Xây dựng các vùng kinh tế mới
Xây dựng các vùng kinh tế mới là một chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trong cả nước, chuyển một khối lượng lớn dân cư từ các vùng đồng bằng và thành phố tới các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo. Chính sách này được triển khai tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1961 và trên toàn quốc từ sau khi đất nước thống nhất cho đến tận năm 1998 khi Việt Nam đi theo mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong 37 năm, Việt Nam đã di chuyển có tổ chức được 1.368.691 hộ, trong đó di cư trong nội bộ tỉnh là 702.761 hộ với 3 342.253 người, từ tỉnh này sang tỉnh khác là 665.930 hộ với 2.809.373 người.[1]
Chủ trương
Lý do kinh tế
Năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết đại hội về các nhiệm vụ của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất[2] trong đó có đoạn:
“ | Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau. | ” |
Chủ trương này của Đảng Lao động Việt Nam được thực hiện bằng việc tổ chức di dân từ các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng lên sinh sống và sản xuất tại các địa phương miền núi và trung du phía Bắc.
Năm 1976 sau khi hai miền Nam Bắc thống nhất, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV về Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980[3] có đoạn:
“ | Sử dụng hết mọi lực lượng lao động xã hội; tổ chức và quản lý tốt lao động, phân bố lại lao động giữa các vùng và các ngành nhằm tăng rõ rệt năng suất lao động xã hội. | ” |
Trong khi việc di dân từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh biên giới vẫn được tiếp tục, các chương trình di chuyển lao động và di dân từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc tới Tây Nguyên (đặc biệt là Đăk Lăk, Lâm Đồng), Đông Nam Bộ (đặc biệt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai), di dân từ thành phố Hồ Chí Minh[4] sang các địa phương nông thôn ở Đông và Tây Nam Bộ được triển khai.
Việc tổ chức di dân được giao cho chính quyền các địa phương và Tổng cục Khai hoang xây dựng kinh tế mới và sau này là Ban chỉ đạo Phân bố lao động và dân cư trung ương thực hiện.
Nhà nước khuyến khích mọi người lao động và gia đình chuyển đến làm ăn các vùng kinh tế mới, trước hết là lao động những vùng nông thôn có mức bình quân ruộng đất thấp và không có điều kiện phát triển ngành nghề, lao động ở thành thị thiếu việc làm hoặc không có điều kiện để được sử dụng hợp lý.
Các thành phần ở vùng kinh tế mới tuyển lao động theo độ tuổi tối đa 40 đối với nam và 35 đối với nữ. Đối với người có nghề chuyên môn, dân tộc ít người, hoặc trường hợp cần tuyển cả vợ chồng thì có thể tuyển với độ tuổi cao hơn (nam 45, nữ 40).
Miền đất đến chủ yếu là vùng làm kinh tế ở hải đảo, vùng sâu vùng xa, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Người dân miền Bắc theo các chuyến tàu Bắc Nam, Người miền Nam theo xe đò được cấp tiền vé, trang bị cho mỗi lao động hai công cụ sản xuất thích hợp. Các gia đình có nhiều khó khăn được trợ cấp, được bảo vệ sức khỏe, cung cấp hàng hóa trước khi lên vùng kinh tế mới, mua mặt hàng theo tem phiếu đã cấp. Khuyến khích làm kinh tế gia đình.
