Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

Nghề dạy học ở Việt Nam qua góc nhìn một người nước ngoài

 Tôi đã không hình dung được rằng nghề dạy học ở Việt Nam khó khăn đến vậy.

Nghề dạy học ở Việt Nam qua góc nhìn một người nước ngoài

Tác giả: Jesse Peterson. Nguyên tác tiếng Việt

Tôi quen “người mẹ Việt Nam”, cô Trinh, hồi mới đến Việt Nam. Cô Trinh mời tôi dạy tiếng Anh ở một số trường tại TP HCM, năm 2009. Lớp quá nhiều học sinh, có lớp gần 60 em. Không tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa lỗi thời, phòng học thì nóng và học sinh gặp khó khăn khi trao đổi.

Tôi không làm việc ở đó lâu được. Tôi nghĩ rằng giáo viên ở đây thật sự rất bản lĩnh, hy sinh cả cuộc đời chịu khổ để dạy cho các em từng con chữ, một công việc cao quý vô cùng. Cô Trinh đến giờ vẫn còn gắn bó với giảng đường của mình, tuy khó nhưng cô không bỏ cuộc. Có lần cô nói với tôi: “Cô không coi chúng là học sinh, mà là những đứa con của cô”. Tôi ngưỡng mộ sự hy sinh của những người như cô lắm.

Với tôi, giáo viên Việt Nam là những anh hùng. Rõ ràng mình nên hậu đãi họ như những người tận tâm và chuyên nghiệp. Đầu tư vào giáo viên cũng chính là đầu tư vào tương lai của Việt Nam, đem sự thoải mái để đổi lấy nỗ lực của họ. Có một khoản lương tốt, họ sẽ không cần phải làm thêm giờ, hay nhận tiền hối lộ để nâng điểm cho bất kỳ học sinh nào, đầu óc chỉ tập trung vào sự sáng tạo khi giảng dạy tại trường. Trung bình, bộ óc của chúng ta chỉ có được tối đa ba tiếng sáng tạo mỗi ngày.

Sau thời gian dạy cùng cô Trinh, tôi mở một câu lạc bộ dạy học viên những kỹ năng cần thiết để học tốt, một thí nghiệm nhỏ của tôi. Tôi dạy các bạn trẻ những kỹ năng liên quan đến thảo luận và tranh luận trong một nhóm, dựa vào phương pháp “The Harkness”. “The Harkness” là phương pháp giảng dạy và học tập bằng cách cho học sinh ngồi thành hình bầu dục lớn, thảo luận các ý tưởng trong không khí cởi mở nhất. Giáo viên chỉ quan sát, thi thoảng khuyến khích, động viên học sinh đưa ra ý tưởng riêng của họ, tự thuyết phục và trao đổi với nhau. Cả nhóm sẽ phải đảm bảo rằng tất cả thành viên đều tham gia vào cuộc trò chuyện như nhau.

Đây là cách để mỗi thành viên đều có thể suy nghĩ cùng nhau, “trôi” với nhau. Harkness được sử dụng nhiều ở trường học tại Mỹ. Nhà trường can đảm trao trách nhiệm cho học sinh, để thế hệ trẻ biết cách tự chịu trách nhiệm về con đường học vấn của chúng. Nhờ đó các em độc lập hơn, biết nói chuyện một cách bình đẳng. Học sinh có thể tự quản được lớp học của họ.

Trong nhóm học sinh của tôi, có một cậu bé không thể nói chuyện với bất kỳ ai. Thật không may là những người khác đã không khuyến khích em ấy thảo luận cùng cả nhóm. Tôi có thể tưởng tượng em sẽ như thế nào trong mô hình lớp học vuông truyền thống của Việt Nam, ngồi một góc thật sâu cuối lớp, tránh ánh mắt của các thầy cô, nhiều năm liền. Tất nhiên sau một thời gian dài trốn tránh các bài học, em không có khả năng tự suy nghĩ hoặc đóng góp ý kiến cho một cuộc thảo luận nhóm.

Ở nhiều lớp học tại Việt Nam, yêu cầu bàn tròn gồm 60 học sinh, sinh viên là phi thực tế. Do vậy, việc tập trung giao trách nhiệm cho chính học sinh, hướng dẫn họ cách quản lý theo nhóm nhỏ hợp lý hơn. Giáo viên đứng sang một bên tin tưởng và dõi theo sự tiến bộ của họ. Mô hình lớp học vuông ở Việt Nam, với số lượng học sinh hiện tại, đang đứng trước nguy cơ trở nên lỗi thời. Nó hoàn toàn không hỗ trợ sự đóng góp bình đẳng các ý tưởng và sự phát triển khả năng của các cá nhân. Những người ngồi phía trước, gần gũi với giáo viên hơn, sẽ nhận được nhiều thông tin hơn, còn những người ngồi phía sau tiếp tục trì trệ.

