Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Nhà Rồng ở Paris - báu vật thanh cao

 Tòa Nhà Rồng Paris rất cần và rất xứng đáng trở thành một không gian giao lưu văn hóa Việt - Pháp, văn hóa Đông - Tây kỳ thú.

    Vâng, không phải Nhà Rồng ở Sài Gòn mà là ở Paris - nơi có nhiều “văn vật” khắp thế giới tụ hội. Dường như Nhà Rồng chưa nằm trong danh sách “la cà” của du khách Việt và bốn phương khi đến thành phố kỳ vĩ này. Còn với sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên Việt Nam, những ai có dịp “ký túc” tại Cité Internationale Universitaire - Cư xá Đại học Quốc tế (gọi tắt là Cité) hẳn đều nhớ kiểu dáng hay lạ của Nhà Rồng giữa một loạt kiến trúc phương Tây tráng lệ.

    Cuối năm 2022, có dịp trở lại Paris sau mùa Covid, tôi không quên ghé thăm người xưa Cité và Nhà Rồng thân quen đó.

    Đầu rồng và cung điện Việt

    Cité là một khu nhà rộng lớn ở quận 14 của Paris, nằm trước ga metro mang tên nó. Vào đây, tôi ngỡ như đi vào một “Liên Hợp Quốc thu nhỏ” khi thấy nhiều tòa nhà nguy nga mang tên các quốc gia như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản… Và kìa, một tòa nhà bề thế, tuy có tên là Maison des étudiants de l’Asie du Sud-Est - Nhà sinh viên Đông Nam Á, nhưng kiến trúc mang đậm dấu ấn Việt Nam.

    Mái nhà và mái hiên viền ngói lưu ly kiểu dáng cung đình Việt Nam.


    Từ xa, tôi nhận ra những mái nhà hình mái đao, xuất hiện trên một cao ốc 5 tầng, khoác áo màu vàng kem. Đặc biệt, “ngự trị” trên tầng cao nhất là một bức bích họa chạm nổi đầu rồng oai phong to lớn. Chao ôi, đấy chính là biểu tượng Lạc Long và cũng là dấu hiệu đế vương thường thấy ở các kiến trúc xưa của đất nước con Rồng cháu Tiên.

    Đáng chú ý, các bộ phận của đầu rồng cùng dải mây uốn lượn bên dưới có màu xanh-đỏ-tím-vàng-nâu mang phong cách “ngũ sắc”, rất Huế! Mặt khác, đầu rồng ngậm một chiếc khung kính khắc chữ Thọ, theo kiểu chữ Nho viết cách điệu.

    Loại hoa văn quý phái ấy chỉ có ở các dinh thự, đền đài, lăng tẩm của Việt Nam cổ điển.

    Tượng rồng ở bậc thềm.


    Thêm nữa, hình ảnh rồng còn xuất hiện ngay tại bậc thềm dẫn vào sảnh đón khách của tòa nhà. Tại đây, sừng sững một bức tượng rồng hùng tráng được đặt dọc theo cầu thang lên xuống, dáng dấp rất giống với kiểu rồng uy nghi tại bậc thềm điện Kính Thiên ở hoàng thành Thăng Long. Song thay vì cúi xuống, rồng lại ngẩng đầu chào đón khách, đầy vẻ thân thiện!

    Bích họa chạm nổi đầu rồng nhìn từ dưới lên.


    Bước vào tầng một tòa nhà, khách bị lôi cuốn ngay bởi Grand Salon - gian tiếp tân, được thiết kế như trong một cung điện Huế. Chỉ trong khoảng 100m2, gian này thấm đậm không khí vương giả Việt Nam với những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy và các khung gỗ trang trí màu nâu đậm.

    Trần nhà được trang trí bởi những hoa văn cách điệu từ chữ Nho, còn sàn nhà, thay cho gạch xưa, được lát gỗ và đánh vernir bóng loáng. Một chiếc đèn bát giác lớn đặt ở trần nhà tỏa ra ánh sáng vàng ấm cúng, càng làm không gian Grand Salon thêm huyền ảo.\

    Cận ảnh đầu rồng (ảnh tư liệu).


    Gần cầu thang dẫn lên lầu, khách gặp lại hình ảnh rồng trên các bức bích họa khổ lớn. Bức tranh miêu tả hai con rồng vàng cùng bay lên hướng về một quả châu. Chân của cặp rồng quắp lấy một ô tròn có chữ Thọ lồng bên trong.

    Trong khi ấy, ở bức vách kế cận màu son đỏ, lại có một cặp tranh đăng đối màu nhũ vàng, đúng kiểu vàng son hoàng gia Á Đông. Hai bức tranh khắc nổi hình cây đào và cây mai với hoa trái và chim hạc, rất thanh nhã. Giữa bức vách là khung cửa sổ lồng kính, có những họa tiết đơn giản mà trí tuệ.

