Quanh năm quay cuồng với chuyện làm ăn, bàn chuyện kinh tế, chính trị, thời sự; cuối năm có lẽ là dịp để mỗi chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời... Thử một lần không bàn về chuyện kinh tế, TBKTSG đã “trà dư tửu hậu” với nhà nghiên cứu triết học phương Tây Bùi Văn Nam Sơn.
Nhà nghiên cứu triết học phương Tây Bùi Văn Nam Sơn đã dịch và chú giải công phu ba quyển sách kinh điển về triết học là “Phê phán lý tính thuần túy”, “Phê phán năng lực phán đoán” của Immanuel Kant và “Hiện tượng học tinh thần” của Wilhelm Friedrich Hegel và được người đọc rất quan tâm. Mới đây, nhân lễ ra mắt Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, giải thưởng “Tinh hoa giáo dục quốc tế” do Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và khoa Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã quyết định trao giải thưởng năm 2006 cho dịch phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”.
TBKTSG: Xin anh cho biết giải thưởng mà anh vừa được nhận và sự quan tâm của độc giả tới những tác phẩm kinh điển về triết học mà anh đã dịch nói lên điều gì trong bối cảnh xã hội và học thuật hiện nay?
- Bùi Văn Nam Sơn: Giải thưởng quả là một vinh dự bất ngờ đối với tôi và tôi hiểu rằng đây không chỉ là tình cảm ưu ái của các vị trong hội đồng giải thưởng dành cho cá nhân tôi mà còn là cử chỉ tượng trưng để khích lệ các nỗ lực dịch và giới thiệu có hệ thống các tác phẩm kinh điển thuộc “Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới” do Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh chủ trương. Đáng mừng hơn là sự quan tâm ngày càng nhiều của bạn đọc đối với mảng sách này.
TBKTSG: Theo anh, hiện tượng tìm đọc sách triết học hiện nay nói lên điều gì?
- Việt Nam trong lịch sử đã có quá trình giao lưu văn hóa lâu dài với các nước. Tuy không có truyền thống lớn về suy tưởng triết học (số nước có được truyền thống này thật ra có thể đếm trên đầu ngón tay!), nhưng bù lại, ta có truyền thống không kém phần hiền minh: để cho các trào lưu ấy được “tịnh hành”, tức cùng tồn tại và giao hòa, phát triển. Chúng ta đã gặp gỡ đạo Phật, đạo Nho từ hàng ngàn năm trước và cũng đã tiếp cận với phương Tây khá sớm. Tuy nhiên do nhiều lý do, sự giao lưu đó đã bị chựng lại và truyền thống “tịnh hành” bị mai một. Ngày hôm nay hiện tượng anh vừa nói theo cá nhân tôi đó là sự đáng mừng. Không phải là mừng cho triết học, vì triết học đã có từ muôn đời rồi; đáng mừng vì điều này chứng tỏ đất nước đang dần trở lại bình thường. Bình thường ở đây là biết nhiều thứ, biết thiên hạ đang nói gì và mình nên suy nghĩ gì.
TBKTSG: Anh có bao giờ nghĩ người ta tìm đọc triết học như bây giờ cũng giống như đang theo “mốt”?
- Tôi nghĩ triết học quá “già” để trở thành thời trang. Một xã hội bình thường cần có những sinh hoạt tinh thần bình thường, có nhu cầu tiếp cận những cái mới. Khi người ta tìm đến triết học điều này chứng tỏ xã hội đó đã đến giai đoạn cần nhìn lại bản thân mình. Triết học gọi đó là sự phản tư. Đó là dấu hiệu về sự trưởng thành của một xã hội.
Những cuốn sách triết học vừa mới xuất bản hay tái bản chỉ mới là sự bắt đầu. Chúng ta vẫn chưa có điều kiện tiếp cận nền học thuật này một cách có hệ thống. So với các nước láng giềng thì chúng ta quá chậm trong việc phổ biến các trào lưu tư tưởng và khoa học trên thế giới.
