Cúng Vật Lề mà người ta quen gọi là cúng Việc Lề là nghi thức đặc biệt chỉ có ở một số dòng tộc khẩn hoang lâu đời ở vùng đất cũ Nam Kỳ, từ bờ bắc sông Tiền. Nguồn gốc, tên gọi, mục đích và nội dung nghi thức này là một phần của lịch sử khẩn hoang. Nó không chỉ là lễ cúng mà là mật ngữ của người xưa!
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam rất quan tâm đến lệ cúng Vật Lề. Ông từng đi điền dã, ghi chép nội dung nghi thức cúng kỳ lạ của một số gia tộc ở Hóc Môn, Gò Vấp. Ngoài các vật phẩm ăn uống, có gia tộc trong lễ cúng đem cung tên bắn bốn phát lên trời, có gia đình đem bày trước bàn thờ những nông cụ như cuốc, cày, bừa...
Nhà văn Sơn Nam đã chỉ ra ý nghĩa sâu kín của lệ cúng Vật Lề không chỉ để tưởng nhớ tiền nhân mà cùng với lễ tảo mộ vào tháng Chạp, cúng Vật Lề chính là mật ngữ của những người tiên phong mở đất.
Lệ của người khai hoang mở đất
Tôi từng chấp bút lấy tên ông viết bài Lệ cúng Việc Lề cho báo Văn Hóa TP.HCM khoảng đầu thập niên 2000. Lúc đó, ngay chính ông cũng băn khoăn về tên của lệ này vì có nhiều cách gọi khác nhau mà ông cũng chưa đoan quyết là cúng Việc Lề hay Vật Lề (có người còn gọi là Giựt Lề).
Trong bài Tín ngưỡng cúng Việc Lề - một tâm thức về cội nguồn của cư dân Việt khẩn hoang tại Nam bộ (tạp chí Dân tộc học số 1.1999), PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết ghi nhận “cúng Việc Lề (còn gọi là cúng Vật Lề, cúng Lề…) là “nghi thức cúng truyền thống theo việc đã thành lề thói, thành lệ, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung”.
Từ năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận lệ cúng này là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng nội dung cũng chung chung và gọi tên là cúng Việc Lề mà không giải thích được nguyên do, lại xem đây là lễ tục của miền Tây Nam bộ.
Sau lễ cúng là tục tống phong.
Thật ra, cúng Vật Lề chỉ có riêng ở một số dòng tộc khai hoang mở đất chứ không phải mọi người cố cựu, cũng chỉ có ở ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) chứ không phải toàn Lục tỉnh Nam Kỳ như PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết đã viết. Điển hình là tộc Lê ở thị trấn Tầm Vu, Long An (xưa thuộc Gia Định) là gia tộc cố cựu theo gia phả từ vị thủy tổ vào Nam tới nay đã 11 thế hệ.
Ông Lê Văn Thiều là thông gia với tộc Trần của giáo sư Trần Văn Giàu và tộc Đỗ Tường của bà Đỗ Thị Đạo - hiền nội của ông Giàu. Cả hai tộc Đỗ Tường và Trần đều có cúng Vật Lề nhưng tộc Lê thì không. Truy nguyên ông thủy tổ tộc Lê vốn xuất thân là quan chức, đến đời cha ông Thiều cũng là thư lại của Gia Định Thành.
Hình tượng người bằng rơm, 5 tàu lá dừa, 5 mũi tên của dòng họ Lê ở Bến Lức.
Vùng đất Biên Hòa, Gia Định, Định Tường được khai hoang sớm nhất, nguồn nhân lực chủ đạo là lưu dân Ngũ Quảng hình thành lệ cúng Vật Lề. Vùng phía Nam sông Tiền gồm Vĩnh Thanh, Châu Đốc, Hà Tiên khai hoang giai đoạn tiếp theo, điều kiện dễ dãi hơn và có các nhóm di thần triều Minh như Mạc Cửu, Dương Ngạn Địch nên nghi lễ truyền thống có đôi chút dị biệt từ lễ tảo mộ, ngày đón ông bà, cả đến cách xưng hô và không có cúng Vật Lề.
Vật là Lề, Lề nằm trong Vật
Muốn xác định đúng tên của lệ cúng này, phải truy nguồn gốc xuất phát riêng tư đó và khảo sát nội dung, nghi thức vật phẩm bày cúng cùng với mật ngữ của Sơn Nam, theo đó cái tên hợp lý nhất là: cúng Vật Lề. Lề được hiểu là lề thói, là quy ước. Đây là lệ cúng mà vật cúng chính là lề thói và vật cúng, cách cúng phải theo đúng quy định của đời trước.
Gỏi da tượng - món bắt buộc của dòng họ Võ ở thị trấn Mộc Hóa, Long An.
Sở dĩ kết luận như vậy bởi vì, phẩm vật cúng trong lệ này vừa rất chung vừa rất riêng. Có hai yếu tố chung là vật cúng phải theo quy ước và liên quan đến thời khẩn hoang. Về cúng giỗ người Nam Kỳ rất thoáng, không theo công thức “nem giò ninh mọc” như miền Bắc, các món cà ri, la gu, cơm chiên Dương Châu, cơm gà Thượng Hải đều có thể đem lên bàn thờ và có thể thay đổi hàng năm. Nhưng cúng Vật Lề hoàn toàn khác: tất cả những vật phẩm cúng mang tính quy ước, bắt buộc phải có và không được thay đổi.
Quy tắc, lề thói lệ cúng được quy định ngay trong vật cúng. Yêu cầu về vật cúng của từng họ tộc có yếu tố chung là mang không khí của thời khai hoang như cháo cá ám (cá để nguyên con không chặt bỏ kỳ vi), các loại rau đồng… nhưng hết sức riêng tư, cá biệt trong từng họ tộc từ nguyên liệu đến cách chế biến trình bày.
Món rắn nướng trui đặc trưng của dòng họ Võ ở Đức Hòa Thượng, Đức Hòa - Long An.
Bài viết của tác giả Nguyễn Tấn Quốc (Bảo tàng Long An) ghi nhận nhiều họ có món đặc thù của riêng mình. Họ Trần ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ bắt buộc phải có 100 cái bánh tét, 100 cái bánh ít, mỗi cái nhỏ bằng ngón chân cái, một chén nổ (nếp để nguyên vỏ đốt cho nổ bung ra thành cốm). Họ Lê ở phường Khánh Hậu, thành phố Tân An cúng miếng đường tán, bánh tráng. Họ Phạm ở thành phố Tân An cúng đĩa gỏi cuốn, 5 mũi tên, một đĩa tam sên (trứng, tép, cua). Họ Võ ở thị trấn Mộc Hóa bắt buộc phải có gỏi da tượng (nay thế bằng da heo) - một miếng da heo được cắt hình voi để nguyên trên mâm, do nghề xưa chuyên săn bắn.
Trước đây, trong mâm cúng của họ Võ còn có miếng thuốc phiện để nhắc nhở và răn dạy con cháu tránh xa tệ nạn này bởi trong họ có một người bị nghiện. Họ Lê ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức ngoài rau luộc, thủ vĩ lợn, tam sên… còn có đĩa thịt sống (để cúng chúa sơn lâm, do trước đây trong họ có người bị hổ vồ) và hình nộm bằng rơm với 5 tàu lá dừa, 5 mũi tên hình thành thế trận ngũ hành để diệt trừ yêu tà quấy phá dòng họ.
Họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa cúng gạo, muối, 10 hột vịt, tam sên và con rắn nướng. Họ Huỳnh ở xã Bình Tâm, thành phố Tân An ngoài gạo, muối... còn có tô nước lạnh (hàm ý để ông bà rửa mặt) và tấm gương có phủ vải đỏ (hàm ý “nhiễu điều phủ lấy giá gương”).
Họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, ngoài cháo cá ám nấu còn nguyên hạt gạo lứt, xôi, bánh ít, trầu cau, thuốc... bắt buộc phải có một con cá lóc, 3 con tôm nướng để trên đĩa ô rô, cóc kèn và lá môn. Họ Lê ở Đức Tân, huyện Tân Trụ cúng một mâm cốm chuồi (gạo nếp rang ngào đường) rải lên trên ô rô, cóc kèn, dao phay, thớt, gáo múc nước.
Sự nghiêm nhặt và riêng biệt của vật cúng còn thể hiện trong quy ước về cách nấu nướng, chế biến, cách trình bày. Có tộc quy định cháo phải nấu thật nhừ, có tộc quy định còn nguyên hạt gạo. Tộc Đỗ Tường quy định 3 con cá lóc nướng trui và 3 con tôm nướng phải bày trên lá ô rô, cóc kèn… Thậm chí với con cá, mỗi họ tộc như Nguyễn, Lê, Trần, Lý… có cách chặt, hoặc chừa kỳ, vi cá theo cách của mình.
Bắn tên vào hình nộm rồi phóng hỏa.
Nghi thức cúng Vật Lề giống nhau về tổng thể như cúng ông bà, đất đai nhơn trạch, tống phong, cúng thí nhưng từng họ tộc khác nhau về chi tiết và cũng là những nghi tiết bắt buộc. Có tộc bày cúng trên bàn thờ, có tộc trải đệm cúng dưới đất. Có tộc cúng ngày, có tộc cúng đêm.
Với chiếc ghe tống phong thả trên sông, mỗi dòng tộc cũng có điểm khác nhau. Dòng họ Đỗ Tường bên trong ghe bầu để một cặp cà ràng, một bịch gạo, một bịch muối, một bó củi, một vài miếng thịt sống được để trong một cái chén đựng bằng giấy, hai cái lọ nhỏ một lọ đựng nước một lọ đựng rượu (có ghi chữ nước và rượu bên ngoài), có tiền để ông bà làm lộ phí đi đường. Tộc Đỗ Tường còn có nghi tiết tuyên đọc di huấn tổ tiên cho toàn gia tộc.
Trưng bày gia phả, di ngôn và các văn bản của gia tộc trong lệ cúng Vật Lề của gia tộc Đỗ Tường.
Ngày cúng tùy theo lệ của dòng họ. Dòng họ Đỗ Tường cúng 16.3 âm lịch là ngày giỗ kỵ cụ thủy tổ. Họ Lê - Bến Lức ngày 22.1 là giỗ kỵ của thủy tổ - Tổng đốc hải đạo Hoàng Sa. Họ Nguyễn - Bình Đức, Bến Lức là hậu duệ Nguyễn Trung Trực, giỗ mùng 10.3 là ngày lễ cầu ngư và cũng là ngày cụ Nguyễn xuất binh. Họ Lê xóm ông Đồ, Tân Trụ cúng ngày 18.3 (âm lịch) là ngày cúng đất…
Con cháu tự về dự cúng để nhận họ hàng
Về cách chọn người cúng, mỗi dòng họ cũng khác. Dòng họ Đặng ở Thủ Thừa, người ở nhà thờ trực tiếp cúng. Họ Phan ở Châu Thành lại chọn người trưởng. Dòng họ Đỗ Tường cúng luân phiên giữa bốn chi tộc con ông thủy tổ.
Có điều chung nhất là lệ cúng Vật Lề không mời khách ngoài tộc, con cháu trong tộc có trách nhiệm tự nhớ mà về, người đứng cúng không phải mời thỉnh. Đây là quy ước có ý nghĩa quan trọng của Lệ cúng Vật Lề! Với gia tộc Đỗ Tường, sau lễ cúng chi tộc đang cúng bàn giao bát hương và thần chủ cho chi tộc luân phiên năm sau và hai bên thông báo bàn giao đến những người tham dự, đến ngày cúng cũng không mời.
Ông Đỗ Chiến Thắng đọc bài kệ của bề trên truyền cho gia tộc trong lệ cúng Vật Lề.
Nhà văn Sơn Nam giải mã ý nghĩa sâu kín của Lệ cúng Vật Lề là không chỉ tưởng nhớ tiền nhân mà cùng với lễ tảo mộ tháng Chạp hàng năm, chính là mật ngữ của những người tiên phong mở đất quy ước để các thế hệ cháu con có thể dựa vào đó nhận diện được nhau trong bối cảnh khó khăn loạn lạc trên vùng đất mới.
Ông Huỳnh Văn Sáu, ngụ ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: “Cúng Việc Lề hoàn toàn mang tính cách riêng tư của từng dòng họ, nên mỗi dòng họ tự quy ước với nhau về ngày cúng và thức cúng, như là một hình thức ghi “gia phả sống”. Xưa kia do chiến tranh, loạn lạc, bắt bớ, truy nã… nên nhiều gia đình, dòng họ phải thay tên đổi họ, đốt bỏ gia phả để tránh liên lụy, do đó ngày cúng, thức cúng được quy định trong cúng Việc Lề được xem như một “ký hiệu riêng” của nhiều dòng họ...”.
Bàn giao lư hương, bài vị giữa hai chi tộc Đỗ Tường trong lệ cúng Vật Lề.
Thực tế, sau hơn 200 năm khai phá, nhiều gia tộc ly tán đã tìm gặp được nhau nhờ các nghi tiết này. Truyền ngôn của gia tộc Phan ở huyện Châu Thành - Long An ghi nhận ông thủy tổ có người em bị thất lạc từ lúc vào Nam, mãi đến năm 2002, các trưởng bối của tộc đã tìm được chi tộc Phan anh em ở Vịnh Đá Hàn, huyện Thủ Thừa nhờ đối chiếu trùng khớp ngày tảo mộ, cúng Vật Lề. Tương tự, chi tộc Lê ở thị trấn Tầm Vu cũng tìm được hai chi tộc anh em, một ở Hựu Thạnh - Tân Thạnh, một ở Bình Hiệp - Kiến Tường sau hơn trăm năm thất lạc.
Cúng Vật Lề, mật ngữ nhận họ của những người mở đất là điều có thật.
Bài và ảnh: Lê Đại Anh Kiệt