    Trước bức vách, người ta đặt một bức tượng Phật cổ màu nhũ nâu, tạo thêm vẻ tôn nghiêm, thành kính. 

    Bên trong thư phòng Nhà Rồng.


    Kề bên gian tiếp tân là một thư phòng, nơi đặt tủ sách và một bàn làm việc lớn. Toàn bộ cửa, câu đối, bảng ghi và ngay cả tủ sách đều mang màu son đỏ. Thư phòng có bảng tên bằng chữ Nho là Khang Ninh - nghĩa là mạnh khỏe và an vui. Bên trong phòng ở chính diện cũng có một khung chữ Nho lớn, đề từ Dương Thanh Tại Chi - thanh xuân còn đó.

    Ở một góc phòng có khung tranh họa đồ của tòa nhà, nét bút vẽ trắng đen. Tôi lần giở một vài quyển sách đóng bìa da xưa cổ, tưởng như đang được tĩnh tâm trong chốn “quân tử” xa xưa. Thế nhưng Nhà Rồng còn dành cho tôi một bất ngờ lớn, vừa mang tính hiện đại vừa gần gũi với một thời xa vắng.

    Bức tranh của danh họa Việt

    Rất kỳ thú, bên trong tòa nhà còn có một không gian thể hiện nét dân dã mộc mạc của đời thường. Ngay tại sảnh đón khách có một bức tranh sơn dầu thật lớn, chiếm hẳn một bức tường. Trong tranh là hình ảnh làng quê miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX, với những nét điển hình như nhà mái ngói, nhà mái tranh, sân gạch, cây cau, cây mít…

    Nhân vật trong tranh là một thiếu phụ vấn khăn, mặc áo tứ thân, ngồi ôm một cháu bé có tóc để chỏm. Cả hai mẹ con đang ngắm người con lớn ngồi say sưa đọc sách bên cạnh một thiếu niên nằm ngửa cũng đang mở sách trên tay. Thật là một khung cảnh an nhiên, phản chiếu nếp sống xưa của người dân Việt siêng làm và siêng học! Tác giả bức tranh với gam màu đằm thắm và hình ảnh huyền diệu ấy là ai? 

    Ở góc dưới bên trái bức tranh có hàng chữ viết: Lê Phổ - Hà Nội, 1929. Ôi, đó là họa sĩ Lê Phổ, bậc thầy về tranh lãng mạn hiện đại Việt Nam, theo phong cách Đông Tây kết hợp. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong bộ tứ danh họa Việt Nam, sống ở Pháp, lừng danh khắp thế giới (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).

    Bức tranh của họa sĩ Lê Phổ.


    Hai tháng trước, tôi hân hạnh vừa được xem một số bức tranh của bộ tứ danh họa tại khách sạn Grand Hyatt ở Sài Gòn. Tại đây, người xem thích thú chiêm ngưỡng những bức tranh của Lê Phổ khắc họa hình ảnh phụ nữ Việt mảnh mai trong tà áo dài duyên dáng. Tranh của ông như hình ảnh những nàng tiên ẩn hiện trong một cõi thánh thiện, vừa thực vừa mơ. Các tác phẩm của Lê Phổ như chuỗi ngọc quý đang lộ diện, ngày càng trở nên đắt giá. Gần đây, bức tranh Thé et Sympathie - Trà và cảm xúc được đấu giá hơn một triệu đô la Mỹ.

    Còn tại Nhà Rồng ở Paris, có lẽ bức tranh thôn quê cổ truyền của Lê Phổ là loại tranh thể hiện giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông mang đậm phong cách hiện thực. Đọc tiểu sử của Lê Phổ, ta được biết năm 1928, sau khi tốt nghiệp, ông có triển lãm chung với Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm tại Hà Nội. Có thể từ lúc ấy, tài năng của ông đã vang đến trời Tây, lọt vào “mắt xanh” những nhà thiết kế Cité và họ đã đặt hàng bức tranh này.

    Năm 1931, Lê Phổ được mời sang Pháp vẽ trang trí cho một số triển lãm và sau đó được học bổng đi học một năm tại Paris. Chắc là ông từng ở tại Cité và gặp lại tác phẩm của mình ở Nhà Rồng. Và phải chăng, ông đã tham gia tư vấn thiết kế nội thất cho tòa nhà có được đầy đủ linh hồn và vẻ đẹp cao quý của Việt Nam? Từ năm 1937 cho đến khi mất, Lê Phổ định cư và sáng tác ở thủ đô Pháp - giao lộ nghệ thuật lớn của thế giới.