TBKTSG: Khi một số người tìm đọc những tư tưởng triết học mới (đối với Việt Nam), liệu có thể hiểu là họ đang đi tìm một lối thoát về mặt tư tưởng?
- Nếu cho rằng đến với triết học để tìm một lối thoát riêng cho mình là đánh giá quá cao triết học, và sẽ rơi vào ngộ nhận và thất vọng khi tưởng rằng có thể tìm ra trong nó một phép lạ.
Ngày xưa chúng ta đến với đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật, hay ngay cả sau này đến với chủ nghĩa Marx cũng là trong tâm thế đi tìm một lối thoát, một kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động. Thật ra, theo tôi, triết học và khoa học có chỗ tương đồng, cả hai chỉ là sự tìm tòi mà thôi, dù ở quy mô khác nhau. Triết học khác với tôn giáo và chính trị. Chính trị là đi tìm những giải pháp cho một tình thế, tôn giáo là đi tìm những sự xác tín để giải thoát. Còn ngược lại, đến với triết học là để tìm sự nghi vấn, để làm lay chuyển những định kiến và kiểm chứng lại niềm tin sẵn có. Nó làm ta mất ngủ hơn là an tâm.
Tất cả phải được đặt lên bàn bằng sự nghị luận, phải tỉnh táo và lắng nghe người khác nói, đó là tinh thần của triết học và khoa học. Khi một xã hội phát triển đến mức có nhu cầu tự vấn, phản tư về việc mình đang làm, đang nghĩ, thì nảy sinh nhu cầu triết học, và đó là sức sống muôn đời của nó. Nếu giả sử “nghị luận” rằng triết học đã chết rồi thì cũng tức là đang làm cho nó sống mãi. Tôi cho rằng không phải vì sự khủng hoảng tư tưởng mà cần đi tìm một lối thoát khác bằng triết học, đặt vấn đề như vậy là tai hại và giao cho triết học những nhiệm vụ không phải của nó. Đã qua rồi giấc mơ của Platon: vua phải là triết gia và triết gia… phải làm vua! Vị trí của triết học vốn khiêm tốn và chông chênh. Chẳng thế mà ngày xưa ở châu Âu nó không chỉ đứng sau pháp gia [nhà cai trị] mà còn bị bắt làm “con sen” cho thần học [hệ tư tưởng chính thống] nữa. Chỉ có điều, như Kant hóm hỉnh tự hỏi: “Không biết “con sen” này có nhiệm vụ cầm đèn đi trước soi đường hay “chịu lép một bề” lẽo đẽo đi sau nâng váy cho bà chủ?”.
TBKTSG: Thế còn chủ nghĩa Marx trong bối cảnh hiện nay theo suy nghĩ của anh?
- Triết học thể hiện nguyện vọng của con người đi tìm cái toàn thể. Triết học duy tâm cho rằng toàn thể là cái gì siêu việt. Marx cũng bàn đến cái toàn thể và cũng muốn vươn đến sự toàn thể bằng cách giải quyết sự mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và cái vô hạn hay là “hòa giải” theo từ mà Marx dùng lại của Hegel. Hòa giải giữa tự nhiên và văn hóa, giữa tất yếu và tự do, giữa con người với thế giới, giữa cá nhân và xã hội. Tham vọng của Marx là tham vọng triết học, và là một tham vọng thật sự chính đáng. Nhưng muốn “hòa giải” thì phải hiểu biết thấu đáo cả hai phía, gọi là “sự trong suốt” của nhận thức trước khi bắt tay vào hành động. Liệu một nhận thức như thế có thể có được không và sự hòa giải đó có thể diễn ra một cách hiện thực? Và bao giờ thì sự hòa giải đó diễn ra và diễn ra như thế nào? Hòa giải với thế giới hay chỉ lo hòa giải với nhau ở trong thế giới mà còn chưa xong?
