Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Món nợ với miền Tây....Miền Tây cạn kiệt

Món nợ với miền Tây

Trần Hữu Hiệp

Trần Hữu Hiệp

Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật học

Câu chuyện bên bàn trà của ông Hai Nghĩa với nhóm bạn già thường xoay quanh dòng xe cộ rồng rắn nhích từng chút một trên đường.

Nhà ông Hai Nghĩa nằm ngay cạnh Quốc lộ 1, đoạn "thắt cổ chai" của Tiền Giang, một trong hai tỉnh miền Tây nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết với TP HCM và miền Đông Nam Bộ. Từ thềm nhà mình, ngày nào ông Hai cũng thấy cảnh xe cộ húc vào đuôi nhau, nghe tiếng xe din dỉn chờ thoát nghẽn.

Hơn 20 năm trước, khi tuổi ngoài 60, ông Hai đã lặn lội sang Vĩnh Long, chứng kiến sự kiện lịch sử - khánh thành cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên vượt sông Tiền. Hơn 10 năm trước, ông cùng mấy bạn già lại qua Cần Thơ xem khánh thành cây cầu thứ hai vượt sông Hậu.

Nay tuổi đã ngoài 80, ông Hai Nghĩa đọc báo, xem đài, nghe các lãnh đạo Trung ương, địa phương hứa làm đường, xây cầu cho xứ này mà phấn khởi. Nhưng mấy ông già vẫn lo, chưa biết cầu, đường có chịu "chạy theo kế hoạch" như lời lãnh đạo, hay sẽ ì ạch như tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, 13 năm mới hoàn thành. Liệu giấc mơ ngó một bức tranh giao thông đẹp hơn của người cao tuổi như ông Hai có thành xa xỉ?

Giao thông là huyết mạch để phát triển miền Tây. Đầu vào qua đây, từ thu hút đầu tư, phát triển giao thương, văn hóa, du lịch, mà đầu ra cũng là đây. Phát triển hạ tầng giao thông chính là mệnh lệnh phát triển vùng. Nhưng ĐBSCL vẫn đang đói cao tốc, khát đường giao thông, lòng thòng các nút thắt cổ chai. Chưa giải quyết được những cơn đói khát đó, thì vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước vẫn là vùng trũng.

Không phải đến bây giờ vấn đề này mới được nhận diện. Cách đây 20 năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nêu ra "ba điểm nghẽn phát triển vùng" là giao thông, thủy lợi và nguồn nhân lực. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo "ba khâu đột phá" phát triển, trong đó có Quyết định 344/2005 phê duyệt kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư. Hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không, các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn... đã tạo ra mạng lưới giao thông tốt hơn. Nhưng nhìn tổng thể, so với yêu cầu "giao thông đi trước mở đường" thì hạ tầng vùng này vẫn đang yếu kém.

Chính phủ qua các nhiệm kỳ trước vẫn mang một "món nợ" với dân đồng bằng.

Làm gì để vượt qua điểm nghẽn; nguồn vốn, chương trình, dự án nào cần ưu tiên và triển khai ra sao... là những câu hỏi lớn cần lời đáp thuyết phục. Phát triển giao thông ĐBSCL cần giải quyết được ba nút thắt là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ theo kiểu "ngắt khúc".

Vốn là vấn đề lớn nhất và ảnh hưởng chi phối tới tiến độ thi công. Với diện tích tự nhiên 40.000 km2, bao gồm 13 tỉnh, ĐBSCL chiếm gần 12% tổng diện tích của Việt Nam. Có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm liền kề TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, khu vực này đóng góp một nửa sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% các loại trái cây của cả nước. Cả vùng chỉ có khoảng 90 km đường cao tốc, tức là chưa bằng một nửa số km đường cao tốc của riêng tỉnh Quảng Ninh, và chỉ chiếm khoảng 7% của cả nước (1.239 km).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở ĐBSCL bằng 12,5% vốn đầu tư của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, cả vùng nhận được 65.000 tỷ đồng (tương đương trên 15% của cả nước).

Giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách trung ương đầu tư cho ĐBSCL là 86.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả nước. Con số cho thấy phần nào ưu tiên của chính phủ dành cho miền Tây. Nhưng các dự án giao thông trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn diễn ra trên địa bàn rộng, liên quan giải phóng mặt bằng, đòi hỏi thời gian triển khai dài. Trong khi vật giá, vật tư, xăng dầu tăng đột biến có thể đẩy tổng mức đầu tư dự kiến lên cao, lặp lại vấn đề chậm tiến độ như trước. Do vậy, ngoài nguồn vốn của Trung ương, cần phải lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công khác cũng như tạo lực thu hút vốn đầu tư xã hội (như cách Quảng Ninh đã thực hiện tốt).

Đồng bằng hiện chưa có tuyến đường sắt nào trong khi hệ thống đường bộ và đường thủy manh mún, thiếu liền mạch. Đây là hệ quả của quá trình đầu tư không đồng bộ. Vì vậy, trong quá trình triển khai giai đoạn 2021-2025 cần dựa trên cơ chế điều phối liên kết vùng về giao thông, ưu tiên các dự án liên tỉnh, liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt với TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để làm được điều này, vai trò và hiệu quả hoạt động thực chất của Hội đồng điều phối vùng là yếu tố rất quan trọng. Hội đồng, nếu đảm nhận đúng chức năng, sẽ đảm bảo để nguồn vốn không bị "rải mành mành" và chia cắt bởi ranh giới hành chính tỉnh, đồng thời có cơ chế kiểm soát để đảm bảo chất lượng và tính minh bạch.

Bài học về các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành vẫn còn nguyên giá trị. Bài học về lời hứa và "món nợ" dân đồng bằng của các chính phủ tiền nhiệm vẫn cần được nhắc lại để nhiệm vụ nâng cấp hạ tầng cho miền Tây không dừng lại ở quyết tâm và hứa hẹn.

Trong số các công trình hạ tầng trọng điểm, ông Hai Nghĩa quan tâm đến hai dự án quan trọng là Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, khởi công đầu năm nay và Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, khởi công trong 2023.

Những dự án này sẽ góp phần mở ra những không gian kinh tế mới, giảm tải giao thông cho quốc lộ 1A trước nhà ông. Tuổi ngoài 80, ông Hai không hy vọng còn đủ sức để lặn lội đi coi cao tốc khi nó hoàn thành như hai đận trước. Nhưng ông mong, tới lúc đó, từ thềm nhà mình, ông không còn phải chứng kiến cảnh xe cộ ùn ùn tắc nghẽn như bấy nay.

Trần Hữu Hiệp

Đường về miền Tây

Sáng ngày 21/5/2000, vừa thức dậy, đập vào mắt tôi là cảnh tượng chưa từng có.

Cả một dòng người bất tận trên xe máy, ô tô mang biển số từ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang liên tục đổ về mọi ngả đường quanh nhà chị tôi ở Vĩnh Long. Họ về để xem cầu Mỹ Thuận khánh thành.

Tôi cũng thế. Vì tò mò muốn mục sở thị cầu Mỹ Thuận, cây cầu treo dây văng đầu tiên của Việt Nam nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, tôi đã về Vĩnh Long tá túc nhà của người bà con trước đó một ngày. Nhà chị tôi cách cầu Mỹ Thuận khoảng 8 km.

Lúc ấy chưa có điện thoại thông minh nên tôi không lưu lại được ảnh và video ghi lại cảnh tượng. Lần đầu tiên tôi thấy nhiều người đến vậy. Các ngả đường xung quanh cây cầu và trên cầu từ sáng tới tối hôm đó gần như không một khoảng trống. Chỉ người và người.

Hai bên đường, người dân địa phương liên tay bán những bịch trà đá, những tô mỳ gói được trụng vội khi nước chưa kịp sôi để phục vụ cả một biển người mênh mông từ trưa đến tối. Chôn chân rất lâu giữa trời nắng, nhưng ai cũng phấn chấn, chỉ trỏ cười nói vì được tận mắt nhìn và đi trên cây cầu dây văng lịch sử nối đôi bờ sông Tiền, cứ như thể đồng bằng của họ sắp cất cánh đến nơi.

Cả tuần sau ngày thông xe cầu Mỹ Thuận, báo, đài và người dân vẫn tiếp tục nói về cây cầu với sự háo hức chưa từng có của xứ đồng bằng. Hôm sau, khi trở lại giảng đường đại học ở Cần Thơ, thầy giáo tôi đọc cho cả lớp nghe bài thơ ông sáng tác, dĩ nhiên là bằng giọng ngợi ca xen lẫn tự hào, tin tưởng từ đây miền Tây quê tôi sẽ bay cao, bay xa.

Đã 20 năm từ ngày đó. Đồng bằng sông Cửu Long giờ đây có thêm hàng loạt cầu dây văng khác như Rạch Miễu, Cần Thơ hay gần đây nhất là Vàm Cống. Nhưng theo các chuyên gia, vùng đất này vẫn chưa thể bay cao, bay xa như kỳ vọng. Dù là khu vực giàu tiềm năng và trọng điểm về kinh tế nông nghiệp, nhưng đồng bằng vẫn là "vùng trũng" của cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Báo cáo mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện cho biết, trong 10 năm qua có hơn 1,3 triệu người miền Tây ly hương để mưu sinh. Đồng bằng còn đối mặt với an ninh dân số, kinh tế và xã hội. Đây là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư cao nhất cả nước. Giai đoạn từ 2009 đến 2019, tỷ lệ tăng dân số toàn khu vực là 0% so với cả nước 1,14%. Đây là khu vực duy nhất của cả nước có số dân vùng giảm 0,3% trong hai năm qua.

Vai trò kinh tế của miền Tây giảm dần so với các vùng khác; đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội trong ba thập niên qua giảm mạnh. Nếu như năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với miền Tây thì 20 năm sau, tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay, các tác giả của báo cáo nhận định.

Các ý kiến kêu gọi, đề nghị những giải pháp để "hồi sức" và "giải cứu" vùng đồng bằng sông Cửu Long chúng ta đã nghe đến gần như thuộc lòng. Nhưng theo tôi, hạ tầng giao thông là một điểm nghẽn chính, đang chờ sự ưu tiên đầu tư thích đáng.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế lớn duy nhất của cả nước hiện chưa có tuyến đường sắt nào trong khi hệ thống đường bộ và đường thủy còn manh mún và thiếu đồng bộ. Tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 chỉ bằng 12,5% của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, cả vùng được đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, bằng trên 15% tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong khi đó, có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển lên các cảng tại TP HCM để xuất khẩu. Đây chính là điểm nghẽn cơ bản, ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, du lịch của cả vùng.

"Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt", bài địa lý thời chúng tôi còn học phổ thông nay đã khác. Hiện lưu thông hàng hóa, dân sinh của người dân cơ bản đã chuyển từ đường thủy lên bộ. Những chiếc ghe, xuồng, đò dọc, đò ngang dần vắng bóng. Điều này cũng có nghĩa, một số cây cầu lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ mới là điều kiện cần. Vì có cầu mà không có đường thì việc thông thương, di chuyển vẫn dở dang ở đó. Ngoài những cây cầu kết nối điểm trọng yếu của các tuyến đại lộ, quốc lộ, sự kết nối cơ sở hạ tầng giao thông giữa 13 tỉnh thành nơi đây, nếu có, sẽ là điều kiện đủ để đồng bằng có thể bù đắp khiếm khuyết quan trọng nhất trong hạ tầng cứng của mình.

Cứ mỗi dịp trước và sau lễ, Tết, cả nước đều chứng kiến hình ảnh hàng nghìn người chôn chân dưới nắng nóng để từ miền Tây quay lại Bình Dương, Sài Gòn. Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều lần trì hoãn vừa hoàn thành, hy vọng đường về miền Tây của những người đang tha phương cầu thực năm nay sẽ đỡ nhọc nhằn hơn.

Kiện toàn một mạng lưới giao thông vừa khoa học vừa hiện đại, cả đường thủy lẫn đường bộ, cả cao tốc lẫn đường sắt là thách thức lớn về vốn, năng lực quản trị, nguồn lực công. Nhưng chỉ bằng cách đó, chúng ta mới giải quyết được nghịch lý "đất giàu người nghèo".

"Cây cầu khỉ năm 2000" - tên bài thơ mang tính ước lệ thầy tôi đã đọc trên giảng đường năm nào hiện vẫn còn trong sổ tay của tôi. Tôi vẫn giữ kỷ niệm này nhưng với một khát vọng thực tế hơn.

Nếu Hà Nội là Thủ đô, là "đầu não", miền Trung là "khúc ruột", TP HCM là "trái tim kinh tế" thì miền Tây phải là "đôi chân" vững vàng cho một cơ thể Việt Nam mạnh khỏe. "Đôi chân" muốn vững vàng chắc chắn phụ thuộc rất lớn vào "đầu não" sáng suốt, tinh anh.

Nguyễn Trọng Bình

Miền Tây muốn thoát nghèo

Trần Hữu Hiệp

Trần Hữu Hiệp

Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật học

Anh Toàn, ở Kiên Giang, có hai con đều là sinh viên một trường đại học tư thục. Một cháu chọn cơ sở TP HCM theo sở thích, với định hướng ra trường làm việc tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Cháu còn lại chọn campus Cần Thơ vì muốn học gần nhà, ra trường sẽ ở lại Cần Thơ, làm việc tại Phú Quốc hoặc một tỉnh đồng bằng.

Làm bài toán đơn giản, anh chỉ tốn 50% mức đầu tư khi cho con học tại Cần Thơ, nhờ phí sinh hoạt rẻ hơn và chính sách giảm 40% học phí cho cơ sở Cần Thơ trong hệ thống giáo dục này.

Hiện nay, người học có thể chọn lựa bất kỳ đại học nào ở miền Tây thay vì mất 4-6 năm khăn gói lên TP HCM. Các trường ở ĐBSCL đào tạo đủ chuyên ngành, từ nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, luật đến y dược, kiến trúc, bách khoa, công nghệ thông tin; thậm chí là những chuyên ngành hiếm như trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ, văn hóa Khmer, ngôn ngữ Nhật, Hàn. Một hệ sinh thái đại học đồng bằng đang hình thành ở vùng trũng giáo dục và đào tạo của cả nước nhiều năm qua.

Trong lịch sử 300 năm mở cõi ở vùng đất mới phương Nam, mãi đến 1966, cơ sở đào tạo đại học đầu tiên mới được thành lập là Viện Đại học Cần Thơ. Nếu như đến đầu năm 2000, toàn vùng chỉ có Đại học Cần Thơ, thì nay đã có 19 trường, 5 phân hiệu đại học phủ gần hết các địa phương trong vùng. Mới đây, bốn trường: Bách khoa, Kinh tế, Nông nghiệp, Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Cần Thơ được thành lập theo mô hình đại học có các trường thành viên. Chỉ riêng TP Cần Thơ đã có sáu trường đại học công lập, hai trường tư thục và hai phân hiệu đại học; Vĩnh Long và Long An mỗi địa phương hai trường.

Tuy nhiên, so với các vùng, miền khác, ĐBSCL vẫn "còn trũng" về nhân lực. Chỉ số thống kê cho thấy, toàn vùng chỉ có hơn 160,6 nghìn sinh viên, chiếm 8,4% cả nước, đạt khoảng 9,2 sinh viên/1.000 dân, thấp hơn nhiều so bình quân chung cả nước (19,4/1.000 dân). Con số này ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng lần lượt là 35,6 và 33,4.

"Độ trũng" về chất lượng nhân lực vùng ĐBSCL đã được nhận diện từ lâu, nhưng chưa được cải thiện trong bảng xếp hạng các vùng miền, nguy cơ sẽ bị bỏ xa hơn. "Vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản" này có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp nhất trong sáu vùng kinh tế xã hội của cả nước, chỉ chiếm 14,1%, so với bình quân cả nước là 26,1%. Trong khi tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 4,05% và thiếu việc làm 4,33%, cao hơn bình quân chung cả nước là 3,2% và 3,1%.

Đó có thể là hệ quả của số lượng doanh nghiệp vùng ĐBSCL thấp, mới đạt 3,6 doanh nghiệp/1.000 dân, chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,8); thấp hơn cả Tây Nguyên (3,9), kém xa so bình quân chung cả nước (8,7) và vùng Đông Nam Bộ (19,3).

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 nêu ra "ba vòng xoáy đi xuống" của vùng đất giàu tiềm năng, nhiều thách thức này là: vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế vùng.

Vòng xoáy ngân sách chính là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước thời gian dài cho các khâu then chốt trong phát triển vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics. Vòng xoáy lao động là tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, người trẻ tuổi bị "đẩy" ra khỏi vùng, lên TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động. Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 chỉ ra, trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người ĐBSCL xuất cư. Và vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng được cho là sự "thiên lệch" trong việc thực thi "sứ mệnh an ninh lương thực". Cả ba vòng xoáy này đều liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực.

Sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm là nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách chông chênh, khiến nhiều người bấp bênh nơi đô thị

Đường lên nào trước "ba vòng xoáy đi xuống"?

Theo tôi, cần sự "chuyển hướng chiến lược" trong tư duy phát triển vùng, từ "khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh" sang "thích ứng thuận thiên", phục hồi và tăng cường "sức khỏe" cho đồng bằng; lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi trong suốt quá trình phát triển. Cùng với vấn đề phát triển cốt lõi của vùng ĐBSCL là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực, phải có những ưu tiên đột phá cho nguồn nhân lực.

Những điểm sáng về một hệ sinh thái đại học ở đồng bằng nêu ở đầu bài cần được phát huy. Nhưng đại học chỉ là một cánh cửa vào đời cho người học. Bên cạnh giáo dục đại học, cần tăng tốc đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội và xây nền về giáo dục phổ thông, mẫu giáo, mầm non.

Con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương chắc chắn liên quan chặt chẽ với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.

Cuộc chiến chống lại sức hút vào vùng trũng nhân lực của miền Tây Nam Bộ rất cần được tăng tốc với cách làm hiệu quả hơn. ĐBSCL phải được kiến tạo lại mạnh mẽ bằng chính những con người của mảnh đất này, nhưng đã được trao thêm sức mạnh của tri thức và kỹ năng.

Trần Hữu Hiệp

Hạt thóc cắn làm tám

TTCT - Hai tuần trước, Bộ NN&PTNT vui mừng tuyên bố “xuất khẩu gạo thắng lớn” với lượng gạo xuất khẩu năm 2011 ước đạt 7,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 3,7 tỉ USD.

Tuần sau là những thông tin đáng lo về một đối thủ cạnh tranh mới: gạo giá rẻ Ấn Độ. Tất cả một lần nữa gợi lại câu chuyện ưu tư lâu nay về người nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - chủ nhân thật sự của bát cơm châu Á - về cuộc sống mãi vẫn chưa giàu của họ.

Thành công trong quá khứ của ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL chưa phải là bảo đảm cho thành công của tương lai. Trong ảnh: thu hoạch lúa hè thu ở Vị Thanh (Hậu Giang) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Có người ví việc sản xuất lúa gạo của nông dân hiện nay như cây đòn gánh: đầu này nặng trĩu những nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao, đầu kia là tiêu thụ lúa gạo bấp bênh, giá thấp. Người nông dân vừa gánh vừa bị “lắc lư” trong thế dễ ngã.

Chỉ sau hai thập niên qua, sản lượng lúa ĐBSCL đã được nhân lên hơn gấp đôi, từ 9,48 triệu tấn (năm 1990) lên hơn 21 triệu tấn (năm 2010), kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước. Nhưng những người chủ của “bát cơm châu Á” vẫn chưa chuyển được căn bản từ vị thế của người làm ra “chén cơm đầy” để chống đói hôm qua, đến vị trí của người sản xuất ra “chén cơm ngon” để bán được giá, làm giàu.

Thách thức từ đồng ruộng

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ có 25% nông hộ tiếp cận được thông tin thị trường, 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ở dạng thô và 60% bị bán với giá thấp; trong khi có đến 40-50% chi phí của gạo xuất khẩu liên quan đến nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Một nghiên cứu về “An ninh lương thực ở VN và chuỗi giá trị lúa gạo” của nhóm chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới cách đây không lâu cho rằng trong điều kiện xấu nhất VN vẫn đảm bảo an ninh lương thực, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng lúa này đã không giảm tương xứng tốc độ gia tăng sản lượng gạo mà cha mẹ chúng làm ra (xếp thứ 7/8 khu vực cả nước về tỉ lệ giảm suy dinh dưỡng trong thập niên qua).

Sản xuất nhiều gạo hơn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực, giúp nông dân làm giàu mà cần cách tiếp cận đa ngành. Tuy hỗ trợ của Chính phủ tiếp tục được thực thi, những vị lãnh đạo cao nhất đã cam kết bảo vệ bằng được 3,81 triệu ha đất lúa... nhưng để hiện thực hóa chủ trương đó, rất cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội - công cộng và kinh tế - thương mại - lợi nhuận của người trồng lúa.

Thành công trong quá khứ của ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL chưa phải là bảo đảm cho thành công của tương lai. Một cách tiếp cận “làm như mọi khi” chắc chắn sẽ không hiện thực hóa được tiềm năng của ngành này.

Từ đồng ruộng ra thương trường

Làm gì để giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL trở thành “doanh nhân sánh vai”, để “doanh nhân hóa nông dân” - một trong những yêu cầu đặt ra để hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo vùng đất chín rồng?

Thương trường là cạnh tranh, muốn cạnh tranh phải có nguồn lực và kiến thức, không chỉ kiến thức làm ruộng, trồng cây, nuôi cá mà cả kiến thức quản lý đồng vốn, quản trị doanh nghiệp, về thị trường, hệ thống phân phối tiêu thụ... Đòi hỏi khắc nghiệt từ thương trường buộc những người nông dân ngày nay phải chuyển từ tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”, với chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Người nông dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng lúa, đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn... là những cách thức giúp đòn gánh kể trên của người nông dân được cân bằng.

Doanh nhân hóa nông dân ĐBSCL phải được diễn ra trong không gian của nông thôn đồng bằng, trong những đặc thù của nông nghiệp, nông dân. Cần đưa thương hiệu gạo ĐBSCL vào chương trình thương hiệu quốc gia để quảng bá. Một nhãn hiệu “made in Mekong Delta” cho lúa gạo đồng bằng là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường lúa gạo thế giới, cũng chính là tài sản - thương hiệu chung cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu.

“Đảm bảo cho nông dân lãi 30%”

Điều này chắc chắn cần được thực thi bằng bài toán kinh tế nhiều hơn là quyết tâm chính trị. Thời gian qua, một số cơ quan chức năng địa phương đã lấy giá lúa thời điểm trừ “chi phí đầu vào” theo cách tính riêng của mình để công bố mức lãi 30-40% của nông dân như một kiểu báo cáo thành tích.

Nhưng ai cũng biết để tạo giá trị cho một sản phẩm như lúa gạo phải bao gồm cả “hao mòn” giá trị đất đai, công cụ lao động, sức khỏe - sức lao động của người nông dân trong môi trường sản xuất nông nghiệp hiện tại (sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu...). Chắc chắn còn nhiều “chi phí” đầu vào đang bị bỏ sót trong hạch toán giá thành hạt lúa với góc độ một ngành sản xuất hàng hóa.

Theo kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, về lý thuyết, quy mô sản xuất lúa từ 3ha/người trở lên mang lại lợi nhuận tối ưu. Nhưng với đặc thù sản xuất manh mún hiện nay, bình quân chỉ khoảng 0,4ha/hộ thì nông dân không làm giàu được. Theo tính toán, kết quả của “30% lợi nhuận” được giữ lại cho người nông dân vừa qua (nếu có) còn thấp hơn mức thu nhập 1 USD/người/ngày. Chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay quá nhiều nấc mà lại quá ít giá trị gia tăng, người nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu từ sự gia tăng đó.

Cần nói ngay rằng những mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, “công ty cổ phần nông nghiệp” mới chỉ cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao giá trị các công đoạn làm ra hạt lúa (giống, kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tác động chính sách đầu vào).

“Chuỗi giá trị” quan trọng hơn, cần sự tác động tích cực hơn lại đang nằm ở các khâu từ hạt lúa trên đồng ruộng đến hạt gạo hàng hóa trên thương trường (chống thất thoát sau thu hoạch, kho chứa, xay xát, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu gạo). Nên ngày càng thấy những tiếng nói bức xúc hơn về việc phải liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết vùng ĐBSCL một cách thật sự mà trọng tâm là “vành đai lúa” gồm khoảng 30 huyện nằm ở các tỉnh trọng điểm gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần các tỉnh còn lại trong vùng.

Song song là đổi mới toàn diện cơ chế xuất khẩu gạo – hiện là khâu cuối cùng đang tác động mạnh mẽ vào “túi tiền” của người nông dân - trong điều kiện cạnh tranh gay gắt khi xuất hiện doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn từ năm 2012. Nên từ “chén cơm đầy” đến “chén cơm ngon”, người nông dân ĐBSCL không thể một mình đi hết chặng đường.

Theo TS Nguyễn Văn Sánh - giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, hạt gạo của nông dân hiện nay đang bị “cắn chia làm tám phần” nên lợi nhuận của người trồng lúa bị teo tóp.

Bốn phần đầu cho “bốn nhà”: nhà băng (vay vốn, đóng lãi, kể cả phải vay lãi cao bên ngoài), nhà vật tư (mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, cuối vụ trả lãi cao) chiếm khoảng 65% chi phí, nhà mình (gánh nặng chi tiêu ăn uống, chữa bệnh, học hành con cái, các khoản đóng góp...) chiếm khoảng 21% và... nhà hàng xóm (đám tiệc, giỗ quải, giao tế xã hội...).

Phần thứ năm là nhà xuất khẩu gạo mà hiệu quả kinh doanh gần như quyết định giá lúa hằng năm.

Phần thứ sáu là lúa gạo phải làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng (CPI) cho xã hội.

Phần thứ bảy là nhiệm vụ ngoại giao trong chiến lược an ninh lương thực toàn cầu, lúa gạo là lợi ích mà nhiều nước luôn quan tâm trong đối ngoại và hợp tác.

Phần thứ tám là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.



Miền Tây cạn kiệt

Tôi gặp vũng nước đọng bên rìa đám ruộng, rộng chừng chiếc đệm, khi đi ngang cánh đồng lúa chín ở miệt Láng Linh (huyện Châu Phú, An Giang) vài hôm trước.

Trước đây, vũng nước trên ruộng lúa sắp thu hoạch sẽ nhung nhúc cá - những con cá đã sống mấy tháng trời trên mảnh ruộng, lúc người ta xả nước để chuẩn bị thu hoạch lúa, chúng sẽ bị lùa lại trong các vũng nước đọng. Đa phần là cá rô đồng, cá sặc, cá lóc; móc sâu xuống bùn một chút là có cá chạch, lươn.

Mùa lúa chín cũng là lúc dân miền Tây quê tôi đi bắt cá trên ruộng, tát chừng một vũng là cả nhà ăn không hết. Mà nguyên cánh đồng thì biết bao nhiêu là vũng, bởi vậy bà con khỏi lo chuyện cá mắm trong bữa cơm. Cứ như cá để sẵn ngoài đồng, đến bữa thì xách thùng xách thau ra bắt về ăn. Ếch trong đám lúa cũng thường nhảy xuống vũng, xuống mương kiếm mồi. Chỉ cần đặt mấy cái lọp ếch, sáng ra có thể được vài ký. Ai thuộc thế hệ 7X hay 8X, từng gắn bó với ruộng đồng miền Tây, chắc không xa lạ gì những điều tôi vừa kể.

Nhưng đó là vũng nước hồi xưa, còn bây giờ, tôi ghé xem không thấy bóng dáng con cá nào, chỉ vài con ốc bươu vàng nằm lăn lóc. Cái vũng nước nhỏ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, có lẽ nó là một minh chứng về sự biến thiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất Tây Nam Tổ quốc trong những năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, suốt 20 năm qua (2000-2020), Đồng bằng sông Cửu Long luôn giữ vị thế "vựa lúa số một", với diện tích và sản lượng luôn đạt trên 50% tổng diện tích và sản lượng cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long cũng đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, phát triển được giống gạo ST-25 ngon nhất thế giới; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm cho 65% cư dân nông thôn của vùng.

Đó là những con số ấn tượng về sự phát triển của một vùng đất. Song, những mất mát trên mảnh đất này chưa được tính toán, thống kê đầy đủ.

Một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội vào, nhờ tôi chở đi chụp vài bức ảnh về trẻ em miền Tây tắm sông. Tôi chở anh đi cả ngày từ An Giang qua Đồng Tháp rồi trở về, không thấy đứa trẻ nào tắm sông cả. Anh thất vọng vì chuyến đi không như mong muốn. Tôi giải thích bây giờ ít khi người ta tắm sông ở miền Tây, vì những con sông đã ô nhiễm nặng do nguồn nước xả ra từ các công ruộng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. Cá mắm cũng không thể sinh sống nổi, đang cạn kiệt dần. Sông rạch miền Tây bây giờ hầu như chỉ còn cá lau kiếng, một loại cá không có giá trị thương phẩm bao nhiêu nhưng lại là chúa tể hủy hoại môi trường.

Trước đây, người miền Tây cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng không nhiều. Hàng năm, sau hai mùa lúa sẽ đến mùa nước nổi. Lượng nước lớn làm ngập sâu các cánh đồng trong vài tháng, đủ để rửa sạch ô nhiễm, đồng thời bồi đắp phù sa màu mỡ cho vụ gieo trồng sau khi nước rút. Ngày nay, mùa nước nổi hiếm khi xuất hiện ở miền Tây. Nếu có, lượng nước cũng rất ít, bởi phần lớn đã bị ngăn chặn bởi đập thủy điện của các quốc gia khu vực thượng nguồn Mekong. Lại thêm, hệ thống đê bao thâm canh tăng vụ ở nhiều tỉnh miền Tây ngăn nước tràn vào đồng, để xoay vòng khai thác mảnh ruộng hết vụ này đến vụ khác, từ năm này qua năm khác. Do đó, ruộng không được đào thải chất ô nhiễm, không được bồi đắp phù sa hàng năm. Đất càng ô nhiễm càng cỗi cằn mà muốn duy trì năng suất thì phải tăng cường sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đây cũng là lý do chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, mà lợi nhuận ngày càng thấp.

Việc bao đê khép kín ở các vùng sản xuất thượng nguồn sông Cửu Long còn khiến lượng nước trong mùa mưa lũ không được tích trữ lại lâu trên các cánh đồng rộng lớn, mà theo các con sông trôi nhanh ra biển. Điều này phần nào khiến cho khu vực hạ nguồn thiếu nước vào mùa khô, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn. Để sản xuất nông nghiệp trong tình hình hạn mặn, người dân các tỉnh hạ nguồn phải tận dụng nguồn nước ngầm triệt để. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tận dụng nguồn nước ngầm quá giới hạn đang gây ra hiện tượng sụt lún ở miền Tây, với tốc độ từ 1,0cm-2,5cm mỗi năm. Như vậy, khoảng 50 năm nữa, nhiều vùng đất ở miền Tây sẽ ngập sâu. Tương lai miền Tây rồi sẽ ra sao?

Khi vấn đề an ninh lương thực cơ bản được đảm bảo, miền Tây không nên quá đẩy mạnh sản lượng lúa gạo hàng năm. Thay vào đó, vùng này nên chú trọng nâng cao chất lượng, tăng giá trị nông sản. Đây là kiểu sản xuất tạo ra lợi nhuận cao đồng thời bảo dưỡng được tài nguyên. Việc thâm canh ba vụ lúa mỗi năm cần phải được xem xét, điều chỉnh lại để đất có thời gian "nghỉ ngơi"; phải tạo điều kiện cho nguồn nước tự nhiên bồi đắp phù sa đồng ruộng mỗi năm, đó cũng là cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Tại Hội nghị toàn quốc về thực hiện Nghị quyết phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng...".

Người dân miền Tây như tôi hy vọng Nghị quyết sẽ không dừng lại trên văn bản, để cứu lấy một miền Tây đang tổn thương và cạn kiệt.

Trương Chí Hùng