    Nhận xét về bức tranh trên, bà Loan de Fontbrune, một chuyên gia tại Paris - sành sõi mỹ thuật Việt Nam, nói đây là một tác phẩm xuất sắc của Lê Phổ. Chưa rõ bức tranh lớn này sẽ được định giá thế nào nếu nay mai đưa ra đấu giá nhưng tôi chắc rằng đó là bức tranh vô giá, bởi nó là “báu vật trong báu vật”, một cổ vật nghệ thuật gắn liền với tòa nhà, không thể mua bán hay đổi chác! 

    Báu vật sắp tròn trăm tuổi

    Cách đây 29 năm, lần đầu đến Paris, khi đang đi học tại Anh, tôi may mắn vào ở tại Cité, theo dạng sinh viên quốc tế. Lúc ấy, Lê Nguyễn Minh Quang(*), nghiên cứu sinh tiến sĩ đang trọ học tại đây, giới thiệu tôi đặt phòng tại Nhà Canada trong hai tuần.

    Buổi sáng đầu tiên ở Cité, anh đưa tôi đi vòng cả khu vực rộng lớn gấp đôi diện tích vườn Tao Đàn - Sài Gòn. Bất ngờ, tôi sững sờ trông thấy từ xa hình ảnh đầu rồng ở ngôi nhà mang tên Đông Nam Á. Quang nói sinh viên ta ở Cité đều ngạc nhiên trước tòa nhà mang phong cách “đặc sệt” Việt Nam.

    Hỏi ra mới biết tên cũ của tòa nhà là Đông Dương, nơi ở của các sinh viên Việt, Lào, Campuchia thời Pháp thuộc. Thế nhưng, các bạn chưa có thời gian tìm hiểu lai lịch của tòa nhà. Phần tôi cũng vậy, bị cuốn hút bởi bao điều mới mẻ ở Paris hoa lệ nên để lỡ cơ hội truy tìm ngọn ngành của tòa nhà hay đẹp ấy.

    Bản gốc họa đồ tòa nhà sinh viên Đông Dương.


    Thế nên lần này, khi tóc đã hoa râm, trở lại Paris, tôi đưa Cité và Nhà Rồng vào địa chỉ các chốn xưa cần đến. Tại tòa nhà điều hành của Cité mang dáng dấp một lâu đài hùng vĩ, hiện có hẳn một gian triển lãm giới thiệu lịch sử của Cité. Triển lãm cho người xem “đi tour” các giai đoạn xây dựng và phát triển của Cité thông qua nhiều hình ảnh, văn bản sinh động và thuyết minh chi tiết. Hóa ra vào năm 1925, bảy năm sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, trong thời điểm hồi phục kinh tế, chính phủ Pháp đã nghĩ đến việc thành lập Cité.

    Đó không chỉ là ký túc xá của sinh viên quốc tế mà còn là địa điểm gặp gỡ giữa các giảng viên, trí thức đến từ nhiều châu lục. Nơi đây, các mầm non tinh hoa Pháp và các thuộc địa cũng như các nước tiên tiến được bảo trợ, cùng sinh hoạt và kết nối với nhau. Lập tức, ý tưởng win-win (các bên đều có lợi) đã được nhiều nước ủng hộ bằng cách xây dựng các tòa nhà mang tên quốc gia mình, làm nên “vương quốc thư sinh” quốc tế trong khuôn viên rộng lớn do Chính phủ Pháp hiến tặng. Tại Cité lần lượt mọc lên 40 tòa nhà mang tên nhiều quốc gia hay khu vực với nhiều kiểu dáng kiến trúc riêng biệt. 

    Tôi tin rằng trong tương lai gần, với sự hợp tác giữa hai chính phủ cùng các cựu sinh viên Việt Nam đã từng du học ở Paris và trên toàn nước Pháp, tòa Nhà Rồng ở Paris rực rỡ sẽ trở thành một địa chỉ lui tới thường xuyên của du khách bốn phương khi đến với Kinh đô Ánh sáng.

    Trong đó, Maison des étudiants de L’Indochine - Nhà sinh viên Đông Dương là một trong những tòa nhà có mặt sớm nhất và đẹp nhất. Tòa nhà được xây dựng vào tháng 7.1928, hoàn thành vào tháng 3.1930. Nó có đến 100 phòng ở, chia làm nhiều loại từ 9 -17m2 mỗi phòng. Ngoài gian sảnh đón khách, Grand Salon, nhà ăn chung, tòa nhà còn có một ngôi vườn thanh tịnh ở khu vực giếng trời. Sinh viên trọ học đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia và ngay cả người Pháp sinh trưởng ở Đông Dương. Kinh phí xây dựng do ngân sách Đông Dương (tiền thu thuế) và nhất là các doanh nghiệp ở Đông Dương cùng các cá nhân Việt, Pháp cung cấp.

