Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương

 

Kỳ 1: Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Mỗi người dân thành phố hình như đều có những ký ức khó quên với những con đường kỷ niệm mà ngày xưa mẹ cha dẫn đi học , rồi lớn lên đi làm, đi tìm tình yêu, khát vọng cuộc đời. Những con đường như đã hóa tâm hồn...

Con đường rợp xanh nhìn từ Nhà thờ Đức Bà thời Pháp với hồ Con Rùa lúc ấy còn là tháp nước - Ảnh tư liệu

Con đường rợp xanh nhìn từ Nhà thờ Đức Bà thời Pháp với hồ Con Rùa lúc ấy còn là tháp nước - Ảnh tư liệu

"Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát". Cảm ơn "Bố già" Phạm Duy cùng nhiều nhạc sĩ khác đã gieo những hình ảnh bất hủ và âm điệu du dương của những con đường mang đậm ký ức tình yêu cho bao thế hệ thanh xuân ở Sài Gòn - TP.HCM. Theo tôi, riêng con đường Duy Tân (sau 1985 đổi thành Phạm Ngọc Thạch) là con đường nhung nhớ nhất của tuổi vào đời căng tràn nhựa sống. Qua nhiều năm tháng, có lẽ hình ảnh nơi đây đọng lại đậm đặc nhất trong tim nhiều người là hồ Con Rùa, Nhà văn hóa Thanh niên, quán cà phê, trường đại học và những ngôi nhà "hồn muôn năm cũ".

Những địa chỉ "xanh rêu"

Đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay là một con đường bận rộn của nhiều cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp. Nó không còn vẻ êm đềm của một con phố villa và công thự kiều diễm như hơn hai mươi năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn đấy "ngàn cây thắp nến lên hai hàng" giữ cho con đường phần nào vẻ quyến rũ quen thuộc. Hai hàng cây vươn thẳng lên trời, tán lá đan vào nhau, nhất là đoạn từ hồ Con Rùa đến đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ) tạo thành một đường hầm xanh ngút ngát. Dưới tán lá ấy, đây đó còn nhiều ngôi nhà ẩn chứa những linh hồn "xanh rêu" của nhiều ký ức và tâm tình khác nhau.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 1: Con đường Duy Tân cây dài bóng mát - Ảnh 2.

Đường Duy Tân trước năm 1975 nhìn từ hướng hồ Con Rùa về Nhà thờ Đức Bà - Ảnh tư liệu

Đầu tiên, phải kể đến ngôi nhà của tác giả "ngàn cây thắp nến" nằm trong con hẻm 47, con hẻm tuy dài nhưng chỉ có vài nhà, tất cả đều kín cổng cao tường. Nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có cửa sắt màu nâu đỏ, kèm chiếc bảng nhỏ vẫn ghi theo tên đường cũ là "47C Duy Tân". Tôi đến đây lần đầu khoảng 1990, đi chụp hình cho nhà thơ Đỗ Trung Quân trong cuộc phỏng vấn nhạc sĩ. Lúc ấy, tôi nhớ bàn tiếp khách của ông đặt ngoài sân, phía sau là một bức tường gạch rêu xanh lấp lánh nắng. Tưởng như tôi đang nghe thấy: "Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời". Ngôi nhà ông từng là chốn "tao nhân, mặc khách" lui tới, đàn hát và nâng ly cùng người nhạc sĩ cô đơn muôn thuở.

Gần hẻm Trịnh, có nhà của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, giáo sư Trần Văn Giàu - những "kẻ sĩ" Nam Bộ đại thụ trong kháng chiến và hòa bình. Phía cuối đường, ở số 57, có một cư xá bốn tầng là khu căn hộ của các giáo sư Viện Đại học Sài Gòn và các giáo sư khác sau này. Con phố êm đềm khi xưa chỉ bắt đầu nhộn nhịp lên khi tiếp giáp với đường Võ Thị Sáu. Ở đấy, có một cây xăng dáng dấp cũ, bên kia đường vẫn còn tiệm phở gà Hương Bình lừng danh hơn 50 năm trước. Bên cạnh Hương Bình là con hẻm dẫn vào Trường Lasan Đức Minh (hiện giờ là cơ sở 2 của Học viện Cán bộ) thông đến nhà thờ Tân Định.

Trên con đường giờ đây có nhiều tòa nhà cao tầng và biệt thự xây mới lộng lẫy. Song, ngôi nhà xứng đáng đẹp nhất và sang trọng nhất chính là nhà số 21, nguyên là dinh thự của Công ty dầu khí Shell. Từ cánh cổng sắt, hàng rào bên ngoài cho đến ngôi nhà bên trong đều khoác chiếc áo màu trắng sữa tinh khôi. Ngôi nhà thiết kế theo kiểu lâu đài miền Bắc Pháp, quy mô vừa phải nằm giữa một không gian lớn. Sân ngoài của tòa nhà có hẳn một hồ bơi, sân sau là sân chơi tennis. Có một thời gian, tòa nhà dùng làm Trường Đội của Thành Đoàn.

Quanh ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Đình Chiểu ra đến Nhà thờ Đức Bà, có một loạt nhà cửa sau 1975 do các cơ quan của Thành Đoàn quản lý. Nổi bật là biệt thự số 12 Duy Tân, từng là văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa - tác giả khách sạn Caravelle cùng nhiều công trình nổi tiếng khác. Từ tháng 9-1975, báo Tuổi Trẻ khởi nghiệp tại đây, tòa soạn là nơi gặp gỡ thường xuyên của nhiều bạn đọc, cây bút và cả giới văn nghệ sĩ. Tôi còn nhớ khoảng những năm 1978-1980, ngay cổng vào có một chòi lá trung quân được dựng lên làm căng tin bán cà phê, rất đông khách. Cuối tuần tại chòi lá có hội họp, nói chuyện, đọc thơ, ca hát, rất trẻ trung và rất Sài Gòn. Những năm 2000, ngôi biệt thự bị phá bỏ để xây nhà cao tầng, không còn dấu tích một chốn văn báo.

Trong khi ấy, ở góc Duy Tân - Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) có một biệt thự bốn tầng, kiểu dáng hiện đại và xinh xắn. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - tên tuổi gắn liền với công trình Dinh Độc Lập và nhiều tác phẩm kiến trúc tiêu biểu ở miền Nam. Đây là biệt thự của ông bà Ưng Thi - chủ hai rạp hát Rex và Đại Nam. Từ 1975 đến nay, biệt thự có lúc dùng làm Nhà văn hóa-khoa học Liên Xô, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, nhà hàng và bây giờ là show room địa ốc. Thời phóng viên, tôi cùng các đồng nghiệp đi học tiếng Nga tại biệt thự này, nhớ mãi kiểu kiến trúc và nội thất tuy tối giản nhưng rất trang trọng. Và nhớ... cô giáo Nga tóc vàng diễm lệ, vui vẻ tập phát âm cho lũ học trò thích chọc ghẹo người đẹp.

Hồ Con Rùa, nơi in dấu kỷ niệm của bao người với con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Hồ Con Rùa, nơi in dấu kỷ niệm của bao người với con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Ngôi nhà sôi nổi của tuổi hoa niên

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 1: Con đường Duy Tân cây dài bóng mát - Ảnh 4.

Đoạn đường qua hồ Con Rùa năm 1928, lúc tháp nước được thay bằng đài chiến sĩ và về sau xây dựng hồ Con Rùa Ảnh tư liệu

Đến bây giờ nói đến đường Duy Tân, không thể không nhắc đến số 4 Duy Tân - địa chỉ sôi nổi của giới trẻ nhiều thời kỳ. Thời chiến tranh, đây là nơi sinh viên học sinh tụ họp đấu tranh đòi hòa bình và dân chủ. Lần đầu tiên, tôi đến 4 Duy Tân là vào năm 1974, khi mới là học sinh lớp 7, để xem "Hội chợ hàng nội hóa Việt Nam". Ngày ấy, nơi này mang tên "Trung tâm sinh hoạt thanh niên", nhà cửa mới xây rất khang trang, hội trường hiện đại, sân bãi rộng lớn. Cơ ngơi đó, từ lúc Thành Đoàn tiếp quản, tiếp tục dành cho giới trẻ đến vui chơi với nhiều đội nhóm và hoạt động phong phú.

Năm 1978, giao thừa Tết Tây, cả một đoạn đường từ mặt sau Nhà thờ Đức Bà kéo đến hồ Con Rùa ngang qua số 4 Duy Tân được kết hoa và những băng dây kết bằng khăn quàng đỏ. Thanh thiếu niên đổ ra đường đặc nghẹt để... "nhảy" tưng bừng sau những năm tháng khiêu vũ bị cấm. Tại đây, hát và "nhảy", chơi thể thao và xem phim, học ngoại ngữ, trao đổi văn thơ và sách báo là những thú vui trác tuyệt của giới trẻ vào thời buổi Internet chưa thống trị.

Thời đó, tụ điểm 4 Duy Tân là nơi hò hẹn của nhiều trái tim tuổi hoa niên đang khát vọng ra với xã hội. Với ngôi nhà "vui như Tết", chúng tôi quên đi cuộc sống gian truân của thời bao cấp, tận hưởng tình cảm bạn bè và những rung động đầu đời xảy đến.

Số 4 Duy Tân hiện tại mỗi độ xuân về còn là "phố Ông Đồ", tưng bừng khung cảnh Xưa và Nay hòa hợp. Mỗi lần qua đây, tôi lại thầm mong không chỉ địa chỉ này mà cả con đường sẽ vẫn giữ được những cảnh quan và kiến trúc điển hình của nhiều thời khắc. Và nhất là cái hồn cốt thanh xuân và nhân văn xuyên suốt trong không gian xanh vô giá. Cái hồn cốt ấy cần thể hiện qua nhiều hoạt động nâng niu ký ức và bồi đắp tương lai hay đẹp.

Mong sao sẽ sớm có những bảng lưu niệm các danh nhân và các địa điểm lịch sử dọc theo con đường. Đặc biệt, rất mong có một tấm bảng kỷ niệm vị vua Duy Tân, chàng trai 16 tuổi, tấm gương của một người trẻ yêu nước nhiệt thành muốn thoát cảnh nô lệ!

Kỳ 2: Đường xưa Sương Nguyệt Anh - Một cõi yên bình

Con đường Sương Nguyệt Anh ấy ngắn thôi, chạy song song với đường Nguyễn Thị Minh Khai (xưa là Hồng Thập Tự) và đường Bùi Thị Xuân, đồng thời nối liền đường Tôn Thất Tùng (Bùi Chu) với đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt).

Con đường yên bình dưới hàng xanh cổ thụ - Ảnh T.T.D

Con đường yên bình dưới hàng xanh cổ thụ - Ảnh T.T.D

Đó là con đường của hai hàng cây cao vút, nâng đỡ bầu trời mênh mông, nâng đỡ những ý tưởng thư sinh bay bổng. Thật kỳ thú, từ xưa đến nay, con đường vẫn là một hành lang lặng êm đi giữa những con phố huyên náo.

Con đường lặng êm

Mấy mươi năm nay, mỗi lần thơ thẩn qua đây, tôi càng nhận ra đường Sương Nguyệt Anh không những là "ốc đảo" độc đáo về kiến trúc và cảnh quan mà còn là chốn thư thái của những kỷ niệm.

Hai bên đường là những ngôi biệt thự và nhà phố yên ả, không hào nhoáng. Khá nhiều biệt thự là nhà hai tầng, lợp ngói, có sân rộng, kiểu thức Pháp cổ điển đã có trước 1945. Trong đấy, có những biệt thự song đôi, như hai chị em dịu dàng và đài các. Một số biệt thự mang phong cách hiện đại của những năm 1960 ẩn hiện ý nhị dưới những tàn cây.

Rải rác ven đường có một vài con hẻm đều dẫn vào những ngôi nhà khá giả và những biệt thự kín đáo mà trong sự tưởng tượng của tuổi học trò, đấy là nơi có nàng Cosette của Victor Hugo ẩn náu.

Có một con hẻm luôn khóa cổng dẫn vào mặt sau của rạp Olympic - tổ ấm của gánh hát Kim Chung lừng danh. Rạp hát này sau năm 1975 đổi thành Nhà văn hóa quần chúng, nơi nhạc sĩ Trương Quốc Khánh - tác giả bài hát Tự nguyện - làm giám đốc.

Mùa hè năm 1978, bọn nhóc trung học chúng tôi được theo học một lớp năng khiếu văn tại đây với sự hướng dẫn của anh Khánh và anh Lưu Trọng Văn.

Nhớ lại thuở ấy, trên con đường hầu như không thấy có quán xá, nhà hàng hay cửa tiệm. Phần lớn các ngôi biệt thự của giới thượng lưu trước 1975 đã chuyển thành nhà ở của gia đình các viên chức mới và trụ sở các cơ quan.

Một số biệt thự được sử dụng làm văn phòng của các hội mỹ thuật, hội nhiếp ảnh, nhà xuất bản, công ty nhà nước. Một ít ngôi nhà to rộng dùng làm nhà trẻ, trường mẫu giáo. Các vỉa hè còn giữ được vẻ phong quang, ít nhếch nhác.

Những năm kinh tế thị trường trở lại, nhiều con đường xinh đẹp trong thành phố bị "thương mại hóa" trở nên xô bồ. Vậy mà, mừng thay, cho đến giờ trên đường Sương Nguyệt Anh chưa có những nhà cao tầng mọc lên tua tủa, phá vỡ khung cảnh cây xanh và nhà cửa hiền hòa.

Từ những năm 2000 trở đi, xuất hiện một ít biệt thự và nhà phố tân kỳ, song không lấn át các kiến trúc cũ. Tuy nhiên, đáng tiếc, lác đác có một hai ngôi biệt thự phô diễn quá lố chen vào cảnh quan xinh xắn của con đường. Cũng may, hiện giờ những biệt thự xưa chuyển thành nhà hàng hay văn phòng công ty vẫn giữ được vẻ thanh nhã

Trong khi ấy, đầu con đường, gần ra phía vườn Tao Đàn, còn đó một biệt thự cổ kính quét vôi trắng, nhiều năm nay trông hoang phế. Mặt tiền ngôi nhà có hàng chữ Pháp được khắc trên mái che cửa sổ, cho biết đây là một clinic - phòng khám bịnh.

Năm 2018 ở Paris, trong buổi ra mắt sách Sài Gòn hai đầu thế kỷ tại salon văn hóa của chị Loan de Fontbrune, tôi gặp một bác Việt kiều tuổi cỡ 80, hỏi thăm về ngôi nhà này. Hóa ra, bác chào đời tại đây và còn nhớ được tên Tây của con đường là Léon Combes.

Con đường này có từ năm 1926, hợp cùng đường Duranton (Bùi Thị Xuân) tạo thành một ô chữ nhật chỉ gồm các villa của các "danh gia - vọng tộc" thời Pháp.

Trong đó, nhà số 102 là biệt thự và cũng là phòng mạch của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Sau năm 1955, con đường đổi tên thành Sương Nguyệt Anh - con gái của cụ Đồ Chiểu và là một nhà thơ, nhà báo nổi tiếng Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Thuở mới đi làm báo, tôi có đến biệt thự số 85 - tư gia của nhà giáo Nguyễn Văn Mai - để tìm hiểu về "sự kiện Trần Văn Ơn". Chính cụ là người tự nguyện đi quay phim "đám tang Trò Ơn"- một cuộc biểu tình khổng lồ vào đầu năm 1950.

Cụ Mai cất giữ cuốn phim vô giá suốt 25 năm trước khi tặng lại cho Trường Lê Hồng Phong sau chiến tranh. Ngôi nhà cổ thâm trầm hiện tại vẫn còn, nhưng cụ đã quy tiên từ lâu.

