Di sản của "Họa sĩ biếm số một Việt Nam" được tập hợp lại trong tác phẩm "Nghề cười" - một tuyển tập đồ sộ gồm 100 trang màu tranh hí họa và biếm họa, những bức thư thật xúc động...
Chóe và "Nghề cười" (2013) |
Họa sĩ Chóe tên thật là Nguyễn Hải Chí, sinh ngày 11/11/1943 tại Chợ Mới, An Giang. Do gia đình rất nghèo, Hải Chí phải nghỉ học từ rất sớm để đi làm kiếm sống. Ông làm nhiều nghề trước khi đến với nghiệp Báo. Tác phẩm chính thức ra mắt độc giả trước hết là truyện ngắn và thơ, sau đó mới vẽ tranh nhưng lại gây sự chú ý đặc biệt ở nhiều bức tranh hí họa, biếm họa.
Ông từng kể: "Lần đầu tiên tôi vẽ chơi là năm 6 tuổi, học lớp 5 trường làng (bây giờ là lớp 1). Không hiểu ông thầy giáo nổi hứng sao đó mà bắt lũ học trò mới học ABC chúng tôi vẽ chân dung tự họa. Tôi được khen vẽ rất giống. Bức vẽ của tôi được dán lên bảng của trường học. Thế là tôi "nổi tiếng" chẳng những ở cái lớp Năm của tôi mà còn "nổi tiếng" cả ở lớp Tư, lớp Ba nữa. Từ đấy công việc của tôi rất ư là bận rộn."
21 tuổi, Hải Chí lên Sài Gòn. Tại đây anh làm quen với Loan - một cô gái đất Bắc được anh mô tả là "có giọng nói ngọt ngào mà liến thoắng". Đeo đuổi cô, ngoài Hải Chí còn có vài ba người khác: một anh chàng sinh viên, hai ba chàng sĩ quan, vài chàng con nhà giàu. "Mặc cảm vì mình trơn tru thua kém người ta, nghề vẽ lại không đủ để nuôi thân. Tình cờ biết được cô Loan là độc giả của một tờ tạp chí, tôi bèn làm thơ để gửi cho tờ tạp chí ấy".
Cái duyên "tán gái" như ông kể đưa ông đến với nghề báo, và sau đó là nghiệp vẽ. Nó mang lại cho ông cả người vợ, sự nghiệp và những bất trắc trong sự nghiệp. Về cái tên Choé cũng đến rất tình cờ. Nhà văn Viên Linh, chủ bút mới của tuần báo Diễn đàn khi đó, bảo: “Cậu là Chí, vậy thì ký là Choé đi". Thế là thành cái tên Chí Chóe. Nghe vui tai.
Tháng 1971, Chóe xuất hiện trên nhật báo Sóng Thần và trở thành họa sĩ hí họa từ năm 1972. Biếm họa nổi tiếng nhất của ông có lẽ là bức vẽ Tổng thống Richard Nixon và lãnh tụ Mao Trạch Đông dang tay chào đón nhau, trải dưới chân họ là thân xác người Việt Nam bị kìm kẹp trong gông cùm, đinh sắt. Năm ấy Chóe 29 tuổi.
Nixon - Mao Trạch Đông - biếm họa nổi tiếng năm 1972 |
Một số báo ngoại quốc tại Mỹ, Pháp, Đức trích in các bức họa của Chóe trên Sóng Thần và nhà xuất bản Glade Publications đã chọn lọc và cho xuất bản tập tranh của Chóe với tên The World of Chóe vào cuối năm 1973 tại Mỹ.
Cây cọ của ông không nể nang một ai trong những thời điểm nhạy cảm và nguy hiểm nhất. Cũng vì thế, ông từng bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Sau giải phóng, tranh của ông lại tiếp tục xuất hiện trên rất nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, nhũng nhiễu và tiêu cực.
Năm 1990, Chóe từng chán nản, gần như tuyệt vọng, quyết buông cái nghiệp biếm họa, nhưng rất may sau đó ông đã gượng lại được, vẽ cật lực không ngừng. Họa sĩ Lý Trực Dũng - tác giả của "Biếm họa Việt Nam" (2011) kể về ấn tượng cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Nguyễn Hải Chí năm 1998: "Choé là một người to lớn, tướng hao hao văn hào Hemingway, râu ria xồm xoàm, đeo kính trắng. Anh bắt tay tôi rất chặt".
