Kỳ 1: 'Không có ai chọn cửa mà sinh ra'
TTO - 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên nghĩa tình...
"Tôi không được gặp ông nhiều, nhưng nhắc đến ông lúc nào cũng rớt nước mắt. Những chỉ đạo, những lời nói của ông lúc nào cũng đúng thời điểm, đúng khao khát của mọi người để đi thẳng từ trái tim tới trái tim, nhất là những năm đầu thống nhất, TP.HCM ngổn ngang khó khăn, phức tạp...", bà Huỳnh Quan Thư đọc lại những bài viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân mà rưng rưng.
Và đó cũng là tấm lòng của bao người , từ cán bộ, trí thức đến đồng bào lao động nhắc nhớ ông với sự thương quý không quên.
100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên nghĩa tình...
Đã cống hiến tuổi thanh xuân cho những phong trào sinh viên đòi hòa bình, chống chiến tranh ở ĐH Văn khoa, đã thoát ly vào khu theo hoạt động Thành Đoàn, sau ngày thống nhất Huỳnh Quan Thư ôm con gái mới vài tháng tuổi, dắt con trai vừa biết đi về Sài Gòn. Đằng sau niềm vui hòa bình của đất nước là nỗi đau của người thiếu phụ: chồng cô - anh hùng liệt sĩ Lê Quang Lộc - hy sinh chỉ vừa hai tuần.
Chỗ dựa trong bước chông chênh
Những năm tháng hối hả sau đó không có chỗ cho nỗi niềm riêng. Được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thiếu nhi ở quận Bình Thạnh, rồi sau đó là Thành Đoàn, cô Thư lao vào công tác không chỉ với nhiệt huyết của một cán bộ mà còn với tâm trạng một người mẹ.
"Sau chiến tranh, người lớn bị cuốn vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, những đứa trẻ phải chịu rất nhiều thiệt thòi dù có xuất thân thế nào. Mất mát - thiếu vắng cha, mẹ, người thân, thiếu thốn vật chất từ miếng ăn, hụt hẫng tinh thần từ một món đồ chơi. Rồi những phân biệt lý lịch chính trị bắt đầu xuất hiện ảnh hưởng lớn đến các bạn trẻ, đến cả các em thiếu nhi. Thương lắm!...", bà Thư tâm sự.
Bao năm rồi mà bà Thư chưa quên những chuyện đau lòng. Những ưu tiên vì là con liệt sĩ không xua được nỗi thiếu vắng cha của hai con. Những phân biệt đối xử đây đó với thanh niên khiến Thư khó xử và bất lực trước những câu hỏi của bạn bè, kể cả những người đã từng cùng tham gia phong trào sinh viên.
Rồi đến chính cha mẹ của cô trở thành đối tượng của chiến dịch cải tạo công thương nghiệp. Giữa lúc đó thì thông điệp trong lời phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt tại Đại hội Đoàn thành phố năm 1977 xuất hiện như một điểm tựa: "Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không có ai chọn cửa mà sinh ra. Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và thanh thản trong tâm hồn. Không có sự phân biệt đối xử trên con đường đi tới...".
Bài phát biểu được báo Tuổi Trẻ đăng toàn văn, lan đi nhanh như sóng.
"Tôi đã ứa nước mắt như nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối. Niềm tin trong tôi có lại chỗ dựa vững chắc. Những hoạt động thiếu nhi, thanh thiếu niên do tôi tổ chức được tiếp nguồn sinh khí mới. Và đúng là bí thư không phát biểu rồi quên đi. Những ngày ấy ông và bộ máy chính quyền đang phải lo từ gạo - dầu cho dân, nguyên liệu sản xuất cho nhà máy, rồi bao nhiêu việc về nhân sự, về con người của thành phố, nhưng lời hứa "dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi" ông vẫn nhớ. Thương xá Tax đang bị bỏ quên giữa những cuộc kiểm kê hàng hóa, từ một nơi buôn bán sầm uất, sang trọng nhất Sài Gòn mà lúc ấy thường xuyên cửa đóng then cài, tối đen như nhà hoang. Bí thư Võ Văn Kiệt chỉ đạo: dành vị trí đẹp nhất trung tâm ấy để mở Cửa hàng phục vụ thiếu nhi. Từ ban thiếu nhi Thành Đoàn, tôi được phân công về đó làm phó chủ nhiệm...", bà Thư rưng rưng nhớ lại.
Từ đó - 1978 - thương xá Tax bắt đầu hồi sinh với những cô mậu dịch viên đeo khăn quàng đỏ, chấm dứt cung cách phục vụ "theo tiêu chuẩn - theo phân phối" dù mặt hàng rất thiếu thốn. 1981, các gian hàng được bổ sung, mở rộng và phát triển thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố. Lầu 2 với vị trí không gian đẹp nhất được dành làm gian hàng thiếu nhi.
"Và đâu chỉ có vậy - bà Hoàng Lê Tuyết Ngọc góp thêm vào câu chuyện - Từ 1976, Bí thư Võ Văn Kiệt đã ký quyết định giao cho Thành Đoàn khu dinh thự 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để tổ chức thành Nhà Thiếu nhi thành phố. Tôi được giao làm chủ nhiệm. Những ngày đầu ít người, việc làm không xuể, ông vẫn theo dõi sát và có lần gọi chúng tôi lên trách cứ: "Nghe nói tụi bay để cỏ mọc um tùm trong khuôn viên nhà thiếu nhi phải không?". Có lãnh đạo như vậy, làm sao không làm cho tốt? Sau này nữa, khi rời thành phố ra Hà Nội để trở thành Thủ tướng, căn nhà công vụ mà ông để lại đã được thành phố dành để làm trường mẫu giáo theo đúng mong muốn của ông: luôn dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi. Thành phố soi tương lai của mình trên vầng trán các em".
"Các em yêu quý..."
"Không có ai chọn cửa mà sinh ra", ông Sáu Quang - Nguyễn Chơn Trung vẫn nhớ quan điểm nhân văn này đã có từ lâu trong ông Sáu Dân trước khi phát biểu thành lời súc tích, và "chính điều đó đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ" khi Thành ủy giao nhiệm vụ cho Thành Đoàn phát động phong trào thanh niên xung phong khai khẩn đất hoang những ngày đầu năm 1976.
Hai tháng phát động ròng rã ở các Đoàn thanh niên, chỉ có hơn 2.000 đoàn viên đăng ký tham gia. Chỉ tiêu được giao tối thiểu phải vận động được 10.000 người, và đó cũng là số nhân lực cần thiết để lao động trên Nông trường Phạm Văn Cội (Củ Chi) sẽ bắt đầu ngay sau ngày ra quân đã định là 26-3-1976.
"Tôi lo quá, và nghĩ chỉ có cách đưa thêm nhóm thanh niên chế độ cũ, binh lính rã ngũ vào thì mới hoàn thành được. Nhưng Thành Đoàn cũng có người lo ngại, có ý khác. Tôi đến gặp ông Sáu Dân hỏi ý kiến, ông gật đầu ngay: họ là thanh niên, trước đây sống trong chế độ cũ, nay sống trong chế độ mới, và chế độ nào thì cũng cần họ đóng góp với đất nước cả".
Quan điểm thông, chỉ vài tuần lễ đã hơn một vạn người đăng ký gia nhập TNXP, có cả những người đang cai nghiện ma túy.
Ngày ra quân ở sân vận động Thống Nhất, Bí thư Võ Văn Kiệt đã khiến nhiều thanh niên Sài Gòn ứa nước mắt từ lời mở đầu: "Các em đoàn viên thanh niên yêu quý... Tôi xin phép được bày tỏ với lứa tuổi hai mươi của đất nước đã hết đau thương và từ đây thẳng đường đi tới chủ nghĩa xã hội tất cả tấm lòng trìu mến và kỳ vọng thiết tha của những lớp thanh niên nối tiếp nhau đã từng tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, Cách mạng Tháng Tám. Lý tưởng của họ, ước mơ của họ chính là hiện tại mà hôm nay các em đang sống. Nếu sau này các em có điều kiện ôn lại kỹ càng một giai đoạn cách mạng hùng vĩ đã qua của dân tộc, các em sẽ biết thương yêu vô hạn Tổ quốc Việt Nam ngàn lần yêu dấu. Các em sẽ mạnh lên gấp bội vì một niềm tin ở nhân dân và đất nước...".
Bài diễn văn gợi nên nỗi xúc động sâu xa trong lòng những thanh niên Sài Gòn đang chấn động, hoang mang, vì sự thay đổi thời cuộc.
Ông Sáu Quang kể: "Sau buổi ra quân, lực lượng TNXP lại tiếp nhận được thêm mấy ngàn người nữa. Vào chiến dịch Trần Quang Cơ, cứ chiều cuối tuần là chúng tôi thấy xe chở ông Sáu Dân đến. Ông xuống từng đơn vị trò chuyện với anh em, ở lại ngủ đêm trong lán trại, sáng vác cuốc xuống công trường. Sự có mặt của ông là nguồn động viên rất lớn với chúng tôi và còn lớn hơn nữa với những người thuộc dạng "tệ nạn xã hội" đang mượn mồ hôi trên nhát cuốc để làm lại cuộc đời...".
Linh mục Huỳnh Công Minh bảo ông luôn cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi nhắc đến ông Sáu Dân. "Ông Sáu Dân là một trong những người cộng sản đầu tiên tôi gặp sau ngày đất nước thống nhất".
Kỳ 2: 'Tổ quốc không của riêng ai'
TTO - 'Ông Sáu Dân là một trong những người cộng sản đầu tiên tôi gặp sau ngày đất nước thống nhất', linh mục Huỳnh Công Minh tâm sự ông luôn cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi nhắc đến ông Sáu Dân...
Chở từng túi gạo tặng nhân sĩ, trí thức thời khó
"Trước đó, khi đang du học và được thụ phong linh mục ở Pháp, năm 1969 tôi về Việt Nam làm luận án tiến sĩ và chọn ở lại trong tình cảnh chiến tranh leo thang vì sợ tình hình càng phức tạp thì không còn cơ hội về nước. Tôi tham gia nhiều hoạt động của các trí thức và giáo dân chống tham nhũng và bị cho là làm bất lợi cho chính quyền...
Song không phải vì vậy mà chúng tôi không lo lắng khi đất nước thống nhất, chế độ thay đổi. Rất nhiều tin đồn về chính quyền của những người cộng sản. Nhưng rồi không hề có việc đóng cửa nhà thờ, không hề có việc linh mục bị bắt đi lao động, không có việc trả thù giáo dân, và ông Sáu Dân đã chủ động cho người đến tìm tôi...", linh mục Huỳnh Công Minh kể tiếp.
Đi gặp bí thư Thành ủy, những người lãnh đạo mặc áo cán bộ vừa từ rừng núi về tiếp quản thành phố, linh mục Huỳnh Công Minh không khỏi hồi hộp, nhưng khi gặp, ông bí thư rất ấm áp và thiện chí. Ông cho biết đã tìm hiểu và biết linh mục Minh có nhiều hoạt động tích cực, gần gũi và có uy tín với giáo dân lao động, lại là người thân tín của Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.
Ông đề nghị linh mục làm cầu nối để được gặp Đức Tổng giám mục với mong muốn tìm sự hòa hợp trong lòng yêu nước của những người kính Chúa và những người cộng sản. Linh mục Minh đã rất bất ngờ và cảm động: "Tôi thật không mong gì hơn vì quả thật nhiều người Công giáo đã gặp phải sự phân biệt, bị coi là người của chế độ cũ, bị coi không phải người yêu nước chân chính".
Mọi việc sau đó còn vượt quá điều ông mong đợi. Cuộc gặp giữa Đức Tổng giám mục với bí thư đã diễn ra thật tốt đẹp, và hai người đã mau chóng hòa hợp đến mức xem nhau là bạn, gọi nhau thân thiết "anh Năm - anh Sáu". Từ đấy, cứ vài tháng ông Sáu Dân lại đến gặp ông Năm Bình ở trụ sở báo Công Giáo Dân Tộc, kể cả khi ông đã chuyển ra công tác Hà Nội thì những cuộc gặp có thưa hơn nhưng vẫn duy trì.
