Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Trung Quốc đã chiếm đoạt công nghệ của Mỹ bằng cách nào?

 Bài 1: Lợi dụng tối đa hệ thống đại học Âu, Mỹ

Cuối tháng 1.2020, người dân Mỹ bàng hoàng thấy cảnh trên tivi GS. Charles M. Lieber, trưởng khoa hóa của Đại học Harvard bị còng tay ra trình diện trước tòa án tại thành phố Boston. Là một trong số 26 giáo sư hiếm hoi và danh giá của Đại học Harvard (vào năm 2020), ông Lieber được coi là một ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Nobel, nghĩa là thuộc giới tinh hoa của nền khoa học Mỹ.

Khi gián điệp công nghệ "sa lưới"

GS. Lieber bị cáo buộc nói láo với giới chức điều tra và che dấu mối quan hệ tài chính với chính quyền Trung Quốc (TQ), đặc biệt là về việc ông tham gia vào chương trình “Ngàn tài năng” (Thousand Talents Program) của TQ. Mặc dù GS. Lieber chưa bị cáo buộc tội “chia sẻ thông tin nhạy cảm” với TQ, nhưng chỉ với tội danh nói trên, đặc biệt là việc che dấu nhận tiền của TQ trong khi đang tiến hành các chương trình nghiên cứu với sự tài trợ của các cơ quan của chính phủ Mỹ như Bộ Quốc phòng, NIH (National Institutes of Health) thì mức án có thể lên đến 5 năm tù.

Cũng trong ngày 26.1.2019 Bộ Tư pháp Mỹ cũng truy tố hai nhà khoa học khác người TQ. Zaosong Zheng, một nhà khoa học từ một cơ sở nghiên cứu ung thư cũng trực thuộc Đại học Havard đã bị cáo buộc lấy cắp 21 ống nghiệm từ phòng thí nghiệm và tìm cách chuyển về TQ. Người thứ ba là Yanqing Ye, đang nghiên cứu ở Đại học Boston đã bỏ trốn về TQ khi việc cô là một sỹ quan quân đội TQ được cử đi học mà không khai báo cho nhà trường bị tiết lộ.

GS. Đại học Harvard Charles Lieber rời tòa án vào ngày 30.1.2020 ở Boston, Massachusetts. Ảnh: Charles Krupa/AP

Theo bản cáo trạng của bên công tố, từ năm 2011 GS. Lieber đồng ý đóng vai trò hoặch định chiến lược cho Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) trong chương trình “Ngàn tài năng” với mức lương 50 ngàn USD mỗi tháng. Ngoài ra ông còn được cấp hơn 150 ngàn USD tiền trợ cấp sinh hoạt hàng năm. Năm 2013 ông đã tổ chức khánh thành việc thành lập Viện Công nghệ Nano liên kết WUT-Harvard. Cũng theo bản cáo trạng, việc ông nhận tiền của TQ mà không khai báo trong khi nhận tài trợ cho các chương trình nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng (trên 10 triệu USD) và từ NIH (trên 8 triệu USD) là một việc làm bất hợp pháp.

Hơn một năm qua FBI và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã truy tố nhiều vụ khác nữa, chẳng hạn như vụ một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của hãng nước ngọt Coca-Cola, cô Xiaorong đã ăn cắp công nghệ sơn tráng đặc biệt các lon nước uống. Giá trị thương mại công nghệ mà cô Xiaorong chuyển cho TQ lên đến 120 triệu USD, chưa kể giá trị khó tính thành tiền cho việc rút ngắn thời gian nghiên cứu của phía TQ.

Gần đây nhất, ngày 14.1.2021 GS. Gang Chen của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT) cũng bị cáo buộc tương tự như GS. Lieber của Đại học Harvard – tham gia chương trình “Ngàn tài năng” và không khai báo tài trợ của Đại học Khoa học và công nghệ niền Nam TQ (Southern University of Science and Technology - SUSTech) với số tiền lên đến 19 triệu USD.

Trước đó, một nhà nghiên cứu khác cũng thuộc chương trình “Ngàn tài năng”, TS. Long Yu làm việc cho một công ty tư nhân ở tiểu bang Connecticut đang có hợp đồng nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng đã download thông tin liên quan đến thiết kế máy bay F22 và JSF-35 đã bị FBI bắt năm 2014 trong khi tìm cách chuyển thông tin về TQ. 

Chương trình “Ngàn tài năng” không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và quốc phòng. Cũng trong năm 2019, ông Beng Meng giám đốc quỹ hưu trí công của tiểu bang California quản lý hơn 160 tỷ USD cũng bị tố cáo tham gia chương trình “Ngàn tài năng” mà không khai báo. Quỹ này do ông Meng điều hành đã đầu tư vào các công ty quốc phòng của TQ. Vô hình trung đã dùng tiền của người Mỹ giúp cho công ty quốc phòng của TQ...

Chương trình “Ngàn tài năng” hay "bình phong" để ăn cắp công nghệ?

Điểm đáng chú ý là các vụ việc nói trên đều có một mẫu số chung – đó là chương trình “Ngàn tài năng” của chính phủ TQ. Trên đây chỉ là một vài ví dụ về các vụ việc đã bị lật tẩy thuộc một chương trình khổng lồ của TQ nhằm thu hút và chiếm đoạt công nghệ của Mỹ và các nước tiên tiến khác trong nhiều năm qua. Chương trình này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các đại học, viện nghiên cứu cho đến các hãng công nghệ và kỹ thuật.

Hơn thế nữa, chương trình này đã với tới giới khoa học đỉnh cao của Mỹ. Đó là chưa kể là hiện nay TQ đang có chính sách thu hút các nhà khoa học gốc TQ quay trở về làm việc với qui mô lớn chưa từng có. Chương trình “Ngàn tài năng” đã được mở rộng để thu hút cả các nhà khoa học nước ngoài. Theo báo cáo của tiểu ban An ninh Quốc nội và các vấn đề của Chính phủ (Homeland Security and Governmental Affairs) của Thượng Viện Mỹ vào tháng 11.2019 thì cho đến 2017 chương trình “Ngàn tài năng” đã tuyển dụng được 7.000 nhà khoa học cao cấp trong đó có các nhà khoa học nước ngoài và cả một số người được giải thưởng Nobel. Chính phủ TQ cho ban hành một loại thẻ xanh “Green Card” – thường trú nhân giống như của Mỹ dành cho các nhà khoa học nước ngoài tham gia chương trình này. Từ chỗ bị coi là chảy máu chất xám “Brain Drain’’ thì nay TQ đang chuyển sang “Brain Gain” – tạm dịch là “tăng cường hay là khuyếch đại chất xám”.

Hôm 13.1.2021, nhà khoa học cấp cao của NASA thừa nhận mối quan hệ của mình với một chương trình tài trợ từ Trung Quốc, cũng như các chức danh khác tại nước ngoài. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Meyya Meyyappan (66 tuổi) sinh sống ở Pacifica, California, đã nhận tội trước Thẩm phán quận Kevin Castel ở Manhattan, New York. Không chỉ Meyya Meyyappan, còn nhiều nhà khoa học tại Mỹ bị bắt hoặc phát hiện là có mối quan hệ với Trung Quốc thông qua chương trình Ngàn tài năng. Ảnh: Reuters

Hơn thế nữa, TQ cũng thu hút những nhà khoa học trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài quay trở về làm việc. Riêng năm 2018 có đến hơn 480 ngàn du học sinh tốt nghiệp ĐH hoặc cao học ở nước ngoài quay về TQ làm việc trên tổng số hơn 662 ngàn ra đi du học (tỷ lệ quay về là 78%). Tỷ lệ này chỉ là 30.6% năm 2007 và 5% năm 1987 mà thôi. Dĩ nhiên, đây chỉ là một trong các phương cách khác nhau của TQ để chiếm đoạt tài sản trí tuệ và công nghệ của các nước khác. TQ đã thực hiện các biện pháp khác thô bạo hơn như bắt các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ mới cho vào sản xuất và kinh doanh trên đất TQ...

