TRƯỜNG LÂN
TTO - Những gì bạn sắp đọc là chuyện hoàn toàn sự thật: hành trình của cậu bé gánh muối thuê đến giảng đường và buổi bảo vệ luận án tiến sĩ xuất sắc ở Pháp.
Tôi gánh muối thuê vào ban ngày và tự học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu. Không có sách, tôi mượn vở của người học trước. Không có giấy, tôi ghi chép trên mặt sau tập phiếu xuất kho cũ của người chị họ cho.
...Cảm thấy đau vai, tôi đặt gánh muối xuống nghỉ. Tôi vẫn chưa thể đổi vai dù đã gánh được một tháng. Nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhớ cảm giác này khi mở lại trang nhật ký đời mình.
Gánh muối và đường đến Pháp
Tháng 10-1979
Vai phải tôi đã nổi cục chai. Cục chai ấy lớn dần theo số muối tôi gánh dù tôi chưa bao giờ để ý, trừ hai lần - lần đầu khi bạn gái hỏi và lần thứ hai vào hai mươi bảy năm sau...
Nhớ ngày gánh thuê đầu tiên, vai phải tôi phồng rộp, đau nhức không ngủ được. Mẹ tôi khóc nghẹn vì đứa con 15 tuổi ốm yếu và hậu đậu của bà phải kiếm sống ở tuổi vị thành niên, hơn nữa lại làm cái nghề mà láng giềng dè bỉu.
Tôi lớn lên ở xóm chài ven biển ấp Đức Thắng, thị xã Phan Thiết (chưa là thành phố như ngày nay). Nhà tôi nghèo như loài còng gió đào hang trong cát, kiếm thức ăn phù du theo con nước lớn, ròng và lênh đênh theo dòng đời vô định.
Ba má tôi tảo tần, tằn tiện nuôi anh em tôi ăn học với ước mơ các con biết chữ, biết đạo làm người và có nghề đủ sống.
Tôi lại đặt gánh lên sau khi vuốt nhẹ vai áo mà mẹ tôi đã thức đêm để vá. Đường vẫn còn xa. Bên kia cầu, học sinh tan trường đang lũ lượt về nhà, trong đó có nhiều bạn từng chung lớp, từng nhờ tôi chỉ bài.
Năm học mới đã bắt đầu hơn một tháng, và tôi đang ở đây trong khi bạn bè đến trường. Chính khoảnh khắc này đã làm thay đổi đời tôi.
Hít một hơi thật dài, tôi tiếp tục gánh. Tôi muốn đi học. Đường vẫn còn xa, xa lắm, nhưng dù thế nào tôi cũng sẽ đi học.
Tháng 12-2006
Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra vào một chiều cuối năm ở thành phố Grenoble, trên dãy Alpes ở miền đông nam Cộng hòa Pháp, nơi có Đại học Joseph Fourier nổi tiếng.
Bên ngoài, nhiệt kế chỉ ba độ dưới không. Tuyết lặng lẽ rơi trên những hàng tiêu huyền trụi lá, trơ cành xương xẩu. Trong phòng, không khí nóng lên vì cứ vài phút lại có người bước vào và câu hỏi đặt ra cho nghiên cứu sinh càng lúc càng khó.
Tôi đứng trước máy tính, bên cạnh màn hình lớn và lần lượt trả lời từng câu hỏi của hội đồng. Có một câu rất khó, khi tôi chưa kịp trả lời, chủ tịch hội đồng đã nêu câu hỏi khác. Vừa trả lời câu hỏi mới, tôi vừa phải tìm cách giải quyết câu hỏi cũ.
Tất cả bỗng ùa về trong đầu tôi: chiếc gánh trĩu nặng trên vai ngày xưa và niềm khao khát đến trường; tiếng khóc không thành lời của mẹ và hình ảnh xóm chài quê hương; lời thì thầm của biển và tiếng sóng vỗ bờ cùng những con còng gió...
Trả lời xong câu hỏi cuối cùng, tôi xin phép quay lại giải quyết câu hỏi trước và được chấp thuận. Kết thúc phần trả lời, tôi nhìn thấy chủ tịch hội đồng mỉm cười và khán phòng đã đông nghẹt.
Sau phiên họp kín, chủ tịch hội đồng tuyên bố nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin với xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng" - xếp loại cao nhất ở Pháp thời đó.