"Nhờ hai ông mà quan hệ giữa Công giáo và chính quyền ở TP.HCM nhẹ nhàng chứ không căng như nhiều địa phương khác dẫu vẫn có rất nhiều sự biến xảy ra", linh mục Huỳnh Công Minh nhắc về hai người thân thiết trong đời. Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết cho các giáo dân của mình: "Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong lòng dân tộc. Đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết".
Còn ông Sáu Dân đã từng viết về ông Năm Bình: "Giữa bao mặc cảm và cả ngộ nhận, ông đã chia sẻ với một người cộng sản không phải để chiều thời mà để xây dựng trần thế. Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là một tấm gương về sự kiên trì xóa bỏ thành kiến bằng cách chủ động bước vào cuộc sống mới, tạo ra thực tế mới để xây dựng niềm tin chân thành, vững chắc".
"Còn về tôi - linh mục Huỳnh Công Minh nhớ rành mạch - sau rất nhiều lần tôi tìm đến bí thư trình bày các vấn đề của giáo dân, ông đã đề nghị tôi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa Quốc hội thống nhất đầu tiên. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được việc đó, nhưng rồi tôi đã thành đại biểu, đại diện giáo dân trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đầu tiên do Bí thư Võ Văn Kiệt làm trưởng đoàn.
Trong các cuộc họp, ông luôn dặn tôi: "Thời gian có ít, linh mục hãy chọn phát biểu, đề xuất lên Quốc hội những việc gì để giúp người con Chúa thấy phù hợp với đời sống mới mà chúng ta đang xây dựng". Từ ông mà tôi đã hiểu người cộng sản hơn, cũng giúp giáo dân chúng tôi được nhiều hơn".
Linh mục Huỳnh Công Minh bật cười kể một chuyện mà ông bảo "thật xấu hổ khi người ta thường đồn các ông lãnh đạo hay quan liêu, thế mà trong chuyện này, tôi là một linh mục cũng được tiếng là gần dân lao động, lại còn quan liêu hơn, không hiểu đời bằng ông bí thư".
Câu chuyện lại quay về những ngày thành phố thiếu ăn vì chế độ phân phối tem phiếu, vì quan điểm tự sản tự tiêu, vì cấm chợ ngăn sông từ hạt gạo, túi đường. Nhiều người đã kể chuyện ông bí thư Sáu Dân ngày ấy cho nhân viên chở từng túi gạo đi tiếp tế đến các trí thức, văn nghệ sĩ mà ông biết phiếu gạo không đủ lo cho cả gia đình. Nhân viên của ông cũng đã chở gạo đến gặp linh mục Minh.
Linh mục từ chối: "Tôi đã được giáo dân tiếp tế, lại có thêm mẹ tôi ở Củ Chi cho thêm rau củ. Nhà thờ không đến nỗi thiếu. Cảm ơn ông bí thư". Thế nhưng hôm sau lại thấy ông Ba Huấn (Nguyễn Văn Huấn - phó chủ tịch TP.HCM thời ấy) đi xe đến: "Anh Sáu nói nhờ linh mục dẫn đường đến thăm các sơ ở Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm".
Đường sang Thủ Thiêm ngày ấy chưa có cầu, chưa có hầm, đi xe phải vòng qua cầu Sài Gòn sang Thủ Đức, quanh co đường ruộng sình lầy mãi mới đến nơi.
Linh mục Huỳnh Công Minh cười đỏ mặt ở tuổi 81 hôm nay: "Tới rồi thì tôi thấy mình thật có lỗi quá. Các sơ không đủ gạo, vất vả nuôi trồng, Thủ Thiêm hoang sơ, giáo dân nghèo, không người tiếp tế. Mấy bao gạo, thực phẩm được khiêng xuống, mừng chi mà mừng. Ông bí thư lại sâu sát hơn cả tôi, biết được cả cảnh khổ mà các sơ đã chẳng bao giờ hở môi...".
Một lựa chọn - Triệu tấm lòng
Những câu chuyện nho nhỏ như vậy hôm nay đã trở thành chuyện trăm năm Võ Văn Kiệt mà nhiều người vẫn cứ kể mãi về ông không dứt. Nghe những chuyện như vậy chợt hiểu "sức hấp dẫn Sáu Dân" của ông từ đâu mà tỏa ra không những đến những tầng lớp người Việt mà đến cả những lãnh đạo đồng cấp với ông ở nước ngoài. Ấy là từ tấm lòng rộng mở với tất cả nhưng chọn lựa lại đinh ninh chỉ một: vì mọi người, vì đất nước, vì dân tộc, vì lẽ phải.
Một lựa chọn ấy thôi và ông sẵn sàng nghe, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng dẫn dắt. Ngay như tôi, 20 năm trước là một phóng viên mới vào nghề, chưa biết gì về cuộc đời và càng chưa hiểu gì về Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay ông Sáu Dân, nhưng tôi đã được ông cho hẹn gặp riêng chỉ để ghi ý kiến về chuyện oan khuất của một người đồng chí, đã được cho phép tham dự những cuộc họp với các nhóm trí thức mà ông vẫn thường xuyên tổ chức kể cả khi đã nghỉ hưu.
Chính trong những cuộc tiếp xúc trực tiếp ấy mà tôi hiểu được những bước đi của người lãnh đạo như ông hóa ra không hề dễ dàng mà vẫn chông gai, những ý kiến của người có uy tín lớn như ông hóa ra vẫn có thể rơi vào thinh lặng.
Ở bên cạnh ông, những nhà khoa học, nhà kinh tế không phải không có lúc buồn, nhưng ông Sáu Dân không cho phép nản lòng. Ông khẳng định: "Miễn là việc đúng, việc hợp lý, khả thi, miễn là việc vì lợi ích chung, miễn là có sự vào cuộc tâm huyết của khoa học, đề xuất lần thứ ba chưa được thì lần thứ tư, thứ năm, không ngại "bất quá tam". Làm việc vì dân, vì nước thì phải kiên nhẫn".
Cùng trách nhiệm với tương lai đất nước
Bao nhiêu người đã quy tụ quanh ông Sáu Dân như thế, và ông luôn bên cạnh, chào đón, bảo vệ họ: "Tổ quốc không của riêng người cộng sản, cũng không của riêng tôn phái nào, mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Chúng ta không nên và không thể đòi hỏi toàn xã hội đều có hành động yêu nước giống nhau. Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, nếu khơi dậy đúng đắn mạch nguồn dân tộc, sẽ có những cách yêu nước phù hợp khác nhau, miễn là mọi người hợp lực cùng đảm đương trách nhiệm với tương lai tươi sáng của đất nước".
***************
"Sau lần tui nói thẳng tuột lại ngay dinh Thống Nhất, cứ nghĩ chú Sáu Dân giận, nhưng không, chú vẫn vui vẻ. Chú về An Giang vẫn cùng tôi lội đồng, thăm ruộng, thăm dân"
Kỳ 3: Nặng lòng với ruộng đồng, mồ hôi nông dân
TTO - Ông Bảy Nhị trải lòng rồi đây lịch sử sẽ còn tiếp tục kể mãi vị Thủ tướng đã có quyết sách đúng đắn khai phá vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đào kênh T5, T6 xả lũ trị phèn, ngăn mặn, khai khẩn đất hoang để bật lên tiềm năng vựa lúa...
"Lần đầu tôi gặp chú Sáu Dân lại là lần tôi nghĩ ổng sẽ giận mình. Vậy mà chú hổng hề giận, sau xuống An Giang vẫn nhớ, vẫn quý và vui vẻ kêu tôi cùng lội đồng, thăm dân", nhiều năm đã trôi qua ông Bảy Nhị, tức nguyên chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Chỉ thị 200 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ban đầu cũng làm nhiều người bất ngờ, vì dẹp "cầu tõm" vốn đầy ở miền Tây. Nhưng rồi mọi người đã thấy sự đúng đắn của Thủ tướng khi nông thôn sạch, đẹp, văn minh hẳn lên.
Ông NGUYỄN MINH NHỊ
Sợ giận mà lại thương
Ôn chuyện cũ, ông Bảy Nhị vẫn cười rổn rảng: "Hồi đó tui đang làm giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang, lòng dạ vẫn nặng nề những chính sách đất đai làm mất lòng dân, rồi cải tạo công thương nghiệp, ngăn sông cấm chợ...
Năm 1988, được tỉnh cử đi dự Hội nghị ở dinh Thống Nhất do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì, tui đã định có dịp sẽ "nói thẳng, nói mạnh". Mà tính tui xưa giờ là như vậy, từ hồi vô rừng kháng chiến đến đi làm cán bộ sau năm 1975, đều ghét nói uốn lưỡi.
Đến lúc nghe chú Sáu Dân nói "cán bộ miền Tây nhiều người nhậu quá trời, quá lãng phí" thì tui nóng tai. Lúc được phát biểu, tui nói cán bộ dưới này có nhậu thì cũng chỉ uống rượu đế, không thể làm lãng phí, thiệt hại, tụt hậu bằng những chính sách sai lầm...".
Ông Bảy Nhị nhớ lúc đấy thấy ông Sáu Dân nghiêm nét mặt vốn bình thường hay cười thân thiện. Cứ nghĩ ông sẽ giận mình, nhưng nhanh chóng sau đó Bảy Nhị biết mình đã nghĩ sai. Tính ông Sáu Dân gần gũi, quý người dám nói thẳng nói thật, không "tròn trịa" để vừa lòng cấp trên.
Thủ tướng về làm việc ở An Giang đều gặp gỡ nói chuyện thân mật mà rất thẳng thắn với ông Bảy Nhị, dù là hồi ông còn làm giám đốc Sở Nông nghiệp hay sau này là phó chủ tịch, rồi chủ tịch tỉnh.
Ông Sáu Dân mến ông Bảy Nhị ở sự sát dân, nằm lòng nỗi niềm nông dân. Còn ông cán bộ tỉnh càng thêm quý ông Sáu Dân khi đã tìm hiểu kỹ về ông, nhất là sau chuyện ở dinh Thống Nhất.
"Chú Sáu Dân nói được, làm được và dám làm những việc khó như "xé rào" đem gạo về cho dân thành phố ăn, rồi làm thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV, chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên...
Nhưng tui ấn tượng nhất với chú là sự chân thành chiêu hiền đãi sĩ sau năm 1975. Chính nhờ lòng chân thành, tin dùng của chú mà nhiều trí thức chế độ cũ đã ở lại, tận tâm cống hiến cho đất nước giai đoạn mới", ông Bảy Nhị tâm sự.
Về sau, ông Bảy Nhị lại có thêm kỷ niệm khó quên. Hôm đó đúng ngày 2-9, Thủ tướng đi thị sát tình hình lũ lụt miền Tây bằng máy bay trực thăng để nhận định toàn cảnh. Khi xuống máy bay, vào họp với tỉnh An Giang, ông nói ngay câu đầu tiên: "Bà con dân mình còn nghèo quá! Trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy toàn nhà cửa trống huơ trống hoác".
Nghe lời từ đáy lòng Thủ tướng, ông Bảy Nhị và nhiều cán bộ trong buổi họp thật sự xúc động. Mọi người hiểu câu nói này cũng chính là mệnh lệnh cán bộ phải đảm đương trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, nếu không thì làm cán bộ làm gì?
Ông Bảy Nhị cũng rất tâm đắc câu nói của Thủ tướng: "Bác Hồ là lãnh tụ, nay không còn. Anh em mình không ai là lãnh tụ cả, chỉ có cùng nhau gồng gánh sự nghiệp này thôi". Ngay đêm đó, ông Bảy Nhị về nhà đã làm bài thơ về ông Sáu Dân, trong đó có câu "Trên cao nhìn thấu những lều tranh"...
Đầu tháng 11-2022, An Giang được mùa nước nổi lớn sau nhiều năm kiệt. Nhắc nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu chủ tịch tỉnh lúa trải lòng ông Sáu Dân tuy có trọng trách cao ở Hà Nội mà vẫn gần dân, luôn gắn với dân, nhất là ở những vùng còn nghèo khó.