Bài viết này chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến chương trình “Ngàn tài năng” ở Mỹ mà người viết có một vài cơ hội biết đến ít nhiều một cách trực tiếp. Chương trình “Ngàn tài năng” đặt ra những thách thức lớn, nan giải đòi hỏi những giải pháp có tính chất đồng bộ và hệ thống cho các nước Âu, Mỹ. Như đã nói ở trên, trừ một vài vụ lẻ tẻ như ăn cắp thông tin, mẫu thí nghiệm bị bắt quả tang, các vụ việc khác đều chỉ bị cáo buộc tội khai láo với giới chức điều tra và che dấu tài trợ tài chính từ TQ. Các tội danh này dĩ nhiên không phản ánh đúng thực chất và vì vậy không thể trừng phạt thích hợp để răn đe và ngăn ngừa.

Điều đó cho thấy các nước phương Tây trong đó có Mỹ cần phải có các thay đổi rất căn bản từ việc áp dụng và sửa đổi luật hiện hành liên quan, cho đến chuẩn bị cho các tác động và ảnh hưởng của những thay đổi đó đến rất nhiều mặt của xã hội. Làm sao để vừa chống được các thủ đoạn chiếm đoạt sở hữu trí tuệ nhưng vẫn phải bảo đảm được tính chất mở ‘openess’ và tự chủ của hệ thống đại học vốn là nền tảng cho sự phát triển khoa học ở các đại học phương tây và Mỹ.

Hơn thế nữa, cần phải tránh sự lạm dụng luật dẫn tới phân biệt đối xử các sắc dân có nguồn gốc khác nhau. Đặc biệt khó là nguồn nhân lực có trình độ cao từ các du học sinh nước ngoài (trong đó từ TQ chiếm một tỷ lệ cao nhất) ở Mỹ đóng một phần quan trọng trong nền kinh tế, không thể một sớm một chiều thay đổi được. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, những vụ án liên quan đến chương trình “Ngàn tài năng” nói trên chỉ góp phần đánh động dư luận nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về pháp lý và vì vậy khó có thể trừng phạt thích đáng.

Hơn thế nữa do thiếu chuẩn bị cẩn thận, các vụ này không chấm dứt được mà có phần giúp đánh động chính quyền TQ, giúp họ thay đổi một cách tinh vi hơn trong thời gian trước mắt. Chẳng hạn, từ năm 2019 các thông tin về chương trình “Ngàn tài năng” trên các mạng xã hội và cả từ các trang chính thức của các trường đại học đã bị xóa hết.

Hệ thống đại học mở và tự chủ

Sau đây là một vài phân tích dựa vào kinh nghiệm và thu thập của người viết liên quan đến chương trình “Ngàn tài năng”. Trước hết cũng nên điểm lại một vài đặc điểm quan trọng của hệ thống khoa học, từ trong đại học đến ngoài các công ty công nghệ cao, vốn là niềm tự hào của người Mỹ. Tuy vậy, phải thấy được rằng TQ đã biết cách khai thác những lỗ hổng trong hệ thống này một cách rất hiệu quả.

Ai cũng biết hệ thống đại học ở Hoa kỳ là rất mở ‘openess’ và có quyền tự chủ rất cao, nếu không muốn nói là gần như tuyệt đối. Việc tuyển dụng và bổ nhiệm GS và các nhà nghiên cứu trong các đại học là cực kỳ linh hoạt, trong đó các khoa, trường gần như có toàn quyền. Chính sách mở và tự chủ này là hai nền tảng quan trọng cho nền đại học ở các nước Tây Âu, đặc biệt là ở Mỹ phát triển vượt bậc.

Chúng ta đều biết rằng khoa học luôn phát triển và tốc độ phát triển liên tục gia tăng. Nhiều lĩnh vực khoa học mới chỉ được hình thành và phát triển gần đây như công nghệ trí tuệ nhân tạo – Artifitial Interligent (AI), Photonics (tạm dịch là quang tử), Machine Learning (ML)... Chỉ vài chục năm trước những cái tên đó còn rất xa lạ, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển như vũ bão, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các công nghệ mới và khoa học nói chung, cũng như cho nền kinh tế và xã hội.

Ảnh mang tính minh hoạ. Nguồn: VnReview

Ngay lúc này đây nhiều lĩnh vực mới khác cũng đang phôi thai như máy tính lượng tử (quantum computing), viễn thông lượng tử (quantum communication)... được dự đoán sẽ có thể tạo ra một cuộc cách mạng khoa học mới trong thời gian không xa lắm. Chính vì vậy, không có một trường đại học nào dù có đầy đủ phương tiện nhất, nhiều nhà khoa học ưu tú nhất cũng có thể bao quát hết được tất cả mọi lĩnh vực.

Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội cho tất cả các đại học. Do sự tự chủ cao, các đại học đều cố gắng tìm kiếm và đón bắt các cơ hội mới. Dựa vào các kết quả nghiên cứu, các đại học có thể hình thành các hướng nghiên cứu mới và nếu chọn đúng hướng, đúng người trong một thời gian rất nhanh có thể trở thành các  trung tâm nghiên cứu mũi nhọn, không chỉ đem lại uy tín cho đại học mà còn thu hút các nguồn tài trợ từ các cơ quan chính phủ và từ các công ty, doanh nghiệp. Để làm được điều này, điều kiện “mở” là cực kỳ quan trọng. Các đại học cho phép hợp tác nghiên cứu, trao đổi rộng rãi, tuyển dụng rất linh hoạt. Khi thực sự có nhu cầu, các khoa có thể trả tiền khá cao để "mua" các nhà khoa học mà họ đang cần mà không bị quá nhiều thủ tục phiền hà. Lắm khi chỉ sau một cuộc thảo luận khoa học, trình bày một báo cáo, seminar... là một thỏa thuận tuyển dụng có thể ký kết ngay.

Đây chính là một điểm sáng trong hệ thống đại học của Mỹ.

Một ví dụ đơn cử nơi người viết bài này làm việc gần 20 năm. Vào những năm 1960, Khoa Quang học ở đại học Arizona được tách ra từ Trung tâm Thiên văn học –với mục đích chính nhằm phục vụ cho trung tâm thiên văn thuộc loại lớn nhất này của Mỹ. Sang đến những năm 1980 khi các vấn đề quang học bán dẫn bùng nổ - nhóm nghiên cứu ở đây có những kết quả quan trọng, biến nơi đây trở thành một trung tâm lớn về lĩnh vực quang bán dẫn góp phần hình thành nên Trung tâm Quang học (Optical Sciences Center - OSC).

Vào những năm 1990s, OSC lại đón bắt được nhu cầu về viễn thông quang học (optical telecommunication) và thúc đẩy các nghiên cứu về hướng này và các lĩnh vực mới Photonics – biến nơi đây thành một trung tâm nghiên cứu và giáo dục lớn nhất của cả Mỹ về lĩnh vực quang học, trở thành College of Optical Sciences - trường đại học đầu tiên đào tạo tất cả các cấp từ kỹ sư đến tiến sỹ về các ngành quang học. Trường có đến ba nhà khoa học được giải Nobel về vật lý, trong đó GS. William Lamb Jr. và GS. N. Bloembergen là biên chế của trường còn GS. Glauber là giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor).

Đến năm 2019 nơi đây lại được NSF (National Science Foundation) quĩ khoa học cơ bản lớn nhất của Mỹ tài trợ thành lập thêm một trung tâm về viễn thông lượng tử đầu tiên của NSF (Center of Quantum Network). Sơ lược qua một ví dụ như vậy để thấy các đại học ở Mỹ rất chủ động phát triển, luôn tìm cách đột phá. Làm được như vậy chính là nhờ vào các đặc điểm quan trọng đã nêu lên ở trên. Tuy vậy, hệ thống này được “thiết kế” mà không hề chuẩn bị cho các âm mưu có quy mô quốc gia nào đó nhằm cạnh tranh thu hút chất xám với Mỹ. Điều này quả thực khá bất ngờ.