    Vua Bảo Đại, khi đó là sinh viên tại Pháp cũng đã đóng góp 10.000 quan Pháp. Càng thú vị hơn, người thiết kế tòa nhà là hai kiến trúc sư Pháp - Pierre Martin và Maurice Vieu, đều là người gốc Marseilles. Có lẽ hai ông từng qua Đông Dương, hoặc có nhiều cộng sự Việt Nam rất uyên bác nên mới có được cảm hứng và hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa để làm nên tòa nhà độc đáo này. Cho đến nay, nhiều trang web kiến trúc và thiết kế của Pháp đều nói đến tòa nhà như một kiệt tác về phong cách kiến trúc hòa hợp Đông - Tây có mặt ngay tại Paris.

    Tác giả trước cửa tòa nhà hiện tại mang tên Nhà sinh viên Đông Nam Á.


    Chiến tranh Đông Dương kết thúc, tòa nhà đổi tên thành Đông Nam Á, tiếp nhận sinh viên nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Hiện tòa nhà được trùng tu một số lần, cố gắng giữ gìn nguyên bản các nét xưa từ trang trí bên ngoài đến nội thất. Vào năm 1992, một số cảnh của bộ phim Indochine với minh tinh Catherine Deneuve đã được quay tại nội thất tòa nhà. Giờ đây, khi đến thăm Nhà Rồng ở Paris, khách sẽ có niềm vui được khám phá một không gian Việt Nam xưa hiếm lạ. Và có lẽ không ít khách Việt sẽ bùi ngùi, thầm mong có một ngày “châu về hợp phố”: tên tòa nhà có thể đổi thành Nhà Việt Nam hay Nhà Việt - Pháp. 

    Theo tôi, tòa Nhà Rồng ở Paris rất cần và rất xứng đáng trở thành một không gian giao lưu văn hóa Việt - Pháp, văn hóa Đông - Tây kỳ thú. Những năm gần đây, Grand Salon của tòa nhà có lúc đã làm nơi triển lãm những bức ảnh màu chụp Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Nơi đây sẽ là nơi ra mắt sâu đậm tâm hồn Việt cho những cuộc triển lãm tranh ảnh hay giới thiệu sách Việt Nam xưa và nay. Hơn thế nữa, những lễ hội Tết Việt hay Trung thu hay những cuộc vinh danh di sản Việt giới thiệu với thế giới rất nên chọn mái nhà này làm nơi thực hiện.

    Tôi tin rằng trong tương lai gần, với sự hợp tác giữa hai chính phủ cùng các cựu sinh viên Việt Nam đã từng du học ở Paris và trên toàn nước Pháp, tòa Nhà Rồng ở Paris rực rỡ sẽ trở thành một địa chỉ lui tới thường xuyên của du khách bốn phương khi đến với Kinh đô Ánh sáng. Nhất là những du khách Việt Nam luôn giữ trong tim niềm tự hào về những giá trị Việt góp mặt với thế giới! 

    Nơi hội tụ tấm lòng và nhân tài 

    Theo nhiều tài liệu, Nhà sinh viên Đông Dương có phần đóng góp lớn của nhiều doanh nghiệp, cá nhân Pháp và Việt. Báo L’Echo Annamite cho biết cuộc vận động quyên góp đầu tiên diễn ra tại hội quán SAMIPIC ở Sài Gòn vào tháng 7.1927, đến cuối năm đã nhận được hơn 786.000 quan Pháp.

    Cũng theo báo này vào tháng 3.1931, khi tòa nhà mới hoạt động, đã tiếp nhận 95 sinh viên từ Đông Dương, bao gồm 34 sinh viên Nam kỳ, 10 Bắc kỳ, 2 Trung kỳ, 2 Lào, 2 Campuchia và 45 sinh viên Pháp sinh trưởng ở Đông Dương. Trong số này, 22 người học y, 32 học luật, 11 người học các ngành khoa học kỹ thuật, 9 người học các ngành nhân văn, 2 người học mỹ thuật. Số còn lại học các ngành khác.

    Một trong những sinh viên Pháp lớn lên tại Hà Nội từng ở Nhà Đông Dương, sau này trở thành chồng của Nữ hoàng Đan Mạch là ông Henri de Laborde de Monpezat.

    Bài và ảnh: Phúc Tiến

    __________________

    (*) Sau này, TS. Lê Nguyễn Minh Quang là tổng giám đốc một công ty xây dựng của Pháp ở Việt Nam và có thời gian làm Trưởng ban điều hành xây dựng metro tại TP.HCM.