Trước chuyến đi thực địa vùng tứ giác Long Xuyên, ông Sáu Dân hỏi bí thư An Giang vùng này còn đất hoang không và được nghe câu trả lời không còn. Ai ngờ người lái ca nô dẫn đoàn đi chạy lạc đường, mất thêm thời gian. Mọi người sượng ngắt. Ông Sáu Dân nói: "Nhờ lạc mới biết đất còn hoang nhiều quá".
Bận đại sự nhưng vẫn rất Dân, rất "đời"
Một lần, ông Bảy Nhị kể chuyện con gái mình trước khi đi bầu cử Hội đồng nhân dân, đã hỏi ai ra lệnh cấm đốt pháo Tết để gạch tên người đó. Người cha trả lời con đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nghe kể lại chuyện, ông Sáu Dân cười nói: "Tôi cũng thấy buồn. Mà anh em đề nghị thay vào bằng kéo hết còi xe, còi tàu, đổ chuông các nhà thờ, thánh thất... lúc giao thừa. Như vậy cũng thấy lơm cơm quá, không được".
Cố Thủ tướng là thế, phải bận tâm nhiều vấn đề đại cuộc mang tầm vóc dân tộc, quốc gia, ông vẫn tinh tế quan tâm những chuyện tưởng "nhỏ" nhưng lại không hề nhỏ trong lòng dân.
Trong những bài thơ về ông Sáu Dân được viết từ cảm xúc thương quý của mình, ông Bảy Nhị đã có những câu mộc mạc mà ấm áp thế này: "Vẫn là Thủ tướng của nhân dân/ Vẫn là anh Sáu mọi gia đình/ Lồng lộng bóng soi miền sông nước/ Đời nặng ân tình, đất nặng chân...".
Miên man nhắc về ông Sáu Dân, hình như kỷ niệm nào của vị cựu chủ tịch An Giang cũng có hình ảnh nông dân, ruộng đồng.
Ông Bảy Nhị trải lòng rồi đây lịch sử sẽ còn tiếp tục kể mãi vị Thủ tướng đã có quyết sách đúng đắn khai phá vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đào kênh T5, T6 xả lũ trị phèn, ngăn mặn, khai khẩn đất hoang để bật lên tiềm năng vựa lúa..., nhưng riêng ông sẽ nhớ mãi những ngày dầm mưa dãi nắng, lội ruộng, băng kênh cùng ông Sáu Dân.
"Chú Sáu đi để hiểu, để quyết sách chuyện lớn lao mà vẫn gần gũi, chân tình với bà con nông dân. Có lần chú xuống tận ấp, bà con và chính quyền địa phương mời cơm dân dã, mời rượu đế. Chú vui vẻ kéo ghế tham dự và nói đủ sức mời mỗi người một ly. Rồi những lần chú muốn gặp lại gia đình các bạn bè cũ, tui tính thu xếp mời họ tới vì biết chú rất bận. Nhưng chú không chịu, vẫn lội bộ vào tận nơi, thăm hỏi từng người, trao tận tay gói quà nghĩa tình", ông Bảy Nhị tâm sự sẽ nhớ mãi về một chú Sáu rất Dân, rất đời như thế.
Long Xuyên về khuya, nhiều nhà đã tắt đèn, ông Bảy Nhị vẫn kể tiếp một kỷ niệm nhớ mãi. Khoảng năm 1999, ông Sáu Dân về An Giang dự Hội thảo kênh Vĩnh Tế. Trong bữa cơm tối thân tình, ông Bảy Nhị hát bài Người lính già vui vẻ của Thanh Trúc có những câu "Năm xưa ấy ta lên đường/ cầm tầm vông đánh Tây can trường.../ Dầu nay mái tóc hoa râm/ mà lòng vẫn thấy thanh xuân/ Nợ non sông chưa trả hết.../ Đời trẻ trung oanh liệt của chúng ta...".
Ông Sáu Dân xúc động, ngân nga hát theo. Về TP.HCM, ông đã gọi điện cho ông Bảy Nhị in gửi tặng mình bài hát đó.
"Sau này, tui có nghe chú Sáu vẫn ngân nga hát Người lính già vui vẻ, bài hát như chính cuộc đời chú", vị cựu chủ tịch tỉnh lúa xúc động nói về vị lãnh đạo mà ông vô cùng thương quý.
"Lòng tin của tui với chú Sáu Dân đến một cách tự nhiên, khởi đầu từ chuyện ông kể cho tui nghe công lao của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân yêu nước ở miền Nam qua hai cuộc kháng chiến, rồi kết luận: Người ta theo cách mạng nếu mất là mất cả sự nghiệp vợ đẹp con ngoan, còn mình nếu có mất thì chỉ mất cái quần đùi, vậy mà lại nói người ta yêu nước, có công không bằng mình. Chính chỗ này lại càng thấy uy tín Bác Hồ lớn lắm".
Ông Nguyễn Minh Nhị
********************
"Có nhiều kỷ niệm về ông Sáu Dân, nhưng tôi nhớ nhất là kỷ niệm của ông đối đãi với nhân sĩ ở lại sau năm 1975. Những người không cần quyền, không cần tiền mà cần được làm việc, cống hiến, và ông Sáu đã khơi dậy được điều đó".
Kỳ 4: Khơi dậy niềm tin nhân sĩ
TTO - Năm nay, ông Sáu Dân tròn 100 năm, còn giáo sư Võ Tòng Xuân cũng tuổi 82 và từng trải nhiều giai đoạn lịch sử chiến tranh, thăng trầm của đất nước.
Ngay lần đầu được gặp chú Sáu Dân ở Đại học Cần Thơ năm 1976, tôi đã ấn tượng tốt đẹp. Tính chú bình dị, thân thiện và tin tưởng trí thức. Có lần chú không ngại nói thẳng là chú không chuyên môn gì về khoa học nhưng chú biết lắng nghe nhà khoa học. Nếu thiếu chân tình này, chưa chắc đã giữ được nhiều nhân sĩ, trí thức ở lại.
Giáo sư Võ Tòng Xuân
"Ngay năm 1976, tôi đã được gặp chú Sáu Dân, một người mà tôi và nhiều trí thức khác đặc biệt kính trọng. Chú Sáu về làm việc ở miền Tây, hay ghé thăm người bạn Bảy Khai là hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, và tôi đã may mắn được tiếp xúc, được hiểu về chú ở đây", giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn bằng lời xưng cháu, chú ấm áp niềm thương quý.
Gặp gỡ thân tình ở Đại học Cần Thơ
Giáo sư Xuân kể hồi đó ông Sáu Dân về Cần Thơ hay nghỉ ở nhà khách trường đại học. Có lẽ ngoài lý do yên tĩnh, kín đáo, nơi này ông còn có dịp tâm tình với người bạn thân Bảy Khai, tức giáo sư Phạm Sơn Khai.
Quê ông Sáu Dân ở Vĩnh Long, còn ông Bảy Khai miệt Tân Hiệp, Kiên Giang. Hai người đã thân nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông Bảy tập kết ra Bắc, ông Sáu ở lại tiếp tục con đường kháng chiến giành độc lập cho đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông Bảy Khai vào tiếp quản Viện đại học Cần Thơ (sau đổi thành trường đại học) và làm hiệu trưởng từ năm 1976 đến 1986. Ông Sáu Dân có dịp về công tác miền Tây, thường ghé thăm bạn.
Bên mâm cơm đơn sơ thời hậu chiến, đôi bạn hàn huyên kỷ niệm, từ chuyện năm xưa đi kháng chiến đến những trăn trở phát triển đất nước thời bình.
"Chính những lúc đó, tôi đã hiểu được tầm cao của chú Sáu Dân cũng như tấm lòng ấm áp, tin người, biết dùng người của chú", giáo sư Xuân kể. Hồi trước năm 1975, Viện đại học Cần Thơ có một chương trình phát triển nông nghiệp được Mỹ hỗ trợ.
Đợt di tản vội vã cuối tháng 4-1975, các chuyên gia Mỹ hỏi đồng nghiệp Việt Nam có đi thì họ sẽ hỗ trợ. Một người đã đi, nhưng hầu hết chọn ở lại, trong đó có giáo sư Võ Tòng Xuân. Họ có niềm tin rằng mình làm khoa học nông nghiệp thì giai đoạn nào, chính phủ nào không cần ruộng lúa tốt tươi, nồi cơm ắp đầy.
Khi vào tiếp quản, một trong những câu hỏi đầu tiên của ông Bảy Khai là giáo sư Võ Tòng Xuân còn ở đây không? Bởi ông có nghe qua đài chương trình nông nghiệp của nhà khoa học nông nghiệp này.
Lần đầu về gặp bạn, chính ông Sáu Dân cũng hỏi câu này và kể hồi trong chiến khu, có hay nghe chương trình canh nông "Gia đình bác Tám" của giáo sư Võ Tòng Xuân.
Chương trình thường phát sóng radio lúc 5h sáng để chỉ bày canh nông thiết thực. Khi biết hầu hết giảng viên Đại học Cần Thơ chọn ở lại với quê hương, ông Sáu Dân rất xúc động, vui mừng.
"Tôi nhớ mãi chú Sáu Dân đã có những lời chân tình thế này: Sau chiến tranh, đổ nát, đất nước có thể sẽ bị đói kém, người dân có thể khổ. Nên rất cần các nhà nông nghiệp giúp bà con nông dân sản xuất thật tốt, làm ra được nhiều lúa gạo...", giáo sư Xuân tâm sự tính Thủ tướng là thế.
Ông nói thẳng, nói thật và rất gần gũi trí thức, quan tâm sâu sắc đến nỗi lòng và cả hoàn cảnh gia đình họ. Chính nhờ vậy, Hội trí thức yêu nước sau năm 1975 đã quy tụ được nhiều nhân vật có tài, có tâm ở miền Nam sẵn sàng gạt qua nghi ngại, mặc cảm, bất đồng để đóng góp cho dân tộc bước sang giai đoạn lịch sử mới. Họ đã lắng nghe sự kêu gọi chân thành của ông Sáu Dân.
Những nhân sĩ, trí thức không cần tiền, không cần quyền mà chỉ cần được làm việc đúng đắn, được cống hiến cho dân tộc mình.
Giáo sư Xuân kể ông có người bạn thân là giáo sư C.P.N.S.. Sau ngày đất nước thống nhất, họ chọn ở lại và vui vẻ bàn tính với nhau về khả năng và cách thức đóng góp cho đất nước bước qua thời hậu chiến khó khăn. Tuy nhiên, giáo sư S. có người vợ lấn cấn với cuộc sống mới, chính quyền mới và muốn ra đi.
Tình cảnh gia đình khiến vị giáo sư kia khó yên tâm làm việc. Gần gũi, sâu sát với trí thức và biết chuyện này, ông Sáu Dân đã tổ chức cho vợ con nhà khoa học đó đi Pháp thuận lợi. Chuyện lan ra, các trí thức chọn ở lại càng thêm mến ông Sáu Dân.
Hưởng ứng tấm lòng ông Sáu Dân
Có một kỷ niệm về cố Thủ tướng mà giáo sư Xuân và nhiều đồng nghiệp đã và sẽ còn nhớ mãi. Đó là lần ông Sáu Dân tâm sự: Anh em đề nghị cái này cái kia không phải ai cũng nghe, nhưng ông nghe, ông tin anh em.
Anh em trình bày điều gì đến ông thì ông nói lại và người ta sẽ nghe ông, nên anh em cứ bày tỏ hết lòng. Nhưng anh em phải nhớ nếu bày người ta làm trật thì anh em phải chịu trách nhiệm. Nhiều năm nhắc nhớ chuyện này, giáo sư Xuân vẫn xúc động kể mọi người rất vui với những lời thẳng thắn của ông Sáu Dân.
Ông đã khẳng định niềm tin với các trí thức miền Nam ở lại và yêu cầu mọi người phải chịu trách nhiệm với công việc của mình. Còn điều gì cần và quý hơn thế với người trí thức.
Hưởng ứng tấm lòng của ông Sáu Dân, chính giáo sư Võ Tòng Xuân đã kêu gọi nhiều bạn bè, mỗi người giỏi một lĩnh vực trong ngành nông nghiệp để khôi phục ruộng đồng, nâng cao năng suất cây lúa đem lại chén cơm cho người dân thời đất nước còn ngổn ngang khó khăn sau chiến tranh.