Xế nhà cụ Mai, giáp với ngã ba Tôn Thất Tùng, tại số 132, có một biệt thự ba tầng, mái bằng, kiểu dáng phổ biến những năm 1970. Gần đây, tôi mới biết đó là tư gia một nhân vật lớn là giáo sư luật khoa Vũ Văn Mẫu.

Ông là vị Ngoại trưởng dám cạo đầu và từ chức để phản kháng chế độ vào năm 1963 và cũng là vị Thủ tướng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Từ sau hòa bình cho đến lúc từ trần, ông chỉ tập trung viết sách văn sử và vẽ tranh...

Đường Sương Nguyệt Anh nay vẫn còn thấp thoáng những mái nhà xưa - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Đường Sương Nguyệt Anh nay vẫn còn thấp thoáng những mái nhà xưa - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Con đường hoa mộng xưa

Có lẽ con đường Sương Nguyệt Anh lặng êm là một trong những "con đường mộng hoa xưa" đầu đời của không ít tâm hồn trẻ. Không rõ con đường này đã từng đi vào tiểu thuyết, truyện ngắn hay phim ảnh nào chưa.

Nhưng trong mắt tôi, con đường thẳng tắp nằm yên dưới hai hàng cây xanh thật cao, cứ như bước ra từ hình vẽ hay ảnh chụp thường thấy trên nhiều tấm bìa nhạc tình ca.

Và rồi, ai đã đọc tiểu thuyết hay xem phim Mùa thu lá bay của Quỳnh Dao thời ấy, hẳn bất ngờ gặp lại cảnh sắc xao xuyến này. Đó là lúc ta trông thấy đây đó những chiếc lá nửa vàng nửa xanh rơi xuống nhè nhẹ trên con đường vào những buổi sáng cuối năm.

Cũng là lúc ở tuổi biết yêu ta nhận ra bóng hồng "Cosette" từ trong những ngôi nhà kín cổng cao tường xuất hiện. Ta ngẩn ngơ nghe câu thơ Huy Cận nói đúng lời tim mình: "Một hôm trận gió tình yêu lại, đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ".

Lâu rồi có một chàng sinh viên theo đuổi "tiểu thơ" của mình ở con đường lặng êm. Nhà nàng quyền quý, nhà chàng thường dân. Ba má nàng lại không muốn cho con cái giao thiệp tự do. Cho nên, chàng không dám "trồng cây si" trước cửa nhà nàng.

Mỗi buổi sáng, chàng dừng xe đạp, náu mình bên một gốc cây để đợi nàng từ trong một con hẻm biệt thự đi ra. Nàng chạy xe qua, rẽ tới đường lớn, lúc ấy chàng mới hối hả chạy theo để rồi đôi trẻ đạp xe song song, ríu rít trò chuyện.

Nàng học Y khoa, chàng học Văn khoa, hai trường ngược đường nhau. Song chàng "chấp hết", sáng nào cũng "đi học" một lúc hai trường.

Có những đêm đường phố cúp điện, từ thư viện chàng đưa nàng về nhà. Hai đứa hồi hộp nép vào cánh cổng đầu hẻm, run rẩy trao nhau nụ hôn. Cả hai nhớ mãi phút giây thần tiên đó, song cuối cùng "ông tơ bà nguyệt" đã không xe duyên. Đôi tình nhân không gặp lại nhau nữa trên con đường "hoa mộng xưa".

Hai mươi năm sau, chàng ngỡ ngàng nhận ra ngôi nhà nàng đã thành nhà hàng sang trọng, gia đình nàng chuyển đi nơi khác. Câu chuyện "trông vời áo tiểu thư" chỉ còn là cổ tích nhưng những con đường thơ mộng chắc vẫn còn trong tim đời trước và đời sau...

Đưa nàng vào trường xong, chàng mới co giò phóng xe đến trường mình, "hãnh diện" bước vào lớp trễ. Rồi một đêm Noel, nàng không được ra ngoài, chàng đợi trời thật tối, "liều mạng" đến cổng nhà nàng, khe khẽ gọi. Chó hàng xóm sủa vang um, may mà nàng ra kịp để nhận từ chàng món quà giáng sinh là một quyển từ điển danh ngôn và lời thề sẽ giải thoát nàng khỏi "cung cấm".

Kỳ 3: Hun hút một thời đường nhỏ xóm ga

Những ngày đầu mới đến xóm ga Sài Gòn, tôi mất ngủ bởi tiếng còi tàu, tiếng bánh sắt nghiến trên thiết lộ. Nhưng rồi sớm quen, những thanh âm đó trở thành một phần nhịp sinh học của tôi...

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 3: Hun hút một thời đường nhỏ xóm ga Sài Gòn - Ảnh 1.

Đường nhỏ Trần Văn Đang mà đầy phận người bên ga Sài Gòn (đường nhỏ bên trái hình) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2002, tôi về trọ tại xóm ga Sài Gòn bên đường Trần Văn Đang (quận 3, TP.HCM). Cơ duyên nào dẫn lối đưa đường thì chẳng thể nhớ, nhưng có một ấn tượng tôi không thể nào quên: buổi chiều dọn đồ đến, ngay trước cửa nhà trọ, xóm ga đãi tôi một cuộc "thi triển võ công" của hai ông giang hồ già.

Chuyện thường ngày xóm ga

Cuộc đụng độ kết thúc bằng việc kẻ nọ kề kề lưỡi kéo bén vào cổ người kia, nhưng không có cú "xắp lưỡi" đổ máu nào. Họ buông nhau ra, lặng lẽ và mỏi mệt đi về hai phía, trong khi ở quán hủ tiếu vỉa hè góc cột điện, mấy bà sồn sồn vẫn điềm nhiên ngồi gặm xí quách.

Sau này thì tôi biết đó là chuyện thường ngày ở xóm ga. Và màn "rửa mắt" kẻ nhập cư vào buổi chiều năm đó xem ra cũng còn dễ chịu và êm đềm lắm so với những cuộc tay đôi tay ba mà mình sẽ chứng kiến riết thành quen.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 3: Hun hút một thời đường nhỏ xóm ga - Ảnh 2.

Đường Trần Văn Đang, đoạn đường ngắn nhưng "chuyên chở" nhiều cảnh đời dân nhập cư tìm giấc mơ ở thành phố - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Trước đây, đường vành đai khu ga Sài Gòn (ở đoạn Trần Văn Đang) chỉ mang một cái tên "dân gian" gợi nên những định kiến tăm tối là Cống Bà Xếp. Cuốn Đường phố thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Đình Tư có đoạn viết về đường Trần Văn Đang: "Trước kia là đường hẻm chưa có tên. Ngày 10-1-1972 đặt tên cho đoạn từ Lê Văn Sĩ ra đến Cách Mạng Tháng Tám (đường Cách Mạng Tháng Tám trước 1975 có tên là đường Lê Văn Duyệt) là đường Hoàng Đạo, còn đoạn ra giáp đường Nguyễn Thông là đường Khái Hưng. Ngày 4-4-1985, nhập cả hai đường làm một và đổi tên là đường Trần Văn Đang".

Khu ga là nơi neo đậu của những phận đời nhập cư chưa qua đoạn nổi trôi, giới lao động bình dân và cả những người trong giang hồ phải khoác lên nhiều danh tánh giữa cuộc sinh tồn. Từ thập niên 1950, con đường không tên này đã có một lai lịch "bên lề" không được lấy gì làm sáng sủa với những băng đảng lẫy lừng ngang dọc như Điền Khắc Kim, Chín "cẳng bò"... (riêng Điền Khắc Kim có băng đảng trấn ở khu Cống Bà Xếp với những vụ cướp và hãm hiếp khét tiếng, đã được xem là tay anh chị hàng đầu trong giới du đãng Sài Gòn thời cũ).

Căn phòng trọ nhỏ của tôi nằm ở lầu hai, ngay khúc cua cong gắt của hẻm nhỏ - nơi có thể nhìn toàn cảnh con hẻm nối ra con đường Trần Văn Đang, rẽ trái thì đi về cổng ga, rẽ phải đi về chốt giao đường tàu của Cống Bà Xếp. 

Nhiều đêm mưa, tôi đứng trên cao nhìn xuống con hẻm hình cong ngoặt và khắc khổ như một vết sẹo hằn qua vai thành phố, run rẩy trong tiếng còi tàu mệt nhoài. Đoạn đến gần kinh Nhiêu Lộc, con đường tịch mịch luồn xuyên qua những dãy nhà, ngách hẻm ngoằn ngoèo rối rắm, nhập nhoạng và lạnh lẽo như sẵn sàng đồng lõa, che đậy bất cứ tung tích mờ ám nào. Tôi tin bóng tối trong những con hẻm đã lưu trữ một phần huyền thoại phố phường - thế giới bên lề tàn nghiệt và kỳ lạ.

Ngay ngày đầu tiên làm cư dân mới của con hẻm 79 trên con đường nức tiếng giang hồ nhưng lại đã có lúc mang tên hai nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn, đứa rảnh hơi hai mươi ba tuổi là tôi đã lò dò đến một quán phở và ngồi nghe ngóng chuyện đề đóm, đánh ghen, hút chích cho đến đòi nợ thuê... Dạo đó, có một ông thường mặc quần rằn ri và đánh trần, tóc để dài tới vai, suốt ngày ngồi góc cột diện uống rượu và hát nhạc vàng thiệt hay.

"Tao là giang hồ cái xóm này!" - đó là câu cửa miệng lè nhè khi ông đã dốc xong vài chai rượu đế. "Cả cái vùng này, dân bốc vác xóm ga nghe tên thằng là biết. Đ.m, thằng nào láng cháng phải bước qua xác tao..." - có khi cái giọng khản đặc của "ông giang hồ hẻm" gào lên ở một góc tối dưới cột đèn đứt bóng, cạnh mấy bịch rác lù lù, trong một đêm mưa dài mà chẳng ai buồn ngó ngàng.

Chẳng ai biết quá khứ lẫy lừng của ông G. là gì cho đến một ngày, cũng dưới chân cột đèn đứt bóng, kẻ luôn vỗ ngực tự xưng giang hồ xăm trổ đầy mình bỗng bị quật một cú thật gọn bởi chú xe ôm ốm nhom. Chú xe ôm nhỏ người, ít nói, ngày nào ế xe ôm thì phụ vợ dọn dẹp quán hủ tiếu, có khi đạp xe túc tắc đi bán hủ tiếu gõ. Không ngờ người cạy miệng không buồn nói, trên người không một vết sẹo đó lại chính là một tay "có máu mặt" của khu Cống Bà Xếp đã hoàn lương.

Còn nhớ, sau cú quật gọn gàng đưa ông G. bay từ bên này qua bên kia con hẻm nhẹ ơ, bác xe ôm chỉ lạnh lùng bước đến nhìn sâu vào mắt kẻ huênh hoang và nói nhẹ nhàng: "Mày làm sao cho coi được thì làm, đừng để tao gai con mắt lần nữa".

Nhưng chứng nào tật nấy, những ngày sau, từ cái góc tối cột đèn, cả hẻm lại nghe cái giọng lè nhè: "Tao là giang hồ của cái hẻm này...".

Hẻm lại chứng kiến những vụ bài bạc, đánh ghen, những màn rượt đuổi của đám thanh niên mới lớn hiếu động "có mắt không thấy núi Thái Sơn". Những lúc tình hình con hẻm căng như dây đờn, tôi vẫn thấy bác xe ôm lủi thủi lau bàn, bưng bê dọn dẹp quán hủ tiếu cho vợ với động tác khoan thai, bình thản như không có gì phải bận tâm.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 3: Hun hút một thời đường nhỏ xóm ga Sài Gòn - Ảnh 2.

Hẻm 79 đường Trần Văn Đang đã trở thành ký ức không quên của tôi - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Hun hút tiếng còi tàu

Những ngày đầu mới đến, tôi mất ngủ bởi tiếng còi tàu, tiếng xình xịch bánh sắt nghiến trên thiết lộ khi những con tàu lao dần về ga vào nửa đêm về sáng. Nhưng rồi sớm quen, những thanh âm đó trở thành một phần nhịp sinh học của tôi, nối tôi vào cảnh sống của người dân xóm ga. Ngày nắng, tháng mưa, những chuyến tàu đi và đến tạo nên một thứ nhạc tính của không gian sống bình dị mà nhiều tình thân nơi đây.

Tôi học được nhiều bài học trong cung cách sống bao dung trượng nghĩa của những người từng bị coi bên lề, những cuộc đời trôi nổi và neo đậu, tìm thế sống sẻ chia trong con hẻm nghèo chật và tăm tối này. 

Rõ ràng chiều hôm trước, vì tranh giành một chỗ bán hàng mà người ta cãi cọ, ném vào nhau những lời lẽ gom nhặt mọi thứ dơ bẩn nhất trên đời hay kề lưỡi kéo vào cổ nhau, nhưng sau một giấc ngủ thì cũng những con người đó có thể ngồi cạnh nhau tán nhảm đủ thứ chuyện đá vàng. 

Cũng chẳng lạ gì chuyện hôm trước ông chồng mới cho bà vợ cái bạt tai nảy lửa vì cái miệng bả thách thức quá đáng, vậy mà ôm sau hai vợ chồng ngồi gắp mấy miếng sườn bì cho nhau như chưa hề có chuyện "bầm giập" xảy ra. Cuộc sống khốc liệt mà giản đơn đến không ngờ.

Một điều nữa mà con đường xộc xệch của xóm ga mang đến cho tuổi hai mươi của tôi, đó chính là những hình mẫu con người dấn thân và đầy bình thản chấp nhận cuộc sống. Tôi nhớ mỗi khuya về, ghé quán cháo lòng ở cạnh chốt đường ray Cống Bà Xếp là được nghe ngóng những câu chuyện hay và đầy niềm vui của những người bốc xếp, những người bán hàng dạo.

Họ tạo nên một phần diện mạo con đường đặc thù cần lao kiểu Sài Gòn. Con đường mang lấy ít nhiều bấp bênh của cuộc đời họ, nhưng cũng như họ, con đường dường như lúc nào cũng xuất xử theo lẽ hào sảng và ân tình.

Bác xe ôm tối hôm trước còn đứng ở đầu hẻm chờ khách thì hôm sau đã ở trên bàn thờ đầy khói hương, thanh thản ngó xuống một đám trình diễn thời trang của những người đồng tính đến góp vui trong cuộc tiễn đưa âm dương thật rộn ràng như vũ hội. Ông chú vỗ ngực tự xưng giang hồ một ngày khướt rượu mất tiếng, vậy là hẻm đã vắng đi một dấu tích minh chứng lai lịch lừng lẫy một thời. Kẻ đến nổi trôi, kẻ đi nhẹ bẫng. Sống chết trên con đường đó với những người trôi dạt chỉ như là một sự vắng mặt tạm thời trong một đô thị hỗn độn.

Ngày rời đi khỏi con đường Trần Văn Đang, tôi hiểu rằng mỗi người nhập cư vào xóm ga là có một cơ duyên, một ý nghĩa tồn tại nào đó làm nên một thứ liên đới người với người, người với đất giữa cái nhân quần chưa nguôi khốc liệt này.

Tôi để lại vài cuộc tình dang dở ở khu Cống Bà Xếp. Tôi cũng để lại ở đó, nơi căn phòng tầng hai ở góc cua gắt nhìn xuống con hẻm, những ký ức đẹp của tuổi trẻ băn khoăn trong những ngày tháng đầu tiên làm một người Sài Gòn.

