Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

'Bò 7 món Ánh Hồng' một thời vang danh

 Nhà hàng không phải là một nhà hàng bình thường trong đời sống ẩm thực đất Sài Gòn - Gia Định trước năm 1975. Thành lập từ năm 1954 và tồn tại đến 1977, trong hơn 20 năm, nhà hàng tuy tọa lạc trên con đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) nhỏ hẹp ở Phú Nhuận sát bên cổng xe lửa số 8 nhưng tiếng tăm vang khắp nội ngoại thành Sài Gòn. Tuy vậy, từ đó đến nay, không mấy ai biết gốc gác của nó.

    Câu chuyện bắt đầu từ khoảng thập niên 1930, bà Trang Thị Hữu, một phụ nữ gốc Triều Châu sinh ra ở miền Tây có chị bạn đồng hương lập gia đình với một người Ấn Độ làm chủ nhà hàng chuyên chế biến các món thịt bò ở Tiền Giang, lấy tên Au Pagolac. Đến khoảng cuối thập niên 1940, quán Au Pagolac của gia đình này được mở ở Gò Vấp, gần nhà bà Hữu. Bà Hữu sang phụ việc ở quán và nhờ đó học được bí quyết làm các món bò của ông chủ Ấn.  

    Đến năm 1954, hai người con rể của bà Hữu thấy cơ hội kinh doanh nhà hàng với đặc sản là 7 món bò độc đáo từ bí quyết của quán Au Pagolac truyền lại nên bàn với mẹ vợ mở nhà hàng riêng. Người con rể đầu là Lê Văn Khá, thường được gọi Tư Khá, lập gia đình với con gái đầu của bà Hữu là Nguyễn Thị Duyên.

    Người con rể sau là Nguyễn Thành Giao, thường gọi Tám Giao, cưới cô em là bà Trang Thị Hoa (theo họ mẹ). Nhân lúc đó ông Tư Khá đang sở hữu nhiều đất đai ở Phú Nhuận chung quanh cổng xe lửa số 8, hai anh em cột chèo bàn nhau mở nhà hàng trên khoảng đất rộng sát đường rầy xe lửa, đối diện nhà ông Tư Khá.

    Cũng trong năm đó, con trai thứ năm của bà Hữu là Nguyễn Văn Hồng tập kết ra Bắc. Để nhớ người vừa đi xa, nhà hàng được đặt tên là nhà hàng Bò 7 món Anh Hồng. Tuy nhiên, sau do lo ngại bị phiền phức khi lấy tên người bên kia chiến tuyến, năm 1958, ông Tư Khá và ông Tám Giao đồng thuận thêm dấu sắc vào từ “Anh”, đổi thành nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng. 

    Ban đầu, bà Hữu là bếp trưởng lo việc điều khiển các đầu bếp làm món ăn. Qua từng ngày phục vụ khách, bà dần điều chỉnh cách thức chế biến cho hợp khẩu vị của khách Việt. Sau đó, có thêm người em họ của bà Hữu là bà Tư Lái, tên đầy đủ là Trần Thị Lái, đến phụ giúp trông coi bếp núc. Bà Lái là người khá giả, có nhà cho mướn ở cư xá Đô Thành (quận 3) nhưng vì sống một mình nên sẵn sàng đến giúp chị.

    Ông Tám Giao, đồng chủ nhân nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng (trái) và bà Tư Lái, phụ trách nhóm đầu bếp nhà hàng Ánh Hồng. Ảnh: TLGĐ


    Bà Tư Lái thể hiện tốt khả năng và vai trò bếp trưởng nên sau một thời gian, bà Hữu rút lui về nghỉ ngơi, giao việc điều hành bếp núc cho bà Tư Lái. Từ đó, suốt hơn hai mươi năm tồn tại của nhà hàng Ánh Hồng, bà Tư Lái gắn bó với gian bếp lớn. Bà rất yêu nghề, chăm chút chế biến từng món, điều hành chục đầu bếp hằng ngày làm món ăn, lặt rau, pha nước chấm. Dần dần, bà Tư Lái vào sống hẳn trong ngôi nhà nhỏ thuộc khuôn viên nhà hàng rộng lớn cho tiện công việc. 

    Thực đơn của nhà hàng, tập trung vào 7 món chế biến từ thịt bò và được dọn theo thứ tự. Trước hết là món bò nhúng giấm, thứ hai là chả đùm, sau đó là ba món nướng: bò nướng mỡ chài, bò nướng lá lốt và sa-tê (quấn miếng thịt bò tái nướng, không phải “sa tế” như nhiều báo viết). Cuối cùng là hai món beefsteak - cháo.

    Một số khách sành ăn có thể đổi món bò beefsteak thành bò nhúng giấm để ăn thêm. Thường ba người kêu hai phần là vừa, khỏe lắm mới ăn nổi mỗi người một phần. Các món này ăn với bánh tráng, rau thơm, xà lách, dưa leo, khế, chuối chát và chấm mắm nêm ớt sả. Thịt thơm béo hòa lẫn với rau thơm không ngán, thêm bánh tráng cân bằng khẩu vị. Mỗi ngày, quán bán từ 3 giờ chiều cho đến 10 hoặc hơn 11 giờ đêm, tùy theo còn khách hay không. 

