The New York Times – một trong những tờ báo lâu đời nhất Hoa Kỳ – đã nhiều lần đưa tin về Trịnh Công Sơn như một biểu tượng của chủ nghĩa hòa bình qua các ca khúc phản chiến.
Sức sống trong những tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn không những chỉ gói gọn ở trong nước, mà còn vang danh đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Trong giai đoạn thập niên 1960 và 1970, ông được công luận quốc tế biết đến là tác giả của hang loạt ca khúc phản chiến và được mệnh danh là Bob Dylan của Việt Nam.
Vào thời điểm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, rất nhiều tờ báo quốc tế, đặc biệt là tại Hoa Kỳ đã đưa tin về sự ra đi của ông như Los Angeles Times, The Washington Post, The New York Times. Vào năm 2019, nhạc sị Trịnh Công Sơn được Google vinh danh trên trang tìm kiếm Goodle Doodles nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Trong những ngày mà nhiều người đang bày tỏ sự quan tâm đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua tác phẩm Em và Trịnh được công chiếu tại Việt Nam thời gian qua, dưới góc nhìn truyền thông quốc tế, hãy cùng nhau điểm lại những lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tờ The New York Times nhắc đến trong các bài viết của mình như một biểu tượng của chủ nghĩa hòa bình qua nhiều ca khúc phản chiến mà ông gửi gắm cho đồng bào Việt Nam.
Năm 1968: “Một nghệ sĩ guitar Việt Nam kể về nỗi buồn của chiến tranh”
Đây có lẽ là lần đầu tiên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được The New York Times nhắc đến trong các trang báo của mình. Tại bài viết A Vietnamese Guitarist Sings of Sadness of War (Tạm dịch: Một nghệ sĩ guitar Việt Nam kể về nỗi buồn của chiến tranh) của tác giả Bernard Weinraub ngày 1/1/1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được biết đến khá rộng rãi trong giới văn nghệ sĩ và học sinh, sinh viên tại Sài Gòn với nhiều tình khúc lãng mạn cũng như hang loạt ca khúc nói về sự vô nghĩa của chiến tranh.
“Tôi chỉ muốn miêu tả về chiến tranh, tôi muốn nói về những cái chết vô lý tại đất nước tôi. Chiến tranh và hận thù phải kết thúc ” – bài báo dẫn lời của nhạc sĩ.
Trong bài viết, Bernard Weinraub đã mô tả những buổi công diễn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn nhận được nhiều sự hưởng ứng. Tác giả mô tả nhạc sĩ là một người có vẻ bẽn lẽn, giọng nói rõ rang và nhẹ nhàng, thường mang sơ mi trắng và đôi giầy màu đen. Theo tác giả, Âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang nhịp điệu phương tây và có ảnh hưởng từ nhạc sĩ Bob Dylan của Hoa Kỳ.
Năm 1969: “Sài Gòn cấm những bài hát phản chiến của một Ca-Nhạc Sĩ Việt Nam”
Vào ngày 12/2/1969, nhà báo Joseph B. Treaster đã có một bài viết liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên The New York Times với tựa đề Saigon Bans the Antiwar Songs Of Vietnamese Singer-Composer (Tạm dịch: Sài Gòn cấm những bài hát phản chiến của một Ca-Nhạc Sĩ Việt Nam).
Bài viết cho biết, chính quyền miền Nam lúc bấy giờ (thời điểm đầu năm 1969) đã cấm lưu hành những ca khúc về đề tài phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thu hồi rất nhiều tác phẩm ghi âm và bản ký âm của nhạc sĩ. Việc làm này không hề có một lời giải thích thỏa đáng nào.
Bài báo dẫn lời nhạc sĩ: ”Tôi không hiểu vì sao tôi phải im lặng. Thật lòng mà nói, tôi phản đối chiến tranh. Tôi không muốn làm những điều mà người khác đã làm: Làm rõ sự khác nhau giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Cuộc chiến nào cũng đem lại chết chóc và hủy diệt. Tôi phản đối chiến tranh. Tại sao tôi phải im lặng?”
