Nguyễn Văn Đông
Theo Wikipedia_ Nguyễn Văn Đông,
Nguyễn Văn Đông (1932-2018), nguyên quán ở Tây Ninh, nổi tiếng qua những ca khúc về người lính như Chiều mưa biên giới, Sắc hoa mầu nhớ… Năm 1972, ông được thăng cấp đại tá, và giữ cấp bậc này cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Sau ngày đó, vì là một sĩ quan cao cấp của chính thể cũ nên ông bị chính quyền mới bắt đi học tập cải tạo, cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Tuy nhiên, khi có Chương trình Ra đi có Trật tự, ông không xin đi xuất cảnh mà ở lại sống thầm lặng cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, Tp HCM.
Ngay từ thập niên 1950, Nguyễn Văn Đông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Ông tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.
Nguyễn Văn Đông là người tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Giao Linh: Sơn Ca 6, Khánh Ly: Sơn Ca 7, Lệ Thu: Sơn Ca 9, Phương Dung: Sơn Ca 5 và Sơn Ca 11, Thái Thanh và Ban Thăng Long: Sơn Ca 10… cùng một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.
Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính miền Nam thời đó. Nhạc phẩm Phiên gác đêm xuân được ông viết vào đêm 30 Tết Nguyên đán năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. Chiều mưa biên giới ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. Riêng Chiều mưa biên giới và Mấy dặm sơn khê từng gây cho ông nhiều khó khăn khi bị Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa ra quyết định vào năm 1961 cấm phổ biến vì lý do phản chiến.
Tên tuổi của Nguyễn Văn Đông gắn liền với ca khúc Chiều mưa biên giới. Anh Tú (2018) cho biết bối cảnh ra đời của ca khúc này như sau.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời để lại cho lòng người ái mộ âm nhạc những tiếc nuối. Một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Chiều mưa biên giới được ông sáng tác năm 1956. Bài hát được mở màn với câu Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Rất nhiều người nghe, thích câu này và cũng thắc mắc “biên giới” mà Nguyễn Văn Đông nhắc đến là “biên giới nào”.
Năm 1956, Nguyễn Văn Đông là trung úy của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu nhằm đối phó với lực lượng của Ba Cụt (tướng Lê Quang Vinh). Tài liệu đăng trên báo CAND cũng xác nhận: “Vào ngày 5.1.1956, Dương Văn Minh phát lệnh một cuộc tấn công đại quy mô có mật danh là ‘Thoại Ngọc Hầu’ nhằm vào lực lượng của Ba Cụt… Dù đang ‘nước sôi lửa bỏng’, thay vì ém quân thật kỹ, hàng ngày các tay súng của Ba Cụt vẫn ngang nhiên đột nhập vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây với một tờ báo hải ngoại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng kể về hoàn cảnh sáng tác bài Chiều mưa biên giới: “Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười, là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã: Chiều mưa biên giới anh đi về đâu…”
Câu sâu lắng nhất trong Chiều mưa biên giới phải kể đến đoạn cuối đầy triết lý nhân văn: Người đi khu chiến thương người hậu phương…
Không phải người hậu phương thương người đi ra chiến trường mà ngược lại chính người ra sa trường nghĩ và thương cho người ở hậu phương. Ở đây, có sự đồng cảm rõ giữa Nguyễn Văn Đông và nhà thơ Hữu Loan trong bài Màu tím hoa sim (sáng tác 1949) với câu: Nhỡ khi mình không về / thì thương / người vợ chờ /bé bỏng chiều quê…
Cùng là người khoác áo lính, với những âm hưởng đậm chất lính nhưng lại rất nhân văn, trong tâm trạng rất thật của con người, Nguyễn Văn Đông và Hữu Loan để lại cho chúng ta những tác phẩm bất hủ, lắng đọng mãi trong lòng người.
Cuối tháng 7.2017, ca khúc Chiều mưa biên giới được nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giới thiệu trong album “Tình bơ vơ” sau khi anh xin và được cấp phép biểu diễn.
Video âm thanh, Đàm Vĩnh Hưng:
Video trình diễn sống, Đào Anh Thư, trong chương trình “Bolero nhạc vàng xưa”:
Video trình diễn sống_Liên khúc Chiều mưa biên giới & Sắc hoa màu nhớ, Tiêu Châu Như Quỳnh & Triều Quân, trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”: