Vụ cựu binh Mỹ trả nhật ký: Xúc động nhận ra đồng đội cùng trung đoàn
Ông Phạm Quốc Bảo, người lính Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5, nhận ra đồng đội cùng đơn vị thông qua mật hiệu hòm thư xuất hiện trong trang nhật ký mà cựu binh Mỹ lưu giữ hơn nửa thế kỷ.
"Tôi xúc động, như tìm lại được đồng đội của mình"
Sáng 4/2, ông Phạm Quốc Bảo (76 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đọc bài viết "Vụ cựu binh Mỹ trả nhật ký: Những trang viết dần hé lộ thông tin chủ nhân" trên báo điện tử Dân trí, thì khựng lại trước một bức ảnh.
Đó là một trang viết chi tiết về địa chỉ của người lính với nội dung: "Cao Xuan Tuat, hòm thư 21222 GM phi trường 10. Xóm 13, thôn Trường Lâm, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định".
Ông Bảo ngay lập tức gửi thư đến tòa soạn báo điện tử Dân trí, cho biết cùng đơn vị với chủ nhân cuốn nhật ký thất lạc. Ông cho biết, địa chỉ "xóm 13, thôn Trường Lâm, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định" là nơi đóng quân của Trung đoàn 22 (gọi tắt E22), Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5, từng hoạt động tại chiến trường Bình Định và Quảng Ngãi từ tháng 9/1965 đến tháng 1/1970.
Theo tài liệu mà ông Bảo cung cấp, "21222 GM phi trường 10" là số hiệu hòm thư của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Từ đó, với những thông tin báo Dân trí cung cấp và nội dung một vài trang nhật ký, ông cho rằng, nhiều khả năng, chủ nhân tập nhật ký kể trên chính là từ đồng đội của mình, liệt sĩ Cao Xuân Tuất, thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng.
"Tôi rất xúc động, cảm giác như tìm lại được đồng đội của mình. Chỉ cần nghe đến cụm từ 'Trung đoàn 22" hay rộng hơn là "Sư đoàn 3 Sao Vàng", tôi đều cảm thấy gần gũi và gắn bó", ông Bảo bật khóc.
Đọc một vài trang nhật ký của liệt sĩ do cựu binh Mỹ Peter Mathews (77 tuổi) đăng tải, ông Bảo thấy trong đó hiện lên ý chí của người thanh niên như mình lúc bấy giờ, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc lâm nguy; là chàng trai tuổi đôi mươi mộng mơ ghi chép những bài thơ, bản nhạc; tạm gác lại tình yêu đôi lứa, nguyện "đi gìn giữ bầu trời tự do, giải phóng quê hương".
"Tôi tin rằng, nếu khai thác được toàn bộ 93 trang nhật ký, thì hình ảnh về chiến tranh và đời sống tinh thần của người lính hiện lên sinh động, phong phú", ông Bảo nói.
Theo cựu chiến binh, đây không phải lần đầu tiên cựu binh Mỹ trao trả nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Việt Nam. Năm 2005, hai tập nhật ký do Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ lưu giữ, đã được trao trả cho nhân thân liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của những người lính dù ngày xưa ở hai chiến tuyến.
"Tôi với cựu binh Mỹ Peter Mathews cũng từng là kẻ thù. Trong lúc chiến đấu, chúng tôi coi nhau là đối tượng cần tiêu diệt, nhưng giờ đây lại gắn kết với nhau bởi một mối nhân duyên thật đặc biệt", ông Bảo tâm sự, nói rằng hành trình trao trả nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất không chỉ có ý nghĩa riêng hai cá nhân, hai gia đình, mà còn hai quốc gia.
Ông hy vọng, bút tích của người lính sẽ được tìm về với gia đình, xoa dịu phần nào đau thương hơn nửa thế kỷ qua.
(Những trang viết trong nhật ký chiến trường của liệt sĩ Cao Xuân Tuất)
Trận đánh ác liệt
Từ những thông tin đứt đoạn, ông Phạm Quốc Bảo hy vọng chủ nhân cuốn nhật ký thất lạc là đồng đội cùng Trung đoàn 22. Dù công tác vị trí khác nhau, chưa từng gặp mặt, nhưng ông cảm giác "có sợi dây liên kết" giữa những người lính.
Năm 1965, học xong lớp 10, chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Quốc Bảo lên đường nhập ngũ, huấn luyện tập trung 3 - 4 tháng tại Hòa Bình, sau đó hành quân từ Bắc vào Nam.
Ông được biên chế vào Ban tham mưu, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5. Còn chủ nhân cuốn nhật ký, theo thông tin mật hiệu hòm thư, thuộc Tiểu đoàn 8 - đơn vị chính quy từ miền Bắc vào chiến trường sớm, lập nhiều chiến công, nên được xác định là Tiểu đoàn chủ công.
Trong 5 năm (1965 - 1970), hoạt động ở chiến trường Bình Định và Quảng Ngãi, Trung đoàn 22 phải đương đầu với các đơn vị tinh nhuệ của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Mỹ do ông Peter Mathews từng làm tiểu đội trưởng; Lữ đoàn Không vận 173 Mỹ, Lữ đoàn bộ binh 11; Sư đoàn 2 và Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam cộng hòa…
Hai bên đã đánh nhau một trận ác liệt , trong một chiến dịch trải rộng trên nhiều địa điểm ở Bình Định.