Lý do chính trị
Sau năm 1975 ngoài lý do kinh tế, việc di dân ra vùng kinh tế mới còn có chủ ý chính trị để giảm số người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài Gòn để dễ kiểm soát phần tử chống đối.[5] Trong 5 năm 1975-80 Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa về nông thôn 832.000 người.[6] Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi kinh tế mới gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải di chuyển ra vùng nông thôn.[7]
Theo Lê Duẩn, phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976:
“ | ở miền Nam, những người trước đây nhờ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà có một mức sống vật chất vượt xa khả năng của nền kinh tế trong nước và kết quả lao động của bản thân họ, nên hiểu rằng đó là một cuộc sống phồn vinh giả tạo, đổi bằng đau khổ, chết chóc của hàng triệu đồng bào, bằng sự triệt phá biết bao xóm làng, thị trấn, bằng sự sa đọa của biết bao thanh niên, bằng sự chà đạp nhân phẩm của biết bao phụ nữ ở các vùng tạm bị chiếm, và bằng nhục mất nước. Họ nên hiểu rằng lối sống chạy theo những nhu cầu giả tạo theo kiểu "xã hội tiêu thụ", đua đòi theo những thị hiếu tầm thường, hoàn toàn trái với cuộc sống hạnh phúc văn minh chân chính. Những đồng bào ấy ngày nay có thể và cần trở lại với thực tế, trở về với cuộc sống của dân tộc, sống bằng kết quả lao động của mình. Đó là con đường để tiến tới một cuộc đời tươi vui, đẹp đẽ, có ý nghĩa, có phẩm giá, có hạnh phúc thật sự và lâu bền cho chính mình và con cháu mình.[8] | ” |
Theo lệnh ngày 19 Tháng Năm 1976 thì chính phủ đề ra năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới:[9]
- Dân thất nghiệp
- Dân cư ngụ bất hợp pháp
- Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân
- Tiểu thương gia, tiểu địa chủ, đại thương gia
- Người gốc Hoa, dân theo đạo Công giáo.
Chỉ tiêu là di chuyển 1.200.000 dân trong đô thành Sài Gòn ra ngoài thành phố. Con số đại thương gia còn lại ở Thành phố Hồ Chí Minh không được hơn 10% tổng số nguyên thủy.[9]
Thực hiện
Tổng kết di dân vùng kinh tế mới[10] | |||
---|---|---|---|
Kế hoạch 5 năm | Chỉ tiêu | Thực hiện | Trung bình mỗi năm |
1976-1980 | 4 triệu | 1,5 triệu | 304.120 |
1981-1985 | 1 triệu | 1,3 triệu | 251.460 |
1986-1990 | 1,6 triệu | 1,1 triệu | 228.520 |
1991-1995 | 1 triệu | 0,9 triệu | 180.400 |
1996-2000 | 1 triệu | 0,2 triệu | 105.350 |
Tổng cộng | 8,6 triệu | 5 triệu | 239.700 |
Thi hành
Việc thực hiện xây dựng khu kinh tế mới có hai phần: phần đất tư hữu và phần đất công của hợp tác xã. Theo phương thức sau năm 1975 thì mỗi hộ được phát 500 m² "đất sản xuất" để tự túc trồng trọt lương thực. Trên mảnh đất đó nông dân được quyền canh tác theo ý muốn sau khi đã đóng góp tám giờ mỗi ngày cho hợp tác xã. Chính phủ sẽ giúp đỡ trong sáu tháng đầu. Sau đó thì phải tự lo lấy.[11]
Trợ giúp từ chính quyền gồm:[10]
- Vé xe chuyên chở từ nhà đến vùng kinh tế mới. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu chí điểm ở xa thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người
- Hai dụng cụ canh tác, thường là cuốc, thuổng
- 700-900 đồng để dựng nhà ở vùng kinh tế mới
- 100 đồng đào giếng, 100 đồng mua ghe thuyền nếu ở vùng sông rạch
- 1 đồng mỗi ngày nếu đau ốm, không lao động được; 50 xu mỗi ngày tiền thuốc khi bệnh; 150 đồng để mai táng nếu chết.
Đối với khu vực kinh tế quốc doanh thì hoạt động theo mô hình hợp tác xã: công trình phục vụ sản xuất, đời sống chung cho toàn vùng, (như đê, đập, cầu, âu kè, cống, đường sá, khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu...), công trình khai hoang xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu, xây dựng cải tạo đồng cỏ, khai hoang trồng rừng, chăm sóc và tu bổ rừng tự nhiên.