Kant nói rằng ước vọng vươn đến cái toàn thể là nhu cầu tự nhiên của con người. Con người bao giờ cũng muốn đi đến sự tối hậu: trong mọi nguyên nhân luôn tìm đến nguyên nhân cuối cùng, trong mọi giải pháp vẫn muốn tìm đến giải pháp triệt để. Tuy nhiên con người lại thường không hiểu rằng không thể đạt tới cái toàn thể vì mình là hữu hạn. Vì thế, ông khiêm tốn khuyên rằng chỉ nên xem khát vọng về cái toàn thể hay về sự “hòa giải” là lý tưởng, là một chân trời để vươn tới, nhưng là điều không bao giờ đạt được trong thực tế, vì nó là… chân trời!
Nếu chúng ta điều chỉnh cách nhìn của chúng ta về chủ nghĩa Marx theo hướng nghĩ rằng đó là một lý tưởng để vươn tới, mà thế hệ chúng ta chưa thực hiện được, biết đâu các thế hệ sau, sau nữa sẽ tiến dần tới đó, nghĩ được như thế thì ta sẽ thanh thản và sẽ không trách Marx nữa. Có lẽ cần có cách hiểu khác về thâm ý câu nói nổi tiếng của Marx: “Triệt để là nắm sự việc tận gốc rễ của nó. Mà gốc rễ của con người chính là con người”.
TBKTSG: Hiện nay trên thế giới có những trào lưu triết học nào lớn?
- Trào lưu thì quá nhiều nhưng tựu trung có hai xu hướng lớn. Một xu hướng cho rằng triết học không còn vai trò gì nữa, tất cả đều là tương đối, khả năng con người là hữu hạn, không thể thấy được cái toàn thể. Tất cả các tôn giáo lớn, các hệ tư tưởng bao trùm và cuối cùng là chủ nghĩa Marx được người ta gọi là các “đại tự sự”, nghĩa là các câu chuyện kể hư cấu khổng lồ, có đầu có đuôi… vẽ ra một chân trời viễn mộng. Những người theo xu hướng này cho rằng không thể tin vào các đại tự sự được nữa, ta chỉ có những câu chuyện nhỏ và chỉ có thể biết chúng mà thôi. Và đó là công việc của những ngành khoa học riêng lẻ với sự đa tạp về nội dung và sự đa dạng đến vô cùng về phương pháp.
Xu hướng thứ hai thì đặt vấn đề nếu không có cái toàn thể thì con người làm sao có thể gặp được nhau. Dù muốn hay không thì con người vẫn có một điểm chung với nhau, đó là lý tính. Song, triết học không còn nhiệm vụ chỉ định “chỗ ngồi” cho mỗi ngành khoa học nữa. Bây giờ nó chỉ làm nhiệm vụ “giữ chỗ”, giữ một chỗ tối thiểu để các ngành khoa học có thể gặp nhau, và như đã nói, đó là miếng đất của lý tính.
Gần đây nhiều tác giả lại cho rằng nên đặt vấn đề một cách dung hòa hơn. Không ảo tưởng nữa đã đành, nhưng cũng không nên cắt cụt đôi cánh của tư duy! Triết học không làm nhiệm vụ giữ chỗ, càng không chỉ chỗ, cũng không phải là tiểu sự hay đại sự mà tất cả trở lại với bản chất cố hữu của triết học, là nghị luận, hay, dùng chữ thời thượng hơn, là diễn ngôn (discourse), nhưng trong tình hình mới. Bối cảnh thế giới bây giờ đã khác hẳn, tất cả phải ngồi lại nói chuyện, bằng lý luận, lập luận trong một sự tỉnh táo, tương nhượng nhau để tìm một sự đồng thuận nào đó để làm việc, để sống và để hy vọng. “Bàn luận với nhau để mà sống”, đó là khẩu hiệu hiện nay của triết học. Sống, để cho người khác sống, và cùng nuôi một chân trời hy vọng, đó là điểm gặp nhau của xã hội loài người.
TBKTSG: Vậy thành quả của triết học trong thế kỷ 20 là gì?