Tác giả cho biết dù âm nhạc của nhạc sĩ bị cấm trên radio và truyền hình, ông vẫn tiếp tục công diễn cùng với cây guitar của mình. Âm nhạc của ông giàu cảm xúc, lay động lòng người. Các tác phẩm của Trịnh Công Sơn mang hơi thở phương tây lúc bấy giờ và có sự ảnh hưởng từ Bod Dylan và Joan Baez.
Năm 1970: “Người anh hùng trẻ tuổi tại Việt Nam phản bác chiến tranh”
Vào năm 1970, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thêm một lần xuất hiện trên The New York Times qua bài viết Hero of Youth in Vietnam Assails War (Tạm dịch: Người anh hùng trẻ tuổi tại Việt Nam phản bác chiến tranh) của nhà báo Gloria Emerson vào ngày 6/10/1970.
Vào thời điểm này, theo bài báo, Trịnh Công Sơn đã là một biểu tưởng của giới trẻ đương thời qua các ca khúc phản chiến của mình. Vào lúc này, nhạc sĩ đã sáng tác hơn 150 bài hát tính từ năm 1958. Trong cuộc trao đổi với tác giả, Trịnh Công Sơn vẫn không ngừng lên tiếng về sự vô nghĩa của chiến tranh và luôn cầu mong những gì tốt đẹp nhất sẽ đến.
Nhạc sĩ bắt đầu viết 30 ca khúc phản chiến vào năm 1965 và có được nhiều danh tiếng trong 3 năm sau đó, đặc biệt là với các sinh viên Nhật Bản. Trong thời gian bị chính quyền miền Nam hạn chế tự do âm nhạc, ông đã từng bị yêu cầu viết lời giải thích cho từng ca khúc phản chiến để khan giả radio và truyền hình được khai tỏ nhiều hơn, nhưng nhạc sĩ đã từ chối và cho rằng ông không có trách nhiệm giải thích.
Dù khá nổi tiếng thời điểm này, Trịnh Công Sơn vẫn rất nghèo khi không có một dàn âm thanh của riêng mình và không có lưu giữ bất kì đĩa hát hoặc băng ghi âm nào. Năm cuốn sách về nhạc và lời của ông đã được xuất bản với số lượng bán ra ước tính từ 50.000 đến 80.000 bản chưa kể đến những bản thu băng cũng được bán rộng rãi, nhưng ông không nhận được tiền bản quyền.
Tác giả còn cho biết những bài hát mới nhất của ông trong thời điểm này mang chủ đề xã hội mạnh mẽ, và cô ca sĩ Khánh Ly – lúc này mới 23 tuổi – là người luôn đồng hành trong âm nhạc cùng với ông khắp miền nam.
Năm 1993: “Nhà thơ Việt Nam hát một bài ca về sự bền bỉ”
23 năm kể từ bài viết năm 1970, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại có dịp xuất hiện trên The New York Times qua bài viết Vietnam Poet Sings a Song Of Endurance (Tạm dịch: Nhà thơ Việt Nam hát một bài ca về sự bền bỉ) của nhà báo Henry Kamm vào ngày 4/4/1993.
Một lần nữa, The New York Times khắc họa Trịnh Công Sơn là hình ảnh của niềm khát khao hòa bình của một đất nước bị chia cắt, người đã hát về nỗi buồn của chiến tranh giữa những người anh em cùng với nỗi đau của những người mẹ và người thân.
Bài báo kể lại về những giai đoạn trước đó của nhạc sĩ với nhiều khó khăn khác nhau nhưng vẫn được xem là tiếng nói của giới trẻ qua thời gian. Ngày hôm nay, Việt Nam đã hòa bình và thống nhất. Điều này là điều quan trọng nhất đối với nhạc sĩ.
Năm 1995: ”Người nhạc sĩ 40 Năm là Trái Tim của Việt Nam”
Vào ngày 18/10/1995, trên The New York Times, nhà báo Jon Lidén đã miêu tả Trịnh Công Sơn là Trái tim của Việt Nam trong 40 năm qua qua bài viết Songwriter's 40 Years As 'Heart' of Vietnam. Đây là thời điểm mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Theo tác giả bài viết, nếu chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho tâm hồn Việt Nam với lòng quyết tâm và ý chí sắt đá làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh thì Trịnh Công Sơn chính là trái tim của Việt Nam.