Các công trình phúc lợi công cộng: nhà trẻ, lớp mẫu giáo, một số phòng học trường phổ thông cơ sở, trạm y tế, cửa hàng hợp tác xã mua bán. Trụ sở làm việc, nhà hội họp v.v.
Những hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đã có ở vùng còn đất hoang hoá, đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu và xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng. Riêng đối với các cơ sở của đồng bào định canh định cư, trồng cây dài ngày, cây đặc sản, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập thể.
Chi thu của hợp tác xã được ấn định phải chi như sau:[11]
- 30% trả thuế;
- 25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước;
- 15% trả lương cho cán bộ quản lý hợp tác xã;
- 30% còn lại chia cho các thành viên của hợp tác xã tính theo số điểm.
Theo chế độ tem phiếu thời bao cấp, người lao động trong hợp tác xã được phép mua 18 kg gạo/tháng ở giá chính thức. Người lao động phụ: 16 kg; người không lao động: 9 kg.[10]
Tổ chức các đơn vị hành chính (xã, ấp, thôn xóm...) để chăm lo cho nhân dân mới đến các yêu cầu về bảo vệ trật tự an ninh, về quản lý dân chính và các vấn đề xã hội khác.
Chú thích
- ^ Trịnh Huy Quách và Hoàng Thị Tây Ninh.
- ^ [1]
- ^ [2]
- ^ [3][liên kết hỏng]
- ^ Nguyen Van Canh. tr 217-8
- ^ Hua Đức. Bên thắng cuộc: I. Giải phóng. Boston, MA: Osinbook, 2012. Tr 94
- ^ Nguyen Van Canh. tr 219
- ^ TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG TỔ QUỐC VIỆT NAM THỐNG NHẤT, XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976
- ^ a b Hoàng Cơ Thụy. tr 2887
- ^ a b c Lâm Văn Bé. "Những biến động dân số Việt Nam". Truyền thông số 37 & 38. Mùa Thu 2010. tr 132-134
- ^ a b Nguyen Van Canh. tr 220
Tham khảo
- Nguyen Van Canh. Vietnam Under Communism, 1975-1982. Stanford, CA: Hoover Institution Press of Stanford University, 1983.
- Trịnh Huy Quách và Hoàng Thị Tây Ninh (2004), "Vấn đề di dân trong phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc", Tạp chí Cộng sản, số 62.
- Hoàng Cơ Thụy. Việt sử khảo luận. Paris: Nam Á, 2002.
- Quyết định 95/CP ngày 27 tháng 3 năm 1980 của hội đồng chính phủ[liên kết hỏng]
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95-CP | Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1980 |
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 95-CP NGÀY 27-3-1980 VỀ CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG CÁC VÙNG KINH TẾ MỚI
Mở rộng diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng các vùng kinh tế mới là nhiệm vụ kinh tế cực kỳ quan trọng nhằm phát triển sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động, góp phần củng cố quốc phòng và tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nước ngoài.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nói trên, theo tinh thần nghị quyết hội nghị trung ương Đảng lần thứ sáu, Hội đồng Chính phủ quyết định các chính sách sau đây.
1. Việc đầu tư mở mang diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng vác vùng kinh tế mới phải theo các nguyên tắc sau đây:
Trong trường hợp cần thiết phải vừa thiết kế vừa xây dựng thì phải tuân theo đúng những thủ tục do liên Bộ Nông nghiệp - Tài chính - Ngân hàng - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước quy định.
2. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh, các loại công trình sau đây được ngân sách Nhà nước cấp vốn:
- Các công trình phục vụ sản xuất, đời sống chung cho toàn vùng kinh tế mới;
- Các công trình mà tài sản cố định tạo thành không phải trích nộp khấu hao (như đê, đập, cầu, âu kè, cống, đường sá, khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu...);
- Các công trình có tính chất hành chính, sự nghiệp, nghiên cứu thí nghiệm;
- Các công trình phúc lợi công cộng của đơn vị sản xuất kinh doanh.