Gửi lời cảm ơn đến mọi người, tôi nói rằng học vị tiến sĩ không phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ là khởi đầu cuộc viễn du trong thế giới khoa học bao la, nơi tôi chỉ là một phần rất nhỏ...
Tác giả (hàng đầu, thứ tám từ trái qua) tại lễ tốt nghiệp khóa quản trị giáo dục 1996-1997 ở CIEP (Paris, Pháp) - Ảnh: NVCC
Tôi vẫn muốn là chú bé 15 tuổi
Tháng 8-1979
Hôm nay, Trường Phan Bội Châu niêm yết kết quả thi tuyển vào lớp 10. Bên phải tên thí sinh là điểm thi và chữ Đ hoặc H, tương ứng với kết quả đỗ hoặc hỏng. Tôi đạt điểm cao nhất trong hơn tám trăm thí sinh dự tuyển.
Cạnh điểm thi của tôi, ai đó đã dùng bút đỏ gạch chữ Đ, thêm vào hai chữ xét lại và chữ ký mà chẳng buồn ghi rõ họ tên.
Vì sao xét lại, xét lại cái gì, như thế nào và đến bao giờ? Trường không nêu thêm thông tin nào khác, chỉ có hai chữ xét lại lạc loài trong rừng kết quả gồm đỗ hoặc hỏng.
Ban đầu, tôi tưởng mình đọc sai. Sau khi xem lại cẩn thận, tôi nghĩ chắc trường ghi nhầm và sẽ điều chỉnh ngay lập tức. Cho đến khi tiếng xì xào vang lên xung quanh, tôi mới hiểu rằng mình chưa đỗ.
Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác ấy. Trong một khoảnh khắc dài như vô tận, tôi đi từ ngạc nhiên đến xấu hổ rồi tủi thân, chán nản và cuối cùng là trống rỗng. Tôi cúi xuống, lẳng lặng bước đi mà không nhớ đã về nhà như thế nào và nói với cha mẹ ra sao.
Cha mẹ, các em và tôi đã mỏi mòn chờ kết quả xét lại trong lo âu lẫn hi vọng. Một ngày, một tuần, một tháng, rồi một năm trôi qua vẫn không có thông tin nào khác.
Mẹ ngã bệnh! Cha vắng nhà. Tôi đi làm nuôi gia đình. Từ một học sinh hoạt bát, tự tin, tôi trở thành người gánh thuê trầm lặng, rụt rè nhưng vẫn mơ ngày trở lại mái trường.
Sau này, tôi hiểu mình đã trải qua kỳ thi trong tình cảnh đất nước vẫn còn nặng nề về lý lịch.
Giữa tháng 10-1979 và tháng 12-2006
Tôi gánh muối thuê vào ban ngày và tự học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu. Không có sách, tôi mượn vở của người học trước. Không có giấy, tôi ghi chép trên mặt sau tập phiếu xuất kho cũ của người chị họ cho. Năm sau, tôi thi lại vào lớp 10 và trúng tuyển.
Trong hai mươi bảy năm này, tôi còn gặp nhiều trở ngại tương tự như kỳ thi vào lớp 10 lần đầu. Một năm gánh thuê và chờ đợi đã giúp tôi biết yêu người nghèo, biết quý thời gian, biết đứng dậy sau thất bại và luôn khát khao học tập.
Sau rất nhiều thăng trầm, tôi đã bảo vệ luận văn thạc sĩ với số điểm tuyệt đối và nhận được học bổng của AUF (Tổ chức đại học Pháp ngữ) để làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Pháp.
Tác giả (đứng) tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Phan Thiết - Ảnh: NVCC
Năm 2019
Dù tham gia giảng dạy nhiều nơi, tôi vẫn sống và làm việc ở xóm chài quê hương. Có lẽ vì tôi thích ăn bốc cơm nguội với cá khô nướng - món ăn dân dã nhưng hấp dẫn của những tháng năm nghèo khổ mà tôi luôn hoài niệm trong ba năm làm nghiên cứu sinh tại đất nước của Victor Hugo.
Có lẽ vì tôi nghĩ đến những người dân nghèo duyên hải rụt rè bỏ dép, bước lên nền gạch hoa của công sở với bàn chân trần cháy nắng, lấm lem cát biển. Có lẽ vì tôi nhớ lại ước mơ mãnh liệt của đứa trẻ nghèo muốn đi học nhưng phải đứng nhìn bạn mình cắp sách đến trường...
Giờ đây, khi đã bước qua tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", tôi vẫn luôn khát khao học tập và nhìn đời bằng cặp mắt hồn nhiên của chú bé 15 tuổi, không lùi bước trước khó khăn dù đường vẫn còn xa, xa lắm: Chỉ muốn làm mây trắng/Bay cho chiều bình yên (Trần Đăng Khoa).
Cục chai trên vai tôi
Ngài viện trưởng thân mật vỗ vai và mời tôi gia nhập đội ngũ cộng sự của ông ở Pháp. Nếu nhận lời, tôi biết mình sẽ có dịp thăm Paris vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ mát ở Địa Trung Hải vào mùa hè hay trượt tuyết ở Grenoble vào mùa đông.
Cái vỗ vai cũng làm tôi nhận ra sự hiện hữu của cục chai hai mươi bảy năm trước, làm tôi nhớ lại thời niên thiếu nghèo khổ, nhớ lại ước mơ được đến trường và khoảnh khắc thay đổi đời mình.
Tạm biệt người thầy đáng kính Trần Lương Công Khanh
Tin thầy giáo Trần Lương Công Khanh ra đi vào 5h30 sáng 6-2 khiến đám học trò chúng tôi bàng hoàng, nghẹn ngào!
Trong ký ức chúng tôi - những đứa học trò may mắn được học với thầy, thầy Khanh là một trong những nhà giáo mẫu mực nhất về tài năng lẫn nhân cách. Chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ thầy ở trí tuệ mẫn tiệp mà còn ở tấm lòng nhân ái và khiêm cung.
"Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ" cùng thời khắc tái sinh
Sinh trưởng ở Phan Thiết những năm đất nước còn ly loạn, thầy Khanh có một tuổi thơ vất vả và gián đoạn việc học hành một năm vì lý lịch gia đình dù thi đậu điểm rất cao. Một năm quá ngắn nhưng quá dài với niềm khao khát mãnh liệt được đi học của cậu bé ham học và học giỏi.
Biến động "bị nghỉ học" khó quên đó của thời niên thiếu đã được thầy kể lại trong bài viết Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ - bài viết được báo Tuổi Trẻ trao giải nhất cuộc thi viết Khoảnh khắc thay đổi đời tôi lần 2.
Lễ trao giải được tổ chức tại Sở GD-ĐT Bình Thuận - nơi thầy công tác đúng ngày sinh nhật tuổi 56 của thầy - 30-5-2020, sau những tháng ngày chịu đựng những di chứng của cơn tai biến năm 2018...
Hôm ấy, thầy đã đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn - nhà thơ đồng hương: Còn sống, còn vui, còn ca hát/ Khổ đau như nước chảy qua cầu. Sau này, thầy chia sẻ: "Kể ra sinh nhật thứ 56 của thầy thật đặc biệt, vừa đánh dấu thời điểm thầy được tái sinh (theo nghĩa đen), vừa được Tuổi Trẻ trao giải và mừng sinh nhật".
Giải thưởng ở một tờ báo mà thầy yêu quý và gắn bó như một cộng tác viên, một độc giả trung thành gần 20 năm có lẽ là niềm vui rất lớn với thầy, sau sự kiện thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin với xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng" - loại cao nhất ở Pháp năm 2006.
Luận án của thầy bốn năm sau đó đã được Nhà xuất bản Éditions Universitaires Européennes (Nhà xuất bản Đại Học Châu Âu) in thành sách Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông so sánh giữa Pháp và Việt Nam.
Là tiến sĩ toán học nhưng thầy Khanh không chỉ truyền cho học trò kiến thức toán mà còn lan tỏa tình yêu văn chương. Trong những chuyện trò, thầy vẫn hay bình thơ văn của các tiền nhân, các cây bút đương đại trong, ngoài nước và gây bất ngờ cho chúng tôi bởi một trí nhớ tuyệt vời - thầy trích dẫn chính xác từng từ một của các đoạn văn, bài thơ thầy yêu thích.
Là người chính trực, thẳng thớm, thầy xót xa trước những bất công, khuất tất, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe thầy nói xấu ai. Thầy gây ấn tượng mạnh với học trò vì sự lịch thiệp hiếm thấy, sự kiên nhẫn và cả lòng từ của thầy trong cái nhìn về cuộc sống. Nếu nhận phải một điều bất như ý, thầy chỉ nhẹ nhàng: đó là nghiệp của thầy.
