Gia đình người Việt gốc Hoa ở Việt Nam thì nhiều, nhiều lắm. Nhưng gia đình của liệt sĩ nhà báo Trần Huân Phương và nữ đảng viên lão thành Diệp Tú Anh thì đúng là rất đặc biệt, rất ít có.
Chồng xuất thân trong một gia đình người Hoa yêu nước ở Rạch Giá. Vợ gốc gác là tiểu thư trong một gia đình tư sản người Hoa đã nhiều đời định cư ở Việt Nam, giàu có nức tiếng Hội An. Được giác ngộ lý tưởng từ những người Hoa lớp cha chú, cả hai người đều tham gia các hoạt động yêu nước tại quê hương mình và sau này là Sài Gòn. Nhà tù, nơi cả hai bị bắt và giam cầm trong nhiều năm vì hoạt động yêu nước lại chính là nơi họ quen nhau và nảy mầm tình yêu, đưa họ tới cuộc hôn nhân thắm thiết sau ngày thoát ngục.
1. Ở tuổi 86, người phụ nữ mà nét đẹp rực rỡ thời son trẻ còn đọng lại trong gương mặt và vóc dáng vẫn dạt dào cảm xúc khi nhắc đến nhà báo Trần Huân Phương - mối tình đầu tiên và duy nhất của bà. Biết Diệp Tú Anh được ra tù trước (1960), Trần Huân Phương (bí danh trong tù là Hùng Anh) vội bày tỏ tình yêu bằng những vần thơ mà mãi hơn nửa thế kỷ sau người yêu, người vợ Diệp Tú Anh còn nhớ:“ TÚ gợi tinh hoa đẹp cõi trần/ ANH đào thơm ngát giữa vườn xuân/ HÙNG Anh ao ước cùng sóng bước/ TÚ Anh em hỡi thấu chăng lòng?”. Tình yêu chân thành của người bạn tù gốc Hoa cùng tuổi và rất ham học đã theo Diệp Tú Anh suốt những ngày hoạt động sau khi thoát cảnh tù ngục.
Bà Diệp Tú Anh - 86 tuổi đời, 68 năm tuổi Đảng
Năm 1964, khi may mắn gặp lại nhau ở cơ quan Hoa vận tại Củ Chi, một đám cưới giữa chiến khu đã gắn kết họ thành chồng vợ. Trải qua những thăng trầm của một chiến sĩ từng hoạt động bí mật trong lòng địch, Trần Huân Phương được điều về làm việc tại báo Giải phóng và Diệp Tú Anh cũng được theo chồng tới làm việc ở đó với nhiệm vụ phụ trách hội phụ nữ của cơ quan. Chính những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn ở cơ quan báo Giải phóng trong chiến khu đã giúp Diệp Tú Anh và Trần Huân Phương có thêm những mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp sâu sắc không thể nào quên. Khi Tú Anh có dấu hiệu chuyển dạ sanh đứa con đầu lòng Trần Diệp Tuấn, các chị ở cơ quan báo Giải phóng, trong đó có chị Út Gương (vợ nhà báo Trần Bé) đã chở chị đến bệnh viện liên cơ để chuẩn bị sanh. Ở đó, anh em đã xẻ cây rừng đóng chiếc bàn sanh đầu tiên (vì trước đó không có ai đến sanh ở đây) và Trần Diệp Tuấn chính là đứa bé đầu tiên chào đời trên chiếc bàn sanh ấy.
Giữa rừng sâu, đồng đội thương Tú Anh và Ba Hùng (tên thường gọi của Trần Huân Phương) bằng những cử chỉ không dễ đâu có. Anh Ba Trí (Trần Tâm Trí) dúi cho củ sâm nhỏ bằng ngón tay út, dặn khi em sắp lên bàn sanh thì ngậm cho có sức. Anh Thái Duy đưa gói đường trắng. Anh Tô Quyên cho hai quả trứng gà gói trong lá khô. Anh Hai Cao (Bành Sanh) thì cho cái nấm vú cao su dặn khi con khóc thì nhét cho nó ngậm. Trần Diệp Tuấn chưa đầy tuổi đã phải làm quen với cảnh thỉnh thoảng phải ở một mình trong cái lán để cha mẹ đi làm công việc của cơ quan. Có lần, Diệp Tú Anh vừa chạy sang lán cơ quan làm việc thì máy bay địch thả bom căn cứ. Lúc ấy bé Diệp Tuấn đang ở một mình, tan trận bom,Tú Anh hớt hải chạy về lán không thấy con thì khóc òa vì ngỡ con đã bị... May sao, lúc bom dội nhà báo Đinh Phong đi ngang qua lán đã kịp ẵm thằng bé xuống hầm an toàn.
2. Mỗi lần có ai hỏi vì sao suốt bao nhiêu năm chồng hy sinh, bà lại còn nhan sắc và còn sôi nổi trong hoạt động xã hội vậy mà không nghĩ đến đi bước nữa, Diệp Tú Anh đều chỉ có một câu trả lời: “Bởi vì tôi đã có hai đứa con rất ngoan giỏi của mình và có mối tình không phai với người chồng mà tôi rất yêu thương, quý trọng”. Với Diệp Tú Anh, Trần Huân Phương không chỉ là một người chồng dịu dàng, chu đáo mà còn là tấm gương về lòng ham học hỏi (ngoài tiếng Hoa, anh Trần Huân Phương luôn trau dồi tiếng Việt và tiếng Pháp là ngoại ngữ anh học được từ bạn tù), về tinh thần trách nhiệm trong công việc và sự quan tâm rất cụ thể đối với những người xung quanh.
Trong cơ quan, ngoài công việc chính được Tổng biên tập Kỳ Phương giao cho ở khâu tòa soạn, Trần Huân Phương còn làm đủ mọi việc từ hành chính đến hậu cần, miễn là giúp được mọi người. Có chút tiền thù lao, anh thường gửi mua đồ đãi anh em, tự tay nấu món cơm gà ai ăn cũng khen. Chưa rõ điều gì trong công việc thì anh luôn hỏi và sẵn sàng tranh luận để hiểu thêm. Ai chưa rành việc luôn được anh hướng dẫn. Anh em trong cơ quan ai cũng thương Ba Hùng Trần Huân Phương vì cái tính sống thật, làm thật, học thật ở anh và họ gọi anh là Ba Lão (lão trong tiếng Hoa là thật). Khi Tú Anh sanh con trai đầu, anh hì hụi đóng cái giường bằng cây rừng, lót lá cho êm, đào một cái hố dưới gầm giường để đốt củi sưởi. Ở rừng lạnh mà Tú Anh và đứa con mới sinh lúc nào cũng thấy ấm áp. Diệp Tú Anh không thể quên, mỗi lần có máy bay địch tới, anh Ba Hùng luôn đẩy vợ vào bên trong của căn hầm chật còn mình thì ngồi ở vị trí bên ngoài, anh bảo lỡ có bom trúng thì anh là người hứng trước. Tú Anh cũng không thể quên, chính những lúc đầm ấm bên vợ và đứa con trai đầu lòng, Trần Huân Phương luôn dặn dò: “Chiến tranh còn dài và ác liệt, nếu anh chết trước, em ráng bớt đau buồn để có sức làm việc và nuôi dạy con nên người. Con của chúng ta phải được sống để trở thành những con người có ích cho xã hội và đi con đường mà cha mẹ chúng đã đi”.
Tấm ảnh ghép ông bà Trần Huân Phương và Diệp Tú Anh cùng các con trai Diệp Dũng (trái) và Diệp Tuấn
Lời dặn dò đó của anh giống như một dự cảm. Mậu Thân 1968, khi Tú Anh đang mang thai đứa con thứ hai (Diệp Dũng) và đang tham gia hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn, anh Ba Hùng Trần Huân Phương đã hy sinh cùng người em trai Lâm Toàn của mình, trong một trận pháo kích của địch...Trần Huân Phương ra đi khi mới 37 tuổi. Anh không được biết mặt đứa con trai thứ hai của mình là Diệp Dũng, không được biết mẹ anh – mẹ của hai liệt sĩ và là một cơ sở trung kiên của cách mạng ở Sài Gòn được đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trần Huân Phương cũng không được chứng kiến sự trưởng thành đáng tự hào của các con anh và niềm hạnh phúc của vợ anh khi hoàn thành được lời anh dặn “sống tử tế và nuôi dạy các con thành người tử tế”. Nhưng những người thân yêu của anh luôn biết anh đang dõi theo và là chỗ dựa tinh thần to lớn cho họ.
3. Một ngày tháng 7. 2017, Trần Diệp Tuấn và Diệp Dũng (*) có dịp ngồi hàn huyên tại Sài Gòn với các con trai của nhà báo Thái Duy Trần Đình Vân. Trước đó không lâu, họ vừa cùng nhau dự lễ đặt bia kỷ niệm Báo Giải phóng ở rừng Tân Biên, Tây Ninh – nơi 50 năm trước cơ quan Báo Giải phóng trú đóng. Họ bá vai nhau, thân thiết gọi nhau là “thế hệ F2” của tờ báo mà cha họ từng công tác. Họ chia sẻ với nhau một tâm tình: phải sống xứng đáng với lý tưởng nhân văn cao đẹp của cha mẹ. Vì lý tưởng nhân văn ấy mà mẹ Diệp Tú Anh của Tuấn - Dũng từ 14 tuổi đã biết đưa các chiến sĩ cách mạng vào ngôi nhà giàu có của cha mẹ để tránh sự săn đuổi của kẻ địch.
(Hàng trên, từ trái) Bích Châu - Diệp Dũng, Diệp Tuấn - Mỹ Liên. (Hàng dưới) 4 cháu nội và bà Diệp Tú Anh
Vì lý tưởng nhân văn ấy mà mẹ, suốt cả cuộc đời từ độ thiếu nữ đã chối bỏ cuộc sống êm ấm sang giàu để dấn thân làm phận sự một người yêu nước: làm y tá, làm giao liên giữa nội thành và chiến khu, làm biệt động, làm người vận động tài chính trong người Hoa khi tổ chức cần, dùng tiền nhà gầy dựng cơ sở làm ăn giữa nội thành làm bình phong che mắt địch. Việc gì cũng làm miễn là có ích cho cách mạng. Vì lý tưởng nhân văn ấy mà mẹ đã nén lòng gửi đứa con trai đầu lòng mới 11 tháng tuổi lên Phnompenh ở với người cậu ruột để thuận tiện cho công tác. Chỉ vì một lý tưởng nhân văn mà mẹ cha đã lựa chọn và đặt hết niềm tin thì người nữ chiến sĩ Diệp Tú Anh mới can đảm xông pha đi làm nhiệm vụ giữa những ngày Mậu Thân 68 khói lửa, khi trong bụng là đứa con thứ hai sắp đến lúc sanh nở. Lý tưởng nhân văn ấy của mẹ Diệp Tú Anh có khởi đầu từ các nhà tư sản người Hoa yêu nước là ông bà ngoại, từ những người thầy dạy ở trường công học Trung Hoa ở Hội An, trong đó có thầy dạy nhạc La Hối - tác giả của bài hát nổi tiếng Xuân và tuổi trẻ. Chính nhạc sĩ La Hối, khi sáng tác và dạy cho học trò mình bài hát này ở Hội An đã nhắn nhủ với chúng: sống là phải có lý tưởng và phải biết yêu lý tưởng, phải lạc quan và phấn đấu thành người hữu ích.
Một mình nuôi dạy hai con nhỏ trong những ngày đất nước thống nhất hòa bình, câu chuyện đêm đêm mà mẹ Diệp Tú Anh kể cho các con Tuấn - Dũng trước lúc đi ngủ thường là những tấm gương hiếu học, hiếu thảo, biết vì đại nghĩa, là hình ảnh người cha ham học, tử tế, quả cảm đã sớm hi sinh vì đất nước… Những câu chuyện ấy và tấm gương sống đẹp của người mẹ chắc chắn đã làm nên hành trang vô giá trong cuộc sống của anh em Diệp Tuấn – Diệp Dũng. Học giỏi và tự thân phấn đấu, không ỷ lại vào thành tích gia đình đã trở thành đặc điểm chung của Tuấn và Dũng.
Cả hai đều tốt nghiệp Đại học Y Dược loại giỏi. Cả hai đều tự mình dự tuyển để giành được học bổng danh giá của các trường đại học Nhật, Mỹ rồi lại chọn con đường trở về phục vụ đất nước thay vì ở lại làm việc ở các quốc gia phát triển. Khi Trần Diệp Tuấn cùng một người khác vượt qua 100 người dự tuyển để đạt được học bổng “Thanh niên châu Á” của chính phủ Nhật Bản và sau này nhận được học bổng tiến sĩ và hậu tiến sĩ ở Mỹ, ở Nhật vì thành tựu và năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy y học; khi Diệp Dũng dự tuyển thành công học bổng sang Mỹ học thạc sĩ quản trị kinh doanh; khi cả hai anh em được tin cậy giao cho những trọng trách mà không hải ai trong lứa tuổi ấy cũng được chọn…, những khi ấy cả hai anh em chắc chắn đã cảm thấy phần nào xứng đáng với cha mẹ của mình.
Chính cha mẹ đã trao cho họ từ tuổi ấu thơ niềm tin vào viên ngọc quý của truyền thống gia đình: sống phải có lý tưởng và phải là những người tử tế cả trong cuộc sống và việc làm được giao phó...
Nguyễn Thế Thanh
_________________
(*) Trần Diệp Tuấn là PGS-TS, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM. Diệp Dũng từng là Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM và hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Liên hiệp HTX (Sài Gòn Co-op)
Nữ biệt động thành Diệp Tú Anh qua đời
Theo thông tin từ gia đình, nữ biệt động thành Diệp Tú Anh, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đã qua đời lúc 17h05 ngày 22-2, thượng thọ 93 tuổi.
Bà Diệp Tú Anh sinh năm 1931, là thế hệ thứ ba của gia đình doanh nhân họ Diệp nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam).
Năm 16 tuổi, bà trốn gia đình đi theo cách mạng. Hai năm sau, ở tuổi 18, Diệp Tú Anh được kết nạp Đảng. Tổ chức muốn đưa bà về hoạt động hợp pháp ở Hội An.
Khi về đó, bà đã vận động, tập hợp được nhóm sinh viên, trí thức và bà phụ trách tổ in ấn bí mật để phổ biến tài liệu, tổ chức đường dây liên lạc từ Hội An vào ra chiến khu.
Bà Tú Anh còn được tổ chức giao nhiệm vụ vận động quyên góp và chuyển dụng cụ, thuốc men ra vùng kháng chiến, từ Đà Nẵng về Hội An.
Năm 1955, thấy có khả năng bị lộ, bà được tổ chức điều vào Sài Gòn, được giao nhiệm vụ vận động công nhân hãng pin Con Ó tham gia chính trị, đấu tranh đòi quyền lợi.
Tháng 7-1955, 24 tuổi, Diệp Tú Anh bị bắt. Địch đưa bà về khám Catinat tra tấn đủ trò chết đi sống lại nhưng bà dặn lòng “có chết cũng phải nêu gương, quyết không khai gì". Những năm sau đó, bà bị đưa sang 5 nhà lao khác nhau.
Cuối năm 1960, sau hơn 5 năm giam cầm, không khai thác được gì, địch phải thả bà ra và bà lại tiếp tục gia nhập tổ chức Hoa Vận Sài Gòn. Năm 1979, chỉ 4 năm sau ngày thống nhất đất nước, bà xin nghỉ hưu, tần tảo làm đủ việc để nuôi con.
Linh cữu bà Diệp Tú Anh được quàn tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).
Lễ truy điệu diễn ra lúc 13h30 ngày 24-2 và lễ động quan diễn ra lúc 14h cùng ngày. Bà Tú Anh được an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên (TP Thủ Đức).
Chuyện về nữ biệt động thành Diệp Tú Anh
MY LĂNG
TTO - 88 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, trải qua bao dâu bể thăng trầm, bà - một nữ biệt động thành gốc Hoa vẫn kiên định: cảm ơn Đảng vì đã cho tôi bản lĩnh, nghị lực...
Nữ biệt động thành gốc Hoa ấy có cái tên rất đẹp: Diệp Tú Anh. Diệp Tú Anh là thế hệ thứ ba của gia đình doanh nhân họ Diệp nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam). 16 tuổi, Diệp Tú Anh trốn gia đình đi theo cách mạng.
Tiểu thư Hội An dấn thân theo cách mạng
"Vì thần tượng Bác Hồ mà tôi muốn đi theo cách mạng", bà nói. Hai năm sau, ở tuổi 18, Diệp Tú Anh được kết nạp Đảng. Tổ chức muốn đưa cô về hoạt động hợp pháp ở Hội An. Trước đó Hội An là vùng cơ sở trắng.
Về Hội An, Diệp Tú Anh vận động, tập hợp được nhóm sinh viên, trí thức và lập ra sách Tinh Quang. Cô phụ trách tổ in ấn bí mật để phổ biến tài liệu. Diệp Tú Anh còn tổ chức đường dây liên lạc từ Hội An vào ra chiến khu. "Giới trí thức người Hoa, lao động khuân vác người Việt và những bà con đưa đò trên sông Thu Bồn lần lượt trở thành cơ sở cách mạng do chúng tôi tổ chức", bà Diệp Tú Anh cho hay. Tú Anh còn được tổ chức giao nhiệm vụ vận động quyên góp và chuyển dụng cụ, thuốc men ra vùng kháng chiến, từ Đà Nẵng về Hội An.
Năm 1955, thấy có khả năng bị lộ, Tú Anh được tổ chức điều vào Sài Gòn. Cô được giao nhIệm vụ vận động công nhân hãng pin Con Ó tham gia chính trị, đấu tranh đòi quyền lợi. Tháng 7-1955, 24 tuổi, Diệp Tú Anh bị bắt. Địch đưa Diệp Tú Anh về khám Catinat tra tấn đủ trò chết đi sống lại. "Tôi dặn lòng: Có chết cũng phải nêu gương, quyết không khai gì", bà Diệp Tú Anh nói. Có lần, nửa đêm, hai tên lính lôi Tú Anh ra sân dọa bắn nhưng cô vẫn không chịu học tố cộng và chào cờ. Những năm sau đó, Diệp Tú Anh bị đưa sang 5 nhà lao khác nhau. Cuối năm 1960, sau hơn 5 năm giam cầm, không khai thác được gì, địch phải thả Tú Anh ra.
Ra tù, Diệp Tú Anh nhanh chóng gia nhập tổ chức Hoa Vận Sài Gòn.
60 ngày, nghĩa trọn trăm năm
Nữ biệt động thành Diệp Tú Anh (hàng trên, bìa trái) trong vỏ bọc là y tá Nhà bảo sanh quận Năm để hoạt động tại Sài Gòn. Ảnh chụp lại
Năm 1964, Diệp Tú Anh kết hôn với Trần Huân Phương – chàng thanh niên miền Tây mà cô đã gặp trong tù. Cuối năm 1967, vợ chồng Tú Anh – Huân Phương được tăng cường về cơ quan Hoa Vận để chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Con trai đầu lòng Trần Diệp Tuấn khi đó mới 10 tháng tuổi. Để toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ, vợ chồng Tú Anh đành gửi con về Campuchia cho người anh đang hoạt động hợp pháp ở Phnom Penh nuôi.
Sau đợt phản kích Mậu Thân năm 1968, Diệp Tú Anh nhận lệnh trở vào vùng địch chiếm với nhiệm vụ xây dựng cơ sở mới ở Biên Hòa. Khi chia tay chồng, Diệp Tú Anh vẫn chưa biết mình đã mang thai... Cuối năm 1968, Tú Anh sinh con trai thứ hai, đặt tên là Diệp Dũng. Khi con 10 tháng tuổi, Diệp Tú Anh phải gửi con về Quảng Nam nhờ mẹ chăm để tập trung làm nhiệm vụ.
Một năm sau, Tú Anh lặn lội về căn cứ thăm chồng. Cô mang cả quà tặng anh sau chuỗi ngày xa cách. Nhưng không thấy chồng đâu. Tổ chức đưa cho cô một balo cùng những kỷ vật là bức ảnh, chiếc radio, một chiếc đèn con, mấy bộ quần áo và ...tờ giấy báo tử! Chồng và em chồng Diệp Tú Anh đã hy sinh trong đợt tiến công Tết Mậu Thân năm 1968! Có chồng 3 năm nhưng sống với nhau tổng cộng được 60 ngày thì âm dương cách biệt.
Diệp Tú Anh ngất đi khi đối diện với nỗi đau quá lớn...
Cô trở lại Sài Gòn xây dựng cơ sở, chôn giấu nỗi đau tận đáy lòng, quyết tâm không cho ai biết chồng đã hy sinh. Mãi đến năm 1974, Diệp Tú Anh mới có thể đón hai con trai về đoàn tụ.
"Hồi đó tôi gửi thằng Tuấn qua Campuchia cho anh Giao nuôi. Khi anh tôi vô rừng hoạt động, lại gửi cho người khác nuôi. Thằng Tuấn có 5 – 6 má, nó không biết ai là má thiệt. Về gặp tôi nó không chịu nhận má. Hai đứa nhỏ không nói chuyện được với nhau. Thằng Dũng thì nói giọng Quảng Nam đặc sệt. Thằng Tuấn thì nói toàn tiếng Campuchia", bà Diệp Tú Anh bật cười khi nhớ lại.
Chiếc đèn và radio – những kỷ vật của người chồng, người đồng chí đã hy sinh năm 1968, được bà Diệp Tú Anh trân trọng cất giữ
Năm 1979, chỉ 4 năm sau ngày thống nhất đất nước, bà xin nghỉ hưu, tần tảo làm đủ việc để nuôi con. Lúc đó bà gầy lắm, chỉ còn 36kg. Bà làm y tá cho một phòng khám tư, ngoài giờ còn nhận đi chích thuốc dạo, cứ một mũi được 2 đồng, 5 đồng. Rồi dạy học, dạy kèm.
"Bịnh cũng phải ráng làm. Không hiểu sức lực đâu mà làm được", bà nói. Sáng sớm, bà dậy từ 3g, đạp xe từ quận 10 xuống Hóc Môn mua vỏ xe đạp về làm lại bán. Công việc dần thuận lợi, bà xây dựng nên thương hiệu vỏ xe Hồng Mã. "Mệt đến đâu, tối về tôi vẫn dạy học cho hai đứa. Nó bảo: má ơi, chừng nào con mới giỏi bằng má. Tôi nói: trời ơi. Tụi bay phải giỏi hơn má, chớ giỏi bằng má là chết rồi", bà cười giòn tan, nhớ lại xa xưa...
Người phụ nữ ấy vượt qua dông bão, sóng gió của thời cuộc, kể cả những thiệt thòi bằng tâm thế bình thản và sự lạc quan. Ở cái tuổi tóc đã ngả màu sương khói, bà có thể mỉm cười mãn nguyện vì cả hai người con đều thành đạt. Con trai lớn là PGS.TS Trần Diệp Tuấn, hiện là Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM. Con trai thứ hai mang họ mẹ: Diệp Dũng – hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co-op).
Năm 2007, bà mới tìm được hài cốt chồng và em chồng.
Suốt đời, bà dành tình cảm đặc biệt cho chồng và em chồng. Bức tranh do bà Diệp Tú Anh vẽ: 2 bụi cỏ là chồng và em chồng, cây có 3 bông hoa là bà và hai người con
"Má cả một đời khắc khoải vì mối tình trong sinh ly tử biệt. Khi chúng tôi vô đại học, chúng tôi nói má đi bước nữa nhưng má chỉ cười", anh Diệp Dũng, con trai út của bà Diệp Tú Anh, nói.
Sống bên nhau vẻn vẹn 60 ngày nhưng tình yêu ấy như ngàn năm, ngàn kiếp. Bởi bà yêu chồng không chỉ bằng tình yêu của một người vợ, mà còn là tình đồng chí son sắt của những người đã cùng vào sinh ra tử mấy lần. Chỉ 60 ngày bên nhau nhưng là cả cuộc đời với nữ biệt động thành... "Yêu lắm. Đến giờ vẫn còn yêu... Tôi luôn cảm nhận được anh ấy luôn bên tôi, an ủi động viên tôi vượt qua khó khăn, đau buồn", bà nói, đôi mắt rưng rưng...
"Tôi đi làm cách mạng là vì giai cấp tôi yêu, vì giải phóng dân tộc, không phải vì muốn tiến thân, tư lợi. Con đường cách mạng của tôi có những kỷ niệm đắng cay, đau buồn, thua thiệt, cái chết lúc nào cũng rình rập. Nhưng tôi không buồn cho mình. Cuộc đời phải có cay đắng, thăng trầm thì mới biết được ý nghĩa của ngọt bùi, hạnh phúc", nữ biệt động thành mỉm cười nói, gương mặt bình thản, nhẹ nhàng như mây trắng...
"Đảng đã cho tôi một tương lai tươi sáng/một sức sống dẻo dai và lòng dũng cảm/một tâm hồn tha thiết yêu nước, yêu dân/một tình yêu lý tưởng không bao giờ cạn..../biết sống vì dân và chết cũng vì dân...", trích bài thơ của bà Diệp Tú Anh