Cuối đời, bệnh tiểu đường đã cướp dần đi thị lực của người họa sĩ. "Khi biết mình bệnh, anh mong sao sống thêm 5 năm để vẽ nốt những mảng đề tài còn dở dang. Nhưng nửa chừng, Choé phải ra đi mãi mãi, mang theo nỗi cô đơn sâu thẳm trong lòng về số phận con người và thời cuộc" - Lý Trực Dũng kể lại.
Họa sĩ Chóe Nguyễn Hải Chí đã trút thở hơi cuối cùng ngày 12/3/2003 tại bệnh viện Fairfax bang Virginia (Mỹ) và được an táng tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
"Em vứt đi ngọn lửa
Ta từ bỏ kiếp rơm
Để đời sau không còn là tro bụi." (Họa sĩ Chóe - Nguyễn Hải Chí)
Hồ Hương Giang
Chóe viết nhạc và làm album nhưng chỉ để nghe và tặng bạn bè. Một năm sau thì anh ra đi. Không ngờ đó là lần cuối tôi gặp anh. Bài viết này ghi lại vài hồi ức như lời tưởng niệm nhân dịp giỗ lần thứ 12 của anh.
Tôi biết Chóe từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 1973, lúc chúng tôi gặp nhau ở tòa soạn nhật báo Hòa Bình thì mới quen. Trái với khổ người cao to, mặt mày râu ria trông rất dữ tợn, Chóe lại rất hiền, ít nói. Khi nói thì nhỏ nhẹ từ tốn. Buổi sáng, sau khi đến Sóng Thần, anh ghé lại Hòa Bình, trong lúc chờ thư ký tòa soạn Tô Văn gợi ý đặt hàng hôm nay CAP (tức CHÓE) vẽ gì, chúng tôi ngồi tán gẫu với nhau…
Những năm cuối 1980, Chóe vẽ tranh màu nước chấm phá thêm nét bút sắt gửi bán ở các cửa hàng tranh kiếm sống. Tranh Chóe bán khá chạy vì khá mới lạ. Anh lấy luôn tên Chóe ký dưới những bức tranh nghệ thuật chứ không chỉ là bút danh vẽ biếm… Năm 1990, nghe tin anh cộng tác với tờ Lao Động Chủ Nhật, tôi đến gặp anh ở căn tin báo trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện TAND TP.HCM, nhâm nhi vài ly bia, nhắc lại chuyện làm báo ngày trước. Nhân nhắc chuyện cũ, tôi hỏi: Hồi đó anh vẽ biếm “cà khịa” toàn thứ dữ như ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Trần Văn Hương, ông Nguyễn Cao Kỳ…, bộ anh không sợ họ “xơi” sao? Chóe cười hiền lành: Đúng là bấy giờ tôi khá liều mạng. Đã từng nhiều lần bị đe dọa nhưng mình nghĩ “chúng dọa bắn chưa chắc chúng bắn. Bắn chưa chắc trúng. Mà lỡ trúng chưa chắc chết!”.
Họa sĩ Chóe diện kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô Đệ nhị năm 1998. Ảnh gia đình cung cấp.
“Biếm sĩ” đắt sô
Trước năm 1975 ở Sài Gòn báo nào cũng cần có một họa sĩ vẽ biếm, nhiều báo tranh nhau mời Chóe nhưng anh là cây cọ biếm độc quyền của Sóng Thần nên Chóe phải đổi bút danh khi “chạy sô” cho các báo khác. Anh ký tên CAP trên tờ Hòa Bình, KIT trên tờ Đại Dân Tộc… Ngoài ra từ cuối năm 1971, sau khi chỉ còn liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương ứng cử và đắc cử tổng thống, do các liên danh khác tẩy chay, mà báo chí Sài Gòn bấy giờ gọi là “độc diễn”, ông Chu Tử bèn dành cho Chóe một góc trang nhất Sóng Thần để vẽ loạt tranh biếm liên hoàn - cartoon - trên mục Hí độc diễn, ký tên Hí, chủ yếu “cà khịa” Nguyễn Văn Thiệu. Ngày hôm trước tin tức ông Thiệu làm gì thì y như ngay hôm sau đã được Hí - tức Chóe - cho lên báo với các hành động ông Thiệu vừa làm. Chỉ trong ba ô tranh với vài nét là ra khuôn mặt Nguyễn Văn Thiệu rất sinh động! Sau này Chóe cũng vẽ loạt cartoon ký tên Trần Ai trên báo Lao Động Chủ Nhật nhưng không mấy thành công vì nhân vật thiếu cá tính.
