Sự thay đổi hệ giá trị của gia đình là một quá trình lâu dài, trên nhiều phương diện và xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ đó nảy sinh hệ quả/hậu quả khác nhau. Toạ đàm Xuân năm nay, Người Đô Thị bàn về chủ đề này, với cuộc trò chuyện với tiến sĩ tâm lý và giáo dục Lê Nguyên Phương (*).
- Thay đổi xã hội làm đảo lộn nền nếp văn hóa
- Nhà dột từ nóc
- Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt!
Tình cảm gia đình là một trong những tình cảm đẹp đẽ nhất của con người, đó còn là đạo lý làm người và điều này là một giá trị phổ quát trong mọi xã hội, song những chuyển biến thực tế trong xã hội Việt Nam hiện nay, cần được luận giải như thế nào?
TS. Lê Nguyên Phương: Đất nước Việt Nam trên hai thế kỷ qua đã chứng kiến nhiều bệnh thái, tính từ sự trì trệ cuối triều Nguyễn, đến sự đô hộ của Pháp rồi đến những cuộc chiến xảy ra trên mảnh đất này, vì thế sự so sánh hiện trạng xã hội với một vài không gian và thời gian nhất định trong khoảng 50 năm trước chưa thật sự cho chúng ta bức tranh toàn cảnh về sự suy thoái đạo lý thể hiện trong từng gia đình mà chúng ta gọi là gia phong.
TS tâm lý và giáo dục Lê Nguyên Phương. Ảnh: TLNV |
Sự thay đổi chính trị qua thời cuộc dẫn đến thay đổi, thậm chí phá hủy văn hóa truyền thống. Đó là chưa kể những thành phần tinh hoa của dân tộc, thường là xuất thân từ những gia đình có gia phong lâu đời cũng bị tiêu diệt trong những cuộc thanh lọc nội bộ hay qua đấu tranh phe phái.
Ngoài ra, trong một quốc gia luôn cần có thành phần trí thức và những tổ chức dân sự trí thức đảm nhiệm việc làm bộ lọc sự du nhập văn hóa bên ngoài đảm đương cho sự quá tải trong công việc và giới hạn trong chuyên môn của chính quyền, cũng như cân bằng lẫn hóa giải những mục đích thuần mưu lợi của doanh nghiệp.
Vì thế sự vắng bóng những định chế trong không gian công này cũng tạo điều kiện cho sự xâm nhâp và bành trướng của những tập tục đôi khi rất cạn cợt từ văn hóa ngoại bang, hay chính xác hơn là sự bắt chước đôi khi rất ngớ ngẩn những tập tục ở tầng mặt mà không chuyển tải hay học hỏi được những giá trị nói riêng và văn hóa nói chung vốn là nền tảng của các tập tục ấy.
Trong một quốc gia luôn cần có thành phần trí thức và những tổ chức dân sự trí thức đảm nhiệm việc làm bộ lọc sự du nhập văn hóa bên ngoài...
Một điều nữa là trong các giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay, cũng như việc khung luật pháp và cơ cấu hệ thống chưa bắt kịp với những biến chuyển đó đã vô tình hay hữu ý tạo điều kiện làm giàu nhanh chóng của một bộ phận chưa đủ năng lực lẫn đạo đức để hình thành nên một tầng lớp tinh hoa hay ưu tú của quốc gia.
Việc trở nên giàu có chỉ trong một thế hệ hay thậm chỉ chỉ vài năm bằng những phương cách đôi khi không minh bạch đã khiến cho thành phần này thiếu thời gian đãi lọc những giá trị riêng cho gia tộc, xây dựng những quan niệm và triết lý sống mang tính phổ quát và vĩnh cửu, và vì thế cũng sẽ thiếu tính chất quý tộc và văn hóa của một tầng lớp thực sự xứng đáng được gọi là thượng lưu.
Gia phong là một từ dùng chỉ chung cho văn hóa, cách nghĩ, cách ứng xử của gia đình, gia tộc. Theo đó, gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình có gia giáo, tức là sự giáo dục trong mỗi gia đình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng từ trong truyền thống xa xưa của người Việt, cái riêng biệt gia phong ấy, vì sao lại là giá trị chung của cả cộng đồng?
Gia phong tuy là nếp nhà riêng biệt của từng gia đình được thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, lần cách hành xử của mỗi thành viên trong gia đình đó, nhưng chính gia phong cũng là cành ngọn hay hoa lá của nền văn hóa chung của cộng đồng, dân tộc, hay quốc gia đó.
Nền văn hóa của bộ phận nhân loại đó cũng chia sẻ một số giá trị nền tảng phổ quát của nhân loại, của mọi nền văn minh từ xưa đến nay, cái mẫu số chung của tâm lý con người. Từ góc nhìn tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học chiều sâu (depth psychology), chúng ta có được những hiểu biết sâu sắc về cách thức các diễn trình vô thức biểu hiện trong xã hội và văn hóa, cũng như cách văn hóa ảnh hưởng ngược lại đến tâm lý trong một tương quan tức thời và năng động.
Ngoài ra, ở bình diện cấu trúc, gia phong của các gia đình ảnh hưởng đến cộng đồng thông qua hoạt động cá nhân hay tập thể của con cháu trong gia đình. Thường là thành phần trí thức của xã hội. Những trí thức này bằng phương tiện nghề nghiệp chuyên môn, những hoạt động văn hóa hay từ thiện của mình đã nêu cao tinh thần lẫn củng cố những giá trị văn hóa chung và gia phong riêng. Cho nên, tương quan giữa gia phong và giá trị cộng đồng là một tương quan hai chiều.
Ngày Tết trong gia đình người Việt xưa với phong tục chúc tết, mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Ảnh: Tư liệu
Những cột mốc lịch sử, thường được các nhà xã hội học nghiên cứu về gia đình đánh dấu cho sự chuyển biến là năm 1945 (chấm dứt chế độ quân chủ); và từ năm 1986 (xoá bỏ bao cấp, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN). Trong đó đặc biệt là giai đoạn từ Đổi mới đến nay. Nhiều lời cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, kể cả trong gia đình, nguyên nhân từ điều được gọi là mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, sự phát triển internet và các ứng dụng liên kết xã hội. Ở khía cạnh xã hội học, nhìn nhận đâu là những thay đổi hệ giá trị gia đình theo qui luật phát triển tiến bộ, đâu là những tác động tiêu cực đến các giá trị văn hoá?
Khi chứng kiến những suy đồi trong văn hóa, đặc biệt là hành xử của con người trong xã hội, chúng ta thường quy lỗi cho “điều được gọi là mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, sự phát triển internet và các ứng dụng liên kết xã hội”. Chúng ta đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài mà phớt lờ những yêu tố bên trong, trong mỗi người, mỗi gia đình và của xã hội chúng ta.
So sánh đơn giản thì chúng ta cứ đổ lỗi cho vi trùng và vi khuẩn, trong khi toàn bộ cơ thể của chúng ta vốn vận hành tương thích lẫn tương thuộc với chúng. Chỉ khi nào chúng ta phá vỡ sự quân bình nội tại thì những yếu tố vốn làm lợi cho chúng ta mới sẽ trở thành những nhân tố làm hại chúng ta.
Chúng ta đi tìm một quy luật phát triển tiến bộ để thay đổi hay xây dựng những giá trị gia đình mới, nhưng không để ý rằng sự tiến bộ chân thực, đặc biệt khi nói đến những giá trị chân chính, không phải là một bảng kiểm so sánh với các quốc gia khác và đi tìm một quy luật ngoại tại. Việc du nhập những giá trị ngoại lai mang tính chất giai đoạn cho dù từ một triết gia vĩ đại nhất thế giới đôi khi còn nguy hiểm đến sinh mạng của một dân tộc như lịch sử đã chứng minh. Vì thế hành trình này cần phải được thực hiện bởi chính mỗi chúng ta phải, nhận diện điều chúng ta cần và chúng ta muốn cho chính sự tiến bộ cho mỗi chúng ta lẫn cho xã hội này.
Biểu hiện văn hóa của các giá trị chân thực của nhân loại sẽ có cái tiếp tục trường tồn có có cái sẽ thay đổi cho phù hợp với sự phát triển qua thời gian. Nhiệm vụ của trí thức hay là tầng lớp nắm giữ văn hiến của một quốc gia là “gạn đục khơi trong”, là thông hiểu trọn vẹn để diễn dịch lại các giá trị chân chính qua các tập quán, nghi lễ, tài liệu cổ xưa.
Chắc chắn môi trường xã hội có những tác động nhất định đến tâm lý và từ đó đến nhân cách của các thế hệ trẻ hiện nay, nhưng nếu cha mẹ của chúng đã chuẩn bị một liều vaccine văn hóa của trí tuệ, nhân ái, và dũng cảm cho trẻ trong suốt thời gian con còn sống dưới mái gia đình thì trẻ chắc chắn không thể nào có thể dễ dàng lây nhiễm những “thói hư tật xấu”.
Đôi khi khi ý nghĩa của những nghi lễ đã bị đánh mất thì nhiệm vụ của tầng lớp trí thức là nghiên cứu để thông hiểu, giữ lại cái cốt tủy đó rồi có thể diễn dịch lại sáng tạo lại cho phù hợp với các điều kiện thời đại.
Vì vậy, bất cứ nỗ lực thay đổi các yếu tố văn hóa nào cũng đòi hỏi sự thông hiểu sâu sắc ý nghĩa nền tảng của nền văn hóa đó và hiện tượng của yếu tố đó, rồi mới có thể ứng dụng và sáng tạo cho giai đoạn hiện tại. Thay đổi những yếu tố văn hóa bằng một ngọn lửa hay một nhát búa thì dễ dàng nhưng nông cạn biết bao. Chúng ta đã thấy những phong trào lẫn chính sách dùng búa và lửa để hủy diệt những biểu hiện của một nền văn hóa giúp chúng ta đứng vững ngàn năm trước ngoại xâm.
Nay có thể không còn tâm thế búa lửa nhưng lại xuất hiện tâm thế kim tiền sẽ lại tiếp tục phá hủy những giá trị còn sót lại.
Xu hướng cá nhân hoá trong xã hội văn minh, liệu có mâu thuẫn với các giá trị truyền thống của gia đình?
Đã gán cho xu hướng cá nhân hóa là thuộc về xã hội văn minh, và văn minh là đáng cho chúng ta học hỏi, thì có nghĩa là chúng ta cần phải tiếp thu xu hướng cá nhân hóa phải không? Thật ra, việc cho xu hướng hay chủ trương cá nhân thuộc xã hội hay văn minh phương Tây và xu hướng tập thể là của xã hội hay văn minh phương Đông là một sự phân chia mang tính võ đoán và giản đơn của các nghiên cứu liên văn hóa thời sơ khai mà chúng ta đến nay mới biết đến. Tìm hiểu và phân tích các văn hóa quốc gia thuộc châu Âu chẳng hạn, ngành Tâm lý học Tham vấn cho chúng ta thấy rõ tính gia đình thậm chí gia tộc vẫn còn rất đậm nét trong các nền văn hóa ngoài hệ Anglo-Saxon.
Nếu nhìn từ quan điểm của Karl Marx, xu hướng tập thể vốn phát xuất từ phương thức sản xuất nông nghiệp đôi khi là trang trại, cũng như những hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất của cộng đồng phải tồn tại khi những dịch vụ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm thất nghiệp cho cá nhân chưa hình thành. Vì thế việc phát triển tính cộng đồng và tính tập thể là cần thiết cho sự tồn tại của mỗi cá nhân và xã hội. Thế nhưng, trong một xã hội đặt nền tảng không chỉ ở công nghiệp, mà còn là xã hội của thương mại, số hóa, thông tin, v.v… như hiện nay thì các hình thức đại gia đình và sản xuất tập thể đã không còn thích hợp nữa và vì thế chắc chắn xu hướng tập thể cũng phai nhạt dần.
Như vậy cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa cá nhân thật ra là sự phát triển tự nhiên và phù hợp với các hình thức và phương thức sản xuất mới. Khi những giá trị cốt lõi và nhân bản vẫn được duy trì và chỉ có sự thay đổi hình thức biểu hiện thì thật ra không có gì là mâu thuẫn.
Nếu cha mẹ đã chuẩn bị một liều vaccine văn hóa của trí tuệ, nhân ái, và dũng cảm cho con trẻ trong suốt thời gian con còn sống dưới mái gia đình thì trẻ chắc chắn không thể nào có thể dễ dàng lây nhiễm những “thói hư tật xấu”. Ảnh: Tăng Quang Trọng
Những bất cập không thể không nói đến trong xã hội hiện nay là giáo dục ở nhà trường, và môi trường xã hội (tình trạng gian dối, khoe khoang, bệnh thành tích, tham nhũng...) tác động lớn đến việc hình thành nhân cách con người, đồng thời là nguy cơ phá vỡ hệ giá trị văn hoá gia đình...
Khi đã nói về gia phong thì chúng ta cũng cần tin tưởng vào giá trị của gia phong trong việc gìn giữ hệ giá trị văn hóa gia đình. Trải qua bao cuộc biển dâu ở Việt Nam, một số gia đình dù bị đày đọa đến nhà tan cửa nát, nhưng khi có cơ hội họ vẫn phục hưng, ít nhất còn giữ được những đức tính cao quý như hiếu học, thương người, cầu tiến, v.v… mặc dù những tập tục cũng như cấu trúc gia tộc đã thay đổi nhiều.
Chắc chắn môi trường xã hội có những tác động nhất định đến tâm lý và từ đó đến nhân cách của các thế hệ trẻ hiện nay, nhưng nếu cha mẹ của chúng đã chuẩn bị một liều vaccine văn hóa của trí tuệ, nhân ái, và dũng cảm cho trẻ trong suốt thời gian con còn sống dưới mái gia đình thì trẻ chắc chắn không thể nào có thể dễ dàng lây nhiễm những “thói hư tật xấu” của một số thành phần xã hội, mà rất tiếc hiện nay có thể đang có quyền chức và danh vọng và tiền bạc và được sự hỗ trợ đánh bóng quảng cáo của những phương tiện truyền thông vô trách nhiệm.
Nếu như các chế độ phong kiến coi trọng Nho giáo, coi “hiếu đễ” là gốc gác của mọi thứ đạo lý, từ đó xây dựng các qui tắc pháp lý gìn giữ tôn trọng hệ giá trị gia đình, làm nền móng cho xã hội. Ở xã hội ngày nay, mọi thứ đã thay đổi, phương thức quản trị xã hội, và văn minh xã hội đã hoàn toàn thay đổi, tuy nhiên nhiều giá trị gia đình vẫn cần được gìn giữ, như một chuẩn mực của đời sống con người. Những gợi ý từ trong quá khứ, ít nhất là về mặt luật pháp, liệu có còn giá trị đến ngày hôm nay?
Tôi muốn dùng chữ quân chủ ở đây thay chữ phong kiến vì Việt Nam không có chế độ phong kiến theo đúng nghĩa của nó.
Tôi đồng ý là xã hội quân chủ coi trọng Khổng giáo và ở Việt Nam nó biểu hiện với hình thức Nho giáo. Nhưng thật ra hiếu đễ không phải là gốc của mọi thứ đạo lý của Khổng giáo. Đỗ Duy Minh, triết gia người Mỹ gốc Hoa tại Đại học Harvard, trong nghiên cứu về Nho giáo cho rằng gốc của Khổng giáo, mà chúng ta gọi là Nho giáo, là Nhân, trong nhân tính và nhân ái. Và Lễ chính là biểu hiện và phương thức thể hiện điều này trong tương quan giữa người và người.
Vì là biểu hiện giữa người và người nên trong từng định chế xã hội mà có những hình thức lễ hay cách hành xử khác nhau. Trong gia đình có thể là hiếu để, trong xã hội là nghĩa tín v.v… Định chế hóa Lễ để trở thành Pháp là một vấn đề thú vị và cần nhiều nghiên cứu.
Thử đặt ngược lại cũng có thể sáng rõ thêm vào điều này. Làm sao để luật pháp một quốc gia ngoài việc phải đáp ứng những tiêu chí quốc tế còn cần phải thể hiện được nền văn hóa bản xứ? Và như giới thiệu ở trên, nếu nền tảng của Nho học là đức Nhân thì vấn đề còn lại là chúng ta sẽ diễn dịch đức Nhân đó như thế nào trong thời đại này?
Duy Thông thực hiện
_____________________
(*) Ông Lê Nguyên Phương là tiến sĩ về lãnh đạo giáo dục và tâm lý giáo dục tại Đại học Southern California; thạc sĩ chuyên ngành tâm lý giáo dục và tâm lý học đường tại Đại học bang California, Long Beach - Hoa Kỳ.