- Các công trình khai hoang xây dựng đồng ruộng; cải tạo đất lần đầu ; xây dựng cải tạo đồng cỏ; khai hoang trồng rừng; chăm sóc và tu bổ rừng tự nhiên;
- Các công trình phúc lợi công cộng: nhà trẻ, lớp mẫu giáo, một số phòng học trường phổ thông cơ sở, trạm y tế (gồm cả thiết bị bên trong), cửa hàng hợp tác xã mua bán;
- Trụ sở làm việc, nhà hội họp...;
- Các trạm tập kết và đón tiếp người lao động;
- Chi phí về tuyên truyền vận động người đi vùng kinh tế mới; chi phí mua sắm cho sinh hoạt tập thể của số người đi chuẩn bị trước; chi phí quản lý năm đầu theo mức do liên Bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Tài chính quy định.
Những hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đã có ở vùng còn đất hoang hoá, nếu nhận bổ sung thêm lao động và dân để mở rộng sản xuất, cũng được ngân sách Nhà nước cấp vốn hỗ trợ để khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu và xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng.
Riêng đối với các cơ sở của đồng bào định canh định cư, còn được trợ cấp thêm một lần các chi phí trồng cây dài ngày, cây đặc sản (có một phần chi phí trong thời kỳ chăm sóc); chi phí lần đầu về giống và phân bón hoá học để trồng cây ngắn ngày; chi phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập thể.
Vốn xây dựng các loại công trình phục vụ sản xuất kinh doanh khác và vốn chi phí sản xuất được Nhà nước đầu tư bằng vốn tín dụng.
Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải cố gắng tự giải quyết việc thanh lý tài sản của người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trường hợp không đủ vốn để trả cho người đi thì Ngân hàng Nhà nước cho vay dài hạn với lãi suất nhẹ phần còn thiếu.
4. Phương thức quản lý vốn đầu tư xây dựng vùng kinh tế mới được quy định như sau:
c. Các Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước quy định các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá để làm căn cứ lập dự toán cho từng loại công trình xây dựng ở các vùng khác nhau, đảm bảo cho vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ và đem lại hiệu quả kinh tế.
II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ GIA ĐÌNH ĐI XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI
1. Nhà nước khuyến khích mọi người lao động và gia đình chuyển đến làm ăn các vùng kinh tế mới, trước hết là lao động những vùng nông thôn có mức bình quân ruộng đất thấp và không có điều kiện phát triển ngành nghề, lao động ở thành thị thiếu việc làm hoặc không có điều kiện để được sử dụng hợp lý.
Không đưa những gia đình neo đơn lên vùng kinh tế mới khi sản xuất và đời sống chưa ổn định. Đối với những phần tử xấu thuộc đối tượng cải tạo chỉ được đưa đến các cơ sở của ngành an ninh, nhất thiết không được đưa vào các nông trường, các hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất.
2. Các cơ sở quốc doanh ở vùng kinh tế mới được tuyển lao động theo độ tuổi tối đa 40 đối với nam và 35 đối với nữ. Đối với người có nghề chuyên môn, dân tộc ít người, hoặc trường hợp cần tuyển cả vợ chồng thì có thể tuyển với độ tuổi cao hơn (nam 45, nữ 40). Người được tuyển được hưởng các quyền lợi và có các nghĩa vụ do Nhà nước quy định.
Gia đình công nhân, viên chức, kể cả người được điều động và người mới tuyển nếu di chuyển đến vùng kinh tế mới cũng được hưởng các quyền lợi như gia đình xã viên các hợp tác xã chuyển đến các vùng kinh tế mới.
- Được cấp tiền vé cho người đi và cước vận chuyển mỗi hộ từ 500 đến 800 kg hành lý đến cơ sở mới; trợ cấp tiền ăn đường cho mỗi người 1 đồng 1 ngày, trong những ngày đi đường;
- Trang bị cho mỗi lao động hai công cụ sản xuất thích hợp (cấp bằng hiện vật và với mức bình quân 30 đồng/lao động).