Trước nay, người Mỹ vẫn tự hào là họ có thể thu hút chất xám của mọi nơi trên thế giới vì không đâu có thể có nhiều tiền bằng họ. Có người còn nói toạc ra rằng họ có thể “mua” được bất cứ nhà khoa học nào nếu thực sự cần. Lối suy nghĩ này rất phổ biến ở Mỹ, coi “chất xám” cũng chỉ là một loại hàng hóa đặc biệt, thuận mua vừa bán. Điều này không phải là không đúng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các đại học ở Mỹ đã từng bê nguyên xi cả nhóm nghiên cứu nổi tiếng từ nhiều đại học, viện nghiên cứu của Liên Xô qua Mỹ. Không chỉ có ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, các đại học ở Mỹ có rất nhiều người từ các cường quốc Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dĩ nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học Mỹ sang làm việc ở các nước khác nhưng chủ yếu vẫn theo xu hướng thu hút vào Mỹ là chính. Sự tự do trao đổi này trong môi trường đại học và trong giới khoa học vẫn luôn được coi là lành mạnh.

Nguy hiểm hơn nữa, chương trình “Ngàn tài năng” nhắm vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng và then chốt cho mục tiêu đưa TQ thành một cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050.

Ở đây cần phải nhấn mạnh trong khi các quốc gia đang phát triển luôn bị chảy máu chất xám, chính phủ của các nước này cũng có một số chính sách hạn chế nhưng về cơ bản là chấp nhận – coi đó như một qui luật "nước chảy chỗ trũng", không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế việc ra đi của một thành phần có trình độ cao. Điều ít người ở Mỹ sớm nhìn thấy là trong khoảng 10 năm trở lại đây, TQ đã chuyển từ trạng thái “Brain Drain” – chảy máu chất xám thành “Brain Gain” hay tăng cường chất xám thông qua chương trình đại qui mô “Ngàn tài năng” như sẽ trình bày dưới đây.

Điều khác biệt cơ bản của chương trình “Ngàn tài năng” với sự trao đổi thông thường của các nhà khoa học vốn đã xảy ra lâu nay: một bên “Ngàn tài năng” là chương trình của chính phủ một quốc gia (TQ) đứng ra tổ chức, trực tiếp chu cấp gần như toàn bộ tài chính; Một bên là di chuyển và trao đổi khá tự nhiên phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng cá nhân và của các tổ chức khoa học, kinh doanh và sản xuất, không có sự tài trợ của chính phủ cho các trao đổi đó. Như vậy, nếu chỉ dựa vào tài trợ, thì chương trình “Ngàn tài năng” đã tạo ra một sân chơi không công bằng – một bên là do một chính phủ của một quốc gia đứng ra tổ chức, một bên là giữa các cá nhân và các tổ chức đơn lẻ.

Nguy hiểm hơn nữa, chương trình “Ngàn tài năng” nhắm vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng và then chốt cho mục tiêu đưa TQ thành một cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050. Như đã nêu ở những ví dụ trên đây, có những hoạt động khá tinh vi trong chương trình “Ngàn tài năng” mà luật hiện hành không xử được. Khái niệm cổ điển về ăn cắp kỹ nghệ không còn áp dụng được nữa. Thay vì tìm cách chiếm đoạt các bản vẽ, các sơ đồ kỹ thuật, các mô hình công thức... như cách làm cổ điển, ngày nay người TQ đã phát minh ra một phương cách mới: mua phứt luôn người phát minh ra các kỹ nghệ mà họ cần.

Trong chương trình “Ngàn tài năng”, các khoa học gia gốc TQ còn được khuyến khích đưa các cộng sự của họ ở các nước về để xây dựng các phòng thí nghiệm, lập các nhóm nghiên cứu ở TQ. Nghĩa là không chỉ cần những người khoa học chính lãnh đạo, mà cả những người thực hiện các nghiên cứu cụ thể. Vậy để hiểu kỹ hơn làm thế nào TQ đã chiếm đoạn các tài sản trí tuệ của Mỹ và các nước khác, có lẽ cần phải hiểu kỹ chương trình “Ngàn tài năng” – một chương trình chính của TQ nhằm đạt được mục đích này.

Người viết bài này có những tìm hiểu và dựa vào các nguồn tài liệu chính thống, chủ yếu từ New York Times, Washington Post, Foreign Policy và một số tờ báo khác như Tạp chí Science có đăng các thông tin tuyển chọn các nhà khoa học trong chương trình “Ngàn tài năng”. Đặc biệt, người viết dùng khá nhiều số liệu từ bản báo cáo “Threats to the U.S. Research Enterprise: China’s Talent Recruitment Plans” (tạm dịch là “Các mối đe dọa với hoạt động nghiên cứu của Mỹ: Các chương trình tuyển mộ tài năng của TQ”) của tiểu ban An ninh Quốc Nội và các vấn đề của Chính phủ (Homeland Security and Governmental Affairs) của Thượng Viện Mỹ tháng 11. 2019. Ngoài ra, người viết có những thông tin từ mối quan hệ cá nhân liên quan trực tiếp đến chương trình “Ngàn tài năng”.

Còn tiếp

Nguyễn Trung Dân


Bài 2: Cạnh tranh hay chơi bẩn?

Với mức độ xâm nhập hết sức lớn của hàng trăm ngàn kỹ sư, khoa học gia người Trung Quốc (TQ) trong hàng chục ngàn công ty ngay trên đất Mỹ và cả trên đất TQ, thì không thể có một cơ quan an ninh nào có thể ngăn chặn được các vụ chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ “hợp pháp” và bất hợp pháp.

Trong nhóm của tôi (người viết) có một nhà nghiên cứu trẻ TQ được nhận vào làm việc khoảng năm 2002. Anh rất chịu khó làm việc, có công bố chung với tôi một số kết quả nghiên cứu. Khoảng năm 2013 anh xin thôi việc. Anh cho biết sẽ về TQ làm việc trong một trường đại học (ĐH). Tôi ngạc nhiên vì biết anh mới được nhập quốc tịch Mỹ, công việc lại đang thuận lợi. Anh cho biết gia đình anh sẽ ở lại Mỹ, còn anh sẽ qua lại vài lần một năm.

'Cơn bão' cạnh tranh tài năng ngay tại Trung Quốc

Bẵng đi khoảng một năm, tôi ngạc nhiên thấy anh gõ cửa phòng làm việc và cho biết đang thăm và làm việc với tư cách khách nghiên cứu ngắn hạn của khoa. Ấn tượng đầu tiên là anh chạy một chiếc Mercedes mới toanh vì trước đây anh chỉ chạy cái xe Toyota cà tàng. Anh kể là về làm ở ĐH Thiên Tân – trong chương trình “Ngàn tài năng” (lúc bấy giờ tôi mới biết đến chương trình này), lương cao hơn nhiều so với ở Mỹ, chưa kể khoản trợ cấp sinh hoạt hàng năm rất lớn, đủ ăn tiêu và đi thăm vợ con ở Mỹ nhiều lần.

Quan trọng nhất là anh được cấp quỹ xây dựng một phòng thí nghiệm và nhóm nghiên cứu riêng của mình, với ngân sách đủ cho cả nhóm yên tâm nghiên cứu trong một thời gian dài, ít nhất trong 5 năm đầu anh không phải lo xoay xở xin kinh phí. Điều này quả thực là một ước mơ cho nhiều nhà khoa học ở các ĐH Hoa Kỳ, hằng năm phải bỏ rất nhiều thời gian viết dự án để xin tài trợ cho các chương trình nghiên cứu. Anh hỏi tôi có muốn thử sang TQ làm vài năm cho biết, bảo đảm tài chính hơn gấp nhiều lần ở đây nhưng thấy tôi không mặn mà, anh đổi sang đề tài khác.

Sau đó, tôi đã bỏ thời gian để tìm hiểu về chương trình “Ngàn tài năng” (NTN), chủ yếu để thỏa mãn sự tò mò. Tôi nhận ra rằng những gì anh ta nói thực ra là khiêm tốn hơn với thực tế (sẽ trình bày sau). Đứng trên phương diện bạn bè thì tôi thấy mừng cho anh. Tuy vậy, trên góc độ của một người có chút hiểu biết và lo lắng về sự cạnh tranh không lành mạnh của TQ với Mỹ, tôi thấy có cái gì không ổn.