Ông Bảo kể, Sư đoàn Kỵ binh số 1 Mỹ đóng quân ở Gia Lai. Tháng 1/1966, sư đoàn này càn quét trận đầu tiên, cũng là lớn nhất, xuống miền Nam Việt Nam.
Những loạt bom B52 nổ rền rĩ trên dãy núi Hưng Nhượng giáp hai huyện Hoài Nhơn và An Lão (tỉnh Bình Định). Dứt bom, bầu trời chưa kịp yên tĩnh, thì hàng chục trận địa pháo đã dội đạn dồn dập xuống các làng mạc thuộc các xã Hoài Hảo, Hoài Châu, Hoài Sơn, Tam Quan…
Sau đó, hàng trăm trực thăng kết thành từng "bầy" liên tiếp phóng tên lửa và đổ quân xuống ba khu vực Chợ Cát (Hoài Hảo), Trường Xuân, An Thái (Tam Quan Nam) và khu vực ga Chương Hòa, Bình Đê thuộc xã Hoài Châu.
Cùng lúc đó, ở Hoài Nhơn, Trung đoàn 22 bắt đầu nổ súng.
Năm 1967, chiến sĩ Cao Xuân Tuất hy sinh. Tháng 11 cùng năm, ông Peter Mathews tìm thấy cuốn nhật ký trong chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam, được cho là trong trận địa Đắk Tô (Tây Nguyên), giữ nó đến nay, và rất mong muốn tìm được người thân của chiến sĩ để trao trả.
"Tôi mong rằng cơ quan chức năng trong và ngoài nước tích cực hỗ trợ cựu binh Mỹ, để ông ấy có thể sang Việt Nam, trả lại cuốn nhật ký cho nhân thân liệt sĩ Cao Xuân Tuất, khép lại quá khứ của mình", ông Bảo nói.
Hành trình làm nên "Trung đoàn anh hùng" và nghĩa cử cao đẹp với đồng đội
Dù là cán bộ Ban Tham mưu, nhưng ông Phạm Quốc Bảo cũng tham gia nhiều trận đánh lớn.
Năm 1968, trong trận đánh ở Quảng Ngãi, biệt kích đổ xuống sở chỉ huy tiền phương, khiến ông Bảo bị thương hai chân. Ba ngày sau, ông được đưa về đội phẫu thuật trung đoàn, một thời gian sau thì chuyển lên ngọn núi nơi đóng quân của bệnh xá quân y.
Do bị thương, ông Bảo bị loại khỏi vòng chiến đấu, đầu năm 1969 chống nạng đi bộ ra Bắc.
Hai năm điều dưỡng, ông được đơn vị cử đi thi Đại học, là một trong hai người đỗ, sau sang Liên Xô học 6 năm.
Năm 1978, ông về nước, được phân công công tác tại Văn phòng Quốc hội.
Năm 2005, ông được biệt phái làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Bulgari kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia.
Năm 2009, ông về hưu, dành thời gian tham gia hoạt động cựu chiến binh, tìm kiếm liệt sĩ, thu thập tài liệu về đơn vị cũ, nỗ lực đề nghị cơ quan nhà nước khai quật mộ tập thể các liệt sĩ Trung đoàn 22 trong trận đánh đồi Xuân Sơn đêm 26 rạng sáng 27/12/1966.
Năm 2010, ông Bảo gặp lại đồng đội Lê Anh Sáng, hỏi thăm tình hình Trung đoàn 22 còn những ai. Họ tìm gặp ông Nguyễn Tiến Đích - người viết lịch sử của sư đoàn, để bắt đầu hành trình viết lại lịch sử hào hùng của Trung đoàn 22.
"Tìm thấy những người đồng đội, chúng tôi vận động tổ chức một cuộc gặp gỡ cựu chiến binh Trung đoàn 22, tại Ninh Bình. Dù chưa đến 50 người, nhưng ai nấy đều xúc động, chưa kịp nói đã khóc", ông Bảo kể.
Từ đó, họ dày công tìm kiếm tài liệu, đến các thư viện quốc gia, quân đội, phối hợp với cán bộ Phòng Chính trị và Ban Tuyên huấn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, cùng các cơ quan và đơn vị hữu quan soạn thảo báo cáo thành tích, làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng Trung đoàn 22 danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
"Trung đoàn 22 hoạt động chỉ 5 năm, đến tháng 2/1970 hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, được phân tán bổ sung cho các tỉnh đội Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tuy vậy, chúng tôi đã đánh những trận cực kỳ ác liệt và đẫm máu, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc", ông Bảo nhớ lại.
Sau khi phân tán, phiên hiệu Trung đoàn 22 - "Quyết Tâm" đã đi vào lịch sử của Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam, và chỉ còn dấu ấn trong ký ức của mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22.
Cũng trên cơ sở tài liệu quý giá, ông Bảo đã biên soạn cuốn sách "Trung đoàn 22 Anh hùng", để lưu trữ và làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo. Đây là căn cứ quan trọng chứng minh Trung đoàn 22 đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và đã được Hội đồng thi đua, khen thưởng Trung ương ghi nhận và đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu.
"Ngày phân tán, Trung đoàn 22 coi như đi vào dĩ vãng, không ai nhắc đến nữa, nên việc tìm kiếm tài liệu để chứng minh chúng tôi là một đơn vị anh hùng hết sức khó khăn, khác nào "mò kim đáy biển'", ông Bảo thở dài.
Tuy nhiên, qua trung tâm khai thác tài liệu chiếm được trong chiến tranh Việt Nam (một tổ chức của quân đội Mỹ), cựu binh đã tìm được một số tài liệu của Sư đoàn 3 và Trung đoàn 22. Những tài liệu này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho đơn vị.
Đến tháng 12/2020, sau 50 năm, Trung đoàn 22 vinh dự đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước", trong niềm hạnh phúc trọn vẹn.
"Trong 5 năm (1965-1970), Trung đoàn làm nên những chiến công lừng lẫy. Nhờ có những chiến công này, 50 năm sau, chúng tôi làm nên một kỳ tích khi được nhận danh hiệu cao quý. Cuộc hành trình 50 năm đã tới đích", người cựu chiến binh tự hào nói.
Cuốn sách "Trung đoàn 22 Anh hùng" mà ông Bảo biên soạn, đã giúp đỡ nhiều thân nhân liệt sĩ biết được về đơn vị cha ông mình từng chiến đấu. Nhiều gia đình đồng đội đã gọi điện, hy vọng được ông giúp đỡ trên hành trình tìm kiếm hài cốt/mộ liệt sĩ. Và chưa bao giờ người đàn ông nói lời từ chối.
Ông Bảo gọi đây là "sứ mệnh của mình", như một cơ duyên, "nhờ được linh hồn đồng đội giúp đỡ". Hương hồn các liệt sĩ trong thế giới tâm linh như sợi dây vô hình thiêng liêng kết nối, giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, là một phép màu mang đến những niềm vui cho Trung đoàn 22.
Cũng từ hành trình này, ông Bảo tìm được nhật ký chiến trường của liệt sĩ Nguyễn Trường Sinh, đơn vị: đại đội 93, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 22. Cuốn sổ bị quân Mỹ thuộc một đơn vị của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 lấy mất ngày 16/5/1967. Trung tâm khai thác tài liệu đã tiếp nhận ngày 24/5/1967. Ông đã tập hợp thông tin, mong muốn một ngày gần nhất được gửi tặng cuốn nhật ký đến tận tay thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trường Sinh tại Hải Dương.
"Tôi vẫn có một trăn trở, canh cánh trong lòng, rằng một số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hay những ngôi mộ không tên, không quê hương. Bởi vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình này, như một nén tâm nhang tưởng nhớ hàng nghìn đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất chiến trường bất khuất, kiên cường". Dứt câu, người đàn ông quay mặt đi, cố kìm nén cảm xúc.
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 27/1/2023, báo North Jersey (Mỹ) đăng tải câu chuyện về người cựu binh đang lưu giữ cuốn nhật ký của người lính Việt Nam và muốn trao trả lại.
Cựu binh Mỹ có tên Peter Mathews. Ông tìm thấy cuốn nhật ký trong chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam vào tháng 11/1967 và giữ nó đến nay. Sau hơn nửa thế kỷ, cựu binh Mỹ muốn tìm chủ nhân để trả lại.
Khi một số trang trong cuốn nhật ký được dịch, cựu binh Mỹ biết được tên người lính phía bên kia chiến tuyến là Cao Xuân Tuất, có địa chỉ tại một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, đã tìm cách liên hệ với người viết câu chuyện đăng tải trên tờ báo North Jersey này.
Qua kết nối từ nữ phóng viên nước ngoài, ông Tân đã liên hệ được với cựu binh Peter Mathews, với mong muốn được cung cấp đầy đủ 93 trang nhật ký để nắm thêm manh mối, phục vụ cho công tác tìm kiếm.
Ông Tân đã liên tiếp gửi nhiều lượt email trao đổi tới ông Peter Mathews và gặp không ít khó khăn khi người cựu binh này năm nay đã 77 tuổi, không thành thạo sử dụng máy tính và các phần mềm chia sẻ.
Qua rà soát bản trích lục thông tin liệt sĩ, giữa thông tin về tên người trong cuốn nhật ký là Cao Xuân Tuất và liệt sĩ Cao Văn Tuất, ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) dù khác tên đệm nhưng các thông tin khác đều trùng khớp.
"Chúng tôi đã trực tiếp đến nhà gặp thân nhân liệt sĩ nhằm xác minh, có khả năng là liệt sĩ Cao Văn Tuất, nhưng một số tình tiết phải làm rõ hơn, chưa thể kết luận. Cơ quan chức năng đang làm rõ thêm", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Hà Tĩnh thông tin.
Thực hiện: Minh Nhân - Minh Hoàng
06/02/2023