- Người đi trước để chuẩn bị cơ sở cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất được cấp 50 đồng/ 1 lao động để mua sắm đồ dùng sinh hoạt cần thiết;
- Các gia đình có nhiều khó khăn được trợ cấp từ 100 đến 150 đồng/hộ để mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Uỷ ban nhân dân tỉnh có người đi xét việc trợ cấp này.
- Trợ cấp cho mỗi hộ từ 700 đồng đến 900 đồng để làm từ 20 đến 30 m2 nhà ở, ở những vùng có nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng có thể nâng thêm mức trợ cấp cho thích hợp với tình hình thực tế;
- Trợ cấp chi phí để đào giếng hoặc mua sắm dụng cụ chứa nước... với mức tối đa 100 đồng/hộ. Nơi phải khoan giếng thì được cấp theo thiết kế và dự toán;
- Trợ cấp tiền mua lương thực theo tiêu chuẩn trong 6 tháng cho các nhân khẩu đi theo (trừ lao động chính) đến các vùng hải đảo, Tây Nguyên, cho đồng bào định canh định cư và cho các hộ phi nông nghiệp không phải là công nhân, viên chức đi xây dựng vùng kinh tế mới;
- Ở đồng bằng sông Cửu Long, những nơi xét cần thiết được trợ cấp để trang bị thuyền đi lại với mức bình quân 100 đồng/ hộ.
c. Về bảo vệ sức khoẻ:
Trợ cấp thuốc chữa bệnh khi đi đường với mức bình quân 0,30 đ/người nếu đi trong phạm vi các tỉnh miền Bắc hoặc miền Nam, và 0,50 đ/người nếu đi từ Bắc vào Nam.
Thuốc phòng bệnh và chữa bệnh trong 3 năm đầu theo tiêu chuẩn 0,50 đ/người/tháng (ngoài số thuốc đặc trị các bệnh xã hội thuộc kế hoạch riêng của ngành y tế).
Lao động đi trước, trong khi chưa có gia đình tới, nếu bị ốm đau hoặc tai nạn phải nghỉ việc được trợ cấp 1 đồng/ ngày.
Trong 3 năm đầu nếu phải nằm bệnh viện thì được miễn viện phí (kể cả tiền thuốc và tiền ăn); nếu bị chết được trợ cấp 150 đồng chi phí mai táng.
d. Về cung cấp hàng hoá trước khi lên vùng kinh tế mới:
- Được mua hết các mặt hàng theo tem phiếu đã cấp. Trường hợp đặc biệt nơi đi không có đủ hàng bán hết tem phiếu, thì Bộ Nội thương phải chỉ đạo hai tỉnh bàn giao cụ thể và điều chỉnh chỉ tiêu hàng hoá để nhân dân được mua đầy đủ ở nơi đến;
- Được mua theo giá cung cấp và không phải nộp tem phiếu một số mặt hàng như chăn bông, áo bông (nếu đi miền núi phía Bắc, hải đảo), chăn sợi, áo sợi (nếu đi các nơi khác), màn, chiếu, đồ dùng vệ sinh cho phụ nữ, ni-lông che mưa... và mỗi lao động 4 mét vải để may quần áo lao động;
- Các cụ già, cháu bé được mua thêm hàng chống rét tuỳ theo khả năng hàng hoá của địa phương (không phải nộp tem phiếu) như khăn quàng, tất, quần áo vệ sinh....
đ. Khi tới vùng kinh tế mới được mua ngay các hàng hoá thông thường như nhân dân địa phương (dầu thắp, muối, giấy bút học tập...) và được hưởng các chế độ phân phối hàng hoá theo quy định hiện hành.
e. Về nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ dân công:
Trong 3 năm đầu, nếu không xảy ra tình hình khẩn cấp, không có lệnh động viên, thì người đi vùng kinh tế mới được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự và được sử dụng số ngày công trong nghĩa vụ dân công vào việc xây dựng hợp tác xã và xã sở tại.