    Anh Thiện, con trai thứ bảy của ông Tám Giao nhớ lại: suốt từ năm 1954 cho đến 1975, Ánh Hồng hầu như luôn đông khách. Do thực đơn tuy đơn giản với 7 món ăn nhưng chế biến ngon, giá cả vừa phải nên khách ưa chuộng. Nhiều gia đình công tư chức với đồng lương vừa phải cũng có thể cùng đến ăn vào dịp cuối tuần.

    Nhạc sĩ Vũ Thành An trong bài viết Vũ Thành An - Tình thư thứ mười bốn kể vào năm 1966, ông tổ chức kỷ niệm một năm “Chương trình Nhạc chủ đề” do ông và nhà thơ Nguyễn Đình Toàn thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn và đã chọn nơi tổ chức tiệc là nhà hàng Ánh Hồng. Hôm đó ông nhờ ca sĩ Duy Trác lái chiếc Lambretta đón bố đến tham dự. Bố ông rất thích giọng ca Thanh Thúy nên được xếp ngồi kế bên Thanh Thúy.

    Món bò lá lốt. Tranh: Phạm Ngọc Khánh


    Năm 1972, ca sĩ Thanh Lan đậu cử nhân Văn khoa cũng tổ chức tiệc tại quán này. Quán nằm trong số địa chỉ ghé vào cuối tuần để thưởng thức món ngon của gia đình nhạc sĩ Anh Bằng, theo lời kể của con trai ông. Các họa sĩ trong Hội Họa sĩ trẻ các buổi chiều cuối tuần thường nhờ người nhà đến mua các món bò ở đây mang về nhà họa sĩ Nguyễn Lâm thưởng thức. Nhiều lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Tổng Tham mưu và các căn cứ gần đó cũng thường ra ăn. 

    Ông Tư Khá thời đó tham gia điều hành hội đua ngựa Việt Nam, quan hệ rộng. Ông có hai người vợ, một ở villa phía sau nhà hàng và bà vợ sau là bà Duyên ở trong căn villa lớn đối diện nhà hàng phía đường rầy. Trước cổng villa và bên trong sân có trồng mấy cây tùng cao ngất mà những năm 1960 còn thấy. Hiện nay villa này là quán cà phê Miền Đồng Thảo.

    Ông Tám Giao phụ trách điều hành nhà hàng dù ông có việc chính là làm kế toán viên cho Công ty Dịch vụ tàu biển (Compagnie des Messageries Maritimes) ở cảng Nhà Rồng. Mỗi ngày sau giờ làm, ông đến nhà hàng để trông coi. Vợ ông ít khi ra đây, toàn tâm lo việc nội trợ và chăm sóc 12 người con ở ngôi nhà 104 Lê Lợi, Gò Vấp.

    Ông Tám Giao vốn là dân kháng chiến gốc Bến Tre, sống có nguyên tắc, dạy dỗ con cẩn thận, luôn yêu cầu các con phải ăn mặc chỉnh tề. Là gia đình Công giáo, ông cho các con trai học trường lớn như Lasan Taberd hay Lasan Đức Minh, các con gái học trường do các soeur đảm trách.                         

    Năm 1972, việc làm ăn đang hanh thông thì ông Tám Giao bị bệnh và mất sớm. Ông Tư Khá tiếp tục điều hành nhà hàng thêm hai năm sau 1975 thì đóng cửa. Sau đó, ông hiến cho nhà nước toàn bộ miếng đất có nhà hàng Ánh Hồng. Chính quyền địa phương biến địa điểm này thành xí nghiệp sản xuất bóng bàn, hiện nay là siêu thị Bách hóa Xanh.

    Gia đình ông Tư Khá sau có đến nhà bà Tám Giao đề nghị cho các cháu đi ra nước ngoài cùng nhưng bà không đồng ý vì không muốn xa con. 

    Khoảng năm 1980, ông Tư Khá cùng bà Duyên sang Bỉ và mất vài năm sau đó do tuổi già. Một số con cháu của ông bà định cư tại Mỹ đã mở nhà hàng bò 7 món, vẫn giữ tên Ánh Hồng bên cạnh khu chợ Đồng Hương trên đường Westminster (Garden Grove, bang California). 

    Bà Tư Lái hơn chín mươi tuổi mới mất vào thập niên 1990. Bà được thờ trong gia đình ông Tám Giao. Năm 2022, bà Trang Thị Hoa mất, thọ 98 tuổi.

    Quán ăn gia đình lấy tên Ánh Hồng ngày nay, tại ngôi nhà của gia đình ông Tám Giao trên đường Lê Lợi, quận Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh: Phạm Công Luận


    Hiện nay, chị Kim Anh là con ông bà Tám Giao mở quán ăn gia đình lấy tên Ánh Hồng tại ngôi nhà của gia đình trên đường Lê Lợi, quận Gò Vấp. Chị kế thừa bí quyết của bà ngoại và bà Tư Lái, vẫn chế biến cho khách thưởng thức 7 món bò và hương vị có thể nói vẫn giữ được như ngày xưa, nhưng vì trưng bảng là quán ăn và không quảng cáo nên không mấy ai biết nơi đây là quán ăn giữ lấy nghề truyền thống gia đình của hậu duệ những chủ nhân nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng nổi tiếng khắp Sài Gòn - Gia Định một thời. 

    Phạm Công Luận