NGUYỄN V. HƯƠNG
Một giờ sáng Montréal ngày 13 tháng 12, 2022. Một bức ảnh thình lình nhảy lên màn hình điện thoại của tôi. Một người đàn ông khuôn mặt gầy gò, y phục bệnh nhân, tay lủng lẳng ống nhựa truyền máu, thẻ định danh bệnh viện… đang nhìn tôi, im lặng. Không có một câu chữ nào dưới bức ảnh.
Tim tôi thắt lại. Người ngồi đó là một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi, người bạn suốt 55 năm qua đã cùng tôi chia sẻ biết bao buồn vui của cuộc sống đầy rẫy những bộn bề. Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ, người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình vào tháng 9 và trong một bức ảnh chụp trong đám cưới người quen vào tháng 10, vẫn còn hồng hào, tươi tỉnh như thường nhật.
Tôi nhắn tin ngay vào máy : “ Chuyện gì vậy ? Anh đang ở đâu ? ”
Trong câu chuyện nhọc nhằn tiếp theo — anh phải gõ từng chữ một trên bàn phím điện thoại — tôi được biết anh bị bạo bệnh từ nhiều tháng nay, và đến giờ này các bác sĩ vẫn chưa tìm ra bệnh ! Anh không ăn được, không ngủ được, và đã sụt mất hơn 10 kg. Anh nói : “ Tôi quá mệt mỏi, cả thể xác lẫn tinh thần… Không biết ra đi lúc nào…”
Tôi không dám trò chuyện lâu với anh, mặc dù rất sốt ruột hỏi anh nhiều chuyện quanh bệnh tình của anh. Nhưng lúc đó đã 2 giờ sáng và tôi phải để anh nghỉ. Cất máy điện thoại, đầu tôi rối bời, bởi vì mọi chuyện đến quá đột ngột và cũng vì tôi luôn luôn nghĩ — trong suốt hơn nửa thế kỷ biết nhau — anh là người vốn luôn hồng hào, khỏe mạnh và có tướng mạo của một người trường thọ…
Vào những năm 70 của Thế kỷ trước, tại Đại học Laval, tỉnh Québec, Canada, tôi biết đến anh Tuệ và chúng tôi nhanh chóng gần gũi nhau qua những hoạt động hướng về đất nước. Anh du học trước tôi 5-6 năm và khi tôi bước vào đại học thì anh đang soạn luận án Tiến sĩ ngành Điện tử - Viễn thông, học vị mà anh đạt vào năm 1972. Anh trở thành giảng viên của Đại học và năm 1983 được phong học hàm Giáo sư. Trong hơn 30 năm, anh phụ trách giảng dạy và hướng dẫn làm luận án sau đại học cho rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh. Theo họ kể lại, anh là nhà khoa học nghiêm túc, rất cần mẫn và được học trò yêu mến.
Lĩnh vực khoa học của anh và của tôi khác nhau và chúng tôi không quan hệ nhiều về mặt này. Ngược lại, trước ngày hòa bình lập lại trên đất nước, chúng tôi thường xuyên làm việc chung với nhau trong phong trào những người Việt Nam hướng về Tổ quốc. Sau ngày thành lập Hội Việt kiều Yêu nước tại Canada năm 1970, anh Tuệ được bầu làm Chi hội trưởng vùng Québec của Hội và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội. Những năm đó, dư luận quần chúng Québec và Canada rất sôi sục trong việc phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và đã có tác động phân cực lớn lao đến suy nghĩ, hành động của anh chị em chúng tôi, những người ra đi du học từ miền Nam dưới chế độ VNCH. Dưới ảnh hưởng dư luận, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra trên các đài truyền hình, truyền thanh quốc gia địa phương giữa những người ủng hộ và chống đối lại cuộc chiến tranh của Mỹ. Anh Tuệ là người tham gia rất tích cực vào những cuộc tranh luận đó. Anh là người có trình độ ngoại ngữ giỏi, lập luận sắc bén, tính thuyết phục cao, và rất kiên trì bảo vệ các luận điểm của mình bất kể đối phương là ai, chưa kể lại là người có học vị cao, do đó tạo được sự kính nể trong cử tọa và dư luận. Trong đại học, bất chấp quan điểm khác nhau, nhiều sinh viên “ quốc gia ” vẫn tìm đến “ thầy Tuệ ” để trò chuyện, tranh luận và kể cả học hỏi về chuyên môn. Với tất cả mọi người, GS Tuệ luôn cởi mở, vui vẻ và tận tình, cho dù họ và giáo sư có khi ở hai bên “ chiến tuyến ”.