Dù có khoảng thời gian mà âm nhạc của Trịnh Công Sơn bị cấm vì bị cho là hủy hoại ý chí chiến đấu, những ca khúc của ông đã thống nhất đất nước theo cách mà chiến tranh và chính trị không bao giờ có thể làm được. Ai cũng yêu thích các ca khúc của ông du là miền bắc hay miền nam. Ngay cả với những người Việt sống lưu vong, Trịnh Công Sơn được xem là đã gửi gắm những khao khát và ký ức của họ trong các bài hát.
Ngô Văn Tao, một người bạn và một nhà thơ đã từng làm việc với nhạc sĩ cho biết: “Nếu bắt gặp bất kỳ người Việt Nam nào trên đường phố, họ sẽ có thể đọc thuộc lòng một số bài hát của anh Sơn”.
Từ những năm 1960, Trịnh Công Sơn đã được biết đến rộng rãi trong giới sinh viên tại Sài Gòn và được gọi là Bob Dylan của Việt Nam. Dù trong thời gian này, các tác phẩm mới của nhạc sĩ vẫn được yêu thích, những với hầu hết các thế hệ người Việt, ông chính là đại diện cho thời gian thập niên 1960.
Sinh ra vào năm 1939 tại Huế, miền Trung Việt Nam, Trịnh Công Sơn được giáo dục với sự kết hợp giữa nền giáo dục truyền thống của Pháp và nền Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là nghiên cứu văn học và nghệ thuật. Năm tháng tuổi trẻ của ông đã chứng kiến sự ác liệt dữ dội của chiến tranh, điều khiến cho ông trở thành một người luôn căm ghét chiến tranh.
Trong những năm 1960 và 1970, những ca khúc thơ mộng và u sầu của ông được đón nhận bởi mọi người Việt Nam ở cả hai phía của cuộc chiến. Những câu chuyện về tình yêu, sự khao khát hòa bình là liều thuốc cần thiết cho hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh lúc bấy giờ.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã trầm ngâm về hơn 40 năm như là một người viết lịch sử cho cảm xúc của người Việt. Ông nói: “Có quá nhiều nỗi buồn ở Việt Nam”
Khi được hỏi lí do lựa chọn ở lại Việt Nam thay vì ra đi như nhiều người khác, ông nói:
“Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tạo âm nhạc. Ở nước ngoài, tôi không nghe thấy tiếng nhạc trong đầu, không nghe những bài thơ tôi viết ra. Tôi thích ở nước ngoài, nhưng nếu tôi ở xa quá, tôi khô héo và chết. Hơi ấm con người tại Việt Nam như nguồn nước mà hoa cần để sống”.
Năm 2001: “Trịnh Công Sơn, 62 tuổi; Người khuấy động Việt Nam với các bài hát phản chiến”
Đây là lần cuối cùng mà The New York Times đưa tin về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chỉ vài ngày sau khi ông qua đời. Bài viết do nhà báo Seth Mydans thực hiện với tiêu đề Trinh Cong Son, 62; Stirred Vietnam With War Protest Songs (tạm dịch: Trịnh Công Sơn, 62 tuổi; Người khuấy động Việt Nam với các bài hát phản chiến) và được đăng tải vào ngày 5/4/2001.
Bài viết đã đưa tin về sự ra đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng kể lại câu chuyện cuộc đời của ông và ảnh hưởng của những ca khúc do ông sáng tác với các thế hệ người Việt Nam. Sự chân thật, hồn nhiên và vẻ đẹp trong các bài hát của ông là lí do làm cho âm nhạc của ông luôn trường tồn và được nhiều thế hệ đón nhận.
Sự nổi tiếng của ông đạt đỉnh điểm vào những năm tháng chiến tranh, giai đoạn 1960 và 1970, và được quốc tế gọi là Bob Dylan của Việt Nam. Ông hát về nỗi buồn chiến tranh và khao khát hòa bình trên một đất nước bị chia cắt. Trong những năm cuối đời, ông tham gia hội họa và vẫn sáng tác. Các ca khúc của ông về sau này thường liên quan đến tình yêu, thân phận con người, và thiên nhiên. Tác giả cho biết “Ngủ đi con” là một trong những ca khúc được ưa chuộng của nhạc sĩ.
Quan Dinh H.
Reference: The New York Times