Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Người Việt có thực sự tin vào nhân quả?

Ảo Hải

    • Gửi tới BBC từ Hải Phòng 
    • 28 tháng 9 2018
    •  https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45675399
  •             Người dân tranh giành lộc do nhà sư ném ra tại chùa Hương. Ảnh: Tiến Tuấn/Zing.vn

  • "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt

    Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong"

    Hai câu thơ trên của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất nổi tiếng, câu thứ hai có nghĩa là: Người coi trọng tiền bạc thì không có phúc, tài sản rồi cũng sẽ mất.  Nhưng mấy người nghĩ rằng tiền bạc có liên quan đến lòng tốt?

  • Người Việt nghĩ rằng phải "keo", phải tàn nhẫn thì mới giàu được. Nhiều người giàu có bậc nhất Việt Nam nhưng sau một thời gian đã xuống dốc vì gian lận, đó chẳng phải là bài học đó sao? Nhìn thấy việc đó, người ta nói đến "phúc", "đức", nhưng liệu có cố làm việc tốt để cuộc sống sau này tốt lên?

  • Nếu nói đến nhân quả thì nhiều người sẽ cười ngay, nhưng nhìn thấy một bức ảnh có sư sãi, chùa chiền hay cầu siêu gì đó thì phải "Like" ngay lập tức, chắc là sợ bị Phật trừng phạt.

    Rằm tháng 7 chuẩn bị đồ lễ cúng bái rất kỹ lưỡng, nhưng nghe nói chuyện về khả năng một người bị tiểu đường là do tính tham lam thì lại cười, không tin. Có nghĩa là lên chùa cầu sức khỏe, nhưng lại không tin rằng làm việc ác thì hại đến sức khỏe.

  • Người Việt đi qua bất cứ chùa chiền gì đều vào cúng bái, xin xỏ, nếu có điều kiện thì làm một mâm lễ thật to. Những ngày quan trọng như cưới xin, thi cử đều phải xem ngày giờ cẩn thận. Không biết đến cuối năm có tổng kết thử xem sức khỏe của bản thân có tốt lên không, gia đình có hạnh phúc hòa hợp hơn không, cưới vào giữa hè đúng ngày nắng chang chang thì có sống được với nhau lâu không, thi cử có đỗ đạt không để mà rút kinh nghiệm lần sau đừng phí tiền nữa?

    Nhân quả đối với người Việt chỉ dành cho người khác, nghĩa là người khác làm việc gì không tốt với mình thì nói rằng: "Rồi sẽ có nhân quả", nhưng nếu mình làm điều gì không tốt thì lờ tịt đi không còn nghĩ gì tới nhân quả nữa.

    Có người mở ra một trang web thì lo sợ người khác vi phạm bản quyền, nhưng đồng thời tìm cách copy nội dung của trang khác.

    Làm toàn việc dối trá, nhưng mở miệng là "Trên đầu ba thước có thần linh", họ không tin rằng Thần Phật có thể nhìn thấu tâm can con người? Một số người có "trải nghiệm cận tử" kể lại rằng khi ở giữa danh giới giữa sống và chết, họ có thể đọc được suy nghĩ của người khác. Như vậy suy nghĩ là một thứ hoàn toàn hiện hữu.

    Nhiều người khi bố mẹ còn sống thì chẳng chăm lo, nhưng sau khi mất, đến hôm rằm, mùng một âm lịch hàng tháng thì thắp hương hoa quả không thiếu ngày nào. Họ không biết: "Bất hiếu với cha mẹ, thờ cúng vô ích" (Khổng Tử).

    HN

    NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM

    Chụp lại hình ảnh,

    Cúng Rằm Tháng 7 ở Hà Nội - hình minh họa

    Người Việt đốt không biết bao nhiêu vàng mã, nhưng cho người khác một đồng cũng tiếc. Suốt ngày nói đến chuyện làm việc thiện, nhưng ngay những người xung quanh mình thì đối xử không tốt. Không tiếc tiền cúng chùa, xây chùa, nhưng tìm mọi cách để lấy những đồng tiền không phải mồ hôi công sức mình làm ra. Mời thầy phong thủy về để xem hướng nhà, hướng mộ, nhưng không việc gì xấu mà không làm. Họ không biết rằng: "Tâm không thiện, phong thủy vô ích" (Khổng Tử).

    Nếu Thần Phật có thể mua chuộc thì người giàu sẽ chẳng bao giờ bị bệnh hay gặp hoạn nạn gì, họ cứ việc ăn cướp, lừa đảo, nhận hối lộ, vơ vét bóc lột cho thật nhiều, rồi đem một phần tiền đó cúng chùa để giải nghiệp là xong hết.

    Nhưng họ vẫn bệnh, vẫn sạt nghiệp như thường. Con cái họ cho dù có mọi điều kiện tốt nhất, kể cả du học nước ngoài với môi trường tốt nhất cũng chẳng thể nên người.

    Thế nào là "Mê tín dị đoan" và "Niềm tin tôn giáo tích cực"?

    Chùa Long Sơn ở Manka, thủ đô Đài Bắc, Đài Loan

    NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER

    Chụp lại hình ảnh,

    Người dân đi lễ chùa ngày Tết âm lịch ở Long Sơn Tự ở Manka, thủ đô Đài Bắc, Đài Loan

  • Người Việt suốt ngày "Trời", "Thần", "Phật" nhưng nghe người Công giáo nói có Chúa thật thì không tin. Có nghĩa là chỉ tin vào những cái mông lung, vô hình, không rõ ràng cụ thể.

    Niềm tin mà chung chung, mà không giúp người ta sống tốt lên, thì đó gọi là mê tín dị đoan.

    Mê tín dị đoan sản sinh ra nhiều thứ ác độc: "Chim sa, cá nhảy chớ nuôi". "Người chết đuối chớ cứu vì sẽ phải thế chỗ người đó dưới âm phủ"… Những quan niệm này đi ngược với chủ nghĩa nhân đạo, mà tôn giáo là để hướng tới chủ nghĩa nhân đạo. Ronald Reagan có niềm tin mạnh mẽ vào cái thiện, xuất phát từ niềm tin lạc quan của mẹ ông - một tín đồ Tin lành. Ronald Reagan từng thực hiện 77 vụ cứu người khi làm cứu hộ bờ sông lúc mới 16 tuổi, sau này ông làm diễn viên điện ảnh và Tổng thống Mỹ.

    Giữa mê tín dị đoán và niềm tin tôn giáo tích cực là một danh giới mong manh nhỏ như sợi chỉ.

    Niềm tin tôn giáo tích cực làm người ta sống tốt hơn, chân thật hơn, nhẫn nhịn hơn, biết hy sinh vì người khác hơn; mê tín dị đoan lại làm người ta ác hơn, chỉ biết nghĩ cho mình. Ở Việt Nam có vụ bà nội giết cháu gái 20 ngày tuổi vì thầy bói phán cháu bé ra đời "là nghiệp chướng của gia đình. Cháu mà sống thì bà phải chết".

    Chùa chiền lập ra không phải là nơi để cúng bái xin xỏ, chùa xây lên để con người biết đến tôn giáo, biết tin vào Thần Phật để từ đó biết phân biệt phải trái đúng sai.

    Trời Phật đánh giá con người bởi cái tâm - là thứ không nhìn thấy bằng mắt thường. Làm mọi việc dù có giấu giếm, có chứng tỏ rằng ta đây không sai, không ai bắt bẻ được, không có nghĩa là qua mắt được Trời Phật. Thế cho nên đừng thắc mắc vì sao có ai đó tưởng chừng là làm việc tốt, tưởng chừng là tôn kính Thần Phật mà cuộc sống cũng chẳng ưu ái cho hơn chút nào.

    Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả. Mời quý vị tiếp tục gửi các bài về chủ đề liên quan đến vietnamese@bbc.co.uk.