Về sau, giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nhiệt thành tham gia nhóm tư vấn cho cố Thủ tướng về lĩnh vực nông nghiệp, những khi có việc gì cần đến chuyên môn ông đều đóng góp sự hiểu biết của mình.
"Chính những cuộc họp này, tôi càng thấy rõ sự lắng nghe, tin tưởng của chú Sáu với nhân sĩ, trí thức. Và chính tấm lòng đó đã khơi dậy niềm tin...", giáo sư Xuân kể thêm ông "khoái nhất" là lời kêu gọi trí thức phải chịu trách nhiệm.
Chính phải "chịu trách nhiệm" này mà ông và các trí thức đóng góp ý kiến gì đều không chỉ có lòng tận tâm mà còn phải nghiên cứu cẩn thận.
"Tôi nhớ một thời bừng bừng khí thế đóng góp. Thầy cô giáo, sinh viên nông nghiệp đều ra ruộng với bà con nông dân. Vừa tận tình giúp đỡ bà con kỹ thuật canh nông, chống sâu rầy, họ vừa sưu tầm giống làm ngân hàng giống lúa.
Ai cũng muốn góp sức với đất nước", giáo sư Xuân kể thêm chính ông Sáu Dân đã vui vẻ nói: "Anh em làm khuyến nông như vậy rất tốt, nên đưa chương trình lên truyền hình vì bà con rất thích xem".
Về sau, ông Sáu Dân cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp lập thêm Cục Khuyến nông, nhưng ban đầu cũng có những ý kiến ngược xuôi vì bộ đã có nhiều cục. Ông nói về mà xem chương trình khuyến nông rất hiệu quả của miền Tây như ở tỉnh An Giang đã làm.
Thế rồi, Cục Khuyến nông cũng ra đời. Đây chính là một trong những việc làm của ông Sáu Dân mà giáo sư Xuân và nhiều nhà khoa học khác rất quý. Một lãnh đạo có tầm cao mà cũng rất thực tế, hiểu sâu sắc nông dân mà nghèo thì sao đất nước giàu mạnh được...
Tham gia đại biểu Quốc hội ba khóa 6, 7, 8 suốt 17 năm, giáo sư Xuân cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Có những kỷ niệm vui, kỷ niệm "đụng", nhưng không hề có sự nặng nề, bởi mọi người đều hiểu tấm lòng của ông với người dân, với đất nước.
Một lần, đại biểu Xuân đăng đàn đề nghị Thủ tướng Võ Văn Kiệt diệt tham nhũng như đã trị thành công đốt pháo. Thủ tướng trả lời đại biểu yêu cầu trị tham nhũng như đốt pháo, nhưng xin thưa quốc nạn tham nhũng này đâu có dễ nghe, dễ thấy như đốt pháo, nên phải cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ để diệt trừ.
Giáo sư Xuân cười, hiểu lời ông Sáu Dân. Tính Thủ tướng là thế, nói là nói thẳng, không ưa vòng vo lời xuôi tai, nhưng ông nói được, làm được và hợp lòng dân...
______________________________
Giữa bề bộn công việc của Bí thư Thành ủy hay sau này là Thủ tướng, ông Sáu Dân vẫn thường sắp xếp đến với những buổi họp chiều thứ sáu của nhóm Thứ Sáu để lắng nghe lời tâm huyết...
TTO - Nhắc đến "nhóm Thứ Sáu", những người quan tâm đến những bước đi đổi mới ở TP.HCM và cả nước sẽ nhớ đến nhóm trí thức "đa không" cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Không chủ quản - trụ sở, không chức vụ - quyền hạn, không lương - thưởng nhưng nhóm Thứ Sáu lại có những nghiên cứu, đề án mang tính tiên phong đã giúp định hình chính sách, tạo bước ngoặt quyết định để đưa kinh tế Việt Nam bước qua bóng tối của thời kỳ "đêm trước đổi mới".
Trân người nghe sự thật
Nghiên cứu đột phá về giá - lương - tiền dẫn đến kết quả trả cơ chế giá về cho quy luật cung cầu, bãi bỏ tình trạng cấm chợ ngăn sông. Chính sách hỗ trợ sản xuất, đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng đã được hiện thực hóa bằng các pháp lệnh ngân hàng. Các nghiên cứu phát triển ngoại thương, đề tài kinh tế vàng góp mặt vào các chính sách, các dự án lớn…
Một đặc điểm nữa: hầu hết thành viên của nhóm là những trí thức, chuyên viên kinh tế cao cấp thời Việt Nam cộng hòa. Vậy thì họ đã đạt được những thành quả đó bằng cách nào?
"Đó là nhờ hai ông họ Võ, đã dang tay làm hai cái "vỏ" chắn trên - chắn dưới cho chúng tôi: ông Võ Trần Chí làm vỏ đỡ phía dưới, ông Võ Văn Kiệt làm vỏ che phía trên, có vậy nhóm trí thức chỉ biết tư duy và chỉ có nhiệt huyết như chúng tôi mới tồn tại và mới làm được việc", ông Phan Chánh Dưỡng nhắc lại không biết đã là lần thứ mấy trong đời.
Những năm bao cấp khó khăn, giữa bề bộn công việc của một Bí thư Thành ủy hay sau này là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt vẫn thường sắp xếp đến với những buổi họp chiều thứ sáu của nhóm Thứ Sáu.
Sự có mặt của ông như một sự công nhận nhóm trí thức yêu nước, như một chỗ dựa và hơn nữa như lời cam kết của chính quyền, và là nguồn động viên rất lớn cho mọi người. Nhiệt huyết của nhóm được hun đúc bằng niềm tin mình được làm việc, được đóng góp những điều ích nước, lợi nhà.
Những đề xuất của nhóm cũng vì thế mà đúng trọng tâm hơn, mạnh mẽ hơn. Là người lớn tuổi nhất, mạnh miệng nhất, ông Lâm Võ Hoàng sau này cứ áy náy mãi vì nhiều lần ông đã phát biểu trong sự bức xúc không kiềm chế trước những bất hợp lý, trái quy luật của tình hình thực tế dù cho Thủ tướng đang ngồi ở đó. Ông Sáu Dân thì cười xòa mà rất nghiêm túc nói về cảm giác của mình những lúc ấy: "Thì cứ phải trân người ra mà nghe chớ biết làm sao, vì các cậu ấy nói đúng mà".
Với ông Phan Chánh Dưỡng, hỏi tới ông Sáu Dân, lúc nào cũng chỉ một lời: "kỷ niệm nói sao cho hết được". Ba mươi năm, hai ông gắn bó qua những hoạt động của nhóm Thứ Sáu, Tổ tư vấn Thủ tướng, những dự án xây dựng TP.HCM, và gắn bó như những người bạn vong niên với bao câu chuyện đời.
Ông Dưỡng vẫn nhớ lần đối thoại trực tiếp đầu tiên khi ông Sáu Dân tổ chức buổi trao đổi với các trí thức cũ trong làn sóng đổi mới, sửa sai cuộn trào sau Đại hội VI. "Có người nói trước đây kế hoạch áp một cách duy ý chí từ trên xuống dưới, nay phải xây dựng kế hoạch từ dưới lên trên, ông Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tỏ ý tán thành, tôi lại lập tức hỏi: Tại sao?
Ông nói: Thế cậu thì nghĩ thế nào? Tôi đứng lên nói: Tôi nghĩ kế hoạch vẫn nên xây dựng từ trên xuống để có sự bao quát, đồng bộ, nhưng phải xây dựng trên cơ sở số liệu trung thực, báo cáo thực tế từ dưới lên. Ông Sáu bật cười hài lòng rồi cho phép tôi trình bày tiếp hơn nửa giờ đồng hồ nữa…".
Những lần gặp tiếp theo, ông Dưỡng luôn được ông Sáu Dân "nhớ mặt, chỉ tên", và lời mời phát biểu thường kèm theo lời dặn: "Tôi vào họp không đội "mũ - nón" gì cả, các anh cứ nói thoải mái, chướng tai tôi vẫn sẵn sàng nghe".
Được lời như cởi tấm lòng, Phan Chánh Dưỡng - Huỳnh Bửu Sơn - Trần Bá Tước - Lâm Võ Hoàng, những thành viên được mời vào Tổ tư vấn Thủ tướng đã phát huy hết mức những hiểu biết trong tính cương trực của mình. Không ít người tỏ ý lo ngại, khuyên ông Dưỡng nên bớt lại sự thẳng thắn, bộc trực vì "phải nhớ mình là ai và đang nói chuyện với người nào".
Là một thầy giáo chuyển sang làm kinh tế với nhiệt huyết cháy bỏng muốn cống hiến vì công việc chung, ông Dưỡng cùng bạn bè ông đều không ngại mà nhủ lòng: những báo cáo làm hài lòng cấp trên ắt đã nhiều người nói, lãnh đạo gặp mình là muốn nghe lời nói thẳng mà thôi. Các ông đã tận dụng mọi cơ hội để thổ lộ những bức xúc đau đáu và khát khao của mình với nền kinh tế, sự phát triển của thành phố, của đất nước, và may thay đã gặp được người lãnh đạo đồng điệu.
"Từ đó mà những dự án chúng tôi xây dựng - từ dưới lên - như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đô thị Phú Mỹ Hưng… đã được Thủ tướng phê duyệt, được sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền thành phố.
Những người trí thức cũ như Huỳnh Bửu Sơn, như tôi và các anh em nhóm Thứ Sáu, từng là những người nhỏ bé - yếu thế trong xã hội, lại có cơ hội được làm những việc lớn ấy, thật biết ơn vô cùng", niềm xúc động này cứ rưng rưng trong lòng ông Dưỡng suốt đời.
Kỳ 5: Lắng nghe lời tâm huyết
Từ Mỹ về Việt Nam, tôi đã may mắn gặp được nhà chính trị "một màu" chân thực là Võ Văn Kiệt. Với tôi, ông là màu xanh.
Ông Lê Trọng Nhi
Nghe thẳng thắn - Nói chân thành
"Với tôi, ông Sáu Dân là màu xanh", ông Lê Trọng Nhi kể lại ấn tượng đầu tiên và mãi mãi. Cuối năm 1991, sau nhiều năm du học và trở thành một công dân Mỹ, Lê Trọng Nhi trở lại Việt Nam trong vai trò đại diện một quỹ đầu tư đa quốc gia đến tìm cơ hội trong Việt Nam mở cửa. Nghe tiếng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, anh tìm người giới thiệu xin gặp và được ông hẹn tiếp ngay với thái độ rất cởi mở.
Lần gặp sau, anh đưa sếp của mình - giám đốc người Anh - đến gặp Thủ tướng. Lạ thay, chẳng hề đưa ra những cam kết ưu đãi, cũng chẳng giới thiệu những điều kiện thuận lợi, Thủ tướng lại đưa ra một lời khuyên rất thẳng:
"Các ông cần cẩn trọng nhé. Đất nước chúng tôi đang rất cần được đầu tư, nhưng ở đây mọi thứ mới bắt đầu, cái gì cũng thiếu và hầu như chưa có, kể cả chính sách, luật pháp trong kinh tế, kinh doanh, đầu tư nước ngoài đang vừa xây dựng vừa hoàn thiện. Đến đây, các ông giống như đi vào rừng săn thú. Có thể có thú lớn, nhưng cũng có thể khi chưa kịp săn được thú thì thợ săn đã chết vì đạn lạc của người khác".
Tới hôm nay ông Nhi vẫn còn nhớ mãi ấn tượng mạnh mẽ mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ghi khắc bằng lời nói chân thật và thành tâm ấy. "Tôi lúc ấy còn trẻ, không khỏi có nhiều e ngại, nhưng sếp tôi thì càng hào hứng. Anh ta bảo: ông Thủ tướng không nói lời hoa mỹ có cánh, vậy nên chúng ta có thể tin tưởng mà đầu tư. Rủi ro có thể lớn, nhưng chẳng phải chúng ta được đào tạo làm nghề là để đối mặt thử thách và vượt qua rủi ro hay sao?!", Lê Trọng Nhi cười. Quyết định đầu tư đã thành hiện thực như thế.