4. Khuyến khích làm kinh tế gia đình.
Nhà nước khuyến khích xã viên hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, cán bộ, công nhân, viên chức làm kinh tế gia đình theo sự hướng dẫn và giúp đỡ của địa phương và cơ sở.
Tuỳ theo khả năng đất đai của từng vùng và quy hoạch của từng đơn vị cơ sở, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc nông trường, lâm trường giao cho mỗi gia đình xã viên 1500 m2, mỗi gia đình công nhân viên nông, lâm trường từ 300 đến 1000 m2 đất để làm chỗ ở và trồng trọt, chăn nuôi ở gia đình.
Đối với một số vùng có nhiều khó khăn, phải tốn nhiều công cải tạo đất, các gia đình được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc nông trường, lâm trường hỗ trợ về sức kéo, cải tạo đất, giếng ... tuỳ theo khả năng của từng cơ sở.
Gia đình xã viên và công nhân, viên chức ở vùng kinh tế mới được Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn mua giống, công cụ, máy chế biến nhỏ, phương tiện vận chuyển và các phương tiện cần thiết khác để làm kinh tế gia đình.
III. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ LƯƠNG THỰC
1. Xã viên các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đi xây dựng vùng kinh tế mới được Nhà nước bán trong năm đầu lương thực quy gạo theo các mức sau đây:
- Lao động chính: 18 kg/tháng (lao động chuyên trách thì theo tiêu chuẩn của từng ngành nghề đã quy định);
- Lao động phụ: 16 kg/tháng;
- Người ăn theo khác: bình quân mỗi người 9 kg/tháng.
2. Từ năm thứ hai trở đi, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nào có nhiệm vụ sản xuất chính là lương thực, phải tự giải quyết đủ lương thực cho đơn vị mình và có phần đóng góp vào cân đối lương thực cho vùng; nếu bị thiên tai, mà chưa đủ ăn, Nhà nước sẽ xét hỗ trợ lương thực. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nào có nhiệm vụ sản xuất chính là cây công nghiệp, chăn nuôi hay nghề rừng, ngoài việc làm nhiệm vụ sản xuất chính, còn phải tận dụng đất đai để sản xuất lương thực với mức cao nhất; Nhà nước sẽ bán thêm cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phần lương thực còn thiếu trong những năm cây công nghiệp chưa vào thời kỳ kinh doanh, theo mức bình quân đầu người 13 kilôgam lương thực quy gạo một tháng; kể từ khi cây công nghiệp đã vào thời kỳ kinh doanh thì Nhà nước sẽ bán lương thực theo hợp đồng hai chiều. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất sử dụng hai nguồn lương thực nói trên để phân phối trong nội bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất theo nguyên tắc phân phối theo lao động.
3. Lao động đi làm công việc chuẩn bị trước và lao động ở nơi khác được điều đến hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho vùng kinh tế mới được mua lương thực 21 kg/tháng trong thời gian làm các công việc nói trên.
4. Cán bộ, công nhân viên nông trường, lâm trường được mua lương thực theo tiêu chuẩn đã quy định.
5. Nhân khẩu thuộc gia đình cán bộ, công nhân nông, lâm trường, nếu chưa thuộc diện Nhà nước cung cấp lương thực, thì được mua lương thực như sau:
a. Người trong độ tuổi lao động được mua lương thực một năm đầu theo mức 13,5 kg/tháng.
b. Người quá tuổi lao động hoặc mất sức lao động, được mua lương thực theo tiêu chuẩn như nhân khẩu phi nông nghiệp; người chưa đến tuổi lao động được mua lương thực theo tiêu chuẩn cho đến khi đủ tuổi lao động.
6. Ở nơi nào Nhà nước đồng ý để hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tự tổ chức mua lấy lương thực, thì Nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn lương thực được mua để trợ cấp tiền chênh lệch theo giá thoả thuận Nhà nước mua trong vùng.