- Trước đây người ta chỉ nói chuyện với nhau bằng súng đạn, còn bây giờ triết học đã vạch ra cho người ta thấy phải ngồi lại để bàn luận. Thành tựu lớn nhất của triết học trong thế kỷ 20, qua bao khúc khuỷu, là giúp cho người ta bình tĩnh hơn, bớt nóng nảy, độc đoán để nói chuyện cùng nhau. Công lao này của triết học về lề lối suy tư và phương pháp luận là rất lớn, từ đó, trong chính trị hiện thực người ta đã sử dụng chính sách đối thoại, không đối đầu, chính sách giảm căng thẳng, chính sách đa phương hóa quan hệ, để cùng nhau “thắng-thắng”… Tất cả những gì đang diễn ra trong hiện thực của chính trị, kinh tế, xã hội ngày nay là sự tích lũy của một quá trình khủng hoảng và tỉnh ngộ của triết học từ cuối thế kỷ 19 và suốt thế kỷ 20.
TBKTSG: Theo anh, quan niệm đa cực hiện nay là do triết học làm nền tảng hay tự nhiên nó có?
- Triết học chỉ soi sáng thôi, chỉ giải thích việc đó là do sự phát triển kinh tế xã hội toàn cầu nên chỉ có thể là đa cực. Phải có sự đa dạng trong tư tưởng, sự thừa nhận các nền văn hóa khác nhau, thì nhân loại mới đi đến được giai đoạn toàn cầu hóa như ngày hôm nay.
Trước đây không ai thừa nhận giá trị tự tại và phổ quát của nhiều nền văn hóa, thậm chí, người ta nói chỉ có nền văn hóa châu Âu. Người châu Âu ít khi thừa nhận nền văn hóa châu Á. Văn hóa châu Phi và châu Mỹ thì lại càng không có. Nhờ những thành tựu nghiên cứu khoa học và triết học tổng quát, người ta đã đi đến chỗ cho rằng tất cả các nền văn hóa đều có giá trị riêng của nó, đều đồng đẳng, chúng chỉ có khác nhau thôi. Khác biệt chứ không hẳn là hơn kém. Thừa nhận có nhiều nền văn hóa khác nhau có nghĩa là tôn trọng nhiều giá trị khác nhau, nhiều lối suy tư khác nhau. Và vì thế không có sự độc quyền về văn hóa nữa. Nhưng, điều này không đồng nghĩa với sự tự tôn, co cụm, phủ nhận cái phổ quát, giương ngọn cờ “toàn thủ” (integrism). Vì lẽ nền văn hóa hiện đại và công cuộc hiện đại hóa văn hóa cần có cả hai đặc điểm: một là, thừa nhận các nền văn hóa khác và trong bản thân một nền văn hóa cũng không còn một trung tâm duy nhất “ban phát”; thứ hai, nền văn hóa ấy phải có năng lực tự phản tư, tự phê phán nữa. Kant có công rất lớn trong đặc điểm thứ hai này nên được gọi là nhà đại khai sáng của thời hiện đại. Ngay “lý tính” cũng không được hiểu đơn giản, “nhất phiến”. Ta có cả lý tính lý thuyết, lý tính thực hành, năng lực phán đoán thẩm mỹ, năng lực tương giao và năng lực định hướng… Xã hội nào chưa đạt được hai điều này thì chỉ mới ở thời tiền hiện đại dù đã sử dụng công nghệ cao. Ví dụ một số nước Trung Đông dù có công nghệ cao, vẫn là một xã hội tiền hiện đại vì chưa thừa nhận các nền văn hóa khác và chưa hề đặt vấn đề phản tư.
TBKTSG: Việt Nam là một xã hội hiện đại hay là tiền hiện đại?
- Việt Nam bây giờ đang hiện đại hóa từng phần và do thời thế thúc đẩy hơn là chủ động. Tiến trình thức tỉnh về hai điều kiện song đôi nói trên đây đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 khi các cụ nhận ra rằngánh sáng không chỉ đến từ phương Bắc, rằng “Thái Tây” không chỉ có bọn thực dân xâm lược mà cũng có “thánh hiền”, nào là Bá Lạp Đồ (Platon), Khang Đức (Kant), Lư Thoa (Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu)… và đồng thời biết tự phê phán về cái học hủ nho và các khuyết tật hủ bại của nền văn hóa nước mình. Tiếp tục một quá trình còn dang dở là gánh nặng trên vai các thế hệ ngày nay.