Kỳ 4: Lý Tự Trọng 'đường giờ đây đã sống bao thăng trầm'

Những cây me già trên con đường đẹp Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) của Sài Gòn từng chứng kiến cuộc dậy sóng chính biến vào ngày 1-11-1963...

Kỳ 4: Lý Tự Trọng, 'đường giờ đây đã sống bao thăng trầm' - Ảnh 1.

Đường Lý Tự Trọng (đường Gia Long trước 1975) rợp lá me bay - Ảnh: Q.Đ.

Cũng những cây me ấy từng làm phông nền hiền hòa cho những khối kiến trúc mang khát vọng thanh cao nhất của một thành phố tri thức, thành phố của tình nhân ái...

"Đường im nghe quá khứ trong sầu"

Bức ảnh trên trang bìa tờ LIFE số ngày 15-11-1963 ghi lại cảnh một quân nhân chế độ Sài Gòn đang chống súng trường xuống đất và dốc cao bi-đông uống nốt những giọt nước cuối cùng; áo quần xộc xệch, vẻ mặt bơ phờ. Sau lưng anh ta, những chiếc ba lô, nón sắt và súng ống vứt ngổn ngang trên thảm cỏ khuôn viên. Những người lính trong phe đảo chánh sau 17 giờ chiến đấu với lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ, đột nhập Dinh Gia Long đang đi lại, ngờ vực dõi nhìn đám đông hiếu kỳ tràn lên hàng rào sắt. Bên ngoài hàng rào, một số người còn trèo cả lên những cây me để xem cuộc đảo chánh như xem một vở kịch gay cấn sắp sửa hạ màn...

Phóng sự ảnh sống động và ấn tượng về cuộc chính biến trong số báo LIFE nói trên đặc tả không gian của một trật tự bị đảo lộn; phơi bày sự khốc liệt và chao đảo. Nhưng trên hồi kịch chính trị gay cấn đó là một phông nền nhất quán: đêm cũng như ngày, sự kiện được phủ che dưới những tán me xanh của xứ nhiệt đới gió mùa. 

Với những cành xương, tán rậm và các khoảng xanh mịn chuyển sắc độ ánh sáng liên hồi, hàng me tạo nên một phối cảnh đặc biệt vừa có tính dịch biến dung hòa tự nhiên, vừa như thể muốn nhấn chìm, khỏa lấp đi các trò bể dâu xương máu mà con người dệt nên trên vũ đài quyền lực nhất thời.

Nhưng trong các bức ảnh mô tả cuộc đảo chánh, ta lại có thể nhận thấy vào thời điểm đó, năm 1963, hàng me đã cao lớn và phủ tán trên đường Gia Long. Có lẽ chúng được trồng từ khi vỉa hè con đường đẹp ở trung tâm Sài Gòn này hình thành, khi con đường này mang tên De La Grandière (từ năm 1870) hay cũng có thể là trước đó nữa, thuở còn tên Gouverneur bởi có Dinh Thống đốc Nam Kỳ tọa lạc.

Thuở ban sơ trong quy hoạch thành phố con đường này được đánh số 17 (tham khảo cuốn Từ điển Lịch sử Sài Gòn TP.HCM của Justin Corfield). Tên đường Gia Long được đổi từ ngày 30-4-1950 cho đoạn từ ngã sáu Phù Đổng tới Tự Do (Đồng Khởi), đoạn còn lại từ Đồng Khởi tới Đinh Tiên Hoàng vẫn là De La Grandière; sau 1955 thì toàn bộ con đường này mang tên Gia Long. Tên đường Lý Tự Trọng chính thức có từ sau 30-4-1975.

Dinh Gia Long trên con đường này (Bảo tàng Thành phố ngày nay) là biểu tượng sụp đổ của Đệ Nhất Cộng hòa năm 1963; từng là một công trình kiến trúc độc đáo và bề thế. Công trình do KTS Alfred Foulhoux thiết kế năm 1886; được xây dựng từ 1886 đến 1890. Công trình như một điểm nhấn làm cho con đường trung tâm này thêm vẻ đẹp trầm tĩnh sau nhiều thăng trầm, đúng như chức năng của nó, một bảo tàng kể chuyện thời gian.

Thư viện, nhà thương và những quầy bar

Con đường Lý Tự Trọng nay vẫn là một tuyến giao thông trung tâm có nhiều khoảng dừng chân: Bảo tàng Thành phố, và kế đó là Thư viện Khoa học tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 được nối tiếp với nhau bằng những dãy nhà phố, cửa hiệu, chung cư cũ - những công trình kiến trúc in đậm dấu ấn thời gian, chuyển dịch từ phong cách Art Deco sang Hiện đại (Modernism) đặc thù miền Nam Việt Nam.

Con đường này kể chuyện tri thức thành phố thông qua lai lịch của một thư viện. Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố trước đây là thư viện của các đô đốc, thống đốc được xây dựng từ 1868. Sau đó là Thư viện Quốc gia trong thời Việt Nam Cộng hòa. Một tòa nhà kiệt tác kiến trúc hiện đại do KTS Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện thiết kế (KTS Lê Văn Lắm cố vấn; được xây dựng từ năm 1968 đến 1971). 

Một phần trong khu đất từng là Khám lớn trong thời Pháp thuộc, nhưng cái không gian của các thư phòng ở một góc đường hiền hòa đã không còn gợi nên ấn tượng nào về sự tàn khốc trong lịch sử. 

Câu chuyện về một kho tri thức điều hành bởi những công chức mẫn cán trách nhiệm từ chế độ miền Nam chuyển tiếp sang thời kỳ hòa bình thống nhất với những nỗ lực để dòng chảy văn hóa thành phố được liền lạc không đứt gãy có lẽ sẽ còn được kể ở văn khố này một cách mạch lạc.

Một điểm ký ức khác trên đường Lý Tự Trọng nay có lẽ đã ăn sâu vào đời sống tinh thần nhiều thị dân Sài Gòn đó là Hôpital Grall (người Sài Gòn vẫn gọi bằng cái tên rất thân thương là Nhà thương Đồn Đất hay Nhà thương Grall, nay là Bệnh viện Nhi đồng 2). Công trình bệnh viện quân sự đầu tiên của thành phố Sài Gòn ghi dấu sự cống hiến to lớn của các bác sĩ Pháp trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Sài Gòn. 

Bệnh viện này từng bị trúng bom oanh tạc của phi cơ quân đội Mỹ vào ngày 7-2-1945, thiệt hại nhiều, nhưng dư chấn của sự kiện liên quan tới Đệ nhị Thế chiến nói trên không làm gián đoạn một lịch sử nhân đạo, mang dấu ấn của nền y khoa Pháp tại Sài Gòn.

Kỳ 4: Lý Tự Trọng, 'đường giờ đây đã sống bao thăng trầm' - Ảnh 2.

Đường Lý Tự Trọng đoạn trước Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Vỉa tầng ký ức

Ngày nay, nếu như bảo tàng và thư viện là hai điểm nhấn chính tạo nên chiều sâu ký ức con đường Lý Tự Trọng một chiều dưới tán me rợp xanh ở khu trung tâm này, thì những tòa chung cư, những dãy nhà phố, những góc ngã tư với hàng quán mang nhịp sống trẻ trung, cởi mở.

Lùi một khoảng về thì quá khứ gần, ở góc Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, ngã tư trung tâm này có một quầy bar mà lứa trung niên trung lưu một, hai thập niên trước thường hay tìm đến: Chu Bar. Không gian âm nhạc, bài trí giữ lại nhiều nét hào hoa, tự do và lịch sự kiểu Sài Gòn cũ.

Bên một ly rượu, từ cửa sổ của Chu Bar về khuya có thể nhìn thấy khu phố trung tâm với hàng me già, góc công viên và vỉa hè đèn vàng. Khung cảnh đó vừa gợi lại ký ức một Sài Gòn hôm qua, dù thứ âm nhạc ở đây lại là những hồi ức thị dân mới. Đôi khi ở đây, ta có thể mường tượng được trở về với không khí nhạc trẻ Sài Gòn từ thập niên 1970.

Những vỉa tầng ký ức về thành phố được gợi nên từ âm nhạc, thị giác và cả cung cách giao thiệp vừa phảng phất một chút hippie, một chút hiện sinh lịch lãm... hội tụ ở Chu Bar. Đây là điểm ký ức của nhiều người trưởng thành và thành danh ở thành phố này sau 1975, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và doanh nhân trí thức.

Nhưng mới đó thôi, Chu Bar đã đi vào ký ức. Nay ta thấy cái góc cửa vát của căn shop-house hai mặt tiền dưới tòa chung cư cũ đã có một biển hiệu cà phê mới.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương Kỳ 4: Lý Tự Trọng 'đường giờ đây đã sống bao thăng trầm' - Ảnh 3.

Đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM sáng 5-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trào lưu mới, giới trẻ Sài Gòn bây giờ sẽ thích đi sâu vào trong các chung cư cũ có nền lát gạch bông trên con đường này, theo những cầu thang đá rửa tìm đến các căn hộ cao tầng, nơi có những quán cà phê, những quầy bar thật "chill" theo lối nửa vintage nửa speak-easy (tửu quán bí mật) để kiếm tìm một Sài Gòn hiện đại trong hoài niệm.

Từ cửa sổ của những quán cà phê chung cư, có thể nhìn xuống con đường Lý Tự Trọng ẩn hiện sau những tán me già... Dòng xe vẫn trôi miệt mài bên dưới với vô vàn câu chuyện, vô vàn số phận, vô vàn khắc ghi và quên lãng.

Lịch sử đã đi qua, đang đi qua và liên tục tiếp nối trên con đường Gia Long xưa (Lý Tự Trọng nay) thơ mộng, trầm tĩnh và từng trải bể dâu nhất của khu trung tâm Sài Gòn, như trong một câu hát của Trịnh Công Sơn: "Đường giờ đây đã sống bao thăng trầm...".

 Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay...

Con đường ven kinh Tẻ ngày ngày leng keng tiếng nhạc ngựa. Mặt này đường là con kinh thuyền ghe tấp nập, mặt kia là đầm lầy và đồng ruộng với những chòm xóm thưa thớt...

Kỳ 5: Đường Trần Xuân Soạn, con kinh xưa, nhịp đời nay... - Ảnh 1.

Trần Xuân Soạn, con đường bên trái song hành với kinh Tẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khung cảnh đó chỉ mới đây, già nửa thế kỷ trước...

Trên bến dưới thuyền

Năm 1906-1908, khi đời sống giao thương Sài Gòn - Chợ Lớn với vùng đồng bằng miền Tây phát triển mạnh, kinh Tàu Hủ quá tải, chính quyền thuộc địa cho đào con kinh từ sông Sài Gòn đến Rạch Cát dài gần 13km để nối thêm tuyến vận chuyển hàng hóa. Trong đó có 4,4km kinh Tẻ, tính từ sông Sài Gòn đến điểm giao các dòng kinh Đôi, rạch Bến Nghé và kinh Tàu Hủ. Lưu ý, ban đầu gọi là kinh Tẽ hàm ý con nước bị chia dòng.

Cho đến thập niên 1950, ta có thể hình dung như vầy: ghe thuyền miền Tây trao đổi hàng hóa với Sài Gòn sẽ có một hướng đi vào Chợ Lớn, Bến Nghé, và một hướng đi qua kinh Tẻ. Bởi thế, nên kinh Tẻ thuộc một trong ba mạng lưới giang cảng Sài Gòn - Chợ Lớn (Port Fluvial de Saigon - Cholon) dài trên 26,5km - qua các con kinh Bến Nghé, Tàu Hủ, Lò Gốm, kinh Tẻ và kinh Đôi - và những tuyến kinh nối (theo cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của Trần Hữu Quang, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2012).

Con đường Trần Xuân Soạn được hình thành tự nhiên, gắn với sự hình thành của dòng kinh Tẻ; ban đầu có tên Route Sud de Canal de Dérivation (tức, đường nam kinh Tẻ). Có thuyền thì có bến, có khách thương hồ thì có chốn dừng chân lưu trú, vựa mua bán trao đổi thổ sản. Bên kia con kinh là quận 4 với những dãy nhà kho cũ tập kết hàng hóa, bên này cũng là bến thuyền ghe buông neo trên chuyến thương hồ, tạo nên những chợ tạm "ngoại ô". Về địa lý thì không xa trung tâm, nhưng khoảng cách tâm lý thì khá xa xôi, bởi trong tâm thức người Sài Gòn, khu kinh Tẻ thường gắn với Nhà Bè.

Anh Minh (nhân viên giao báo, nhà ở khu Xóm Chiếu, quận 4) thời niên thiếu thường theo bạn bè bơi qua con kinh Tẻ sang xóm ghe trên đường Trần Xuân Soạn để bắt dế, câu cá vì khu này nhiều đầm lầy và ruộng cạn. Chuyện của những năm đầu thập niên 1970 mà như đã xa thăm thẳm. Nay ngồi cà phê trước một chung cư mới xây ở đường Bế Văn Cấm, đoạn giáp Trần Xuân Soạn, người đàn ông tuổi ngoài 60 nói rằng: "Nhiều khi đi giao báo cho khách ở khu này, mình cứ hình dung đến những bụi dừa nước, con rạch sình lầy, khu mồ mả với những ngôi mộ um tùm cỏ dại ở đây, ở kia...".

Ngày rằm tháng giêng, dưới gốc bồ đề trăm tuổi cạnh miếu Bà Cố trên đường Trần Xuân Soạn, bà Ba - người chăm sóc miếu - kể với khách về con đường này: "Ngày trước nhà ven kinh san sát, dân tứ xứ thương hồ neo đậu. Bên kia đường là ruộng, cái ao lớn và nghĩa địa. Tui sanh ra, lớn lên ở đây. Tui đi lội rạch bắt tôm bắt cá tá lả. Chồng tui cũng ở trên con đường này, sau giải phóng ở nhà phụ tui buôn bán ngoài chợ, rồi bán cà phê bám theo con đường này mà sống. Chú biết không, ngày trước khi tui còn nhỏ đường này vắng hoe, xe thổ mộ chạy ngược chạy xuôi thồ hàng đi các chợ. Mình đi đâu qua quận Nhứt, Chợ Lớn cũng vẫy xe ngựa mà đi...".

Vợ chồng bà Ba không nghĩ có lúc căn nhà nhỏ của mình cũng phải bán đi bởi lâm cảnh khó khăn, bệnh tật. Họ giăng bạt tạm bợ, nương nhờ bóng mát gốc cây bồ đề ở cạnh miếu Bà Cố mà sống qua ngày. Ông bà trông coi lau chùi ngôi miếu và mua nhang đèn cho khách thăm viếng, rồi sống bằng tiền khách phát tâm từ bi.

Khách đến nhang đèn lễ cúng miếu Bà Cố đông nhất vào rằm tháng 2 hằng năm. Bà Ba nói: "Ngôi cổ miếu này có tuổi đời hàng trăm năm rồi". Khách thương hồ, người ly hương xứ chọn đây làm chốn dừng chân mưu sinh thường lui tới đốt hương vì tin rằng linh thiêng và được độ trì.

Kỳ 5: Đường Trần Xuân Soạn, con kinh xưa, nhịp đời nay... - Ảnh 2.

