'Ông Tùng mất rồi, tôi lại đang khóc đây', đạo diễn Phạm Việt Tùng không nén được xúc động khi trò chuyện, dù ông là người cảm nhận được nhiều hơn cả về tuổi tác và sức khỏe của đại tá Bùi Văn Tùng những năm gần đây.
"94 tuổi, ông đến lúc ra đi rồi. Nhưng lịch sử sẽ không bao giờ quên, người Việt Nam sẽ không quên...", ông Phạm Việt Tùng nhấn giọng.
Đúng. Những người Việt Nam sẽ không thể quên những thời khắc lịch sử. Suốt buổi chiều cho đến tối 30-4-1975, Đài phát thanh Sài Gòn đã phát đi phát lại những lời tuyên bố.
Người được lịch sử chọn
"Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chánh quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chánh quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn".
"Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn".
"Trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu - thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng".
Hai mươi năm chiến tranh đã chấm dứt như thế. Sau này, khi về sống trong căn nhà chỉ cách dinh Độc Lập vài chục mét, xóm giềng cũng không mấy ai biết ông đại tá về hưu Bùi Văn Tùng lại chính là người đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng để tổng thống Dương Văn Minh đọc, và cũng chính là người đã thay mặt quân giải phóng tuyên bố chấp nhận đầu hàng, tuyên bố Sài Gòn được giải phóng.
Đi theo những người cách mạng từ năm 15 tuổi trong những ngày thu tháng 8-1945, là một trong những sĩ quan đầu tiên của quân đội được đào tạo bài bản chuyên môn về tăng thiết giáp, 30 năm sau - tháng 4-1975 Bùi Văn Tùng đã là trung tá - chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ huy mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, những chiếc xe tăng tiến vào Sài Gòn theo xa lộ Biên Hòa, đến đích cuối cùng là dinh Độc Lập...
Suốt đời binh nghiệp đều phụ trách công tác chính trị nhưng ông Tùng hẳn cũng không ngờ mình lại được lịch sử chọn làm người tuyên bố thời khắc của hòa bình.
Những năm sau này, mỗi khi được hỏi đến, ông đều chỉ kể lại đúng những diễn biến của ngày hôm đó, không thêm bớt, không bình luận, còn những nhà nghiên cứu thì đều tấm tắc công nhận mấy dòng văn kiện mà ông đã soạn vội trên mảnh giấy pơ luya xanh nhạt ấy là những dòng vắn tắt mẫu mực, đúng bản chất sự kiện, không thiếu không thừa, xứng đáng đi vào lịch sử.
"Hành động của ông đã góp phần kết thúc chiến tranh nhanh nhất, tiết kiệm xương máu chiến sĩ, đồng bào, góp phần giữ gìn thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Hành động đó đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta như một dấu chấm hết vĩ đại...", đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 203, viết như vậy trong đơn đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông năm 2020.
"Tôi thương và trọng ông như người anh lớn của mình. Cũng từng là lính, tôi nhận xét ông là một anh "bộ đội Cụ Hồ" đúng nghĩa, luôn yêu dân, tin Đảng, đặt quân đội làm trọng, liêm khiết, liêm chính, không nói xấu, chỉ trích ai, không tranh công, giành quyền lực. Ngay trong những rắc rối lớn liên quan đến bản thân mình ông cũng không lên tiếng vì luôn tin rằng sự thật có chỗ đứng trong lịch sử. Chính thái độ của ông đã thôi thúc chúng tôi phải tiến tới để tìm lại chính lịch sử...", đạo diễn Phạm Việt Tùng nhắc.
Ông đã dành rất nhiều thời gian trong đời mình đi tìm nhân chứng, tư liệu để tái hiện lại ngày 30-4-1975, và trong quá trình ấy, báo Tuổi Trẻ đã cùng tham gia. Tất nhiên, ông Bùi Văn Tùng rất ủng hộ chúng tôi nhưng luôn với sự chừng mực. "Đặt uy tín quân đội làm trọng", ông luôn bảo vậy.