Từ đó, Lê Trọng Nhi đã kết nối cho nhiều quỹ đầu tư đến Việt Nam, trở thành một tư vấn cấp cao trong ngành ngân hàng Việt Nam, và trở thành một thành viên trẻ tích cực của nhóm Thứ Sáu. "Nhiệt huyết, tầm nhìn và quyết tâm vì đất nước của ông Sáu Dân, tinh thần cống hiến vô vị lợi đến tuyệt đối của anh em nhóm Thứ Sáu đã giữ tôi lại Việt Nam", ông Nhi nhấn mạnh.
Khi không còn làm Thủ tướng, ông Sáu Dân còn có nhiều thời gian hơn để dành trò chuyện họp bàn, đi thực tế cùng cả nhóm. Nhiều ủng hộ và cũng không ít lần ông bảo: "Ý kiến này của các cậu rất hay, rất mới mẻ, hiện đại, nhưng với hoàn cảnh nước ta bây giờ thì chưa phù hợp, khả thi đâu…". Mấy mươi năm, trong mắt ông Nhi, ông Sáu Dân vẫn là một người nhiệt thành, "màu xanh" như ban đầu.
__________________________________________________
Những người trí thức nhiệt tâm phục vụ đất nước đã gặp được người lãnh đạo có quan điểm "Chức quyền chỉ là công cụ phục vụ nhân dân".
Kỳ 6: Những kỷ niệm thương quý không quên: 'Chức quyền là phương tiện vì dân, vì nước'
TTO - Những người trí thức nhiệt tâm phục vụ đất nước đã gặp được người lãnh đạo có quan điểm "chức quyền chỉ là công cụ phục vụ nhân dân". Những đóng góp thẳng thắn, chân thành đã gặp được quyết tâm mạnh mẽ.
Và thêm nữa, họ đã gặp được nhau, nắm tay nhau đi tới trong cảnh khó ngặt nghèo của đất nước, tình thế của "đổi mới hay là chết".
Rất nhiều quyết định quyết liệt đã từ đó mà thành hiện thực, khai thông dần những mạch máu kinh tế của toàn xã hội, thay đổi dần cuộc sống của hàng triệu con người, hàng triệu gia đình.
Những "tấm áo giáp"
Sau này, khi có dịp điểm lại những quyết định đột phá, "phá rào" của mình ở các cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã nói với giáo sư Đặng Phong: "Tôi như là đi giữa "hai làn đạn".
Một bên là để dân đói, sản xuất đình đốn là có tội với dân, với Đảng. Một bên là để cơ sở bung ra tự cứu là phạm phải những điều cấm kỵ. Nhưng nhờ hơn 20 năm kháng chiến kiên cường, không ai nỡ quy cho chúng tôi cái tội phản bội. Đó là "tấm áo giáp" giúp chúng tôi thoát hiểm và thành công".
Nhưng thật ra đâu phải chỉ nhờ "áo giáp" - vốn cũng nhiều người có - mà ông và các đồng chí của mình có được những bước "phá rào" dũng cảm.
Phải nhờ đức lắng nghe lắm lúc đến "trân người" để hiểu những chính sách ấu trĩ, bất cập, bất hợp lý, phản phát triển. Phải nhờ tính quyết đoán "nghe đúng, thấy đúng, nghĩ đúng là nói ngay, làm luôn, không mảy may lo nghĩ đến việc mất ghế, mất chức", như lời ông Phan Văn Khải miêu tả người đàn anh - thủ tướng tiền nhiệm của mình.
Và phải nhờ sự tâm niệm sâu sắc mà ông đã ngẫm từ bao giờ và ghi vào sổ tay cá nhân: "Chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp. Chức quyền là phương tiện để có thể làm nên một sự nghiệp nào đó cho dân cho nước...".
Trên cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt không chỉ ủng hộ và đến lắng nghe những nhóm trí thức cũ như nhóm Thứ Sáu, nhóm tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, các nhà báo và văn nghệ sĩ, ông còn chủ động chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ giám đốc gồm hơn 100 thành viên là giám đốc, bí thư, thư ký công đoàn của các nhà máy quốc doanh.
Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ và mời các lãnh đạo thành phố và trung ương đến tham dự, lắng nghe những kiến nghị, sáng kiến của cơ sở. Hội nghị Phước Long, hội nghị Đà Lạt chấn động "đưa tiếng lòng người dân đến Ba Đình" đã được TP.HCM tổ chức trên những ý tưởng này.
Vậy cũng thấy chưa đủ trước tình hình khó khăn do những bất hợp lý của nền kinh tế kế hoạch, chính Bí thư Võ Văn Kiệt khăn gói xuống Nhà máy dệt Việt Thắng ăn ngủ cả tuần cùng các kỹ sư, công nhân đang trong cảnh sản xuất đình đốn "máy bỏ không, công nhân cuốc ruộng" vì thiếu nguyên liệu, máy móc hư hỏng...
Từ những lời gan ruột nghe được từ công nhân - nông dân, từ kỹ sư - bác sĩ, từ nhà báo - nhà thơ, các chính sách "phá rào": bù giá vào lương, sản xuất ba kế hoạch - ba lợi ích (Nhà nước - xí nghiệp - công nhân), "tổ thu mua lúa gạo" từ miền Tây vượt trạm kiểm soát buôn lậu về cứu đói dân thành phố... đã táo bạo xuất hiện.
Ông Chín Đào - Phan Minh Tánh, một trong những lãnh đạo TP.HCM, lúc bấy giờ nhắc mãi lời của Bí thư Sáu Dân - Võ Văn Kiệt nói với các đồng sự của mình: "Giữa để dân đói mà còn nguyên chức, hay dân no mà mất chức, các anh chọn cái nào?", "Miễn đừng tham ô, làm thế này mà các anh chị phải đi tù thì tôi đi đưa cơm"...
Những mạch máu lưu thông
Được điều ra Hà Nội làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, quyền chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi thủ tướng Chính phủ, "phong cách Sáu Dân" của ông Võ Văn Kiệt vẫn không hề thay đổi. "Sống cùng với dân, tắm mình trong dân" - nhà thơ Việt Phương của một thời "cửa mở" nhận xét về ông như vậy.
Phong cách, tâm huyết, uy tín đã giúp ông vượt qua nhiều trở ngại từ định kiến đến cơ chế, giúp ông thuyết phục được nhiều lãnh đạo thay đổi dần cách nhìn, cách nghĩ để các chính sách sinh ra gần với lợi ích của dân, của nước hơn.
Từ nhìn thấy thực tế đến nhận ra cái sai. Từ nhận ra cái sai đến biết được cái đúng. Từ biết cái đúng đến dám thay đổi. Đổi mới ở Việt Nam đã diễn ra sau cả một quá trình dài vật vã ở phía dưới, trăn trở ở phía trên của bao nhiêu người như thế.
Sách lịch sử kinh tế của giáo sư Đặng Phong ghi nhận: "Võ Văn Kiệt là người đã ký hàng loạt văn bản để sửa từng phần, từng lĩnh vực, tháo gỡ từng trở ngại trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế do cơ chế cũ để lại".
Một số văn bản quan trọng nhất, tháo gỡ những bức bối nhất của người dân thời điểm ấy đến nay vẫn còn người nhớ: tháng 3-1987: quyết định bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong nước; tháng 4-1987: quyết định bãi bỏ tất cả hạn chế về số lần và số lượng việc gửi tiền, gửi hàng của Việt kiều, ngoại kiều từ nước ngoài về Việt Nam; tháng 11-1987: quyết định trao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu kế hoạch, chỉ còn hai chỉ tiêu là giá trị sản lượng và các khoản nộp ngân sách; tháng 3-1988: nghị định hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp, soạn thảo pháp lệnh ngân hàng...
Thế hệ trẻ trưởng thành của hôm nay sẽ không thể tưởng tượng được cuộc sống của thế hệ cha mẹ, ông bà khi chưa có những quyết định "cởi trói" ấy. Ông Võ Viết Thanh kể chuyện những năm ông từ lực lượng Thanh niên xung phong về lãnh đạo ngành công an những năm giữa thập niên 1980, từ TP.HCM rồi lên trung ương.
Kinh tế đã kiệt quệ lại thêm hỗn loạn sau cuộc đổi tiền 1985, trợ giúp từ thân nhân ở nước ngoài gửi về bị hạn chế. Đi lại trong nước đã khó, người ở thành phố muốn xin đi nước ngoài chữa bệnh, việc riêng lại càng không thể. Liên lạc ra nước ngoài vô cùng khó khăn, một cuộc điện thoại phải đợi hằng tuần, một lá thư phải chờ hằng tháng...
Người dân tìm mọi cách thoát ra. Dịch vụ "kiều hối vỉa hè" nở rộ, hàng hóa buôn bán lén lút chợ trời, người người tìm cách buôn lậu, vượt biên. Tệ nạn xã hội lan tràn. Rồi tiêu cực xảy ra ở bộ máy. Cấp giấy đi đường, cấp hộ khẩu, hộ chiếu... đâu đâu cũng có cớ để làm khó, vòi vĩnh người dân.
"Bộ Công an họp bàn rồi trình sang Chính phủ, là chỗ ông Sáu Dân. Kinh nghiệm làm bí thư TP.HCM cùng với sự gần gũi với dân giúp ông hiểu ngay vấn đề, về thuyết phục được các lãnh đạo khác.
Chúng tôi đã thành công trong những quyết định đó. Người dân được tự do di chuyển, vận chuyển, buôn bán hàng hóa; được tự do nhận tiền, hàng do thân nhân trợ giúp từ nước ngoài. Và đến 1993, người dân được cấp hộ chiếu phổ thông để có thể được đi nước ngoài theo nhu cầu của mình... Từ những thay đổi ấy mà tình hình dần được ổn định.
Chúng tôi còn thuyết phục được rất nhiều người đã vượt biên mà vẫn còn kẹt ở trại tị nạn các nước trong khu vực quay trở về Việt Nam. Tất cả những việc ấy đều có bóng dáng rất đậm của ông Sáu Dân", ông Võ Viết Thanh kể.
Sau này khi đã rời tất cả những chức quyền, ông Sáu Dân vẫn chẳng chịu làm một ông cụ hưu trí vui vầy với vườn kiểng và con cháu.
Ông viết cho các đồng chí mình: "Tuy đã rời khỏi những vị trí trách nhiệm được Đảng và nhà nước phân công, song tôi chỉ rời nhiệm sở chứ không rời trách nhiệm người đảng viên với sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta.
Tôi vẫn cố gắng đi đến những nơi mình còn đến được, trao đổi với các đồng chí vốn từng làm việc với tôi ở các địa phương, các ngành và nắm bắt thực tế để có thể góp phần mình một cách thiết thực và cụ thể.
Tôi cũng dành thời gian tiếp xúc với nhiều anh chị em hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật để lắng nghe ý kiến tâm huyết, giúp chuyển tải đóng góp của họ đến những nơi cần thiết...".
*************
Đó là cuộc họp báo ngay trên chuyên cơ từ Bangkok về Hà Nội. Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thủ đô Thái Lan dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - lần đầu tiên Việt Nam tham dự. Sự kiện đánh dấu đường lối ngoại giao đa phương của Việt Nam gặt hái nhiều thành công đột phá.
Kỳ 7: Vị Thủ tướng bản lĩnh và cuộc họp báo trên không
TTO - Đó là cuộc họp báo vào sáng 17-12-1995, ngay trên chuyên cơ từ Bangkok về Hà Nội.
"Cuộc ra quân quốc tế"
Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thủ đô Thái Lan dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - lần đầu tiên Việt Nam tham dự. Sự kiện này đánh dấu đường lối ngoại giao đa phương của Việt Nam gặt hái nhiều thành công đột phá.
Thật vậy, ASEAN là tổ chức liên kết các quốc gia Đông Nam Á thành lập năm 1967, một sân chơi quan trọng về cả kinh tế và bang giao quốc tế. Do hệ lụy của nhiều cuộc chiến, mãi đến năm 1993, Chính phủ Việt Nam mới sẵn sàng gia nhập.
Tuy vậy, Việt Nam còn phải trải qua nhiều cuộc đàm phán, thảo luận gay go, đặc biệt là yêu cầu mở cửa thị trường, thực hiện AFTA - giảm thuế nhập khẩu hàng hóa, đầy mới mẻ. Cuối cùng, qua nhiều nỗ lực, ngày 28-7-1995, Việt Nam được kết nạp chính thức vào ASEAN.