Huawei vướng bê bối gián điệp.

Khác với cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô trước đây, đối thủ của Mỹ nhan nhản ngay chính trong lòng nước Mỹ. Hơn nữa, những người này lại là công dân Mỹỳ với rất nhiều quyền lợi pháp lý được hiến pháp bảo vệ: họ có thể ra vào nước Mỹ bất cứ lúc nào, có thể tiếp cận với nhiều cơ sở kinh doanh, công ty công nghệ cao và cả các trung tâm khoa học của Mỹ mà Liên Xô và đồng minh Đông Âu trước đây mơ cũng không có được. Đây là một vấn đề cực kỳ tế nhị.

Vốn cũng là một người nghiên cứu khoa học nước ngoài trở thành công dân Mỹ, tôi hiểu và vô cùng trân trọng chính sách mở cửa chào đón của xứ sở này từ bao năm nay. Và cũng không quá đáng nếu cho rằng chính sách đó đã đem lại sức mạnh hiếm có của Mỹ về mặt khoa học và công nghệ, góp phần đem lại sự phồn thịnh cho nước Mỹ. Nếu không cẩn thận trong khi đối phó với các chương trình của TQ, với những chính sách thiển cận có thể phá mất viên ngọc quý của Mỹ trong việc xây dựng nền khoa học vĩ đại của đất nước này. Những gì tôi tìm hiểu và biết được về NTN thật đáng kinh ngạc. Nếu đứng trên góc độ của một người Việt thì càng khó diễn tả vì ngay cả trên phương diện hoàn toàn hợp lệ, TQ đã đi trước quá xa. Xin đơn cử một vài ví dụ sau đây.

Trước hết, chương trình NTN vài năm trở lại đây đã được ví như một “cơn bão” lan tràn khắp TQ. Ban đầu chương trình do nhà nước trung ương quản lý. Ngày nay, chương trình này đã được chuyển giao cho các cấp chính quyền địa phương, nhưng ở mức độ còn cao hơn trước rất nhiều. Chẳng hạn như đầu tháng 3.2018 chính quyền thành phố Bắc Kinh ban hành hai chính sách đặc biệt nhằm thu hút và quản lý chương trình NTN, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện hơn nữa về nhà ở, trường học cho con cái, giúp tìm công việc cho vợ chồng của các nhà khoa học cũng như cấp thẻ xanh nhanh chóng, từ lúc nạp đơn cho đến khi cấp Green Card chỉ trong vòng 50 ngày...

Cuối tháng 3.2018 đến lượt Thượng Hải tổ chức các cuộc họp do đích thân Bí thư Thượng Hải tổ chức thông qua các chính sách tương tự. Thượng Hải đặc biệt chú trọng một số ngành khoa học mũi nhọn như khoa học và công nghệ quang tử (photonics), y - sinh học (biomedicine), khoa học thần kinh (neuroscience) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI)…

Để thu hút chất xám, ĐH Nankai ở Thiên Tân đãi ngộ mức lương cao, với nhiều trình độ khác nhau trong khoảng từ 600 ngàn NDT (92 ngàn USD) đến 1,2 triệu NTD (185 ngàn USD)/năm. Ảnh mang tính minh hoạ

Cuộc chạy đua thu hút nhân tài giữa các địa phương đã trở nên quyết liệt không chỉ giữa các thành phố hạng I như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến… mà cả ở các thành phố mới được lên cấp I (new first-tier cities) như: Thành Đô, Vũ Hán, Nam Kinh và Tây Đô. Các thành phố cấp I mới này có sức thu hút rất mạnh do giá cả nhà ở và sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với các thành phố hạng I cũ. Năm 2018, lần đầu tiên các thành phố cấp I mới này đã thu hút được nhiều tài năng hơn so với các thành phố hạng I cũ, khiến các thành phố này phải đưa ra chính sách mới để cạnh tranh - gây ra một cuộc chiến tranh thực sự trong việc thu hút tài năng giữa các thành phố cấp I.

Kế đến phải kể tới các thành phố hạng II và hạng III. Chẳng hạn như Hàng Châu đưa ra chương trình kêu gọi cực kỳ hấp dẫn trong đó nêu rõ các nhà khoa học đã từng đoạt giải thưởng Nobel, Turing Award và các giải thưởng khoa học lớn khác ở Âu Mỹ có thể nhận được các phần thưởng lên tới 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 16 triệu USD).

Cần nói thêm rằng, chương trình NTN được thiết kế gắn liền với chiến lược phát triển quốc gia của TQ, nhắm đến mục tiêu đưa TQ thành cường quốc hàng đầu về khoa học và công nghệ vào năm 2050. Các nhà khoa học sẽ được mời gọi không chỉ làm việc cho các ĐH mà cả các công ty kỹ nghệ hàng đầu của TQ.

Bản thân người viết bài này cuối năm 2019, đầu 2020 được một hãng săn chuyên gia kỹ thuật cao đề nghị sang TQ làm việc cho công ty Huawei với mức lương cao hơn vài lần mức lương hiện có ở Mỹ. Điều đáng nói là việc này xảy ra sau khi nhóm nghiên cứu của chúng tôi công bố kết quả về một hệ máy tính quang học mới (optical Ising machine) trên tạp chí Nature Communication, thuộc hệ thống tạp chí khoa học Nature uy tín hàng đầu thế giới. Điều đó có nghĩa là sự “săn đầu người” này có tính chất hệ thống chứ không phải ngẫu nhiên. Tuy vậy, cũng như hầu hết người Việt khác, việc sang làm việc và sinh sống ở TQ không hề là sự lựa chọn đối với tôi. Chỉ mới nói ra, các con đã phản đối ầm ỹ.

Đơn cử một vài thông tin tuyển dụng trong chương trình NTN: Viện Công Nghệ Bắc Kinh (Beijing Institute of Technology– BIT) trả lương 420 ngàn nhân dân tệ (NDT) (khoảng 65 ngàn USD/năm) cho các nhà khoa học TQ dưới 40 tuổi, có 03 năm nghiên cứu sau tiến sĩ từ các ĐH có uy tín ở nước ngoài trở về, được mua 1 căn hộ giảm giá 1 triệu NDT, nếu tự túc nhà ở thì được cấp 2 triệu NDT, 2-6 triệu NDT/1 năm cho nghiên cứu khoa học và được cấp một phòng thí nghiệm. BIT còn có các chương trình dành cho các nhà khoa học có kinh nghiệm hơn – dưới 55 tuổi, hoặc ít kinh nghiệm hơn, dưới 35 tuổi.

Đại học Nankai ở Thiên Tân đưa ra mức lương cao hơn với nhiều trình độ khác nhau trong khoảng từ 600 ngàn NDT (92 ngàn USD) đến 1,2 triệu NTD (185 ngàn USD)/năm. Đặc biệt quỹ tài trợ cho nghiên cứu khoa học có thể lên tới 12 triệu NDT tùy lĩnh vực cụ thể. Riêng trợ cấp nhà cửa và ổn định chỗ ở từ 600 ngàn đến 3 triệu NDT tùy trình độ của nhà khoa học.

Cuối tháng 2.2020, Hongjin Tan đã bị kết án hai năm tù vì ăn cắp bí mật thương mại trị giá 1 tỷ USD. Ảnh: SCMP

Điểm đáng nói là các trường đều cố đưa ra các khoản có tính cách cạnh tranh, như ở Thẩm Quyến, ngoài mức lương tương đối giống ở Thiên Tân còn nhấn mạnh khoản phụ cấp sinh hoạt 2,75 triệu NDT do chính quyền tỉnh và thành phố cấp. Trường ĐH Tây An còn cấp một căn hộ từ 160m2 hoặc 190m2 tùy thuộc mức độ và một quỹ thiết lập phòng thí nghiệm lến tới 15 triệu NDT. Đặc biệt hơn, các công ty công nghệ có thể trả mức lương cho các chuyên gia cao cấp nhiều hơn vài lần mức lương của họ ở nước sở tại, chưa kể các trợ cấp sinh hoạt và nhà cửa…

Những điều trình bày trên đây về NTN cho thấy các chương trình thu hút chất xám của TQ thực sự là mối nguy lớn không chỉ cho nền khoa học mà cả nền kinh tế, quốc phòng của các nước Âu Mỹ. Đứng về mặt pháp lý, các chương trình được coi ít nhất là cạnh tranh không lành mạnh, dùng sức mạnh của một nhà nước để lũng đoạn quá trình trao đổi và cạnh tranh tự nhiên vốn đã xảy ra trong suốt lịch sử phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới hàng trăm năm nay. Trên thực tế, TQ đã đánh cắp và chiếm đoạn các sản phẩm trí tuệ dưới rất nhiều hình thức khác mà tôi sẽ trình bày sau đây. Nguy hiểm hơn, các chương trình trá danh sự trao đổi khoa học này đã chiếm đoạt một tài sản trí tuệ khổng lồ của các nước tích tụ trong một thời gian hàng chục. thậm chí cả trăm năm.

Lợi nhuận trên hết và mối nguy với các công ty công nghệ của Mỹ

Sẽ là khiếm khuyến lớn nếu không nhắc đến các thủ đoạn vừa tinh vi vừa thô bạo của TQ với các công ty công nghệ cao của Mỹ (xin chỉ giới hạn với các công ty của Mỹ vì người viết có kinh nghiệm trực tiếp). Song nếu đi sâu vào chủ đề này sẽ quá giới hạn của bài viết này vì vốn chỉ muốn nhắm vào các chương trình thu hút chất xám NTN của TQ. Chỉ xin lướt qua một số vụ nổi bật nhằm giúp cho độc giả thấy được vì sao các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ và thế giới đã để mất nhiều ưu thế đối với TQ chỉ trong vài chục năm gần đây.

Ai cũng biết rằng mục đích cuối cùng của các công ty, dù là công nghệ thấp hay cao vẫn là lợi nhuận. Với các công ty nhỏ thì lợi nhuận là nguồn sống và phát triển duy nhất, với các công ty lớn có niêm yết trên thị trường chứng khoán thì áp lực của các cổ đông, các nhà đầu tư còn cao hơn. Nhiều CEO của các công ty coi giá trị cổ phiếu tăng hay giảm từng quý là thước đo sự thành công của họ. Thông thường nếu cổ phiếu của công ty giảm trong khoảng 4-5 quý liên tục thì vị trí của CEO có thể bị lung lay (trừ trường hợp đặc biệt).

Chính vì áp lực lớn như vậy, nhiều công ty nhắm vào làm ăn với TQ bởi thị trường khổng lồ, sức mua đang không ngừng tăng cao của giới trung lưu những năm gần đây. Với mức lợi nhuận cao thu được từ TQ, các CEO sẵn sàng chấp nhận nhiều áp đặt của TQ miễn sao vào được thị trường TQ.

Tháng 7.2019, Yi-Chi Shih, 64 tuổi, đã bị Bộ tư Pháp Mỹ kết tội đánh cắp công nghệ chip bán dẫn sử dụng trong các hệ thống quân sự của Mỹ để chuyển về Trung Quốc. Ảnh: Korea Times

Là người làm trong một công ty công nghệ lớn của Mỹ có hơn 50 ngàn nhân viên trên toàn cầu, hàng quý được dự họp nghe báo cáo kết quả làm ăn của công ty, tôi cảm nhận rất rõ tầm quan trọng của thị trường TQ. Thoạt tiên, chỉ có các cơ sở sản xuất, ngày nay nhiều công ty đa quốc gia đã mở cả các trung tâm nghiên cứu ngay trên đất TQ để phục vụ các đòi hỏi cấp bách cho sản xuất. Điều này cũng dễ hiểu. Chi phí cho một nhà nghiên cứu ở Mỹ cao gấp rất nhiều lần ở TQ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao luôn đòi hỏi các nghiên cứu song hành để giải đáp và khắc phục các vấn đề kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất, và quan trọng hơn, để cải tiến chất lượng sản phẩm.

Các trung tâm nghiên cứu này tuyển dụng đa số là người TQ, những người này dễ dàng tiếp cận với các chuyên gia của công ty mẹ, với các kỹ thuật và công nghệ của công ty đã được tích lũy hàng chục, có khi hàng trăm năm. Vì vậy, đây chính là một quá trình chuyển giao hiểu biết về kỹ thuật và công nghệ từ các công ty nước ngoài cho các nhân viên người TQ của  họ.

Quá trình trên đây thực ra vẫn trong tầm kiểm soát. Các công ty có các luật lệ, quy tắc bảo mật rất cao để bảo vệ thông tin về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế theo báo cáo của Phòng Thương mại Liên hiệp châu Âu thì mặc dù TQ không thực hiện các vụ gián điệp công nghệ như nhiều người vẫn tưởng nhưng các công ty của TQ đã tìm cách thưởng lớn hoặc trả lương cao hơn để thuê những nhân viên người TQ có trình độ và kinh nghiệm từ các trung tâm nghiên cứu nước ngoài. Nhờ đó, các công ty TQ có thể lấy được nhiều kỹ thuật và công nghệ cao của các công ty nước ngoài. Chẳng hạn tháng giêng năm 2019 công tố Liên bang Mỹ cáo buộc công ty khổng lồ Huawei đã đánh cắp các bí mật thương mại của công ty T-Mobil của Mỹ bằng cách trả thưởng rất cao để tuyển dụng nhân viên kỹ thuật của hãng này để chiếm đoạt công nghệ về robot Tappy dùng để phát hiện các khuyết tật sản phẩm của smartphone.

Một vụ khác liên quan đến một chương trình nghiên cứu tuyệt mật của Apple ngay tại Silicon Valley (California) liên quan đến công nghệ xe không người lái. Vào tháng 2.2019 FBI đã bắt được kỹ sư người TQ là Jizhong Chen, nhân viên của Apple với nhiều tài liệu kỹ thuật bí mật của công ty bị đánh cắp khi anh này chuẩn bị bay đi TQ. Theo bản cáo trạng của FBI, Jizhong Chen đang chuẩn bị chuyển sang làm cho một công ty mới được thành lập của TQ chuyên về xe không người lái – hãng XMotors, được đầu tư bởi các công ty khác của TQ như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty Foxcom - nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội công ty điện tử Fujian Junhua - doanh nghiệp nhà nước của TQ, tìm cách đánh cắp công nghệ chip bán dẫn của hãng Micron Technology của Mỹ và chính thức cấm không cho công ty này nhập tất cả các loại linh kiện của các công ty Mỹ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng khẳng định một số lớn trong 8.000 động cơ chạy gió phát điện của Công ty Sinovel Wind Group được điều khiển bằng các phần mềm đánh cắp từ một công ty liên doanh của Mỹ - Công ty American Superconductor Inc (ASI). Kết quả của việc liên kết làm ăn này là Công ty ASI bị thiệt hại 1 tỷ USD và sa thải 700 nhân công ở Mỹ….

Thực ra các vụ trên đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi. Với mức độ xâm nhập hết sức lớn của hàng trăm ngàn kỹ sư, khoa học gia người TQ trong hàng chục ngàn công ty ngay trên đất Hoa Kỳ và cả trên đất TQ, thì không thể có một cơ quan an ninh nào có thể ngăn chặn được các vụ chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ “hợp pháp” và bất hợp pháp.

*

*          *

Để kết thúc phần này xin được phác qua một vài nét về các công ty công nghệ vốn là niềm tự hào của mọi người dân Mỹ. Thực ra, nếu không có dịp làm việc tại các trung tâm nghiên cứu của các đại công ty công nghệ cao của Mỹ thì cũng khó hình dung nổi. Lối suy nghĩ thông thường hay cho rằng khoa học và công nghệ xuất phát từ các phòng thí nghiệm trong ĐH, viện nghiên cứu hàn lâm rồi sau đó được chuyển giao ra các công ty để phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại.