Vẫn còn cảnh trên bến dưới thuyền - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sống cùng nhịp nước lớn, nước ròng

Thập niên 1960 có một sự kiện hình thành khu dân cư ở ven đường Trần Xuân Soạn: trận hỏa hoạn tháng 3-1963 tại khu Vĩnh Hội khiến 3.000 căn nhà lụp xụp bị thiêu rụi. Tòa Đô chánh lúc bấy giờ có chính sách đưa cư dân tay trắng sang định cư ở xã Tân Quy Đông, tức vùng ven kinh Tẻ kéo từ Rạch Ông đến cầu Tân Thuận. Người dân Công giáo trong số đó lập được hai xứ đạo Thuận Phát và Mẫu Tâm. Những chi tiết này còn được nhắc lại trong các trang kỷ yếu của những giáo xứ này. Một cư xá được quy hoạch khá kiểu mẫu với không gian sống đặc trưng Sài Gòn (gọi là cư xá Ngân Hàng) với đường bàn cờ, những lô và nếp nhà toát lên tinh thần sống hòa đồng dễ chịu cho dân nghèo và công chức tái lập cuộc sống.

Nơi đây còn là con đường đậm chất Sài Gòn sông nước, vì cho đến nay, tuy tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên toàn khu Nam Sài Gòn, nhưng đây vẫn là một con đường giữ được nhiều sắc thái sinh hoạt ngày cũ: các ghe thương hồ miền Tây vẫn ngày ngày chở nông sản lên xếp hàng dọc tuyến kinh, đặc biệt đến những ngày giáp Tết, tuyến kinh từ cầu Tân Thuận kéo dài đến dạ cầu kinh Tẻ rực rỡ hoa, kiểng Tết từ các miệt vườn đồng bằng Nam Bộ...

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay... - Ảnh 3.

Những chiếc tàu ghe vẫn còn neo đậu theo con nước trên dòng kinh dọc theo đường Trần Xuân Soạn, quận 7 ngày nay- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau khi những dãy nhà ổ chuột ven kinh được giải tỏa để xây kè công viên, thì nhiều gia đình quen sống đời thương hồ vẫn tiếp tục chọn chiếc ghe làm nơi mưu sinh buôn bán và trú ngụ. Có lẽ đời sống xã hội sông rạch Sài Gòn - TP.HCM không đâu rõ nét hơn ở dọc con đường này. Có những chiếc ghe không còn lênh đênh sông nước nữa, chủ cho thả neo cố định và biến thành quán cà phê (như quán The Coffee Ship ở phường Tân Hưng) để khách yêu sông nước có thể chọn một chỗ ngồi, nhâm nhi ly cà phê và ngắm thuyền ghe qua lại...

Khi đêm buông, con đường ven kinh Tẻ như một dãy phố ẩm thực tự nhiên để tôi có thể cùng bạn bè kéo ghế ngồi thưởng thức các món tôm cá, hải sản miền Tây mà ghe vừa chở lên trong ngày. Có lẽ nhà văn Vũ Bằng cũng đã từng lê la những quán xá bình dân ở đây trong những năm dấn thân vào nghề báo Sài Gòn nên ông mới viết về các món từ cháo cá chìa vôi Nhà Bè đến tôm càng nướng Tân Thuận Đông tỉ mỉ như vậy trong cuốn Món lạ miền Nam (1969).

Nhắc tới Vũ Bằng, tôi chợt nhớ những dòng đầy cám cảnh của Tạ Tỵ: "Khi nhìn thẳng vào đời sống của Vũ Bằng dưới mái nhà nhỏ bé bên chân cầu Tân Thuận, tự nhiên trong lòng tôi thấy xót xa... Chính vì cần tiền nên cứ vào khoảng 3 giờ sáng, Vũ Bằng một mình một bóng vừa viết... vừa ngồi hứng từng chậu nước đổ vào bể chứa cho vợ nấu cơm và giặt giũ. Trời vừa hửng sáng, mặc quần áo đi làm, mang theo bản thảo..." (Mười khuôn mặt văn nghệ, 1970).

Căn nhà nhỏ dưới chân cầu Tân Thuận của Vũ Bằng cụ thể là đâu, nhất thời tôi chưa dò thấy. Nhưng tôi đã nghĩ ông từng hòa mình vào một cộng đồng trôi dạt đến đây trong hoạn nạn và tiếp tục sống cùng nhịp lớn ròng của con kinh để tìm ra chất văn của một chặng đời mình.

Một chiều trên quán cà phê ghe, tôi và cậu con trai dõi nhìn lại con đường từ dòng kinh, tôi sẽ kể ký ức, lai lịch nơi chôn nhau cắt rốn của cậu bé bằng một sự ghép nối ký ức của những người thương hồ và cư dân cũ vào ký ức, trải nghiệm sống của riêng mình.

Sẽ phản cảm biết mấy khi chỉ nói về vẻ thơ mộng sông nước, bởi Trần Xuân Soạn đang là con đường ngập nổi tiếng thành phố trong những năm gần đây, khi đô thị hóa khiến những cái tên phường mà con đường này chạy qua: Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tân Kiểng, Tân Hưng và toàn bộ khu Nam Sài Gòn gần như đã chật nêm nhà cửa và dự án đô thị. Nhưng bà Ba ở gốc đa cạnh miếu Bà Cố nói với tôi rằng, vậy mà nhiều khi nhắm mắt lại còn nghe tiếng nhạc ngựa vang những sáng sương mù tỏa lên từ dòng kinh.

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố

Song hành với một Sài Gòn - TP.HCM hoa lệ vẫn có một thành phố lam lũ. Giữa những con đường thơ mộng hay nguy nga vẫn có những con đường phong trần dân dã. Nhưng riêng đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ) lại là con đường chia đôi.

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố - Ảnh 1.

Hàng cổ thụ trăm năm vẫn tỏa bóng trên đường Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh Q.ĐỊNH

Đường Nguyễn Đình Chiều là con đường mỗi phần mỗi phận. Đây cũng là một trong số ít con đường dài của Sài Gòn, gần 4km, đủ sức chuyên chở cả hai thái cực của một thành phố lớn.

Ngược xuôi hơn 50 năm trên con đường này, tôi không quên những vui buồn ở hai thế giới tưởng chừng tách biệt nhưng vẫn hòa hợp như hai sắc hoa tigôn.

Nguyễn Đình chiểu - con đường "áo mơ phai"

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố - Ảnh 2.

Một đoạn đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Phần kiều diễm của con đường bắt đầu từ kênh Thị Nghè đổ xuống ngã tư Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ). Thuở sinh viên và cho đến giờ, khi đi chầm chậm dưới hai hàng cây xanh xanh êm dịu vào những buổi nắng lên tại đây, không riêng mình tôi bắt gặp hồn thơ Xuân Diệu: "Đây mùa thu tới mùa thu tới, với áo mơ phai dệt lá vàng".

Quả thật, con đường lấp lánh nắng trên mặt đường, trên cành lá và trên những mái ngói nhà cổ. Cây xanh và những ngôi nhà đẹp làm nên ánh sáng và nhạc điệu yêu đời. Hai bên đường vỉa hè rộng, nhà cửa phần lớn là công thự, villa và nhà phố thượng lưu.

Thời Pháp, con đường Nguyễn Đình Chiểu mang tên là Richaud, thành lập những năm đầu thế kỷ 20. Ở số 11 là Trường Bưu điện - một kiến trúc hiền hòa, nối tiếp là dãy nhà Tây hai tầng, từng là nhà công vụ của ngành.

Ôm sát ngã ba Mai Thị Lựu (Phạm Đăng Hưng cũ), ở số 48, có một tòa nhà ba tầng cổ điển uy nghi nhưng nay trông buồn thiu, là phế tích của trụ sở công ty "Brossard & Mopin" - nhà thầu xây dựng chợ Bến Thành. Gần đấy là nhà thờ Franxicô Đa Kao, kiểu dáng thánh thiện, chân phương.

Có một đêm Noel, khoảng 1985, tôi đi xem lễ, ngạc nhiên thấy vị linh mục trích dẫn một phóng sự vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ, khi kêu gọi sự thông hiểu và giúp đỡ người nghèo khó. Đây là phóng sự hóa thân điều tra của nhà báo Günter Wallraff, mang tên "Dưới đáy xã hội" viết về cảnh khổ của những người Thổ Nhĩ Kỳ làm thuê tại Đức.

Đoạn đường kế tiếp ở số 27 từng có một dinh thự lớn, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu, là tổng hành dinh của Hãng Air Vietnam. Năm 1984, lần đầu đi máy bay ra Hà Nội, tôi đến đây trình giấy công tác để mua vé và cũng từ đây đi xe ca đến Tân Sơn Nhất vì thuở ấy xe thường rất khó đi sân bay.

Vào cái thời đời sống sa sút, tôi ngỡ ngàng khi bước vào một tòa nhà văn phòng sang trọng, có máy lạnh chạy suốt, trang trí lịch lãm, nhân viên ăn nói dịu dàng. Bây giờ, rất tiếc tòa nhà tuyệt tác đã "lên trời", nhường cho một trung tâm mua sắm, nhà cửa tạm bợ.

Bên kia đường, ở đầu nhà số 82, có một con hẻm nay chuyển thành đường mang tên là Cây Điệp. Con hẻm chỉ khoảng vài trăm mét nhưng toàn là biệt thự và nhà phố yên ắng, thông ra đường Nguyễn Văn Thủ (Tự Đức cũ).

Đó là "Ngõ hẻm dưới ánh trăng" theo tên của một tập truyện ngắn của nhà văn Áo Stefan Zweig. Một vài ngõ hẻm thơ mộng như thế vẫn còn rải rác bên các biệt thự từ đoạn Phùng Khắc Khoan xuống đến Hồ Xuân Hương như là quà của thượng đế ban cho những đôi tình nhân Sài Gòn xưa làm nơi hò hẹn.

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố - Ảnh 2.

Đoạn đầu đường Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn dãy nhà Tây công thự ngành bưu điện xưa - Ảnh: Q.Đ

Con đường phong lưu bình dân

Vào khoảng 1951-1952, đô thành Sài Gòn mở rộng về phía Chợ Lớn, hình thành thêm nhiều con đường mới và giao lộ lớn. Vì vậy, con đường Richaud kiều diễm được nối dài, băng qua khu gò mả, vườn tược hoang hóa và đường xe lửa để tiến đến đường Hui Bon Hua (Lý Thái Tổ).

Thợ thuyền tứ xứ và dân quê chạy loạn tụ hội về con đường mới mở, làm nên các xóm lao động có tên mộc mạc là Vườn Chuối, Vườn Bà Bầu, Vườn Bà Lớn…, gọi chung là khu Bàn Cờ. Bám theo con đường đắc địa là hàng trăm con hẻm ngoằn ngoèo - dấu tích của những con lạch nhỏ hay bờ ruộng.

Tôi lớn lên trong một con hẻm đó, hẻm 549, dài sòng sọc, đầu này là đường Phan Đình Phùng, đầu kia là đường Nguyễn Thiện Thuật. Đầu những năm 1960, các con hẻm đều giống nhau, toàn là nhà lá, nhà "cây" (gỗ tạp) và nhà tôn chung vách. Đường hẻm là đường đất, "sang lắm" là đổ gạch đá vụn rồi tráng xi măng.

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố - Ảnh 4.

Những căn nhà xưa vẫn còn trên đường Nguyễn Đình Chiểu nay Ảnh QUANG ĐỊNH

Mặt tiền đường khi xưa có rất nhiều cửa tiệm nhưng phần lớn cũng là nhà gỗ, ít nhà gạch hay nhà đúc hai ba tầng. Sau này, đời sống khá lên, nhà cửa và chợ búa từ mặt đường đến ngõ hẻm dần dần "thay da đổi thịt". Người trung lưu, khá giả đổ đến nhiều hơn, nhà lầu, nhà lớn đua nhau mọc.

Tuy nhiên, nhiều nhà dân trong sâu, nhất là ở quanh chợ và bên đường xe lửa (nay là Nguyễn Thượng Hiền) nhếch nhác, tuềnh toàng. Sang thế kỷ 21, khung cảnh con đường và con hẻm lại đổi đời, mới mẻ hơn và phong lưu hơn. Xuất hiện "phố đồ cưới" từ tiệm cơm Nam Sơn và tiệm chè Hiển Khánh ra đến ngã ba Lý Thái Tổ.

Con đường bình dân của tôi từ xưa có một số ngôi nhà khá đặc biệt. Đầu tiên phải kể đến nhà số 636 là tư gia của "Quốc trưởng" Phan Khắc Sửu (chức vụ tương đương tổng thống, sau đảo chính 1963).

Ông Sửu là kỹ sư canh nông thời Pháp, tham gia nhóm trí thức chống độc tài. Năm 1970, ông Sửu mất, đám ma có lính danh dự dàn chào đứng kín một đoạn đường. Cháu ngoại của ông cùng học thêm với tôi tại nhà thầy Châu gần đường Lý Thái Tổ.

Đi thêm chục bước nữa, bên kia đường là nhà trẻ Caritas của các dì phước, phía trước có một trạm biến thế còn gắn hàng chữ 1958. Còn nhà số 469, chính là Mini Mart đầu tiên của Sài Gòn, hiện vẫn là tiệm tạp hóa. Bên cạnh, có hai chi nhánh ngân hàng Tín nghĩa và Banque Francais de l'Asie.

Ngày nhỏ, cứ rằm tháng 7, bọn trẻ xóm tôi ra đây để "giựt cô hồn", tranh giành quà bánh và quan trọng là những đồng tiền cắc sáng choang được nhân viên ngân hàng tung ra sau khi cúng.

Đi lên nữa, qua ngã tư Cao Thắng, có một trạm điện thoại công cộng vuông vắn, cũng là nơi bán báo và tem thư. Kế cận có một ngôi nhà 5 tầng là tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng, nổi tiếng khắp Sài Gòn.

Đi về hướng chợ Vườn Chuối, ta còn gặp Ảnh viện Viễn Kính, ở số 277, nơi ông cụ Đinh Tiến Mậu thành danh với ảnh chân dung tuyệt đẹp của các tài tử, minh tinh Sài Gòn.

Bao giờ hình ảnh của những con đường và cả Sài Gòn xưa - mới được lưu giữ và tái hiện trong những nhà lưu niệm, bảo tàng chuyên nghiệp, thay vì chỉ giữ trong ký ức và những sưu tập nhỏ sẽ phôi pha theo thời gian?

Con đường "áo mơ phai" với cây xanh rợp bóng và những kiến trúc xinh đẹp, hợp cùng các con đường kế cận như Đinh Tiên Hoàng, Phùng Khắc Khoan, Phan Kế Bính, Mai Thị Lựu (Phạm Đăng Hưng), Nguyễn Văn Thủ (Tự Đức)… từng là một khu dân cư cao cấp, cách không xa khu "đầu rồng" Dinh Độc Lập một thời.

Trước 1975, trên đường Nguyễn Đình Chiểu có cả một số tư dinh - nhà ở của các đại sứ Úc, Nhật, Hàn, Lào và viên chức Pháp.

Với báo chí, đáng ghi nhớ, biệt thự số 55, sau năm 1975 từng là trụ sở của báo Khăn Quàng Đỏ. Ngôi biệt thự có chiếc cổng hình cong cong theo kiểu Tây Ban Nha, là nơi ươm mầm cho những cây bút nhí tập tành viết văn, làm báo.

Còn nhà số 160 nguyên là trụ sở của tạp chí Bách Khoa, tờ báo trí thức số một miền Nam. Cạnh đấy, biệt thự số 152 là nhà của bà Henriette Bùi Quang Chiêu, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam...

Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến

Đinh Tiên Hoàng là con đường quá thân thương với những ai đã từng học Trường Văn khoa Sài Gòn trước 1975, nay là ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, vì cổng chính của ngôi trường bạc màu thời gian ở ngay góc đầu đường này.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến - Ảnh 1.

Ngôi Trường ĐH KHXH&NV bên đường Đinh Tiên Hoàng thương mến của tôi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

20 năm trước, mỗi ngày đến trường, tôi đều thư thả ngược xuôi trên con đường xưa cũ này.