Nửa năm sau ngày hòa bình, chúng tôi thành lập “ Hội Đoàn kết Việt kiều tại Canada ”. Ít lâu sau đó, anh Tuệ được bầu làm Hội trưởng. Hội quán trung ương ở Montréal, anh Tuệ làm việc ở thành phố Québec, cách đó 300 km, nhưng mỗi cuối tuần anh đều đặn vượt quãng đường dài, có mặt tham gia những hoạt động của Hội, mùa hè cũng như mùa đông. Một số lần Hội tổ chức Tết ở Québec, anh là người đứng ra cáng đáng mọi công việc nặng nề nhất. Tối về, mệt rã rời, anh và vợ còn mời đoàn “ văn công ” nghiệp dư của Hội về nhà riêng, nấu cháo gà đãi anh chị em và phục vụ những người ngủ lại bữa sáng hôm sau chu đáo trước khi họ lên đường về lại Montréal.
Với tư cách Hội trưởng, và cũng do sự quan tâm sẵn có của mình, anh Tuệ nhiều năm là người Chủ nhiệm de facto của báo Hội — tờ Đất Việt. Các bài viết “ nhạy cảm ” của báo đều được anh đọc rất kỹ và góp ý cẩn thận để giữ cho tờ báo một vị trí đóng góp ý kiến “ tích cực ”, tránh những cực đoan không cần thiết. Những ý kiến của anh rất chân tình, thẳng thắn kèm theo thái độ cởi mở của anh trong đối thoại luôn là yếu tố đưa tới những đồng thuận quan trọng trong việc làm báo.
Sau ngày hòa bình, anh Tuệ nêu ý tưởng về trong nước đóng góp giảng dạy một thời gian và được Hội hoàn toàn ủng hộ. Năm 1978, anh về làm việc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Điện tử và gắn bó với đại học này hơn 20 năm sau đó qua nhiều đợt về nước. Mỗi lần gặp nhau, anh hay kể chuyện cho tôi nghe về quãng thời gian làm việc trong nước, buồn vui lẫn lộn, nhưng nổi bật trên cả vẫn là sự kiên trì trong tư tưởng của anh đối với việc đóng góp khoa học cho thế hệ tương lai. Thời bao cấp, khó khăn bộn bề, anh có nhiều phê phán về cung cách quan liêu, thái độ cửa quyền, chế độ không tương xứng dành cho những nhà trí thức, khoa học chân chính, tài năng, cũng như phê phán cái mà anh gọi là “ một nền giáo dục khoa cử, lạc hậu, chuộng hình thức…” Với bản tính của một người trí thức chính trực và cá tính riêng của mình, anh Tuệ đã nổi tiếng là người “ hay tranh cãi ” trong cộng đồng những người có dịp tiếp xúc với anh. Anh “ cãi ” về đủ thứ chủ đề, lĩnh vực, từ chuyên môn, khoa học, đến những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa nổi cộm, những đề tài “ nhạy cảm ” của một thời điểm nhất định nào đó, và tất nhiên là có cả những tranh luận về địa-chính trị, ngoại giao… dưới con mắt của một người am hiểu bách khoa ham đọc, ham nghĩ và ham… tranh luận.
Trong thời kỳ bao cấp — và cả đến nhiều năm “ Đổi Mới ” sau này — anh Tuệ đã sống qua những giai đoạn thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt khi ở trong nước đóng góp giảng dạy, nghiên cứu. Tuy vậy, mỗi lần gặp anh, tôi đều ngạc nhiên khi thấy từ anh vẫn tỏa ra hừng hực tinh thần cống hiến tựa như những đợt phun trào của một ngọn núi lửa lạc quan không bao giờ tắt. “ Phê phán thì mình cứ phê phán ”, anh nói. “ Làm sao không thể không phê phán những thứ kìm hãm con đường đi lên của cả một dân tộc, quên đi hy sinh của bao nhiêu thế hệ đã đổ xương máu bảo vệ, xây dựng cho ngày hôm nay và ngày mai ? Nhưng không phải vì thế mà phủi tay bỏ đi. Bỏ đi là đầu hàng, là thua cuộc. Vẫn phải lao vào đóng góp. Đóng góp mãi, đóng góp cho đến khi sức tàn lực kiệt, và chỉ khi đó mình mới không có gì để tự trách cứ khi tuổi đã xế chiều…”
Anh Tuệ làm việc gần gũi với nhiều nhà khoa học trong nước và vì thế, có dịp hiểu sâu những khó khăn của đội ngũ trí thức trong nước. Nói chuyện với tôi, anh luôn tỏ ra kính phục sự phấn đấu không mệt mỏi của những con người thiếu mọi thứ phương tiện cho công việc của mình: sách báo, tài liệu, dụng cụ làm việc, quan hệ quốc tế… và cả những phương tiện cho đời sống cá nhân. “ Sự phấn đấu trong khó khăn của họ chính là nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc tôi phải cống hiến nhiều hơn nữa ”, anh thường nói với tôi. Năm 1981, anh Tuệ đã là một đầu tàu trong việc Hội tổ chức quyên góp được 21 tấn sách báo khoa học chuyên môn gửi về các đại học trong nước. Bản thân anh cũng đem về rất nhiều sách quý trong tủ sách chuyên môn riêng của mình để tặng cho các đồng nghiệp, cơ quan. Một đôi lần, anh kể chuyện vui, anh đã phải đi ra hè phố Hà Nội để thu mua lại một quyển sách quý mà chính anh đã tặng một cơ quan Nhà nước và nay thì lại đang được bán “ đồng nát ” ngoài đường.
Cống hiến cho trong nước trong hai thập kỷ, đến những năm cuối Thế kỷ trước, anh Tuệ gặp nhiều phiền toái ở Đại học của mình, những phiền toái có thể không xa lạ với những đóng góp thường xuyên của anh trong lĩnh vực chuyên môn với các đại học trong nước. Vì thế, anh đã về hưu trước kỳ hạn. Từ lúc này, anh có thể dồn hết thời gian và tâm sức cho việc đóng góp trong nước. Tôi có dịp gặp anh thường xuyên hơn, nhất là ở Hà Nội, nơi anh tiếp tục làm việc với Đại học Quốc gia.
Những năm đầu Thế kỷ XXI, anh sống ở một khách sạn 3 sao khu Cầu Giấy trong một căn phòng nhỏ khoảng 20 m2 không được tiện nghi lắm. Một đêm mùa hè 2005, biết tôi đang công tác ở Hà Nội, anh rủ tôi đến uống rượu. Cẩn thận, tôi đem theo 2 chai vang đỏ. Thật may, vì đêm đó chúng tôi uống say bí tỉ và khi hết rượu tôi đem tới, anh đã phải lôi chai rượu của anh từ trong tủ lạnh ra: một cái hộp carton loại 1 gallon (4 lít) đã uống dở dang. Nhìn cái hộp, tôi hiểu là anh đang trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng — như tôi — “ chứng nào tật nấy ”, chúng tôi vẫn không bỏ được thói quen uống rượu vang, dù chỉ là nhấm nháp một ly nhỏ… loại rẻ tiền.
Thói quen đó, anh có từ lâu, cùng với cung cách ăn mặc của mình. Anh không giàu có, không thích đi mua sắm ở các trung tâm thương mại, cửa hàng hiệu dưới phố, nhưng lúc nào y phục anh cũng chỉnh tề, tóc tai gọn gàng. Đó là nhờ bà Carole, vợ anh. Bà là người phụ nữ chăm lo cho chồng từng manh quần tấm áo, bữa cơm, ly rượu, đồng thời lại là một tay đối ẩm không thể thiếu cho những bữa ăn của anh sau những giờ phút anh miệt mài làm việc trong cơ quan. Trên tất cả, bà là một người bạn đời hiểu theo mọi nghĩa, trong đó có vai trò người đối thoại không mệt mỏi của anh khi anh cần có nơi để trút ra những suy tưởng về công việc, cuộc đời, những vụ việc cụ thể và cả những vấn đề mang tính “ triết học ” sâu sắc bên cạnh những tranh luận văn học, nghệ thuật — một lĩnh vực mà cả hai đều rất am tường.
Năm 2007, hai anh em đi uống bia trong một quán ở Cầu Giấy. Anh cho tôi biết về việc thành lập Đại học Quốc tế Bắc Hà và việc anh được đề nghị làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học quốc tế “ dân lập ” này. Anh hỏi ý kiến tôi. Tôi dè dặt góp lời vì biết anh đang phấn khởi, chỉ nêu ra dăm ba trở ngại “ có thể có ”. Anh cơ bản là một “ Việt kiều ”, với tất cả những gì hàm chứa trong hai từ đó, anh lại là một nhà khoa học, cũng với tất cả những gì hàm chứa trong hai từ đó, nên trở thành một người quản lý trong một nền giáo dục đang có xu hướng bị “ thị trường hóa ” không phải là điều đơn giản. Anh lắng nghe tôi, nhưng tôi hiểu là trong anh đang thôi thúc con người của sự cống hiến đã trào dâng lên tới đỉnh cao.
Anh trở thành Hiệu trường của trường năm 2007. Vợ anh, rất thương chồng, cũng theo tiếng gọi của “ nghĩa phu thê ” và về cư trú trong suốt khoảng thời gian năm năm anh công tác ở Bắc Hà. Hai vợ chồng thuê một căn hộ ở khu Trung Hòa - Nhân Chính. Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau hàn huyên tâm sự. Đó là khoảng thời gian anh rất bận rộn và cũng hiểu thêm được rất nhiều điều từ thực tiễn công tác, như anh đã nói với tôi. “ Dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là tôi đã làm hết sức mình với tất cả tinh thần và mong muốn cống hiến ”, anh nói trong một lần tôi đến nhà thăm hai vợ chồng vào cuối nhiệm kỳ của anh.
Năm 2012, anh gọi điện thoại thông báo cho tôi biết là đã chuyển “ địa bàn công tác ” từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và tỏ ý vui mừng là từ nay hai anh em sẽ có dịp gặp nhau nhiều hơn. Anh cho biết nơi làm việc mới của mình là Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tuy vậy, đến nơi ở mới được ít lâu, bà Carole bị bệnh nặng và phải chuyển về Québec điều trị. Anh phải bỏ dở nhiều dự án ở đại học và quay về Canada chăm sóc cho vợ. Hai vợ chồng anh bán ngôi nhà ở thành phố Québec và dọn lên Montréal, nơi hai người con của anh chị sinh sống, hầu quây quần với nhau. Bà Carole không còn khả năng đi theo anh nữa, nhưng anh vẫn canh cánh bên lòng những công việc dở dang trong nước. Cuối cùng, anh cũng “ được phép ” của vợ làm những chuyến đi ngắn ngày vài tuần lễ trong mấy năm trở lại đây. Một lần trong những chuyến đi đó, cuối năm 2018, tôi lại được gặp anh và, với một người bạn thân thiết khác, đã cùng nhau chén chú chén anh đến tận một giờ sáng. Bao nhiêu kỷ niệm của “ những ngày xưa thân ái ” mấy chục năm trước đã sống dậy cùng với câu chuyện nghìn đời về thế thái, nhân tình… Đại dịch Covid-19 đến, anh về lại Canada và chúng tôi không còn cơ hội gặp nhau tận mặt nữa…
Bây giờ anh đã đi xa, “ về với những người anh từng yêu thương nhất đã ra đi trước anh ”, như bà Carole viết trong thư báo tin anh mất. Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, bây giờ tôi chẳng còn giữ lại được gì nhiều về những hình ảnh của anh. Tất cả đều chỉ còn lại trong ký ức. Ký ức về những đêm quây quần quanh lửa trại hò hát những bài ca Dậy mà đi… Quảng Bình quê ta ơi… Ký ức về những ngày miệt mài làm báo Hội đến tận sáng. Những lần cùng nhau lái xe giữa trời đông tuyết lạnh vượt quãng đường 300 cây số từ nhà anh về Hội quán và những câu chuyện sôi nổi không dứt dọc đường. Những đêm tụm năm tụm ba ở nhà uống rượu và nói chuyện đời, chuyện đất nước. Những lần ngồi nghe anh làm phiên dịch cho Quyền Chủ tịch Nước, Bộ trưởng, Đại sứ, cho các đoàn trong nước sang công cán… Những buổi ngồi trong quán cà phê nghe anh kể chuyện giảng dạy, hướng dẫn học trò. Những lần cùng nhau đi Singapore thời còn cấm vận và tìm cách mang những thứ “ Mỹ cấm ” về nước: máy vi tính, thiết bị viễn thông… Những lúc bàn chuyện đóng góp cho một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. “ Như cha tôi đã dạy lúc ông còn sống : học để đóng góp cho Tổ quốc, dân tộc. Đó là điều tôi suốt đời tâm nguyện ”, như anh vẫn nói với tôi.
Nhưng đọng lại trên tất cả, trong tôi, vào giờ phút này, là hình ảnh một chàng trí thức Việt kiều đeo túi dết, ngồi chông chênh trên pooc-ba-ga cái xe đạp do ông Chủ nhiệm Khoa cầm lái và cong lưng đạp trên con đường Đại Cồ Việt đầy ổ gà và bụi trong ánh sáng của buổi bình minh đang ló dạng phía chân trời.
Nguyễn V. Hương
nguồn : tác giả gửi cho Diễn Đàn ngày 13.2.2023