Trụ sở của Apple ở thung lũng Silicon. Ảnh: Cessna 172M.

Trên thực tế, các ĐH đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự hình thành và phát triển các công nghệ mới, chẳng hạn như ĐH Stanford được coi là hạt nhân của thung lũng điện tử Silicon. Tuy nhiên, cần thấy rằng có rất nhiều nghiên cứu ở mức độ đỉnh cao từ cơ bản đến công nghệ ứng dụng được tiến hành từ các trung tâm nghiên cứu của các công ty tư nhân của Mỹ. Một ví dụ điển hình là Bell Laboratories là tên một công ty nghiên cứu tư nhân huyền thoại của Hoa Kỳ, nơi có đến 9 nhà khoa học được nhận giải thưởng Nobel về vật lý. Trong đó có các nhà vật lý lý thuyết lừng danh như John Bardeen, một trong ba người thiết lập ra lý thuyết về hiện tượng siêu dẫn mang tên ba nhà khoa học (Bardeen, Cooper, Schrieffer) - BCS Theory, là nhà khoa học người Mỹ duy nhất được trao 2 giải thưởng Nobel (BCS Theory và phát minh ra transistor); P.W Anderson là cha đẻ lý thuyết vật lý mang tên ông - Anderson Localization; William Shockley về phát minh transistor và hàng loạt hiệu ứng vật lý mang tên ông (Shockley diode equation, Shockley states, Shockley– Ramo theorem, Shockley–Queisser limit, Read-Shockley equation, Van Roosbroeck-Shockley equation); hay như Robert B. Laughlin về lý thuyết hiệu ứng Hall lượng tử….

Bell Lab là cái tên gắn với nhiều phát minh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hoa học như transistor, siêu dẫn, laser khí, mạch bán dẫn, vật liệu nano-bán dẫn, solar cell cho năng lượng mặt trời, lý thuyết thông tin (Information Theory), hệ điều hành UNIX, các ngôn ngữ lập trình B, C, C++, S, SNOBOL, AWK, AMPL và rất nhiều phát minh khác nữa. Bản thân người viết khi đọc các công trình lý thuyết về các hệ dẫn truyền sóng (Waveguide Theory) công bố trong tạp chí nội bộ của Bell Lab từ những năm 1950-1960 và là tiền đề cho phát minh ra sợi cáp quang (optical fiber) sau này vào những năm 1970-1980 mới thấy Bell Lab đã đi trước các ĐH và các công ty khác khoảng 10 đến 20 năm. Hoặc như IBM cũng có đến 5 nhà khoa học được giải thưởng Nobel về vật lý và hóa học….

Nhờ có sự đầu tư lớn lao và sâu rộng như vậy cho nghiên cứu khoa học, các công ty Mỹ đã thực sự làm cho nền kinh tế xứ cờ hoa có hàm lượng khoa học và công nghệ cao nhất thế giới. Phát triển công nghệ mới đã trở thành một lối sống được xã hội khuyến khích cổ vũ và hỗ trợ. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty công nghệ đua nhau ra đời ở Mỹ với các chủ nhân là các nhà khoa học và doanh nhân trẻ 20-30 tuổi, như: Microsoft, Apple, Google, Facebook, Amazon, Tesla…

Đa số các công ty luôn coi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là ưu tiên quan trọng nhất cho sự thành công của công ty. Riêng chi phí R&D của công ty tôi làm hằng năm trên 1 tỷ USD (1,2 tỷ năm 2020) đã là lớn nhưng chưa là gì so với các công ty nêu trên. R&D chính là chìa khóa cho sản phẩm mới với chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn, và đó chính là hình thức cạnh tranh lành mạnh. Ngay trong lúc này đây, những "ông lớn" như: Google, IBM và Amazon, Microsoft đang dẫn đầu các nghiên cứu về máy tính lượng tử (quantum computing). Chỉ riêng Google hàng năm chi cho chương trình này hàng chục triệu USD và không có một ĐH nào có thể chạy đua nổi.

Thấy được sức mạnh lớn lao về khoa học và công nghệ như vậy của các công ty tư nhân mới có thể hiểu hết mức độ nguy hiểm trong việc các công ty của Hoa Kỳ đã để lao động chất xám TQ xâm nhập quá sâu, thậm chí có những công ty còn lệ thuộc vào lực lượng này. Điều đó cho thấy ngăn chặn thất thoát sản phẩm trí tuệ là điều cực kỳ khó chứ không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Trong phần còn lại chúng tôi sẽ đưa ra một số dư luận đang tranh luận về cuộc chiến chống sự chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ của TQ. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra trên mặt trận pháp lý mà truyền thông không đưa tin chính thức xin được miễn lạm bàn. Dẫu chỉ là những thông tin tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng người đọc sẽ thấy được phần nào sự khó khăn của cuộc chiến dường như là thiên la địa võng.

Còn tiếp..

Nguyễn Trung Dân

Bài cuối: Ai bảo chống trộm cắp là dễ?

Vào thập niên 1980 khi Trung Quốc (TQ) mở cửa đưa sinh viên đi du học ồ ạt, có nhiều lãnh đạo đã phản đối vì cho rằng sẽ bị mất chất xám. Ông Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ đã bảo đại ý chỉ cần một phần nhỏ quay về đã là lãi to. Thực tế, tỷ lệ quay về năm 2007 là 30% và 2018 đã là 78%, chính những người này sẽ thực hiện giấc mơ hiện đại nước TQ của ông Đặng Tiểu Bình.

Trong những năm gần đây, rất nhiều người Mỹ tỏ ra quan ngại về sự vươn lên về kinh tế của TQ. Đặc biệt, hầu như tất cả mọi người đều tỏ ra khó chịu về những quy định mà họ cho là trò “chơi bẩn” như bắt ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác thì mới cho vào làm ăn ở TQ. Một số không nhỏ người Mỹ vẫn tỏ ra coi thường TQ về các lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như về quốc phòng. Theo họ, nền khoa học và công nghệ của TQ vẫn còn rất thấp, còn lâu mới có thể cạnh tranh được với Mỹ. Rất ít người Mỹ biết về các chương trình thu hút chất xám như “Ngàn tài năng” (NTN) của TQ đang xảy ra ngay trên nước Mỹ và cả các nước Tây Âu.

Cuộc cạnh tranh giành ngôi vị cao nhất

Thực ra, các lĩnh vực khoa học và công nghệ của TQ đã bắt đầu có những thay đổi có tính chất rất cơ bản trong những năm gần đây. Cá nhân tôi cảm nhận sự thay đổi này rất rõ khi nhận đọc phản biện những công trình của các nhà khoa học từ TQ gửi công bố trên các tạp chí quốc tế về các lĩnh vực photonics. Phải công nhận, khoảng 5-10 năm gần đây chất lượng các công trình gửi từ TQ tốt hơn hẳn, trong đó có những kết quả đặc biệt nổi bật. Điều này có lẽ phải kể đến vai trò quan trọng của các chương trình thu hút chất xám như đã trình bày trên đây.

Các thay đổi này có thể định lượng. Theo báo cáo của National Science Board: 2020 State of U.S Science and Engineering, năm 2015 (là năm số liệu có được đầy đủ) TQ đã vượt qua Mỹ về số lượng bằng tiến sĩ về các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật với gần 32 ngàn bằng trong khi Mỹ chỉ cấp 30 ngàn. Cần nhớ rằng, một trong những yêu cầu chủ yếu của các nhà khoa học từ nước ngoài khi tham gia chương trình NTN là hướng dẫn đào tạo tiến sĩ và sau đại học.

Tình báo Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc đang sử dụng gián điệp sinh viên để đánh cắp bí mật. Ảnh: CNN

Mặt khác, cũng theo báo cáo này trong khi Mỹ vẫn còn đang dẫn đầu về các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D với mức chi phí 25% R&D toàn cầu năm 2017 thì TQ đã bám theo sát nút 23%, kế đến là Nhật Bản (8%), Đức (6%) và Hàn Quốc (4%). Đáng kể hơn cả là mức độ tăng trưởng của cả Mỹ và châu Âu đều giảm, còn của TQ lại tăng lên nhanh chóng.

