xưa. Cái lối dạy truyền khẩu và học nhập tâm ấy đã cho tôi biết bao kiến thức cần thiết. Chúng đi vào tâm thức của tôi lúc nào không hay. Sau khi đã trang bị xong cho tôi một số kiến thức cơ bản về triết học, mỹ học, ông bắt tôi đọc sách: tiểu thuyết, thơ văn, kể cả kho tàng ca dao, tục ngữ. Ông giảng giải cho tôi về những trào lưu văn học hiện đại của phương Tây, những trường phái hội họa trên thế giới (ông có viết một cuốn sách rất hay về Picasso). Đặc biệt ông hướng sự quan tâm của tôi vào kho tàng văn hoá dân tộc qua thơ văn của các tác giả cổ điển trong nước, qua ca dao, tục ngữ (đến bây giờ tôi vẫn cho rằng bài viết của ông về Hồ Xuân Hương có lẽ không ai có thể viết hay hơn). Không chỉ giới hạn trong những kiến thức trên, ông còn cho tôi được tiếp cận rất sớm với nền văn học sáng tác trong vùng tạm chiếm ở miền Nam qua các tạp chí Văn, Bách khoa, các tiểu thuyết của các nhà văn Sài Gòn, những ấn phẩm được cung cấp để cơ quan ông nghiên cứu và chỉ được lưu hành trong nội bộ. Do vậy sau khi hai miền thống nhất, vào Nam tiếp xúc với các văn nghệ sĩ trong ấy, tôi không bị bỡ ngỡ.
Trong con người thông thái về nhiều lĩnh vực xã hội nhân văn, với phương pháp tư duy chặt chẽ khoa học như ông, còn có một trái tim vô cùng nhạy bén trước cái đẹp. Có lần ông đọc cho tôi nghe 4 câu thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư mà ông rất thích:
Xưa em là chồi biếc
Nằm giữa lòng câu kinh
Anh là Thiền sư buồn
Ngồi đọc dưới ánh trăng.
Lần đầu tiên, cũng do ông mà tôi biết được hai câu ca dao da diết sau đây:
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này khế ơi...
(Hai câu ca dao này về sau tôi đã đưa vào trong một trường đoạn kết của phim Trở về).
Bằng văn học, thơ ca, bằng những hình tượng trong ca dao, bằng những phân tích về hội hoạ ông đã tập cho tôi cách tư duy bằng hình ảnh, một phẩm chất không thể thiếu của người làm điện ảnh. Đạo diễn Fellini, người Ý có nói một câu về nghề đạo diễn điện ảnh như sau: “Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là một thế giới quan”. Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói đó. Thật vậy người đạo diễn không phải là người có trong tay một mớ thủ pháp rồi hành nghề. Cái hành trang quan trọng nhất khi bước vào nghề này là cái thế giới quan, cái cảm quan thẩm mỹ của riêng anh. Không có cái đó, người đạo diễn chỉ là một người thợ (thợ khéo hay thợ vụng). Tôi có làm được chút gì trong điện ảnh cho tới nay cũng do được cậu tôi sớm định hướng từ đầu theo chiều hướng đó. Chính ông là người đã trang bị để tôi có được một cách nhìn sự vật của riêng mình để rồi từ đó làm công việc sáng tác. Tôi từng được chứng kiến nhiều cuộc đàm đạo tại nhà cậu tôi giữa ông và các bạn bè như giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Đình Quang, nhà nghiên cứu Vũ Hoàng Địch, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu v.v... những người bạn tâm đắc của ông. Giá như có ai ghi lại tất cả những điều ông nói trong các cuộc trò chuyện đó, hệ thống chúng lại, có thể trở thành những cuốn sách rất hay, rất bổ ích. Tôi có cảm tưởng những gì ông nói ra còn hay hơn những gì ông đã viết (mặc dầu những công trình nghiên cứu do ông viết ra cũng đã giá trị lắm rồi). Đó là điều mà nghĩ lại tôi cảm thấy rất tiếc.
Tại miền Bắc ngày ấy, bà ngoại tôi có 6 người con rể: giáo sư Nguyễn Hồng Phong, kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Thao (nguyên thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ), trung tướng Cao Văn Khánh, nhà nghiên cứu dịch thuật Lê Xuân Ninh, và cha tôi: bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Trong gia đình còn có các bác sĩ Tôn Đức Lang, Nguyễn Thị Ngọc Toản, nhà xã hội học Nguyễn Phước Tương và nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai, đều là các dì, các cậu của tôi. Mỗi lần giỗ tết tất cả nhà sum họp trên gác ba ngôi nhà tập thể 16A Hàn Thuyên. Những lúc ấy, gương mặt bà tôi rạng rỡ trong một niềm vui pha lẫn tự hào. Bà tôi tự hào là phải bởi cũng hiếm có một mái nhà nào hội tụ đông đủ những con người như vậy. Tôi biết rằng đó là những giây phút hạnh phúc nhất của bà tôi, vợ của quan Thượng thư triều đình Huế, đã từ bỏ tất cả để theo các con, dâu, rể ra Việt Bắc tham gia kháng chiến.
Nhưng hạnh phúc bao giờ cũng ngắn n
gủi. Những ngày vui sum họp trong gia đình tôi chẳng được bao lâu. Nhiều người thân của tôi đã lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng. Khi còn sống, họ đều âm thầm dạy dỗ tôi bằng chính cuộc sống của mình, bằng nhân cách và phẩm giá của mình. Và người trực tiếp dẫn dắt tôi đi vào con đường nghệ thuật chính là giáo sư Nguyễn Hồng Phong - người cậu và cũng là người thầy của tôi.