Đường phố Sài Gòn: Con đường có ngôi trường thân yêu

Hồi ấy, trước cổng trường ở đường Đinh Tiên Hoàng (trường còn cổng Lê Duẩn nữa) có mấy cô bán đồ ăn vặt và thường hút khách sinh viên. 

Tôi là sinh viên nghèo nên thi thoảng mới dám ra đó mua bịch bánh tráng trộn hoặc cóc ổi gì đó, thường là hùn hạp từ những bạn khác, mua vào ăn chung. 

Trước cổng, đi qua bên kia đường còn có mấy tiệm photocopy với giá cả dành cho sinh viên nên khá đông khách, thu hút người tới lui liên tục. 

Sinh viên thế hệ chúng tôi không quá nhiều sách vở tham khảo, những cuốn giáo trình thường là sách photo chuyền tay nhau.

Tuổi mộng mơ, ngoài việc học tôi còn để ý một bạn tên Q. ở khoa lịch sử. Đó là một cô gái dịu dàng và cũng khá lãng mạn khi vẫn thường làm thơ gửi tôi đọc. 

Cùng quê miền Trung nên tôi và Q. khá hiểu nhau, nhanh chóng đồng điệu cả chuyện văn hóa, lối sống lẫn khát vọng học hành, ước mơ thay đổi cuộc đời từ cánh cổng ngôi trường ở đường Đinh Tiên Hoàng. 

Dù chúng tôi chưa trở thành người yêu của nhau nhưng là bạn chân thành, thân thiết. Đến khi ra trường, bạn có duyên đi học lên cao học, sau đó có chồng con, định cư ở Hoa Kỳ. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thường cập nhật về con đường đi học, hàng quán năm xưa cho bạn.

"Trước trường mình chừ có một quán cà phê lớn lắm trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngồi bên quán ngó qua trường đẹp thương mến Q. à". Tôi mới nói chuyện cùng bạn hồi Tết vừa rồi, kịp khoe chiếc quán. 

Q. hứa khi nào về Việt Nam, "tui với ông sẽ ngồi cà phê một buổi ở Nhân văn". 

Hồi trước, cuối tuần chúng tôi thường đi cà phê "bệt" ở công viên 30-4, "tám" đủ thứ chuyện, trong đó có ước vọng tương lai. Có lần, Q. còn nói, chỉ mong có một người thương giống L., tôi chỉ im lặng, có lẽ vì mình chưa quên mối tình đầu.

Còn nhớ, ngày ấy Q. vẫn hay kể cho tôi nghe về quê hương Quảng Ngãi của mình. "Nhà mình gần chỗ mà Bệnh viện Đặng Thùy Trâm sắp được xây", Q. chia sẻ định vị về Đức Phổ trong những ngày mà nhật ký của bác sĩ Trâm được lan tỏa rộng rãi qua trang báo Tuổi Trẻ

Chuyện về nữ bác sĩ - liệt sĩ lúc đó đã thổi hồn vào thế hệ trẻ, tinh thần dấn thân và hy sinh, tình yêu và gia đình, khát vọng về hòa bình giữa thời chiến loạn.

Những tên đất, tên người, tên đường được mọc lên từ chính tên những vị anh hùng dân tộc. Một bệnh viện, một con đường mang tên Đặng Thùy Trâm là sự vinh danh, nhắc nhớ. 

Đinh Tiên Hoàng được trang trọng đặt tên đường trước cổng trường chúng tôi học cũng vậy. Ông là người có công lao lớn trong dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập nên triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong nền lịch sử Việt. 

Đinh Tiên Hoàng trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt sau thời kỳ Bắc thuộc.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến - Ảnh 2.

Đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh bên lăng Ông rợp bóng xanh cổ thụ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dấu xưa còn lại, tình người còn đây

Theo dòng thời gian, đường Đinh Tiên Hoàng từ tháng 8-1975 đến ngày 16-9-2020 nối liền từ quận 1 qua quận Bình Thạnh, bắt đầu từ đường Lê Duẩn đến Phan Đăng Lưu. 

Từ 16-9-2020, đường Đinh Tiên Hoàng chỉ còn từ cầu Bông đến Lê Duẩn, riêng đoạn cầu Bông đến Phan Đăng Lưu được trả lại tên xưa là Lê Văn Duyệt. 

Thực ra, từ năm 1955, đoạn đường này cũng mang tên tả quân Lê Văn Duyệt. Còn trước đó, tên đường là Avenue de I'Inspection (giai đoạn từ 1874 đến 1955), và dân chúng quen gọi là đường Hàng Thị.

Tôi thích tìm hiểu về lịch sử nên cũng hay chia sẻ với Q. những tài liệu mình đọc được về các vị vua, quan, tướng lĩnh thời xưa, cả ở Việt Nam lẫn thế giới. Ôn cố tri tân - đọc người xưa để học, cũng là để biết nay cần và nên làm gì, nhìn thời cuộc ra sao. 

"Thực tế, triều đại nào không giữ được sự liêm chính, không được lòng dân cũng đều sẽ suy vong", Q. thường đọc và nêu quan điểm. Khi đó chúng tôi chỉ mới học năm 2 năm 3 đại học. Dân lịch sử thường sẽ thấy những cái hay từ quá khứ.

Cầu Bông xưa, ảnh chụp từ thế kỷ 19 -  Ảnh: T.L

Cầu Bông xưa, ảnh chụp từ thế kỷ 19 - Ảnh: T.L

Cầu Bông hôm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cầu Bông hôm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hơn mười năm nay, tôi có thêm một người mẹ. Đó là mẹ nuôi của tôi ở Sài Gòn - là mẹ của một người bạn rất thân của mình. Tôi hay gọi là mẹ Sài Gòn. 

Mẹ hay kể về đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Văn Duyệt với kỷ niệm thời mưu sinh khó khăn cho tôi nghe. 

"Mấy chục năm trước, từ ngã năm Bình Hòa, mẹ hay đi xích lô qua chợ Cầu Muối ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 lấy đồ la-ghim về bán lại. Lên đó phải đi sớm, có lần xe chở đồ nhiều quá, bác tài xích lô ốm yếu nên đã đâm lật nhào cả xe hàng trên đoạn Đinh Tiên Hoàng, trước sân vận động Hoa Lư", mẹ kể.

Hậu quả mẹ bị gãy tay phải bắt ốc vít và may nhiều mũi do bị thương ở trên đầu nữa. Một mình gồng gánh nuôi ba con luôn là nỗi khó khăn của người phụ nữ góa chồng. 

Con đường khó quên ấy của mẹ còn là đoạn nối từ Lê Văn Duyệt qua chợ Bà Chiểu. Đây cũng là ngôi chợ giúp nuôi lớn các con mình khi mẹ cũng là mối ruột của nhiều hàng la-ghim tại đây. 

Tôi nghe mà thương quá đỗi, biết ơn mẹ vì đã chọn lẽ sống kiên cường để các anh chị tôi hãnh tiến trên đường đời từ đôi quang gánh của mẹ.

Con đường của mẹ, ký ức mưu sinh xuôi ngược nẻo Lê Văn Duyệt - Đinh Tiên Hoàng mỗi sớm mai của mẹ đã khiến tôi thấy con đường ấy trở nên thân quen đến lạ. Có lẽ vì tôi thấy được bóng dáng của mẹ ở mỗi góc đường.

Rạp chiếu phim nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng trước năm 1975 - Ảnh: T.L

Rạp chiếu phim nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng trước năm 1975 - Ảnh: T.L

Tôi vẫn hay ghé lăng Ông - tên gọi thân quen mà người dân dùng để gọi khu di tích lịch sử - văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt để chiêm ngưỡng kiến trúc, đảnh lễ vị Tổng trấn Gia Định thời vua Gia Long và vua Minh Mạng. 

Sử sách ghi lại, Lê Văn Duyệt mất vào tháng 7 âm lịch năm 1832, an táng tại làng Bình Hòa (nay là phường 1, quận Bình Thạnh). Lăng mộ của ngài được xây dựng và trở thành điểm đến tâm linh, du lịch của người dân, du khách, trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.

Với mẹ Sài Gòn của tôi, "đây từng là sân tập võ của mấy anh chị tôi". Ngày đó, những người con của mẹ được lớn lên trong sự che chở yêu thương như vậy. Mẹ không chỉ khuyến khích con cái học chữ mà còn cho rèn luyện sức khỏe, ý chí tinh thần. 

Dấu xưa còn lại với người mẹ chất phác phương Nam của tôi chính là "ở đó, mấy anh chị em con đã được nuôi dưỡng tinh thần trượng nghĩa, lòng hiếu qua võ học cùng lịch sử người xưa"...

Cầu Bông - nối nhịp hai đoạn đường

Cây cầu được xây dựng lần đầu vào khoảng thế kỷ 18, bấy giờ có tên là Cao Miên. Cầu Bông được nhiều nhà nghiên cứu về Sài Gòn cho rằng sau khi ông Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa.

Về sau, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn).

Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là cách gọi của người miền Nam để chỉ hoa) cho đến nay trên đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Văn Duyệt.

Kỳ 8: Nguyễn Hữu Thọ - đường thanh xuân hướng biển

Trong các đường phố Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Thọ thật sự xứng đáng là con đường huyết mạch phía Nam thành phố.

Bên đường giờ đều đã tấc đất tấc vàng - Ảnh: TỰ TRUNG

Bên đường giờ đều đã tấc đất tấc vàng - Ảnh: TỰ TRUNG

Chở chúng tôi trên một con thuyền dọc sông Rạch Đĩa, anh Nguyễn Văn Phương khoát tay chỉ hai bên bờ: "Mấy vùng đất này xưa kia các ông tổ bên nội - ngoại của tôi sinh sống, khai phá, chắc cũng hàng trăm năm. Nay đất ruộng, đầm lầy thành những khu biệt thự sang trọng cả rồi, mình thì vẫn sống đời dân dã sông nước, nhà bè vậy thôi...".

Nhà Bè nước chảy

Nhà bè mà Phương nói là chiếc thuyền với đủ vật dụng mà anh neo ở một đoạn sông Phước Long. 

Hơn 20 năm trước, khi đường Nguyễn Hữu Thọ khởi công, gia đình anh đã rời những mảnh ruộng chỉ trồng được một vụ vì chua mặn ven bờ Rạch Đĩa - Phước Long để tìm việc trong các khu công nghiệp Tân Thuận, Hiệp Phước; riêng Phương vẫn cặm cụi với nghề đưa đò, chài lưới truyền đời trên chiếc thuyền cũ và sau này là đưa khách du ngoạn đường sông trên những tàu du lịch, như cái thuở nào "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".

Nhà Bè ấy được chép trong Gia Định thành thông chí: "Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về mặt ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó, người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè, họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè".

Bây giờ Nhà Bè khác lắm, "thay đổi hoàn toàn" như anh Phương nhận xét ngắn gọn, hay như chính sự hình thành con đường Nguyễn Hữu Thọ làm chứng nhân. 

Hơn 20 năm trước, những chuyến đi của chúng tôi xuống xã Long Thới (huyện Nhà Bè) để thực hiện một dự án tình nguyện ở cù lao Ngã Ba Đình thật sự là vất vả. 

Từ trung tâm thành phố qua cầu Nguyễn Tất Thành sang quận 4 là người xe chen chúc, qua cầu Tân Thuận thì đường Huỳnh Tấn Phát vừa nhỏ hẹp vừa dày dặc ổ voi, ổ gà, nắng thì bụi đất bụi đá, mưa thì vũng nhỏ vũng to, lại thêm xe bồn chở xăng chạy qua là gần hết bề mặt đường. 

Lặn lội đi mãi mới tới cầu Phú Xuân, đi tiếp chặng đường thăm thẳm mới tới ngã ba Nguyễn Bình - con đường đất đỏ quanh co qua những thửa vườn thửa ruộng dẫn vào Long Thới. Nay cũng điểm đi điểm đến ấy, đi thẳng theo đường Nguyễn Hữu Thọ chỉ tốn 30 phút.

Đường Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng là con đường huyết mạch trong các đường phố Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG

Đường Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng là con đường huyết mạch trong các đường phố Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG

Hàng trăm năm từ ngày được lịch sử chọn để trở thành cửa ngõ đón những chiếc thuyền vùng Thuận - Quảng, Nhà Bè là một trong những nơi đầu tiên những lưu dân người Việt đặt chân lên và bắt đầu công cuộc khai phá đất Gia Định nhưng gần như lại là vùng đất cuối cùng của Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM được đưa vào bản đồ phát triển. 

Những chiếc thuyền, đò chèo dọc chèo ngang trên các ngã sông rạch đã hình thành những chợ "nhà bè" đầu tiên, nhanh chóng trở thành bến sông nhộn nhịp lãng mạn: "Nhà Bè nước chảy trong ngần/ Thuyền nâu, thuyền trắng chạy gần chạy xa/ Thon thon hai mái chèo hoa/ Lướt qua lướt lại như là gấm thêu". 

Đầm lầy chua mặn, giống cói, lác mọc lan tràn, làng dệt chiếu mau chóng hình thành cùng những làng chài lưới trên sông. Nhà Bè nổi tiếng vì lúa ngon trồng chỉ một vụ, nổi tiếng với cá chìa vôi, tôm càng trên sông...

Mấy trăm năm, từ khi mới hình thành cho đến mãi những năm 1980 sau này, để đến Nhà Bè bằng đường bộ vẫn chỉ có một đường tỉnh lộ 15 (nay là Huỳnh Tấn Phát) với cây cầu Tân Thuận, và xuyên qua huyện bằng hương lộ 34 (nay là Lê Văn Lương). 

Nhà Bè vẫn cứ là ngã ba sông ngóng những tàu thuyền đi qua, đi lại. Ngoài kho xăng Nhà Bè được bắt đầu xây dựng từ 1906, toàn khu vẫn sình lầy, rừng lá, ruộng chua mặn, và người Tân Thuận, Phước Kiển, Nhơn Đức, Long Thới vẫn lặn lội trên ruộng, lênh đênh trên sông như ngày nào, dù rằng Sài Gòn - TP.HCM đã trải qua bao nhiêu biến đổi.

Đường Nguyễn Hữu Thọ đã chuyển đổi vùng quê sông nước thành đô thị hướng biển - Ảnh: TỰ TRUNG

Đường Nguyễn Hữu Thọ đã chuyển đổi vùng quê sông nước thành đô thị hướng biển - Ảnh: TỰ TRUNG

Con đường "dát vàng"

Đến thập niên 1990, với những người tiên phong mở đường phát triển cho Nhà Bè như ông Phan Chánh Dưỡng và đối tác Lawrence S. Ting cùng sự ủng hộ, quyết tâm thực hiện của các cấp lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí, Võ Viết Thanh, Phạm Chánh Trực..., lần lượt những công trình lớn xuất hiện đổi thay Nhà Bè: Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ... 

Ít được nhắc đến hơn những công trình khác, nhưng đến hôm nay, sau 20 năm hiện diện, đường Nguyễn Hữu Thọ đã thật sự xứng đáng là con đường huyết mạch phía Nam thành phố. 

Từ chân cầu Kênh Tẻ phía quận 7, con đường quy hoạch rộng 60m, dài 16km được khánh thành năm 2002, chạy thẳng cắt qua đại lộ Nguyễn Văn Linh, xuyên tâm Nhà Bè đến thẳng khu công nghiệp Hiệp Phước, được coi là một đoạn rất quan trọng trong trục giao thông Bắc - Nam TP.HCM, kết nối các tỉnh miền Tây với thành phố và nối với đường quốc tế xuyên Á. Đồng lầy ruộng cạn thoáng chốc thành đại lộ.