Đó là một lý do làm cho xã hội Việt Nam dường như thiếu mất văn hóa tranh luận và thảo luận hiệu quả, đúng mực. Tôi thấy nhiều người nhanh chóng huỷ bỏ, chê bai một ý tưởng trước khi kịp suy nghĩ sâu sắc về nó. Họ chưa nghe hết câu đã vội vàng nói: “Không”, thậm chí đưa ra đánh giá vội vàng. Những ý tưởng hay và nghiêm túc như làm sao để tạo ra một con tàu không gian bay vào vũ trụ, cách kìm chế dịch bệnh thế kỷ, hay làm thế nào để giải quyết những vấn đề tồn tại triền miên trong xã hội. Câu trả lời chỉ có được khi chúng ta cùng ‘trôi’ với nhau, cùng trao đổi, tranh luận bằng thiện chí và tận tình.

Rất khó để giáo viên Việt Nam cảm thấy tự do sáng tạo dạy học trong môi trường học đường hiện nay vì có quá nhiều quy định từ cấp trên. Nhưng nếu không phải họ thì ai? Chỉ giáo viên là người hiểu rõ học sinh của mình nhất. Và họ nên được là người chủ động trong việc thiết kế lớp học, cách dạy và học cho chính những “đứa con” của mình. Bởi khi bị kiểm soát quá sát sao, đặc biệt là các đánh giá tiêu chuẩn xếp hạng giáo viên, các buổi dự giờ, nó làm các giáo viên áp lực và chỉ tập trung vào các con số vô vị, cốt sao đầu tiên là giữ được việc làm.

Các trường học có thể phát triển giáo trình của riêng mình, tập trung vào các kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo nhất, cách làm việc nhóm, làm quen với tư duy phê phán và kỹ năng giao tiếp. Hãy cho những người trẻ một lý do để học tập thay vì đe doạ điểm kém.

Một người bạn năm ngoái bay từ Mỹ về Việt Nam thăm tôi. Ông bảo bây giờ công ty Mỹ đã có robot bay trên không giao hàng, Google có xe tự động lái. Một tương lai không xa, robot sẽ thay thế hết các công việc lao động tay chân, con người chỉ còn lại các công việc sáng tạo. Chính vì vậy, sáng tạo ở các trường học quyết định tương lai của tất cả chúng ta.

Theo VNEXPRESS 

Giáo dục Việt Nam qua góc nhìn của một du học sinh

Trước khi qua Úc, tôi có học lực khá tại một trường điểm ở Việt Nam nhưng vẫn cảm thấy thật sự rất lo lắng... không biết với kiến thức đã học có giúp tôi có đủ tự tin và trình độ để hòa nhập được nhanh không. (Hien Nguyen)
Thư ngỏ của một học sinh giỏi gửi Bộ trưởng Giáo dục

Người gửi: Hien Nguyen 


Sau khi đọc bài viết này, tôi rất đồng ý với những nhận định của bạn. Bản thân tôi, một người ở thế hệ 8X, đã trải qua 12 năm học ở Việt Nam, chưa bao giờ tôi cảm thấy hài lòng và vui vẻ trong suốt những năm học đó. Hệ thống giáo dục nước nhà thật sự quá tải, không còn phù hợp.

Như những gì bạn viết rất sát với thực tế và tôi sẽ không nhắc lại nữa mà chỉ viết thêm một vài suy nghĩ của một sinh viên xa quê hương, đang tiếp thu một nền giáo dục của Úc, nơi được cho là top về giáo dục của thế giới.

Ở Việt Nam, dường như chúng ta quá đặt nặng vấn đề học thêm, như một vòng lẩn quẩn không có lối thoát. Có nhiều người bạn thời trung học của tôi nghèo không học thêm nhà thầy nhưng thành tích học vẫn rất xuất sắc. Bởi vậy, chuyện học thêm quá tải chưa phải là giải pháp tốt nhất để nâng cao kiến thức, mặt khác nó có thể gây ra những tác dụng ngược lại mong muốn đó là "sợ học".

Trước khi qua Úc, tôi có học lực khá tại một trường điểm ở Việt Nam. Cũng như nhiều bạn khác, tôi đã học rất nhiều và dồn hết tâm sức chỉ mong đạt được thành tích thật cao. Đến bây giờ nhìn lại, những người bạn kia đã vào đại học, trong đó một số lại không đến đâu vì không xác định được con đường đi của chính mình.

Học vì thành tích, trách nhiệm và bổn phận. Nhưng khi ra trường, nắm tấm bằng trong tay, có mấy ai thật xuất sắc, hay là "kiến thức trả về cho thầy" và không có một kiến thức thực tiễn nào có thể áo dụng được trong công việc... dẫn đến hiệu quả công việc lại không cao. Nếu xét về thái độ cũng như thao tác làm việc thì không thể chấp nhận được, rất thiếu trách nhiệm và tinh thần "team work".