Đức khiêm nhường của người bộ đội Cụ Hồ
Chiều 9-2, lễ tang đại tá Bùi Văn Tùng được gia đình tổ chức trang trọng, ấm áp tại nhà riêng. Thắp nén hương viếng, rất nhiều bạn bè của các con ông mới lần đầu tiên được nghe "tiết lộ" về câu chuyện lịch sử của đời ông.
"Tìm trên mạng chỉ cần ba chữ "đại tá Bùi" là đã ra hàng loạt bài rồi", một người reo lên như một phát hiện. "Tối nay chúng mình sẽ đọc kỹ lại câu chuyện này, thật ngưỡng mộ quá...", mấy người bạn làm cùng công ty con dâu ông nói sau lời chia buồn.
Bàn bên cạnh lại có mấy người đàn ông lạ mà không người con nào của ông quen biết. Lần lượt họ tự giới thiệu: "Tôi là Trần Bình Hòa, là một người dân ở Thủ Đức. Tôi đã nghe tên tuổi ông Bùi Văn Tùng nhiều năm, rất mến mộ ông. Nay đọc báo biết tin buồn, lại biết cả địa chỉ nên xin phép được đến thắp nén nhang tiễn ông";
"Tôi là Doãn Mạnh Dũng, bạn tôi là Hoàng Tất Đạt, biết câu chuyện lịch sử của ông qua báo chí, chúng tôi đến xin viếng một người cách mạng chân chính. Ba điều chúng tôi kính trọng cụ Tùng: lòng yêu nước, trí tuệ và sự khiêm nhường. Đấy là những gì chúng tôi lĩnh hội được từ ông. Lòng yêu nước từ quá trình cách mạng. Trí tuệ ngay từ từng câu chữ trong bản tuyên bố đầu hàng ông soạn thảo. Đức khiêm nhường trong ứng xử của ông sau này".
Chị Bùi Quỳnh Hoa, con gái ông, rất xúc động khi được nghe mọi người nói về cha mình: "Ông đã từ chối tất cả mọi ưu đãi, tưởng như chỉ có gia đình biết nhưng hóa ra mọi người đều đã yêu quý ông vì vậy".
Chị bật mí một chuyện mà mọi người chưa biết: sau khi nghỉ hưu sớm, ông Bùi Văn Tùng đã từng làm cộng tác viên cho báo Sài Gòn Giải Phóng. "Cha rất hăng hái đi viết những bài hưởng ứng loạt Những việc cần làm ngay của tác giả NVL lúc ấy".
Những câu chuyện cứ nối dài, từ lịch sử đến đất nước, đến con người... Một người chân chính ra đi, nhiều câu chuyện đau đáu còn để lại. Ông đã sống xứng đáng cho Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ mãi ghi nhớ ông.
Ông Tư Cang - Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu - đến viếng lúc chiều muộn. Ông nói: "Hồi tháng 4-1975, tôi là chính ủy Lữ đoàn 316, ông Tùng là chính ủy Lữ đoàn 203, mỗi người mỗi nhiệm vụ. Rất may mắn khi ông Tùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ông, góp phần giúp những công việc mà chúng tôi đã triển khai, chuẩn bị trong trường hợp gặp kháng cự tử thủ được hủy bỏ, Sài Gòn được nguyên vẹn.
Khâm phục ông Tùng là chỗ đó. Sau này, những sự kiện ngoài ý muốn xảy ra, lại càng ngưỡng mộ ông ở đức khiêm tốn, đồng đội ai ai cũng đều thương mến".
Thắp nén nhang cho người đồng đội kém mình 2 tuổi, ông Tư Cang rướm nước mắt. Quay lại bàn, ông Tư thở dài: "Tôi nay 96 tuổi rồi. Cuộc đời ai rồi cũng đến đó, chúng tôi đã được sống thay cho rất nhiều đồng đội rồi, vì thế phải sống xứng đáng. Ông Tùng đã rất xứng đáng".
* Đại tá Bùi Văn Tùng - nguyên chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, từ trần lúc 3h10 ngày 9-2-2023, thọ 94 tuổi.
* Lễ tang được tổ chức tại nhà riêng - 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM.
* Lễ động quan lúc 6h15 ngày 12-2-2023. Linh cữu sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.
Đại tá, nguyên chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng qua đời