IV. CHÍNH SÁCH CÁN BỘ
Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và các tỉnh cần quy hoạch, kế hoạch xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân cho các vùng kinh tế mới cả trước mắt và lâu dài.
Ngoài các chính sách, chế độ hiện hành, nay bổ sung một số chế độ đối với cán bộ ở các vùng kinh tế mới như sau.
1. Đối với các hợp tác xã có quy mô định hình 200 hécta đất canh tác, trong 3 năm đầu mới thành lập, ngân sách Nhà nước trợ cấp hàng tháng cho một số cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt, cán bộ y tế, giáo viên mẫu giáo và cô nuôi trẻ. Số lượng cán bộ được trợ cấp là 7 người, mức trợ cấp bình quân 50 đồng/tháng/người do hợp tác xã phân phối cụ thể (đối với các tập đoàn sản xuất, trợ cấp hai người).
2. Cán bộ xã đang hưởng phụ cấp định suất hàng tháng theo quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ được điều động lên vùng kinh tế mới, nếu được giao nhiệm vụ từ đội phó đội sản xuất trở lên và nếu không hưởng trợ cấp như điểm 1 nói trên, thì được tiếp tục hưởng trợ cấp cán bộ xã như cũ, trong hai năm kể từ ngày đến cơ sở mới.
3. Các xã có nhiệm vụ chuyển một bộ phận lao động và dân đi mở mang xây dựng các vùng kinh tế mới được cử một cán bộ chuyên trách việc tổ chức đưa người đi. Cán bộ chuyên trách này, nếu không phải là đối tượng được hưởng phụ cấp định suất hàng tháng theo mức quy định trong quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ, thì được trợ cấp bằng mức định suất đó trong thời gian làm nhiệm vụ chuyên trách.
4. Các khoản trợ cấp nói trên và kinh phí đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân, được ngân sách cấp phát và tính vào kinh phí sự nghiệp về vùng kinh tế mới.
V. CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT
Ngoài các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã ban hành, nay bổ sung đối với các vùng kinh tế mới như sau:
1. Miễn thuế nông nghiệp và chưa giao mức nghĩa vụ bán lương thực hoặc nông sản trong hai năm, nếu là đất phục hoá, trong ba năm, nếu là đất khai hoang trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Sau đó Nhà nước sẽ ổn định nghĩa vụ bán lương thực hoặc nông sản cho từng thời kỳ 5 năm .
Đất trồng cây công nghiệp dài ngày, được miễn thuế trong hai năm (nếu là đất phục hoá) hoặc ba năm (nếu là đất khai hoang) kể từ khi có sản phẩm thu hoạch.
2. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nuôi lợn tập thể và nhân dân nuôi lợn gia đình được miễn làm nghĩa vụ bán thịt trong ba năm kể từ khi tới vùng kinh tế mới, sau đó Nhà nước sẽ ổn định mức bán thịt theo quy định chung.
3. Các cơ sở quốc doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất sau khi hoàn thành các chỉ tiêu kết hoạch sản xuất, thu mua do Nhà nước giao, được tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển ngành nghề ngoài kế hoạch để tăng thu nhập, tăng tích luỹ.
4. Các cơ sở sản xuất quốc doanh và tập thể cũng như các xã viên và công nhân, viên chức được quyền tự do sử dụng các sản phẩm sau đây:
- Các sản phẩm của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất còn lại sau khi đã làm đầy đủ nghĩa vụ và hợp đồng hai chiều với Nhà nước;
- Sản phẩm cơ sở quốc doanh sản xuất ngoài kế hoạch;
- Sản phẩm thu hoạch trên đất được giao hoặc đất mượn thêm để làm kinh tế gia đình.
Đối với những sản phẩm nói trên, nếu Nhà nước mua thì trả theo giá thoả thuận.
5. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có người đi xây dựng vùng kinh tế mới không phải điều chỉnh lại mức ổn định nghĩa vụ bán lương thực và nông sản đã được xác định trước đó; hợp tác xã, tập đoàn sản xuất được dùng trong thời hạn từ 3 đến 5 năm số lượng thực và nông sản dôi ra (do không phải bán thêm theo nghĩa vụ cho Nhà nước để giúp đỡ cho người đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc bán số dôi ấy cho Nhà nước theo giá thoả thuận để trả nợ tiền vay ngân hàng.
6. Nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có trách nhiệm tận thu, bảo quản gỗ và lâm sản khác trên phần đất khai hoang và đất rừng được giao kinh doanh; mặt khác được ưu tiên phân phối gỗ và lâm sản này cho nhu cầu xây dựng theo kế hoạch. Phần giao cho Nhà nước được trả theo giá cả khuyến khích, bảo đảm cho đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi.
Đối với sản lượng gỗ và lâm sản thực hiện vượt mức quy định, đơn vị kinh doanh đất rừng được sử dụng thêm một phần; phần còn lại được bán cho Nhà nước theo giá khuyến khích.
VI. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC, Y TẾ VÀ TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
1. Con em nhân dân các dân tộc địa phương và con em nhân dân đến xây dựng vùng kinh tế mới đều được Nhà nước đảm bảo có đủ trường lớp để học tập văn hoá. Học sinh phổ thông phải đi học xa được chính quyền địa phương hết sức giúp đỡ học tập.
Học sinh theo gia đình chuyển hẳn lên vùng kinh tế mới được tuyển vào các trường đào tạo theo chính sách như con em dân tộc ít người ở địa phương.
2. Để bảo đảm phục vụ đời sống của nhân dân các vùng kinh tế mới, Uỷ ban nhân dân các tỉnh có vùng kinh tế mới phải tuỳ theo nhu cầu phát triển hàng năm mà có kế hoạch đồng bộ về các mặt sau đây:
- Tổ chức các đơn vị hành chính (xã, ấp, thôn xóm...) để chăm lo cho nhân dân mới đến các yêu cầu về bảo vệ trật tự an ninh, về quản lý dân chính và các vấn đề xã hội khác;
- Lập các bệnh viện, bệnh xã, trạm y tế (có giường bệnh, có đủ cán bộ y tế, dành thuốc men đầy đủ), làm vệ sinh môi trường;
- Tổ chức các trường, lớp học phổ thông và bổ túc văn hoá;
- Tổ chức mạng lưới thương nghiệp, dành quỹ hàng hoá cho vùng kinh tế mới và tổ chức các hoạt động dịch vụ sát cơ sở sản xuất;
- Tổ chức trang bị vũ khí, huấn luyện cho các cơ sở kinh tế mới có đủ khả năng tự bảo vệ, thích hợp với đặc điểm ở mỗi vùng kinh tế mới; nơi nào nhân dân phải tham gia nhiều vào công việc tuần tra, canh gác, có ảnh hưởng nhiều đến thu nhập bình thường, thì chính quyền địa phương cùng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất xét từng trường hợp cụ thể mà giúp đỡ hoặc trợ cấp, tuỳ khả năng của địa phương;
- Triển khai các hoạt động giao thông vận tải, bưu điện, văn hoá, thông tin, văn học nghệ thuật, thể dục, thể thao, truyền thanh ... ở các vùng kinh tế mới với tinh thần ưu tiên cho các vùng đó.
Căn cứ vào quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuỳ theo chức năng, quyền hạn quản lý của mình, ban hành ngay các quy định cụ thể và phổ biến, hướng dẫn đầy đủ cho các địa phương, các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc ngành và cấp mình thực hiện.
Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn việc chuyển tiếp chế độ đầu tư theo chính sách cũ sang chính sách mới, bảo đảm cho công việc xây dựng, sản xuất, tổ chức đời sống ở các vùng kinh tế mới được tiến hành tốt, không bị gián đoạn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định đã ban hành trái với quyết định này đều bãi bỏ.
| Tố Hữu (Đã ký) |