Trước đó hai tuần lại là một sự kiện vang dội khác. Ngày 11-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Bill Clinton cùng tuyên bố Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chính phủ hai nước mở đầu cuộc bình thường hóa bang giao nhiều mặt sau hai thập niên "đóng cửa".
Như vậy, cùng với việc ký hiệp định hòa bình và rút quân khỏi Campuchia và việc các nước phương Tây và Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam (1993), hai sự kiện năm 1995 cho thấy quốc gia hình chữ S đã thoát được cuộc bao vây và cấm vận để bước sang thời kỳ hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
Từ ấy, tin tức về một nước Việt Nam độc lập, mở rộng vòng tay với tất cả các đối tác đã trở thành "tin nóng" của nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới.
Cũng từ ấy, báo chí Việt Nam có nhiều cơ hội đi ra bên ngoài, trong đó sự kiện ASEAN Summit - hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 12-1995 là dịp "ra quân quốc tế" đầu tiên của nhiều báo đài trong nước.
Từ TP.HCM, báo Tuổi Trẻ (Huỳnh Sơn Phước) và báo Saigon Times Daily (Phúc Tiến) đưa phóng viên đến Bangkok "mai phục" sớm nhất. Trước Hội nghị thượng đỉnh một tuần, các hội nghị kế tiếp nhau SOM (quan chức cao cấp), AMM (Ngoại trưởng) và AEM (Bộ trưởng Kinh tế) là các cuộc họp tối cần thiết chuẩn bị cho các nguyên thủ ASEAN gặp nhau.
Liên tục nhiều ngày, tác nghiệp ở cả bốn hội nghị, cánh nhà báo Việt Nam "chạy đua" cùng các phóng viên nước ngoài để thông tin các sự kiện.
So với các đồng nghiệp quốc tế, chúng tôi có lợi thế người nhà nên đeo bám săn tin ở các VIP Việt Nam dễ dàng hơn, như Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan, Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế. Đặc biệt, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã dành hai giờ hiếm hoi ngay tại phòng mình để trả lời báo đài.
Tuy nhiên, chúng tôi đều sốt ruột và ấm ức khi chưa có cơ hội phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong hội nghị. Vào buổi tối cuối cùng khi cuộc họp thượng đỉnh kết thúc, anh Phước cùng tôi và anh Hồng Sơn (báo SGGP) tìm được cách "đột nhập" gian phòng suite của ông trên tầng thượng khách của khách sạn Sheraton.
Lúc ấy, Thủ tướng đi dự tiệc với các nguyên thủ ASEAN, chúng tôi kiên nhẫn chờ để phỏng vấn. Khi ông về đã hơn 8h tối, vẫn cười nói vui vẻ nhưng nét mặt đã nhuốm mệt mỏi sau ba ngày đầy kín hội họp, tiếp khách. Bác sĩ của Thủ tướng đề nghị chúng tôi dời lại cuộc phỏng vấn vào dịp khác để ông nghỉ ngơi, chuẩn bị trở về Hà Nội sáng mai.
20 phút trên chuyên cơ
Thôi đành vậy. Cơ hội vàng còn lại chính là thời gian được bay cùng chuyên cơ với Thủ tướng. Sáng hôm đó, đoàn nhà báo ra sân bay từ sớm, lên chuyên cơ trước khi chủ nhà làm lễ tiễn. Thủ tướng là người lên máy bay cuối cùng. Tôi nhìn qua màn cửa ngăn cách khoang VIP, thấy ông ngồi trầm tư trên ghế một mình, gương mặt đầy vẻ phong sương.
Máy bay cất cánh. Chẳng mấy chốc, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm từ khoang VIP bước ra, thăm hỏi cánh nhà báo. Chúng tôi lập tức "níu áo" ông, đề nghị "vận động" Thủ tướng cho phép phỏng vấn ngay trong chuyến bay. Ông Cầm nở nụ cười tươi hết sức, nói thân mật: "Để mình xem, đợi anh Sáu nghỉ mệt đã...".
Hơn 30 phút sau, Thủ tướng xuất hiện. Ông rất thoải mái, khỏe khoắn, chỉ mặc sơ mi, cởi bỏ chiếc áo veston nghi lễ. Ông dừng ngay hàng ghế của tôi và anh Huỳnh Sơn Phước ân cần hỏi: "Bọn bây có mệt không?". Rồi ông hỏi chung cả đoàn: "Các nhà báo đi lại, ăn uống thế nào? Viết được nhiều bài chưa?".
Mọi người sôi động hẳn, có mấy người lên tiếng "vòi" Thủ tướng cho biết cảm tưởng của ông về bóng đá SEA Games. Năm ấy, cùng thời gian với hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok là SEA Games diễn ra tại Chiang Mai. Những ngày hội nghị cũng là lúc đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu rất ngoạn mục, vào đến chung kết nhưng thua đội Thái Lan và chỉ đoạt huy chương bạc.
Nghe hỏi về bóng đá, ông Sáu Dân - cũng là một cổ động viên nhiệt thành - đã trò chuyện đầy sảng khoái. Ông tiết lộ đã dự định đến sân vận động để xem trận bóng Việt Nam - Thái Lan, song vì thể thức ngoại giao có những điều "tế nhị" nên ông đành ở lại Bangkok xem truyền hình trực tiếp.
Bất ngờ ông bình luận: "Bóng đá cũng như chính trị. Hiệp đầu đã thua thì hiệp sau phải kiên quyết tấn công, đừng sợ mất gì nữa mà thủ!". Đúng lúc câu chuyện bóng đá thú vị đang lên cao điểm, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm xuất hiện. Ông đề nghị Thủ tướng sẵn đây nói mấy lời với phóng viên về kết quả Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Thủ tướng nhìn các nhà báo cười xòa. Vậy là cánh nhà báo tung ghế, ào ra vây quanh Thủ tướng. Nhà báo Thu Uyên VTV rất duyên dáng và sắc sảo đã chuẩn bị máy quay, áp sát micro ngay nhân vật chính. Thủ tướng vui vẻ bảo cứ nêu câu hỏi, thế là cuộc họp báo không hẹn trước bắt đầu.
Đại diện các báo tới tấp đưa ra câu hỏi này câu hỏi khác cùng một loạt các máy ghi âm, máy chụp hình đủ kiểu chen nhau. Nghe xong các câu hỏi, Thủ tướng gật gù và nói: "Bây giờ tôi xin trả lời chung...".
Mặc dầu ứng khẩu và đang đứng giữa các hàng ghế máy bay nhưng ông rất mạch lạc tóm tắt đầy đủ và gọn ghẽ các nội dung lớn đã được đồng thuận: ASEAN phải là một khối hợp tác về kinh tế và tự do hóa thương mại sâu rộng hơn; Ý tưởng hợp tác Tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar) đồng thời hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong một khuôn khổ mới, sau này gọi là Diễn đàn ASEM...
Thủ tướng nói tiếp về thái độ rất tích cực của các nguyên thủ khi bàn thảo các định hướng lớn về hợp tác kinh tế, nổi bật là các dự án giao thông xuyên khu vực. Ông cũng cho biết mình rất tin tưởng Việt Nam có đủ sức đăng cai và sẽ tiến hành thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEAN kế tiếp, sẽ diễn ra vào năm 1998 tại Hà Nội.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Việc Việt Nam tham gia ASEAN sẽ không gây tổn thương quan hệ với các nước khác". Lời tuyên bố của Thủ tướng là thông điệp mạnh mẽ cho thấy Việt Nam kiên quyết thực hiện đường lối bang giao đa phương sau một thời gian dài bị cô lập.
Cuộc họp báo trên không kéo dài khoảng 20 phút, cũng vừa lúc máy bay sắp đáp xuống sân bay Nội Bài. Chúng tôi nhớ mãi trong tiếng máy bay ù ù và khoang máy bay chật hẹp, ông Sáu Dân tuổi đã cao, đứng phát biểu trước báo giới với vẻ mặt kiên nghị, giọng nói rành rọt và chân tình.
Nhiều lần tiếp xúc, nhưng chính lần này tôi mới cảm nhận rõ nhất "phong cách Võ Văn Kiệt" và tài thao lược của vị Thủ tướng điều hành cả nội trị và ngoại giao những năm tháng Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế, giữa muôn trùng sóng gió.
***************
"Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn huống chi là người nước mình".
Kỳ 8: Võ Văn Kiệt, trước lúc trở về
TTO - Ông Sáu Dân thường tự đặt mình trước những câu hỏi về thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân, tự do ngôn luận...
Tháng 9-1975, báo Tuổi Trẻ ra đời ở TP.HCM thì báo Sài Gòn Giải Phóng đã phát hành đến số thứ 120 với 90.000 bản mỗi ngày. Báo Công Nhân Giải Phóng 25.000 bản, Phụ Nữ 25.000 bản. 5 năm sau - 1980, Tuổi Trẻ vẫn chỉ là một nội san với số lượng phát hành không quá 10.000 bản một tuần (tháng 6-2008 hơn 450.000 bản mỗi ngày).
Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn, huống chi là người nước mình.
Cố Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT
Từ sổ tay người làm báo
Tháng 4-1980, Bí thư Võ Văn Kiệt hỏi: "Vì sao trước 1975 ai làm báo cũng giàu, bây giờ năm nào Tuổi Trẻ cũng ngửa tay xin tiền, xin giấy, cho đồng nào xài hết đồng ấy? Liệu còn có cách nào để tự lập không?". Và rồi chính ông đã ra quyết định: từng bước cắt tài trợ ngân sách, trả cho Tuổi Trẻ quyền tự chủ và sống nhờ vào sự chi trả của người đọc.
Tháng 5-1981, khi thị trường còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế tập trung và chế độ bao cấp hoang phí, ông Võ Văn Kiệt đến từng nhà máy loay hoay tiến hành những cuộc thể nghiệm không có tiền lệ. Các doanh nghiệp mới dám nói đến chuyện hai kế hoạch, ba lợi ích, thì đã có ngay lời bàn xỉa xói "bít lợi A" (bít lợi ích Nhà nước). Ông kéo nhà báo đến nhà máy trò chuyện với công nhân, làm việc với nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tài chính, ngân hàng, với các nhà quản trị kinh doanh từng trải trong thị trường...
Chính họ, giới tinh hoa vốn có tình thân với "anh Sáu Dân" đã sớm nói không với cơ chế tập trung bao cấp, trói chết sức sản xuất và quay lưng với những sáng kiến đổi thay của con người. Chính người Sài Gòn - TP.HCM đã mở cửa nhà máy đặt quan hệ với thị trường, vô hiệu hóa chủ trương hợp tác hóa cưỡng bức, giúp cho Đảng bộ TP.HCM đi đến nghị quyết "cởi trói - bung sản xuất".
Trong sổ tay của người làm báo như tôi lúc đó, "Đêm trước đổi mới" không xuất phát từ những ý tưởng vỡ mộng, không phải từ salon của những nhà hoạch định đường lối chính sách. Việt Nam - đặc biệt là miền Nam - đã khai phá con đường đổi mới, trở lại với thị trường, từ những tổng kết thực tiễn chứ không phải từ những thất vọng giáo điều. Người Sài Gòn - TP.HCM đã bắt đầu từ nhà máy, từ đồng ruộng, từ kinh tế đặt lên bàn nghị sự của các nhà hoạch định đường lối chính sách những sản phẩm hàng hóa của ĐỔI MỚI trước khi có nghị quyết về ĐỔI MỚI.
Lúc đó, giới thạo tin nói rằng: người Sài Gòn có thừa kinh nghiệm trong kinh tế thị trường, nhưng trong dư luận xã hội thì lại kháo nhau: "Ông Sáu Dân chịu chơi, dám bứt phá, mở đường".
Nỗi niềm chính trường
Thôi làm Thủ tướng, ông Sáu Dân có nhiều thời gian để chia sẻ với nhà báo những chuyện sâu kín của một chính khách, những sự thật cần cho tương lai.
Ngày 30-4-2005, ông kể: "Khi giữ cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi có dịp trò chuyện với Đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Một lần, cùng Tổng giám mục đến thăm các cháu thiếu nhi vui chơi trong vườn Tao Đàn, tôi nói với cụ: "Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào có đạo, cháu nào không, cháu nào là "con quốc gia", cháu nào là con cộng sản?".