Tôi may mắn vì gia đình có điều kiện cho du học. Sau khi tiếp cận với một nền văn hóa và giáo dục mới, tôi đã thay đổi rất nhiều, trở nên năng động và tự tin hơn.

Trước khi du học, tôi thật sự rất lo lắng... không biết với kiến thức đã học ở Việt Nam có giúp tôi có đủ tự tin và trình độ để hòa nhập được nhanh không. Rồi có rất nhiều người nói với tôi rằng "...tôi thấy ai qua nước ngoài du học đều giỏi cả, tại dân mình học nhiều, siêng năng nên chắc chắn là tư duy tốt rồi... sẽ giỏi hơn người nước ngoài đấy chứ...".

Rồi có một thời gian học cấp 3, tôi học sút và một người thầy đã mắng tôi rằng "... học hành kiểu này thì làm sao mà du học nước ngoài được, uổng tiền cha mẹ thêm chứ được ích lợi gì...". Rồi tôi tự tạo cho mình một áp lực và chuẩn bị tinh thần lên đường đến nơi xa lạ học hỏi.

Khi qua đây, tôi bất ngờ vì được giáo viên rất nhiệt tình giúp đỡ về bài vở và vốn tiếng Anh. Sau những giờ lên lớp, giáo viên đều ở lại lớp để giúp sinh viên những phần chưa hiểu, hoặc bất cứ giờ nào giáo viên không có lớp thì sinh viên có thể đến phòng của giáo viên bộ môn để hỏi thêm kiến thức, thậm chí giáo viên sẽ đưa ra một vài gợi ý cho assignment (bài luận do sinh viên viết).

Ở đây, hầu hết sinh viên bản xứ đều có thói quen tự học, vừa học vừa làm mà vẫn học rất tốt... Tôi nhận thấy ai cũng nhanh nhạy, thao tác học tập và làm việc cũng đều xuất sắc, bởi vì họ được dạy cho cách như vậy từ khi học trung học, rất tự lập và hiểu biết về xã hội tốt. Vừa học vừa chơi nhưng rất thành tích vì tinh thần thoải mái sẽ tạo nên sự phấn khởi và hăng say trong học tập.

Trong khi đó, sinh viên Việt Nam hầu hết chỉ biết học, rất thụ động, chỉ có những sinh viên nghèo hoặc có mục tiêu riêng thì mới vừa học và hòa nhập vào cuộc sống xã hội linh hoạt. Còn nhắc đến chuyện sinh viên Việt Nam qua nước ngoài học giỏi thì nguyên nhân chính đó là tự học và học hành rất thoải mái.

Một học kỳ, tôi và các sinh viên ở đây chỉ học 4 môn (có quyền đăng ký thêm nếu muốn). Những môn này rất liên quan đến ngành tôi học và cũng có thể áp dụng được nhiều kiến thức cho công việc sau này. Vì hồi trước đã quen với việc học 12 môn mỗi học kỳ nên bây giờ tôi cảm thấy học rất thoải mái, thời gian đầy đủ và rất dễ nhớ bài.

Nếu học 4 môn liên quan đến ngành học thay vì 8 môn (một số môn không hữu dụng) thì rất dễ nhớ và nhớ lâu vì có nhiều thời gian để học cả hai phần lý thuyết và thực hành. Mỗi môn được chia ra làm ba phần: Lecture (lý thuyết), Workshop (thực hành) và Tutorial (lớp chia theo nhiều nhóm để trả lời bài tập và ôn lại kiến thức bài vừa học). Thời gian trên lớp rất ít để sinh viên tự học và đi làm thêm.

Tôi có thể kết luận, ngoài sinh viên bản xứ, sinh viên du học tại đây hầu hết đều tiến bộ rất nhiều về mọi mặt: hiểu biết, suy nghĩ rộng hơn, sâu sắc hơn, tự lập và linh hoạt, thích nghi rất nhanh với nhiều hoàn cảnh khác nhau, đời sống năng động và ý thức vế cuộc sống cao hơn. Chính vì vậy, đất nước có nền giáo dục tiến bộ thì kinh tế sẽ phát triển theo, đời sống văn hóa xã hội tốt và văn minh.

Những học sinh - sinh viên Việt Nam rất mong muốn nền giáo dục nước nhà sẽ có nhiều thay đổi tốt hơn để bồi dưỡng kiến thức văn hóa và xã hội cho thế hệ trẻ, từ đó đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển đất nước, một Việt Nam đẹp hơn trong lòng người dân và còn đẹp hơn trong lòng bạn bè thế giới.