Tôi hỏi Chóe anh có học “thần tướng họa” kiểu Hoàng Lập Ngôn không mà chỉ vài nét đã hiện ngay khuôn mặt của các nhân vật? Chóe bảo: “Như ông biết, hồi nhỏ tôi có được học hành vẽ vời gì đâu. Chỉ là thích rồi tự mày mò. Có người bảo là tôi có khiếu. Không hiểu sao chỉ nhìn thoáng qua là tôi nắm bắt được cái nét chính của khuôn mặt nhân vật. Như mặt ông Thiệu thì miệng mím lại, hai con mắt như không có tròng trắng. Nguyễn Cao Kỳ thì ngoài bộ râu kẽm ra, hai con mắt giống như hai vỏ nghêu úp xuống…”. Chóe tâm sự: “Tôi có thể tóm tắt đời tôi thế này: Nửa đầu đời tôi, tôi đã làm những điều mà tôi chưa học. Nửa sau đời tôi, tôi học những điều mà tôi đã làm”. Rồi Chóe kể hồi nhỏ anh rất mê vẽ và tạc tượng. Ngồi đâu cũng vẽ, bằng cục gạch trên nền đất hay trên tường, hay kiếm đất sét nặn đủ thứ tượng. Lúc anh 10 tuổi, học lớp nhì (lớp 4 bây giờ) ở trường huyện Chợ Mới, An Giang, quê anh. Một lần anh nặn tượng ông cò người Pháp mà anh vẫn thấy ông cầm ba-toong đi vòng quanh khu phố chợ. Ông ta bắt gặp, thu cái tượng đất và xách tai anh tới trường mách thầy hiệu trưởng. Thầy phải xin lỗi ông Tây và hứa sẽ phạt cậu học trò nghịch ngợm. Thầy làm mặt nghiêm, bắt anh quỳ giữa sân trường. Nhưng sau khi ông Tây về, thầy bụm miệng cười nói với mấy thầy cô thằng nhỏ nặn ông cò giống quá trời. Rồi thầy tha cho về nhưng tịch thu cái tượng đất sét. Đó là kỷ niệm mà anh không bao giờ quên.
Cà khịa cả tổng thống
Chóe kể hồi đó tranh anh vẽ biếm về Nixon và Kissinger nhiều không nhớ hết. Người Mỹ rất khoái biếm họa của Chóe. Năm 1973, một nhà xuất bản của Mỹ sang Việt Nam thương lượng với anh in một tuyển tập. Còn Nguyễn Văn Thiệu thì rất lỳ, ông ta “lơ”, không quan tâm tới loạt cartoon Hí độc diễn của anh trên Sóng Thần. Nhưng có lần Chóe bị Chánh án Tối cao Pháp viện Trần Thúc Linh kiện ra tòa về tội phỉ báng. Trong một tranh biếm, Chóe vẽ ông Linh đội mũ chánh án, mặt dài như mặt ngựa, lưng như lưng lừa, khom xuống đỡ cái ghế tổng thống, ý nói ông Linh nịnh bợ ông Thiệu, công nhận cuộc bầu cử độc diễn của liên danh Thiệu-Hương là hợp hiến. Chóe bảo may mà ông chánh tòa sơ thẩm vốn là một nhà báo đàn anh đã bác đơn kiện của ông Linh vì không đủ yếu tố buộc tội Chóe. Một tranh khác Chóe vẽ ông Trần Văn Hương quỳ khom giống con chó đá trước sân đình, cõng Nguyễn Văn Thiệu trên lưng (ông Hương ứng cử phó tổng thống cùng liên danh ông Thiệu). Nhưng Chóe đã bị nhiều người vốn là học trò cũ của ông Hương giận dữ, phê phán anh rất nặng, nói anh là “đồ vẽ tranh độc ác”.
Ký nhiều bút danh khác nhau trên nhiều báo nhưng tựu trung lại, chỉ tên CHÓE là nổi đình nổi đám nhất, dù các tranh ký CAP, KIT, HÍ, TA… cũng tạo được những ấn tượng không kém. Có lẽ do những bức hí họa ký tên Chóe trên Sóng Thần hấp dẫn người xem và “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả bấy giờ đang rất bức xúc về thân phận người Việt Nam một cổ đôi ba tròng. Tên tuổi Chóe đã vượt ra ngoài đất nước. Bút danh Chóe át hẳn các bút danh còn lại của anh. Người ta chỉ còn nhớ tên Chóe, quên cả tên thật Nguyễn Hải Chí. Năm 1995, Chóe tham gia triển lãm tranh biếm ở Nhật rất thành công. Năm 1998, Chóe mang tranh nghệ thuật sang trưng bày ở Paris (Pháp), được giới hội họa và người thưởng ngoạn mỹ thuật ở kinh đô ánh sáng đánh giá cao. Và nhất là tranh anh bán rất tốt. Dịp này anh và vợ cũng sang Ý thăm Roma và được diện kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô đệ nhị.
Không chỉ là biếm họa
Mặc dù nổi tiếng với bút danh Chóe gắn liền với mảng tranh biếm - mà Chóe vẫn thích gọi là “hí họa” nhưng tranh nghệ thuật của Chóe cũng rất được nhiều người sưu tập, họ đến tận nhà mua tranh anh nên Chóe ít tham gia triển lãm. Đặc biệt những bức chân dung hí họa bằng màu nước các nhân vật nổi tiếng của Chóe được nhiều người quan tâm. Như loạt hí họa 42 đời tổng thống Mỹ, từ G. Washington đến Bill Clinton; những phụ nữ đoạt giải Nobel; các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam như Victor Hugo, William Shakespear, Walt Disney, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu… Dưới mắt Chóe, họ trông thật ngộ nghĩnh nhưng những hí họa của anh đã lột tả được tính cách từng người.
Mấy năm cuối đời, Chóe bị mù hẳn một con mắt do bị bệnh đái tháo đường lâu năm biến chứng nhập vào. Một con mắt còn lại mờ nhiều, anh đã qua Pháp, Mỹ điều trị nhưng không khả quan. Năm 2002, tôi đến thăm Chóe ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Anh đọc cho tôi nghe mấy bài thơ ngắn đầy tính triết lý anh làm trong thời gian khốn khó nhất. Chóe bảo một mắt hỏng rồi, con còn lại quá mờ không vẽ được nữa, mình tính cầm bút viết lại. “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết nhờ mình viết một loạt hài kịch, mình đã nhận lời, đang thử viết xem sao... Chóe còn viết nhạc và làm album với các giọng ca nổi tiếng: Lệ Thu, Cẩm Vân, Hồng Nhung… Nhưng Chóe bảo làm để nghe và tặng bạn bè nghe chơi thôi. Anh tặng tôi một album. Không ngờ đó là lần cuối tôi gặp anh.
Khởi đầu vẽ biếm do “đóng thế vai” Trước khi vẽ biếm với bút danh Chóe từ năm 1969, tay cọ tài hoa này đã từng viết truyện ngắn, vẽ minh họa cho các tạp chí văn học nghệ thuật ở Sài Gòn, ký tên thật Nguyễn Hải Chí. Nguyên nhân chuyển sang vẽ biếm, theo lời Chóe: “Một hôm ông họa sĩ chuyên vẽ biếm cho tờ tạp chí văn học nghệ thuật mà tôi đang cộng tác đi ngao du sơn thủy biệt dạng. Ông thư ký tòa soạn quýnh quá bèn bảo tôi vẽ biếm thử xem. Thấy tôi vẽ cũng được, ổng “bắt cóc” luôn! Cả cái bút danh Chóe cũng do ổng đặt. Bởi tên tôi là Chí, ổng bảo cậu ký là Chóe luôn đi. “Chí chóe” - lắm điều. Mà mình vốn ít lời mới oan chứ”. |
Được coi là cây biếm họa số một Việt Nam, Nguyễn Hải Chí đang ở thời kỳ rực rỡ trong sự nghiệp sáng tác. Tuy nhiên, họa sĩ phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã: đôi mắt của ông gần như không nhìn thấy gì nữa.
- Ông hãy nói sơ qua về bệnh tình của mình?
- Tôi đã qua 5 lần phẫu thuật mắt tại Pháp nhưng chỉ cứu được mắt trái và thị lực chỉ còn 1/10. Bây giờ, mọi vật xung quanh, tôi chỉ thấy mờ mờ. Căn bệnh này do biến chứng của bệnh tiểu đường, tất cả chỉ vì tôi thiếu hiểu biết, không chữa trị đúng phương pháp. Thú thực, lúc đầu nghe bác sĩ nói về tình trạng đôi mắt, tôi bị sốc, nhưng bây giờ, tôi đã bình tâm trở lại và sẵn sàng đón nhận những điều nghiệt ngã nhất.
- Ông đến với tranh biếm họa như thế nào?
- Tôi đến với nghệ thuật vì... mê gái. Năm 20 tuổi, tôi thầm yêu trộm nhớ một cô gái Sài Gòn. Cô ấy có cả một tá sĩ quan chế độ cũ săn đón, còn tôi chỉ là một anh chàng thất học, không mong gì lọt vào mắt xanh người đẹp... Tôi biết nàng là độc giả của một tờ báo, vậy là tôi liều mạng sáng tác truyện ngắn với hy vọng sẽ được đăng. Làm liều thế mà năm 1969, tôi đoạt giải nhất truyện ngắn và cũng nhờ viết lách, tôi quen biết với làng báo Sài Gòn trong đó có nhà văn Viên Linh - chủ bút tờ Diễn đàn. Khi họa sĩ chính của tờ báo này ra đi, bí quá, Viên Linh mới bảo tôi: “Ông thử vẽ đi!”. Trước đây tôi chỉ mày mò học của một thầy giáo làng, nhưng nể bạn cứ vẽ liều. Vẽ xong, chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo: “Ông tên Chí, vậy thì ký là Choé!”. Tôi nghe cái tên này thấy cũng kêu, vậy là thành bút danh. Từ đó, tôi chuyển sang vẽ và cũng đam mê không kém gì văn chương.
- Thế còn cô gái Sài Gòn mà ông si mê?
- À, cô ấy tên là Nguyễn Thị Kim Loan, sau đó, nàng lấy chồng, bây giờ đã là mẹ của 4 đứa con gọi họa sĩ Choé bằng bố!
- Ông vẽ tranh biếm họa theo quan điểm nào?
- Tôi đến với nghệ thuật chỉ là làm liều nhưng với riêng tranh biếm thì tôi vẽ theo sự liên tưởng giữa người, vật và thiên nhiên.
- Ông sẽ làm gì khi không có khả năng nhìn mọi vật xung quanh để vẽ?
- Với bệnh trạng như hiện nay, tôi không thể vẽ tranh minh họa, nhưng tôi sẽ chuyển sang tranh tường. Tôi cũng có ý định viết truyện ngắn hoặc sáng tác nhạc, nhưng cần phải có thư ký riêng. Vợ tôi có thể ghi giùm các truyện nhưng ghi nhạc thì khó quá. Dẫu sao, tôi vẫn cố gắng làm một cái gì đó, nằm một chỗ bực bội lắm!
(Theo Thanh Niên)
Choé
Nguyễn Hải Chí | |
---|---|
Họa sĩ Chóe | |
Sinh | 11 tháng 11, 1943 An Giang, Việt Nam |
Mất | 12 tháng 3, 2003 (59 tuổi) Virginia, Hoa Kỳ |
Nghề nghiệp | Họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ |
Nguyễn Hải Chí (sinh 11 tháng 11 năm 1943 - mất 12 tháng 3 năm 2003) là một họa sĩ vẽ tranh biếm của Việt Nam, nổi tiếng với bút danh Chóe[1][2], ngoài ra ông còn có bút danh Trần Ai, Cap, Kit. Ông được coi là "họa sĩ biếm số một của Việt Nam" với những tranh biếm đặc sắc phê phán những thói hư tật xấu của xã hội qua nhiều thời kỳ[1][3]. Ông vẽ chủ yếu là tranh sơn dầu, giấy dó và tranh lụa. Ngoài vẽ, Chóe còn được biết đến như một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ[2].
Tiểu sử & sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Nguyễn Hải Chí sinh ngày 11 tháng 11 năm 1943 tại Cái Tàu Thượng, tức làng Hội An thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (từ năm 1957 đến nay là xã Hội An thuộc quận và sau đó là huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Sau đó gia đình ông chuyển về dưới chân Núi Sam, thuộc xã Vĩnh Tế, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (nay đã chia thành xã Vĩnh Tế và phường Núi Sam cùng thuộc thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang).
Do hoàn cảnh gia đình rất nghèo, ông phải nghỉ học từ năm lớp 2[3], đi làm kiếm sống từ năm 9 tuổi. Ông làm đủ nghề: đập đá, đốn củi, chăn bò mướn...
Năm 1960, bị cán bộ Cộng sản ép lên núi hoạt động du kích nên ông bỏ trốn về Mỹ Tho, xin làm việc tại một phòng vẽ quảng cáo và học vẽ tại đây.
Năm 1963, ông làm thơ đăng báo để tán tỉnh cô Nguyễn Thị Kim Loan, người sau này trở thành vợ ông.
Năm 1964, ông đi quân dịch, năm sau được chuyển về làm việc tại Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lúc này ông bắt đầu làm thơ, viết truyện gửi đăng báo. Năm 1966 ông được báo Tiền Tuyến trao giải "Truyện ngắn xuất sắc nhất." Từ đó ông đã thâm nhập vào làng báo Sài Gòn
Cuối năm 1969, ông chuyển qua vẽ hí họa cho tờ Diễn đàn, từ đây ký tên Chóe, nghệ danh do nhà văn Viên Linh đặt, lúc đó là chủ bút báo Diễn đàn[2][4]. Sau đó ông còn vẽ cho nhật báo Báo Đen năm 1970, nhưng vẫn chưa được nhiều người lưu ý.
Năm 1971, ông chuyển qua cộng tác với báo Sóng Thần. Tại đây ông bắt đầu được biết tới, và nổi tiếng từ mùa hè năm 1972. Các tranh biếm của ông được các báo danh tiếng thế giới như The New York Times, Newsweek...chọn đăng[3][5]. Ông còn viết thêm truyện dài đăng hàng ngày với tựa đề "Cái gọi là".[4]
Trong giai đoạn nóng bỏng của chiến tranh Việt Nam, ông đã vẽ nhiều nhân vật nổi tiếng: Richard Nixon, Henry Kissinger, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hương, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ... Một số tranh của ông đã đụng đến vấn đề nhạy cảm do đó ông bị chính quyền bắt giam từ tháng 2 năm 1975. Thời gian ở tù như bị giam lỏng, cả ngày ông chỉ chơi cờ tướng và đọc truyện kiếm hiệp,[6] và ông tự học đàn và sáng tác nhạc trong thời gian ở tù.[1]
Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 diễn ra, Nguyễn Hải Chí tự thoát khỏi nhà ngục sau 3 tháng ở tù. Mấy tháng sau ông được nhận vào làm báo Lao động Mới với nhiệm vụ trình bày tờ báo.[4]
Tháng 4 năm 1976, có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng “phản động”: Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang... ông bị bắt đi học tập cải tạo cho đến cuối năm 1985 tại các nhà giam Chí Hòa rồi trại cải tạo Gia Trung, Pleiku. Sau đó ông vượt biên nhưng bị bắt và phải trở lại tù thêm lần nữa.
Từ năm 1990, do không xác định được thời hạn tù, ông bị từ chối đơn xuất cảnh theo diện H.O. Ông ở lại Việt Nam hành nghề vẽ tranh bán cho khách nước ngoài. Ông cộng tác với phòng tranh Tự Do tại Thành phố Hồ Chí Minh, để trưng bày và bán tranh lụa, giấy dó và tranh sơn dầu, ký tên Vân Bích.[7] Ít lâu sau, ông được nhiều tờ báo trong nước đề nghị cộng tác trở lại. Tranh của ông tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực của xã hội.
Năm 1997, Chóe bị đột quỵ, dẫn đến bại liệt một thời gian. Trước đó ông cũng đã mắc phải bệnh tiểu đường. Từ năm 1998 tới 2001, ông có 2 lần sang Pháp điều trị nhưng không thuyên giảm. Từ năm 2001, ông bắt đầu đi đứng khó khăn, mù mắt trái, mờ mắt phải, từ đó không vẽ nữa mà chuyển qua làm thơ, viết nhạc.[3]
Cuối năm 2002, ông được bạn bè giúp đỡ đưa sang Virginia, Hoa Kỳ chữa bệnh. Ngày 22 tháng 2 năm 2003, ông đột ngột bị ngộp thớ, 10 ngày sau đột quỵ và đứt mạch máu não.
3 giờ 50 phút sáng ngày 12 tháng 3 năm 2003, ông qua đời tại bệnh viện Fairfax, Virginia. Lễ tang được cử hành tại nhà thờ các thánh tử đạo Arlington, sau đó được đưa về Việt Nam an táng tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.[1][4]
Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]
Ngoài rất nhiều tranh biếm đã được đăng trên các báo, còn những tuyển tập thu thập các tác phẩm của Chóe:
- Sách
- The World of Chóe (Thế giới của Chóe), do nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số tranh biếm họa của ông, do nhà xuất bản Glade Publications ấn hành tại Mỹ năm 1973.
- Lai rai vẽ viết - bút ký (nxb Lao động, 1992)
- Tử tội - tuyển tập tranh hí họa, thơ, văn, nhạc (nxb Tiếng quê hương, Hoa Kỳ, 2001) [8]
- Nghề cười, tuyển tập tranh, thơ, văn, nhạc (nxb Văn hóa Văn nghệ, 2013) [9]
- Một số ca khúc
Vinh dự[sửa | sửa mã nguồn]
Trong sự nghiệp đồ sộ của mình, họa sĩ Chóe đã được nhiều vinh dự trong lẫn ngoài nước:
- Năm 1966, ông được báo Tiền tuyến trao giải "truyện ngắn xuất sắc".
- Năm 1973, nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số tác phẩm của ông định in thành sách phát hành tại Mỹ dưới tên "The World of Chóe" (Thế giới của Chóe) và gọi ông là "cây biếm hoạ số 1 của Việt Nam", nhưng ý định này đã bị Bộ ngoại giao Mỹ cản trở.[cần dẫn nguồn]
- Năm 1973, tuần báo New York Times bình chọn Chóe là một trong 8 họa sĩ biếm họa xuất sắc trên thế giới của thập niên 1970.
- Năm 1995, Chóe được Phó tổng lãnh sự Nhật Bản mời tham dự cuộc triển lãm tranh quốc tế với chủ đề "Phụ nữ nước tôi" tổ chức tại một số thành phố ở Nhật.
- Ông được tuần báo L'Hebdo của Pháp chọn là một trong 6 người Việt tiêu biểu từ 1975 tới 1995 với đặc trưng là "Họa sĩ bướng bỉnh".
- Năm 1998, ông có cuộc triển lãm tranh tại Pháp. Khi tới thăm Roma, ông được đặc ân diện kiến đức Giáo hoàng John Paul II tại Tòa thánh Vatican.
- Năm 2004, 29 tranh chân dung của Chóe về những người phụ nữ đoạt giải thưởng Nobel được trưng bày ở Stockholm nhân "Ngày Việt Nam" ở Thụy Điển.[1][3][4]
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ a b c d e “Họa sĩ Choé sắp tạm biệt thế giới tranh biếm họa - VnExpress Giải Trí”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
- ^ a b c Nhớ Chóe và thơ Lưu trữ 2009-08-20 tại Wayback Machine- evan
- ^ a b c d e Họa sĩ Chóe còn "Choé" tận Mỹ - thethaovanhoa.vn
- ^ a b c d e f Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênct
- ^ Lisa B.W. Drummond và Mandy Thomas (2003). Consuming urban culture in contemporary Vietnam. RoutledgeCurzon. tr. 97. ISBN 0415296897.
- ^ Chơi, tự thuật của Chóe, trích từ Tuyển tập Tử Tội
- ^ Sài Gòn, 27 ngày xem tranh Choé, Lao động, 4/5/2013
- ^ Tử tội
- ^ Chóe - người không nể nang cả Tổng thống, Vietnamnet, 09/03/2013
- ^ Vietnam and Asia Choe Cartoon Lưu trữ 2008-11-02 tại Wayback Machine - vicnet
Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]
- Các bài viết về Chóe và tranh vẽ của Chóe Lưu trữ 2010-10-29 tại Wayback Machine tại Tạp chí Cỏ Thơm.
- Choe: the Vietnamese best known cartoonist Lưu trữ 2008-11-02 tại Wayback Machine tại trang vicnet.net.au.
- Biếm họa của Chóe tại watermargin.com.
- Hí họa với chiếu sâu của Chóe Nguyễn Hải Chí Lưu trữ 2010-10-29 tại Wayback Machine, biên soạn Phan Anh Dũng, Cỏ Thơm Magazin.
- Những nét cọ rất đời của Chóe, VnExpress