TBKTSG: Vậy làm sao để hiện đại hóa xã hội?
- Hiện đại hóa không phải chỉ là đưa máy móc, sách vở về là được. Hiện đại hóa trước hết là thay đổi đầu óc, và muốn thế, cần xây dựng một tầng lớp trí thức độc lập. Độc lập chứ không phải đặc quyền hay được ưu đãi. Trí thức là nội lực tinh thần, là nguyên khí quốc gia, là tiết tháo (nghĩa đen: sự giữ gìn trinh tiết) của một dân tộc. Nhà cầm quyền yêu nước - và biết “cái đạo yêu nước” nói như nhà khai sáng Phan Châu Trinh - nên làm “bà đỡ” để xây dựng cho được tầng lớp này, chấp nhận cho tầng lớp này lớn lên. Phải tạo điều kiện cho tầng lớp trí thức có căn bản học thức và phẩm hạnh đàng hoàng. Có tầng lớp này, chúng ta mới có phản tư, mới có khoa học, mới hiểu được thế giới, mới bàn được các vấn đề với thế giới…
TBKTSG: Nói như thế thì trách nhiệm của một người trí thức là quá nặng nề?
- Theo tôi, muôn đời vẫn vậy, Nguyễn Trãi đã nói: “Cổ kim thức tự đa ưu hoạn” (xưa nay kẻ biết chữ thường lắm lo phiền). Chỉ có điều: trước đây là lời than thở, nay nên hiểu là nghĩa vụ. Trách nhiệm của một người trí thức là nhìn xa, thấy rộng, tự trọng và dấn thân. Xin lấy một ví dụ: nước Anh được như ngày hôm nay là nhờ những đại trí thức như John Stuart Mill(*). Ông ta dự báo rằng sớm muộn gì cũng có phổ thông đầu phiếu ở nước Anh thời chuyên chế Victoria. Cái lo của ông ấy không phải là bao giờ có phổ thông đầu phiếu mà là làm thế nào để việc đó có thực chất. Vì thế, ông bảo: phổ thông giáo dục phải đi trước phổ thông đầu phiếu. Nghĩa là, phải chuẩn bị cho ngày ấy, như câu tục ngữ: “Ai muốn đi xa, phải chuẩn bị yên cương”. Hồi đó John Stuart Mill đã rất trăn trở chuyện làm sao giáo dục cho tầng lớp công nhân, lao động còn rất tăm tối của nước ông để họ hưởng được ngày bầu cử tự do đó. Ông cũng là người chủ trương chủ nghĩa xã hội. Có một điều buồn cười là hai ông Marx và Mill cùng sống một chỗ, ở London, suốt 20 năm trời mà không biết nhau và cùng giương ngọn cờ chủ nghĩa xã hội. Marx cho rằng phải vô sản hóa, còn Mill thì lại cho rằng phải hữu sản hóa, phải làm cho mọi người giàu lên… công nhân mạnh lên thì mới ăn nói ngang ngửa với nhà tư bản…
Kể câu chuyện như vậy để thấy rằng vai trò của trí thức là rất lớn.
TBKTSG: Anh nói bây giờ phải xây dựng tầng lớp trí thức, nhưng chúng ta cũng cần phải xây dựng tầng lớp doanh nhân, kỹ thuật viên, tầng lớp công chức có năng lực. Vậy thì phải bắt đầu từ đâu?
- Có quá nhiều chuyện phải làm, nhưng việc này sẽ thúc đẩy việc kia và tôi nghĩ tất cả phải bắt đầu từ giáo dục.
Võ Trần Bình Phương
thực hiện
(*) Xem Bùi Văn Nam Sơn : “Đọc lại “Bàn về tự do” của John Stuart Mill” (Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Tri Thức, 2006) trong “Trong ngần bóng gương”, kỷ yếu mừng GS.TS. Đặng Đình Áng 80 tuổi, NXB Tri Thức, 2006.