Vì yêu văn chương, yêu văn hóa Việt - Pháp, người thầy giáo từng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm TP.HCM khoa toán năm 1987 thích viết báo và rồi trở thành cộng tác viên thân thiết của Tuổi Trẻ sau bài báo về Phạm Quỳnh Anh và bài hát Bonjour Vietnam gây xôn xao một thời.
Ngoài cộng tác với báo các bài biên dịch về các tin tức văn nghệ, giải thưởng văn chương, các bài viết về giáo dục; vốn là một người cực kỳ nhạy cảm với ngôn ngữ, thầy còn góp cho Tuổi Trẻ nhiều bài viết ở chuyên mục Tiếng nước tôi.
Thầy dùng bút danh Trường Lân - cái tên xuất phát từ chữ Trần Lương trong họ tên của thầy. Chúng tôi vẫn còn nhớ một trong những bài báo cuối cùng thầy viết cho Tuổi Trẻ là bài viết về sự ra đi của nhà văn Linda Lê, với nhan đề "Văn đàn Pháp vừa tắt ngôi sao gốc Việt: Linda Lê".
Ngành toán học Việt tắt một ngôi sao...
Ngành toán học Việt Nam cũng vừa tắt một ngôi sao. Bộ sách tham khảo cho chương trình giáo dục hiện hành mà thầy và các đồng nghiệp biên soạn cho Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam vừa hoàn thiện tập 1...
Sự nghiệp đào tạo các thạc sĩ - tiến sĩ toán học khiến thầy vẫn hay đi về Phan Thiết - Sài Gòn vẫn còn dang dở. Văn phòng Tổ chức đại học Pháp ngữ tại TP.HCM vẫn còn rất nhiều chương trình cần đến thầy, như hồi tháng 8-2022, thầy còn đứng lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và nghiên cứu.
Thầy còn hợp tác với Trung tâm Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương về việc viết sách giáo khoa cho lớp song ngữ. Giữa năm ngoái, thầy cho biết đã viết xong bốn chương bản thảo sách bài tập Toán 7 và Toán 10 (chương trình giáo dục phổ thông mới).
Trăn trở nhiều về nền giáo dục còn nhiều bất cập, thầy vẫn còn muốn dồn sức biên soạn sách và nhiều đề tài báo chí ấp ủ muốn viết, cả những đề tài cho chuyên mục Tiếng nước tôi. Thầy đã dự định khi việc biên soạn sách ngơi hơn, thầy sẽ viết bài tiếng nước tôi về "báo lá cải" và "sách gối đầu giường".
Tôi may mắn không chỉ được học thầy mà còn được làm việc cùng thầy qua những bản thảo thầy viết cho Tuổi Trẻ, nhờ đó học được rất nhiều từ thầy sự chỉn chu, cẩn trọng, đức khiêm cung của một nhà khoa học, một trí thức. Chúng tôi hầu như không phải sửa gì các bản thảo của thầy, nhưng lỡ bài viết có một lỗi đánh máy, thầy viết thư xin lỗi ngay khi chính thầy phát hiện...
Gần đây, thầy đủ tiêu chuẩn để được phong hàm phó giáo sư nhưng thầy không làm các thủ tục. Giữa nhiều lời mời làm việc trong và ngoài nước, thầy vẫn chọn gắn bó với quê hương Phan Thiết. Tất cả thời gian của mình, thầy dành cho sự nghiệp giáo dục, tư vấn, biên soạn sách, đào tạo các tài năng toán học...
Không những vậy, từng là một học trò nghèo khát học, thầy vẫn thầm lặng giúp đỡ tài sức cho một quỹ khuyến học, tận tâm cho từng công việc nhỏ nhất.
Sau bạo bệnh, tay lật giở sách cũng còn đau, thầy viết ít hẳn lại nhưng thi thoảng vẫn viết "cho khuây khỏa". Trong những lá thư gần đây gửi học trò, thầy tâm sự: "Nghĩ lại bệnh tật cũng là một nghiệp chướng nên vui vẻ chấp nhận... Cuộc sống này đúng là có quá nhiều bất trắc. Nhiều đến nỗi Dale Carnegie khuyên là bạn có quyền suy nghĩ về mọi thứ nhưng đừng lo về nó vì lo lắng không giúp giải quyết được gì... Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật nên cần chuẩn bị tâm thế để đón nhận nó".
Những học trò kính trọng thầy như người anh, người cha mong thầy đã có tâm thế nhẹ nhàng nhất như thầy muốn. Nhớ về thầy, chúng em sẽ nhớ về tấm gương không màng danh lợi, chỉ có tình yêu trong veo với toán học, với tri thức nhân loại và với cái đẹp; về một nhà giáo rất đỗi thanh bần, khiêm hạ...
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp nhiệt tình
Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục - đào tạo Bình Thuận, là gương mặt thân quen trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ từ năm 2012.
Với vai trò là một cán bộ quản lý giáo dục cùng lương tâm, trách nhiệm của người thầy giáo, thầy luôn có mặt trong các buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua. Ở đó, những bài phát biểu của thầy đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề.
Trong một lần chia sẻ với học sinh trong tỉnh Bình Thuận, tiến sĩ Khanh kể rằng nhà vật lý học nổi tiếng Albert Einstein khi chấm vấn đáp môn vật lý của sinh viên đại học Mỹ, ông thường nêu lại câu hỏi cũ, nhưng sẽ không chấm cao cho câu trả lời giống các năm
trước. Lý do ông đưa ra là khoa học luôn phát triển không ngừng nên con người luôn phải đi tìm câu trả lời mới cho những câu hỏi tưởng chừng đã cũ.
Tiến sĩ Khanh chia sẻ: "Tôi muốn đưa ý tưởng này đến tất cả học sinh lớp 12 với hy vọng các em luôn nghiêm túc đi tìm câu trả lời mới cho những vấn đề tưởng chừng rất cũ về chọn ngành, chọn nghề năm nào cũng đặt ra".
TRẦN HUỲNH
Ước mơ còn dang dở của thầy Trần Lương Công Khanh
'Thầy Trần Lương Công Khanh mất rồi anh à!'. Sáng ngày 6-2, tôi nhận tin nhắn của bạn đồng nghiệp và cũng là học trò cũ của thầy mà lặng người, nghẹn ngào.
Thầy ở Bình Thuận, tôi ở TP.HCM, tuy cách xa mà như rất gần vì hay quan tâm, hỏi han nhau trên Facebook.
Cách đây không lâu, thầy còn nhờ tôi chuyển tặng ít tiền cho một cô bé bán vé số mà thầy rất xót xa khi đọc bài viết. Thầy dặn đừng viết gì về việc thầy giúp đỡ, nhưng hãy viết về các tấm lòng khác cho tình yêu thương được lan tỏa.
Ấn tượng cậu bé gánh muối
Thầy còn hứa khi nào vào thành phố sẽ cùng tôi đến thăm cô bé. Thầy muốn cùng nhau chia sẻ nhiều hơn. "Vì ngoài kia còn biết bao mảnh đời đáng thương cần giúp đỡ. Thầy trò mình hãy góp sức sẻ chia, dù chỉ là phần bé nhỏ".
Vậy đó, thầy đã bất ngờ ra đi khi tâm nguyện còn dở dang...
Thầy Khanh là người thầy rất khiêm cung, nhẹ nhàng, ân cần giúp đỡ học trò trong nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ.
Thầy khuyên câu nào thấu đáo câu đó. Các em rút ra được bao bổ ích cho việc chọn lựa đại học, chọn lựa đường đời và hoài bão sống làm người có ích.
Năm 2019, cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi lần 2 trên báo Tuổi Trẻ nhận được bài viết của thầy gửi đến hộp thư điện thử. Bài viết như tự sự cuộc đời của thầy ở làng quê biển Phan Thiết đầy khó khăn những năm hậu chiến.
Cha phải vắng nhà, mẹ ốm đau suốt, thầy khi ấy là cậu bé đã sớm san sẻ gánh nặng trên đôi vai gầy của mẹ. Tuy nhiên, thầy vẫn mê học, chăm học và học rất giỏi.
Năm 1979, bảng niêm yết trường Phan Bội Châu niêm yết tên học sinh trúng tuyển vào lớp 10, và tên thầy được xếp cao nhất trên hơn 800 học sinh dự thi.
Nhưng rồi ai đó đã gạch đỏ chữ Đ (đậu) bên tên thầy và thêm vào hai chữ "xét lại" cùng chữ ký nháy đầy quyền lực. Chuyện ngậm ngùi mà không lạ lẫm gì của việc thi cử những năm hậu chiến còn quá nặng nề lý lịch!
Từ đậu thủ khoa thành rớt, cậu bé Trần Lương Công Khanh đành ở nhà đi gánh muối thuê phụ mẹ nuôi em. Ban đêm, cậu bé sớm có cục u sần trên vai vẫn cặm cụi học dưới ánh đèn dầu, sách mượn của người học trước và vở chép là những tờ giấy xuất kho lem nhem của người chị họ. Vậy mà kỳ thi năm sau, cậu bé gánh muối ấy lại tiếp tục đậu điểm cao…
Và hành trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Pháp của thầy là một con đường rất dài, rất khó khăn của gia cảnh nghèo nhưng đầy nghị lực vươn lên...
Bài viết chân thật đong đầy những khoảnh khắc cuộc đời không nhiều người hình dung được của thầy Khanh được hội đồng chấm giải cao nhất trong cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi. Cũng nhờ đọc bản thảo này, tôi được hiểu thầy nhiều hơn.
Ấn tượng sâu đậm nhất là nghị lực vươn lên của cậu bé gánh muối, nhưng một ấn tượng khác cũng không kém là giọng văn nhẹ nhàng, giản dị, khiêm cung như chính tính cách của thầy mà sau này tôi hân hạnh được hiểu nhiều hơn. Đức tính của một người trí thức thiện lương, luôn muốn góp phần mình cho sự tốt đẹp của xã hội.
Ước mơ dở dang
Tháng 5-2020, báo Tuổi Trẻ tổ chức trao giải nhất ở Phan Thiết cho thầy và có sự trùng hợp thú vị là đúng ngay ngày sinh nhật của thầy. Vừa nhận giải thưởng, vừa thổi nến trên bánh kem, thầy đã tâm sự với tôi: "Đây là lần sinh nhật rất ý nghĩa với mình".
Cũng từ đó, tôi được thân với thầy hơn. Lúc dịch giã căng thẳng thì thầy trò quan tâm, động viên nhau qua chat. Khi dịch lắng xuống, tôi có dịp ra Phan Thiết, lại ngồi trò chuyện với thầy. Còn thầy vào thành phố, lại nhắn tôi ra quán cà phê ở đường sách.
Những buổi trò chuyện ấm áp sự quan tâm nhau và sẻ chia những dự định của mình. Thầy rất thích những việc nhóm bạn bè chúng tôi thực hiện như giúp đỡ trẻ mồ côi vì COVID. Mấy lần, thầy đã âm thầm nhờ tôi chuyển quà cho các bé.
Hai thầy trò đã bàn với nhau nhiều ấp ủ, rằng chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay với các phận đời trẻ thơ bất hạnh. Thầy từng có tuổi thơ nghèo khó, nên rất thương các trẻ thơ không được may mắn. Và thầy có ước mơ góp phần bé nhỏ để thay đổi cuộc đời các em. Vậy mà thầy đã bất ngờ ra đi...
Tạm biệt thầy, tôi xin nguyện rằng: "Em sẽ tiếp tục thực hiện dự định của thầy trò mình và tin rằng thầy đang mỉm cười nhìn theo".
Một đời lặng lẽ và tận tụy
Là tiến sĩ toán học bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin với xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng" - loại cao nhất ở Pháp năm 2006, giữa nhiều lời mời làm việc trong và ngoài nước, thầy Khanh chọn sống một đời nhà giáo lặng lẽ tại quê nhà Phan Thiết.Tất cả thời gian của mình, ông dành cho sự nghiệp giáo dục, tư vấn, biên soạn sách, đào tạo các tài năng toán học, viết các bài báo văn hóa - nghệ thuật...
Cả một đời tận tụy cho giáo dục, ông được học trò, đồng nghiệp yêu kính không chỉ vì sự thông tuệ, am hiểu nhiều lĩnh vực mà còn ở đức tính khiêm cung quý báu của một trí thức.
Rất nhiều học trò, đồng nghiệp cũng đã nghiêng mình tiễn đưa ông bằng những lời chí tình: "Em nhớ mãi đến phong thái ung dung và nhân cách cao quý của thầy", "Em xin thành kính tiễn đưa thầy, một người thầy có tâm, có tầm, một nhân cách đáng kính trọng, là tấm gương lớn cho các thế hệ học viên và giáo viên chúng em noi theo";
"Mãi mãi nhớ giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, tính cách khiêm tốn, tình yêu môn toán ánh lên trong đôi mắt mỗi khi thầy giảng bài…", "Em luôn cảm ơn thầy đã khiến em cảm kích và yêu quý nghề dạy học", "Thương một tấm lòng, một nhân cách và một tài năng....". (KHẢ LINH)