Làm cư dân Nhà Bè mười mấy năm, mỗi ngày xuôi ngược trên đường Nguyễn Hữu Thọ vài bận, tôi chứng kiến con đường mỗi ngày mỗi được "dát vàng". 

Giá đất tăng cấp số nhân cùng tiến độ mở đường, những dự án bất động sản trung - cao cấp nối nhau mọc lên, biến những đầm lầy thành cao ốc, biệt thự, siêu thị, trung tâm thương mại, trường đại học...

Con đường từ những ngày trông rộng mênh mông, xanh mướt ban ngày, đen thẫm và mát lạnh ban tối đã dần chật cứng ô tô, xe máy, đèn điện từ cửa hàng, nhà hàng sáng rực mặt đường, lấp lánh trên cao.

Cuộc sống của các cư dân mới ở Nhà Bè - Ảnh: TỰ TRUNG

Cuộc sống của các cư dân mới ở Nhà Bè - Ảnh: TỰ TRUNG

Đường Nguyễn Hữu Thọ đã chỉ mất vài năm đi những bước thần tốc từ nguy cơ kém an toàn vì vắng người, thiếu đèn đường đến vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. 

Có dạo cầu Kênh Tẻ đã được gọi là "cây cầu dài nhất Việt Nam" vì dù chỉ hơn 700m nhưng người đi đường từ Nguyễn Hữu Thọ phải mất từ 15 phút đến cả tiếng đồng hồ để có thể vượt qua để sang hướng quận 4. 

Cầu đã được mở rộng, và tiếp tục đến lượt ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh đang được thi công hầm chui để hạn chế ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông. 

Hơn 40 dự án khu dân cư, căn hộ đã và đang triển khai phủ kín gần hết hai bên đường, sự phát triển thăng trầm của thị trường bất động sản hiển hiện mồn một trong mắt quan sát của người đi đường, lắm hứa hẹn cũng lắm nghiệt ngã cuộc đời.

Nhà Bè thế là đã thay đổi tận gốc rễ để chuyển mình thành đô thị vệ tinh của TP.HCM, đón những ý tưởng vươn về phía Biển Đông của thành phố với con đường Nguyễn Hữu Thọ chỉ mới 20 xuân xanh, hàng cây lộc vừng hai bên còn chưa kịp tỏa tàng. 

Dấu tích Nhà Bè xưa chỉ còn ở tên những cây cầu dọc đường: Rạch Bàng, Rạch Đĩa, Rạch Cây Me, Bà Chiêm, Đồng Điền... Chỉ vậy đã đủ để những người ngày xưa như anh Phương thương nhớ Nhà Bè.

Cư dân của đường đương nhiên cũng đã thay đổi hoàn toàn.

Những người dân cố cựu như gia đình anh Phương chẳng còn ai ở trên con đường này nữa. Cuộc sống thị dân với căn hộ trên cao ốc và siêu thị không phải lựa chọn của họ. Tất cả đã dời đi, sâu vào những con đường xung quanh - Lê Văn Lương, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Tạo... để tiếp tục sống với mảnh vườn, khúc sông.

Cư dân đường Nguyễn Hữu Thọ giờ đây là những người trẻ mà cuộc sống gắn chặt với điện thoại thông minh, máy tính xách tay và đường truyền Internet như các cư dân trong khu căn hộ của tôi, còn trong các khu biệt thự cao cấp lại là nơi bình yên bí mật của nhiều đại gia nổi tiếng.

Chỗ giao lưu với xóm giềng không còn là bàn trà - rượu bên hàng hiên hay dưới gốc cây trước nhà mà là những nhóm hội thoại của tòa nhà được thiết lập trên mạng; chỗ đi chợ không phải chợ quê Rạch Đĩa, Long Kiểng mà những sạp chợ rao online trao tận cửa...

Kỳ 9: Tổng Đốc Phương, đường xưa còn dấu

Ông mở cửa, bước ra hàng cây cổ thụ đang tỏa bóng mát rượi. Tôi đã bất ngờ hỏi chuyện xưa, câu chuyện về một trong những con đường năm cũ của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn trù phú.

Giao lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm) và Hồng Bàng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Giao lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm) và Hồng Bàng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Đó là đường Châu Văn Liêm ngày nay mà theo dòng đổi thay thời cuộc từng là đại lộ Tổng Đốc Phương, và đặc biệt đã được các nghị viên Hội đồng đô thành Sài Gòn trao tên Hoàng Sa ngay sau sự kiện quần đảo này thất thủ tháng giêng năm 1974.

Lai lịch con đường xưa

Trở lại tháng giêng năm 2023, cụ ông cao niên gốc Hoa bên đường Châu Văn Liêm kể tôi nghe gia đình đã mấy đời ở khu vực này. Trong trí nhớ ông, từ những năm 1950 thế kỷ trước, hàng cây sao trồng trên đường Tổng Đốc Phương đã che bóng mát rượi rồi. Thuở ấy, đường phố vắng, bọn trẻ các ông vẫn còn trèo được lên ngọn cây sao chơi và thi thoảng còn bắt được cả tổ chim. Phải từ sau những năm 1960, con đường này mới đông đúc người lại qua vì chiến sự ngày càng nóng rực đã đẩy người dân tụ về đô thành.

Hàng cổ thụ người Pháp trồng từ lúc mở đường Tổng đốc Phương đến nay vẫn xanh tốt Ảnh QUỐC VIỆT

Hàng cổ thụ người Pháp trồng từ lúc mở đường Tổng đốc Phương đến nay vẫn xanh tốt Ảnh QUỐC VIỆT

Trong lịch sử, theo học giả Trương Vĩnh Ký, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước con đường này là dòng kinh. Cuốn "Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận" (do Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích) của ông đã ghi lại rằng: "Bờ kinh (nay đã lập đường Châu Văn Liêm) đi ngang nhà ông đốc Phủ Chợ Lớn Đỗ Hữu Phương tạo thành một đường phố gọi là Phố Xếp...".

Và theo các tài liệu viết về Sài Gòn - Chợ Lớn, kênh Phố Xếp được tạo lập từ khi người Hoa từ cù lao Phố (Đồng Nai) về đây khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Họ đào kênh Phố Xếp nối từ rạch Tàu Hủ lên hướng bắc đến vùng Chợ Rẫy mà ngày đó còn là làng trồng rau chứ chưa có phố xá đông đúc và Bệnh viện Chợ Rẫy lớn như sau này.

Đến khoảng đầu thập niên 1920, con kinh bị lấp và trở thành đại lộ Tổng Đốc Phương, tức Đỗ Hữu Phương, người nổi tiếng giàu có và hiếu khách mà học giả Trương Vĩnh Ký và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đều nhắc tới. 

Là một trong tứ đại hào phú Nam Kỳ Lục tỉnh được người đời truyền danh "nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định", người đàn ông gốc Minh Hương này vọng Pháp, làm quan cho họ, đặc biệt là có con trai Đỗ Hữu Vị đi lính quân đội Pháp. Anh ta là phi công tử trận trong Thế chiến thứ nhất, được Pháp đặt tên đường Đỗ Hữu Vị để tri ân và gần đây là tên quảng trường ngay tại Paris.

Ở Chợ Lớn, đường xưa mang tên Tổng Đốc Phương đi ngang qua cửa nhà hào phú mà phải gọi đúng là lâu đài kiểu Pháp to lớn, lộng lẫy đến mức chính các quý tộc Pháp cũng kiêng nể. Ông ta sinh năm 1840, mất 1915, nếu chính xác như tài liệu ghi việc tạo lập đường vào những năm 1920 thì việc đặt tên đường đã được thực hiện sau khi ông ta mất. 

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong cuốn "Đường phố TP.HCM", lai lịch tên đường này hơi khác một chút, cụ thể là mốc thời gian. Ông viết: "Đường này thuộc loại xưa nhất ở Chợ Lớn, thời Pháp thuộc lúc đầu gọi là đường Canton. Từ năm 1915 đổi là đường Tổng Đốc Phương. Ngày 14-8-1985 đổi là đường Châu Văn Liêm"...

Rạp Đại Quang trên đường Tổng Đốc Phương năm 1961 - Ảnh tư liệu

Rạp Đại Quang trên đường Tổng Đốc Phương năm 1961 - Ảnh tư liệu

Sang giàu và hiện đại

Lần lại các thư tịch xưa, sách báo Sài Gòn và ký ức những bậc cao niên, đại lộ Tổng Đốc Phương đã sớm trở thành con đường biểu lộ sự kinh doanh trù phú lẫn lối sống sớm hiện đại của vùng Chợ Lớn. Đặc biệt, không chỉ đại lộ này mà các đoạn đường song song và giao thoa như Phùng Hưng, Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông, Lão Tử, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi cũng đều sung túc, nhộn nhịp khách lại qua, mua bán.

Thế hệ mẹ tôi, sinh thập niên 1940, mặc dù ở Tân Bình nhưng khi thành thiếu nữ đã hay lên đường này ăn tiệm, xem phim, rồi bà được mua nhẫn, tổ chức tiệc cưới cũng ở nhà hàng vùng này.

Đến thế hệ tôi trưởng thành sau bước ngoặt lịch sử 1975, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với con đường xưa cũ. Sang thập niên 1980, nhà tôi vẫn ở gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, nhưng ít nhất một hai lần mỗi tháng đều được lên chơi trên con đường mà lúc ấy đã đổi thành Châu Văn Liêm. 

Và lên để làm gì? Để xem phim, thú vui nhất của tuổi thơ mà tôi vẫn không thể nào quên được. Bởi con đường rợp bóng xanh này có nhiều rạp lớn được các thế hệ người Sài Gòn biết đến là Đại Quang, Toàn Thắng, Thủ Đô.

Mẹ tôi từng xem phim ở đây, rồi đến tôi khi giữa thập niên 1980 vẫn còn là thằng bé 11 tuổi mê phim đến mức nhịn cả ăn sáng để dành tiền mua vé xem phim. Thi thoảng được cho thêm tí tiền, tôi và các anh chị mình mải mê xem phim đến mức vừa xem xong rạp này, lại chạy qua rạp khác để xem tiếp, thậm chí xem lại lần nữa ngay tại rạp cho "đã đời". Đó là thuở hậu chiến nghèo khó, cực kỳ hy hữu tôi mới được "xênh xang" cầm ổ bánh mì vào rạp, còn lại thì có cây kem toàn đá cho chút nước đường lẫn màu xanh xanh đỏ đỏ là sướng lắm rồi.

Thành phố bước vào cuối thập niên 1980 thêm nhiều sinh khí trong cuộc đổi mới. Cậu học trò gần tuổi 15 như tôi lại có thêm những kỷ niệm khác với con đường này, mà đó là kỷ niệm "làm ăn", và đúng nghĩa như vậy. Ngày ấy, mẹ tôi may đồ đồng phục học sinh để bỏ mối ở các chợ An Đông, Tân Bình. 

Hầu hết vải vóc, nút, chỉ đều được mẹ tôi mua vùng Chợ Lớn. Và tôi đã sớm thuộc nhẵn những cái chợ sỉ nguyên phụ liệu may mặc sầm uất như Đồng Khánh, Soái Kình Lâm, Đại Quang Minh.

Bùng binh Phan Đình Phùng ở đầu đường Châu Văn Liêm giờ luôn đông đúc người xe Ảnh TRẦN TIẾN DŨNG

Bùng binh Phan Đình Phùng ở đầu đường Châu Văn Liêm giờ luôn đông đúc người xe Ảnh TRẦN TIẾN DŨNG

Năm đó, hai mẹ con thường đi chợ bằng chiếc xe đạp mini cũ mèm. Có khi mẹ chở, có ngày tôi phải xin được chở, mà con nít thuở đó được đạp xe là thích lắm. Mẹ vào mua vải ở chợ Đồng Khánh, tôi kiếm vỉa hè nào đó trên đường Trần Hưng Đạo để đứng trông xe. Còn mẹ mua phụ liệu may mặc ở Đại Quang Minh thì tôi đứng ngay dưới bóng mát cây xanh ở đường Châu Văn Liêm. 

Cậu bé học sinh năm tháng đó chưa biết tò mò lịch sử, nhưng đã biết háo hức ngước mặt nhìn tán cây cổ thụ khổng lồ mà lạ lẫm tự hỏi chẳng hiểu cây gì lại vươn lên thẳng tắp, cao vút như vậy.

Sau này, chọn đường đời nghề báo, tôi vẫn hay ngược xuôi con đường kỷ niệm xưa cũ và lặng lẽ chứng kiến nhiều sự đổi thay. Từ khi đầu máy video gia đình tràn ngập, các rạp phim Đại Quang, Toàn Thắng vắng khách dần, kể cả rạp hát Thủ Đô cũng vắng suất diễn. Một số thương hiệu được thay đổi, nhưng nhiều bảng hiệu bạc màu thời gian vẫn còn đó, như tòa nhà hãng nước mắm Liên Thành phân cuộc được gắn bảng địa chỉ lưu niệm Nguyễn Tất Thành ...

Tháng giêng năm 2023, tôi lại trở về đường xưa và đi bộ thật chậm để cảm nhận sự đổi thay. Những rạp chiếu phim đã biến mất để nhường lại cho khách sạn, đặc biệt là các tòa nhà ngân hàng sang trọng và nhiều đại lý vé số đỏ rực. Ngẫm nghĩ cũng lạ, trăm năm trước đại lộ này được đặt tên vị nhà giàu, thì trăm năm sau nó vẫn là con đường của những giấc mơ đổi đời...

Mang tên Hoàng Sa

Sau sự kiện tháng giêng năm 1974, hải quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Hội đồng đô thành Sài Gòn đã có cuộc họp ngày 18-2-1974 để đặt tên đường gắn với chủ quyền đất nước.

Báo Trắng Đen số ra ngày 19-2-1974 thuật lại bài viết ngay trang nhất: "Đại lộ Tổng Đốc Phương nằm ngay trung tâm Chợ Lớn được cải tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được cải tên Trường Sa. Trong phần thuyết trình nghị viên Dương Văn Long, lần đầu tiên ở diễn đàn Hội đồng đô thành đã được toàn thể nghị viên hoan nghênh nhiệt liệt. Điều nầy cho thấy lòng dân được thể hiện rõ rệt chọn Hoàng Sa và Trường Sa đặt tên hai con đường ở Chợ Lớn nơi cư ngụ của người Việt gốc Hoa".

Kỳ 10: Lộ sứ thần năm xưa, đường đổi thay hôm nay

Trong những đường phố Sài Gòn - TP.HCM lưu kỷ niệm đời tôi, có lẽ Cách Mạng Tháng 8 là nẻo đi về đọng nhiều ký ức nhất.

Bùng binh ngã sáu Phù Đổng, nơi đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8) bước vào trung tâm Sài Gòn sầm uất - Ảnh: TƯ LIỆU

Bùng binh ngã sáu Phù Đổng, nơi đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8) bước vào trung tâm Sài Gòn sầm uất - Ảnh: TƯ LIỆU

Nhà tôi đường Hiệp Nhất gần ngã tư Bảy Hiền, một lối nhỏ từ đường Cách Mạng Tháng 8 quẹo vào chỉ vài chục mét.

Tôi từ một cậu bé lớn lên thời hậu chiến nghèo khó, rồi đi học, đi làm, lập gia đình đều ngược xuôi mỗi ngày trên con đường cổ xưa của thành phố này...

Con đường cho sứ thần giao bang

Thế hệ sinh nửa đầu thập niên 1970 như tôi chỉ nhìn thấy bảng tên đường Cách Mạng Tháng 8 sau bước ngoặt lịch sử 1975. 

Nhưng những người như cha mẹ tôi đã quen gọi tên đường Phạm Hồng Thái ở đoạn qua tỉnh Gia Định cũ, còn đoạn ở Sài Gòn qua quận 3, quận 1 thì gọi là Lê Văn Duyệt. Một thời gian, tôi đi kinh tế mới ở vùng quê và trở về thành phố vào mùa hè. 

Tôi nhớ ông bà mình cứ quen nhắc tài xế cho xuống đường Lê Văn Duyệt. Bác tài đứng tuổi, cũng là cựu dân đô thành rành rẽ đường xưa, cứ phải hỏi lại Lê Văn Duyệt nào, ở Sài Gòn hay Gia Định. Bởi trước năm 1975 còn có đường Lê Văn Duyệt bên Gia Định, sau đổi thành Đinh Tiên Hoàng và mới được trả lại tên xưa.

Kể lại thật rắc rối, mà cũng đúng thật, bởi Cách Mạng Tháng 8 khởi phát là đường cái quan cổ xưa. 

Cảnh đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng 8) sau 30-4-1975 - Ảnh: TƯ LIỆU

Cảnh đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng 8) sau 30-4-1975 - Ảnh: TƯ LIỆU

Theo dòng thời cuộc đổi thay, người Pháp vào rồi ra đi, đường xưa cũng trải nhiều lần đổi thay danh phận. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Q. Thắng trong cuốn Đường phố TP.HCM đã viết tỉ mỉ: "Đường này thuộc loại xưa nhất ở Sài Gòn, có từ thời chúa Nguyễn mới mở mang vùng này, gọi là đường Sứ, tức là đường của các sứ thần Chân Lạp đi sang giao hảo với nước ta. Năm 1865, người Pháp thành lập thành phố Sài Gòn, chỉnh trang đường này, đặt tên đường Thuận Kiều đoạn từ ngã sáu đến ranh tỉnh Gia Định. 

Đoạn còn lại thì gọi đường Thuộc địa số 1. Từ năm 1916, để kỷ niệm trận Verdun, quân Pháp thắng Đức, Tòa đốc lý Sài Gòn đổi tên đường Thuận Kiều thành Verdun ...".

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, con đường này lại tiếp tục được đổi tên vào năm 1947: "Ngày 25-4-1947, chính quyền Nam Kỳ đặt tên đường Nguyễn Văn Thinh cho đoạn từ ngã sáu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, và đường Thái Lập Thành cho đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Điện Biên Phủ. 

Ngày 31-10-1951, đoạn từ Điện Biên Phủ đến ngang Hòa Hưng lại đổi là đường Chanson. Đoạn còn lại vẫn mang tên đường Verdun. Ngày 22-3-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm nhập cả bốn đường trên đây lại làm một và đặt tên đường Lê Văn Duyệt. 

Còn đường Thuộc địa số 1 thì đổi là Quốc lộ số 1, nhưng đoạn từ ranh giới tỉnh Gia Định đến ngã tư Bảy Hiền được đặt tên Phạm Hồng Thái".

Trong lịch sử đặt, đổi tên đường ở Sài Gòn, năm 1955 là bước ngoặt lớn, khi hầu như toàn bộ tên Pháp bị hạ xuống để thay bằng tên các danh nhân, anh hùng lịch sử nước Việt. 

Đến tháng 8-1975, các đoạn đường Lê Văn Duyệt, Phạm Hồng Thái và Quốc lộ số 1 đến đoạn Bà Quẹo được hợp nhất lại thành một và đổi tên Cách Mạng Tháng 8. Huyết mạch cửa ngõ nối thành phố với các tỉnh Long An, Tây Ninh và Campuchia.

Ngã tư Bảy Hiền, giao lộ huyết mạch trên đường Cách Mạng Tháng 8 hiện nay - Ảnh: T.T.D.

Ngã tư Bảy Hiền, giao lộ huyết mạch trên đường Cách Mạng Tháng 8 hiện nay - Ảnh: T.T.D.

Ký ức đổi thay và phát triển

Bây giờ hồi tưởng kỷ niệm về con đường gắn với gần như cả đời mình, thật sự tôi khó biết bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào vì ắp đầy kỷ niệm. 

Tôi nhớ mãi năm tháng còn là cậu bé, mỗi mùa hè khi chuyến xe từ vùng kinh tế mới đưa tôi về thành phố thì tấm bảng đường Cách Mạng Tháng 8 luôn là sự mong đợi của tôi. Niềm vui đô thị mở ra với cậu bé dù ngày ấy vẫn ngập tràn nghèo khó. 

Rồi mùa tựu trường, khi chuyến xe đưa tôi trở lại vùng quê Long An là cảm giác náo nức đi học lẫn nỗi buồn chia xa thành phố. 

Nhìn bảng đường Cách Mạng Tháng 8 trôi qua sau xe để thay bằng ruộng đồng mênh mông là tôi biết mình trở lại những ngày chân trần đến trường, học bài dưới ngọn đèn dầu cùng thú vui ruộng vườn khác xa thành phố.

Ngã tư Bảy Hiền đầu thập niên 1970 -  Ảnh: TƯ LIỆU

Ngã tư Bảy Hiền đầu thập niên 1970 - Ảnh: TƯ LIỆU

Sau này, kể lại cho con nghe cha đã lên đại học bằng chiếc xe đạp ngược xuôi nẻo Cách Mạng Tháng 8, cô bé cứ tròn mắt: "Đường dài thế, bố đạp xe nổi à". "Ừ, bố đã đạp, còn đạp nhiều hơn thế để đi chơi khắp thành phố". Thật sự, với tôi, con đường xưa cũ này lúc nào cũng mở ra bao điều háo hức, thú vị. Khi tôi đi học sớm, ngang qua ngã ba Phạm Văn Hai, các xe rau bán buôn tập kết ở đây. 

Đoạn phố nồng nàn mùi rau thơm khiến người có ký ức làng quê như tôi thấy lòng ấm áp kỳ lạ. Đến khi đạp xe qua Công viên Lê Thị Riêng, tôi cũng hay ngắm khoảnh xanh tươi mênh mông này. 

Bởi khi tôi còn là thằng bé đã từng thấy rõ đây là nghĩa trang Đô thành lô nhô mồ mả bạt ngàn. Chính sự đổi mới và phát triển đã giúp thành phố có điều kiện chỉnh trang đô thị. Và tôi là chứng nhân vùng đất của người chết trở thành công viên xanh mát cho người sống thụ hưởng.

Đường Cách Mạng Tháng 8, lối nẻo đưa tôi về quê, giúp tôi lên thành, cho tôi vào đại học, bước ra đường đời và từ một thanh niên dần trở thành trung niên tóc bạc, nên tôi gần như cả cuộc đời chứng kiến sự đổi thay, phát triển của huyết mạch thành phố này. 

Đoạn qua cư xá Bắc Hải năm nào lừng mùi thịt chó với đầy quán xá và cả xe bán thịt dần dần biến mất để thay bằng các shop kinh doanh, cửa tiệm ăn uống thức khác. Sự đổi thay văn minh nhẹ nhàng, chậm rãi mà tinh tế. 

Ngã sáu Công trường Dân Chủ, bùng binh giao thoa giữa các đường Cách Mạng Tháng 8 và Ba Tháng Hai, Lý Chính Thắng... một thời từng làm tôi rờn rợn đã dần đông xe rồi kẹt xe với đầy cao ốc, nhà cửa sang trọng bao quanh. 

Ngược ký ức, đó là những năm đầu 1980 khi thành phố thường xuyên bị cúp điện, và tôi được nghe kể chuyện xưa nơi này là "đồng mả ngụy" vùi lấp hàng ngàn xác thân lẫn thủ cấp nghĩa quân Lê Văn Khôi bị hành quyết. Đêm dài hậu chiến, đường phố tối mờ mờ, thằng bé nào mà không sợ khi được rót tai sử xưa bi thảm.

Theo dòng thời gian, những cuộc dâu bể lịch sử, rồi đổi mới và phát triển diễn ra khắp hai bên đường Cách Mạng Tháng 8 cũng như cả thành phố, nhưng với riêng ký ức của tôi có lẽ rõ nét nhất ở hai đầu đường. 

Cửa ngõ về tỉnh qua Bà Quẹo, Tham Lương, An Sương, Hóc Môn... là ngày qua ngày nhà cửa, quán xá dần mọc lên chen lẫn vườn rau, ruộng lúa. Rồi đến một hôm ở thập niên 2000, tôi giật mình nhận ra đồng xưa đã thành đô thị bên đường hết rồi. 

Đặc biệt, đầu đường ra trung tâm Sài Gòn còn phát triển nhanh hơn nữa. Ngã sáu Phù Đổng chật chội dần với xe máy, xe ô tô thay cho một thời toàn xe đạp. 

Đến một ngày năm 1994, khách sạn New World năm sao sang trọng sừng sững mọc lên và lần lượt đón tiếp các tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W.H. Bush như đất nước mở sang một trang sử mới.

Và với tôi, con đường xưa cũ đã đổi thay thật rồi, lộ đất của các sứ thần thế kỷ 18, 19 được thay bằng con đường trải nhựa cho thành phố bước vào thế kỷ 21 và tương lai...

Từ nửa cuối thập niên 1950, nhà tôi đã gần bên đường này. Và dù thời cuộc đổi thay làm gia đình tôi có giai đoạn đi đi, về về khi xuống vùng kinh tế mới, nhưng căn nhà cũ vẫn còn đó bên đường.

Khi tôi lên học cấp III Trường Nguyễn Thượng Hiền ngay ngã tư Bảy Hiền, sáng trưa hai lượt tôi đi đường Cách Mạng Tháng 8 để đến trường.

Sau vào Đại học KHXH và NV, năm tháng lãng đãng mộng mơ, tôi lại đi gần trọn tuyến đường này để quẹo trái ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai mà đến trường. Rồi khi tập tành vào nghề báo, tôi cũng ngược xuôi đường xưa để lên tòa soạn cùng bao vui buồn đời nghề.

*******************

Nếu những con đường quận 1, quận 3 là đường xưa, nếu tuổi 20 như đường Nguyễn Hữu Thọ là thanh xuân, thì đường Mai Chí Thọ xuyên tâm bán đảo Thủ Thiêm khánh thành tháng 11-2011 chỉ mới bước vào tuổi thiếu niên.

Kỳ 11: Mai Chí Thọ - con đường phát triển

Qua hầm chui sông Sài Gòn, đại lộ Mai Chí Thọ mở ra thênh thang như dải lụa, biển báo chi tiết hiện đại như chẳng còn dấu tích những rừng dừa nước từng bạt ngàn nơi đây. Nhưng mà còn.

Những dự án, căn hộ đắt tiền trên đồng cũ, rạch xưa  - Ảnh: TỰ TRUNG

Những dự án, căn hộ đắt tiền trên đồng cũ, rạch xưa - Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu những con đường quận 1, quận 3 là đường xưa, nếu tuổi 20 như đường Nguyễn Hữu Thọ là thanh xuân, thì đường Mai Chí Thọ xuyên tâm bán đảo Thủ Thiêm khánh thành tháng 11-2011 chỉ mới bước vào tuổi thiếu niên, và chính thức là một "thiếu gia bạc tỉ" với những đại dự án đã, đang và sẽ triển khai để đưa Thủ Thiêm thành một đô thị lộng lẫy, hiện đại cân xứng với quận 1 bên bờ Tây sông Sài Gòn. Nhưng cũng như đời người, sự hình thành "thiếu gia bạc tỉ" này cũng đã có một lịch sử sâu dày...

Bờ sông kham nhẫn

Qua hầm chui sông Sài Gòn, đại lộ Mai Chí Thọ mở ra thênh thang như dải lụa, biển báo chi tiết hiện đại như chẳng còn dấu tích những rừng dừa nước từng bạt ngàn nơi đây. Nhưng mà còn. 

Cách đầu đường chỉ vài chục mét, hướng thẳng ra bờ sông lộng gió là Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Yên bình như sông, lặng lẽ như đã lặng lẽ cả trăm năm qua trước những biến đổi, xáo động. 

Đẹp đẽ cũng như sông, như tình yêu thương và sự kham nhẫn đã được gieo trồng, vun xới bên sông đã trăm năm...

Chính xác là 183 năm. Nếu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, dòng tu nữ đầu tiên, được khai sinh năm 1670 ở Đàng Ngoài giữa cơn bão bắt đạo của chúa Trịnh ở Đàng Trong thì ngót hai trăm năm sau Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng được hình thành từ những nữ tu chạy trốn sự cấm đạo của vua Minh Mạng. 

Năm 1840, bước chân đầu tiên của họ đã đặt lên Thủ Thiêm. Gặp chúng tôi khi đang ngồi giữa những người dân Thủ Thiêm, sơ Hậu ngời lên trong mắt khi kể về nhà dòng của mình: "Với chúng tôi, Dòng Mến Thánh Giá là quê hương, là bản quán, là gia đình. 

Từ khi vào nhà dòng, chúng tôi đã được học về những ngày các bà đặt chân đến Thủ Thiêm, khai phá và cải tạo đất đai, vừa học vừa dạy với người dân bản xứ. Lịch sử nhà dòng gắn liền với lịch sử Thủ Thiêm".

Thủ Thiêm khi ấy thuộc huyện Nghĩa An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, cây còn như rừng, dừa nước bạt ngàn, kênh rạch chằng chịt, thú hoang sống tự do, ven sông rải rác vài mái nhà lụp xụp người Miên lẫn người Việt. 

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành lập, chỉ là một mái lá tựa vào một gốc me. Các nữ tu khai hoang vỡ đất làm ruộng, trồng lúa trồng rau, bắt cá tự lo cho cuộc sống. Các chị bảo nhau học chữ, học toán, học nghề dệt vải, may vá, học làm thuốc nam. 

Các chị thăm viếng làng xóm, dạy dỗ trẻ em, chữa bệnh người già, giúp đỡ người neo đơn. Có khoảng thời gian thú dữ về đe dọa, các nữ tu phải rút về bên kia sông, tá túc ở chợ Vải Bến Thành, nhưng rồi mái lá Thủ Thiêm vẫn là nơi họ chọn để quay về.

Công khó rồi cũng được đền đáp. Ruộng vườn mở rộng, trâu bò được mua thêm, nhà dòng tổ chức được những hoạt động nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt chiếu ngoài những ruộng lúa, vườn rau. 

Nhà cửa được xây dựng thêm, nhiều thiếu nữ xin theo tu học, nhiều người dân cũng đến làm việc. Rồi trại cô nhi, trường học được xây dựng và ngày một đông tiếng trẻ cùng với nhu cầu của xã hội trước biến động Nam Kỳ rơi vào tay quân Pháp, trước không khí chiến tranh đậm đặc suốt bao năm bủa vây Sài Gòn...

Những vườn ruộng ấy, bây giờ chính là lòng đường Mai Chí Thọ, chính là công viên và những tòa nhà lộng lẫy đang theo nhau mọc lên. Hôm nay, bước vào khuôn viên tu viện, nơi lao xao nhất cũng vẫn là Trường mẫu giáo Cỏ Non được đặt một bên cổng. 

Tiếng trẻ cười, tiếng trẻ khóc, tiếng trẻ hát, tiếng phụ huynh chào thưa với các sơ, mua sữa tươi, yaourt - những món thanh sạch mà tu viện tự sản xuất. Còn lại vẫn là lặng lẽ, bình an, cỏ vẫn xanh, gốc me trăm năm vẫn tươi tốt, tòa nhà tu viện được xây dựng lại năm 1956 vẫn đứng đó, khiêm nhường mà vững chãi, vẫn là điểm đến đẹp nhất vùng Thủ Thiêm.

Liền mạch với đại lộ Võ Văn Kiệt qua đường hầm sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ là trục kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm từ phía đông sang phía tây TP.HCM  - Ảnh: Tự Trung

Liền mạch với đại lộ Võ Văn Kiệt qua đường hầm sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ là trục kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm từ phía đông sang phía tây TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Dải lụa gập ghềnh

Không quá thường xuyên sang Thủ Thiêm, nhưng nơi này lại luôn mang cho tôi những cảm xúc mạnh. 

Lần đầu, những năm còn là sinh viên mơ mộng, buổi tối ngồi bên bến Bạch Đằng nhìn sang bên kia sông, những bảng quảng cáo đèn màu lấp lánh hứa hẹn một bến sông chắc sẽ thơ mộng hơn bên này. Sáng mai sẽ đi - chúng tôi hẹn nhau. 

Phà Thủ Thiêm qua lại chăm chỉ như đan áo. Đó cũng là lần đầu tôi bước chân xuống một chiếc phà. Phà đã dừng, nhưng dường như sông vẫn chưa dứt. 

Chúng tôi lạc vào một khu xóm nhà lá nhà ván cắm trên mé sông, đường đất đỏ ngoằn ngoèo bờ rạch, những đứa trẻ bò chơi lổm ngổm trên tấm ván bập bênh bờ nước... 

Thì ra sau đèn màu là một thế giới khác như vậy. Với tuổi 20 của tôi lúc đó, quả là một phát hiện để lại ấn tượng sâu đậm thời thanh niên. 

Bây giờ, lướt trên đường Mai Chí Thọ, một thế giới đô thị sang trọng khác đã thay thế, Empire, Sala, Sun Avenue... nhưng dấu tích của những xóm nhà cao cẳng ấy vẫn còn trên tên của từng chặng cầu: rạch Lá, kênh 2, Cá Trê lớn, Cá Trê nhỏ...

Gần hơn nữa và mạnh hơn nữa là những lần tôi vượt hầm Thủ Thiêm sang đường Mai Chí Thọ trong những tháng 6-7-8-9-10 của năm 2021. 

Chắc hẳn chưa ai quên đó là những tháng TP.HCM oằn mình trong đợt dịch COVID-19 và trên đường Mai Chí Thọ, những tòa nhà thuộc dự án Thuận Việt đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. 

Đường thênh thang những ngày ấy không một bóng người, chỉ có xe cấp cứu, xe buýt mang bảng chở F0, xe chở hàng tiếp tế qua lại.

Từ mặt đường Mai Chí Thọ rẽ vào khu bệnh viện dã chiến còn phải qua 3-4 chốt gác nữa, thẻ công tác chống dịch giúp chúng tôi đi qua. 

Không giống như khi vào những bệnh viện điều trị COVID-19 hay phòng ICU, căng thẳng với tiếng kêu và chỉ số nhấp nháy của các loại máy thở, máy đo, ở khu bệnh viện dã chiến này chúng tôi đã được tham dự những buổi ca nhạc với ca sĩ biểu diễn xuyên qua khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, khán giả là bệnh nhân F0 đứng nghe kín trên các hành lang, cửa sổ xung quanh. 

Tôi nhớ tiếng ca sĩ Cẩm Vân da diết vút lên "Em ơi, hãy lắng nghe. Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở..." từ khoảnh sân chung, hẳn trên các ô cửa chi chít F0 kia có người trào nước mắt.

Cũng ở đây, chúng tôi được tham gia những buổi tiễn người đã khỏi bệnh về nhà, chứng kiến những cô gái tay xách nách mang, bật khóc reo "Sống lại rồi!" khi được đón bằng chiếc taxi quen thuộc đã lâu không gặp. 

Tôi còn được tham gia đêm hội Trung thu, chia tay những đoàn y bác sĩ đã đến từ Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn để giúp sức cho thành phố. Họ bảo: "Đến TP.HCM lần đầu nhưng mới chỉ biết có đường Mai Chí Thọ ngày này rất đẹp nhưng rất lạnh. Hẹn gặp lại lần sau...".

Đúng rồi, lần sau gặp lại, con đường còn rất trẻ này sẽ ấm áp hơn nhiều.

Nhiều năm sau tôi lại có dịp được gặp nhiều người dân đã sống trên chính những nhà ván, đường đất ấy trong một hoàn cảnh đặc biệt: những cuộc tiếp xúc của lãnh đạo TP.HCM với người dân Thủ Thiêm.

Những ngày ấy, đường Mai Chí Thọ vẫn thênh thang 140m, nhưng vòng xe lướt qua lại cuốn theo thật nhiều nỗi niềm. Đi trên đường, ngắm những tòa nhà, biệt thự, tôi cứ tự hỏi chỗ nào là xóm, là vườn?

Chỗ nào là nhà cô Tám, chị Phượng, chú Nam, cô Mỹ...? Họ đang ở đâu và ai đang ở đây? Giá đất, giá nhà đã tăng bao nhiêu lần? Nhiều người đã rời khỏi Thủ Thiêm đến những vùng xa hơn, làm lại cho mình một thửa vườn, bến sông mới.

Thời gian qua đi, mọi thứ đều thay đổi, nỗi niềm cũng phai nhạt, nhưng rồi thì bằng cách nào đó, Thủ Thiêm vẫn sẽ nhớ những người chủ cũ của mình.

*******************

Đó là những ngày hè như rực lửa, đám đông hàng chục ngàn người ùn ùn đổ về các nẻo đường Nguyễn Kim - Đào Duy Từ - Tân Phước và Ngô Quyền xung quanh sân vận động Thống Nhất (quận 10), và ai nấy đều nô nức gửi xe, mua vội ổ bánh mì, bịch trà đá để vào xem bóng đá.

 

Kỳ cuối: Cung đường bóng đá và cơm tấm Sài Gòn

Mỗi chiều cuối tuần, đám đông hàng chục ngàn người đổ về nô nức gửi xe, mua vội ổ bánh mì, trà đá để vào sân vận động Thống Nhất xem bóng đá là cảnh tượng đặc trưng ở trục đường Nguyễn Kim - Đào Duy Từ - Tân Phước và Ngô Quyền quanh sân bóng này.

Góc phố Nguyễn Kim - Đào Duy Từ ngày nay vẫn còn nhiều hình ảnh sân bóng kế bên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Góc phố Nguyễn Kim - Đào Duy Từ ngày nay vẫn còn nhiều hình ảnh sân bóng kế bên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Cơm tấm lề đường Sài Gòn

Thời 9 - 10 tuổi đầu, mỗi năm được nghỉ học ba tháng mùa hè, tôi thường được ba mẹ gửi lên nhà ông bà ngoại ở đường Tân Phước (quận 10) để học vẽ. Nguyên quán ở tỉnh lẻ miền Tây, sinh ra ở tỉnh lẻ miền Đông, song tuổi thơ của tôi vì thế mà sớm gắn bó với thị thành Sài Gòn - TP.HCM. Trong đôi mắt cậu bé ngày ấy, con đường Tân Phước bấy giờ rất rộng, dù sau này tôi đọc sách biết đây chỉ là con đường nhỏ có lộ giới khiêm tốn 16m và chỉ dài 731m.

Tân Phước hàng chục năm trước có nhiều cây xanh, có dãy nhà phố hiền hòa và hầu hết đều ít tầng. Như nhà ngoại tôi có thêm một gác xép gỗ ở trên để trữ sách vở và các dì ngủ nghỉ. Ông ngoại tôi lúc còn sống rất tự hào về căn nhà số 204 trên đường Tân Phước mà ông bà mua từ thập niên 1960 - không quá lâu so với thời con đường hình thành (khoảng sau năm 1954). Con đường đã mang tên Tân Phước cho đến tận ngày nay không đổi. 

Nguồn gốc tên đường chính là tên của một thôn dã trong địa bạ thời Minh Mạng và tồn tại cho đến năm 1879 (khác với đường Tân Phước ở quận Tân Bình là tên một làng cũ vùng Phú Thọ xưa).

Hàng chục năm trước, đường Tân Phước có bà bán bánh ít trần dạo rất ngon với điểm đặc biệt là luôn gánh thúng bánh đi rao trên đường lúc 3h chiều mỗi ngày. Bà ngoại tôi hay kêu tôi chạy ra mở cửa mua bánh ít trần như là phần thưởng dành cho cháu mỗi khi tôi giúp ngoại khỏe hơn bằng cách tích cực xoa bóp chân cho bà.

Tôi hay được các cậu, dì nhà ngoại dẫn đi ra đầu ngã ba Tân Phước - Ngô Quyền để ăn cơm tấm sáng. Trước quán cà phê mặt tiền góc đường, bà bán cơm tấm bày một chiếc bàn nhỏ, một nồi cơm to bên vệ đường cùng các ghế lúp xúp xung quanh cho khách ngồi ăn. 

Món cơm tấm "đặc trưng Sài Gòn" của bà khiến ai cũng thích mê. Hạt tấm trắng rất nhỏ đều, thơm, miếng sườn non nướng vừa miệng và vị nước mắm ngọt pha tuyệt hảo. Tôi ăn cơm tấm ở góc đường Tân Phước từ bé cho đến khi là sinh viên tá túc nhà ngoại đi học đại học và ra trường.

Tôi nhớ các lần ba tôi lên thành phố, hai cha con lại cùng đi ăn cơm tấm và ba ân cần hỏi thăm chuyện học, chuyện sinh hoạt nơi thị thành của tôi. Sau này khi đã cư ngụ quận khác, có khi tôi cất công dậy sớm chạy đến đường Tân Phước ăn cơm tấm chỉ vì nhớ tuổi thơ và người cha đã khuất. Giờ đây, bà bán cơm tấm thuở xưa được con gái bà "nối nghiệp", chỗ bán đưa vô bên trong một căn nhà đối diện với bàn cơm tấm lề đường ngày trước, tươm tất và rộng rãi hơn.

Đường Nguyễn Kim - mặt tiền sân Thống Nhất mà tôi có bao kỷ niệm khó quên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đường Nguyễn Kim - mặt tiền sân Thống Nhất mà tôi có bao kỷ niệm khó quên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Cung đường bóng đá

Tình yêu bóng đá của tôi bắt đầu và đậm sâu từ khi ở nhà ngoại mình trên con đường Tân Phước bên hông sân vận động Thống Nhất. Trong nhiều mùa giải bóng đá vô địch quốc gia trước đây, Thống Nhất là sân nhà của nhiều đội bóng khét tiếng một thời như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công An TP.HCM. 

Vào mỗi ngày sân Thống Nhất có trận đấu, các nẻo đường xung quanh sân là Nguyễn Kim, Đào Duy Từ, Tân Phước và Ngô Quyền đông nghịt khán giả đổ về như đi trẩy hội.

Nhà ngoại tôi tranh thủ giăng dây dù trước nhà, tự mở điểm giữ xe dã chiến để giữ xe cho người đi xem bóng đá. Các cậu, dì của tôi hễ ai có mặt ở nhà là tham gia giữ xe để kiếm thêm một phần thu nhập vui vui như nhiều nhà láng giềng. Tôi lăng xăng phụ việc tích cực ra trò với nhiệm vụ ghi số, đưa thẻ cho khách. Cậu Hai, cậu Tư, cậu Út... thì dắt xe, xếp xe để chật phía trước mặt tiền nhà, con hẻm bên hông nhà cho đến vô tận bên trong phòng khách của nhà.

Thường sau khi cầu trường rền vang trong sân báo hiệu trận đấu đã bắt đầu, cậu Út tôi mua được vé chợ đen sẽ dắt kèm tôi vào sân xem trận đấu. Dạo sau đó, tôi lân la làm quen được với mấy chị bán trà đá, bánh mì, mía ghim trong sân để được vào sân xem bóng đá thường xuyên hơn trong vai trò... phụ bán dạo. 

Trận đấu mà tôi nhớ mãi là trận chung kết giải VĐQG năm 1991 giữa hai CLB Hải Quan và Quảng Nam Đà Nẵng có tới khoảng 25.000 khán giả vào xem trong sân. Đó là trận cầu vô cùng kịch tính và mãn nhãn, Hải Quan thắng loạt đá luân lưu để lên ngôi vô địch. Sau trận đấu, tiền đạo Lê Văn Sinh của đội thua trận vẫn ngồi thẫn thờ hồi lâu bên hàng rào sân Thống Nhất ở đường Nguyễn Kim trong sự an ủi của nhiều người hâm mộ.

Đối diện cổng chính sân bên kia đường Nguyễn Kim là khoảng sân trước cư xá cũ - nơi trước đây vào thập niên 1980 - 1990 còn là sân bóng cộng đồng. Nhiều buổi chiều tà, tôi cùng đám con nít ngồi bệt trên cát xem các thanh niên trai tráng đá bóng ở đây cho thỏa đam mê (giống "đá phủi" ngày nay). 

Ngôi sao của CLB Cảng Sài Gòn và tuyển Việt Nam bấy giờ là Lư Đình Tuấn cũng xỏ giày tham gia đá cho vui và rất hòa đồng với các "đồng đội" láng giềng vô danh. Thì ra nhà của Lư Đình Tuấn cũng ở khu vực này (đường Hòa Hảo, phường 7, quận 10). Bố Tuấn "nhím" là cựu cầu thủ Lưu Hùng Phán từ Bắc vào Nam tham gia quản lý sân Thống Nhất từ năm 1976.

Trung tuần tháng 2-2023, tôi trở lại sân Thống Nhất nay sáng đèn trở lại khi mùa giải V-League 2023 bắt đầu và là sân nhà của duy nhất CLB TP.HCM. Rất nhiều nhà cao ba, bốn tầng hiện đại cùng hàng quán cà phê, hớt tóc, bán tạp hóa mở ra san sát. Sân bóng phủ cát mà tuyển thủ Lư Đình Tuấn đá ngày nào giờ thành bãi giữ ô tô và khu vui chơi trẻ em.

Đi ngang qua ngôi nhà cũ của ngoại ở đường Tân Phước, tôi nhớ thấm thoắt mà ngoại tôi về miền cực lạc mấy mươi năm. Bà bán bánh ít trần "3h chiều" hẳn cũng theo ngoại tôi từ lâu. Tôi chỉ còn có thể ghé dùng cơm tấm điểm tâm sáng ở đầu đường trong nỗi hoài niệm êm đềm.

Tôi không khỏi bùi ngùi khi cung đường bóng đá quanh sân không còn chộn rộn bằng thời hoàng kim những thập niên trước. Tiếng rền vang trong cầu trường vọng ra các cung đường xung quanh cũng ít ồn hơn. Các điểm giữ xe tự phát lề đường của các nhà dân cũng ít hơn, bởi người đi xem chỉ còn vài ngàn khán giả cho một trận cầu.

Dẫu sao đi nữa, mỗi lần vào sân Thống Nhất ngồi xem bóng đá trong tôi vẫn còn đây những ký ức vô cùng thân thương.

Sân Thống Nhất có địa chỉ chính tại số 138 đường Đào Duy Từ (nhỏ như đường Tân Phước), nhưng mặt tiền chính của sân lại ở đường Nguyễn Kim rộng hơn nhiều (lộ giới 20m). Tiền thân là sân vận động Renault do Pháp xây và khánh thành vào tháng 10-1931, lúc bấy giờ là sân bóng lớn nhất Đông Dương. Năm 1960, sân được nâng cấp xây dựng lại và đổi tên thành sân Cộng Hòa, từng là sân bóng đá lớn nhất và hiện đại nhất của bóng đá Việt Nam.