Chẳng hạn như từ 2000 đến 2017 Mỹ giảm từ 37% xuống 25%, châu Âu từ 25% xuống 20%, trong khi đó các nước châu Á mà TQ chiếm phần quan trọng tăng từ 25% lên 42%. Rõ ràng, cuộc cạnh tranh để giành ngôi vị số một thế giới về khoa học và công nghệ đã trở nên cực kỳ quyết liệt và việc chiến thắng không chỉ đơn thuần là danh dự của Mỹ và TQ. Đối với Mỹ, chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này sẽ là yếu tố quyết định cho việc bảo vệ vị trí số một thế giới về kinh tế, chính trị và quân sự. Đối với TQ, đó là hoàn thành giấc mơ đưa TQ trở thành cường quốc thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực mà chỉ 30 năm trước điều đó vẫn còn được coi là hoang tưởng.

“Không chịu đau thì không thành công”

Nhiều người cho rằng chống lại chiến lược chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ của TQ không khó, chỉ cần quyết tâm và dứt khoát. Những người này thường hay đưa ra các giải pháp đơn giản, thậm chí cực đoan. Họ cho rằng chỉ cần tìm cách cắt đứt hay loại bỏ các hình thức và phương pháp tiếp cận của các nhà khoa học TQ với nền khoa học và công nghệ Âu Mỹ, hạn chế hoặc cấm sinh viên TQ vào học các nghành khoa học, kỹ thuật quan trọng… Thực ra đây là lối suy nghĩ quá giản đơn, nếu không muốn nói là không thực tế (cần nhớ rằng, các ngành khoa học và công nghệ liên quan đến an ninh, quốc phòng thì vẫn luôn được áp dụng với người nước ngoài).

Kể từ thập niên 1980 khi mà chính phủ các nước Âu Mỹ mở cửa đón nhận sinh viên TQ du học, giờ đây đã có hàng triệu người trong số họ trở thành các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành và các kỹ sư làm việc không chỉ trong các ĐH, viện nghiên cứu mà còn cả trong các công ty công nghệ cao. Các kỹ sư và các nhà khoa học gốc TQ đã trở thành một lực lượng quan trọng, nếu không muốn nói là lực lượng chính ở nhiều phòng thí nghiệm trong các trung tâm nghiên cứu của các công ty kỹ thuật và công nghệ cao.

Đơn cử như trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao (nằm trong Fortune 500 nơi tôi đang làm việc từ 2017) có khoảng 1.500 kỹ sư, khoa học gia của hàng chục nước thì người TQ chiếm khoảng 20% trong khi chỉ có 3 người Việt. Với một thực tế như vậy, các công ty không thể nào tự sát bằng cách ngừng tuyển dụng lao động chất xám có gốc TQ chứ đừng nói đến việc loại bỏ hay cắt đứt hoàn toàn các phương cách tiếp cận như đề nghị trên đây. Hơn nữa, một số lớn các nhân viên này đã là công dân Mỹ nên được luật pháp bảo vệ trong nhiều lĩnh vực, trong đó các luật chống phân biệt đối xử.

Các vụ án liên quan đến ăn cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ đang được đưa tin dù là đáng lo, nhưng nếu để những nhà khoa học bị thu hút và trở về TQ nhiều hơn nữa thì kết quả là càng mất nhiều thêm nữa. Ảnh minh hoạ: Sociable.co

Trong các trường ĐH, sinh viên TQ chiếm tỷ lệ gần như cao nhất theo học các ngành khoa học và kỹ thuật, và từ đó họ trở thành các giáo sư, chuyên gia, kỹ sư bổ sung cho nền khoa học, công nghệ và nền kinh tế của các nước này. Việc hạn chế sinh viên TQ vào học các ngành khoa học mũi nhọn có thể là một giải pháp lâu dài, với điều kiện phải có sự chuẩn bị cẩn thận sao cho không xảy ra gián đoạn đột ngột từ đầu vào đến đầu ra của “dòng máu” lao động chất xám nuôi nền kinh tế và khoa học của các nước Âu Mỹ. Nên nhớ rằng sức sống của nền khoa học và công nghệ cũng như của cả xã hội phụ thuộc vào “dòng máu xám“ này. Điều càng phải tuyệt đối tránh là khi chưa có một sự chuẩn bị nào mà đã tung ra các lệnh một cách vô tội vạ, ngẫu hứng như những năm gần đây (dùng twitter hay mạng xã hội khác…), không những không giải quyết được vấn đề vốn rất khó, lại còn đánh động đối phương giúp họ thay đổi các phương cách hoạt động.

Quay trở lại với các phương pháp đối phó với chương trình mà TQ nhằm chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của các nước khác. Có một giải pháp nghe có vẻ cực đoan nhưng theo chiều ngược lại phương cách trình bày trên đây. Phương cách này cũng khá phổ biến theo chủ trương của những người vốn có thói quen suy nghĩ ngạo mạn, coi đồng tiền của Mỹ có thể mua được tất cả.

Tư tưởng này được đăng trên tờ Foreign Policy (Chính sách ngoại giao) ngày 17.9.2020 cho rằng để chống việc TQ thu hút chuyên gia cao cấp, chỉ cần trả cao hơn TQ là mọi việc OK, không có gì phải hoảng hốt lo lắng. Theo tác giả, trong 10 năm qua chính phủ TQ đã chi khoảng từ 550 triệu đến 1,1 tỷ USD để thưởng (chưa kể lương) cho những người đồng ý tham gia chương trình NTN, dù lớn nhưng thực ra không phải là cao so với khả năng của Mỹ và các nước. Tác giả của bài báo này cho rằng hiện nay nhiều nhà khoa học TQ cảm thấy vừa bị phân biệt đối xử, vừa bị trả công không xứng đáng. Trong khi đó họ lại được chào đón với mức lương còn cao hơn ở TQ thì việc họ bị thu hút về đây là điều không thể tránh khỏi, và chương trình NTN của chính phủ TQ càng dễ thành công.

Vấn đề thứ hai mà tác giả nhấn mạnh là các vụ án liên quan đến ăn cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ đang được đưa tin dù là đáng lo, nhưng nếu để những nhà khoa học bị thu hút và trở về TQ nhiều hơn nữa thì kết quả là càng mất nhiều thêm nữa. Cuối cùng, vấn đề quan trọng nữa là liên quan đến an ninh và quốc phòng. Nhà báo này cho biết ông và đồng nghiệp đã tiến hành điều tra, và phát hiện rằng chỉ có 36 người trong số 3.600 (1%) người tham gia NTN được giao các trọng trách trong các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân của TQ, và khoảng 8% làm việc cho các cơ quan liên quan đến quốc phòng.

Giải pháp của ông cho tất cả vấn đề này: trả lương thật cao hơn để giữ các nhà khoa học lại. Lối suy nghĩ này có các khiếm khuyết quan trọng, nhất là đã bỏ qua đặc tính dân tộc mà như ông Đặng đã từng nói “người TQ đi đâu cũng vẫn là người TQ”. Điều đó có nghĩa là tiền bạc không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất (dĩ nhiên, cũng có lúc nó là rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất). Thứ hai, không biết trả lương cao mấy cho vừa vì ngay trong lúc này, TQ đã sẵn sàng trả cao hơn hẳn so với mức lương hậu hĩnh ở Mỹ rồi. Không lẽ trả thật cao để giữ các nhà khoa học này lại, vậy thì sẽ trả lương cho những người Mỹ, người nước khác ra sao? Hơn nữa, lương bổng phải được phản ánh bởi cung cầu của nền kinh tế, không thể muốn nâng hay hạ bao nhiêu cũng được.