Đức Tổng nhất trí với tôi: Chỉ người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt đó". Giọng ông tiếc nuối "giá như đổi mới sớm hơn". Như một người đọc sử cho tương lai, ông dẫn người nghe vào nỗi đau của một người từng trải ở chính trường: "Nếu không giáo điều, không duy ý chí, thì đâu có phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985".
Lúc này giới quan sát bắn tin cho nhau về một dự báo lạc quan khả năng có bước đột phá về chính trị, 2005 - đêm trước của Đại hội X, thời điểm đã chín cho một cuộc vận động "đổi mới lần thứ 2". Từ đầu tháng 4-2005, khi đi tìm một cuộc phỏng vấn độc quyền, chúng tôi biết nhiều đồng nghiệp đã đến trước.
Trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao), ông Sáu Dân nói: "Sau 30 năm, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu. Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn, huống chi là người nước mình...
Về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".
Trên báo Lao Động, ông Sáu Dân cũng trải lòng: "Phải thông hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước thương nòi trong mỗi trái tim người Việt Nam, cho dù sự biểu hiện có thể rất khác nhau với nhiều hoàn cảnh không giống nhau, thì mới đánh giá đúng sự kiện 30-4-1975...
Chúng ta cần ôn lại để tự soi sáng cho mình trong những bước đi sắp tới. Không có một tình huống nào mà không có lối ra. Chỉ cần chúng ta biết thật sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi người Việt vốn nặng lòng với đất nước, mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được với những nơi cần đến, nhất định sự nghiệp của chúng ta sẽ giành được thắng lợi".
Là người luôn có những ý tưởng đột phá, ông Sáu Dân có thế mạnh của người trong cuộc, trong tổ chức, trăn trở, động não khi bị buộc phải khép mình chờ đợi, nhưng xuyên suốt vẫn là khả năng vượt qua chính mình, vượt ra khỏi cái trật tự lỗi thời, ông thường gọi là "vật cản" để có được những quyết định cải cách. Bị ngộp trong không gian hẹp của những giáo điều cấm kỵ, ông tìm niềm vui sống khi tự đặt mình, đúng hơn là tìm đến với những nơi, những người có thể đặt lên bàn những cuộc tranh luận những sự kiện mới, những ý tưởng mới, những chọn lựa khác mình.
Ông sợ nhất là bệnh giáo điều, xa dân, xa thực tế và quay lưng với sự thật, lãnh cảm với con người và những phát kiến đổi thay. Người có lòng tốt, thông tuệ tìm đến ông, trao không cho ông cái túi khôn của thiên hạ, với nhiều kỳ vọng...
Món nợ kỳ vọng gửi trang báo ngày mai
Về hưu, ông Sáu Dân thường tự đặt mình trước những câu hỏi về thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân, tự do ngôn luận... Tháng 9-2007, ông vận động sáng lập "Viện Nghiên cứu phát triển IDS" gồm những nhà khoa học lớn với những khát khao lớn: nghiên cứu, tư vấn các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội; đưa ra các giải pháp, những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Tháng 12-2007, ông nhận làm Chủ tịch danh dự "Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times", gặp gỡ các nhóm nghiên cứu phát triển "Diễn Đàn" ở Pháp, các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ-Việt (Think tank) - vừa nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa dọn đường cho sự hợp tác phát triển chiến lược giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản...
Ông có nhiều bạn, nhiều cộng sự, nhiều cố vấn có tầm giải quyết những vấn đề quốc gia trong đời sống toàn cầu. Một ông Võ Văn Kiệt "giàu vì bạn" và mang "nợ kỳ vọng" của nhiều người.
Khác với những năm 1980, giờ đây trước lúc trở về, ông có tầm nhìn và trí tuệ của một cuộc tập hợp lớn cần cho bước chuyển lớn của Việt Nam ở đầu thế kỷ 21, nhưng lúc này "Sáu Dân không còn đủ quyền lực để trả nợ cho những kỳ vọng của nhân dân". Đó là những gì ông đã gửi lại cho bất cứ ai còn nhận mình là nhà báo Việt Nam, gửi lại cho những trang báo của ngày mai...
****************
"Tôi chuẩn bị bay từ Mỹ về Việt Nam thì nhận cuộc gọi của anh Sáu Dân yêu cầu về đến Hà Nội, phải gặp anh ngay. Đó là thời điểm Mỹ chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với mình, bước ngoặt vô cùng quan trọng".
Kỳ 9: Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bước ngoặt lịch sử
TTO - Ông Sáu Dân rất lắng nghe trí thức, luôn tạo điều kiện cho họ mở lòng. Và ông hiểu kỳ vọng của họ ở thời điểm đất nước cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hay thụt lùi trước bước tiến vũ bão của thời đại...
"Hồi cùng làm Chính phủ ở Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tuần anh Sáu Dân gọi tôi sang ăn cơm có món do chính anh nấu. Chúng tôi đã tâm sự rất nhiều, từ chuyện gia đình, chính sách đến tiếng lòng của dân", nhiều năm đã trôi qua, ông Tư Triết - nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết - vẫn ắp đầy kỷ niệm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Những làn gió thời đại mới
"Ngày 3-2-1994, vị Tổng thống thứ 42 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Đến ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng ngày 12-7-1995 giờ Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Đây là bước ngoặt lịch sử trong công cuộc đổi mới của chúng ta. Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở châu Âu từng giúp đỡ Việt Nam không còn nữa. Nếu chúng ta không bình thường hóa quan hệ được với Mỹ, không mở ra được thị trường lớn nhất thế giới này thì làm sao đổi mới thành công được", kể bước ngoặt đổi mới của đất nước, ông Tư Triết hay tâm sự điều này với tư cách là người trong cuộc, còn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở vai trò đặc biệt.
Ông Tư Triết kể trước đó trong chuyến công du Pháp, ông và Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm nhà TS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Những người từng ở hai phía đã cởi mở về những trăn trở dựng xây đất nước phát triển thời hậu chiến.
Ông Hảo khuyên Việt Nam nên nỗ lực đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và nhanh chóng mở rộng quan hệ quốc tế, đừng thu hẹp cục bộ như trước. Khẩu hiệu Việt Nam làm bạn với thế giới phải đi vào thực chất, không nên chỉ dừng lại ở khẩu hiệu ngoại giao.
"Ngoài gặp TS Hảo, anh Sáu Dân và tôi còn gặp anh Trần Văn Thình, một trí thức uy tín người Pháp gốc Việt, nguyên trưởng Phái đoàn thường trực của Liên minh châu Âu tại Geneva. Anh Thình cũng đồng quan điểm với TS Hảo, khuyên Việt Nam nên chấp nhận một số điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Về sau có dịp gặp lại ở Hà Nội, anh Thình vẫn nhắc lời khuyên này, muốn Việt Nam đáp ứng những yêu cầu để bình thường hóa quan hệ với Mỹ và nâng cao vị thế kinh tế tư nhân vốn mới chỉ hé mở ở thời điểm ấy.
Anh Thình nói nếu Mỹ không bỏ cấm vận thì chúng ta sẽ không làm được gì...", ông Tư Triết nhớ lại lúc tiếp xúc những nhân vật này, ông Sáu Dân rất thân tình, cởi mở. Nhưng sau đó, ông đăm chiêu, suy tư nhiều. Ai gần gũi hoặc từng làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều hiểu điều này. Ông rất lắng nghe trí thức, luôn tạo điều kiện cho họ mở lòng. Và ông hiểu kỳ vọng của họ ở thời điểm đất nước cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hay thụt lùi trước bước tiến vũ bão của thời đại...
Thực tế những năm đầu thập niên 1990 thế kỷ 20, nhiều luồng gió mới, đa chiều đã thổi mạnh vào Việt Nam. Ngày 6-10-1993, Phó thủ tướng Phan Văn Khải đã bay sang Mỹ, gặp gỡ Ngoại trưởng Warren Christopher. Phía Hoa Kỳ tuyên bố giữa Mỹ và Việt Nam không còn tình trạng chiến tranh, Mỹ không còn coi Việt Nam là kẻ thù.
Những trang sử mới được lật ra. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lần lượt vào thị trường mà năm nào là chiến trường. Bank of America, hãng thuốc lá Philip Morris, Công ty Vatico, Hãng máy tính IBM, Công ty thiết bị Caterpiller... lần lượt tìm cơ hội và khai trương văn phòng ở Việt Nam.
Nhiều năm đã trôi qua, nhắc nhớ giai đoạn lịch sử này, ông Tư Triết vẫn xúc động: "Cũng có một số ít ý kiến này nọ, nhưng không khí chung của giai đoạn đó là vui mừng trước vận hội mới của đất nước. Anh Sáu Dân quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. Họp chính phủ có những buổi kéo dài đến tận tối. Cuối tuần, anh mời tôi sang ăn cơm, tâm sự chuyện này kia rồi cũng lại tập trung vào vấn đề bang giao và mở ra thị trường Mỹ".
Từng làm bí thư TP.HCM những năm khó khăn hậu chiến, từng lắng nghe nỗi niềm những trí thức, những nhà sản xuất, kinh doanh và đồng bào lao động, ông Sáu Dân thấu hiểu sâu sắc khát khao được "cởi trói", được giải phóng năng lực và được giao thương quốc tế như Sài Gòn đã từng làm.
Ông đã từng nghe một doanh nhân nói thẳng trong cuộc họp: "Con tôm Việt hàng đổi hàng với Liên Xô, với các nước Đông Âu hay loanh quanh khu vực chẳng lời lãi gì, nhưng nếu vào được siêu thị Mỹ thì đó là tiền đô. Con tôm bán đi, đô la thu về. Đất nước đổi mới, ngổn ngang việc cần làm, nếu thiếu ngoại tệ mạnh này thì chúng ta chẳng làm được gì".
Ông Sáu Dân được thương quý, kính trọng không chỉ từ những người cùng chiến tuyến kháng chiến với ông, mà còn cả những người từng ở phía bên kia. Đó là những doanh nhân, trí thức, kể cả một số chính khách chế độ cũ.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết
Thời cơ phát triển đất nước
Nhắc nhớ những kỷ niệm khó quên của giai đoạn bước ngoặt đất nước, cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết có rất nhiều kỷ niệm khó quên với ông Sáu Dân, vị lãnh đạo của đất nước giai đoạn đang chèo chống tìm đường vươn ra biển lớn.
Ông nhớ mãi năm 1994, đang đi Hội nghị phát triển thương mại của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, Mỹ, thì nhận cuộc gọi từ Văn phòng Chính phủ yêu cầu ông về phải gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay.
Chuyến đi của ông Triết được đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros - Ghali mời. Rồi cũng chính vị này đã tổ chức cho đoàn Việt Nam cuộc gặp gỡ, làm việc với đoàn Mỹ do Bộ trưởng Bộ Thương mại Ron Brown dẫn đầu.
Trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Brown vui vẻ nói: "Tôi hân hạnh thông báo ngài Bộ trưởng Việt Nam biết dự kiến Tổng thống Bill Clinton sắp tuyên bố xóa bỏ cấm vận với Việt Nam. Ý ngài và chính phủ ngài thế nào?".
Ông Triết đáp lời đó cũng là mong mỏi của nhân dân, chính phủ hai nước. Điều không may lớn nhất giữa hai nước là để nổ ra cuộc chiến tranh, giờ đây phải khép lại quá khứ, đi đến tương lai hòa bình và hợp tác cùng nhau phát triển...
Sau khi nhận cuộc gọi từ trong nước, ông Tư Triết đáp xuống sân bay Nội Bài, đã về thẳng Văn phòng Chính phủ và thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ngồi đợi sẵn từ trước.
Mời ông Tư Triết uống ly nước, ông Sáu Dân đề nghị báo cáo kỹ kết quả chuyến đi. Lắng nghe chăm chú từng lời, ông Sáu Dân giao ngay các việc chuẩn bị quan trọng về ngoại giao cho ông Nguyễn Mạnh Cầm và thương mại với Mỹ cho ông Triết.
"Đây là thời cơ phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm lấy và phải thành công", ông Sáu Dân vui vẻ nói khi buổi họp đã sang tối mịt. Vận hội mới đang mở ra cho đất nước...
Tiễn người đi và mong người về
Kể kỷ niệm về ông Sáu Dân, ông Tư Triết có một câu chuyện không quên là có lần ông và ông Sáu Dân đích thân tiễn một nhóm người đi nước ngoài sau năm 1975 bằng đường biển từ TP.HCM.
Ở bến tàu Bạch Đằng, ông Sáu Dân vẫn nói rằng ra tiễn nhưng thiết tha muốn ở lại để cùng dựng xây đất nước. Một người đã đại diện trả lời rằng rất cảm ơn ông đã tạo điều kiện cho được tâm tình "cạn lời" từ đêm trước và rất kính trọng ông, nhưng vẫn xin phép được đi...
Ông Tư Triết nhớ nói tới đây, nhiều người đã khóc. Còn ông Sáu Dân đáp lời: "Chúng tôi vì tình nghĩa đồng bào dân tộc cố giữ anh chị em ở lại nhưng anh chị em mặc cảm quá nên không ở lại được. Vậy thôi, lời cũng đã nói nhiều rồi, anh chị em ra đi thì cứ đi.
Chúng tôi chỉ nói lời chót rằng vẫn muốn giữ anh chị em ở lại để xây dựng hòa hợp dân tộc. Hôm nay, chúng tôi tiễn anh chị em ở bến tàu này thì cũng hy vọng đón anh chị em trở về quê hương mình tại đây...".
---------------------------
Giữ trọng trách về nhiều vấn đề lớn của đất nước, nhưng ông Sáu Dân vẫn rất tinh tế, chú ý những "chuyện nhỏ". Một hôm, ông gọi chúng tôi sang để tặng chiếc xe đạp và hỗ trợ ăn học cho một nữ sinh mồ côi.
Kỳ cuối: Tấm lòng ông Sáu Dân
TTO - Sáng hôm ấy, chúng tôi đã nghe ông trải lòng những câu chuyện thật gần gũi, thật ấm áp tình người.
Đó là một ngày gần hè năm 2003, tôi đang đi công tác miền Tây thì chị Kim Dung, chánh văn phòng báo Tuổi Trẻ, gọi về. "Việt thu xếp về gấp, sáng mai qua gặp chú Sáu". "Chú Sáu nào vậy chị?". "Chú Sáu Dân".
Tôi giật mình, nghe ông Sáu Dân là biết ngay nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng không hiểu ông gọi sang có chuyện gì. Đời làm báo, những cú điện bất ngờ này luôn hồi hộp, thậm chí căng thẳng.
Buổi gặp ấm tình người
Đầu giờ sáng hôm sau, tôi đến gặp ông Sáu Dân ở đường Tú Xương đúng như cuộc hẹn. Cùng đi với tôi có thêm đồng nghiệp là nhà báo Đỗ Đình Tấn, Danh Đức. Anh thư ký vui vẻ mở cửa, mời vào trong. Ông Sáu Dân đã ngồi đợi sẵn ở bàn với cuốn sổ tay bìa đỏ để trên tờ báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (giờ là Tuổi Trẻ Cuối Tuần).
Tôi để ý tờ báo cũng được lật sẵn đúng trang có bài mình viết "Mẹ, con và ngọn nến không tắt". Câu chuyện cảm động về một nữ sinh nghèo khổ, bất ngờ côi cút, có thể phải bỏ học giữa thành phố.
Thật sự đến lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu có chuyện gì mà nguyên Thủ tướng lại gọi đích danh. Bài viết về một cảnh đời cần được đồng cảm, sẻ chia, đâu có gì "bôi đen" xã hội.
Mỉm cười nhẹ nhàng, ông Sáu Dân tận tay rót từng tách trà mời mọi người và hỏi tác giả bài báo. Rồi ông tâm sự mình rất xúc động với bài viết.
Đó là câu chuyện về nữ sinh học giỏi lớp 10 Trần Thùy Hương, Trường Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Em ở với mẹ bị bệnh tim nặng trong căn chòi rách nát trên kênh nước đen, hẻm đường Bùi Đình Túy. Cuộc sống rất nghèo khó. Người mẹ không có tiền chữa bệnh tim nguy hiểm mà vẫn phải cố gắng nhận đồ may vá để nuôi con đi học.
Rồi một hôm, Thùy Hương đi học về, thấy mẹ đã nằm gục trên sàn nhà. Bà lên cơn đau tim, không kịp đợi con gái trở về. Cô nữ sinh 16 tuổi chỉ biết ôm thi thể mẹ mà khóc. Hàng xóm phải chung tay lo liệu hậu sự cho người mẹ bất hạnh. Quan tài cũng phải quàn nhờ ở chùa, vì túp lều của mẹ con không đủ chỗ và mái thì rách nát có thể trút nước mưa xuống quan tài.
Tôi biết hoàn cảnh thương tâm này là nhờ một bạn học của Thùy Hương đến báo Tuổi Trẻ để gửi thư xin giúp đỡ. Bạn thương Thùy Hương phải nghỉ học giữa chừng...
Bài báo đăng lên đã tới tay ông Sáu Dân. Ông xúc động đọc rất kỹ, rồi gọi qua báo Tuổi Trẻ, đề nghị gặp tác giả để hỏi thăm thêm về tình cảnh cô học trò mồ côi đáng thương. Ông muốn giúp đỡ cô được tiếp tục học hành mà không phải bơ vơ, khốn khó.
"Tôi đã đọc bài báo này ngay buổi sáng phát hành. Tình cảnh cô bé rất tội nghiệp. Cảm ơn Tuổi Trẻ đã viết. Chúng ta phải san sẻ để cháu được tiếp tục đến trường, được tiếp tục học giỏi. Cuộc đời cháu càng khó khăn càng vươn lên và có trách nhiệm của xã hội giúp đỡ cháu", ông Sáu Dân chia sẻ với chúng tôi những lời giản dị mà thật ấm áp tình người.
Suốt hơn hai giờ buổi sáng hôm ấy, ông đã trải lòng rất nhiều. Tôi vẫn nhớ mãi một ý ông nói là chúng ta đi làm cách mạng như lời Bác Hồ kêu gọi là để ai cũng có cơm ăn áo mặc, dân giàu nước mạnh. Đất nước thống nhất bao năm rồi mà vẫn còn những cảnh đời nghèo khó như vậy là chúng ta thấy mình còn mắc nợ, món nợ với dân vẫn còn lớn lắm. Món nợ phải trả cho dân, nếu không chúng ta có lỗi lớn với dân.
Những người đã hiến dâng tất cả, từ nhà cửa, ruộng vườn đến cả sinh mạng mình, sinh mạng chồng con mình cho cách mạng. Nếu không có sự hy sinh vô cùng lớn lao và thiêng liêng đó, làm sao cách mạng có thể thành công và đi đến được ngày hôm nay...
Ngoài hỏi han, sẻ chia rất nhiều với tình cảnh nữ sinh bất hạnh, hôm đó ông Sáu Dân còn nói về "Cơm tù", loạt bài của Tuổi Trẻ gây xôn xao dư luận thời điểm ấy về những quán cơm trên quốc lộ quây rào như nhốt hành khách để bán đồ ăn với giá "cắt cổ".
Ông nói: "Thời buổi nào rồi mà vẫn còn những chuyện vô pháp như thế này. Tuổi Trẻ có điều tra rất ý nghĩa và cần tiếp tục làm mạnh thêm để các địa phương chấn chỉnh tình trạng tệ hại này...".
Làm báo, chúng tôi đã đọc cũng như chính chúng tôi đã viết rất nhiều về Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những quyết sách trọng đại, từ những chuyện lớn trong nước như làm đường dây điện 500kV, thủy điện Trị An, đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... đến chuyện đối ngoại mang tính bước ngoặt lịch sử như bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Nhưng sáng hôm ấy, chúng tôi đã nghe ông trải lòng những câu chuyện thật gần gũi, thật ấm áp tình người.
Trong tầm nhìn thời đại, trong trĩu nặng suy tư những vấn đề phát triển quốc gia, dân tộc, ông Sáu Dân vẫn vô cùng tinh tế: "Dân mình đi làm xa nhà cả năm, tết nhất chỉ có chút tiền về quê bằng xe đò mà vẫn có những kẻ ngang tàng giữa ban ngày ban mặt ăn chặn, ăn cướp của người nghèo. Chính quyền địa phương ở đâu, pháp luật ở đâu? Báo chí cần phải tiếp tục lên án mạnh mẽ những chuyện này để xử lý nghiêm khắc".
Quan tâm đến thế hệ tương lai đất nước
Khi thực hiện loạt bài kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, từ những cán bộ làm việc đương thời với ông đến những doanh nhân, trí thức và cả những người dân bình thường được gặp gỡ hoặc được nghe chuyện về ông.
Và trong đó, ngoài những chuyện chính trị, chính sách lớn lao, chúng tôi đã nghe vô vàn những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm thấm đẫm nghĩa tình đồng bào.
Về An Giang, ông Sáu Dân đã xót xa nói dân mình nhiều người còn nghèo quá, nhà cửa xập xệ trống huơ trống hoác.
Ra miền Trung, đi thực địa để mở hệ thống cảng biển, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông ngậm ngùi nhiều thanh niên miền Trung nghèo khó phải tha hương cầu thực.
Ông nhấn mạnh với các cán bộ cùng đi trong đoàn rằng những dự án đầu tư ở miền Trung chính là để phát triển vùng đất trước biển này, để người dân được an tâm sinh sống, làm giàu tại địa phương.
Nhiều năm nhắc nhớ người lãnh đạo và cũng như là người anh của mình, nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết tâm sự: "Tôi có rất nhiều câu chuyện khó quên về anh Sáu Dân. Trọng trách thủ tướng có rất nhiều việc phải giải quyết, nhưng anh vẫn nhìn rất xa, đặc biệt quan tâm đến tương lai mai sau của đất nước".
Trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng "nổi giận" về tình trạng phá rừng mà ý ông nói là làm tổn thương đến môi trường sống của thế hệ tương lai, của cháu con mình.
Hồi còn làm Bí thư TP.HCM những năm hậu chiến, ông qua thăm Cần Giờ cũng rất buồn với tình trạng quá khó khăn của người dân khi thiếu thốn tất cả đường, điện, trường, trạm, nước ngọt.
Bao năm qua rồi, câu chuyện vẫn được kể lại rằng một lần ông Sáu Dân về thăm Cần Giờ, nhiều đứa trẻ địa phương đã tò mò chạy theo xem và trong đó có cả những trẻ còn thiếu quần áo mặc, lấm lem bùn đất.
Ông nghiêm nét mặt, có vẻ "rất giận" nhưng không phải giận vì thiếu tôn trọng mà là sự thiếu quan tâm, sâu sát của chính quyền địa phương với đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em.
Sau này, về lại Cần Giờ, ông đã vui hơn khi thấy sự đổi mới, khang trang và con em rừng Sác khó khăn ngày nào nay đã có trường, có đường để đi học.
Câu chuyện đúng như ông đã từng nói với người viết bài này: "Chúng ta đi làm cách mạng mà để dân mình nghèo khổ thì chúng ta làm để làm gì".
Ngay sáng hôm đó, ông Sáu Dân đã gửi tặng cô học trò Thùy Hương một chiếc xe đạp mới và số tiền hỗ trợ sửa chữa căn nhà và quan trọng nhất là để Thùy Hương có thể tiếp tục được đi học. Ông còn dặn dò tôi rất kỹ rằng phải quan tâm tới em nữ sinh này, nếu có chuyện gì cứ gọi thẳng cho ông.
Sau đó, căn nhà của em được một số đơn vị giúp sửa chữa khang trang, treo tấm bảng nhà tình thương, em được tài trợ đủ tiền ăn học đến hết đại học.
Hôm em đậu Đại học Ngân hàng với điểm số ở tốp đầu, tôi đã định báo ông nhưng lại ngần ngừ vì ông trở bệnh cũng như đang nặng lòng với bao chuyện quốc kế dân sinh. Chính sự ngần ngừ này làm tôi đến giờ vẫn thỉnh thoảng suy nghĩ, tiếc nuối ...