Hai cách đối phó trên đây tuy là đối cực với nhau nhưng cũng là lối suy nghĩ rất phổ biến. Thực ra, nếu suy nghĩ kỹ thì chỉ từ những gì trình bày trên đây chúng ta đều sẽ thấy vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Trình trạng này có lẽ giống như tiêu đề đã chọn cho phần này: Ai bảo “chống trộm là dễ”, hơn thế nữa, chống “gặm nhấm” còn khó hơn nhiều?!

Trước tiên cần phải thấy rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các nước Âu Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào lực lượng lao động chất xám người TQ. Như đã nói từ phần đầu, điều phải nói đến là hệ thống “mở” của các ĐH Mỹ và các nước Tây Âu. Đây vừa là điểm mạnh của các nước Âu Mỹ nhưng cũng chứa nhiều rủi ro nếu bị lợi dụng. Lời giải tối ưu cho bài toán này là rất khó, ngoài khả năng của người viết. Điều cần phải thấy là nguyên tắc “no pain no gain” (không chịu đau thì không thành công) có lẽ là nguyên tắc đầu tiên cần phải được chấp nhận, từ người dân đến các công ty, ĐH và chính phủ. Chỉ tìm cách đổ lỗi cho TQ sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Cần phải nhận thấy rằng xu thế chấp nhận sinh viên TQ (và cả ngoại quốc) vào các ngành khoa học, kỹ thuật ngoài tính chất “mở” (openess) của nền ĐH của các nước Âu Mỹ còn có lý do thực dụng. Xu hướng chung ở các nước công nghiệp phát triển, có đời sống cao là giới trẻ thích chọn các ngành nghề học thoải mái hơn, nếu không muốn nói là dễ hơn các ngành khoa học kỹ thuật. Học đã thế mà đi làm còn nhàn hơn và vẫn có thể kiếm nhiều tiền hơn kỹ sư. Đây là quy luật chung, không chỉ xảy ra ở các nước phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc mà cũng đã bắt đầu xảy ra tại Việt Nam.

Trong khi đó nhu cầu của các nước phát triển lại rất cần lực lượng lao động chất xám cao, và vì vậy du học sinh TQ, Ấn Độ và các nước khác đáp ứng được nhu cầu đó. Du học sinh TQ vào thời kỳ trước đây là bằng mọi giá phải tìm cách ở lại Mỹ và các nước. Học các ngành khoa học và kỹ thuật có khả năng tìm được việc làm cao nhất, đó cũng là lý do mà sinh viên TQ theo học các ngành này rất đông. Sau này nhu cầu ở lại không còn cao nữa thì các ngành học cũng đa dạng hơn.

Hiện hàng trăm ngàn kỹ sư, khoa học gia người Trung Quốc đang làm việc trong hàng chục ngàn công ty ngay trên đất Mỹ và cả trên đất Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: BBC

Một điểm khác biệt cơ bản nữa giữa các nước có sinh viên du học đông ở Mỹ như TQ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản là chỉ có TQ có một chương trình quy mô nhà nước gửi sinh viên đi du học. Chương trình này ban đầu những năm 1980, 1990 là gần như 100% do nhà nước tổ chức và quản lý (sau này du học tự túc là chủ yếu). Trong khi đó, sinh viên du học từ các nước khác hầu như là tự túc, do khả năng tài chính của gia đình. Ở đây cần phải nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của nhà nước TQ với phong trào du học. Ngay từ lúc mới sang làm việc ở ĐH Arizona (1998), các nghiên cứu sinh cao học TQ cho tôi xem các văn bằng và các tín chỉ (credit) của các ĐH ở TQ cấp đã rất giống của ĐH Hoa Kỳ. Điều này vô cùng thuận lợi cho các sinh viên TQ vì họ có thể được miễn giảm học một số môn mà họ đã có credit từ các trường TQ. Trong khi đó, các sinh viên Việt Nam sang cho tôi biết họ gặp rất nhiều trở ngại vì nhiều môn học không có tên tương tự hoặc không có số giờ học tương tự, dù bản chất môn học giống nhau, nên không được miễn giảm. Vừa tốn tiền vừa tốn thời gian để học lại.

Rõ ràng bất cứ một sự gián đoạn nào của dòng chảy chất xám này đều dẫn tới tác hại tiêu cực với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các nước với nhau và với TQ. Vậy, một mặt cần phải tìm cách giảm nhẹ tác động tiêu cực này từ ảnh hưởng của phía du học TQ bằng cách nhanh chóng bổ sung bằng các nguồn khác, đặc biệt phải là nguồn chính từ Mỹ và các nước Tây Âu. Điều này nói dễ hơn làm, nhất là với các nước như Mỹ vốn có xu hướng bảo thủ luôn chống mọi chủ trương dùng chính sách nhà nước can thiệp vào mọi mặt trong xã hội. Nguyên tắc “no pain no gain” lúc nào cũng vậy thôi, nói dễ nhưng chẳng mấy ai muốn làm! Vì vậy đòi hỏi quyết tâm cao của một chính phủ “thông minh”, tránh kiểu hô hào dân túy là chính.

Đối với các cơ sở nghiên cứu ĐH và các doanh nghiệp, dù không thể thay đổi một cách đột ngột trong ngắn hạn, thì cũng cần phải có các biện pháp kiên quyết hơn nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một nước khác – vì sớm muộn điều này cũng sẽ bị kết cục như với TQ hiện nay mà thôi. Bài toán tối ưu cho các biện pháp ngắn hạn và dài hạn cho toàn bộ hệ thống đòi hỏi một giải pháp chung đồng bộ vì nếu không cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Ở đây, “no pain no gain” lại càng rõ và khó giải quyết hơn: trong cuộc cạnh tranh công nghệ và kinh tế, không ai muốn chịu đau dù chỉ là ngắn hạn, nhất là với các CEO luôn muốn giành các thắng lợi trong từng quý để đem lại cho họ các khoản thưởng khổng lồ.

Thâm sâu như ông Đặng Tiểu Bình!

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào thập niên 1980 khi TQ mở cửa đưa sinh viên đi du học ồ ạt, có nhiều người trong ban lãnh đạo TQ lúc bấy giờ đã phản đối vì cho rằng cho đi như vậy sẽ bị mất hết chất xám vì những người ra đi sẽ không trở về. Ông Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ đã bảo đại ý người TQ đi đâu thì vẫn sẽ là người TQ, và chỉ cần một phần nhỏ quay về đã là lãi to. Nay quả không sai, như nói ở trên, tỷ lệ quay về năm 2007 là 30% và 2018 đã là 78%, chưa kể chính những người này sẽ thực hiện giấc mơ hiện đại nước TQ của ông Đặng Tiểu Bình. Tầm nhìn xa như vậy của ông Đặng quả là hiếm có và đáng để thế giới học tập.

Với một vài phân tích trên đây, có lẽ đã khá rõ ràng rằng cần phải có những thay đổi sâu rộng, nhất quán của tất cả các nước về một chính sách đối phó với TQ. Sẽ là vô ích nếu chỉ một vài nước áp dụng các chính sách mới, còn các nước khác lại cứ tiếp tục như cũ vì “dòng máu xám” này sẽ theo quy luật “bình thông đáy” trong vật lý, sẽ tiếp tục chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp mà thôi.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải để người dân có được cái nhìn sâu rộng, hiểu được thực chất của vấn đề. Với thể chế dân chủ của Mỹ mọi chính sách đều do lá phiếu của cử tri thông qua các vị dân biểu (quốc hội) thì điều này lại càng cực kỳ quan trọng. Khi đã hiểu được vấn đề một cách thực chất, hy vọng cuối cùng là người dân sẽ chấp nhận chịu đau cho các giảp pháp cần thiết.

Người viết bài này chỉ hy vọng thế giới sẽ hiểu thấu đáo hơn về người TQ khi làm ăn với họ. Hy vọng rằng điều đó đang xảy ra, và bắt đầu từ chính nước Mỹ.

Nguyễn Trung Dân

_________

* Tác giả bài viết là Phó Giáo sư nghiên cứu (Associate Research Professor) về lĩnh vực vật lý lý thuyết và quang tử tại Đại học Arizona từ năm 1998 đến  tháng 2.2017. Từ 2.2017 cho đến nay là nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị Giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona.